PGS, TS VŨ QUANG VINH
Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

(TTKHCT) - Hiệp định Genève năm 1954 về Đông Dương là văn bản quốc tế đầu tiên công nhận độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Trong kháng chiến chống Pháp và nhất là kháng chiến chống Mỹ, Việt Nam luôn tự quyết định đường lối kháng chiến, hạn chế tối đa tác động của bên ngoài. Nhờ vậy, chúng ta có đường lối chủ động, đúng đắn và giành thắng lợi. Tuy nhiên, cũng có lúc chúng ta không phát huy được độc lập hoàn toàn như trong Hội nghị Genève về Đông Dương, các nước lớn chi phối Hội nghị, buộc chúng ta phải chấp nhận một số vấn đề trái với lợi ích của Việt Nam và các lực lượng yêu nước Lào, Campuchia.

Hội nghị Genève (Thụy Sỹ) năm 1954 bàn về lập lại hòa bình ở Đông Dương (Ảnh tư liệu)

1. Lợi ích của các bên tham gia hội nghị Genève năm 1954 về Đông Dương

 Hội nghị Genève năm 1954 về Đông Dương được tiến hành trong bối cảnh chiến tranh lạnh, do Mỹ và phương Tây phát động chống Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa, đang ở đỉnh cao. Ở Liên Xô, sau khi J.Xtalin - người đứng đầu Đảng và Nhà nước Liên Xô qua đời (3/1953), ban lãnh đạo mới điều chỉnh chính sách, chủ trương hòa hoãn với Mỹ và phương Tây, thi đua hòa bình để tập trung và phát triển đất nước. Trung Quốc, một nước viện trợ cho Việt Nam khá lớn trong cuộc kháng chiến chống Pháp xâm lược, bắt đầu thực hiện kế hoạch 5 năm lần thứ nhất phát triển kinh tế - xã hội. Ở Đông Dương, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược đã bước sang giai đoạn mới. Pháp bị thất bại liên tiếp, bị sa lầy, chính sách “dùng người Việt đánh người Việt, lấy chiến tranh nuôi chiến tranh” bế tắc và ngày càng lệ thuộc vào Mỹ. Tình hình đó tác động đến nội bộ nước Pháp, phong trào chống chiến tranh lan rộng, cả chính giới Pháp cũng đòi thương lượng với Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Trong bối cảnh đó, theo đề xuất của Liên Xô, ngoại trưởng tứ cường (gồm Liên Xô, Mỹ, Anh, Pháp) đã quyết định tổ chức Hội nghị Berlin (25/1 - 18/2/1954) để bàn vấn đề Đức, Áo. Hội nghị thất bại nên các nước lớn đã quyết định triệu tập hội nghị bàn về vấn đề Triều Tiên và Đông Dương theo sáng kiến của Liên Xô.

Về chủ trương của Việt Nam: Trong lúc nội tình của Pháp rối ren, lực lượng đòi chấm dứt chiến tranh có bước phát triển mới trong và ngoài nước Pháp. Pháp và Mỹ mặc cả gay gắt. Việt Nam nắm lấy ngọn cờ hòa bình để tập hợp lực lượng bên ngoài, cô lập các thế lực hiếu chiến, đẩy lùi một bước ý đồ lôi kéo Mỹ cùng Pháp tăng cường chiến tranh. Chúng ta nêu khẩu hiệu: chỉ có độc lập thống nhất thật sự mới có hòa bình. Việt Nam không phản đối các nước lớn triệu tập hội nghị Genève bàn về kết thúc chiến tranh ở Đông Dương, đồng thời đẩy mạnh hoạt động quân sự ở chiến trường.

Hội nghị Genève về Đông Dương thực chất là cuộc thương lượng giữa các nước lớn, có chín bên tham gia là tứ cường (Liên Xô, Mỹ, Anh, Pháp) và Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Quốc gia Việt Nam của Bảo Đại, Vương quốc Lào, Vương quốc Campuchia. Thành phần này do Liên Xô và Pháp đề xuất. Hội nghị diễn ra tại Genève, Thụy Sĩ từ ngày 08/5/1954 đến 21/7/1954, Ngoại trưởng Liên Xô và Ngoại trưởng Anh làm đồng chủ tịch.

