TS NGUYỄN TRỌNG BÌNH
Học viện Chính trị khu vực IV

(TTKHCT) - Niềm tin của công dân đối với cơ quan hành chính nhà nước còn được gọi là niềm tin chính phủ (Trust in Goverment). Trên cơ sở nêu lên một số biểu hiện về sự suy giảm niềm tin của công dân đối với các cơ quan hành chính nhà nước các nước trên thế giới, bài viết phân tích các yếu tố ảnh hưởng đến niềm tin của công dân đối với cơ quan hành chính nhà nước, từ đó nêu lên một số gợi mở nhằm tăng cường, củng cố niềm tin của công dân đối với các cơ quan hành chính nhà nước hiện nay.

anh tin bai

(Nguồn: danguykhoi.laichau.gov.vn)

Hầu hết các quốc gia trên thế giới hiện nay đều đang đối mặt với tình trạng suy giảm niềm tin của công dân đối với các cơ quan hành chính nhà nước. Hậu quả của việc này chính là sự suy giảm về giá trị dân chủ của xã hội. Niềm tin của công dân suy giảm sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tính chính đáng của chính phủ cũng như các cơ quan hành chính. Hậu quả của điều này còn lớn hơn rất nhiều so với hiện tượng thâm hụt ngân sách cũng như hiệu quả thấp trong hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước. Báo cáo về niềm tin toàn cầu do Công ty Edelman thực hiện cho thấy, do sự ảnh hưởng của khủng khoảng kinh tế và yếu tố chính trị, năm 2012, niềm tin của công dân đối với các cơ quan hành chính nhà nước ở các quốc gia trên thế giới đều suy giảm nghiêm trọng nhất trong lịch sử. Trong số 25 quốc gia được khảo sát, người dân ở 17 quốc gia không tin rằng chính phủ đang “làm việc đúng đắn”, ở 12 quốc gia, niềm tin của công dân đối với cơ quan hành chính nhà nước thấp hơn niềm tin của công dân đối với doanh nghiệp, báo chí và tổ chức xã hội, cơ quan hành chính nhà nước trở thành loại hình tổ chức có mức độ niềm tin thấp nhất của người dân. Đến năm 2023, doanh nghiệp vẫn là nhóm tổ chức có mức độ niềm tin cao hơn so với cơ quan hành chính nhà nước.

1. Sự suy giảm niềm tin của công dân đối với cơ quan hành chính nhà nước ở trên thế giới hiện nay: biểu hiện và nguyên nhân

Sự suy giảm niềm tin của người dân đối với cơ quan hành chính nhà nước ở các nước trên thế giới thể hiện trên các khía cạnh chủ yếu sau:

Thứ nhất, sự suy giảm niềm tin của công dân đối với cơ quan hành chính nhà nước vừa thể hiện ở sự thiếu tin tưởng đối với thể chế, tổ chức bộ máy, pháp luật, chính sách; vừa thể hiện ở sự không hài lòng đối với một bộ phận cán bộ, công chức trong các cơ quan hành chính nhà nước

Sự thiếu tin tưởng của một bộ phận công dân đối với thể chế, tổ chức bộ máy, pháp luật và chính sách bắt nguồn từ sự nghi ngờ của công dân đối với việc thực hiện và duy trì các giá trị thuộc về mục đích, sứ mệnh của chính phủ và cơ quan hành chính cũng như sự nghi ngờ về tính công bằng trong hoạch định và thực thi chính sách, pháp luật. Sự không hài lòng đối với một số cá nhân cán bộ, công chức trong các cơ quan hành chính biểu hiện ở sự không hài lòng của công dân đối với thái độ, hành vi, năng lực của cán bộ, công chức trong quá trình giải quyết các công việc liên quan đến nhu cầu, lợi ích của họ. Trong quá trình tương tác và giao tiếp với công dân, một số cán bộ, công chức thể hiện thái độ thiếu tôn trọng người dân, thiếu năng lực cũng như thiếu tính chuyên nghiệp, hiệu quả làm việc không cao. Tất cả điều này trực tiếp dẫn đến sự không hài lòng của một bộ phận công dân đối với cán bộ, công chức. Nghiên cứu cho thấy, khi công dân có vấn đề cần được giải quyết nhưng không biết cần tìm đến cơ quan nào để được giải quyết, hoặc các cơ quan hành chính đùn đẩy trách nhiệm, không kịp thời giải quyết có hiệu quả những khó khăn của công dân thì tình cảm và niềm tin của công dân đối với cơ quan hành chính nhà nước sẽ suy giảm nhanh chóng.

