PGS, TS NGUYỄN XUÂN PHONG
Học viện chính trị khu vực IV
(TTKHCT) - Bài viết phân tích quá trình Nguyễn Ái Quốc ra đi tìm đường cứu nước, giác ngộ lý tưởng cộng sản; từ đó, làm rõ sự sáng tạo, vai trò của Nguyễn Ái Quốc trong việc mở lớp huấn luyện chính trị, truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin vào Việt Nam; tạo tiền đề mở ra bước ngoặt của cách mạng Việt Nam - sự kiện thành lập Đảng Cộng sản vào ngày 03/02/1930.
Nguyễn Ái Quốc đào tạo cán bộ cho cách mạng ở Quảng Châu (11/1924)_ Tranh minh họa
Nguyễn Ái Quốc, Hồ Chí Minh - Anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hóa kiệt xuất của Việt Nam. Người là biểu tượng của tinh hoa và khí phách dân tộc Việt Nam. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành trọn cuộc đời cho sự nghiệp đấu tranh giành độc lập của Tổ quốc, tự do, hạnh phúc của nhân dân; người chiến sĩ cộng sản quốc tế mẫu mực và người bạn thân thiết của các dân tộc tiến bộ trên toàn thế giới. Người nói: “Tôi chỉ có một ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành”1 và “Cả đời tôi chỉ có một mục đích, là phấn đấu cho quyền lợi Tổ quốc, và hạnh phúc của quốc dân. Những khi tôi phải ẩn nấp nơi núi non, hoặc ra vào chốn tù tội, xông pha sự hiểm nghèo - là vì mục đích đó”2. Để hiện thực hóa khát vọng này, Người từng bước giác ngộ lý tưởng cộng sản đối với các thanh niên ưu tú và tích cực mở lớp huấn luyện chính trị, truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin vào Việt Nam, tạo tiền đề cho sự ra đời Đảng Cộng sản.
1. Nguyễn Ái Quốc giác ngộ lý tưởng cộng sản
Vào những năm cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX ở Việt Nam, các khuynh hướng cứu nước trên lập trường nông dân, phong kiến, tư sản... đều bế tắc. Các phong trào đấu tranh diễn ra vô cùng sôi nổi nhưng đều bị thất bại; cách mạng Việt Nam lâm vào khủng hoảng về đường lối giải phóng dân tộc, giải phóng đất nước. Nguyên nhân thất bại là do cách mạng Việt Nam thiếu đường lối đúng đắn, thiếu tổ chức và lực lượng cần thiết. Vì thế, để giành độc lập và giải phóng dân tộc, cách mạng Việt Nam cần lựa chọn con đường mới phù hợp với điều kiện của đất nước và xu thế của thời đại. Trong khi đó, thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917, chủ nghĩa Mác - Lênin từ lý luận đã trở thành hiện thực, mở ra một thời đại mới: thời đại cách mạng chống đế quốc, thời đại giải phóng dân tộc. Cách mạng Tháng Mười Nga là tấm gương sáng trong việc giải phóng các dân tộc bị áp bức.
Trong hoàn cảnh ấy, Nguyễn Tất Thành - Nguyễn Ái Quốc xuất hiện như một tất yếu lịch sử, đáp ứng yêu cầu bức thiết của cách mạng Việt Nam. Ngày 05/6/1911, người thanh niên yêu nước đầy nhiệt huyết Nguyễn Tất Thành đã rời Sài Gòn để trải nghiệm, kiếm tìm con đường, lý thuyết chính trị để lãnh đạo giải phóng dân tộc mình. Người xác định: “Tôi muốn đi ra nước ngoài xem nước Pháp và các nước khác. Sau khi xem xét họ làm như thế nào, tôi sẽ trở về giúp đồng bào chúng ta”3. Những giá trị nhân đạo và ánh sáng của cuộc Cách mạng tư sản Pháp khi Nguyễn Tất Thành được học ở Quốc học Huế thiêng liêng và ngưỡng vọng là vậy, nhưng khi Người đến chính quốc thì thực tế khác hoàn toàn trái ngược với những điều đã được học trước đó. Người đã nhận thức được rằng: thực dân Pháp đã “gieo rắc một nền giáo dục đồi bại, xảo trá và nguy hiểm hơn cả sự dốt nát; chỉ dạy cho họ một lòng “trung thực” giả dối, chỉ dạy cho họ biết sùng bài những kẻ mạnh hơn mình, dạy cho thanh niên yêu một Tổ quốc không phải là Tổ quốc của mình và đang áp bức mình. Nền giáo dục ấy dạy cho thanh niên khinh rẻ nguồn gốc dòng giống mình. Nó làm cho thanh niên trở nên ngu ngốc”4. Trong quá trình ra đi tìm đường cứu nước, Người đã tìm hiểu các cuộc cách mạng trên thế giới, từ đó đi đến kết luận: “Cách mệnh Pháp cũng như cách mệnh Mỹ, nghĩa là cách mệnh tư bản, cách mệnh không đến nơi, tiếng là cộng hoà và dân chủ, kỳ thực trong thì nó tước lục công nông, ngoài thì nó áp bức thuộc địa. Cách mệnh đã 4 lần rồi, mà nay công nông Pháp hẵng còn phải mưu cách mệnh lần nữa mới hòng thoát khỏi vòng áp bức”5.
