GS, TS HỒ SĨ QUÝ
Uỷ viên Hội đồng lý luận Trung ương,
Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam

(TTKHCT) - Được sự quan tâm, ưu tiên phát triển của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và nhân dân cả nước, Đảng bộ và nhân dân thành phố Cần Thơ đang đứng trước cơ hội phát triển đầy ấn tượng. Hiện nay, Cần Thơ đã đủ điều kiện để trở thành trung tâm - động lực của toàn vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) về  phát triển kinh tế - xã hội, mà trước hết là trung tâm kinh doanh nông sản và trung tâm sản xuất hàng hóa giá trị cao, tức là đủ điều kiện để trở thành “Trái tim” của vùng ĐBSCL, nếu sự phát triển của 2 hành lang dọc, 3 hành lang ngang, 18 vùng kinh tế - xã hội… đến 2030 được thực hiện đúng như quy hoạch. Cần Thơ cũng đủ điều kiện để trở thành đô thị thông minh, đáng sống trong 10 - 25 năm tới, nếu sự phát triển thành phố được thực hiện đúng như quy hoạch - phát triển song hành đô thị thực và đô thị số - một thành phố mang đậm bản sắc sông nước, có văn hóa đặc trưng Nam Bộ với con người phương Nam phóng khoáng, nghĩa hiệp, yêu lao động, thích nghi nhanh…

Nguồn: canthotourism.vn

1. Tư tưởng chiến lược về sự phát triển của Cần Thơ

Từ năm 1739, Cần Thơ chính thức có tên trên bản đồ Việt Nam với tên gọi là “Trấn Giang”. Từ năm 2004, sau khi chia tách tỉnh, theo Quyết định của Quốc hội và Nghị định của Chính phủ, Cần Thơ là đô thị loại I, thành phố trực thuộc Trung ương.

Ngay sau khi trở thành đô thị loại I, Cần Thơ đã được Bộ Chính trị khoá IX ra Nghị quyết số 45-NQ/TW ngày 17/2/2005 tạo khung khổ chiến lược cho thành phố phát triển trong vị thế mới. Sau 15 năm phát triển, Cần Thơ đã lớn mạnh và đã có những tiến bộ về nhiều mặt; mặc dù vậy, sản xuất công nghiệp quy mô vẫn còn nhỏ, dịch vụ đã chiếm tỷ trọng lớn trong kinh tế nhưng giá trị gia tăng không cao… Như đánh giá của Bộ Chính trị và của chính Cần Thơ, sự phát triển của Cần Thơ vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế, chưa thực sự trở thành trung tâm - động lực của vùng ĐBSCL1.

Do vậy, để đáp ứng yêu cầu phát triển của Cần Thơ trong toàn vùng ĐBSCL giai đoạn hiện nay, ngày 05/8/2020 Bộ Chính trị khóa XII đã ra Nghị quyết số 59-NQ/TW về xây dựng và phát triển thành phố Cần Thơ đến 2030, tầm nhìn 2045. Nghị quyết này xác định những mục tiêu dài hạn và cụ thể cùng với những “cơ chế, chính sách đầu tư, tài chính và phân cấp quản lý đặc thù” cho phù hợp với ý chí, nghị lực của lãnh đạo và nhân dân thành phố nhằm đánh thức tiềm năng, thế mạnh và “phát huy vai trò là trung tâm, cực tăng trưởng của Cần Thơ trong vùng ĐBSCL”. Nghị quyết này đã được Chính phủ đã ban hành Chương trình hành động (Nghị quyết số 98/NQ-CP ngày 30/8/2021) để triển khai thực hiện2. Về mục tiêu đến 2030, tầm nhìn 2045 của Cần Thơ, Nghị quyết số 59-NQ/TW ngày 5/8/2020 của Bộ Chính trị chỉ rõ:

Mục tiêu đến năm 2030: Cần Thơ là thành phố sinh thái, văn minh, hiện đại mang đậm bản sắc văn hoá sông nước vùng ĐBSCL; là trung tâm của vùng về dịch vụ thương mại, du lịch, logistics, công nghiệp chế biến, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, giáo dục và đào tạo, y tế chuyên sâu, khoa học công nghệ, văn hoá, thể thao; là đô thị hạt nhân vùng ĐBSCL; đời sống vật chất và tinh thần của người dân đạt mức cao; tổ chức đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; quốc phòng, an ninh được bảo đảm vững chắc. Tầm nhìn đến năm 2045: Cần Thơ là thành phố sinh thái, văn minh, hiện đại mang đậm bản sắc sông nước vùng ĐBSCL; thuộc nhóm các thành phố phát triển khá ở châu Á”3.

Với toàn vùng ĐBSCL, hai năm sau, ngày 02/4/2022 Bộ Chính trị đã ra Nghị quyết số 13-NQ/TW xác định “Phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng ĐBSCL đến 2030, tầm nhìn 2045” và Chính phủ đã thiết kế Chương trình hành động (bằng Nghị quyết số 78/NQ-CP ngày 18/6/2022) để triển khai thực hiện Nghị quyết này.

Trong bài phát biểu tại Hội nghị toàn quốc 22/4/2022 triển khai thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 02/4/2022 về ĐBSCL của Bộ Chính trị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ rõ: “Vùng ĐBSCL thực sự là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của cả nước; là “Vùng cực Nam - Thành đồng của Tổ quốc”, cửa ngõ phía Tây Nam của quốc gia, có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng cần được phát huy cao hơn, và tiềm năng, lợi thế to lớn cho phát triển cần được khai thác có hiệu quả hơn… Phấn đấu đến năm 2030, ĐBSCL là vùng sinh thái, văn minh và bền vững, mang đậm bản sắc văn hoá sông nước; là trung tâm kinh tế nông nghiệp; phát triển kinh tế biển; kinh tế du lịch... Đến năm 2045, ĐBSCL là vùng phát triển toàn diện, sinh thái, văn minh và bền vững, mang đậm bản sắc văn hoá sông nước; có trình độ phát triển khá so với cả nước; cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại; kinh tế phát triển năng động, hiệu quả phù hợp với điều kiện tự nhiên, đa dạng sinh học, văn hóa, con người; nhân dân có mức sống cao; bản sắc văn hóa độc đáo, đa dạng của các dân tộc được duy trì và tôn tạo; quốc phòng và an ninh được bảo đảm”4.

