TS HOÀNG THỊ QUYÊN
Học viện Chính trị khu vực IV


(TTKHCT) - Trong quá trình thực hiện chiến lược “Diễn biến hòa bình”, các thế lực thù địch, phản động lợi dụng vấn đề “quyền dân tộc tự quyết” để kích động người dân, đặc biệt là đồng bào các dân tộc thiểu số, đòi ly khai, thành lập nhà nước tự trị nhằm gây rối đời sống chính trị - xã hội, phá hoại, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc và sự thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam. Bài viết phân tích thủ đoạn của thế lực thù địch, phản động lợi dụng vấn đề “quyền dân tộc tự quyết” nhằm thực hiện âm mưu “nội công, ngoại kích” để chống phá Việt Nam hiện nay, từ đó đề xuất các khuyến nghị nhằm phòng, chống các thủ đoạn lợi dụng vấn đề này.

Lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng trao quà tặng các nhà chùa nhân dịp Tết cổ truyền Chol Chnam Thmay_Ảnh: Báo Quân đội nhân dân

Quyền dân tộc tự quyết là quyền thiêng liêng, cao cả của mỗi quốc gia dân tộc, đã được quy định rõ trong luật pháp quốc tế, như: Hiến chương Liên hợp quốc năm 1945, Nghị quyết số 1514 (XV) ngày 14/12/1960 của Đại hội đồng Liên hợp quốc Tuyên bố về trao độc lập cho các nước và các dân tộc thuộc địa; v.v.. Quyền này trở thành một trong những nguyên tắc quan trọng để duy trì hòa bình và hữu nghị giữa các quốc gia dân tộc, vì thế mỗi quốc gia, dân tộc cần hiểu đầy đủ, thực hiện đúng đắn theo luật pháp quốc tế. Mọi sự xuyên tạc nội dung và áp dụng một cách tùy tiện quyền dân tộc tự quyết để thực hiện âm mưu, thủ đoạn chính trị thâm độc của các thế lực thù địch, phản động là đi ngược với xu thế hòa bình, ổn định, hữu nghị, hợp tác và xâm phạm nghiêm trọng đến lợi ích quốc gia có chủ quyền.

Các thủ đoạn mà thế lực thù địch, phản động thường lợi dụng vấn đề “quyền dân tộc tự quyết” để chống phá Việt Nam là: (1) đánh tráo khái niệm giữa “quyền của các dân tộc thiểu số” với “quyền dân tộc tự quyết” để kích động tư tưởng ly khai, thành lập quốc gia tự trị ở vùng dân tộc thiểu số; (2) lợi dụng vấn đề “quyền dân tộc tự quyết” để kích động hận thù giữa các dân tộc, phá hoại quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và các quốc gia láng giềng.

1. Quan niệm về quyền dân tộc tự quyết

Quyền dân tộc tự quyết là quyền của mỗi dân tộc trong việc thiết lập chế độ chính trị và thực hiện sự phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa trên cơ sở chủ quyền quốc gia. Nội dung của quyền này bao gồm: quyền của mỗi dân tộc trong việc thành lập nhà nước độc lập; tự do tách ra khỏi một quốc gia nhiều dân tộc để thành lập quốc gia độc lập; hoặc tự nguyện nhập vào một quốc gia nhiều dân tộc để thành lập liên bang trên cơ sở giữ chủ quyền dân tộc của mình; quyền tự lựa chọn cho mình chế độ chính trị, kinh tế, xã hội phù hợp; quyền tự giải quyết các vấn đề đối nội không có sự can thiệp từ bên ngoài; quyền của các dân tộc phụ thuộc và thuộc địa tiến hành đấu tranh, kể cả đấu tranh vũ trang để giành độc lập và nhận sự giúp đỡ và ủng hộ từ bên ngoài, kể cả giúp đỡ về quân sự; tự lựa chọn con đường phát triển phù hợp với truyền thống lịch sử, văn hóa, tín ngưỡng, điều kiện địa lý...1 Đây là một trong bảy nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế - nguyên tắc tự quyết dân tộc. Nguyên tắc này được ghi nhận trong các điều ước, tập quán quốc tế và trở thành một trong những quyền căn bản của các quốc gia dân tộc. Hiến chương Liên hợp quốc năm 1945 ghi nhận: “Phát triển mối quan hệ hữu nghị giữa các dân tộc trên cơ sở tôn trọng nguyên tắc bình đẳng và tự quyết của các dân tộc và áp dụng những biện pháp phù hợp khác để củng cố hoà bình thế giới” (Khoản 2, Điều 1)2. Bên cạnh đó, ngày 14/12/1960, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã thông qua Nghị quyết số 1514 (XV) Tuyên bố về trao độc lập cho các nước và các dân tộc thuộc địa, trong đó đã xác định rõ hơn nội hàm của quyền dân tộc tự quyết: “Tất cả các dân tộc có quyền tự quyết xuất phát từ quyền này, các dân tộc tự do quyết định địa vị chính trị của mình và tự do theo đuổi sự phát triển kinh tế, xã hội và văn hóa”3. Việc ghi nhận “quyền dân tộc tự quyết” bắt nguồn từ khát vọng chống lại chủ nghĩa thực dân và chủ nghĩa đế quốc của nhân dân các nước thuộc địa và nhân dân yêu chuộng hoà bình trên thế giới. Hiện nay, quyền này được sử dụng như một nguyên tắc pháp lý và đạo đức căn bản trong quan hệ đối ngoại giữa các quốc gia.