Cuối năm 1920, Nguyễn Ái Quốc là đại biểu duy nhất của Đông Dương được cử đi dự Đại hội toàn quốc lần thứ XVIII của Đảng xã hội Pháp ở thành phố Tua6. Trong lời phát biểu tại Đại hội, Nguyễn Ái Quốc tố cáo mạnh mẽ đế quốc, thực dân đã gây ra bao nhiêu tội ác đối với nhân dân Đông Dương. Nguyễn Ái Quốc đề nghị: “Đảng Xã hội cần phải hoạt động một cách thiết thực để ủng hộ những người bản xứ bị áp bức... Đảng phải tuyên truyền chủ nghĩa xã hội trong tất cả các nước thuộc địa...”7. Cuối tháng 12/1920, Nguyễn Ái Quốc tham gia Quốc tế Cộng sản (Quốc tế III). Người đã tham gia sáng lập Đảng Cộng sản Pháp và trở thành người Cộng sản Việt Nam đầu tiên. Hoạt động gần ba năm với Đảng Cộng sản Pháp, trong bất cứ cuộc họp, tiếp xúc nào, Nguyễn Ái Quốc cũng luôn đề cập vấn đề thuộc địa, vấn đề dân tộc ở Đông Dương. Trong các bài báo, các trước tác của mình, Nguyễn Ái Quốc đều dẫn dắt độc giả trở về với vấn đề các dân tộc bị áp bức. Bằng những hoạt động đó, Nguyễn Ái Quốc đã gieo hạt giống cách mạng rộng khắp, đấu tranh không mệt mỏi cho quyền lợi của các dân tộc thuộc địa. Người đã đọc Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa của V.I.Lênin đăng trên báo L’Humanité (Nhân đạo) của Đảng Xã hội Pháp vào ngày 16 - 17/7/1920. Sau này, nhớ lại niềm sung sướng khi đọc bản Luận cương đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kể lại: “Luận cương của Lênin làm cho tôi rất cảm động, phấn khởi, sáng tỏ, tin tưởng biết bao? Tôi vui mừng đến phát khóc lên. Ngồi một mình trong buồng mà tôi nói to lên như đang nói trước quần chúng đông đảo: “Hỡi đồng bào bị đọa đày đau khổ! Đây là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con đường giải phóng chúng ta!”. Từ đó, tôi hoàn toàn tin theo Lênin, tin theo Quốc tế thứ ba”8. Đây chính là lý do quan trọng mà Người lựa chọn học thuyết Mác - Lênin và quyết định ủng hộ Quốc tế Cộng sản. Điều này thể hiện quan điểm rất thực tế của Nguyễn Ái Quốc. Cũng trong bối cảnh này, có nhiều nhân sỹ trí thức Việt Nam yêu nước ở Pháp lúc bấy giờ như Phan Chu Trinh, Phan Văn Trường, Khánh Ký... họ không thể rũ bỏ được ý thức hệ tư tưởng cũ để bắt nhịp cùng dòng thác cách mạng vô sản. Từ đây, con đường yêu nước của Nguyễn Ái Quốc đã có kim chỉ nam, đó là chủ nghĩa Mác - Lênin. Được soi đường bởi học thuyết chính trị Mác - Lênin, Nguyễn Ái Quốc đã xác định: phải “trở về nước, đi vào quần chúng, thức tỉnh họ, đoàn kết họ, huấn luyện họ, đưa họ ra đấu tranh giành tự do độc lập”9.
2. Sự sáng tạo của Nguyễn Ái Quốc trong việc truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin vào Việt Nam
Sứ mệnh lịch sử là giải phóng dân tộc đã được đặt lên vai Nguyễn Ái Quốc. Người đã xác định việc phải đi theo và vận dụng chủ nghĩa Mác - Lênin vào hoàn cảnh Việt Nam một cách sáng tạo. Chủ nghĩa Mác - Lênin sẽ vạch đường cho cách mạng Việt Nam từng bước đi lên, tiến tới giành thắng lợi hoàn toàn. Tuy nhiên, bây giờ truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin vào Việt Nam qua lực lượng nào? Bằng cách nào? và ở đâu? Đây là những câu hỏi vô cùng khó khăn đặt ra phải trả lời.