Hội nghị ký ba hiệp định đình chỉ chiến sự ở Việt Nam, Lào, Campuchia và Tuyên bố cuối cùng gồm 13 điểm công nhận các quyền dân tộc cơ bản của nhân dân ba nước Đông Dương, tổ chức tuyển cử tự do bầu chính phủ thống nhất ở mỗi nước, Pháp rút quân, quân tình nguyện Việt Nam rút khỏi Lào và Campuchia, vĩ tuyến 17 là ranh giới tạm thời ở Việt Nam.

Các nước liên quan tới vấn đề Việt Nam có thái độ phù hợp với lợi ích của chính họ: Liên Xô thúc đẩy thi hành Hiệp định Genève, có lợi cho hòa bình Đông Nam Á, thế giới, có lợi cho chiến lược hòa hoãn với Mỹ, không muốn nước ta đấu tranh vũ trang ở miền Nam. Trung Quốc thúc đẩy thi hành Hiệp nghị Genève, viện trợ khôi phục kinh tế miền Bắc; đối với miền Nam, họ khuyên ta trường kỳ mai phục vì lo ngại đấu tranh vũ trang sẽ kéo Trung Quốc đụng đầu với Mỹ một lần nữa. Pháp chuẩn bị sớm rút quân khỏi Đông Dương; giữa năm 1955 Pháp rút xong nhưng “phủi” trách nhiệm là một bên ký Hiệp định Genève.

Trong hội nghị này, Trung Quốc đã thúc đẩy để đưa đến giải pháp lâu dài là chia cắt Việt Nam. Mục tiêu lớn của Trung Quốc là chấm dứt chiến tranh, có được hòa bình bằng mọi giá và phải kéo Việt Nam vào cuộc. Ngay từ khi Chiến tranh Triều Tiên kết thúc, Trung Quốc đã nghĩ đến giải pháp cho vấn đề Đông Dương. Ngày 24/8/1953, Thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai tuyến bố: đình chiến Triều Tiên có thể dùng làm mẫu mực cho những xung đột khác. Từ ngày 08/9/1953 đến 14/9/1953, đài Bắc Kinh và Côn Minh đều nói đến khả năng chấm dứt chiến tranh Đông Dương theo kiểu Triều Tiên. Nhân dân nhật báo đăng xã luận hoan nghênh quyết định của hội nghị tứ cường ở Berlin, triệu tập hội nghị Genève về Triều Tiên và Đông Dương1. Ngày 23/6/1954, Thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai và Thủ tướng mới của Pháp là Mendès France hội đàm tại Bern (Thụy Sĩ) thương lượng giải pháp cho vấn đề Đông Dương nói chung, trong đó có vấn đề Việt Nam. Hai bên trao đổi về vấn đề phân vùng, thống nhất Việt Nam, vấn đề Lào, Campuchia, điểm lại những nội dung hội nghị đã thỏa thuận, đề nghị mới sáu điểm của Trung Quốc ngày 16/6/1954, và yêu cầu của Trung Quốc là không để Liên hợp quốc can thiệp vào cuộc xung đột, Mỹ không được đặt căn cứ quân sự ở Đông Dương, v.v.. Thủ tướng Mendès France nhất trí sẵn sàng gặp Phó Thủ tướng Phạm Văn Đồng, song cũng sớm để lộ ý đồ đi đến giải pháp mà không chấp nhận tổng tuyển cử, không muốn bàn vấn đề chính trị. Đánh giá về cuộc gặp, tác giả Tiền Giang viết: “… cuộc gặp gỡ đầu tiên của thủ tướng hai nước Trung, Pháp đạt được đồng thuận, đó là một đột phá trọng đại trong tiến trình hội nghị Genève, hai bên cảm thấy hài lòng”2. Theo ông Hà Văn Lâu - thành viên Đoàn đàm phán của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - thì đây là “giải pháp khung không bàn trước với Việt Nam về việc chia cắt Việt Nam thành hai miền cùng tồn tại hòa bình”3. Sau cuộc gặp, Thủ tướng Mendès France chỉ thị cho đoàn Pháp: tập kết hai bên ở vĩ tuyến 18, trung lập hóa các địa phận công giáo ở bên trong khu vực của Việt Minh, chiếm giữ Hải Phòng càng lâu càng tốt.