Trong Chương trình hành động của Chính phủ, những nhiệm vụ trước mắt của Cần Thơ và của vùng ĐBSCL được Nghị quyết 78/NQ-CP ngày 18/6/2022 chỉ rõ:

“Xây dựng Cần Thơ thành trung tâm phát triển vùng; xây dựng Mỹ Tho, Tân An, Long Xuyên, Rạch Giá, Cà Mau và Sóc Trăng thành các trung tâm tổng hợp, chuyên ngành… Ưu tiên phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là kết cấu hạ tầng giao thông,… lấy đường thủy là trọng tâm;… thúc đẩy liên kết và hội nhập hành lang kinh tế đô thị - công nghiệp từ Cần Thơ - Long An, Long An - Cà Mau - Kiên Giang… Đến năm 2030, hoàn thành hệ thống đường bộ cao tốc kết nối vùng với vùng Đông Nam Bộ, hệ thống cảng biển và các cửa khẩu quốc tế gồm các tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông, Bắc - Nam phía Tây, Thành phố Hồ Chí Minh - Sóc Trăng, Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, Hà Tiên - Rạch Giá - Bạc Liêu, Hồng Ngự - Trà Vinh; nâng cấp hệ thống quốc lộ chính yếu, các cầu; đầu tư hệ thống đường ven biển qua các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang; phát triển một số trục kết nối đến các đầu mối vận tải lớn, các khu công nghiệp… Hoàn thành hệ thống cảng biển theo quy hoạch, trong đó cảng Trần Đề phát triển thành cảng đặc biệt và cửa ngõ vùng; phát triển cảng Hòn Khoai thành bến cảng tổng hợp; nâng cấp luồng hàng hải cho tàu biển trọng tải lớn vào Sông Hậu, luồng hàng hải Trần Đề. Mở rộng Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc; điều chỉnh quy hoạch và đầu tư Cảng hàng không Rạch Giá, Cà Mau. Hoàn thành công tác chuẩn bị đầu tư tuyến đường sắt Thành phố Hồ Chí Minh - Cần Thơ. Đẩy nhanh tiến độ các dự án xây dựng cảng container và các đoạn tuyến đường sau cảng, kết nối thuận lợi cảng biển với mạng giao thông quốc gia”5.

Xây dựng Cần Thơ thành trung tâm phát triển vùng là chủ trương có từ sớm. Đến Nghị quyết số 78/NQ-CP ngày 18/6/2022 của Chính phủ, vai trò trung tâm phát triển vùng của Cần Thơ được quy hoạch gồm: (1) Trung tâm Dịch vụ - Thương mại; (2) Trung tâm Du lịch; (3) Trung tâm Logistics; (4) Trung tâm Công nghiệp chế biến; (5) Trung tâm Nông nghiệp công nghệ cao; (6) Trung tâm Giáo dục và đào tạo; (7) Trung tâm Y tế chuyên sâu; (8) Trung tâm Khoa học và công nghệ; (9) Trung tâm Văn hoá, thể thao. Trong số chín lĩnh vực này, hơn 15 năm qua, những hạn chế trong vai trò trung tâm vùng của Cần Thơ lại chính là về phương diện kinh tế. Về các phương diện khác: văn hoá, y tế, khoa học công nghệ, du lịch… vai trò trung tâm của Cần thơ lại thể hiện tốt hơn, rõ hơn.

Nhằm tạo thể chế cho Cần Thơ bứt phá theo tinh thần Nghị quyết số 59-NQ/TW của Bộ Chính trị, ngày 11/01/2022 Quốc hội với 463/469 đại biểu tán thành, đã ra Nghị quyết số 45/2022/QH15 thí điểm sáu cơ chế, chính sách đặc thù với kỳ vọng để Cần Thơ thực sự trở thành “Tây Ðô”, đáp ứng yêu cầu phát triển vùng ĐBSCL và của cả nước. Điều đáng chú ý là với cơ chế đặc thù thứ năm, Cần Thơ được thực hiện dự án nạo vét kết hợp thu hồi sản phẩm luồng hàng hải Định An - Cần Thơ theo phương thức xã hội hóa, bảo đảm luồng hàng hải cho tàu có trọng tải từ 10.000 tấn trở lên ra vào được; và các dự án có quy mô từ 500 tỷ đồng trở lên được áp dụng hình thức ưu đãi6.

Đặc biệt, ngày 10/7/2022, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy Cần Thơ về chiến lược phát triển của Cần Thơ trong vùng ĐBSCL. Thủ tướng nhấn mạnh: “Phát triển thành phố xứng tầm trung tâm, động lực vùng ĐBSCL, biến những tiềm năng, lợi thế ít nơi nào có được thành kết quả thực tế, tạo bước đột phá trong phát triển”. Với những đòi hỏi cao như thế từ thực tiễn, Thủ tướng yêu cầu lãnh đạo Cần Thơ “Quyết tâm phải cao hơn, nỗ lực phải lớn hơn, việc điều hành phải quyết liệt, sáng tạo hơn nữa, xác định trọng tâm, trọng điểm phải rõ nét hơn để tạo bước đột phá phát triển, xứng tầm trung tâm động lực của vùng. Phải xác định việc phát triển trung tâm vùng ĐBSCL vừa là vinh dự, vừa là trách nhiệm, huy động sức mạnh của người dân, doanh nghiệp và sự ủng hộ của các tỉnh, thành phố xung quanh để thực hiện hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, đáp ứng mong muốn của nhân dân và yêu cầu phát triển của thành phố, biến những tiềm năng, lợi thế thành kết quả thực tế”7

2. Cần Thơ: vai trò động lực - cực tăng trưởng

Thời gian gần đây, ở Việt Nam thuật ngữ “động lực” được sử dụng phổ biến hơn dùng để chỉ các chủ thể kinh tế - xã hội có vai trò tác nhân, thúc đẩy, dẫn dắt… sự tăng trưởng và phát triển của các chủ thể khác hay các vùng lân cận, ngoại vi, vệ tinh. Thực chất của thuật ngữ này là “Cực tăng trưởng” (Growth Pole).

