TS PHAN CÔNG KHANH
Giám đốc Học viện Chính trị khu vực IV

(TTKHCT) - Du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, có tính liên ngành, liên vùng, mang đậm bản sắc văn hóa nhân văn và có tính xã hội hóa rất cao. Trong chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, vùng đồng bằng sông Cửu Long (còn gọi là Tây Nam Bộ) được đánh giá là một trong bảy vùng du lịch đặc trưng trên cả nước được Chính phủ phê duyệt. Mặc dù đồng bằng sông Cửu Long có nhiều tiềm năng phát triển du lịch, tuy nhiên, vùng còn có những khó khăn cần tháo gỡ để phát triển du lịch.

tay-nam-bo-1629989754.jpeg

Chợ nổi Ngã Năm là một trong những chợ nổi nổi tiếng nhất miền Tây_Ảnh: vietnamtourism

1. Đặt vấn đề

Du lịch là đi, ngắm nhìn, trải nghiệm, thưởng thức, khám phá, vui chơi và thư giãn. Ngắm cái đẹp, trải nghiệm cái mới, thưởng thức cái ngon, khám phá cái lạ. Sản phẩm du lịch phải thoả mãn cả 5 giác quan. Mắt nhìn, tai lắng nghe, lưỡi nếm của ngon vật lạ, mũi hít thở không khí trong lành hay hương hoa đất trời, tay cầm nắm hay sờ nắn những sản phẩm nổi tiếng. Sự thoả mãn không dừng lại ở 5 giác quan, du khách phải có được cảm giác vui tươi, thư thái. Du lịch là lĩnh vực có thể tích hợp những yếu tố tưởng chừng đối lập: hiện đại với cổ xưa, sôi động với yên tĩnh, quen thuộc với mới lạ v.v. Người trên núi thích xuống biển và ngược lại, người thành thị thích về nông thôn và ngược lại, v.v. Cung cách phục vụ ân cần, lịch sự, chu đáo cũng phải được xem là một sản phẩm không thể thiếu của du lịch. Vì vậy, để hút được du khách, sản phẩm du lịch phải đẹp, ngon, lạ, độc đáo, nổi tiếng và an toàn.

Để thoả mãn 5 giác quan của du khách, du lịch phải khai thác thiên nhiên, lịch sử, văn hoá, con người v.v. Các quốc gia nổi tiếng về du lịch đều phát triển du lịch dựa trên những yếu tố này. Thế mạnh về du lịch thường tập trung ở các phương diện sau: 1) Khai thác thiên nhiên: chủ yếu dựa vào các thắng cảnh; 2) Khai thác quá khứ: chủ yếu dựa vào các di sản lịch sử, văn hoá nổi tiếng; và 3) Khai thác hiện tại: chủ yếu dựa vào các kiến trúc hiện đại, trò chơi hiện đại, ẩm thực, các sự kiện văn hoá, thể thao v.v.

Xã hội phát triển, ngoài du lịch nghe nhìn, ăn uống, khám phá v.v. còn nảy sinh nhiều loại du lịch như: tâm linh, chữa bệnh, làm đẹp, mua sắm, mạo hiểm, đánh bạc, v.v. Theo xu hướng này, du lịch gắn liền với các dịch vụ mua sắm, chăm sóc sức khoẻ, thẩm mỹ, trò chơi v.v. Các cường quốc du lịch đều khai thác rất tốt những lợi thế của mình. Nhiều quốc gia không có lợi thế thì biến không thành có, biến bất lợi thành cái độc đáo. Như đảo quốc Singapore đất không rộng, người không đông nhưng khách du lịch đến đây thì ít có thời gian trống. Chỗ nghỉ và vui chơi có Marina Bay Sands với những khách sạn sang trọng, Đại lộ Orchar được ví như thiên đường mua sắm; Sentosa là trung tâm giải trí với Universal Studio, pháo đài Siloso, Thuỷ cung S.E.A, sân khấu nhạc nước v.v.

