TS NGUYỄN TIẾN DŨNG
Học viện Chính trị khu vực IV
ThS NGUYỄN NGỌC QUY
Ban Tuyên giáo Thành ủy Cần Thơ

(TTKHCT) - Thành phố Cần Thơ được thành lập ngày 01/01/2004 trên cơ sở chia tách tỉnh Cần Thơ (cũ) thành thành phố Cần Thơ và tỉnh Hậu Giang theo Nghị quyết số 22/2003/QH11 ngày 26/11/2003 của Quốc hội về việc chia và điều chỉnh địa giới hành chính một số tỉnh. Sau đó hơn một năm, ngày 17/02/2005 Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 45-NQ/TW về xây dựng và phát triển thành phố Cần Thơ trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, tạo nền tảng phát triển cho Cần Thơ. Từ dấu mốc quan trọng đó đến nay, với sự quan tâm của Trung ương, sự nỗ lực của Nhân dân và chính quyền thành phố, cùng với sự hỗ trợ của các địa phương trong cả nước đã mang lại diện mạo mới sau 20 năm Cần Thơ trực thuộc Trung ương.

Diện mạo thành phố Cần Thơ sau 20 năm xây dựng, phát triển_Nguồn: baochinhphu.vn

1. Đặt vấn đề

Sau khi chia tách tỉnh Cần Thơ (cũ) thành thành phố Cần Thơ và tỉnh Hậu Giang, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 45-NQ/TW ngày 17/02/2005 về xây dựng và phát triển thành phố Cần Thơ trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Nghị quyết đã tạo nền tảng quan trọng cho những thành tựu mà thành phố đạt được theo các định hướng để Cần Thơ trở thành “thành phố đồng bằng cấp quốc gia văn minh, hiện đại, xanh, sạch, đẹp, xứng đáng là cửa ngõ của cả vùng hạ lưu sông Mê Kông; là trung tâm công nghiệp, thương mại - dịch vụ, du lịch, trung tâm giáo dục - đào tạo và khoa học - công nghệ, trung tâm y tế và văn hóa, là đầu mối quan trọng về giao thông vận tải nội vùng và liên vận quốc tế; là địa bàn trọng điểm giữ vị trí chiến lược về quốc phòng, an ninh của vùng đồng bằng sông Cửu Long và của cả nước”1. Ngày 05/08/2020, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 59-NQ/TW về xây dựng và phát triển thành phố Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Nghị quyết đã khẳng định quan điểm của Đảng về vai trò, vị trí và tầm quan trọng của Cần Thơ đối với vùng đồng bằng sông Cửu Long và cả nước; giúp đổi mới tư duy, tạo sự thống nhất trong tư tưởng và nhận thức của cả hệ thống chính trị. Nghị quyết giúp động viên Nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp phát huy sức mạnh tổng hợp để xây dựng và phát triển “Cần Thơ là thành phố sinh thái, văn minh, hiện đại, mang đậm bản sắc văn hóa sông nước vùng đồng bằng sông Cửu Long; là trung tâm của vùng về dịch vụ thương mại, du lịch, logistics, công nghiệp chế biến, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, giáo dục và đào tạo, y tế chuyên sâu, khoa học công nghệ, văn hoá, thể thao; là đô thị hạt nhân vùng đồng bằng sông Cửu Long; đời sống vật chất và tinh thần của người dân đạt mức cao; tổ chức Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; quốc phòng an ninh được bảo đảm vững chắc”2. Đầu năm 2022, Quốc hội khóa XV đã quyết nghị ban hành Nghị quyết số 45/2022/QH15 ngày 11/01/2022 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Cần Thơ. Thành phố đã tập trung phối hợp với các bộ, ngành Trung ương để cụ thể hóa các chính sách, tập trung nguồn lực, xây dựng kết cấu hạ tầng, tạo cơ chế thu hút đầu tư, tạo động lực mới cho phát triển thành phố và cả vùng đồng bằng sông Cửu Long.