Lý thuyết về “Cực tăng trưởng” được ra đời vào những năm 50 của thế kỷ XX bắt đầu từ Francois Perroux (1903-1987) và Jacques - Raoul Boudeville (1919-1975), hai nhà kinh tế học nổi tiếng người Pháp. F.Perroux cho rằng: “Sự tăng trưởng kinh tế không xuất hiện ở tất cả mọi nơi và ở trong cùng một thời điểm; nó chỉ xuất hiện trong các điểm hoặc các cực phát triển, với cường độ thay đổi khác nhau; nó lan dọc theo các kênh đa dạng và với các tác động đầu cuối khác nhau đối với toàn bộ nền kinh tế”. Theo J.R.Boudeville: “Cực tăng trưởng là một tổ hợp các ngành công nghiệp đang phát triển trong một khu vực đô thị và điều đó thúc đẩy sự phát triển kinh tế trong toàn bộ khu vực”8.

Các lý thuyết về cực tăng trưởng từ đó được các học giả phát triển và bổ sung thêm nhiều nội dung. Nhiều quốc gia đã ứng dụng lý thuyết này và nhiều nước đã đạt được những thành công ở mức độ khác nhau.

Ngày nay lý thuyết cực tăng trưởng vẫn được ứng dụng khá phổ biến trong phân vùng kinh tế, phát triển đô thị và trong phát triển kinh tế. Đối với phát triển không gian đô thị (cũng là phát triển kinh tế vùng đô thị), nếu nhà quản trị biết tập trung đầu tư công một cách hợp lý để tạo được sự kích thích, biết ưu tiên thu hút nguồn lực (nhân lực, vốn tài chính, công nghệ…) cho phù hợp với nhu cầu và thế mạnh phát triển của các không gian, thì điều đó sẽ tạo ra một cực tăng trưởng. Cực tăng trưởng thường có tác động mạnh đến khu vực ngoại vi và từ đó tạo ra sự liên kết và hợp tác của toàn vùng trong phát triển kinh tế - xã hội9.

Sự phát triển của Cần Thơ từ 2005 đến nay trên thực tế, đã chịu ảnh hưởng nhất định của tư duy về cực tăng trưởng. Vấn đề là ở chỗ, ưu tiên đầu tư và tạo điều kiện để một trung tâm kinh tế tổng hợp như Cần Thơ phát triển mạnh và nhanh hơn, nhằm kích hoạt các trung tâm kinh tế hay đô thị nhỏ hơn trong toàn bộ khu vực. Phát huy lợi thế, đặc trưng sông nước của thành phố, sử dụng đầu tư công một cách chọn lọc, ưu tiên thu hút nguồn lực táo bạo đa dạng cho phù hợp với nhu cầu và thế mạnh của các ngành kinh tế và các địa phương, tạo ra sự kích thích tăng trưởng từ trung tâm ra ngoại vi… - từ một điểm xuất phát, sự phát triển sẽ lan dần đến khu vực lân cận trong xu thế phát triển chung.

Với lịch sử hình thành và phát triển qua vài thế kỷ, thời Pháp thuộc Cần Thơ đã có những đồn điền, cơ sở công nghiệp, chợ, có bệnh viện… tầm cỡ khu vực. Trường College de Cần Thơ (nay là trường Châu Văn Liêm) được xây dựng từ 100 năm trước (1917-1921), là nơi xuất thân của những danh nhân yêu nước như Bùi Hữu Nghĩa, Phan Văn Trị, Châu Văn Liêm. Cần Thơ có Cảng hàng không quốc tế Cần Thơ, cảng đường sông Cái Cui, cầu Cần Thơ đã hoạt động từ 2010, bến Ninh Kiều, chợ cổ Cần Thơ, Ngân hàng nhà nước… là các công trình kiến trúc cổ phản ánh các quan hệ kinh tế - xã hội hình thành cùng với lịch sử thành phố. Nhà máy nhiệt điện Trà Nóc 200 MW (năm 1976) và Trung tâm điện lực Ô Môn 2.800 MW (xây dựng năm 2010 đang được phát triển thêm). Hai nhà máy nước công suất 90.000 m3/ngày đêm. Nhà máy nước Hưng Phú: 10.000 m3/ngày đêm (năm 2006) 14.286m3 (năm 2022).

Hiện Cần Thơ có hệ thống bưu chính viễn thông tốt nhất khu vực. Các công nghiệp chế biến ở Cần Thơ đều có vị thế vùng rất rõ: chế biến thủy hải sản, xay xát chế biến gạo, phân bón, thuốc sát trùng, thuốc thú y - thủy sản dùng trong nông nghiệp, bia, tân dược, vật liệu xây dựng, sản xuất và phân phối điện, chế biến tinh nông thủy sản sau thu hoạch; sản xuất hàng tiêu dùng; chế biến lương thực - thực phẩm và đồ uống, năng lượng, cơ khí và chế tạo máy móc thiết bị, hóa chất và các sản phẩm từ hóa sinh, sinh học, điện và điện tử, tin học và vật liệu mới…Về nông nghiệp với diện tích đất nông nghiệp khoảng 115.000 ha. Hằng năm Cần Thơ sản xuất trên 1 triệu tấn lúa, chế biến xuất khẩu từ 500.000 - 600.000 tấn gạo đặc sản; trên 100.000 tấn trái cây, 200.000 tấn thủy sản (chủ yếu là cá da trơn) và khoảng 20.000 tấn thịt gia súc gia cầm.

3. Vị thế Trung tâm của Cần Thơ

Cần Thơ (“Trấn Giang” 镇江) có vị thế trung tâm (“Tây Đô” 西都) ngay từ trong lịch sử.  Tên Khmer nguyên thủy của vùng này là Prek Rusey (Sông Tre). Trong Gia Định thành thông chí có chép địa danh Cần Thơ bằng chữ Hán là 芹苴. “Cần Thơ”. Ngữ âm của Cần Thơ rất gần với ngữ âm của từ Khmer ត្រី កន្ធរ /trei kantho/, nghĩa là cá sặc rằn hay cá sặc bổi, người Bến Tre gọi là cá “lò tho”.

Năm 1739, đất Cần Thơ chính thức có tên trên dư đồ Việt Nam với tên gọi là “Trấn Giang” (镇江) (được Chúa Nguyễn Phúc Khoát công nhận công lao của Mạc Thiên Tứ (con Mạc Cửu) cùng dân chúng mở rộng khai hoang vùng đất Hà Tiên). Ngay từ lúc đó Cần Thơ đã là thủ phủ và là đô thị hạt nhân của Tây Nam Bộ. Đặc trưng: đô thị miền sông nước, đầu mối giao thông quan trọng giữa các tỉnh.

