GS, TS MẠCH QUANG THẮNG
Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

(TTKHCT) - Văn hóa trong Đảng nằm trong nội hàm văn hóa dân tộc Việt Nam. Đảng là một thực thể trong xã hội Việt Nam, là tổ chức chính trị giữ vị trí hạt nhân, vai trò lãnh đạo, cầm quyền đối với hệ thống chính trị và toàn xã hội. Do đó, xây dựng và phát triển văn hóa trong Đảng có vai trò rất quan trọng trong sự nghiệp cách mạng ở nước ta. Văn hóa trong Đảng thể hiện ở tính đúng đắn của chủ trương, đường lối của Đảng, ở việc bảo đảm đội ngũ đảng viên trong sạch, vững mạnh, ở việc xây dựng đội ngũ cán bộ đủ đức - tài, ở việc ứng xử trong Đảng, v.v.. Bài viết làm rõ các nội dung của văn hóa trong Đảng, từ đó khẳng định tầm quan trọng của xây dựng văn hóa trong Đảng trước yêu cầu của kỷ nguyên mới.

Các đồng chí đồng chủ trì hội thảo khoa học quốc gia “Những vấn đề lý luận và thực tiễn về xây dựng văn hóa trong Đảng giai đoạn mới”_Nguồn: Cổng Thông tin Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

1. Văn hóa trong Đảng thể hiện ở sự đúng đắn của chủ trương, đường lối của Đảng đưa lại lợi ích chính đáng cho Nhân dân

Chủ trương, đường lối của Đảng trước hết phải dựa vào nền tảng chủ nghĩa Mác - Lênin, nhưng lưu ý phải là vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin; đồng thời cần căn cứ vào tình hình thực tế ở trong nước và quốc tế. Nói khái quát thì chủ trương, đường lối đó phải tuân thủ đúng quy luật của tự nhiên và xã hội; nếu sai, sẽ bị quy luật trừng phạt.

Đảng ra đời và phát triển không vì mục đích tự thân mà vì mục đích giải phóng dân tộc và xây dựng chủ nghĩa xã hội. C.Mác, Ph.Ăngghen cho rằng, đảng vô sản là lực lượng tiên tiến nhất trong giai cấp vô sản. V.I.Lênin xác định: đảng cộng sản là tổ chức chính trị cao nhất của giai cấp công nhân. Còn Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, Đảng ta từ nhân dân mà ra, điều đó có nghĩa là giữa Đảng và dân có quan hệ huyết thống, do đó Đảng phải làm tròn đạo hiếu với dân. Đó chính là văn hóa của Đảng. Đại hội lần thứ XIII của Đảng (2021) nêu: “Nhân dân là trung tâm, là chủ thể của công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; mọi chủ trương, chính sách phải thực sự xuất phát từ yêu cầu, nguyện vọng, quyền lợi và lợi ích hợp pháp chính đáng của nhân dân; thắt chặt mối quan hệ mật thiết với nhân dân, dựa vào nhân dân để xây dựng Đảng; lấy hạnh phúc ấm no của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu; củng cố và tăng cường niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa”1. Rất có lý khi nhấn mạnh tầm quan trọng đặc biệt của “Nhân dân làm chủ” trong cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ”. Tầm quan trọng đặc biệt ở đây chủ yếu là ở chỗ quyền lực của Đảng và Nhà nước đều từ quyền lực do nhân dân mà ra. Sứ mệnh “làm chủ” của dân đã nói rõ điều này.