2. Những con số không của du lịch đồng bằng sông Cửu Long

Về địa lý tự nhiên, Tây Nam bộ đất liền không có những bờ biển trải dài cát trắng nước biển trong xanh như các tỉnh duyên hải miền Trung, không có những cảnh thiên nhiên hùng vĩ như các tỉnh Tây Bắc. Về lịch sử, Tây Nam bộ không có một bề dày thời gian đủ để xây lên những kiến trúc cổ xưa hàng ngàn năm tuổi. Về chính trị, nơi đây chưa hề là trung tâm của một quốc gia, nếu không muốn nói là một vùng đất cách đây không lâu còn hoang vu không người ở. Di tích Óc Eo dẫu được quảng bá nhiều nhưng những nền gạch đổ nát chưa đủ khả năng gợi nhớ một vương quốc cường thịnh rực rỡ, kiểu như Mỹ Sơn hay Angkor Wat, Angkor Thom. Những ngôi chùa Phật giáo Nam tông Khmer tráng lệ uy nghi dưới những tán cổ thụ, không quá lâu đời, không đủ huyền hoặc về mặt tâm linh để thu hút khách mộ đạo. Miếu Bà Chúa Xứ hay Lễ hội Nguyễn Trung Trực là hai điểm sáng về du lịch tâm linh nhưng chưa thu hút được du khách nước ngoài. Di sản phi vật thể nghệ thuật cải lương và đờn ca tài tử thì đặc trưng đến mức khó thưởng thức ngay cả với người Việt ở các vùng miền khác. Tất cả những điều này có lẽ là lời nguyền của quá khứ - lời nguyền về địa lý, lịch sử và văn hoá.

Về giao thông, nội vùng Tây Nam bộ bị chia cắt với nhau và cả vùng bị chia cắt với Thành phố Hồ Chí Minh, đầu tàu của khu vực. Chia cắt hiểu theo nghĩa chật hẹp, không thuận tiện. Đường bộ, đường sông, đường biển, đường hàng không và các loại hạ tầng phục vụ giao thông đều chậm phát triển. Hà Tiên, vùng đất nhiều huyền thoại, nơi có biển Mũi Nai tuyệt đẹp, có núi Bình San thơ mộng v.v. nhưng đường vào thành phố là cả một sự thử thách đối với du khách. Hiện vẫn phải mất từ 70-90 phút để di chuyển khoảng 50km ở các tỉnh Tây Nam bộ, chưa tính dịp lễ tết1. Chật chội và chậm là đặc điểm của giao thông khu vực này. Có người từng mô tả một đặc sản miền Tây là “đường ra đường, cầu ra cầu”: cầu và đường thường không “môn đăng hộ đối”, cao thấp không liền nhau. Giao thông không thuận lợi thì du lịch, và nhiều thứ khác, không thể phát triển. Sau con người phải là “con đường”. Chờ đợi kinh tế phát triển rồi đầu tư cho giao thông thì giống như đang loay hoay tìm lời giải về quả trứng và con gà. Trên dưới 100km đường cao tốc chật hẹp đang trở nên quá tải so với nhu cầu của nền kinh tế. Rất nhiều tuyến đường, rất nhiều cây cầu huyết mạch ở Tây Nam bộ thuộc loại “con một”, phải gồng mình gánh vác mọi loại vận chuyển. Giao thông ở vùng đất này giống như đứa trẻ thiếu ăn thiếu bú gầy còm, còi cọc.