Vào thời nhà Nguyễn, Cần Thơ có tên là “Phong Phú”.

Ngày 23/2/1876, sau khi đã chiếm trọn Nam kỳ lục tỉnh, thực dân Pháp ra nghị định lấy huyện Phong Phú (Trấn Giang xưa) và một phần huyện An Xuyên và Tân Thành thuộc tỉnh An Giang (thời Minh Mạng) để thành lập hạt Cần Thơ.

Thời Việt Nam Cộng hòa, Cần Thơ lại mang tên “Phong Dinh”.

Với lịch sử giao thoa văn hóa Việt, Khmer, Hoa, Chăm…, với các địa danh gắn liền với đời sống đặc thù như Ninh Kiều, Cái Răng, Ô Môn…, với các sản phẩm miền châu thổ sông nước có bề dày truyền thống như vựa lúa, vựa trái cây, vựa hải thủy sản… Cần Thơ là điển hình của những nét đặc trưng của văn hóa - con người Nam Bộ: nghĩa hiệp, bao dung, hào phóng, thích nghi…

Hiện Cần Thơ là một trong 5 thành phố trực thuộc Trung ương, cùng với Đà Nẵng, Hải Phòng, Cần Thơ là đô thị loại I, thành phố trung tâm cấp vùng và cấp quốc gia. Năm 2019, Cần Thơ đứng thứ 24 về dân số, thứ 12 về GDP, thứ 40 về tốc độ tăng trưởng. Với dân số 1.282.300 người dân, GDP 2020 đầu người 94,45 triệu đồng/năm. 

4. Lợi thế, tiềm năng của Cần Thơ

Lợi thế lớn nhất và quan trọng nhất của Cần Thơ là kinh tế sông. Trong các khoa học kinh tế, gần đây, kinh tế sông (River Economic) được nói tới nhiều hơn và nghiên cứu sâu hơn. Kinh tế sông là nền (hay loại hình) kinh tế gắn liền với lợi thế sông nước. Những lợi thế thường được chú ý là: 1). Vận tải, cảng. 2). Sử dụng nguồn nước ngọt, phù sa, môi trường. 3). Nuôi trồng thủy sản, 4). Du lịch, 5). Thủy điện và khai thác tài nguyên dưới lòng sông… Với tiềm năng và thực tế có từ truyền thống, Cần Thơ đã và đang phát triển các loại hình kinh tế gắn với sông nước.

ĐBSCL có 26.550 km sông ngòi, kênh, rạch tự nhiên và hơn 100 kênh đào dày đặc, chảy qua các khu công nghiệp, khu dân cư, cảng sông, cảng biển với giao thông đường bộ; trong đó trên 5.000km sông, kênh, rạch cho phép thuyền trên 100 tấn có thể ra vào được. Sông Cửu Long nguyên thủy có 9 cửa sông. Trong “An Nam Đại Quốc họa đồ” của Taberd năm 1838ː cửa Tiểu, cửa Đại, cửa Ba Ray, cửa Bãi Ngao, cửa Băng Côn, cửa Cổ Chiên (thuộc sông Tiền), cửa Vam Rây, cửa Cha Vang, cửa Ba Thắc (thuộc Sông Hậu)10.

Mật độ giao thông thủy ĐBSCL cao nhất cả nước 0,61km/km2. Đường thủy trục ngang giữa sông Tiền và sông Hậu cũng có tổng chiều dài đến 14.900 km. Nhờ lợi thế này, ĐBSCL đóng góp cho kinh tế quốc gia khoảng 53% tổng sản lượng lương thực (xuất khẩu chiếm 90%), 65% sản lượng thuỷ sản nuôi trồng và 70% trái cây.

Vào năm 2018, “Earth & World” một trong những website có uy tín trên thế giới chuyên cung cấp thông tin vì mục đích kiến thức và dân trí, đã xếp hạng Cần Thơ là một trong 10 thành phố trên sông đẹp nhất thế giới (Top 10 most beautiful canal cities in the world) gồm Venice, Birmingham, Giethoorn (Netherlands), Suzhou (Tô châu), Alleppey (Ấn độ), Stockholm, Burges (Belgium), Bangkok, Cape coral (Forida, US), Cần thơ). Nhiều hãng du lịch lớn của thế giới về sau đã sử dụng lại bình chọn này11.

Các tài liệu của Việt Nam thường nhấn mạnh sông ngòi ở Cần Thơ và ĐBSCL là sông ngòi tự nhiên. Nhưng trong một báo cáo của Tổ chức quốc tế bảo tồn thiên nhiên (WWF) năm 2016, WWF lại nhấn mạnh sự khai phá của Việt Nam trong lịch sử kiến tạo sông ngòi ĐBSCL. “Sự đổi dòng của sông nước trong mạng lưới kênh phức tạp không thể được coi là tự nhiên, do lịch sử cải tạo lâu dài của vùng này”12. Điều này là thành quả lao động của con người, nhưng cũng có tác động hai mặt đến sự phát triển. Hiện nay, ĐBSCL có 100 kênh cấp 1, dài 6.500km và hơn 36.000km kênh cấp 2, 3. Mỗi km2 miền Tây có 1,4 km kênh đào.

Trong 200 năm (từ 1700 đến 1930), ĐBSCL đào trên 40 kênh lớn, nhỏ. Các chúa Nguyễn và vua Nguyễn đã đào các kênh Bà Bèo, kênh Lợi Tế, kênh Bo Bo, nhằm phục vụ an ninh - quốc phòng. Sau này, những kênh đào từ buổi đầu khai phá đó, đã trở thành tuyến thủy lộ quan trọng.

Sông Bảo Định nối liền rạch Vũng Gù với rạch Mỹ Tho thuộc tỉnh Tiền Giang. Thời chúa Nguyễn Phúc Chu, sông này chỉ là một con mương đào, đến 1819 vua Gia Long cho đào và nạo vét để trở thành con kênh đầu tiên ở ĐBSCL. Khởi công 23/2/1819 và kết thúc chỉ trong vài tháng 28/5/1819 con sông có chiều dài tới14 km, rộng độ 6m và sâu 3,50m. Từ đó Bảo Định là con đường huyết mạch nối Tây Nam Bộ với Sài Gòn. Từ Cà Mau, Hà Tiên, Rạch Giá… giao thông thủy đều theo Sông Hậu, Sông Tiền mà tới Mỹ Tho, rồi tới Sài Gòn. Tin tức, công văn giấy tờ cũng chuyển qua sông này vì là đoạn đường ngắn nhất.