Trong lịch sử Việt Nam và thế giới, đã có tư tưởng tôn dân lên hàng tối thượng trong cơ cấu của quyền lực nhà nước và quyền lực xã hội. Mùa hạ năm Canh Tý (1300), vua Trần Anh Tông đến thăm vị tướng già Trần Quốc Tuấn (người đã từng thống lĩnh quân đội nhà Trần đánh thắng các cuộc chiến đấu của Đại Việt chống xâm lược Nguyên - Mông thế kỷ XIII) lúc này đang trên giường bệnh tại thái ấp Vạn Kiếp (nay thuộc xã Hưng Đạo, thành phố Chí Linh, tỉnh Hải Dương). Vua Trần hỏi Trần Quốc Tuấn kế sách giữ nước, thì được thưa rằng, vua tôi đồng tâm, anh em hòa mục, cả nước góp sức, phải khoan thư sức dân để làm kế rễ sâu bền gốc, đó chính là thượng sách giữ nước. Danh nhân Nguyễn Trãi, vị công thần nhà Lê, người có công rất lớn trong việc giúp Lê Lợi lãnh đạo cuộc đấu tranh giải phóng đất nước khỏi ách chiếm đóng của quân Minh, lập nên Triều Lê, nói rằng, phúc chu thủy tín dân do thủy (nghĩa là lật thuyền mới biết sức dân như nước). Khi nhận lệnh vua Lê Thái Tông soạn lễ nhạc cung đình, Nguyễn Trãi tâu rằng, hãy quan tâm đến dân, làm cho khắp thôn cùng xóm vắng không một tiếng hờn giận oán sầu và đó là cái gốc của lễ nhạc. Quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh là dân sinh ra Đảng, Đảng chỉ có một mục đích là giành độc lập cho dân tộc, làm cho Tổ quốc giàu mạnh, đồng bào sung sướng. Và diễn đạt tại Đại hội II của Đảng năm 1951, Người cho rằng, Đảng ta là Đảng của giai cấp công nhân, nhân dân lao động, do đó Đảng là của dân tộc Việt Nam, v.v.. Ngay cả chức vụ Chủ tịch của mình, khi trả lời các nhà báo nước ngoài đầu năm 1946, Người cũng quan niệm là do dân ủy thác cho: “Tôi tuyệt nhiên không ham muốn công danh phú quý chút nào. Bây giờ phải gánh chức Chủ tịch là vì đồng bào ủy thác thì tôi phải gắng sức làm, cũng như một người lính vâng mệnh lệnh của quốc dân ra trước mặt trận. Bao giờ đồng bào cho tôi lui, thì tôi vui lòng lui”2.

Từ những ý trên đây, chúng ta rút ra một kết luận: mọi chủ trương, đường lối của Đảng đều hướng tới đưa lại lợi ích cho nhân dân, cho cách mạng, cho Tổ quốc, tất cả vì mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Điều này đúng với văn hóa dựng nước và giữ nước - giá trị quý báu của dân tộc.

2. Văn hóa trong Đảng thể hiện ở đội ngũ đảng viên trong sạch, vững mạnh

Văn hóa trong Đảng đi liền với kết quả tốt của việc chống “giặc nội xâm”: tham ô, lãng phí, quan liêu. Nói chung là chống lại những lực cản trên con đường phát triển, chống mọi tiêu cực trong xã hội, để làm cho Đảng luôn luôn “là đạo đức, là văn minh”. Trong giai đoạn hiện nay, Đảng đứng trước nguy cơ thoái hóa, biến chất diễn ra nhanh và mạnh hơn. Thoái hóa sẽ dẫn đến mất Đảng từ tác động bên trong, từ trong bản thân Đảng, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, chưa kể tác động từ bên ngoài của “diễn biến hòa bình”. Đại hội lần thứ X của Đảng (2006) cho rằng: “Thoái hóa, biến chất về chính trị, tư tưởng, về đạo đức, lối sống; tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí, sách nhiễu dân trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên diễn ra nghiêm trọng, kéo dài chưa được ngăn chặn, đẩy lùi, nhất là trong các cơ quan công quyền, các lĩnh vực xây dựng cơ bản, quản lý đất đai, quản lý doanh nghiệp nhà nước và quản lý tài chính, làm giảm lòng tin của nhân dân đối với Đảng. Đó là một nguy cơ lớn liên quan đến sự sống còn của Đảng, của chế độ”3. Đến Đại hội lần thứ XIII, Đảng vẫn đánh giá: “Tham nhũng vẫn là một trong những nguy cơ đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ ta... Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, chủ nghĩa cá nhân, “lợi ích nhóm”, bệnh lãng phí, vô cảm, bệnh thành tích ở một bộ phận cán bộ, đảng viên chưa bị đẩy lùi”4. Đảng bị suy yếu còn biểu hiện ở việc lòng tin của nhân dân đối với Đảng bị suy giảm. Sự lãnh đạo của Đảng trong bấy nhiêu năm nay chứng tỏ rằng, Đảng đã biến cái có thể thành hiện thực. Nhưng, Đảng cũng có thể biến những điều hiện thực thành con số không, nếu Đảng bị suy thoái và dẫn đến sụp đổ. Đến lúc đó, cơ chế hoặc mối quan hệ Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ cũng bị tiêu tan, những nội dung ghi trong Điều 4 Hiến pháp nước ta (Hiến pháp năm 2013) cũng trở nên vô nghĩa. Điều 4 đó phải được chứng thực trong cuộc sống, ở sự trong sạch, vững mạnh của Đảng. Chính đây là lý lẽ của không ít nhà nghiên cứu cho rằng, chính là Đảng chứ không phải yếu tố nào khác, đóng vai trò trung tâm, vai trò tiên quyết, vai trò quyết định cho sự vận hành trơn tru, có hiệu quả của cơ chế và mối quan hệ Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ. Nhân dân, dù có vĩ đại đến đâu đi chăng nữa, nhưng nếu không có, không còn sự lãnh đạo của Đảng nữa thì mọi thứ vĩ đại đó đều trở nên vô nghĩa.