2. Quá trình 20 năm xây dựng và phát triển

Thành phố Cần Thơ trực thuộc Trung ương được thành lập ngày 01/01/2004 trên cơ sở chia tách tỉnh Cần Thơ thơ cũ thành thành phố Cần Thơ và tỉnh Hậu Giang. Thành phố Cần Thơ gồm ba quận và sáu huyện: quận Ninh Kiều, Bình Thủy, Cái Răng; huyện Ô Môn, Thốt Nốt, Cờ Đỏ, Phong Điền, Thới Lai và Vĩnh Thạnh. Thành phố có vị trí ở trung tâm vùng đồng bằng sông Cửu Long, nằm bên bờ Tây sông Hậu, cách Biển Đông khoảng 75 km, cách Thủ đô Hà Nội 1.877 km và cách Thành phố Hồ Chí Minh 169 km về phía Bắc (theo đường bộ). Cần Thơ có diện tích tự nhiên 1.401,6 km2, chiếm 3,49% diện tích toàn vùng, đến năm 2023 thành phố có tổng dân số 1.297.260 người. Trong giai đoạn phát triển 2004 - 2023, thành phố Cần Thơ đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, thay đổi diện mạo từ khi là thành phố trực thuộc Trung ương.

2.1. Thành tựu

Qua 20 năm xây dựng và phát triển, quy mô nền kinh tế của thành phố được mở rộng, đóng góp vào sự phát triển chung của vùng đồng bằng sông Cửu Long và cả nước. Đến năm 2023, giá trị tổng sản phẩm trên địa bàn đạt hơn 119.271 tỷ đồng, gấp 10 lần so năm 2004. Tổng sản phẩm bình quân đầu người (GRDP/người) năm 2023 đạt 94,7 triệu đồng, gấp 9,3 lần so năm 2004 (năm 2004 là 10,023 triệu đồng)3. Điều này góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống người dân thành phố, cụ thể: tổng sản phẩm trên địa bàn giai đoạn 2004 - 2010 tăng bình quân 15,18%/năm; GRDP giai đoạn 2011 - ước năm 2023 tăng bình quân 5,87% (trong đó tốc độ tăng trưởng giai đoạn 2011-2015 tăng bình quân 5,94%, giai đoạn 2016-2019 tăng bình quân 6,90%, riêng năm 2020, 2021 kinh tế chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh COVID-19, đà tăng trưởng của các ngành, lĩnh vực chủ yếu chậm lại, tăng trưởng kinh tế năm 2020 giảm (0,53%) và năm 2021 giảm (1,68%). Năm 2022 và 2023, tình hình kinh tế - xã hội thành phố tiếp tục phục hồi, khởi sắc, thúc đẩy tăng trưởng năm 2022 đạt mức tăng cao 12,38% so năm 2021 và tăng trưởng năm 2023 tăng 9,5% so năm 20224; diện mạo thành phố đã có những thay đổi đáng kể: nhiều khu đô thị mới, khu dân cư - thương mại, dịch vụ ở các quận huyện, nhất là ở Ninh Kiều, Cái Răng, Bình Thủy được đầu tư theo hướng hiện đại. Hình thành một số khu chức năng đặc thù, các công trình dịch vụ phức hợp, hệ thống công trình hạ tầng phục vụ cộng đồng của thành phố đã phát huy hiệu quả. Cơ bản phát triển và đổi mới hạ tầng giao thông cả về đường bộ, đường thủy nội địa, hàng hải, hàng không; nhiều công trình giao thông quan trọng được đầu tư hoàn thành và đưa vào sử dụng, kết nối lan tỏa, tạo động lực mới cho phát triển, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bằng sông Cửu Long nói chung và thành phố nói riêng. Đây là thành quả chung của các ngành, các lĩnh vực trên địa bàn thành phố, có thể thấy qua một số lĩnh vực, chương trình sau:

Phát triển công nghiệp giữ mức tăng trưởng ổn định qua từng giai đoạn, hằng năm đóng góp khoảng 15% vào giá trị sản xuất công nghiệp toàn vùng; giai đoạn 2004-2010 (giá cố định năm 1994): giá trị sản xuất công nghiệp năm 2004 đạt 6.662,2 tỷ đồng, đến năm 2010 đạt 19.372 tỷ đồng, gấp 2,9 lần, tăng bình quân 18,15%/năm; giai đoạn 2011-2015 (giá so sánh 2010): giá trị sản xuất công nghiệp năm 2011 đạt 59.423 tỷ đồng, năm 2015 đạt 77.817 tỷ đồng, tăng bình quân 8,33%/năm; giai đoạn 2016-2019: chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp (IIP) duy trì mức tăng bình quân gần 8%/năm, tuy nhiên năm 2020, 2021, chỉ số công nghiệp tăng nhẹ 0,94% và giảm 10,44% do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19. Năm 2022, các biện pháp sản xuất kinh doanh thích ứng tình hình mới phát huy hiệu quả tích cực, sản xuất công nghiệp phục hồi tốt, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 29,59% so năm 2021 và ước năm 2023, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng hơn 5%5; riêng giá trị sản xuất công nghiệp của các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp trên địa bàn thành phố đạt 1.916 triệu USD, các doanh nghiệp này cũng đóng thuế cho nhà nước 1.900 tỷ đồng6.

Hoạt động thương mại nội địa có bước phát triển mạnh, hàng hóa lưu thông thông suốt, nguồn hàng dồi dào, đa dạng, đáp ứng nhu cầu sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng của người dân. Triển khai thực hiện có hiệu quả chương trình xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu tiêu thụ sản phẩm, phát triển chuỗi cung ứng nông sản sạch, an toàn vào kênh phân phối. Tổng mức hàng hóa bán lẻ luôn đứng đầu trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long và đứng vị trí thứ 3 trong 5 thành phố trực thuộc Trung ương, sau Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội, tăng từ mức 8.344 tỷ đồng năm 2004 lên 107.767 tỷ đồng năm 2019, gấp 12,9 lần so năm 2004, tăng bình quân 19%/năm. Riêng năm 2020-2021, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, doanh thu các ngành kinh doanh đều giảm mạnh, tổng mức hàng hóa bán lẻ đạt 90.686 tỷ đồng, giảm 15,9% so năm 2019; năm 2021, đạt 91.275 tỷ đồng; năm 2022, lưu chuyển hàng hóa sôi động trở lại, tổng mức hàng hóa bán lẻ đạt 118.082 tỷ đồng, tăng 29,37% so năm 2021 và ước năm 2023 đạt 125.710 tỷ đồng7. Không những vậy, tình hình xuất khẩu thực hiện có hiệu quả, đến nay thành phố xuất khẩu trên 100 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Các doanh nghiệp đẩy mạnh thực hiện kết nối, tìm kiếm thị trường xuất khẩu; một số doanh nghiệp đã xây dựng được vùng nuôi, chủ động được nguồn nguyên liệu sản xuất, chế biến, bảo đảm quy trình khép kín từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ, đáp ứng được các điều kiện của thị trường nhập khẩu và chủng loại ngày càng đa dạng.