Từ thời Paul Doumer, viên toàn quyền để lại nhiều dấu ấn ở Việt Nam này rất chú trọng xây dựng hạ thầng giao thông trong đó có đẩy mạnh việc vét kênh cũ, đào kênh mới. Năm 1907, người Pháp đào, vét và mở rộng các kênh Lagrange, Tổng Đốc Lộc, Đá Biên (Thạnh Phước, Thạnh Hóa, Long An), Phú Sửu, Tân Châu - Vàm Cỏ, cù lao Sung, cù lao Tây - Vàm Cỏ.

Kênh Tháp Mười, đoạn Cao Lãnh dài 17 km đào 1901. Năm 1922, từ Rạch Chanh, người Pháp cho đào kênh Tháp Mười về tây Đồng Tháp Mười, đổ ra sông Tiền, dài khoảng 60 km. Từ năm 1897 - 1904, trong vùng Đồng Tháp Mười đào rất nhiều kênh: Năm 1897, kênh Cai Bắc; 1898, kênh Ba Điền với độ sâu 1,5m; 1900, kênh Cái Tôm, kênh Bến Kè, kênh Năm Ngàn; 1903 - 1904, kênh 12, nối Mộc Hóa với Cai Lậy. Việc đào kênh ở Đồng Tháp Mười được xúc tiến mạnh hơn từ sau hàng loạt dự án điều tra, nghiên cứu sông ở Tân An của Gaudary (1907); nghiên cứu Đồng Tháp Mười của Bolliet và Saraudy 1907); nghiên cứu Đồng Tháp Mười của Gơri Pâyxơ và Baydi (1910); dự án mở rôṇg các kênh phía hạ lưu Hồng Ngự của Benaberg (1916)13.

5. Cần Thơ: những rào cản, hạn chế

Trong buổi làm việc với Thủ tướng Chính phủ ngày 10/7/2022, lãnh đạo Cần Thơ, các bộ ngành và Thủ tướng mặc dù đều ghi nhận 6 tháng đầu 2022, kinh tế Cần Thơ đã tăng trưởng 8,04%, xếp thứ 21/63 địa phương, cao hơn bình quân cả nước (6,42%), nhưng những hạn chế, rào cản còn khá lớn, đang ngăn bước Cần Thơ bứt phá. 1) Nhìn tổng thể, đó là sự phát triển của Cần Thơ chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế, chưa thực sự là trung tâm động lực của vùng ĐBSCL. 2) Năm 2021 có 6/17 chỉ tiêu chưa đạt kế hoạch, trong đó GDP giảm 2,79%, thấp hơn rất nhiều so với trung bình cả nước. 3) Thu ngân sách chưa đạt dự toán Trung ương giao. 4) Giải ngân đầu tư công chậm, chưa đạt yêu cầu. 5) Thu hút đầu tư chưa có đột phá. 6) Các chỉ số về cải cách hành chính, hiệu quả hành chính công, sự hài lòng của người dân chưa cao. 7) Đời sống của một bộ phận người dân còn khó khăn14.

Nhìn toàn vùng ĐBSCL, theo Báo cáo kinh tế thường niên ĐBSCL 2022 của VCCI và Fulbright thì, mặc dù là vựa lúa, trái cây và thủy hải sản, trung tâm sản xuất và xuất khẩu nông nghiệp lớn nhất cả nước nhưng tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ ĐBSCL lại chiếm tới 70% GDP, cao hơn so với cả nước. Năm 2021 khu vực này chịu tác động nặng nhất của đại dịch COVID-19, tăng trưởng giảm sâu (-2,26%), thấp hơn hẳn mức tăng trưởng 4,05% của cả nước. Khu vực này, điểm sáng nhất của ĐBSCL là nông nghiệp (tăng trưởng 2,02% 2020 và 1,57% 2021), nhưng chỉ riêng nông nghiệp thì không đủ sức vực dậy kinh tế ĐBSCL vì chỉ chiếm 30% GDP. Kết quả, nếu năm 2020 chỉ có Cần Thơ suy thoái với tăng trưởng -2,7%, thì đến 2021, đã có tới 6/13 tỉnh suy thoái: Vĩnh Long (-4,55%), Trà Vinh (-3,92%), Cần Thơ (-2,79%), và Cà Mau (-2,68%)15.

Từ thực tế này trong Báo cáo kinh tế thường niên ĐBSCL 2022, các chuyên gia cảnh báo, ĐBSCL khó bứt phá khi công nghiệp và dịch vụ chưa đủ để trở thành trụ cột kinh tế. Các động lực tăng trưởng kinh tế truyền thống của ĐBSCL như lúa và thủy hải sản đang có dấu hiệu đạt ngưỡng tới hạn thì các động lực tăng trưởng mới vẫn còn yếu ớt, thậm chí chưa thành hình. ĐBSCL chưa tìm được câu trả lời thỏa đáng cho vấn đề này. Thực tế, ĐBSCL tụt hậu ngày càng xa so với Đông Nam Bộ, thậm chí bị “bỏ rơi” trong sự phát triển chung của cả nước. Hơn ba thập kỷ qua, tốc độ phát triển của vùng đã chậm lại một cách đáng kể, mức sống của người dân thấp hơn mức trung bình của cả nước, và ĐBSCL ngày càng tụt hậu về hầu hết các khía cạnh phát triển kinh tế - xã hội16.

Về những điểm nghẽn trong hệ thống hạ tầng giao thông đường bộ, hàng không và hàng hải Cần Thơ. Theo ông Trần Việt Trường - Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố, những vấn đề đã được xác định là: (1) Giao thông đường bộ còn thiếu và chưa đồng bộ; các tuyến giao thông kết nối với Thành phố Hồ Chí Minh và Đông Nam Bộ thường xuyên quá tải; đường cao tốc qua địa bàn chưa đến 100 km; (2) Hầu hết các sân bay trong Vùng đều chưa được đầu tư nhà ga hàng hóa và khu logistics hàng không; (3) Về đường biển, do đầu tư luồng sông Hậu chưa hoàn chỉnh, nên tàu trên 7.000 tấn không ra vào được luồng sông Hậu, hàng hóa xuất khẩu (gạo, trái cây, thủy sản…) phải vận chuyển bằng đường bộ hàng trăm km để ra các cảng quốc tế ở miền Đông, làm tăng chi phí và giảm sức cạnh tranh của sản phẩm; (4) Sông, kênh, rạch lớn vẫn chỉ là dòng chảy không tải, ít lợi nhuận, chưa tương xứng với tài nguyên mà thiên nhiên ưu đãi17.