Tuy nhiên, theo Joseph Nye, “quyền dân tộc tự quyết” hiện nay được hiểu và áp dụng theo nhiều cách thức khác nhau, tuỳ thuộc vào động cơ, phương thức và mục đích của các lực lượng chính trị. Việc hiểu và thực hiện “quyền dân tộc tự quyết” như một “nguyên tắc đạo đức mập mờ”4 để cố tình xuyên tạc, hiểu sai nội dung của quyền này là âm mưu, thủ đoạn của các thế lực phản động nhằm thực hiện mưu đồ chính trị, gây ra những mâu thuẫn, xung đột, kích động tư tưởng ly khai trong một bộ phận người dân ở các quốc gia có chủ quyền. Tại Đông Âu và Liên Xô, việc thực hiện quyền dân tộc tự quyết một cách “mập mờ” đã khiến cho vùng Kavkaz, người Azeri, Armenia, Gruzia, Abkhazia, và Chenya trở nên hỗn loạn trong nhiều năm. Ở Việt Nam, các thế lực thù địch, phản động lợi dụng vấn đề “quyền dân tộc tự quyết” nhằm thực hiện mưu đồ “nội công, ngoại kích” để gây chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, kích động một bộ phận người dân, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số đòi ly khai, thành lập nhà nước tự trị.

2. Thủ đoạn đánh tráo khái niệm “quyền của các dân tộc thiểu số” với “quyền dân tộc tự quyết” nhằm kích động tư tưởng ly khai, thành lập quốc gia tự trị ở vùng dân tộc thiểu số

Các thế lực thù địch, phản động thường đánh tráo khái niệm giữa “quyền của các dân tộc thiểu số” với “quyền dân tộc tự quyết” nhằm kích động tư tưởng ly khai, thành lập quốc gia tự trị của người dân tộc thiểu số ở các quốc gia độc lập, có chủ quyền. Chủ thể của “quyền dân tộc tự quyết” là các quốc gia dân tộc được ghi nhận trong Hiến chương Liên hợp quốc năm 1945 và Nghị quyết số 1514 (XV) Đại hội đồng Liên hợp quốc năm 1960, trong khi đó, chủ thể của “quyền của các dân tộc thiểu số” là các cá nhân được ghi nhận trong Tuyên ngôn quốc tế về quyền con người năm 1948 (UDHR) và Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị năm 1966 (ICCPR). Mục đích của chúng cố tình đánh tráo hai chủ thể này với nhau nhằm tạo ra sự nhầm lẫn giữa nội hàm “quyền dân tộc tự quyết” và “quyền của các dân tộc thiểu số”, để kích động tư tưởng ly khai, thành lập các chính quyền tự trị tại các vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Theo quy định pháp luật quốc tế, chủ thể của “quyền dân tộc tự quyết” được đề cập trong Khoản 2, Điều 1 Hiến chương Liên hợp quốc là “quốc gia dân tộc (nations)” nghĩa là các quốc gia dân tộc chứ không phải là quyền của các cá nhân như Điều 2 của UDHR sử dụng với thuật ngữ “Everyone”: “Ai (Everyone) cũng được hưởng những quyền tự do ghi trong bản Tuyên ngôn này không phân biệt đối xử vì bất cứ lý do nào, như chủng tộc, màu da, nam nữ, ngôn ngữ, tôn giáo, chính kiến hay quan niệm, nguồn gốc dân tộc hay xã hội, tài sản, dòng dõi hay bất cứ thân trạng nào khác”5 hoặc Khoản 1, Điều 2 của ICCPR ghi nhận với cụm từ “all individuals” để nói đến quyền không bị phân biệt đối xử: “Các quốc gia thành viên Công ước cam kết tôn trọng và bảo đảm cho mọi người (all individuals) trong phạm vi lãnh thổ và thẩm quyền tài phán của mình các quyền đã được công nhận trong Công ước này, không có bất kỳ sự phân biệt nào về chủng tộc, màu da, giới tính, ngôn ngữ, tôn giáo, quan điểm chính trị hoặc quan điểm khác, nguồn gốc dân tộc hoặc xã hội, tài sản, thành phần xuất thân hoặc địa vị khác”6 hay quyền của nhóm người với tư cách là tộc người (nhóm thiểu số về sắc dân tộc) thường được dùng với thuật ngữ “ethnic groups”: “Ở những nước có nhiều nhóm thiểu số về sắc dân tộc (ethnic groups), tôn giáo và ngôn ngữ, những cá nhân thuộc các nhóm thiểu số đó, cùng với những thành viên khác của cộng đồng mình, không bị khước từ quyền có đời sống văn hoá riêng, quyền được theo và thực hành tôn giáo riêng, hoặc quyền được sử dụng ngôn ngữ riêng của họ” (Điều 27)7.

