TS NGUYỄN HUY PHÒNG
Học viện Chính trị khu vực IV
(TTKHCT) - Khoa học, công nghệ ngày càng giữ vai trò quan trọng trong xây dựng và phát triển văn hóa, con người của các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Bài viết phân tích và đánh giá thực trạng việc phát huy vai trò khoa học, công nghệ trong xây dựng, phát triển văn hóa, con người ở Việt Nam thời gian qua; từ đó, đề xuất một số giải pháp cho thời gian tới.
Ứng dụng chuyển đổi số trong phát huy giá trị các di sản văn hóa_Nguồn: Trang thông tin điện tử tổng hợp Ban Chính sách, chiến lược Trung ương
Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị khóa XIII nhấn mạnh: “Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo góp phần quan trọng xây dựng, phát triển giá trị văn hóa, xã hội, con người Việt Nam”1. Những năm qua, việc ứng dụng hiệu quả thành tựu của khoa học, công nghệ đã đem lại những kết quả tích cực trong xây dựng, phát triển văn hóa, con người Việt Nam. Tuy nhiên, trong bối cảnh mới, việc ứng dụng khoa học, công nghệ trong phát triển văn hóa, con người Việt Nam đối diện với không ít khó khăn, thách thức. Phát huy những kết quả đạt được, khắc phục những điểm nghẽn, đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ là một trong những giải pháp quan trọng để xây dựng, phát triển văn hóa, con người Việt Nam, đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh và bền vững trong kỷ nguyên mới.
1. Vai trò của khoa học, công nghệ đối với xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam
Thứ nhất, khoa học, công nghệ có vai trò trong việc gìn giữ và lan tỏa các giá trị văn hóa truyền thống
Khoa học, công nghệ đã và đang trực tiếp trở thành lực lượng vật chất tham gia đắc lực trong công tác bảo tồn, gìn giữ di sản văn hóa truyền thống trước những tác động của yếu tố thời tiết, khí hậu, thời gian; đưa những giá trị văn hóa truyền thống đến gần hơn với công chúng thông qua mạng xã hội, môi trường số. Hiện nay, việc ứng dụng khoa học, công nghệ được nhiều quốc gia ưu tiên, dành nhiều nguồn lực để đầu tư, khai thác và phát huy hiệu quả “vốn văn hóa”. Bằng việc ứng dụng những thành tựu khoa học, công nghệ, nhiều quốc gia trên thế giới như Trung Quốc, Hàn Quốc đã đem đến diện mạo, sức sống mới cho các sản phẩm văn hóa truyền thống.
Thứ hai, khoa học, công nghệ có vai trò trong thúc đẩy sự sáng tạo và giao lưu, tiếp biến văn hóa
Khoa học, công nghệ không chỉ tham gia vào quá trình bảo tồn, lan tỏa những giá trị văn hóa truyền thống mà còn góp phần sáng tạo ra các sản phẩm văn hóa mới, thúc đẩy quá trình giao lưu, tiếp biến văn hóa. Một trong những tác động tích cực của khoa học, công nghệ đối với lĩnh vực văn hóa, đó là góp phần hình thành nên những con người mới, có tư duy, trí tuệ, có tinh thần năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám dấn thân và không ngừng đổi mới. Họ không chỉ có những cống hiến, sáng tạo về khoa học thuần túy mà còn cung cấp ý tưởng, phát minh sáng tạo trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật. Khoa học, công nghệ, đặc biệt là sự phát triển của Internet, trí tuệ nhân tạo (AI) đã mở rộng không gian sáng tạo, thực hành và tiếp nhận các sản phẩm và dịch vụ văn hóa, kể cả các giá trị văn hóa nước ngoài, của người dân, góp phần phát triển con người toàn diện, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại.
Thứ ba, khoa học, công nghệ có vai trò trong định hướng sự phát triển của nền văn hóa, con người Việt Nam trong thời kỳ mới
Sự phát triển của khoa học, công nghệ, nhất là những lợi thế của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã thúc đẩy sự ra đời và phát triển các ngành công nghiệp văn hóa ở Việt Nam. Các ngành công nghiệp văn hóa được xác định là một bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế quốc dân, dựa trên sự sáng tạo, khoa học, công nghệ và bản quyền trí tuệ; khai thác tối đa yếu tố kinh tế của các giá trị văn hóa. Ngành công nghiệp văn hóa tạo ra các sản phẩm, dịch vụ văn hóa đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, thưởng thức văn hóa của người dân, tạo ra giá trị, lợi nhuận kinh tế, giải quyết công ăn việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân góp phần thúc đẩy sự phát triển của đất nước.