3. Văn hóa trong Đảng thể hiện ở việc xây dựng đội ngũ cán bộ đủ đức - tài

Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV năm 2026 là một dịp sinh hoạt chính trị và sự thể hiện tập trung dân chủ cao nhất, rộng rãi nhất, thể hiện trí tuệ và bản lĩnh của các tổ chức Đảng và của đội ngũ cán bộ, đảng viên cũng như của Nhân dân. Do đó, xây dựng đội ngũ cán bộ nói chung, trong đó có việc chuẩn bị nhân sự, chọn lựa, giới thiệu những người để bầu vào cấp ủy, là cả một chuỗi công việc được tiến hành theo một quy trình và chuẩn mực chặt chẽ.

Cán bộ nào quan điểm ấy, cán bộ nào đường lối ấy, cán bộ nào phong trào ấy. Từ mấy chục năm nay, chủ yếu trong công cuộc đổi mới, Đảng ta có sự quan tâm đến công tác cán bộ, điển hình nhất là tại Đại hội lần thứ XIII, Đảng coi “công tác cán bộ là then chốt của then chốt”5. Vì thế, nhận thức về văn hóa trong Đảng trên vấn đề này là ở chỗ: một là, phải coi đây là một nhiệm vụ chiến lược của Đảng để tập trung lãnh đạo cho thật tốt; hai là, cần nghiên cứu cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh về việc đào tạo, huấn luyện cán bộ, kể cả cán bộ kế cận, để vận dụng, phát triển sáng tạo vào điều kiện cụ thể của Việt Nam từ nay đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; chủ yếu là trên các vấn đề: (1) lựa chọn để đào tạo cán bộ kế cận; (2) chương trình đào tạo gồm những nội dung nào, cả lý luận và thực tế; (3) đào tạo ở đâu, ở cơ sở đào tạo nào...; (4) thử thách như thế nào?; (5) đề bạt, bổ nhiệm; (6) theo dõi, kiểm tra, giám sát, giúp đỡ, quan tâm, chăm lo cuộc sống vật chất và tinh thần cho họ. Từ đó, cần nghiên cứu sâu sắc hơn nữa di sản của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác cán bộ để đề ra những chủ trương đào tạo thế hệ cán bộ cho đời sau.

Thứ nhất, phải thật sự chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ có đạo đức cách mạng

Đạo đức cách mạng là yếu tố gốc như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh khi đề cập quan hệ đức - tài. Có thể có người nói rằng, hiện tại và trong các giai đoạn tới, tài mới là gốc, vì người có tài thì trong cơ chế này “quẳng” vào đâu cũng làm việc có hiệu quả. Nhận thức này hoàn toàn sai. Đối với yêu cầu về đạo đức cách mạng trong thời gian tới, phải nhấn mạnh ít nhất năm nội dung: một là, phải trung thành với cách mạng. Điều này không khó để nhận biết qua quá trình nói và nhất là làm của người cán bộ trong cuộc sống và công tác; hai là, có sức lôi cuốn tạo sức mạnh đoàn kết trong tập thể. Người cán bộ lãnh đạo, nhất là cán bộ chủ chốt các cấp, luôn luôn phải là hạt nhân của sự đoàn kết trong tập thể tổ chức Đảng, trong cấp ủy, trong một đơn vị và rộng ra là cả ngoài cộng đồng xã hội; ba là, đạo đức cách mạng cần cả những đức tính thương yêu quý trọng con người (nhân văn, nhân đạo); trung với nước, với Đảng, hiếu với dân; cần kiệm liêm chính, chí công vô tư; có tinh thần quốc tế trong sáng; bốn là, đạo đức cách mạng cũng đòi hỏi phải tích cực đấu tranh phòng và chống các tiêu cực, trong đó đặc biệt là tham nhũng, lãng phí, quan liêu. Phải phòng và tích cực chống các kiểu “chạy” trong công tác cán bộ. Phải “tăng cường rèn luyện phẩm chất đạo đức cách mạng, chống chủ nghĩa cá nhân, cơ hội, thực dụng”6, “chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí, bè phái, “lợi ích nhóm”, nói không đi đôi với làm”. Đó là một quá trình tu dưỡng, rèn luyện bản thân mình và vận động các thành viên gia đình mình thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; phải thật sự nêu gương tốt về chấp hành nghị quyết, quy định, điều lệ Đảng và pháp luật của Nhà nước; năm là, phải có lối sống lành mạnh, không bê tha, phải có “đời tư trong sáng” (như cụm từ Chủ tịch Hồ Chí Minh ghi vào sổ lưu niệm trong Phòng làm việc của V.I.Lênin ở Điện Kremlin khi Người dẫn đầu Đoàn đại biểu Đảng và Chính phủ ta tới thăm và làm việc chính thức tại Liên Xô, tháng 7/1955).