Về giải trí, phần lớn các tỉnh Tây Nam bộ thiếu các thiết chế văn hoá để giúp du khách giải trí ban đêm hay có thể viếng thăm vào ban ngày. Thành phố Hồ Chí Minh có Dinh Thống Nhất, Nhà thờ Đức Bà, Thảo Cầm viên, vườn Tao Đàn, các bảo tàng, Bến Nhà Rồng, Bến Bạch Đằng, địa đạo Củ Chi, nhà hát Bến Thành, chợ Bến Thành, phố đi bộ Nguyễn Huệ, khu Du lịch Đầm Sen, Khu Du lịch Suối Tiên v.v. Đến Nha Trang, ngoài biển xanh cát trắng, du khách có thể thăm Hòn Chồng, Bảo tàng Hải Dương học, Dinh Bảo Đại, suối nước nóng v.v. Cần Thơ, với tư cách là trung tâm của vùng, có rất nhiều con số không: không kiến trúc cổ, không dinh thự, không nhà hát, không sân khấu kịch/ cải lương, không thảo cầm viên v.v. Những cái có thì chưa đủ tầm để thu hút du khách như nhà cổ Bình Thuỷ, Bảo tàng Cần Thơ hay bảo tàng quân đội. Phần mở rộng của Cần Thơ dường như quên mất việc qui hoạch công viên. Cũng như nhiều tỉnh Tây Nam bộ, Cần Thơ thiếu những điểm check-in “hot” đáp ứng nhu cầu “sống ảo” của giới trẻ. Đây chắc hẳn không phải là lời nguyền của quá khứ mà là lời nguyền của tầm nhìn và nguồn lực đầu tư.

Một cái không khác rất đáng nói là không liên kết. Du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, liên ngành, liên vùng, liên quốc gia và có tính xã hội cao. Cái gì độc đáo, mới lạ đều có thể khai thác làm du lịch. Ai cũng có thể tham gia làm du lịch. Theo ngành, du lịch có thể khai thác sản phẩm của công nghiệp, nông nghiệp, văn hoá, thể thao v.v. Theo vùng, có thể tạo thành tuyến, cụm, chuỗi sản phẩm. Theo quốc gia, có thể kết nối với các đối tác nước ngoài, tạo nên chuỗi cung ứng sản phẩm. Như nhiều lĩnh vực kinh tế khác, du lịch của các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long thiếu liên kết. Có người nói đấy là một điểm mạnh: mạnh ai nấy làm. Đặc điểm tự nhiên, kinh tế, lối sống v.v. của toàn vùng là tương đối thuần nhất. Vì vậy, sản phẩm du lịch sinh thái, nông nghiệp của các tỉnh na ná nhau và ít có được cái mới; bắt chước rồi cạnh tranh loại trừ nhau hơn là chia sẻ, hợp tác.

3. Những nét đặc sắc của du lịch đồng bằng sông Cửu Long

Tuy nhiên Tây Nam bộ lại có những sản phẩm ít nơi có được, đó là sông nước, đồng ruộng và vườn cây. Khai thác thế mạnh này, du lịch sinh thái, du lịch nông nghiệp đang được đầu tư, tạo nên những đặc sản của du lịch miền Tây. Chợ trên sông có các chợ Cái Bè, Cái Răng, Trà Ôn v.v. Vườn cây và sông nước, có các tua cồn Thới Sơn (Mỹ Tho), cồn Sơn (Cần Thơ), cù lao An Bình (Vĩnh Long), v.v. Làng hoa, làng cây kiểng được Bến Tre và Đồng Tháp khai thác khá tốt. Rừng ngập nước thì có Khu Bảo tồn sinh thái Đồng Tháp Mười (Tân Phước – Tiền Giang), Rừng tràm Trà Sư (Tịnh Biên – An Giang), Vườn quốc gia Tràm Chim (Tam Nông – Đồng Tháp), Vườn quốc gia U Minh Thượng (Kiên Giang) v.v. Các tỉnh phát triển nhiều homestay nằm trong vườn cây, các khu du lịch tập trung như: các làng du lịch huyện Phong Điền (Cần Thơ), Khu du lịch Trường Huy (Vĩnh Long). Các tỉnh có các lợi thế đặc biệt như An Giang (du lịch tâm linh, cảnh quan núi non v.v.), Kiên Giang (biển Hà Tiên, tuyến tàu đi Phú Quốc v.v.), Cà Mau (Đất Mũi) thì phát huy tối đa.