Thứ hai, sự suy giảm niềm tin của một bộ phận công dân đối với các cơ quan hành chính nhà nước vừa thể hiện sự thiếu tin tưởng dựa trên sự đánh giá có cơ sở khoa học của người dân; vừa thể hiện ở sự không hài lòng xuất phát từ yếu tố cảm tính.

Sự suy giảm niềm tin của một bộ phận công dân đối với các cơ quan hành chính nhà nước thể hiện ở sự không tin tưởng hay mức độ tin tưởng không cao dựa trên sự đánh giá có cơ sở khoa học có nghĩa là, sự thiếu tin tưởng ở đây là có cơ sở khoa học và thực tiễn khi cơ quan hành chính nhà nước giải quyết chưa đáp ứng được yêu cầu một số vấn đề khó, phức tạp như rút ngắn khoảng cách giàu nghèo, chất lượng dịch vụ công... Còn sự suy giảm niềm tin của một bộ phận công dân đối với các cơ quan hành chính nhà nước xuất từ yếu tố cảm tính, thiếu cơ sở khoa học có nghĩa là, sự thiếu niềm tin ở đây là do đánh giá, phán đoán chủ quan, thiếu cơ sở khoa học và thực tiễn của công dân. Có nghiên cứu cho thấy, ngay cả khi không có hiện tượng tham nhũng, nhưng hành vi của một bộ phận cán bộ, công chức cũng làm cho công dân cảm thấy có khả năng tham nhũng. Điều này dẫn đến sự nghi ngờ và thiếu niềm tin của công dân đối với các cơ quan hành chính.

Thứ ba, sự suy giảm niềm tin của một bộ phận công dân đối với các cơ quan hành chính nhà nước thể hiện sự không hài lòng của họ đối với kết quả, hiệu quả, quá trình hoạt động của các cơ quan hành chính

Trước đây, sự đánh giá của công dân đối với hiệu quả và đầu ra hoạt động của các cơ quan hành chính chủ yếu ở sự phát triển kinh tế, trong đó GDP là chỉ tiêu cốt lõi. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển của xã hội, sự quan tâm của công dân không chỉ dừng lại ở khía cạnh phát triển kinh tế, mà còn quan tâm hơn đến các khía cạnh, như chất lượng dịch vụ công, bảo đảm quyền công dân, duy trì công bằng xã hội. Vì vậy, ngay cả khi kinh tế phát triển, nhưng việc giải quyết các vấn đề nói trên của chính phủ và cơ quan hành chính chưa đạt hiệu quả như mong muốn cũng rất dễ dẫn đến sự không hài lòng của công dân. Bên cạnh đó, cùng với với việc quan tâm đến hiệu quả và đầu ra hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước, người dân còn quan tâm đến hành vi và quá trình hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước. Về mặt hành vi, việc chưa thật sự đảm bảo “nguyên tắc pháp quyền” và chưa tuân thủ đầy đủ các chuẩn mực của đạo đức công vụ trong một bộ phận cán bộ, công chức sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến niềm tin của người dân. Về mặt quá trình hoạt động, hoạt động của các cơ quan hành chính thiếu công khai, minh bạch, thiếu sự tham gia của công dân... cũng là yếu tố ảnh hưởng tiêu cực đến niềm tin của công dân.