Thứ hai, phải chọn được nhân sự có năng lực tổ chức thực tế

 Ở đây đòi hỏi nhân sự phải có những năng lực: tổ chức thực hiện thành công các nghị quyết, quy định, chủ trương, chính sách, biến những nội dung trong các nghị quyết, quyết định của Đảng thành hiện thực trong cuộc sống, tức là biến cái có thể thành hiện thực. Muốn thế, người cán bộ được chọn là những người phải dám nghĩ, dám làm (hoặc “7 dám” như đồng chí cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại Hội nghị Quân ủy Trung ương lần thứ 6, ngày 3/7/2023, nhiệm kỳ 2020 - 2025)7. Phải thực hiện tốt các nguyên tắc xây dựng Đảng, trong đó có nguyên tắc tập thể lãnh đạo cá nhân phụ trách như Chủ tịch Hồ Chí Minh nhắc nhở: không nên tạo ra một loại cán bộ thụ động, bảo thủ, trì trệ, đập đi hò đứng. Cán bộ phải có tầm trí tuệ cao, có bản lĩnh chính trị vững vàng. Muốn có tầm trí tuệ cao thì phải học tập, học lý luận chính trị và chuyên môn mà người cán bộ đó đang đảm nhiệm, chống tư tưởng lười học; phải tích cực học ở nhà trường, học trong thực tế, học hỏi lẫn nhau, học suốt đời, đặc biệt trong thời đại 4.0, học với động cơ vì sự nghiệp cách mạng chứ không phải học để lấy bằng cấp, lấy chứng chỉ, để tiến thân. Việc học phải tuân thủ mục đích như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh viết ở cuốn Sổ Truyền thống Trường Nguyễn Ái Quốc tháng 9/1949. Muốn có bản lĩnh chính trị vững vàng, người cán bộ cần thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện, sẵn sàng nhận bất cứ nhiệm vụ nào được phân công, đặc biệt là những nhiệm vụ khó khăn, để rèn luyện trong thực tế với tinh thần thắng không kiêu, bại không nản, không hoang mang dao động trước mọi tình huống.

Thứ ba, phải chọn người có phong cách công tác tốt

Đó là phong cách làm việc đam mê, hứng thú, khoa học, tỉ mỉ, chu đáo, cẩn trọng, sâu sát với từng loại việc, trân trọng sức lao động của mọi người, quý trọng thời gian, tiền bạc, phải làm việc có năng suất, chất lượng cao. Trong phong cách công tác, điều kiện hiện nay cần nhấn mạnh thêm phong cách gần dân, hiểu dân, vì dân, tức là chống quan liêu, độc đoán, chuyên quyền (mất dân chủ), đồng thời phải có trách nhiệm cao trong mọi việc. Cán bộ phải là người tiên phong, tích cực nhất tạo nên uy tín của Đảng, làm cho dân tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, vì niềm tin của dân đối với Đảng, với chế độ chính trị ở nước ta chính là tài sản lớn nhất của Đảng cầm quyền, là thước đo cho sự lớn mạnh của Đảng. Niềm tin của dân đối với Đảng là vàng. Cầm vàng chớ để vàng rơi! Mất niềm tin là mất tất cả. Niềm tin của nhân dân đối với Đảng, với chế độ chính trị luôn luôn được bồi đắp thông qua nhiều “kênh”, trong đó có “kênh” chất lượng cán bộ.