Ngoài cảnh quan, ẩm thực cũng là một lợi thế của các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. Thuỷ sản miền Tây Nam bộ phong phú, cách chế biến đa dạng, có thể trở thành món khoái khẩu đối với người dân nhiều vùng miền khác. Bánh dân gian Nam bộ có hàng trăm loại, ngon bổ rẻ, trình bày bắt mắt. Nhiều làng nghề nổi tiếng ở miền Tây là làng nghề liên quan đến các món ăn như làng bánh phồng Phú Mỹ, làng đường thốt nốt An Phú (An Giang), làng bánh phồng Sơn Đốc, làng bánh tráng Mỹ Lồng (Bến Tre), làng nem Lai vung, làng bánh phồng tôm Sa Giang, làng bột Sa Đéc (Đồng Tháp), làng bánh pía Vũng Thơm (Sóc Trăng), làng bánh tráng Thạnh Hưng, làng bánh phồng Vĩnh Phước B, làng nghề tôm khô Tô Châu, làng mắm cà xỉu Hà Tiên (Kiên Giang), làng nghề chuối khô, làng nghề muối ba khía, làng gác kèo ong (Cà Mau).

So với khoảng hơn 10 năm trước đây, du lịch các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long đang phát triển và phát triển đúng hướng. Người Miền Tây hiền hoà, hiếu khách, gây được thiện cảm với du khách. Có những địa phương, cả huyện, cả thành phố, người dân và chính quyền cùng làm du lịch, như Phong Điền (Cần Thơ) hay Sa Đéc chẳng hạn. Căn bản là vì người dân kiếm được tiền từ du lịch, chính quyền quan tâm thúc đẩy du lịch. Năm 2022, tổng số khách đến đồng bằng sông Cửu Long hơn 44 triệu lượt, tăng 201% so với năm 2021. Doanh thu du lịch đến cuối năm ước đạt gần 34.000 tỉ đồng, tăng 217% so với năm 20212. Dịp Tết Quý Mão 2023, theo báo chí, du lịch đồng bằng sông Cửu Long bội thu. Khách du lịch đến Kiên Giang tăng 15,4%; khách quốc tế 15.113 lượt, tăng gấp hơn 2 lần. Tỉnh Đồng Tháp tăng hơn 68%, doanh thu tăng hơn 261% so với cùng kỳ năm 2022. Lượng khách đến tỉnh An Giang tăng 6,8%. Lượng khách đến Trà Vinh tăng 37,6%; tổng doanh thu tăng 82% so cùng kỳ3.

Trong kỳ nghỉ lễ 30/4 vừa qua, du lịch các tỉnh Miền Tây đều tăng về số lượng khách và doanh thu. So với dịp lễ năm 2022, lượng khách đến thành phố Cần Thơ tăng 139%, đến Bạc Liêu tăng 37%, đến Cà Mau tăng 100%, đến Long An tăng 14%4.