 Tại cuộc gặp với Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Liễu Châu, Trung Quốc (03 - 05/7/1954), phía Trung Quốc đã biết yêu cầu của chúng ta là giải pháp chính trị, tổng tuyển cử là 6 tháng, ranh giới tạm thời ít nhất là vĩ tuyến 164, song Thủ tướng Chu Ân Lai không đòi Pháp chấp nhận yêu cầu của Việt Nam; ngược lại, lại lấy lập trường của Pháp để thuyết phục, muốn chúng ta nhượng bộ. Trước đó, ngày 08/6/1954, Thủ tướng Chu Ân Lai cho rằng đề án phân vùng của chúng ta là quá cao (vĩ tuyến 14), khuyên chúng ta mềm dẻo. Ngoài ra, để thúc đẩy Việt Nam sớm nhận giải pháp chia cắt theo quan điểm của Pháp, Trung Quốc luôn đưa khả năng Mỹ can thiệp vào chiến tranh Đông Dương để tác động chúng ta, trong lúc chúng ta chưa có điều kiện nghiên cứu kỹ khả năng can thiệp của Mỹ. Trên thực tế, lúc đó Mỹ không có khả năng can thiệp và không có ý định can thiệp quân sự trực tiếp vào Đông Dương5. Lý do: thứ nhất, chiến tranh Triều Tiên vừa mới kết thúc và Mỹ chết và bị thương khoảng 180.000 người, trong đó số chết là 54.200 người. Nếu lại đưa quân đi tham chiến chắc chắn sẽ bị dư luận Mỹ sẽ phản đối; thứ hai, qua chiến tranh Triều Tiên, Mỹ rút ra một bài học: chớ có chạm trán với Trung Quốc ở lục địa châu Á; thứ ba, Đảng Cộng hòa lúc đó có chính sách quốc phòng mới được gọi là “New look”. Nội dung của “Cách nhìn mới” là chỉ được dùng không quân và hải quân trong chiến tranh, không được đưa bộ binh tham chiến. Chính quyền Tổng thống Aixenhao đã nhiều lần thăm dò các nghị sĩ khả năng sử dụng bộ binh song đều bị bác. Mặt khác, Mỹ cố gắng lập khối SEATO để can thiệp tập thể bằng quân sự cũng không thành công do Anh, Pháp phản đối. Tuy nhiên, với mưu đồ tiếp tục can thiệp sâu vào Đông Dương, trước những diễn biến tại hội nghị có lợi cho Mỹ, trong khi Tuyên bố cuối cùng được tám đoàn ký kết, thì đoàn Mỹ không ký, mà chỉ ra tuyên bố riêng công nhận. Động thái này chứng tỏ Mỹ muốn can thiệp lâu dài vào Đông Dương, chuẩn bị điều kiện để hất cẳng Pháp, biến miền Nam Việt Nam thành thuộc địa kiểu mới và căn cứ quân sự của đế quốc Mỹ.

 Về thành công của Hội nghị: (1) Pháp và các bên tham gia hội nghị thừa nhận các quyền dân tộc cơ bản của nhân dân Việt Nam, Lào, Campuchia là độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ; (2) Pháp phải chấp nhận giải pháp toàn diện cả về quân sự, chính trị, cả ở Việt Nam, Lào và Campuchia. Theo đó, Pháp phải chấm dứt chiến tranh xâm lược, rút hết quân, chấm dứt chế độ thực dân ở Đông Dương. Mỗi nước sẽ tổ chức tổng tuyển cử thành lập chính phủ thống nhất; (3) các nước không được đưa quân đội, nhân viên quân sự, vũ khí vào Đông Dương, không được lập căn cứ quân sự nước ngoài, không được tham gia liên minh quân sự, không cho nước ngoài sử dụng lãnh thổ để gây chiến sự hoặc phục vụ cho một chính sách xâm lược; (4) một nửa nước Việt Nam từ vĩ tuyến 17 trở ra Bắc được giải phóng, vĩ tuyến 17 chỉ là giới tuyến quân sự tạm thời, Lào có hai tỉnh để lực lượng kháng chiến tập kết.