Phát triển công nghiệp văn hóa dựa trên nền tảng của khoa học, công nghệ sẽ góp phần quảng bá văn hóa, vẻ đẹp đất nước, con người Việt Nam ra thế giới. Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng hiện nay, khoa học, công nghệ đang hiện diện và thẩm thấu vào mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó có lĩnh vực văn hóa. Khoa học, công nghệ sẽ rút ngắn khoảng cách phát triển, giúp các quốc gia, dân tộc xích lại gần nhau hơn, từ đó tạo điều kiện thuận lợi để Việt Nam tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, bồi đắp và làm giàu đẹp thêm nền văn hóa dân tộc.
Việc ứng dụng và làm chủ khoa học, công nghệ sẽ góp phần nâng cao trình độ dân trí, để mỗi người dân Việt Nam chủ động, tích cực trong tiếp nhận những giá trị văn hóa mới đến từ bên ngoài, đồng thời khoa học, công nghệ còn góp phần nhận diện, cảnh báo và đẩy lùi những xuất bản phẩm độc hại, những tư tưởng xấu độc, cực đoan; bảo vệ cái chân, thiện, mỹ, đảm bảo an ninh văn hóa và an ninh con người.
2. Thực trạng phát huy vai trò của khoa học, công nghệ trong xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam
2.1. Những thành tựu đạt được
Những năm qua, ở Việt Nam, khoa học và công nghệ đã mang đến cho văn hóa những luồng sinh khí mới, điều đó được thể hiện ở những phương diện sau:
Thứ nhất, bảo tồn, gìn giữ và lan tỏa giá trị các di sản văn hóa trên không gian mạng, môi trường số
Việt Nam là đất nước có nền văn hóa đặc sắc, kết tinh ở hệ thống di sản văn hóa phong phú, đa dạng về chủng loại, số lượng. Để trao truyền di sản cho thế hệ sau, các thế hệ đi trước đã sáng tạo ra nhiều biện pháp, cách thức để bảo tồn, tôn tạo, gìn giữ tính nguyên vẹn, nguyên gốc của di sản. Tuy nhiên, thời gian, chiến tranh, quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa, sự chuyển giao thế hệ... đã tác động tiêu cực đến quá trình tồn tại, phát triển của di sản, nhất là di sản văn hóa phi vật thể; khiến nhiều di sản đứng trước nguy cơ mai một, thất truyền.
Nhận thức rõ về các nguy cơ, những tác động xấu đến di sản, ngành văn hóa đã có nhiều nỗ lực, sáng tạo trong việc đẩy mạnh ứng dụng thành tựu của khoa học, công nghệ nhằm số hóa di sản. Số hóa di sản thể hiện rõ nhất qua việc ứng dụng công nghệ thông tin trong kiểm kê, sưu tầm, ghi lại những nghi lễ, phong tục tập quán, nghề thủ công truyền thống, các hình thức diễn xướng dân gian, các di tích lịch sử văn hóa... Với những ưu thế, tính năng vượt trội của công nghệ 3D, 4D, 5D, dữ liệu lớn (Big Data) đã giúp các nhà nghiên cứu văn hóa, các nhà dân tộc học ghi chép, phản ánh, tái hiện những nét sinh hoạt văn hóa độc đáo của các tộc người.
Việc số hóa di sản ở nước ta bắt đầu từ năm 2004 khi một nhóm kiến trúc sư trẻ tiến hành dự án phục dựng hình ảnh phố cổ Hà Nội bằng công nghệ 3D. Năm 2016, Nguyễn Trí Quang cho ra mắt video clip sử dụng công nghệ thực tế ảo (VR3D) tái hiện không gian đình Tiền Lệ (huyện Hoài Đức). Bằng công nghệ VR3D, người xem có thể tương tác, xoay lật mọi góc nhìn để quan sát hiện trạng di tích một cách cụ thể trong không gian 3 chiều. Công trình của Nguyễn Trí Quang đã mở ra những triển vọng cho xu hướng ứng dụng công nghệ vào bảo tồn di sản văn hóa. Cuối năm 2020, nhóm Sen Heritage đã giới thiệu tới công chúng công trình “Khám phá di sản kiến trúc chùa Một Cột - Diên Hựu thời Lý bằng công nghệ thực tế ảo”.