Về nguồn nhân lực, Cần Thơ còn thiếu nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn, kỹ thuật, tay nghề cao đáp ứng yêu cầu của thị trường và doanh nghiệp…

Về môi trường, quá trình đô thị hóa, khai thác thủy điện ở thượng nguồn Mê Kông và hoạt động công nghiệp và các ngành chế biến nông phẩm, thủy sản nội địa cũng đang không đồng bộ và không tránh khỏi gây ô nhiễm môi trường. Tổng diện tích nuôi trồng thủy sản ở ĐBSCL chiếm tới 60% cả nước, cũng là nguồn ô nhiễm môi trường. Riêng An Giang, 102 cơ sở nuôi trồng thuỷ sản thải ra từ 1.000 - 70.000 m3 /ngày đêm. Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới năm 2017, mỗi năm khoảng 1.790 tấn hóa chất diệt ốc sên, 210 tấn diệt cỏ, 1.224 tấn thuốc trừ sâu và 4.245 tấn hoạt chất thuốc diệt nấm được sử dụng dư thừa trong sản xuất lúa ở ĐBSCL. Riêng ở An Giang và Kiên Giang sử dụng phân bón nhiều hơn 20 - 30% so với mức khuyến cáo. Đây là nguyên nhân làm suy giảm chất lượng nước mặt ở ĐBSCL.

Tình trạng sạt lở bờ sông ở Cần Thơ, cũng như ở An Giang, Đồng Tháp… đều rất đáng quan ngại.

Cuối cùng là chính sách liên quan đến tất cả các vấn đề nói trên ít nhiều đều có những nội dung chưa thật thông thoáng, phản ánh những điểm nghẽn của cơ chế không dễ giải quyết một sớm một chiều. Thủ tướng chính phủ, lãnh đạo các bộ ngành và Cần Thơ đang tìm cách tháo gỡ để Cần Thơ phát triển. Chương trình hành động của Chính phủ, Quyết định của Quốc hội về cơ chế đặc thù cho Cần Thơ… là những tháo gỡ rất thực tế và có hiệu quả. Kỳ vọng mở ra cơ hội lớn cho Cần Thơ phát triển.

6. Cần Thơ: cơ hội phát triển

Thực hiện Nghị quyết Đại hội XIV Đảng bộ Thành phố, nhiệm kỳ 2020-2025, một trong những đột phá của Cần Thơ là phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, đặc biệt là kết cấu hạ tầng giao thông18.

Về đường bộ, Bộ Giao thông vận tải đang triển khai các dự án trọng điểm kết nối vùng qua địa bàn Cần Thơ: tuyến nối Quốc lộ 91 và tuyến tránh thành phố Long Xuyên; nâng cấp tuyến Cao Lãnh - Lộ Tẻ và mặt đường tuyến Lộ Tẻ - Rạch Sỏi thuộc hành lang cao tốc phía Tây; nâng cấp, mở rộng quốc lộ Nam Sông Hậu, đoạn từ nút IC3 đến cảng Cái Cui; dự án thành phần Cần Thơ - Hậu Giang; cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng.

Triển khai các dự án trọng điểm, như đường vành đai phía Tây; cải tạo, mở rộng 5 nút giao trọng điểm và các tỉnh lộ 917, 918, 921, 923; các cầu Cờ Đỏ, Tây Đô, Kênh Ngang; nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 61C, đường kết nối quận Ô Môn với huyện Thới Lai (Cần Thơ) với huyện Giồng Riềng (Kiên Giang)…

Bộ Giao thông vận tải đang triển khai các hành lang đường thủy và logistics cấp quốc gia khu vực phía Nam, Dự án kênh Chợ Gạo giai đoạn 2, Dự án luồng tàu biển tải trọng lớn vào sông Hậu giai đoạn 2; Dự án Nạo vét kết hợp thu hồi sản phẩm luồng hàng hải Định An - Cần Thơ. Nâng cấp Cảng hàng không quốc tế Cần Thơ giai đoạn 2021-2030 nhằm đạt công suất 7 triệu hành khách/năm.

Theo tinh thần Nghị quyết số 59-NQ/TW của Bộ Chính trị; ngày 20/7/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định số 1056/QĐ-TTg về công tác Quy hoạch Cần Thơ đến 2030 và tầm nhìn 2050. Quy hoạch này xác định mục tiêu: (1) Giai đoạn 2021-2030 kinh tế Cần Thơ tăng trưởng 9,0%; GDP đầu người (PPP) 194,37 triệu đồng 2030. Tổng vốn đầu tư giai đoạn 2021-2030 đạt 339.000 tỉ đồng 2030. Mức thu nhập bình quân hàng tháng/đầu người đạt 13,6 triệu đồng 2030; (2) Đô thị có bản sắc sinh thái sông nước; mặt tiền là Sông Hậu, bản sắc của từng quận, huyện là các sông nhánh Cái Răng, Cần Thơ, Bình Thuỷ, Ô Môn… Khôi phục, nạo vét những kênh rạch đã bị lấp. Khai thác dòng Sông Hậu và các cù lao trên sông cho du lịch sông nước. Biến sông Cần Thơ thành sông du lịch; (3) Song hành đô thị thực và đô thị số với 3 cấp thông minh (kỹ thuật số - con người thông minh - cộng đồng thông minh)19.

Cần Thơ theo quy hoạch sẽ là thành phố quay mặt ra sông Hậu với vùng lõi trung tâm đô thị phía Nam 34.000 ha, vùng phát triển kinh tế phía Bắc 69.000 ha, và vùng cải tạo sinh kế nông nghiệp phía Tây đường cao tốc An Giang - Trần Đề, 37.000 ha.