Sự suy giảm niềm tin của người dân đối với cơ quan hành chính nhà nước ở các nước do nhiều nguyên nhân, cả khách quan và chủ quan. Một là, sự đa dạng và khác biệt về nhu cầu của công dân. Trong xã hội truyền thống, nhu cầu của công dân tương đối thuần nhất, việc thỏa mãn các nhu cầu này cho người dân thường không quá khó khăn đối với chính phủ và các cơ quan hành chính nhà nước. Vì vậy, chính phủ và các cơ quan hành chính dễ có được niềm tin từ phía người dân. Nhưng trong xã hội hiện đại, nhu cầu của công dân thay đổi theo hướng đa dạng. Hơn nữa, nhu cầu của công dân không chỉ giới hạn ở kết quả hoạt động của hệ thống hành chính, mà còn liên quan đến quá trình hoạt động của hệ thống hành chính. Khi chính phủ và các cơ quan hành chính nhà nước không thể đáp ứng có hiệu quả các nhu cầu ngày càng tăng lên của người dân thì niềm tin của công dân đối với hệ thống hành chính sẽ suy giảm. Hai là, sự phát triển không ngừng của truyền thông đại chúng trong bối cảnh xã hội thông tin, xã hội số. Do truyền thông báo chí có xu hướng quan tâm đến thông tin tiêu cực, đưa nhiều tin và thổi phồng mặt trái trong hoạt động của hệ thống hành chính nên đã ảnh hưởng tiêu cực đến niềm tin của công dân đối với chính phủ và các cơ quan hành chính nhà nước. Ba là, xã hội xuất hiện nhiều vấn đề phức tạp và rủi ro. Xã hội hiện đại là một xã hội rủi ro, các vấn đề và rủi ro xã hội xuất hiện với tần suất nhiều hơn, khó dự đoán và quản lý hơn, từ đó ảnh hưởng nhiều mặt đến các lĩnh vực của đời sống xã hội. Khi chính phủ và các cơ quan hành chính nhà nước không thể giải quyết có hiệu quả các vấn đề và rủi ro xã hội rất dễ dẫn đến sự suy giảm niềm tin của công dân đối với các cơ quan hành chính nhà nước. Bốn là, nhận thức và trình độ hiểu biết của công dân ngày càng nâng lên. Điều này làm cho công dân trở nên “khắt khe” hơn, “khó tính” hơn đối với tổ chức và hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước. Năm là, một số bất cập, hạn chế trong tổ chức và hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước. Trên thực tế, một số hạn chế, bất cập trong tổ chức và hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước là yếu tố chủ yếu làm suy giảm niềm tin của công dân đối với các cơ quan hành chính nhà nước.

2. Các yếu tố chủ yếu ảnh hưởng đến niềm tin của công dân đối với cơ quan hành chính nhà nước

 Về các yếu tố ảnh hưởng đến niềm tin của công dân đối với các cơ quan hành chính nhà nước, một số nghiên cứu đã từ góc độ văn hóa để chỉ rõ sự ảnh hưởng của truyền thống lịch sử, văn hóa chính trị, tập quán xã hội đối với niềm tin của công dân đối với chính phủ ở một nước. Tuy nhiên, nếu chỉ dừng lại ở góc độ văn hóa thì chưa thể lý giải một cách đầy đủ nguyên nhân dẫn đến sự suy giảm niềm tin của công dân đối với các cơ quan hành chính nhà nước trong xã hội hiện đại. Có thể cho rằng, có hai nhóm yếu tố ảnh hưởng đến niềm tin của công dân đối với các cơ quan hành chính nhà nước đó là nhóm yếu tố khách quan thuộc về môi trường và nhóm yếu tố chủ quan thuộc về tổ chức và hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước. Từ yếu tố chủ quan, có thể nhận diện các phương diện chủ yếu ảnh hưởng đến niềm tin của công dân đối với các cơ quan hành chính nhà nước như sau:

Thứ nhất, mức độ duy trì và tuân thủ giá trị công trong hoạt động của chính phủ và các cơ quan hành chính nhà nước