Thành phố cũng tiến hành đầu tư khai thác những tiềm năng du lịch, phát huy vai trò trung tâm du lịch vùng đồng bằng sông Cửu Long, bằng việc tăng cường quảng bá, xúc tiến du lịch được đổi mới, có trọng tâm, trọng điểm; liên kết, hợp tác phát triển du lịch ngày càng sâu rộng đến các thị trường du lịch trọng điểm. Thị trường du lịch ngày càng được mở rộng, sản phẩm du lịch được đa dạng hóa và nâng cao chất lượng; đang dần hình thành hệ thống sản phẩm đặc trưng từ sự kiện, lễ hội, có điểm nhấn ở các quận, huyện; lễ hội văn hóa - thể thao cấp thành phố, cấp vùng, quốc gia và quốc tế tổ chức ngày càng quy mô và chuyên nghiệp, góp phần đưa hình ảnh, đất nước, con người Cần Thơ đến với bạn bè trong nước và quốc tế. Giai đoạn 2004 - 2023, thành phố Cần Thơ đón hơn 71 triệu lượt khách đến tham quan, du lịch, tăng bình quân 14%/năm; khách lưu trú hơn 28 triệu lượt, tăng bình quân 16,7%/năm; tổng doanh thu từ du lịch đạt hơn 34 nghìn tỉ đồng, tăng bình quân 25,5%/năm8.

Hạ tầng giao thông được Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải và các bộ, ngành liên quan quan tâm chỉ đạo, ưu tiên bố trí vốn đầu tư xây dựng các dự án kết cấu hạ tầng giao thông quan trọng có tính chất kết nối liên vùng qua địa bàn thành phố Cần Thơ. Thời gian qua đã hoàn thành đưa vào hoạt động cầu Cần Thơ, cảng Hàng không Quốc tế Cần Thơ, Dự án luồng cho tàu biển tải trọng lớn vào sông Hậu, cảng Cái Cui, nâng cấp cụm cảng Cần Thơ - khu bến Hoàng Diệu, đường Nam Sông Hậu....; giai đoạn 2021 - 2025, tiếp tục ưu tiên đầu tư: tuyến cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ và cầu Mỹ Thuận 2; dự án cao tốc Bắc Nam phía Đông, dự án thành phần Cần Thơ - Hậu Giang; nâng cấp, mở rộng đường Nam sông Hậu (phạm vi trên địa bàn thành phố Cần Thơ từ Ngã Năm cầu Cần Thơ đến cảng Cái Cui); nâng cấp tuyến kênh Chợ Gạo (giai đoạn 2); xây dựng hoàn chỉnh luồng cho tàu biển tải trọng lớn vào sông Hậu giai đoạn 2; nâng cấp cảng Hàng không Quốc tế Cần Thơ; đường sắt Thành phố Hồ Chí Minh - Cần Thơ... Bên cạnh đó, thành phố đã tập trung triển khai thủ tục đầu tư, tập trung nguồn lực của thành phố để thực hiện các dự án giao thông đường bộ như: Dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, đoạn qua địa bàn thành phố Cần Thơ; dự án đường Vành đai phía Tây (nối Quốc lộ 91 với Quốc lộ 61C); Dự án đầu tư xây dựng và nâng cấp mở rộng Đường tỉnh 923, 917, 918, 921; nâng cấp các trục đường nội ô, giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông, nâng tải trọng các cầu để đồng bộ với tải trọng đường; chủ động kết nối với các trục đường quan trọng do Trung ương đầu tư, tăng kết nối vùng, góp phần quan trọng trong việc khắc phục một trong những điểm nghẽn đối với thành phố, khai thác tối đa tiềm năng, hiệu quả trong khai thác quỹ đất đô thị, tăng tính liên kết, rút ngắn khoảng cách giữa các địa phương và các tỉnh trong vùng, góp phần thu hút đầu tư, phát triển kinh tế xã hội của thành phố.

Chương trình xây dựng nông thôn mới đã tạo được sự đoàn kết, đồng thuận trong Nhân dân, doanh nghiệp và chính quyền các cấp, huy động mạnh mẽ nguồn lực từ xã hội. Nhiều công trình kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn về giao thông, thủy lợi được đầu tư mới và nâng cấp mở rộng; chất lượng tổ chức sản xuất, nguồn nhân lực..., phục vụ nông nghiệp, nông thôn được quan tâm nhiều hơn; bộ mặt nông thôn thay đổi đáng kể, chất lượng đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn không ngừng được nâng lên. Kết quả thực hiện Chương trình quốc gia xây dựng nông thôn mới đến cuối năm 2020, thành phố có 36/36 xã và 04/04 huyện đạt chuẩn nông thôn mới, hoàn thành xây dựng nông thôn mới trước một năm so với Nghị quyết Thành ủy đề ra; đến cuối năm 2023, thành phố có 31/36 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 05/36 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.

Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững được thực hiện tốt, tỷ lệ hộ nghèo của thành phố giảm bình quân 0,92%/năm; số hộ nghèo đến cuối năm 2022 chỉ còn 1.904 hộ, tỷ lệ hộ nghèo chiếm 0,52% so với tổng số hộ dân (thấp hơn tỷ lệ hộ nghèo cuối năm 2022 của cả nước là 4,03%). Năm 2023, số hộ nghèo giảm còn 1.178 hộ, tỷ lệ hộ nghèo chiếm 0,32%9. Đảm bảo 100% đối tượng bảo trợ xã hội được trợ giúp xã hội đúng và đủ theo quy định. Ban hành nhiều chương trình chăm lo cho trẻ em, nhất là trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, tạo mọi điều kiện để trẻ em được phát triển và tái hòa nhập cộng đồng, 100% trẻ em dưới 6 tuổi được cấp thẻ bảo hiểm y tế và được khám chữa bệnh miễn phí tại các cơ sở y tế công lập… Đồng thời, thực hiện tốt các chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số, chăm lo đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, kết quả trong 20 năm đã hỗ trợ cho 253 hộ về đất ở, kinh phí trên 59,8 tỷ đồng; xây dựng 3.013 căn nhà, kinh phí 26,8 tỷ đồng; hỗ trợ chuyển đổi nghề cho 987 người, kinh phí trên 13 tỷ đồng; hỗ trợ vay vốn chuyển đổi nghề cho 82 hộ, kinh phí 3,1 tỷ đồng... Qua đó, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số. Hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số giảm từng năm, năm 2011 có 1.486 hộ dân tộc thiểu số nghèo/8.670 hộ dân tộc thiểu số, chiếm tỷ lệ 17,14%, đến năm 2015 còn 446 hộ dân tộc thiểu số nghèo/8.992 hộ dân tộc thiểu số, chiếm tỷ lệ 4,96%; từ năm 2016 đến năm 2021 (theo tiêu chí nghèo mới), thành phố đã giảm được 1.344/1.392 hộ nghèo dân tộc thiểu số (tương đương giảm gần 97%); đến cuối năm 2022 (theo chuẩn nghèo đa chiều), số hộ nghèo giảm còn 113 hộ, chiếm tỷ lệ 1,14% trên tổng số hộ dân tộc thiểu số10.

Để có những bước phát triển nói trên, thành phố đã nỗ lực không ngừng, tự vươn lên, tranh thủ sự ủng hộ của Trung ương và phối hợp chặt chẽ với các địa phương trong cả nước thực hiện các hoạt động liên kết phát triển, tạo sự gắn kết giữa các địa phương, phối hợp chặt chẽ trong công tác rà soát, xây dựng quy hoạch cấp vùng, quy hoạch thành phố theo quy định của Luật Quy hoạch, xây dựng Hệ thống cơ sở dữ liệu vùng Kinh tế trọng điểm vùng đồng bằng sông Cửu Long, xác định danh mục dự án trọng điểm của vùng, đặc biệt là các dự án hạ tầng giao thông, thủy lợi liên vùng, xây dựng các chương trình, dự án của tiểu vùng liên quan đến biến đổi khí hậu, an ninh nguồn nước, thúc đẩy phát triển kinh tế của các địa phương. Mối liên kết, hợp tác giữa thành phố với các tỉnh, thành phố, viện, trường không ngừng được cải thiện; các lĩnh vực liên kết, hợp tác tập trung chủ yếu vào: công nghiệp; nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; thương mại - dịch vụ; thông tin và truyền thông; văn hóa, thể thao và du lịch; y tế; lao động, xã hội; tài nguyên, môi trường; quốc phòng - an ninh… Nhằm ghi nhận những thành tích trên, ngày 27/12/2023, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã ký Quyết định về việc tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất cho Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân thành phố Cần Thơ vì đã có thành tích xuất sắc trong phát triển kinh tế - xã hội, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc.