Hai chiến lược của sự phát triển thành phố được thể hiện là: 1) Cần Thơ sẽ là “Trái tim” của vùng ĐBSCL, là trung tâm kinh doanh nông sản và trung tâm sản xuất hàng hóa giá trị cao của ĐBSCL. 2) Cần Thơ sẽ là thành phố thông minh, thành phố đáng sống vào năm 2050.

Cấu trúc không gian cho hoạt động kinh tế - xã hội của thành phố được quy hoạch, gồm 18 vùng: (1) Trung tâm đô thị lịch sử Ninh Kiều; (2) Trung tâm đô thị mới Cái Răng; (3) Cụm công nghiệp cảng và đô thị cảng Cái Cui; (4) Trung tâm công nghệ cao Cái Răng; (5) Trung tâm thương mại và dịch vụ Cái Răng; (6) Đô thị cảnh quan cao cấp; (7) Trung tâm chăm sóc sức khỏe và nghỉ dưỡng miệt vườn; (8) Du lịch sinh thái đặc thù nông thôn miền Tây; (9) Trung tâm đầu mối công nghệ nông nghiệp; (10) Trung tâm đô thị sân bay quốc tế Cần Thơ; (11) Đô thị đại học, y tế; (12) Khu công nghiệp năng lượng, logistics cảng; (13) Đô thị sinh thái, du lịch ven sông Hậu; (14) Trục đô thị hiện đại, nằm dọc theo lõi giao thông đa phương tiện; (15) Đô thị cảnh quan nông nghiệp; đô thị sinh thái sông nước Cờ Đỏ; (16) Khu vực sản xuất năng lượng mặt trời đan xen với nông nghiệp; (17) Dải đô thị công nghiệp sinh thái Thốt Nốt - Vĩnh Thạnh; (18) Đô thị sinh thái dạng bọt biển Thới Lai.

Sự phát triển của Cần Thơ được thiết kế theo hai hành lang dọc gồm: (1) Hành lang phát triển dọc theo Sông Hậu; (2) Hành lang phát triển dọc theo cao tốc An Giang - Trần Đề và ba hành lang ngang gồm: (1) Hành lang phát triển ở phía bắc: Thốt Nốt - Vĩnh Thạnh, dọc theo cao tốc Lộ Tẻ - Rạch Sỏi; (2) Hành lang phát triển ở giữa: dọc theo tuyến liên vùng Ô Môn - Giồng Riềng (Kiên Giang); (3) Hành lang phát triển ở phía Nam: dọc theo tuyến đường sắt cao tốc và cao tốc Cần Thơ - Cà Mau…

Điểm khác biệt với nhiều tỉnh thành khác là quy hoạch phát triển Cần Thơ không phân biệt  đô thị và nông thôn.

Với hạ tầng giao thông, việc ưu tiên nâng cấp các cảng, đầu tư thiết bị dẫn đường, nâng độ tĩnh không đường thủy, nạo vét luồng lạch biển, xây dựng cảng biển quốc tế, phát triển logistics hàng không và hàng hải cũng được chú ý trong quy hoạch. Điều này phù hợp với hai chính sách quan trọng trong những chính sách đặc thù mà Quốc hội đã quyết định cho phép Cần Thơ được thí điểm: (1) Thu hút đầu tư xã hội hóa việc nạo vét từ cửa Định An đến các cảng của Cần Thơ; bảo đảm luồng hàng hải cho tàu có trọng tải từ 10.000 tấn trở lên ra vào. (2) Dự án có quy mô vốn từ 500 tỷ đồng trở lên được áp dụng hình thức ưu đãi: các dự án đầu tư vào Trung tâm liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản, đẩy mạnh dịch vụ logistic, tăng tính cạnh tranh, thu hút lao động, ứng dụng khoa học, công nghệ. Các ngành được Cần Thơ ưu tiên số một để thu hút đầu tư là: kinh doanh nông nghiệp (chế biến thực phẩm và thương mại nông lâm thủy sản), du lịch, logistics, bán lẻ, năng lượng, dược phẩm. Các ngành được ưu tiên số hai: điện tử, dịch vụ xã hội (y tế và giáo dục), công nghệ thông tin, dịch vụ tài chính.

Với những quyết sách chiến lược có tầm nhìn, với những bước đi có cơ sở tin cậy, phù hợp với thực tế và với ý chí phát triển mãnh liệt của Đảng bộ và nhân dân thành phố, Cần Thơ đang đứng trước cơ hội phát triển đầy ấn tượng.

7. Kết luận

1) Cần Thơ đủ điều kiện để trở thành trung tâm - động lực của toàn vùng ĐBSCL về phát triển kinh tế - xã hội, mà trước hết là trung tâm kinh doanh nông sản và trung tâm sản xuất hàng hóa giá trị cao, tức là đủ điều kiện để trở thành “Trái tim” của vùng ĐBSCL, nếu sự phát triển của 2 hành lang dọc, 3 hành lang ngang, 18 vùng kinh tế - xã hội… đến 2030 được thực hiện đúng như quy hoạch.

2) Cần Thơ cũng đủ điều kiện để trở thành đô thị thông minh, đáng sống trong 10 - 25 năm tới, nếu sự phát triển thành phố được thực hiện đúng như quy hoạch – phát triển song hành đô thị thực và đô thị số (với 3 cấp độ thông minh là kỹ thuật số, con người thông minh và cộng đồng thông minh…); cũng như phát triển theo hướng mang đậm bản sắc văn hóa sông nước ĐBSCL…

3) Cho đến nay Cần Thơ vẫn là đô thị với bản sắc riêng, đủ để nhận biết là khác biệt so với Thành phố Hồ Chí Minh và nhiều thành phố Nam Bộ khác từ tính cách con người, quan niệm sống đến nếp sống, phong cách sống; từ ẩm thực đến tình yêu, văn nghệ; từ văn hoá công quyền đến thói quen giao tiếp và sinh hoạt tinh thần của các tầng lớp cư dân miền Tây… Trong 20 - 30 năm tới, sự phát triển của Cần Thơ sẽ ở tầm cao mới nhưng hy vọng vẫn mang đậm sắc thái vùng sông nước ĐBSCL.