2. Đôi điều suy ngẫm

 Trung Quốc đóng vai trò to lớn trong việc giải quyết vấn đề Lào, Campuchia; tách vấn đề Việt Nam khỏi vấn đề Lào, Campuchia; rút quân đội nước ngoài khỏi Lào, Campuchia, trong đó có quân tình nguyện Việt Nam. Trong giai đoạn đầu, theo thông lệ của hội nghị quốc tế, các đại biểu thảo luận về chương trình nghị sự và trình bày quan điểm lập trường của mình về giải pháp cho vấn đề Đông Dương. Đoàn Pháp, trong phát biểu ngày 8/5/1954 nêu lập trường năm điểm về vấn đề Việt Nam và bốn điểm về vấn đề Lào, Campuchia tán thành việc đình chiến, song chỉ chấp nhận giải quyết các vấn đề quân sự, không bàn vấn đề chính trị; tách vấn đề Lào, Campuchia và Việt Nam. Trong phát biểu ngày 10/5/1954, Trưởng đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa Phạm Văn Đồng nêu lập trường tám điểm khẳng định phải bàn cả vấn đề quân sự và vấn đề chính trị; cả vấn đề Việt Nam, Lào, Campuchia vì Đông Dương là một chiến trường, ba dân tộc đã phối hợp với nhau cùng chống kể thù chung là xâm lược Pháp; phân vùng lãnh thổ cho việc tập kết lực lượng vũ trang Việt Nam Dân chủ Cộng hòa cũng như đối với Phathet Lào.

Quan điểm hai đoàn trái ngược nhau. Tình hình rất căng thẳng và đồng chủ tịch hội nghị quyết định lấy cả hai bài phát biểu làm cơ sở thảo luận. Tuy nhiên, sau hơn một tháng thương lượng, hội nghị mới đạt được một số kết quả khiêm tốn, một số nguyên tắc chung và lâm vào bế tắc do đoàn Pháp không nhân nhượng trong việc giải quyết vấn đề chính trị. Trong bối cảnh đó, Trung Quốc có “sáng kiến” tách vấn đề Lào, Campuchia, Việt Nam; rút quân đội nước ngoài, nhất là quân tình nguyện Việt Nam khỏi Lào và Campuchia thỏa mãn lập trường của Pháp và các nước phương Tây. Ngày 16/6/1954, Thủ tướng Chu Ân Lai trong cuộc họp đã đưa đề nghị sáu điểm: (1) đình chiến đồng thời ở Lào, Campuchia và Việt Nam; (2) đại diện Bộ chỉ huy các bên thương lượng trực tiếp ở Genève và tại chỗ ở Đông Dương về đình chiến ở Lào, Campuchia; (3) sau đình chiến không được đưa nhân viên quân sự và vũ khí mới vào Lào, Campuchia; (4) kiểm soát quốc tế mở rộng sang Lào, Campuchia; (5) trao đổi tù binh và thường dân; (6) không được khủng bố người hợp tác với đối phương6. Lập trường của Trung Quốc không nói gì đến vấn đề chính trị, tổng tuyển cử và Pháp rút quân7.

Ngày 20/6/1954, Thủ tướng Chu Ân Lai đã gặp Ngoại trưởng Campuchia Tep Phan, Bộ trưởng Ngoại giao Vương quốc Lào Sananikones nêu ý tưởng sẵn sàng công nhận hai nước và thuyết phục Việt Nam rút quân8. Trước đó, trong các cuộc gặp với Trưởng đoàn Anh (16/6/1954), Trưởng đoàn Pháp (17/7/1954), về vấn đề Lào và Campuchia, Thủ tướng Chu Ân Lai đưa ra nhiều nhượng bộ quan trọng. Trung Quốc sẽ thuyết phục Việt Nam rút quân khỏi hai nước này và Trung Quốc sẵn sàng công nhận Vương quốc Lào và Vương quốc Campuchia, miễn là không có căn cứ quân sự Mỹ. Trung Quốc chấp nhận Việt Nam có hai chính quyền, từ bỏ yêu cầu có đại diện lực lượng kháng chiến Lào và Canpuchia tham gia đàm phán, đồng ý khu vực tập kết của Phathet Lào ở biên giới với Trung Quốc, đề xuất nguyên tắc rút quân đội ngước ngoài, trong đó có quân tình nguyện Việt Nam9. Trong báo cáo trực tiếp với Thủ tướng Chu Ân Lai khi quay trở lại Genève, ngày 12/7/1954 trước khi gặp Trưởng đoàn Việt Nam Phạm Văn Đồng, Phó Trưởng đoàn Trung Quốc Trương Văn Thiên đã phê phán Việt Nam đòi giữ quân tình nguyện của mình ở Lào và Campuchia là “xuất khẩu cách mạng” và cho rằng Lào và Campuchia dựa vào Việt Minh, lực lượng bên ngoài thì không thể tiến hành cách mạng được. Đồng thời, Trương Văn Thiên kiến nghị “đi sâu bàn bạc trao đổi, đánh thông tư tưởng họ (Việt Nam Dân chủ Cộng hòa), thì có thể đẩy đàm phán tiến lên”10. Trung Quốc đã thuyết phục Liên Xô, Việt Nam về vấn đề Lào, Campuchia. Như vậy, thực chất quan điểm của Trung Quốc là muốn Việt Nam có hai chính quyền, công nhận Vương quốc Lào và Vương quốc Campuchia.