Cơ sở để các thế lực thù địch, phản động lợi dụng vấn đề “quyền dân tộc tự quyết” nhằm kích động tư tưởng ly khai ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số một phần xuất phát từ cách tiếp cận khác nhau trong việc áp dụng nguyên tắc tự quyết dân tộc. Kể từ khi nguyên tắc này được đề cập vào nửa cuối thế kỷ XVIII cho tới nay, người ta thường vận dụng nó theo nhiều cách khác nhau. Cách mạng tư sản Pháp (1789 - 1799) đã tuyên bố nguyên tắc dân tộc tự quyết nhằm cấm các thế lực thôn tính lãnh thổ hoặc thay đổi lãnh thổ mà không xét đến nguyện vọng của dân cư có liên quan, nó cũng được sử dụng như một tiêu chí để hợp thức hóa các chính phủ một cách dân chủ. Trong khi đó, V.I.Lênin sử dụng quyền dân tộc tự quyết như một nguyên tắc cơ bản để chống lại chủ nghĩa thực dân và chủ nghĩa đế quốc được “mặc nhiên có quyền” đô hộ, xâm chiếm thuộc địa và nô dịch các quốc gia dân tộc khác có độc lập, chủ quyền. Đứng trên quan điểm lịch sử - cụ thể và tinh thần quốc tế trong sáng, V.I.Lênin đã đưa ra định nghĩa rất rõ ràng về “quyền dân tộc tự quyết”, đó là “quyền phân lập về mặt nhà nước của các dân tộc đó ra khỏi các tập thể dân tộc khác, có nghĩa là sự thành lập một quốc gia dân tộc độc lập”8, theo đó “các dân tộc có quyền độc lập chính trị, có quyền tự do phân lập, về mặt chính trị, khỏi dân tộc áp bức họ”9. Điều này có nghĩa, không phải bất cứ một dân tộc nào trong một quốc gia thống nhất cũng được quyền tách ra thành lập quốc gia riêng biệt, mà chỉ khi dân tộc đó bị áp bức, bóc lột bằng các biện pháp bạo lực thì dân tộc đó mới có quyền tách ra thành một quốc gia riêng biệt. Sau này cộng đồng quốc tế chính thức thừa nhận nguyên tắc này theo cách tiếp cận của V.I.Lênin trong giai đoạn phi thực dân hóa. Liên hợp quốc đã ghi nhận quyền dân tộc tự quyết cho các quốc gia, vùng lãnh thổ có chủ quyền độc lập trên thế giới10. Vì thế, Hiến chương Liên hợp quốc xác định “Với mục đích nhằm tạo những điều kiện ổn định và những điều kiện đem lại hạnh phúc cần thiết để duy trì những quan hệ hoà bình và hữu nghị giữa các dân tộc, dựa trên sự tôn trọng nguyên tắc bình đẳng về chủ quyền và quyền tự quyết của các dân tộc” (Điều 55)11. Theo đó, quyền dân tộc tự quyết trở thành một trong những nguyên tắc quan trọng để duy trì hòa bình và hữu nghị giữa các quốc gia dân tộc.