Giá trị công là cơ sở và mục đích cho sự tồn tại của chính phủ và các cơ quan hành chính. Sự khác biệt cơ bản giữa khu vực công và khu vực tư chính là ở chỗ, nếu mục đích của khu vực tư là tạo ra giá trị tư, thì mục đích của khu vực công là tạo ra và duy trì giá trị công (cốt lõi gồm bảo đảm quyền con người, quyền công dân; lợi ích công, công bằng xã hội, pháp quyền, trách nhiệm, dân chủ, công khai, minh bạch, liêm chính...). Về cơ bản, niềm tin của công dân đối với các cơ quan hành chính nhà nước bắt nguồn từ niềm tin và sự kỳ vọng của họ đối với mức độ thể hiện và duy trì các giá trị công nói trên của các cơ quan hành chính nhà nước. Nói cụ thể, nếu chính phủ và các cơ quan hành chính thể hiện tốt và duy trì tốt các giá trị công nói trên, niềm tin của công dân càng tăng lên và ngược lại.

Thứ hai, kết cấu quản trị và tính đại diện, công bằng của các chính sách do cơ quan hành chính hành chính ban hành

Trong lĩnh vực quản trị công, kết cấu quản trị có vai trò rất quan trọng, ảnh hưởng đến quá trình và hiệu quả quản trị. Cốt lõi của kết cấu quản trị chính là chính phủ đưa ra chính sách và quyết định như thế nào và làm thế nào để thực thi chính sách có hiệu quả. Từ phương diện kết cấu quản trị, yếu tố chủ yếu ảnh hưởng đến niềm tin của công dân đối với các cơ quan hành chính nhà nước bao gồm: (i) Kết cấu quản trị có tính đại diện cho ý chí và lợi ích của công dân hay không. Thông thường một kết cấu quản trị coi trọng, tôn trọng và thể hiện đầy đủ ý chí, lợi ích và nguyện vọng của người dân thì càng có lợi cho việc củng cố và tăng cường niềm tin công dân đối với cơ quan hành chính nhà nước và ngược lại. (ii) Chính sách hoặc quyết định do kết cấu quản trị đưa ra có công bằng hay không. Điều này vừa bao gồm tính công bằng về trình tự ban hành chính sách hoặc quyết định, vừa bao gồm tính công bằng về kết quả. Về mặt trình tự, quyết định hoặc chính sách dựa vào nguyên tắc khoa học, dân chủ, có sự quan tâm và lắng nghe ý kiến của nhiều bên, tích hợp lợi ích của nhiều bên, càng có lợi cho việc tăng cường niềm tin của người dân. Có nghiên cứu cho rằng, “mọi người có thể tiếp nhận kết quả tiêu cực chỉ cần họ tin rằng quá trình đưa ra quyết định là dựa trên phương thức công bằng. Về mặt kết quả, nếu chính sách hoặc quyết định đảm bảo tính công bằng giữa các chủ thể, giữa các khu vực, giữa các lĩnh vực, giữa hiện tại và tương lai càng có lợi cho việc củng cố niềm tin của người dân đối với chính phủ, các cơ quan hành chính và ngược lại.

 Thứ ba, hành vi của các cơ quan hành chính và cán bộ, công chức

Hành vi của các cơ quan hành chính và đội ngũ cán bộ, công chức ảnh hưởng rất lớn đến niềm tin của công dân đối với chính phủ và các cơ quan hành chính nhà nước. Theo đó, nếu hành vi của các cơ quan hành chính và đội ngũ cán bộ, công chức đảm bảo tính chính đáng, đảm bảo nguyên tắc pháp quyền, tuân thủ các chuẩn mực cơ bản của đạo đức công vụ và phù hợp với các giá trị đạo đức xã hội thì càng có lợi cho việc tăng cường niềm tin của người dân đối với các cơ quan hành chính. Ngược lại, nếu hành vi nào đó của cơ quan hành chính nhà nước hoặc cán bộ, công chức không đảm bảo các yêu cầu nói trên sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến niềm tin của công dân đối với các cơ quan hành chính nhà nước. Đặc biệt, về phương diện thực tiễn, sự xung đột giữa lợi ích cá thể và lợi ích công trong quá trình thực thi công vụ của cán bộ, công chức là điều rất khó tránh. Vì thế, kiểm soát có hiệu quả hành vi của cơ quan hành chính và bản thân cán bộ, công chức là yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến niềm tin của công dân.