Việt Nam đã kiên trì đấu tranh để lực lượng kháng chiến Lào, Campuchia được tham gia hội nghị và giải quyết vấn đề Lào, Campuchia có lợi cho cách mạng hai nước ngay cả khi họp nội bộ với Liên Xô, Trung Quốc và tại Genève trong các phiên ngày 8, 10 và 18/5/1954 và suốt hội nghị. Nhưng cố gắng của Việt Nam không đem lại kết quả khi ngay cả đồng minh của Việt Nam cũng không ủng hộ.

Với những lí do đó, hội nghị còn một số hạn chế trong bảo vệ lợi ích của Lào và Campuchia: lực lượng kháng chiến Lào và Campuchia đã không được tham dự hội nghị; về phân chia vùng tập kết, Việt Nam buộc phải chấp nhập vĩ tuyến 17, không phản ánh đúng so sánh tương quan lực lượng. Lào chỉ có được một vùng tập kết ở Bắc Lào giáp Trung Quốc. Lực lượng kháng chiến Campuchia lại không có vùng tập kết, phải phục viên tại chỗ, gây hiểu lầm giữa Đảng Campuchia và Đảng Cộng sản Việt Nam, nhất là ngay trong đồng minh của Việt Nam lúc đó cũng có tiếng nói không cùng quan điểm: “Những mâu thuẫn chiếm vai trò chủ đạo trong thời gian hội nghị Genève là mâu thuẫn dân tộc giữa thực dân Pháp và nhân dân ba nước Đông Dương. Mâu thuẫn giữa Việt Nam và Lào, Campuchia chỉ xếp ở vị trí thứ hai, tuy rằng ý tưởng “Liên bang Đông Dương” có ảnh hưởng đến các hoạt động của Đoàn đại biểu Việt Nam tại Genève”11.

Vẫn còn những ý kiến khác nhau về một số kết quả của Hiệp định Genève, nhưng có thể thấy Hiệp định Genève về “chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương” được dư luận rộng rãi trên thế giới hoan nghênh, nhận rõ quyết tâm giành độc lập tự do của nhân dân ta, thiện chí hòa bình, mong muốn giải quyết xung đột thông qua thương lượng hòa bình của Đảng và Nhà nước Việt Nam.

Hội nghị Trung ương lần thứ 6 (7/1954) đánh giá, do tình hình thế giới và trong nước, chủ trương của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Bộ Chính trị dùng phương pháp thương lượng là hoàn toàn đúng đắn. Trong Lời kêu gọi ngày 22/7/1954, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ: “Hội nghị Genève đã kết thúc. Ngoại giao ta đã thắng lợi to (…). Chúng ta giành được thắng lợi to lớn cũng là do nhân dân các nước bạn, nhân dân Pháp và nhân dân yêu chuộng hòa bình thế giới ủng hộ cuộc đấu tranh chính nghĩa của ta”12. Nghị quyết Bộ Chính trị Trung ương Đảng Lao động Việt Nam (9/1954) nhận định: hội nghị Genève đi đến thỏa thuận lập lại hòa bình ở Đông Dương, ký kết hiệp định đình chiến ở Việt Nam, Lào và Campuchia làm cho miền Bắc hoàn toàn giải phóng, tạo điều kiện thuận lợi cho công cuộc hòa bình kiến thiết nước Việt Nam sau này. Đại hội lần thứ III của Đảng (1960) càng khẳng định: việc lập lại hòa bình ở Đông Dương, giải phóng miền Bắc Việt Nam và đặt cơ sở pháp lý cho việc thống nhất Việt Nam là một thắng lợi của nhân dân ta, đồng thời là thắng lợi của phe xã hội chủ nghĩa, hòa bình và dân chủ trên thế giới.