Khi nhận được sứ mệnh lịch sử cao cả: truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin vào Việt Nam, đây quả là một thách thức đối với Nguyễn Ái Quốc. Nếu như ở châu Âu, học thuyết Mác - Lênin được truyền bá trực tiếp vào giai cấp công nhân (ở châu Âu, giai cấp công nhân đã có sự phát triển ở trình độ đại công nghiệp cơ khí, với trình độ này họ có khả năng tiếp cập được những nguyên lý Cộng sản một cách dễ dàng). Còn đối với đội ngũ giai cấp công nhân ở Việt Nam lúc bấy giờ rất khác so với giai cấp công nhân ở châu Âu. Giai cấp công nhân Việt Nam số lượng ít, trình độ thấp. Công nhân Việt Nam chủ yếu là công nhân đồn điền, trồng cao su và công nhân khai thác mỏ với công cụ lao động thô sơ. Phần lớn công nhân Việt Nam xuất thân từ nông dân10. Họ chưa từng gắn với công nghiệp cơ khí, phần lớn là không biết chữ. Với trình độ đội ngũ công nhân Việt Nam như vậy làm sao có thể tiếp thu được học thuyết Mác - Lênin? Hơn nữa việc truyền bá tư tưởng chính trị này luôn bị mật thám lùng sục, bắt bớ, do đó đòi hỏi phải hết sức bí mật. Ý thức được đầy đủ những khó khăn này, Nguyễn Ái Quốc xác định việc truyền bá học thuyết Mác - Lênin vào Việt Nam không thể trực tiếp tới giai cấp công nhân mà phải thông qua lực lượng trung gian đó là thanh niên trí thức yêu nước.
Từ đây, Nguyễn Ái Quốc cho rằng: vấn đề mở các lớp huấn luyện được đặt ra đầu tiên nhằm truyền bá học thuyết chính trị tiến bộ vào phong trào yêu nước. Đội ngũ thanh niên trí thức yêu nước - những người có học, có trình độ, sẽ tiếp thu nhanh chóng học thuyết Mác - Lênin trong điều kiện bí mật để từ đó truyền bá vào Việt Nam. Ý tưởng mở lớp huấn luyện cán bộ để truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin được nung nấu trong Nguyễn Ái Quốc. Sau khi được tiếp thu lý luận chính trị Mác - Lênin ở Liên Xô, ngày 11/11/2024, Người tới Quảng Châu - trung tâm cách mạng dân tộc của nhân dân Trung Quốc. Tại đây Người đã bắt liên lạc với những người Việt Nam yêu nước trong tổ chức Tâm Tâm xã. Sau đó, Nguyễn Ái Quốc cải tổ Tâm Tâm xã thành Cộng sản đoàn11. Tháng 6/1925 với nòng cốt là các thành viên của Cộng sản đoàn, Nguyễn Ái Quốc thành lập Hội Việt Nam Cách mạng thanh niên. Để tuyên truyền, Hội đã ra đời tờ báo Thanh niên - cơ quan ngôn luận của Hội và mở lớp đào tạo, huấn luyện cán bộ. Lớp học chính trị đầu tiên mang ý nghĩa lịch sử đã ra đời. Lớp học là sự gặp gỡ giữa Nguyễn Ái Quốc - người đang khao khát đi tìm lực lượng để “gieo mầm Cộng sản” và tổ chức của những thanh niên yêu nước Việt Nam đang sẵn sàng tiếp nhận những điều mới mẻ, tích cực và cách mạng nhất để thực hiện một khát vọng lớn lao cho cả dân tộc. Cuộc hội ngộ lịch sử đó đã ra đời Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên một tổ chức tiền thân làm cơ sở để ra đời các tổ chức đảng chính trị sau đó ở Việt Nam. Từ đó tiến đến sự hợp nhất để hình thành Đảng Cộng sản Việt Nam. Nói một cách khác, sự ra đời của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên là kết quả của sự hội tụ hai khuynh hướng tư tưởng lớn: tư tưởng giải phóng đất nước khỏi ách đế quốc thực dân và tư tưởng phải có một Đảng mác-xít để lãnh đạo phong trào cách mạng trong nước.