Thứ tư, quá trình hoạt động của chính phủ và các cơ quan hành chính nhà nước

Nếu hành vi của các cơ quan hành chính và đội ngũ cán bộ, công chức thể hiện tính vi mô trong hoạt động của chính phủ và cơ quan hành chính nhà nước, thì quá trình hoạt động thể hiện tính vĩ mô trong hoạt động của chính phủ và cơ quan hành chính. Nhiều nghiên cứu đã chỉ rõ sự ảnh hưởng của quá trình hoạt động của chính phủ đối với niềm tin của công dân. Theo Hibbing, khác với kết quả và đầu ra của chính phủ và cơ quan hành chính, tính công bằng, tính mở, tính đáp ứng của hệ thống hành chính là yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến niềm tin của công dân. Nói cụ thể, nếu chính phủ và các cơ quan hành chính đảm bảo tính tính mở, cốt lõi là đảm bảo sự tham gia của công dân, đảm bảo tính minh bạch, tính tương tác với người dân thì càng có lợi cho việc tăng cường, củng cố niềm tin của người dân. Ngược lại sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến niềm tin của công dân đối với chính phủ và các cơ quan hành chính.

Thứ năm, năng lực của chính phủ và các cơ quan hành chính

Năng lực của chính phủ và các cơ quan hành chính nhà nước ảnh hưởng rất lớn đến niềm tin của công dân đối với chính phủ và các cơ quan hành chính. Sự đánh giá của công dân và xã hội đối với năng lực của chính phủ và cơ quan hành chính không chỉ được quyết định bởi kết quả, hiệu quả quản trị cũng như hiệu quả giải quyết các vấn đề xã hội của chính phủ và cơ quan hành chính trong quá khứ; mà còn được thể hiện ở năng lực cải cách, đổi mới không ngừng của chính phủ và cơ quan hành chính để ứng phó với sự thay đổi của môi trường. Tính phức tạp và độ khó trong giải quyết các vấn đề xã hội đặt ra thách thức rất lớn đối với năng lực giải quyết các vấn đề xã hội của chính phủ và các cơ quan hành chính. Nếu chính phủ giải quyết có hiệu quả các vấn đề này thì niềm tin của người dân sẽ tăng lên, ngược lại, nếu chính phủ giải quyết chưa hiệu quả một số vấn đề xã hội, niềm tin của công dân sẽ suy giảm.

 Thứ sáu, hiệu quả hoạt động của chính phủ và các cơ quan hành chính nhà nước

Hiệu quả hoạt động của chính phủ và các cơ quan hành chính là yếu tố quyết định niềm tin của công dân. Về mặt nội dung, hiệu quả hoạt động của chính phủ và các cơ quan hành chính nhà nước chủ yếu thể hiện ở chỗ thúc đẩy sự phát triển kinh tế và cung ứng dịch vụ công. Đối với các nước đang phát triển, sự phát triển kinh tế là yếu tố quan trọng ảnh hưởng tích cực đến niềm tin của người dân. Còn đối với những nước phát triển, khi kinh tế phát triển ở trình độ nhất định thì người dân càng quan tâm hơn đến dịch vụ công. Đồng thời với việc quan tâm đến sự phát triển kinh tế và cải thiện dịch vụ công, người dân còn quan tâm đến chi phí để đạt được kết qua. Vì thế có thể nói, hiệu quả hành chính có công bằng hay không, cao hay thấp, lành mạnh và bền vững hay không là những tiêu chí mà người dân sử dụng để đánh giá tính hiệu quả trong hoạt động của chính phủ và cơ quan hành chính.