Tại hội nghị ngoại giao lần thứ III (14/1/1964), Chủ tịch Hồ Chí Minh phân tích: “Sau kháng chiến, đến Hội nghị Genève năm 1954, lúc đó thì ngoại giao của ta đã thành quốc tế rồi. Ta đã có Liên Xô, Trung Quốc và các anh em khác giúp đỡ. Lúc đó, trong nước ta thắng, nên ngoài nước cũng thắng, nó ảnh hưởng lẫn nhau (…) Hồi đó, nếu ta không nhận hòa bình thì tức là mắc mưu Mỹ. Tất nhiên thắng lợi thu được cũng là do mình có Điện Biên Phủ, ngoài ra, lại còn có sự giúp đỡ của các nước anh em nữa”13.

Về Hiệp định Genève, bên cạnh những thắng lợi được khẳng định vẫn còn có điều băn khoăn như: sau chiến thắng Điện Biên Phủ, thế và lực của Pháp bị suy yếu, ta có cần ký kết hiệp định hòa bình lúc này chưa? Giới tuyến tạm thời đặt ở vĩ tuyến 17 và thời hạn tổng tuyển cử là 2 năm có tương xứng với thắng lợi trên chiến trường và ưu thế chính trị mà đại đa số nhân dân giành sự ủng hộ cho Chính phủ Hồ Chí Minh? Việc tổng tuyển cử nếu thực hiện ngay thì có thể dễ dàng thắng lợi, còn để hai năm sau mới tổng tuyển cử thì Mỹ sẽ có đủ thời gian thực hiện ý đồ chia cắt lâu dài Việt Nam. Về vấn đề này, Chủ tịch Hồ Chí Minh thẳng thắn nhận xét: “… có người thấy thắng luôn, muốn đánh bừa, đánh đến cùng, họ chỉ thấy cây không thấy rừng, chỉ thấy Pháp rút mà không thấy âm mưu của chúng; chỉ thấy Pháp không thấy Mỹ; thiên về tác chiến, xem khinh ngoại giao. Họ không biết rằng ở chiến trường ta cũng đấu tranh, ở hội nghị quốc tế ta cũng đấu tranh để đi đến mục đích chung”14.

Với Hiệp định Genève về Đông Dương, lần đầu tiên có một văn bản quốc tế công nhận độc lập, chủ quyền của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Những hạn chế của Hiệp định Genève về Đông Dương đã được quán triệt, khắc phục thành công tại Hội nghị Paris về Việt Nam, buộc: “Hoa Kỳ và các nước công nhận và cam kết tôn trọng các quyền dân tộc cơ bản của nhân dân Việt Nam (Điều 1)”15. Và như vậy, Hiệp định Genève về Đông Dương về cơ bản đã hoàn thành nhiệm vụ lịch sử của nó trong tiến trình cách mạng Việt Nam.

---------
Bài viết được đăng trên Tạp chí Thông tin khoa học chính trị số 3 (39) - 2024

1 Học viện Quan hệ quốc tế: Đấu tranh ngoại giao trong cách mạng dân tộc dân chủ, Hà Nội, 2002, tr.483.

2, 8, 9, 10 Tiền Giang: Chu Ân Lai và Hội nghị Genève, Nxb Lịch sử Đảng Cộng sản Trung Quốc, Bắc Kinh 2005 (Bản dịch của Ban Lịch sử Ngoại giao, Bộ Ngoại giao), 2008, tr.312, 293 - 296, 269 - 273, 357.

3, 7 Phát biểu của ông Hà Văn Lâu tại Hội thảo về hội nghị Genève ngày 27/7/2004, tr.22, 22.

4 Bộ Ngoại giao: Ngoại giao Việt Nam 1945 - 2000, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2002, tr.154.

5 Phát biểu của ông Lưu Đoàn Huynh tại Hội thảo về hội nghị Genève ngày 27/7/2004, tr.51.

6 Bộ Ngoại giao: Hiệp định Genève - 50 năm nhìn lại, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2008, tr.303 - 304.

11 Tạ Ích Hiển (chủ biên): Lịch sử Ngoại giao Trung Quốc đương đại (1949 - 2001), tài liệu dịch lưu tại Thư viện Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam, tr.56.

12 Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t.9, tr.1.

13 Học viện Quan hệ quốc tế: Bác Hồ nói về ngoại giao, Hà Nội, 2000, tr.11.

14 Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.8, tr.553.

15 Nguyễn Phúc Luân (chủ biên): Ngoại giao Việt Nam hiện đại vì sự nghiệp giành độc lập, tự do (1945 - 1975), Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2001, tr.294.