Từ năm 1925 - 1927, nhiều thanh niên yêu nước từ khắp mọi miền Tổ quốc, cả Việt kiều ở Xiêm đã đến Quảng Châu (Trung Quốc) dự các lớp huấn luyện chính trị. Tính đến tháng 4/1927, Nguyễn Ái Quốc đã mở được 10 lớp cho khoảng trên 250 người. Đây chính là những hạt giống đỏ được trang bị học thuyết chính trị tiến bộ mà Nguyễn Ái Quốc đã chuẩn bị cho cách mạng Việt Nam. Tuyệt đại đa số học viên sau khi học xong được trở về Việt Nam và Xiêm hoạt động. Họ trở thành những tuyên truyền viên tích cực và thành lập các tổ chức cách mạng trong nước mình. Trong điều kiện vô vàn khó khăn dưới sự thống trị của thực dân Pháp, những người được huấn luyện tại Quảng Châu là một “phương tiện tuyên truyền sống” rất hữu hiệu đối với việc truyền bá học thuyết chính trị Mác - Lênin vào quần chúng lao động ở Việt Nam.
Từ đội ngũ thanh niên yêu nước này, học thuyết chính trị cách mạng được Việt hóa, cụ thể hóa, đơn giản hóa để phù hợp với trình độ dân trí (còn quá thấp) trong nước. Những bài giảng của Nguyễn Ái Quốc trong lớp huấn luyện chính trị ở Quảng Châu được tập hợp thành cuốn Đường Kách mệnh. Đây là tài liệu chứa đựng nội dung cơ bản của đường lối cách mạng Việt Nam đã được Nguyễn Ái Quốc sáng tạo phù hợp với thực tiễn. Đường Kách mệnh chỉ rõ những nhiệm vụ quan trọng, thiết yếu với đồng bào, Người đã viết: “Mục đích sách này là để nói cho đồng bào ta biết rõ: (1) Vì sao chúng ta muốn sống thì phải cách mệnh. (2) Vì sao cách mệnh là việc chung cả dân chúng chứ không phải việc một hai người. (3) Đem lịch sử cách mệnh các nước làm gương cho chúng ta soi. (4) Đem phong trào thế giới nói cho đồng bào ta rõ. (5) Ai là bạn ta? Ai là thù ta? (6) Cách mệnh thì phải làm thế nào? (...) Sách này chỉ ước ao sao đồng bào xem rồi thì nghĩ lại, nghĩ rồi thì tỉnh dậy, tỉnh rồi thì đứng lên đoàn kết nhau mà làm cách mệnh”12. Nguyễn Ái Quốc đã nắm vững thực chất học thuyết chính trị và thực tiễn cách mạng trong nước để Người biến những vấn đề hết phức tạp, khó hiểu của học thuyết Mác - Lênin (không chỉ phức tạp về nội dung và cả trong sự trình bày - khi gặp học thuyết Mác - Lênin, Nguyễn Ái Quốc đã nói đây là học thuyết ở châu Âu mà châu Âu không phải là cả thế giới) thành những vấn đề vắn tắt, dễ hiểu, dễ nhớ, phù hợp với trình độ của một đất nước nông nghiệp lạc hậu, xã hội thuộc địa nửa phong kiến. Giáo trình Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam nhận định: Đường Kách mệnh là cuốn sách “phác thảo đường lối cứu nước của Nguyễn Ái Quốc” và chỉ ra nội dung gồm sáu vấn đề: (1) chỉ có cách mạng vô sản là cách mạng triệt để, vì lợi ích của đại đa số dân chúng; (2) mục tiêu và con đường đi lên của cách mạng Việt Nam; (3) về lực lượng cách mạng; (4) về phương pháp cách mạng; (5) đoàn kết quốc tế; (6) cách mạng trước hết phải có Đảng cách mạng. Từ việc phân tích sáu nội dung trên, các tác giả cuốn sách tiếp tục nhận định: “Không những Nguyễn Ái Quốc nắm vững thực chất chủ nghĩa Mác - Lênin, mà ngay từ đầu đã biết vận dụng chủ nghĩa Mác - Lênin một cách sáng tạo, phù hợp với đặc điểm của nước mình”13.