2.2. Khó khăn, thách thức

Thứ nhất, kinh tế thế giới có mức tăng trưởng chậm lại, thậm chí có nguy cơ rơi vào suy thoái và khủng hoảng; xung đột Nga - Ukraine và phản ứng của các nước lớn, chiến tranh thương mại, chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch mới; các nước lớn điều chỉnh chiến lược phát triển, giảm bớt sự phụ thuộc vào bên ngoài, làm thay đổi các chuỗi cung ứng tác động mạnh vào phát triển kinh tế - xã hội của thành phố. Ngoài ra, các yêu cầu về chất lượng sẽ cao hơn, các hàng rào thuế quan, hàng rào kỹ thuật sẽ khắt khe hơn cũng là những thách thức lớn cho thành phố Cần Thơ trong việc mở rộng thị trường, nhất là những ngành hàng gắn nhiều với thị trường thế giới.

Thứ hai, quá trình đô thị hoá tiếp tục diễn ra nhanh tạo sức ép lớn về nhu cầu phát triển kết cấu hạ tầng và xử lý ô nhiễm môi trường. Thiên tai, dịch bệnh cũng đang đặt ra nhiều khó khăn cho sự phát triển nhanh và bền vững của thành phố Cần Thơ.

Thứ ba, vai trò trung tâm động lực cho sự phát triển vùng đồng bằng sông Cửu Long của Cần Thơ còn mờ nhạt, kinh tế phát triển chưa có sự đột phá, đóng góp trong GRDP của vùng còn thấp (chiếm tỷ lệ hơn 9%). Chất lượng tăng trưởng kinh tế chưa thực sự bảo đảm tính bền vững, ứng dụng chuyển giao tiến bộ kỹ thuật mới, công nghệ cao vào sản xuất còn hạn chế, năng lực cạnh tranh còn thấp; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, đặc biệt là hạ tầng giao thông kết nối vùng cũng như kết nối thành phố với các trung tâm kinh tế ngoài vùng chất lượng chưa cao, chưa đồng bộ và hiện đại; doanh nghiệp phần lớn là nhỏ và siêu nhỏ, khả năng liên kết còn hạn chế.

Thứ tư, năng lực sản xuất một số ngành, sản phẩm quan trọng tăng chậm, các ngành có hàm lượng công nghệ cao có tỷ trọng nhỏ, năng lực cạnh tranh chưa cao. Dịch vụ logistics tuy có nhiều tiềm năng nhưng phát triển còn yếu, quy mô nhỏ, thiếu đồng bộ. Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo chưa trở thành động lực để nâng cao năng suất lao động, khả năng cạnh tranh; hàm lượng khoa học và công nghệ trong các sản phẩm chưa nhiều. Nông nghiệp chưa phát huy hết tiềm năng, lợi thế; chưa thể hiện rõ vai trò sản xuất nông nghiệp theo hướng hiện đại.

Thứ năm, môi trường đầu tư, kinh doanh, hợp tác liên kết vùng chưa thật sự hiệu quả; việc triển khai thực hiện về một số chính sách ưu đãi, thu hút đầu tư, khuyến khích xã hội hóa đầu tư chưa đạt kết quả như kỳ vọng, chưa tạo được sự đột phá trong huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực phát triển, đặc biệt là thu hút đầu tư nước ngoài chưa khởi sắc, còn kém so với nhiều tỉnh thuộc các vùng kinh tế trọng điểm và một số tỉnh trong vùng.