Nhận thấy những hiệu ứng tích cực trong việc ứng dụng công nghệ trong số hóa di sản, nhiều tỉnh, thành, nhiều trung tâm bảo tồn di tích, bảo tàng đã có nhiều cách làm hay, sáng tạo trong việc kết hợp hài hòa giữa yếu tố công nghệ và di sản, văn hóa. Hàng loạt các bảo tàng như Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đã tiên phong trong việc ứng dụng công nghệ 3D trong các hoạt động giới thiệu, trưng bày, giáo dục về giá trị của di sản văn hóa. Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế triển khai ứng dụng (App) hướng dẫn tham quan “Di tích Huế”, ứng dụng công nghệ VR3D, quét mã QR Code để xem thông tin hiện vật, xem hiện vật bằng tương tác - Model 3D và xoay 360 độ; phục dựng Hoàng thành bằng công nghệ số; scan số hóa 3D Lăng vua Tự Đức công bố trên nền tảng Google Arts & Cultural/Open Heritage... Đồng thời, Trung tâm đã phối hợp cùng các công ty công nghệ số triển khai số hóa 3D khoảng 11.000 cổ vật, hiện vật. Gần đây, những đổi mới trong hoạt động khám phá, trải nghiệm tại Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Văn Miếu - Quốc Tử Giám trên nền tảng của khoa học, công nghệ (công nghệ 3D Mapping, âm thanh, ánh sáng) đã tạo ra sức hấp mới cho di tích, mang lại những trải nghiệm độc đáo, thú vị cho du khách trong và ngoài nước. Nhờ ứng dụng công nghệ 4.0, Văn Miếu - Quốc Tử Giám có thể tạo ra hệ thống trợ lý du lịch ảo ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI), tham quan ảo 3D Văn Miếu - Quốc Tử Giám trên Internet, trải nghiệm Văn Miếu - Quốc Tử Giám bằng công nghệ thực tế ảo VR360, trải nghiệm tương tác 3D với những di sản tiêu biểu như bia tiến sĩ, tái hiện không gian Văn Miếu - Quốc Tử Giám những thế kỷ trước bằng công nghệ thực tế ảo 3D... Đồng thời, việc số hóa tạo ra một kho dữ liệu giúp lưu trữ một cách lâu dài những hình ảnh, thông tin về toàn bộ di tích, từ những kiến trúc, trang trí, hệ thống bia đá... cho đến những nội dung về truyền thống khoa cử, truyền thống hiếu học hay thân thế, sự nghiệp của những vị khoa bảng...
Với những ưu thế vượt trội của công nghệ, nhất là những thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 trong hoạt động bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa, tháng 12/2021, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 2026/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình số hóa Di sản văn hóa Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030. Quyết định đề ra mục tiêu: 100% các di sản văn hóa vật thể, phi vật thể và di sản tư liệu được UNESCO ghi danh; 100% các di tích quốc gia đặc biệt được số hóa và ứng dụng trên các nền tảng số; 100% các bảo vật quốc gia, các di sản trong Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia được số hóa và ứng dụng trên các nền tảng số; 100% người làm công tác chuyên môn trong ngành di sản văn hóa được đào tạo, đào tạo lại, cập nhật các kiến thức, kỹ năng chuyển đổi số2. Đây là một trong những căn cứ pháp lý quan trọng để các tỉnh, thành phố, các khu di tích đẩy mạnh việc ứng dụng khoa học, công nghệ để từng bước số hóa di sản văn hóa, thích ứng với bối cảnh, điều kiện mới của đất nước.