 Thứ bảy, quan hệ tương tác giữa các cơ quan hành chính nhà nước và công dân

Niềm tin của công dân đối với chính phủ và cơ quan hành chính nhà nước không chỉ được quyết định bởi hành vi và các yếu tố trừu tượng trong quá trình hoạt động của chính phủ và cơ quan hành chính, mà còn được củng cố và hình thành thông qua quá trình tương tác, tiếp xúc cụ thể giữa cơ quan hành chính và người dân. Vì thế, cảm nhận trực tiếp và tình cảm của người dân từ quá trình tiếp xúc trực tiếp với cán bộ, công chức cũng là yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến sự đánh giá của họ đối với các cơ quan hành chính. Theo đó, nếu cơ quan hành chính và đội ngũ cán bộ, công chức thực hiện được việc tăng cường đối thoại với người dân, “trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân, giúp dân, có trách nhiệm với dân”; đồng thời thể hiện được tính chuẩn mực trong thái độ và hành vi, có năng lực và đảm bảo tính chuyên nghiệp trong giải quyết các công việc của người dân càng có lợi cho việc củng cố và tăng cường niềm tin của người dân, ngược lại, sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến niềm tin của người dân.

 3. Một số gợi mở nhằm tăng cường và củng cố niềm tin của công dân đối với cơ quan hành chính nhà nước

Củng cố và tăng cường niềm tin của công dân đối với chính phủ và các cơ quan hành chính nhà nước là một ưu tiên của các quốc gia trên thế giới hiện nay. Vì thế, việc củng cố niềm tin của công dân đối với chính phủ và cơ quan hành chính nhà nước không chỉ cần loại bỏ những yếu tố ảnh hưởng tiêu cực đến niềm tin của công dân, mà quan trọng hơn còn là thúc đẩy các nhân tố tích cực để tăng cường niềm tin của công dân đối với chính phủ và các cơ quan hành chính. Trên cơ sở các yếu tố ảnh hưởng đến niềm tin của công dân đối với chính phủ và cơ quan hành chính nhà nước ở trên, có thể rút ra một số gợi mở nhằm tăng cường, củng cố niềm tin của công dân đối với chính phủ và các cơ quan hành chính nhà nước như sau:

 Thứ nhất, để củng cố và tăng cường niềm tin của công dân, chính phủ và cơ quan hành chính nhà nước cần thực hiện tốt việc tạo ra và duy trì giá trị công

Giá trị công có tầm quan trọng đặc biệt đối với việc củng cố và tăng cường niềm tin của công dân đối với chính phủ và các cơ quan hành chính nhà nước. Từ nghiên cứu thực tiễn của các nước OECD, có nghiên cứu cho rằng, chính phủ thuộc các nước thuộc OECD chưa hiệu quả trong việc tạo ra giá trị công là nguyên nhân chủ yếu làm suy giảm niềm tin của công dân đối với chính phủ và cơ quan hành chính. Vì vậy, chính phủ và các cơ quan hành chính nhà nước cần coi trọng việc duy trì giá trị công và tạo ra giá trị công. Việc duy trì giá trị công cần quan tâm đến một số phương diện, như duy trì quyền bình đẳng của công dân; đảm bảo sự công bằng trong phân phối các giá trị xã hội; đảm bảo nguyên tắc bình đẳng trong vận dụng pháp luật và thể chế. Để tạo ra tốt giá trị công, chính phủ và cơ quan hành chính cần đáp ứng tốt những nhu cầu và kỳ vọng của công dân; bằng tầm nhìn chiến lược để đưa ra các kịch bản, chính sách nhằm giải quyết tốt các nhu cầu của công dân trong tương lai.

