TS NGUYỄN NGỌC PHÚC
Học viện Chính trị khu vực IV
(TTKHCT) - Bài viết phân tích bối cảnh ra đời, vai trò và ý nghĩa lịch sử của chi bộ An Nam Cộng sản Đảng Cờ Đỏ. Những thành công của Chi bộ trong phát triển phong trào cách mạng ở Cần Thơ và các địa phương vùng Hậu Giang đã đóng góp vào sự nghiệp giải phóng dân tộc; từ đó khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản đối với mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam.
Tổ hợp mỹ thuật minh họa buổi họp thành lập Chi bộ An Nam Cộng sản Đảng Cờ Đỏ_Nguồn: Trang thông tin điện tử Bảo tàng thành phố Cần Thơ
Đêm ngày 10/11/1929, tại căn chòi nhỏ gần lẫm lúa (nơi chứa lúa của chủ điền) của đồn điền Cờ Đỏ, xã Thới Đông, quận Ô Môn, tỉnh Cần Thơ (nay là thị trấn Cờ Đỏ, huyện Cờ Đỏ, thành phố Cần Thơ), chi bộ An Nam Cộng sản Đảng Cờ Đỏ đã ra đời. Sự ra đời của Chi bộ đã làm phong trào cách mạng miền Nam Việt Nam có sự thay đổi về chất; gieo “hạt giống cách mạng” để nhiều chi bộ nối tiếp nhau ra đời ở Cần Thơ và các địa phương vùng Hậu Giang (gồm Cần Thơ, Sóc Trăng, Vĩnh Long, Trà Vinh, Bạc Liêu, Rạch Giá, Sa Đéc, Long Xuyên, Châu Đốc). Dưới sự lãnh đạo của các Chi bộ, phong trào cách mạng vùng Hậu Giang đã nhanh chóng phát triển mạnh mẽ và có những đóng góp quan trọng vào thành công của Cách mạng Tháng Tám 1945 và sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.
1. Bối cảnh ra đời chi bộ An Nam Cộng sản Đảng Cờ Đỏ ở Cần Thơ
Trước khi có tên gọi đồn điền Cờ Đỏ, nơi này là cánh đồng lúa rộng lớn và trù phú, giáp ranh giữa tỉnh Cần Thơ, Long Xuyên và Rạch Giá. Địa chủ quanh vùng và thực dân Pháp tìm cách chiếm đoạt vùng đất này. Sau chiến tranh thế giới lần thứ nhất, nước Pháp chịu tổn thất nặng nề, nền kinh tế khủng hoảng trầm trọng. Để bù đắp những tổn thất chiến tranh, thực dân Pháp thi hành chính sách khai thác thuộc địa ở Đông Dương lần thứ hai. Ở tỉnh Cần Thơ, chúng ra sức chiếm đoạt ruộng đất của nông dân, hình thành nhiều đồn điền rộng lớn, chiếm khoảng 3/10 ruộng đất toàn tỉnh (lúc này toàn tỉnh có gần 200.000ha)1. Để phân chia địa giới và xác lập sở hữu ruộng đất đã cướp được của nông dân, các địa chủ đã cắm cờ đỏ, cờ vàng, cờ xanh, cờ trắng. Tuy nhiên, các địa chủ không đủ vốn để khai thác nên phải vay nhà băng Đông Dương. Do không có khả năng chi trả nên ruộng đất của địa chủ bị nhà băng Đông Dương phát mãi để trừ nợ. Các đồn điền được cắm cờ xanh, cờ vàng, cờ trắng dồn hết vào đồn điền được cắm cờ đỏ do địa chủ người Pháp Paul Eméry quản lý, kể từ đó tên gọi đồn điền Cờ Đỏ xuất hiện.
Cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới (1929 - 1933) buộc Pháp phải tăng cường khai thác, vơ vét và bóc lột thuộc địa. Chính vì vậy, bọn cai trị Pháp ở Cần Thơ tăng cường cướp đoạt ruộng đất, lập ra nhiều đồn điền để bóc lột nhân công, vơ vét lúa gạo mang về chính quốc. Đến năm 1929, Cần Thơ có ba đồn điền có diện tích lớn hơn cả, đó là: Albert - Gressier (Bảy Ngàn), Paul Eméry (Cờ Đỏ) và Labasthe (Phụng Hiệp - Kế Sách). Ngoài ra, còn có 38 người Pháp chiếm đất trên 1.000ha. Với chính sách khai thác thuộc địa đó, trong thời gian này có khoảng 70% nông dân Cần Thơ mất đất và trở thành tá điền, cố nông phải ở đợ cho địa chủ, cho đồn điền Tây2.