Thứ hai, nâng cao năng lực nhận thức, sáng tạo của đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ trong giao lưu, tiếp biến văn hóa
Cùng với sự phát triển của đời sống kinh tế, chính trị, xã hội, đội ngũ văn nghệ sĩ ngày càng trưởng thành, lớn mạnh với sự gia tăng về số lượng cũng như chất lượng, trình độ chuyên môn, tay nghề ngày càng được nâng cao. Theo số liệu của Bộ Khoa học và Công nghệ, “năm 2019, đội ngũ trí thức trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật, thể thao vui chơi và giải trí hiện có khoảng 54.729 trí thức, trong đó có khoảng 17.903 trí thức có trình độ trung cấp (chiếm tỷ lệ 32,52%); trình độ cao đẳng có khoảng 15.722 trí thức (chiếm khoảng 28.55%)trình độ thạc sĩ có khoảng 1.635 trí thức (2.97%), trình độ tiến sĩ và trên tiến sĩ có 331”3.
Về số lượng đội ngũ văn nghệ sĩ, tính đến thời điểm hiện tại “có hơn bốn vạn người, bao gồm 5 thế hệ thuộc các dân tộc anh em, vùng miền trong cả nước; hoạt động trong các chuyên ngành: văn học, kiến trúc, sân khấu, mỹ thuật, âm nhạc, nhiếp ảnh, điện ảnh, văn nghệ dân gian, văn nghệ các dân tộc thiểu số; sinh hoạt trong 10 Hội chuyên ngành trung ương và 63 Hội Văn học nghệ thuật các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong toàn quốc”4.
Sự trẻ hóa của đội ngũ với những tài năng nghệ thuật mới xuất hiện, am hiểu đời sống thực tiễn, nhạy bén trong nắm bắt các xu thế phát triển của đời sống xã hội, từng bước làm chủ khoa học, công nghệ, có nhiều hoạt động tích cực trong việc truyền thông, quảng bá các tác phẩm nghệ thuật, nhất là trên môi trường, không gian mạng, góp phần quan trọng trong việc tạo ra các xu hướng, trào lưu mới cho xã hội, nhất là trong đời sống của giới trẻ.
Trong việc hình thành những ý tưởng sáng tạo, cho ra đời những tác phẩm mới, bên cạnh lực lượng chủ đạo (các nhà văn, nhà thơ, nhà biên kịch, đạo diễn) là sự tham gia tích cực của các nghệ sĩ, ca sĩ, diễn viên. Bằng sức trẻ và khả năng thích ứng, tương tác trên mạng xã hội, kỹ năng sử dụng và làm chủ công nghệ thông tin, các nghệ sĩ trẻ đã góp phần quan trọng trong việc bảo tồn, gìn giữ những nét đẹp văn hóa truyền thống; đồng thời, đưa những giá trị văn hóa truyền thống và hiện đại đến gần hơn với công chúng. Sự ra đời của những ý tưởng sáng tạo, những tác phẩm nghệ thuật mới trên nền tảng của công nghệ, kỹ thuật số đã mang lại những hiệu ứng mới lạ, độc đáo, làm phong phú đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân.
Thứ ba, phát triển sáng tạo những giá trị văn hóa trong thời đại mới
Một là, ứng dụng khoa học, công nghệ phát triển du lịch văn hóa. Du lịch được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn dựa vào việc khai khác nguồn tài nguyên văn hóa phong phú, đa dạng. Nếu không kể thời gian gián đoạn do đại dịch COVID-19, du lịch Việt Nam luôn tăng trưởng với những con số ấn tượng về lượng khách trong và ngoài nước năm sau luôn tăng hơn năm trước.
Ngày nay, với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học, công nghệ, ngành du lịch đã tích cực trong chuyển đổi số, ứng dụng hiệu quả thành tựu khoa học, công nghệ trong hoạt động kinh doanh, quảng bá, tiếp thị các sản phẩm, dịch vụ du lịch. Các thông tin về địa điểm du lịch, nhà hàng, khách sạn, điểm đến đều được truyền tải sinh động, hấp dẫn bằng nhiều ngôn ngữ, hình ảnh, được quảng bá, giới thiệu trên nhiều kênh truyền thông, nhất là trên môi trường số. Nhiều công ty lữ hành du lịch, nhiều tỉnh thành phố có thế mạnh về phát triển du lịch, các điểm đến di sản đã xây dựng, hình thành các chuyên trang về du lịch với những thông tin thời sự, cập nhật, mang lại cho du khách những tiện nghi, tiện ích, qua đó giới thiệu, quảng bá về vẻ đẹp đất nước, con người Việt Nam đến với bạn bè quốc tế.