Thứ hai, để tăng cường niềm tin của công dân, cần thông qua cải cách, đổi mới để hình thành kết cấu quản trị đảm bảo tính đại diện

Tính đại diện của quản trị công là yếu tố ảnh hưởng đến niềm tin của công dân. Để góp phần nâng cao tính đại diện của bộ máy quản trị, cần: (i) đảm bảo tính “mở” của chế độ công chức cũng như đảm bảo để đội ngũ cán bộ, công chức có đủ phẩm chất, năng lực đại diện cho ý chí, lợi ích của công dân; (ii) tăng cường sự tham gia của công dân trong hoạch định và thực thi chính sách; (iii) tăng cường sự tham gia của doanh nghiệp và các đoàn thể xã hội trong quản trị công theo hướng chuyển từ mô hình quản trị ở đó chính phủ và cơ quan hành chính nhà nước giữa vai trò độc tôn trong quản lý xã hội sang mô hình quản trị có sự phối hợp, hợp tác hiệu quả giữa cơ quan hành chính nhà nước – doanh nghiệp và các đoàn thể xã hội.

Thứ ba, để củng cố và tăng cường niềm tin của công dân, cần tăng cường kiểm soát hành vi của chính phủ và các cơ quan hành chính

Kiểm soát có hiệu quả quyền lực hành chính cũng như hành vi của các cơ quan hành chính là một giải pháp quan trọng nhằm tăng cường, củng cố niềm tin của người dân. Để kiểm soát có hiệu quả đối với hành vi của các cơ quan hành chính và đội ngũ cán bộ, công chức, cần quan tâm đến một số phương diện, như: (1) tăng cường xây dựng hành chính pháp quyền, đảm bảo nguyên tắc pháp quyền trong hoạt động của các cơ quan hành chính và đội ngũ cán bộ, công chức, sử dụng thể chế pháp luật để “quản quyền lực”, “quản người” và “quản việc”; (2) Tăng cường xây dựng đạo đức công vụ trong các cơ quan hành chính nhà nước, thông qua các biện pháp khác nhau để làm cho các giá trị, chuẩn mực cơ bản của đạo đức công vụ, như phục vụ công dân, lợi ích công, trách nhiệm công, công bằng xã hội, dân chủ, hiệu quả thấm sâu vào mọi hoạt động công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức; (3) Tăng cường kiểm tra, thanh tra và giám sát trong hệ thống hành chính, cũng như sự kiểm tra, giám sát của cơ quan lập pháp, cơ quan tư pháp, của đảng cầm quyền và các đoàn thể xã hội đối với hoạt động của các cơ quan hành chính, đồng thời truy cứu và xử lý nghiêm minh theo pháp luật đối với những người có hành vi vi phạm pháp luật.

Thứ tư, để góp phần củng cố niềm tin của công dân, cần tăng cường thúc đẩy tính “mở” và tính công khai, minh bạch của các cơ quan hành chính

Theo đó, cần hoàn thiện thể chế và nâng cao năng lực thực thi thể chế để đảm bảo sự tham gia có hiệu quả của công dân trong hoạch định, thực thi và đánh giá chính sách, cũng như trong quá trình giải quyết các vấn đề xã hội của cơ quan hành chính nhà nước; đồng thời, tăng cường tính công khai, minh bạch trong hoạt động của các cơ quan hành chính nhằm đảm bảo “quyền được biết” của công dân, cũng như thúc đẩy sự tham gia và giám sát của công dân.

Thứ năm, để góp phần củng cố và tăng cường niềm tin của công dân, cần phải nâng cao năng lực quản trị của chính phủ cũng như các cơ quan hành chính nhà nước

Năng lực quản trị của cơ quan hành chính (năng lực hành chính) là yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến niềm tin của công dân. Vì vậy, để củng cố niềm tin của công dân đối với chính phủ và các cơ quan hành chính nhà nước, chính phủ và các cơ quan hành chính cần nâng cao năng lực trên các khía cạnh, như nâng cao năng lực ứng phó và quản lý rủi ro; nâng cao năng lực hợp tác giữa chính phủ, cơ quan hành chính với doanh nghiệp và xã hội; nâng cao năng lực phối hợp giữa các cơ quan hành chính nhà nước theo chiều ngang; nâng cao năng lực tự đổi mới, cải cách của chính phủ và các cơ quan hành chính, nhất là năng lực đổi mới thể chế, tổ chức, cơ chế, phương pháp, cũng như tăng cường việc ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số trong hoạt động của cơ quan hành chính.