Bọn địa chủ biến đồn điền trở thành nơi sống khép kín, gắn chặt người nông dân và lao động làm thuê ở đây. “Ngoài nghĩa vụ đóng thóc địa tô cho chúng, chúng cấm bán thóc của tá điền ra ngoài thị trường. Chúng chỉ cho nông dân ra vào một cửa. Bên cạnh cửa ra vào, chúng mở một cửa hàng bán đủ thứ nhu dụng cho tá điền. Tá điền muốn mua hàng hóa gì thì mua ở cửa hàng chúng bán với giá cắt cổ, rồi trả bằng thóc với giá rẻ mạt. Chúng niêm yết: nếu bắt được tá điền chở lén thóc ra khỏi đồn điền thì ở tù, người mua cũng bị liên lụy. Thóc chở về nhà để nuôi gia đình thì phải có giấy phép của chúng”3.
Đồn điền Cờ Đỏ của Paul Eméry có diện tích khoảng 8.000ha, tập trung hơn 20.000 tá điền. Paul Eméry qui định người nông dân muốn làm tá điền cho hắn phải có gia đình và có từ hai lao động chính trở lên, phải đem toàn thể gia đình vào cất chòi hay nhà ở trong đồn điền. Mỗi gia đình tá điền được thuê ít nhất một lô ruộng 50 công (5ha), với mức địa tô là 50% thu hoạch lúa bình quân của lô ruộng. Đến mùa thu hoạch, tất cả các con kênh thông ra ngoài đồn điền đều bị đóng cổng. Mỗi đầu kênh hắn cho một cặp rằng (người thay mặt địa chủ cai quản đồn điền) chính và một cặp rằng phụ canh gác ngày đêm. Bên trong, chúng cử cặp rằng và bảo vệ đi lùng sục gắt gao không cho tá điền đưa lúa bán ra ngoài hay gửi nơi khác. Mỗi vụ lúa mùa, Paul Eméry thu địa tô và các khoản nợ vay khác của tá điền trên 30.000 tấn lúa, còn tá điền “phủi tay, sạch bồ”. Họ buộc phải đi làm thuê và vay lúa của chủ đồn điền để ăn và làm vụ sau. “Paul Eméry cho xây dựng một lẫm lúa lớn có 21 gian, cao 14m để chứa lúa thu góp vơ vét của tá điền. Chúng mướn hàng ngàn lao động làm thuê. Họ phải làm lụng rất nặng nhọc, thời tiết khắc nghiệt, tiền công rẻ mạt không đủ sống nên kiệt sức ốm đau, chết chóc”4. Nông dân và những lao động làm thuê trong đồn điền Cờ Đỏ luôn sống trong lầm than, cơ cực, cơm không đủ ăn; nơi ở ẩm thấp, dịch bệnh và cái chết xảy ra thường xuyên. Ngoài những áp bức, bóc lột của chủ đồn điền Tây, nông dân còn bị bọn cặp rằng, tay sai của chúng thường xuyên hà hiếp, đánh đập khiến họ ngày càng căm phẫn, oán giận. Nhưng tự bản thân họ chưa thể tìm được con đường để đấu tranh.
Cũng trong thời gian này, Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên được thành lập ở Quảng Châu, Trung Quốc. Các sách báo tiến bộ của Nguyễn Ái Quốc được Hội truyền về Việt Nam, được nhân dân và tầng lớp thanh niên, học sinh Cần Thơ đón nhận và truyền tay nhau đọc. Giác ngộ lý tưởng Cộng sản, chín thanh niên yêu nước5 đã từ Cần Thơ sang Quảng Châu, Trung Quốc dự lớp huấn luyện chính trị. Sau ba tháng học tập, họ được đồng chí Hồ Tùng Mậu thay mặt tổ chức Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên kết nạp vào Hội. Cuối năm 1927, các đồng chí này về nước gây dựng cơ sở, phát triển phong trào cách mạng. Đến tháng 02/1929, Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên tỉnh Cần Thơ được thành lập do đồng chí Trần Ngọc Quế làm Bí thư.