Hai là, ứng dụng khoa học, công nghệ trong hoạt động nghệ thuật biểu diễn và điện ảnh. Nghệ thuật biểu diễn bao gồm sân khấu, âm nhạc, múa và các hình thức diễn xướng dân gian từ truyền thống đến hiện đại. Đây là loại hình nghệ thuật tổng hợp, kết hợp các yếu tố của nhiều loại hình nghệ thuật khác, tác động trực tiếp đến tư tưởng, tình cảm, hành động của công chúng nghệ thuật. Loại hình nghệ thuật biểu diễn thường diễn ra khi màn đêm buông xuống vì thế các nghệ sĩ, đạo diễn từ sớm đã tận dụng những ưu thế của công nghệ, kỹ xảo như ánh sáng, hình ảnh, âm thanh, phục trang nhằm đem đến cho khán giả những màn trình diễn, những tác phẩm sân khấu sinh động, hấp dẫn. Nhiều chương trình biểu diễn nghệ thuật được các công ty, đơn vị tổ chức sự kiện đầu tư lớn với sân khấu hoành tráng, công nghệ âm thanh, ánh sáng hiện đại, mang đến những cảm giác mới lạ cho công chúng, như: các sự kiện Lễ hội pháo hoa quốc tế, Lễ hội ánh sáng, Chương trình hòa nhạc ánh sáng, Lễ hội áo dài, Sân khấu thực cảnh Tinh hoa Bắc Bộ; Chương trình truyền hình thực tế về âm nhạc như: Anh trai vượt ngàn chông gai, Anh trai say hi; các lễ hội (liên hoan) âm nhạc quốc tế tại Việt Nam; các chương trình nghệ thuật biểu diễn của các nhóm, ban nhạc nước ngoài, điển hình như hai đêm diễn của nhóm Black Pink tại Sân Vận động quốc gia Mỹ Đình năm 2023; các chương trình trình diễn nghệ thuật ánh sáng bằng drone (máy bay không người lái)... đã đem đến không gian thưởng thức nghệ thuật mới lạ, độc đáo, hấp dẫn, thu hút sự quan tâm đặc biệt của giới trẻ, thổi một luồng gió mới trong hoạt động nghệ thuật.
Cùng với nghệ thuật biểu diễn, điện ảnh là loại hình nghệ thuật tổng hợp tác động trực tiếp đến khán giả qua hình ảnh, hành động, lời thoại của nhân vật. Sự phát triển của điện ảnh không chỉ phụ thuộc vào yếu tố kịch bản, đạo diễn, diễn viên mà còn chịu tác động của yếu tố công nghệ, kỹ xảo. Sự phát triển của khoa học, công nghệ có vai trò to lớn, trở thành động lực cho sự phát triển của điện ảnh. Ngày nay trên môi trường mạng, các bộ phim mới không ngừng xuất hiện với tần xuất lớn, được công chiếu trên các nền tảng trực tuyến. Bên cạnh đó là sự sáng tạo của các bạn trẻ trong sản xuất các video clip ngắn với những góc nhìn, cảnh quay độc đáo, mới lạ, hấp dẫn, thu hút sự quan tâm, tìm hiểu của giới trẻ. Cũng chính nhờ truyền thông và môi trường số mà các nhà sản xuất phim tư nhân có cơ hội, điều kiện tiếp cận, nắm bắt tâm lí, thị hiếu của công chúng, từ đó cho ra đời những bộ phim mới, hay, hấp dẫn có ý nghĩa quảng bá rộng rãi để từng bước hình thành thị trường nghệ thuật phong phú, đa dạng.
Có thể nói, sự kết hợp hài hòa giữa văn hóa, nghệ thuật với khoa học, công nghệ đã tạo ra các chương trình, tác phẩm nghệ thuật mới lạ, độc đáo, hấp dẫn, đem lại những trải nghiệm thú vị cho công chúng.
2.2. Những khó khăn, thách thức
Bên cạnh thành tựu trong việc phát huy vai trò của khoa học, công nghệ đối với xây dựng, phát triển văn hóa, con người thời gian qua, Việt Nam cũng đang phải đương đầu với những khó khăn, thử thách.