Thứ sáu, để góp phần tăng cường niềm tin của công dân, cần coi trọng việc cải thiện và nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước

Cần tăng cường đánh giá hiệu quả hoạt động của các cơ quan hành chính dựa trên các tiêu chí đánh giá cụ thể và toàn diện; phát huy sự tham gia đánh giá của xã hội đối với hiệu quả hoạt động của các cơ quan hành chính cũng như công khai kết quả đánh giá. Bên cạnh đó, cần nâng cao chất lượng dịch vụ công thông qua các biện pháp, như thực hiện tốt nguyên tắc “lấy công dân làm trung tâm” trong cung ứng dịch vụ công; tăng cường quản lý chất lượng dịch vụ công và đổi mới việc đánh giá chất lượng cung ứng dịch vụ công của các cơ quan, đơn vị có liên quan.

Thứ bảy, để góp phần tăng cường niềm tin của công dân, cần tăng cường sự tương tác giữa cơ quan hành chính nhà nước với công dân

Cụ thể là chuyển từ quan hệ một chiều giữa cơ quan hành chính nhà nước và công dân như mô hình hành chính truyền thống sang sự tương tác hai chiều giữa cơ quan hành chính nhà nước với công dân; thực hiện tương tác trực tiếp và trực tuyến giữa cơ quan hành chính nhà nước với người dân; xây dựng thái độ và tác phong làm việc chuẩn mực, trách nhiệm của công chức trong quá trình giải quyết các công việc liên quan đến người dân.

 Tóm lại, niềm tin của công dân đối với chính phủ và cơ quan hành chính là tài sản quý nhất, quan trọng nhất. Nhìn từ cấp độ toàn cầu, chuyển từ mô hình hành chính truyền thống sang mô hình quản trị công tốt là con đường và biện pháp cơ bản để củng cố và tăng cường niềm tin của công dân đối với chính phủ và các cơ quan hành chính nhà nước hiện nay.

---------

Bài đăng trên Tạp chí Thông tin Khoa học chính trị số 4 (34) - 2023

1 Nye, Joseph S. Introduction: The Decline of Confidence in Government, In Nye, J.S., Zelikow, P.D and King, D.C.eds. Why People Don’t Trust Goverment. Cambridge, MA: Havard Univestiy Press. 1997, p. 1-18.

2 OECD: Goverment of the Future, 2000, p. 50.

3, 4 Edeman. 2012 Edelman Trust Barometer: Executive Summary, 2012, p.76, 22-100.

5 Nonathan Birdwell, Faizal Farook, Samuel Jones: Trust in Practice, http://www.demos.co.uk/file/Trust_in_Practice-web.pdf?1276607456.

6 Peri K.Blind: Building Trust in Government in the Twetnty-first Century, Review of Literature and Emerging Issues.11, 2007, p. 41.

7 Jonathan Birdwell, Faizal Farook, Samuel Jones: Trust in Practice, http://www.demos.co.uk/files/Trust_in Practice_web.pdf?1276607456.

8 John R.Hibbing, Elizabe Theiss-Morse: Too much of a Good thing: More Representative is not Necessarily Better, Political Sciense & Politics, 1998, 31 (1), p. 28-31.

9 Gavin Kelly, Geoff Mulgan and Stephen Muers: Creating Public Value: an  Analytical Framework for Public Service Reform, Strategy Unit Discussion Paper, Cabinet Office.5. 2002, p. 52.

10 Nguyễn Trọng Bình: Xây dựng Chính phủ kiến tạo ở Việt Nam hiện nay – tiếp cận từ lý luận quản trị tốt, Tạp chí Nghiên cứu lập pháp, số 08 (408), tháng 4, 2020, tr.10-18.