Tại Việt Nam, các thế lực thù địch, phản động lưu vong ở nước ngoài giật dây, chỉ đạo, hậu thuẫn cho một số phần tử phản động trong nước tuyên truyền, xúi giục một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số thiếu hiểu biết chống phá cách mạng, phá hoại khối đoàn kết giữa các dân tộc, gây ra các vụ bạo loạn như ở Tây Nguyên (2001, 2004, 2008, 2023), huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên (2011). Chúng xuyên tạc vấn đề “quyền dân tộc tự quyết” để kích động đồng bào dân tộc thiểu số đòi ly khai hình thành các vùng đất tự trị trên lãnh thổ Việt Nam như đồng bào người Khmer ở vùng Tây Nam Bộ, đồng bào các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên, đồng bào Mông ở vùng Tây Bắc.

3. Lợi dụng vấn đề “quyền dân tộc tự quyết” kích động hận thù giữa các dân tộc vùng biên giới, phá hoại quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và các quốc gia láng giềng

Tại Việt Nam, các thế lực thù địch thường xuyên xuyên tạc lịch sử vùng đất Nam Bộ của Việt Nam bằng các luận điệu: “chủ nhân của nền văn hóa Óc Eo là tổ tiên của người Khmer”, từ đó đưa ra quan điểm cho rằng “người Khmer là chủ nhân của vùng đất Nam Bộ”; khi “Việt Nam thiết lập chủ quyền trên mảnh đất Nam Bộ, người dân Khmer bị mất quyền làm chủ, bị Việt Nam đàn áp, nô dịch”; v.v. Tuy nhiên, những luận điệu trên hoàn toàn không đúng sự thật lịch sử, bởi các chứng cứ khoa học đã chứng minh rằng, do quá trình biến thiên của tự nhiên, xã hội và con người đã hình thành những vùng đất mầu mỡ tạo thành vùng đất Nam Bộ ngày này12. Kể từ khi Việt Nam thiết lập chủ quyền trên vùng đất Nam Bộ, người Kinh đã cùng các dân tộc khác trong đó có người Khmer bằng sức lao động của mình đã biến vùng đất hoang vu thành đồng bằng phì nhiêu, phát triển13. Nhưng, nhiều năm qua, các thế lực thù địch luôn lợi dụng quan hệ đồng tộc giữa người Khmer Nam Bộ và người Khmer Campuchia để chống phá, gây bất ổn về an ninh chính trị trên vùng đất này. Từ việc tuyên truyền đưa các thông tin, hình ảnh sai sự thật về tộc người và quan hệ tộc người, các thế lực thù địch kêu gọi người dân có hành động chống đối chính quyền. Mục đích cuối cùng của các hoạt động này là nhằm phá hoại hòa bình, ổn định khu vực, ngăn cản tiến trình phân giới cắm mốc, phá hoại mối quan hệ hữu nghị, hợp tác truyền thống giữa Chính phủ và nhân dân hai nước Việt Nam, Campuchia. Lợi dụng các vấn đề liên quan lịch sử vùng đất Nam Bộ, các tổ chức chính trị đối lập ở Campuchia “vu cáo” Việt Nam lấn đất Campuchia; lên án Chính phủ Campuchia thiếu trách nhiệm trong bảo vệ chủ quyền lãnh thổ. Các Hội nhóm Khmer Krom (đứng đầu là Liên đoàn Khmer Kampuchia Krom thế giới - KKF*) tích cực tuyên truyền cho cái gọi là “Ngày mất đất Khmer Krom - ngày 04/6” - ngày Tổng thống Pháp Vincent Aurol ký với chính quyền Bảo Đại Bộ luật số 49 - 733, trao trả sáu tỉnh Nam kỳ cho Việt Nam (ngày 04/6/1949), từ đó các thế lực thù địch, phản động cho rằng: “Pháp đã cắt vùng đất Nam Bộ (mà chúng gọi là vùng đất Khmer Krom) của Campuchia cho Việt Nam khiến cho Campuchia mất đất, người dân Khmer bị mất quyền làm chủ, bị Việt Nam đàn áp, nô dịch”14.