4. Văn hóa trong Đảng thể hiện ở văn hóa ứng xử trong Đảng

Thứ nhất, có tinh thần nhân văn, nhân đạo

Điển hình nhất, tiêu biểu nhất là câu mà Chủ tịch Hồ Chí Minh bổ sung năm 1966 vào bản thảo Di chúc: “Phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau”. Phải quán triệt quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “luôn luôn dùng lòng thân ái mà giúp đỡ, lãnh đạo cán bộ. Giúp họ sửa chữa những chỗ sai lầm. Khen ngợi họ lúc họ làm được việc”8, thậm chí, Người còn cho rằng: “Phải cho họ điều kiện sinh sống đầy đủ mà làm việc... Tùy theo hoàn cảnh mà giúp họ giải quyết vấn đề gia đình. Những điều đó rất quan hệ với tinh thần của cán bộ”9. Người còn nói rõ thêm: “Thương yêu là giúp họ học tập thêm. Là giúp họ giải quyết những vấn đề khó khăn sinh hoạt, ngày thường thì điều kiện dễ chịu, khi đau ốm được chăm nom, gia đình họ khỏi khốn quẫn, v.v.”10, “thương yêu là luôn luôn chú ý đến công tác của họ... Hễ thấy khuyết điểm thì giúp cho họ sửa chữa ngay, để vun trồng cái thói có gan phụ trách, cả gan làm việc của họ. Đồng thời, phải nêu rõ những ưu điểm, những thành công của họ. Làm thế không phải là làm cho họ kiêu căng, mà cốt là làm cho họ thêm hăng hái, thêm gắng sức. Phải vun đắp chí khí của họ, để đi đến chỗ “bại cũng không nản, thắng cũng không kiêu”. Lúc phê bình họ, ta chớ có thái độ gay gắt. Lúc khen họ, ta phải cho họ hiểu rằng: năng lực của mỗi người đều có giới hạn, tuy có thành công cũng chớ kiêu ngạo. Kiêu ngạo là bước đầu của thất bại”11. Đối với những cán bộ có sai lầm, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng: “Chúng ta không sợ có sai lầm và khuyết điểm, chỉ sợ không chịu cố gắng sửa chữa sai lầm và khuyết điểm. Và càng sợ những người lãnh đạo không biết tìm cách đúng để giúp cán bộ sửa chữa sai lầm và khuyết điểm”12; “sự sửa đổi khuyết điểm, một phần cố nhiên là trách nhiệm của cán bộ đó. Nhưng một phần cũng là trách nhiệm của người lãnh đạo”13.

Thứ hai, Đảng phải làm tròn trách nhiệm “hiếu với dân”

Đảng và mọi đảng viên, công chức, viên chức, tức là những người làm việc trong bộ máy hệ thống chính trị, phải làm “công bộc”, làm “đầy tớ” cho nhân dân, vì Người cho rằng: “Nước ta là nước dân chủ, địa vị cao nhất là dân, vì dân là chủ”14; “Chế độ ta là chế độ dân chủ, nghĩa là nhân dân làm chủ”15. Ngay cả trong những lời dặn dò trong văn bản Di chúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn xác định rằng, “Đảng ta là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”. Thậm chí Chủ tịch Hồ Chí Minh còn nêu lên một cách “bắt mắt”, “bắt tai” hơn: Đảng “sẵn sàng, vui vẻ làm trâu ngựa, làm tôi tớ trung thành của nhân dân”16.

Năm 2025 là một năm đặc biệt, trong đó nổi lên là phải quyết tâm thực hiện tốt “ba nhiệm vụ trọng tâm”, “ba giải pháp đột phá” trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng như Đại hội lần thứ XIII đã xác định17. Các “bộ ba” đó phải được đặt trong nền văn hóa vì chỉ có văn hóa mới là nền tảng của một xã hội phát triển, văn minh mà Đảng Cộng sản Việt Nam là người đại diện.

---------

Bài đăng trên Tạp chí Thông tin khoa học chính trị số 1 (43) - 2025

1, 4, 5 Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật,
Hà Nội, 2021, t.I, tr.96 - 97, 93 - 95, 75.

2 Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t.4, tr.187.

3 Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2006, tr.263 - 264.

6 Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2016, tr.47.

7 “Dám nghĩ; dám nói; dám làm; dám chịu trách nhiệm; dám đổi mới, sáng tạo; dám đương đầu với khó khăn, thử thách và dám hành động vì lợi ích chung”.

8, 9, 10, 11, 12, 13 Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.5, tr.314, 316, 322, 323, 323, 323

14 Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.15, tr.611.

15 Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.13, tr.83.

16 Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.7, tr.50.

17 Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t.II, tr.256 - 257.