Thứ nhất, tình trạng vi phạm, xâm phạm bản quyền
Khoa học, công nghệ và văn hóa liên quan trực tiếp đến những phát minh, sáng tạo của cá nhân, cần được bảo vệ bản quyền. Tuy nhiên, trên môi trường mạng xã hội, các thông tin, hình ảnh, thậm chí là các ý tưởng sáng tạo luôn đối diện với nguy cơ bị đánh cắp bản quyền. Tình trạng này diễn ra phổ biến, khó kiểm soát, tác động tiêu cực đến động lực sáng tạo và khát vọng cống hiến của trí thức, văn nghệ sĩ.
Thứ hai, thách thức trong gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc
Trước những tác động xấu đến từ mặt trái của quá trình toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế, Việt Nam đang đối mặt với nhiều thách thức trong việc gìn giữ bản sắc văn hóa trước sự lấn át của các xuất bản phẩm ngoại lai. Việc chạy theo những xu hướng, trào lưu, lối sống mới đến từ bên ngoài nếu không được kiểm soát, chọn lọc, cân bằng, định hướng tốt có thể dẫn đến tâm lí sính ngoại, xa rời những giá trị văn hóa truyền thống và cội nguồn dân tộc.
Thời gian qua, nhiều cá nhân, tổ chức ở nước ngoài đã lợi dụng truyền thông, công nghệ, kỹ xảo để cài cắm những chi tiết, hình ảnh, thông tin vào các sản phẩm văn hóa, nghệ thuật, trong đó chứa đựng nội dung nhạy cảm, xâm phạm chủ quyền, lãnh thổ quốc gia, xuyên tạc và sai lệch về truyền thống lịch sử dân tộc, đe dọa đến an ninh quốc gia, an ninh con người.
Công nghệ luôn luôn thay đổi, không có giới hạn và có những sức hấp dẫn mới. Chính sức hấp dẫn đó khiến nhiều bạn trẻ không làm chủ được nhận thức, hành vi, chạy đua với công nghệ để rồi bị công nghệ chi phối, lệ thuộc vào công nghệ, đánh mất đi những mối quan hệ đời thường, làm xơ cứng cảm xúc cá nhân.
3. Giải pháp phát huy vai trò của khoa học, công nghệ trong xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam hiện nay
Để phát huy vai trò của khoa học, công nghệ trong xây dựng, phát triển văn hóa, con người Việt Nam, khắc phục những khó khăn, thách thức, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp sau:
Thứ nhất, nâng cao nhận thức về vai trò của khoa học, công nghệ trong phát huy giá trị văn hóa và sức mạnh con người Việt Nam
Người nghệ sĩ và những người làm công tác văn hóa, văn nghệ cần nhận thức đầy đủ, sâu sắc về ưu thế, tính năng vượt trội của khoa học, công nghệ để vận dụng một cách hiệu quả vào hoạt động sáng tạo nghệ thuật; ứng dụng khoa học, công nghệ nhằm quảng bá vẻ đẹp đất nước, con người Việt Nam đến với bạn bè, du khách quốc tế; tránh tình trạng lạm dụng, lệ thuộc công nghệ, chạy theo tâm lí, thị hiếu nhất thời mà lãng quên, xa rời những giá trị văn hóa truyền thống.
Thứ hai, tiếp tục hoàn thiện, đổi mới thể chế về khoa học, công nghệ và văn hóa
Các cấp, các ngành cần cụ thể hóa các quan điểm chỉ đạo của Đảng về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia (Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị) thành cơ chế, chính sách pháp luật cụ thể, đưa khoa học, công nghệ thẩm thấu vào mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó có lĩnh vực văn hóa. Khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là yếu tố quyết định phát triển của các quốc gia; là điều kiện tiên quyết, thời cơ tốt nhất để Việt Nam phát triển giàu mạnh, hùng cường trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Bên cạnh đó, các cơ quan chuyên trách cần nhận diện, đánh giá đúng thực trạng, khắc phục những điểm nghẽn, rào cản; xây dựng cơ chế thông thoáng, đặc thù, chấp nhận những rủi ro, thất bại trong nghiên cứu khoa học, trong sáng tạo nghệ thuật; có chính sách đặc thù trong phát hiện, đào tạo, tuyển dụng và đãi ngộ đối với các trí thức, tài năng nghệ thuật, đảm bảo tính kế thừa, tiếp nối giữa các thế hệ; xây dựng chính sách tiền lương, khen thưởng, tôn vinh xứng đáng với những đóng góp, cống hiến của các nhà khoa học; đảm bảo môi trường làm việc tự do, dân chủ, khách quan, khoa học đối với các trí thức, văn nghệ sĩ để họ yên tâm công tác, cống hiến.