---------

Bài đăng trên Tạp chí Thông tin Khoa học chính trị số 2 (38) - 2024

1&3 Đảng Cộng sản Việt Nam: Nghị quyết của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Cần Thơ đến 2030, tầm nhìn 2045 (số 59-NQ/TW ngày 5/8/2020), https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Xay-dung-Do-thi/Nghi-quyet-59-NQ-TW-2020-xay-dung-va-phat-trien-thanh-pho-Can-Tho-455692.aspx

2 Chính phủ: Ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 59-NQ/TW ngày 05 tháng 8 năm 2020 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (số 98/NQ-CP ngày 30/8/2021), https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Xay-dung-Do-thi/Nghi-quyet-98-NQ-CP-2021-Chuong-trinh-hanh-dong-thuc-hien-Nghi-quyet-59-NQ-TW-486473.aspx

4 Nguyễn Phú Trọng: Toàn văn bài phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW của Bộ Chính trị khoá XIII,  https://baodantoc.vn/toan-van-bai-phat-bieu-cua-tong-bi-thu-nguyen-phu-trong-tai-hoi-nghi-toan-quoc-quan-triet-trien-khai-thuc-hien-nghi-quyet-so-13-nqtw-cua-bo-chinh-tri-khoa-xiii-1650622935525.htm, cập nhật 17:22, 22/04/2022.

5 Chính phủ: Nghị quyết ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 02/4/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng an ninh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến 2030, tầm nhìn 2045 (số 78/NQ-CP ngày 18/6/2022), https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Thuong-mai/Nghi-quyet-78-NQ-CP-2022-Chuong-trinh-thuc-hien-Nghi-quyet-13-NQ-TW-517867.aspx

6 Quốc hội: Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Cần Thơ (số 45/2022/QH15 ngày 11/01/2022), https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Bo-may-hanh-chinh/Nghi-quyet-45-2022-QH15-thi-diem-co-che-chinh-sach-dac-thu-phat-trien-Can-Tho-500821.aspx

7&14 Hà Văn: Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy Cần Thơ về tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết số 59-NQ/TW ngày 5/8/2020 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045…, https://media.chinhphu.vn/thu-tuong-dua-can-tho-phat-trien-dot-pha-xung-tam-trung-tam-dong-luc-vung-dbscl-102220710182552538.htm, cập nhật 10/07/2022

8 DK Sinha: The Growth Pole theory of Francois Perroux and Boudeville, https://www.yourarticlelibrary.com/geography/the-growth-pole-theory-of-francois-perroux-and-boudeville/42241

9 L.G. Avram, V.F. Braga: Theories Regarding the Role of the Growth Poles in the European Economic Integration, Journal of Economic Development, Environment and People Volume 6, Issue 2, 2017, https://core.ac.uk/download/pdf/192898392.pdf  // Dobrescua Emilian M. and Edith Mihaela;

Dobreb: Theories regarding the role of the growth poles in the economic integration, Procedia Economics and Finance 8 (2014) 262-267, https://core.ac.uk/download/pdf/82410924.pdf

10 “An Nam Đại Quốc họa đồ” (安南大國畫圖 Tabula Geographica imperii Anamitici), Bản đồ 40X80 cm, ấn hành theo cuốn “Nam Việt dương hiệp tự vị” (Dictionarium Anamitico – Latinum) của Giám mục Taberd, xuất bản tại Serampore (Ấn Độ) năm 1838. Jean - Louis Tabrd (tên Việt là Từ) sinh 18/6/1794 tại Saint – Etienne, quận Loire (Pháp). Ông đến Đàng Trong, Việt Nam từ ngày 7/11/1820 đến năm 1833. Ở Việt Nam, Taberd học và sử dụng được tiếng Việt và viết các thứ chữ Hán, Nôm. Công việc của ông chủ yếu là truyền giáo. Bản đồ An Nam đại quốc họa đồ của Taberd là một công trình đặc sắc. Trước đó, Việt Nam chưa từng có một bản đồ nào lớn và ghi chép đầy đủ địa danh như vậy. 7 năm sau đó, năm 1840 “Đại Nam nhất thống toàn đồ” của triều Minh Mạng mới được công bố. Xem: Nguyễn Đình Đầu.

Nhận xét về  “An Nam Đại Quốc họa đồ”. https://nghiencuulichsu.com/2014/09/29/nhan-xet-ve-an-nam-dai-quoc-hoa-do/

11 Top 10 most beautiful canal cities in the world, https://earthnworld.com/top-10-most-beautiful-canal-cities-in-the-world/,

Về cần Thơ, Website này viết: “Nằm ở ĐBSCL Việt Nam, Cần Thơ là một trong những thành phố kênh đào lớn nhất thế giới, nằm ở nơi giao nhau của nhiều kênh rạch và mạng lưới sông ngòi. Các kênh và sông ở Cần Thơ có tổng chiều dài 1157 km và sông Hậu là con sông lớn nhất đi qua thành phố này… Các thành phố trong danh sách này có hệ thống kênh rạch đã hoạt động hàng thế kỷ, được bảo dưỡng cực kỳ tốt và tiếp tục được sử dụng theo cách tương tự. Vị trí địa lý độc đáo của những thành phố này làm cho các sông ngòi trở thành cách hữu hiệu nhất để đi lại trong thành phố”.

12 WWF Report - November, 2016: Mekong Rever in the Economic, https://portal.gms-eoc.org/uploads/resources/1303/attachment/WWF%202016-Mekong%20River%20in%20the%20Economy.pdf

13 Trần Hữu Thắng: Kênh đào giúp người Pháp khai khẩn Nam Bộ. https://dinhvanphuongdoquyen.blogspot.com/2018/05/kenh-ao-giup-nguoi-phap-khai-khan-nam-bo.html, cập nhật 29/5/2018.

15&16 VCCI - Fulbright: Báo cáo kinh tế thường niên đồng bằng sông Cửu Long 2020 -Nâng cao năng lực cạnh tranh để phát triển bền vững, Cần Thơ, 2022, tr.XLI.

17&18 Huỳnh Huy: Cơ hội để thành phố Cần Thơ đột phá, phát triển,  https://baodautu.vn/co-hoi-de-tp-can-tho-dot-pha-phat-trien-d165751.html, cập nhật 14/05/2022.

19 Anh Khoa: Sớm hoàn thành Quy hoạch tích hợp thành phố Cần Thơ, https://baocantho.com.vn/som-hoan-thanh-quy-hoach-tich-hop-tp-can-tho-a145069.html, cập nhật 26/03/2022.