Thêm vào đó, các thế lực thù địch còn viện dẫn các Điều 10, 25, 26, 28, 29, 30 trong Tuyên ngôn của Liên hợp quốc về quyền của các dân tộc bản địa để đòi lại quyền lãnh thổ, quyền tự trị. Nội dung của các điều trên bao gồm: quyền sở hữu, sử dụng, phát triển, kiểm soát đối với đất đai, lãnh thổ và tài nguyên được sở hữu, chiếm hữu, sử dụng từ xa xưa; quyền không bị ép buộc di dời khỏi đất đai của mình; quyền được bồi thường, hoàn trả công bằng đối với đất đai, lãnh thổ truyền thống nếu bị chiếm dụng; quyền được bảo tồn, bảo vệ môi trường và tài sản trên đất đai, lãnh thổ, tài nguyên truyền thống; và quyền ngăn chặn các hoạt động quân sự trên lãnh thổ của “người bản địa” nếu không được họ cho phép. Mục tiêu chính của các chiêu bài này là tạo cái cớ để ép buộc Nhà nước Việt Nam công nhận các dân tộc thiểu số là “dân tộc bản địa”, có “quyền tự quyết”, từ đó đưa ra những đòi hỏi vô lý về chính trị, âm mưu chia tách, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc15.

Ngoài ra, chúng còn lan truyền tư tưởng hận thù giữa các dân tộc, tiêm nhiễm tư tưởng cực đoan vào một bộ phận nhân dân, từ đó kích động tư tưởng ly khai, gây chia rẽ dân tộc Khmer Nam Bộ với người Kinh, đi ngược lại lợi ích quốc gia dân tộc Việt Nam. Trên trang mạng Internet, các tổ chức chính trị phản động luôn đưa ra các “yêu sách sai trái về cái gọi là “đòi lại vùng đất Nam Bộ”; vu cáo Việt Nam áp đặt ách đô hộ với Campuchia; kích động tâm lý kỳ thị người Việt ở Campuchia...”16. Thực chất, chúng muốn kích động đồng bào Khmer ở Việt Nam và người dân Campuchia chống phá và chia rẽ mối quan hệ hữu nghị truyền thống giữa hai nước Việt Nam - Campuchia. Chúng còn muốn phá hoại hòa bình, ổn định và ngăn cản tiến trình phân giới cắm mốc giữa Việt Nam và Campuchia, phá hoại đường biên giới hòa bình, tình hữu nghị, hợp tác giữa hai quốc gia, hai dân tộc.

4. Kiến nghị

Để phòng, chống các thủ đoạn lợi dụng vấn đề “quyền dân tộc tự quyết” của thế lực thù địch, phản động nhằm chống phá Việt Nam, các cấp uỷ đảng và chính quyền các cấp cần chú trọng đến các nội dung sau:

Thứ nhất, tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền, vận động người dân, đặc biệt ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số tin tưởng vào chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước để mỗi người dân nhận thức đúng đắn về quyền dân tộc tự quyết, quyền dân tộc thiểu số; luôn tỉnh táo, cảnh giác để không bị các thế lực thù địch xúi giục, lôi kéo, quay lưng phản bội quốc gia, dân tộc mình, gây rối, phá hoại, giết hại đồng bào mình; không để bản thân mình trở thành tay sai cho bè lũ cướp nước và bán nước dưới mọi hình thức.

Thứ hai, thực hiện có hiệu quả các chính sách phát huy vai trò người có uy tín, chức sắc tôn giáo ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số tham gia tích cực vào bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, nhận diện, đấu tranh phản bác luận điệu sai trái, thù địch, nhất là những luận điệu sai trái, thù địch về vấn đề dân tộc, tôn giáo; tiếp tục thực hiện tốt các chính sách phát triển kinh tế - xã hội ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng biên giới, chăm lo cả đời sống vật chất và tinh thần của người dân, đặc biệt thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội.

Thứ ba, các cơ quan Trung ương và địa phương thực hiện tốt Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 10/2/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 02/4/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 06/10/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đồng thời, các cơ quan có thẩm quyền nghiên cứu cơ chế đặc thù để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh ở các địa bàn trọng yếu này.

Quyền dân tộc tự quyết là một trong những nguyên tắc pháp lý quốc tế quan trọng để duy trì hòa bình và hữu nghị giữa các quốc gia dân tộc. Mọi sự xuyên tạc, lợi dụng vấn đề “quyền dân tộc tự quyết” hòng gây mất ổn định chính trị - xã hội đều đi ngược lại với lợi ích quốc gia dân tộc và khát vọng hoà bình, ổn định và tiến bộ của nhân loại. Những kẻ cố tình lợi dụng vấn đề “quyền dân tộc tự quyết” để chống phá Việt Nam là những kẻ phản bội Tổ quốc, hại dân, hại nước, không đủ tư cách để luận bàn vấn đề “quyền tự quyết dân tộc”.