4. Khó khăn của du lịch đồng bằng sông Cửu Long

Tuy nhiên, du lịch đồng bằng sông Cửu Long vẫn còn nhiều khó khăn. Khó khăn trước nhất và lớn nhất vẫn là vấn đề giao thông. Giao thông thông thoáng, nhanh chóng, thuận tiện sẽ là yếu tố kích cầu quyết định đối với du lịch đồng bằng. Thứ hai, lợi thế sông nước của đồng bằng đang bị đe doạ bởi biến đổi khí hậu, nước biển dâng. Nhà vườn, ruộng lúa các tỉnh Bến Tre, Tiền Giang, Vĩnh Long, Sóc Trăng v.v. từng điêu đứng vì đợt hạn hán năm 2019. Biến đổi khí hậu và nước biển dâng không diễn ra một lần. Ảnh hưởng của hiện tượng này càng nghiêm trọng hơn cùng sự suy giảm nguồn nước, nguồn phù sa từ thượng nguồn sông Mekong. Nguồn nước ngọt suy giảm sẽ kéo theo sự suy giảm của vườn cây, con cá, du lịch sông nước. Suy giảm phù sa sẽ dẫn đến sạt lở, không còn nguồn phù sa nuôi sự màu mỡ tự nhiên của đất. Thứ ba, hội nhập, biến đổi lối sống sẽ tạo nên một miền Tây nhạt dần bản sắc. Ví dụ việc đi lại bằng đường sông đang ít dần, buôn bán trên sông cũng đang ít dần. Ngày xưa, Nam bộ không có “chợ nổi”. Chợ trên sông cũng là chợ, chợ nổi là cách nói của truyền thông. Chợ là để buôn bán nhưng trên sông bây giờ chỉ đơn thuần là để du lịch. “Nuôi sống” nó thế nào là một vấn đề: liệu chợ trên sông có hấp dẫn du khách nếu cảnh mua bán tự nhiên không còn? Một số người nhận xét hảo sảng, thẳng thắn, bộc trực, dễ mến, dễ chịu là của người Miền Tây... xưa. Hệ ngôn ngữ của người Miền Tây đang thay đổi, từ từ vựng đến ngữ âm. Ngôn ngữ (từ vựng, ngữ pháp và ngữ âm) là một thành tố sâu đậm bản sắc nhất trong số các thành tố của văn hoá. Ngôn ngữ không chỉ là ngôn ngữ. Đó là lịch sử, tính cách, lối sống, tình cảm, là hiện thực trực tiếp của tư duy. Nhiều từ ngữ rặt Nam bộ đang bị mất dần đi trong lời ăn tiếng nói hằng ngày. Hãy tưởng tượng một ngày nào đó, đại từ nhân xưng “Tui” biến mất. Nó không đơn giản là số phận của một nguyên âm hay một từ. Tính cách qui định ngôn ngữ nhưng ngôn ngữ cũng làm nên tính cách. Tiếng Nam bộ đã góp phần làm nên một Nam bộ như ta từng biết. Thứ tư, thiếu những cơ chế mạnh mẽ hỗ trợ đổi mới sáng tạo. Cách khắc phục sự trùng lắp, tạo ra nhiều sản phẩm độc đáo, nhiều điểm check-in hấp dẫn là phải có một cơ chế thông thoáng cho hoạt động của các doanh nghiệp tư nhân. Không đổi mới thì muôn đời không thể có đột phá. Có vẻ như tâm lý sợ sai, sợ trách nhiệm đang lây lan trong cán bộ lãnh đạo, quản lý của nhiều cấp chính quyền, nhiều đơn vị. Sợ sai hơn sợ trì trệ. Sai có thể bị mất ghế hay bị kết án còn trì trệ bất quá chỉ bị phê bình, rút kinh nghiệm sâu sắc. Vì vậy, nhiều người đang “thủ thế”, tự bảo vệ mình mà không dám làm. Người dân rất giàu sáng tạo, cái mà họ cần là thể chế cho phép sự sáng tạo. Một ví dụ: gần đây, Căn nhà màu tím ở Cần Thơ là một điểm check-in mới được khá nhiều du khách ưa thích. 5 ha của địa điểm này dường như đã trở nên chật hẹp so với trên một ngàn du khách vào dịp cuối tuần. Thứ năm, thiếu những doanh nghiệp lớn đầu tư. 95% doanh nghiệp du lịch ở miền Tây là vừa, nhỏ, thậm chí siêu nhỏ. Họ không có điều kiện đầu tư sản phẩm du lịch mới, do vậy cũ và trùng lặp là đương nhiên5. Khu phức hợp giải trí Khang Thông (dự án Happyland) ở Bến Lức - Long An được nhiều kỳ vọng lớn lao, tổng diện tích hai giai đoạn gần 700 ha, khởi công hơn 10 năm trước (ngày 14/2/2011), Toà án Nhân dân tỉnh ban hành quyết định mở thủ tục phá sản vào cuối tháng 3/2023. Ổ đã dọn nhưng đại bàng bất ngờ gãy cánh và cũng chưa thấy đại bàng nào khác bay về. Đại bàng không về chắc hẳn liên quan đến đường bay và cơ chế. Thứ sáu, chưa thu hút được khách quốc tế. 70% du khách quốc tế đến Thành phố Hồ Chí Minh có nhu cầu khám phá các tỉnh Miền Tây. Trên một trang du lịch trực tuyến, có khoảng 200 tua được chào bán thì hơn 100 tua chuyên về các điểm ở đồng bằng sông Cửu Long6. Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều khách quốc tế chỉ đặt tua đến Mỹ Tho, Bến Tre, hoặc đến Cần Thơ thì chỉ đi chợ nổi là xong hành trình Mekong, sau đó chuyển sang Campuchia. Mặt khác, họ cũng ít khi quay lại, vì sản phẩm đơn điệu và chất lượng không cao7. Các tỉnh Miền Tây cũng chưa nằm trong tua chính thức của nhiều hãng lữ hành quốc tế mà chỉ nằm trong tua tuỳ chọn8. Một điều đáng chú ý khác là khách quốc tế thường đến Việt Nam qua những tổ chức môi giới chứ không sử dụng các dịch vụ của Việt Nam9. Điều này có thể do mạng lưới tiếp thị của du lịch Việt Nam và mạng lưới liên kết các đối tác nước ngoài chưa tốt. Cuối cùng là vấn đề nguồn nhân lực. Như nhiều lĩnh vực khác, nhân lực du lịch ở đồng bằng sông Cửu Long còn thiếu, nhiều người chưa qua đào tạo. Lấy trường hợp du lịch Cần Thơ, nhân sự qua đào tạo vào năm 2020 chỉ 68,3%. Ở bộ phận quản lý và lữ hành, tỉ lệ qua đào tạo là 100% nhưng ở các điểm vườn, homestay hay khu du lịch thì hầu hết là là lao động phổ thông, qua đào tạo chỉ 26,1%. Lực lượng vận chuyển, đặc biệt là lái tàu ở chợ nổi cũng là vấn đề. Sau đại dịch, nhiều người có kinh nghiệm chuyển nghề hoặc chuyển ra Phú Quốc10.