Học thuyết chính trị Mác - Lênin được Nguyễn Ái Quốc vận dụng thành các bài giảng trong tập Đường Kách mệnh. Tư tưởng này thông qua các thanh niên trí thức bằng đường bộ, đường biển về Bắc, Trung, Nam kỳ ở Việt Nam. Học thuyết Mác - Lênin trong Đường Kách mệnh được phổ biến khắp cả nước dưới nhiều hình thức: những bản in ở Quảng Châu; ở trong nước, có địa phương như tỉnh An Giang, tài liệu này được ngụy trang dưới hình thức kinh Phật (có tựa là Đạo Nam kinh) để che mắt mật thám. Nguyễn Ái Quốc đã dành hầu hết thời gian cho lớp huấn luyện từ khâu giảng bài cho đến việc dự nghe học viên thảo luận, thực hiện chương trình ngoại khoá như tham quan, thâm nhập thực tế của cách mạng Quảng Châu lúc đó. Trong hồi ức của mình, Lê Mạnh Trinh đã viết: Mỗi học viên chúng tôi phải đóng vai người tuyên truyền, những người khác ngồi nghe và hỏi lại. Sau đó chúng tôi góp ý kiến bài diễn thuyết và những câu hỏi. Hồ Tùng Mậu và Lê Hồng Sơn cũng được tham gia công việc này với tư cách là giảng viên trợ giảng. Như vậy, theo chương trình học tập, các học viên ở đây được trang bị những vấn đề rất cơ bản của học thuyết Mác - Lênin, về những nguyên tắc hoạt động cách mạng, về những kỹ năng thực hành của người cách mạng. Đây chính là sự sáng tạo, bí quyết thắng lợi của Nguyễn Ái Quốc trong việc tập huấn cho cán bộ truyền chủ nghĩa Mác - Lênin vào Việt Nam. Đội ngũ thanh niên trí thức yêu nước được tiếp thu chủ nghĩa Mác - Lênin đã mang về vận dụng, truyền bá vào Việt Nam lại được sáng tạo thêm một lần nữa. Việc truyền bá cho công nhân diễn ra vào bất cứ lúc nào như những lúc nghỉ ngơi, rảnh rỗi, đi làm, buổi tối trước khi đi ngủ. Truyền bá dưới nhiều hình thức như tuyên truyền miệng, tài liệu văn bản. Từ đây, một “trường học” mới của những người công nhân, của những người yêu nước được hình thành, một kiểu trường học rất cơ động, đặc biệt từ thầy, trò, nội dung đến địa điểm, cơ sở vật chất đều đặc biệt... Sự “đặc biệt” này phù hợp với điều kiện thực tiễn chính trị đặc biệt của Việt Nam.
Bằng sự sáng tạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tư tưởng cách mạng vô sản được truyền vào Việt Nam một cách hiệu quả. Từ đây, học thuyết Mác - Lênin trở thành vũ khí tinh thần cho lực lượng cách mạng Việt Nam. Đây là cơ sở quan trọng để hình thành Đảng chính trị nhằm tập hợp lực lượng, lãnh đạo phong trào cách mạng trong nước. Việc truyền bá học thuyết Mác - Lênin một cách sáng tạo của Nguyễn Ái Quốc là cơ sở để giai cấp công nhân Việt Nam tuy ít về số lượng, trình độ thấp, nhưng có thể tiếp thu những nguyên lý, luận điểm căn bản trong học thuyết cách mạng một cách rõ ràng. Từ đây, học thuyết Mác - Lênin thâm nhập sâu vào xã hội, là điều kiện cơ bản để ra đời ba tổ chức Đảng chính trị quan trọng ở Bắc, Trung, Nam kỳ - tiền thân để ra đời Đảng chính trị của giai cấp công nhân làm nhiệm vụ lãnh đạo cuộc cách mạng độc lập dân tộc, dân chủ và chủ nghĩa xã hội ở Đông Dương và Việt Nam.
---------
Bài đăng trên Tạp chí Thông tin khoa học chính trị số 1 (43) - 2025
1 Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t.15, tr.627.
2 Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.4, tr.272.
3 Trần Dân Tiên: Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch, Nxb Văn học, Hà Nội, 1970, tr.11.
4, 7, 9 Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t.1, tr.424, 35, 209.
5, 12 Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.2, tr.296, 283.
6 Đại hội tổ chức từ ngày 25 đến ngày 30/12/1920 tại thành phố Tua (Tours).
8 Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.12, tr.562.
10 Việt Nam lúc đó 95% dân số là nông dân, ít học, phần nhiều mù chữ, không biết chủ nghĩa Cộng sản là gì.
11 Cộng sản đoàn do Nguyễn Ái Quốc thành lập gồm 9 người: Lý Thụy, Lê Hồng Sơn, Hồ Tùng Mậu, Lê Hồng Phong, Lê Quảng Đạt, Lâm Đức Thụ, Vương Thúc Oánh, Lưu Quốc Long và Lâm Văn Dĩnh.
13 Hội đồng Trung ương chỉ đạo biên soạn giáo trình quốc gia các bộ môn khoa học Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh: Giáo trình Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam (Tái bản có sửa chữa, bổ sung), Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2004, tr.39.