3. Kết luận và đề xuất

Phát biểu tại lễ kỷ niệm 20 năm thành phố Cần Thơ trực thuộc Trung ương, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng có nêu: “Cần Thơ phải là đô thị hạt nhân, một cực tăng trưởng của vùng đồng bằng sông Cửu Long và cả nước, góp phần kết nối nước ta với các nước thuộc Tiểu vùng sông Mê Kông”11. Nhằm thực hiện mục tiêu này, từ nay đến năm 2030, đề xuất thành phố cần quan tâm thực hiện một số nhiệm vụ cơ bản sau:

Một là, đẩy mạnh phát triển kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh; phát triển nền kinh tế tri thức, trọng tâm là kinh tế số và tăng trưởng xanh; tạo đột phá cho phát triển thành phố, đặc biệt là kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại, kết nối nội vùng và liên vùng, gắn chặt với đầu tư các công trình thủy lợi, kiểm soát lũ, phát triển mạng lưới đô thị, phát triển hạ tầng công nghệ thông tin, y tế, giáo dục, văn hóa.

Hai là, thu hút và sử dụng hiệu quả các nguồn vốn đầu tư từ mọi thành phần kinh tế cho phát triển kinh tế - xã hội, nhất là cho phát triển các ngành kinh tế mũi nhọn, có lợi thế; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực gắn với đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, ứng dụng và phát triển mạnh mẽ khoa học và công nghệ.

Ba là, phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Cần Thơ và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, nâng cao đời sống Nhân dân, bảo đảm gắn kết hài hòa giữa phát triển kinh tế với văn hóa, xã hội và môi trường.

Bốn là, thực hiện tốt công tác bảo vệ chính trị nội bộ; bảo đảm an ninh văn hóa tư tưởng, an ninh thông tin truyền thông, an ninh mạng, an ninh kinh tế, an ninh xã hội; sẵn sàng ứng phó hiệu quả với các thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống.

Tin tưởng rằng, thành phố sẽ hoàn thành mục tiêu xây dựng Cần Thơ là đô thị hạt nhân vùng đồng bằng sông Cửu Long, là thành phố sinh thái, văn minh, hiện đại mang đậm bản sắc văn hóa sông nước vùng đồng bằng sông Cửu Long; là trung tâm của vùng về dịch vụ thương mại, du lịch, logistics, công nghiệp chế biến, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, giáo dục và đào tạo, y tế chuyên sâu, khoa học công nghệ, văn hóa, thể thao; tăng trưởng kinh tế cao và ổn định; đời sống vật chất và tinh thần của người dân đạt mức cao; tổ chức đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; quốc phòng, an ninh được bảo đảm vững chắc.

---------

Bài đăng trên Tạp chí Thông tin Khoa học chính trị số 1 (37) - 2024

1 Đảng Cộng sản Việt Nam: Nghị quyết của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Cần Thơ trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước (số 45-NQ/TW ngày 17/02/2005), Hà Nội, 2005, tr.3.

2 Đảng Cộng sản Việt Nam: Nghị quyết của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (số 59-NQ/TW ngày 05/08/2020), Hà Nội, 2020, tr.4.

3, 6 Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ: Thành phố Cần Thơ xây dựng và phát triển (2004 - 2024), Cần Thơ, 2023, tr.2, tr.53.

4, 5, 7, 8, 9, 10 Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ: Thành tựu 20 năm thành phố Cần Thơ trực thuộc Trung ương và định hướng phát triển đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045, Cần Thơ, 2023, tr.3-4, 4, 5, 6, 21, 22.

11 Huỳnh Hải, Bảo Kỳ và Bảo Trân: Chủ tịch nước: Xây dựng Cần Thơ xứng đáng là đô thị hạt nhân vùng đồng bằng sông Cửu Long, https://dantri.com.vn/xa-hoi/chu-tich-nuoc-xay-dung-can-tho-xung-dang-la-do-thi-hat-nhan-vung-dbscl-20231231210019889.htm, cập nhật 31/12/2023.