5. Giải pháp khai thác tiềm năng để phát triển du lịch đồng bằng sông Cửu Long

Thứ nhất, xây dựng một chiến lược dài hơi cho du lịch toàn vùng dựa trên Chiến lược Phát triển du lịch quốc gia. Điều này cần một “nhạc trưởng” liên kết toàn vùng. Du lịch các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long phải dựa trên tiềm năng, thế mạnh và bản sắc của vùng đất và của từng địa phương. Sông nước, đồng ruộng và vườn cây là hướng đi đúng đắn. Đây là cái trục chính để phát triển bản sắc, xây dựng thể chế, liên kết vùng, đào tạo nguồn nhân lực, đầu tư hạ tầng du lịch, số hoá v.v. Để tránh trùng lắp về sản phẩm, cần “phân công” giữa các địa phương tuỳ theo thế mạnh, tạo thành các “cụm” du lịch. Chẳng hạn, thế mạnh của An Giang là du lịch tâm linh, rừng và núi; thế mạnh của Bến Tre là du lịch văn hoá, lịch sử; thế mạnh của Tiền Giang, Cần Thơ là sông nước, vườn cây; v.v.  Mỗi tỉnh, thành phố có thể luân phiên làm “nhạc trưởng” hằng năm và xác định chủ đề cho từng năm. Hằng năm cũng cần có một chương trình lễ hội (festival) tổng thể cho toàn vùng xoay tua theo mùa. Trên cơ sở liên kết xây dựng một thương hiệu du lịch chung cho toàn vùng. Bên cạnh đó, muốn liên kết giữa các tỉnh thì cần phải có vai trò của Thành phố Hồ Chí Minh.