---------
Bài đăng trên Tạp chí Thông tin khoa học chính trị số 1 (43) - 2025

1, 10 Đào Minh Hồng, Lê Hồng Hiệp (Đồng chủ biên): Thuật ngữ quan hệ quốc tế, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2018, tr.303, 305 - 306.

2, 11 Liên hợp quốc: Hiến chương Liên hợp quốc, https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Van-hoa-Xa-hoi/Hien-Chuong-Lien-hop-quoc-1945-229045.aspx, truy cập ngày 25/5/2023.

3 Đại hội đồng Liên hợp quốc: Tuyên bố về trao trả độc lập cho các nước và các dân tộc thuộc địa, 1960, https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Quyen-dan-su/Tuyen-bo-ve-trao-tra-doc-lap-cho-cac-nuoc-va-dan-toc-thuoc-dia-1960-270264.aspx, truy cập ngày 25/5/2023.

4  Joseph S. Nye, JR: The Who, Where, and When of Secession, https://www.project-syndicate.org/commentary/self-determination-problems-catalonia-kurdistan-by-joseph-s--nye-2017-09?, truy cập ngày 26/10/2023

5 Đại hội đồng Liên hợp quốc: Tuyên ngôn quốc tế nhân quyền (1948), https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Quyen-dan-su/Tuyen-ngon-quoc-te-nhan-quyen-1948-65774.aspx, truy cập ngày 20/4/2023.

6, 7 Đại hội đồng Liên hợp quốc: Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị (1966), https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Linh-vuc-khac/Cong-uoc-quoc-te-ve-quyen-dan-su-va-chinh-tri-270274.aspx, truy cập ngày 20/4/2023.

8 V.I.Lênin: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2005, t.25, tr.303.

9 V.I.Lênin: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2005, t.27, tr.327.

12 Hoàng Minh Đô: Chính sách đối với tổ chức, hội đoàn, chức sắc, nhà tu hành, cơ sở thờ tự của Phật giáo Nam tông Khmer vùng Tây Nam Bộ, Báo cáo kết quả nghiên cứu đề tài nhánh, thuộc Đề án tổng thể về chính sách đối với Phật giáo Nam tông Khmer và đồng bào Khmer vùng Tây Nam Bộ đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, Học viện Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2014, tr.13, 14, 16.

13 Nguyễn Văn Minh: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về dân tộc các thế lực thù địch lợi dụng xuyên tạc, chống phá nước ta và bước đầu xây dựng hệ thống thông tin phản bác, https://vass.gov.vn/bao-ve-nen-tang-tu-tuong-cua-dang/Mot-so-van-de-ly-luan-va-thuc-tien-ve-dan-toc-cac-the-luc-thu-dich-loi-dung-xuyen-tac-chong-pha-nuoc-ta-va-buoc-dau-xay-dung-he-thong-thong-tin-phan-bac-57, truy cập ngày 18/5/2023.

14 Thanh Vàng: Cảnh giác trước thủ đoạn tuyên truyền “ngày mất đất - 04/6”của các Hội nhóm Khmer Krom, gây chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, https://congan.vinhlong.gov.vn/tin-tuc/-/journal_content/56_INSTANCE_sJaRkI9m9m1g/10180/1746459, truy cập ngày 30/4/2023.

15 Phan Công Khanh: Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch ở vùng Tây Nam Bộ, https://www.tapchicongsan.org.vn/web/guest/dau-tranh-phan-bac-cac-luan-dieu-sai-trai-thu-dich/chi-tiet/-/asset_publisher/YqSB2JpnYto9/content/bao-ve-nen-tang-tu-tuong-cua-dang-dau-tranh-phan-bac-cac-quan-diem-sai-trai-thu-dich-o-vung-tay-nam-bo, truy cập ngày 20/5/2023.

16 Bùi Nam Khánh: Quá trình hợp tác phân giới, cắm mốc biên giới đất liền Việt Nam - Campuchia, Tạp chí Nghiên cứu nước ngoài, t.36, 2, 2020, tr. 97.


* Liên đoàn Khmer Kampuchia Krom thế giới là một tổ chức phản động của người Khmer Nam Bộ lưu vong ở nước ngoài.