Thứ ba, tăng cường đầu tư nguồn lực cho lĩnh vực văn hóa và khoa học, công nghệ
Khoa học, công nghệ và văn hóa là hai lĩnh vực đề cao tính mới, tính sáng tạo, khả năng dự báo, vì thế Đảng và Nhà nước cần quan tâm đến công tác phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao, đồng thời huy động sức mạnh và tinh thần sáng tạo của toàn dân trong việc đóng góp những ý tưởng mới trong nghiên cứu khoa học và sáng tạo nghệ thuật.
Chính phủ tiếp tục đầu tư theo chiều sâu, ưu tiên các hướng nghiên cứu khoa học cơ bản và ứng dụng; xây dựng đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ đủ về số lượng, chất lượng, hiệu quả công việc, hình thành đội ngũ các chuyên gia, nhà khoa học có uy tín, các văn nghệ sĩ có tầm ảnh hưởng lớn trong khu vực và quốc tế; hiện đại hóa các cơ sở đào tạo về nghệ thuật; đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, ưu tiên dành quỹ đất để hình thành các không gian sáng tạo nghệ thuật; xây dựng các thiết chế văn hóa (bảo tàng, nhà hát, rạp chiếu phim, cung trí thức...), các câu lạc bộ nghệ thuật gắn với các lĩnh vực ngành nghề đặc thù để trí thức, văn nghệ sĩ có không gian sinh hoạt, giao lưu, trao đổi học thuật, khởi nguồn cảm hứng cho những ý tưởng mới.
Thứ tư, tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực khoa học, công nghệ, công nghiệp và dịch vụ văn hóa
Hiện nay, nhiều quốc gia trong khu vực và trên thế giới đạt được nhiều thành tựu trong phát triển cũng như ứng dụng thành tựu khoa học, công nghệ trong các hoạt động văn hóa nghệ thuật, chuyển hóa nguồn lực văn hóa thành sức mạnh, động lực nội sinh trong quá trình phát triển. Việt Nam cần cử các tài năng nghệ thuật, các trí thức trẻ đi đào tạo, học tập ở các nước phát triển; từ đó hình thành đội ngũ các chuyên gia, nhà khoa học, các nghệ sĩ lớn có khả năng làm chủ việc vận dụng sáng tạo khoa học, công nghệ trong lĩnh vực nghệ thuật, phát huy mạnh mẽ sức mạnh mềm văn hóa trong quá trình phát triển đất nước.
Việt Nam có truyền thống văn hóa lâu đời, có nguồn tài nguyên văn hóa dồi dào, độc đáo, phong phú, thể hiện ở sắc màu văn hóa đa dạng của 54 dân tộc anh em. Người Việt Nam thông minh, cần cù, sáng tạo, có khát vọng, hoài bão lớn... Những tiềm năng đó được tiếp sức, hỗ trợ của khoa học, công nghệ sẽ tạo ra những giá trị mới, hấp dẫn, tạo nền tảng tinh thần, sức mạnh nội sinh, đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
---------
Bài đăng trên Tạp chí Thông tin khoa học chính trị số 1 (43) - 2025
1 Đảng Cộng sản Việt Nam: Nghị quyết số 57-NQ/TW, ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, https://tulieuvankien.dangcongsan.vn/Uploads/2025/1/7/2/
NQ-57-TW-BCT.pdf, truy cập ngày 10/01/2025.
2 Thủ tướng Chính phủ: Quyết định số 2026/QĐ-TTg ngày 02/12/2021 Phê duyệt Chương trình số hóa Di sản văn hóa Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030, https://tulieuvankien.dangcongsan.vn/Uploads/2021/12/7/31/QD-2026.pdf, truy cập ngày 22/12/2024.
3 Bộ Khoa học và Công nghệ: Đề án Chiến lược quốc gia phát triển đội ngũ trí thức đến năm 2030 (Dự thảo), https://www.most.gov.vn/DuThao/dgat9t245jazff-du-thao-de-an.pdf, truy cập ngày 22/12/2024.
4 Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2024, tr.283.