Thứ hai, đầu tư hạ tầng giao thông là chuyện “Biết rồi, khổ lắm, nói mãi!”. Vấn đề đặt ra là nguồn vốn từ đâu. Không có hạ tầng giao thông thì kinh tế toàn vùng khó phát triển chứ không riêng gì du lịch. Hạ tầng thuận tiện, cảng biển, cảng hàng không phát triển, cơ chế ưu đãi, nguồn lao động dồi dào v.v. tức là dọn ổ mời gọi đại bàng. Sản xuất phát triển, thu hút được đầu tư nước ngoài, chia sẻ được áp lực của miền Đông Nam bộ, người miền Tây không phải tha phương, thu hút được nguồn nhân lực v.v. là những mắt xích của nhau. Khu Công nghiệp Vĩnh Thạnh (VSIP Cần Thơ) qui mô khoảng 900 ha (diện tích giai đoạn 1 là 293,7 ha) dự kiến khởi công trong tháng 6/2023, hi vọng sẽ là cú hích mạnh mẽ đối với kinh tế - xã hội toàn vùng và cũng là cơ hội đối với du lịch. Vì vậy, bài toán về đầu tư là bắt buộc trừ phi không cần phát triển.

Thứ ba, hoàn thiện thể chế, tạo cơ chế thông thoáng để thu thút doanh nghiệp và cho phép doanh nghiệp đầu tư, đổi mới sáng tạo. Người Miền Tây dễ làm quen với kinh tế thị trường, thích làm ăn lớn, thích mạo hiểm. Một khi đã xác định du lịch là mũi nhọn, các địa phương cần có những qui hoạch cụ thể về hạ tầng, quĩ đất, cơ sở đào tạo, nguồn nhân lực v.v. Gỡ bỏ cái vướn đang phổ biến trong tư duy hiện nay là sợ sai, không dám làm. Một bảo tàng đa ngành ngoài trời về văn hoá - lịch sử nông nghiệp Nam bộ khoảng vài trăm ha để du khách vừa tham quan vừa trải nghiệm là một ý tưởng rất đáng được nghiên cứu. Chính sách về miễn thị thực nhập cảnh cho công dân các nước cũng cần được lưu ý.

Thứ tư, đa dạng sản phẩm du lịch, nhất là những đặc sản thủ công mỹ nghệ, ẩm thực, dược phẩm v.v. theo hướng khai thác tối đa lịch sử, văn hoá vùng đất. Sản phẩm từ dừa (Bến Tre), từ sen (Đồng Tháp), từ thốt nốt (An Giang) khá độc đáo nhưng cần tiếp tục quảng bá. Trại rắn Đồng Tâm (Tiền Giang) nổi tiếng nhưng chưa giới thiệu, phổ biến được những sản phẩm hay dược phẩm độc và lạ từ nọc rắn. Các loại trái cây sấy khô so với của bạn Lào, bạn Thái thì bao bì chưa bắt mắt, hương vị chưa thật hấp dẫn. Công nghệ chế biến cần phải được đầu tư nhiều hơn.

Thứ năm, nuôi dưỡng và phát triển các giá trị văn hoá đặc trưng Nam bộ, từ vật thể đến phi vật thể, từ ngôn ngữ đến tính cách, lối sống v.v. Xin được phép dùng từ “nuôi dưỡng” chứ không phải “bảo tồn”. Nhiều giá trị văn hoá, con người Nam bộ, cho đến nay, cái phần đậm đặc nhất vẫn là ở Tây Nam bộ. Những giá trị ấy, bên cạnh cái hay, luôn có cái dở đi kèm. Chẳng hạn hào sảng quá thì hoang phí, thực tế quá thì thiếu nguyên tắc, tự do quá thì tuỳ tiện, chất phác quá thì ngờ nghệch, mạnh mẽ quá thì hung hăng, thẳng thắn quá thì thiếu tế nhị. Giá trị văn hoá  là nguồn sữa nuôi dưỡng sự đa dạng, bản sắc và vì vậy cũng là cội nguồn sức mạnh, nền tảng tinh thần, yếu tố gắn kết cộng đồng, động lực của phát triển. Không có tính cách Nam bộ thì đã không có Nam bộ như hiện nay. Tính cách ấy có từ lúc họ Hồng Bàng 50 người con theo mẹ lên rừng và 50 người con theo cha xuống biển, được trui rèn ở vùng đất phương Nam. Ngày nào đó, người Nam bộ không nói giọng nói Nam bộ, không dùng những từ ngữ Nam bộ thì cái hồn cốt Nam bộ sẽ ở phương nào? Người Nam bộ có nhận ra nhau và có nhận ra chính bản thân mình trong một đám đông đa bản sắc vì hội nhập. Tổ quốc là duy nhất, bản sắc là thống nhất nhưng văn hoá là đa dạng. Đa dạng trong đối thoại là nguồn dinh dưỡng cho cơ thể văn hoá, là nguồn lực nội sinh của phát triển.

Ở một phương diện khác, nhiều giá trị đặc sắc của các dân tộc vẫn chưa được khai thác thật hiệu quả trong phát triển du lịch. Lễ hội Ok Om Bok và đua ghe Ngo của đồng bào Khmer (Sóc Trăng) rất đặc sắc dường như chỉ thu hút phần lớn đồng bào Khmer. Ở đây có vai trò của quảng bá.

Tóm lại, tuy có nhiều khó khăn nhưng du lịch các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long đang khởi sắc, đang khai thác đúng hướng những thế mạnh riêng biệt, đặc sắc. Bản sắc là nền tảng của du lịch. Người đồng bằng sông Cửu Long vừa làm vừa học và đã làm được khá nhiều việc để phát triển du lịch. Hạ tầng giao thông phát triển sẽ mở ra cơ hội đối với sự năng động, đổi mới, sáng tạo và phần còn lại sẽ là vai trò của thể chế.

---------

Bài đăng trên Tạp chí Thông tin Khoa học chính trị số 2 (32) - 2023

1 Vy An: Vì sao miền Tây chưa đông khách quốc tế? https://vnexpress.net/vi-sao-mien-tay-chua-dong-khach-quoc-te-4019695.html, ngày 30/11/2019. Con số của năm 2019 nhưng chúng tôi cho rằng vẫn chưa lạc hậu.

2 Châu Anh: Du lịch miền Tây vẫn chưa có sản phẩm mới hấp dẫn du khách, https://plo.vn/du-lich-mien-tay-van-chua-co-san-pham-moi-hap-dan-du-khach-post712505.html, ngày 16/12/2022.

3 Hải Dương: Miền Tây bội thu du lịch dịp Tết Nguyên đán 2023, https://plo.vn/mien-tay-boi-thu-du-lich-dip-tet-nguyen-dan-2023-post717599.html, ngày 27/1/2023.

4 Tuấn Quang, Tấn Thái, Ngọc Phúc: Du khách đến Đồng bằng Sông Cửu Long trong dịp lễ tăng mạnh, sggp.org.vn, ngày 03/5/2023.

5 Vy An: Tlđd.

6 N.Bình: Sản phẩm du lịch miền Tây có na ná nhau? https://tuoitre.vn/san-pham-du-lich-mien-tay-co-na-na-nhau-20190814185237963.htm, ngày 14/8/2019.

7 Hội thảo khoa học Du lịch đồng bằng sông Cửu Long: Cơ hội để bức phá, Cần Thơ, tháng 4/2022. Xem: Phong Vân: Du khách quốc tế ít quay lại đồng bằng sông Cửu Long, https://vnexpress.net/du-khach-quoc-te-it-quay-lai-dong-bang-song-cuu-long-4456666.html, ngày 27/4/2022.

8 Vy An: Tlđd.

9 Thiên Điểu: Hút khách quốc tế đến Việt Nam: ‘Phải suy nghĩ, các bạn có muốn khách Tây ba lô nữa không?, https://tuoitre.vn/hut-khach-quoc-te-den-viet-nam-phai-suy-nghi-cac-ban-co-muon-khach-tay-ba-lo-nua-khong-20230322184134479.htm, ngày 22/3/2003.

10 Tháo gỡ khó khăn về nguồn nhân lực du lịch, https://baocantho.com.vn/thao-go-kho-khan-ve-nguon-nhan-luc-du-lich-a157528.html, ngày 17/3/2023.