Sau khi Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên tan rã6, mùa thu năm 1929, An Nam Cộng sản Đảng được thành lập và phát triển ở các tỉnh Nam Kỳ. Trung tuần tháng 9/1929, tại căn nhà ở chợ Bình Thủy (nay là nhà số 34/7 đường Bùi Hữu Nghĩa, quận Bình Thủy, thành phố Cần Thơ), Hội nghị thành lập Đặc ủy An Nam Cộng sản Đảng Hậu Giang được diễn ra do đồng chí Châu Văn Liêm chủ trì. Ban Chấp hành Đặc ủy đầu tiên gồm các đồng chí: Ung Văn Khiêm, Hà Huy Giáp, Nguyễn Văn Tây (Thanh Sơn), Lê Văn Sô, Nguyễn Văn Trí... do đồng chí Ung Văn Khiêm làm Bí thư. Chủ trương của Đặc ủy là khẩn trương chọn các đồng chí tiêu biểu, kiên trung trong Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên để kết nạp Đảng và xác lập chi bộ An Nam Cộng sản Đảng ở các xí nghiệp, trường học, khu phố và các làng xã. Thực hiện chủ trương của Đặc ủy, đồng chí Hà Huy Giáp, Nguyễn Văn Nhung và đồng chí Bảy Núi được phân công về đồn điền Cờ Đỏ thành lập chi bộ Đảng vào đêm ngày 10/11/1929, do đồng chí Hà Huy Giáp làm Bí thư.
2. Vai trò của chi bộ An Nam Cộng sản Đảng Cờ Đỏ
Thứ nhất, chi bộ An Nam Cộng sản Đảng Cờ Đỏ tích cực tuyên truyền, giáo dục giác ngộ lý tưởng cách mạng và vận động quần chúng đấu tranh cách mạng
Ngay sau khi được thành lập, các đồng chí của chi bộ An Nam Cộng sản Đảng Cờ Đỏ đã nhanh chóng hòa nhập vào cuộc sống của người dân trong đồn điền. Các đồng chí của Chi bộ đã tích cực thâm nhập sâu trong đồn điền, cùng ăn, cùng ở, cùng lao động với tá điền để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, chỉ cho họ biết vì sao họ khổ, họ sống trong kiếp nô lệ lầm than, từ đó giác ngộ người dân tham gia các phong trào chống Pháp bằng con đường cách mạng vô sản.
Các đồng chí đảng viên Chi bộ đã bí mật tổ chức các buổi đọc sách, báo tiến bộ của Nguyễn Ái Quốc và những đồng chí hoạt động cách mạng ở nước ngoài gửi về. Người dân trong đồn điền Cờ Đỏ từng bước giác ngộ lý tưởng cách mạng. Dưới sự lãnh đạo của Chi bộ, tá điền đấu tranh đòi chủ đồn điền Cờ Đỏ phát lương đúng hạn, được chăn nuôi heo, gà vịt từ số lúa dư mà không phải mang ra ngoài bán, góp phần cải thiện đời sống. Từ đó, uy tín của Chi bộ ngày càng được nâng lên, được người dân tin tưởng và che chở. Đồng thời, các đồng chí đã giác ngộ thêm nhiều quần chúng ưu tú để rèn luyện, bồi dưỡng và kết nạp vào Chi bộ. Phong trào cách mạng vì thế ngày càng phát triển rộng khắp vùng Hậu Giang.
Thứ hai, chi bộ An Nam Cộng sản Đảng Cờ Đỏ trở thành “hạt nhân” trong phát triển phong trào cách mạng ở tỉnh Cần Thơ và các địa phương vùng Hậu Giang
Chi bộ An Nam Cộng sản Đảng Cờ Đỏ đã gieo “hạt giống cách mạng” “trong gió bay bốn phương...”7; tầm ảnh hưởng của Chi bộ không chỉ trong tỉnh Cần Thơ, mà còn sang các tỉnh khác trong vùng. Từ cuối năm 1929 đến đầu năm 1930, phong trào cách mạng lan rộng, dẫn đến sự ra đời của nhiều chi bộ như: “Chi bộ làng Phong Hòa (tại vàm Bù Hút, nay thuộc quận Thốt Nốt), các chi bộ làng Vĩnh Xuân (quận Cầu Kè), chi bộ làng Thới An (quận Ô Môn), chi bộ An Bình, chi bộ Bình Thủy (quận Châu Thành), chi bộ Nhà đèn, Sở vệ sinh (ghép), chi bộ Collège de Can Tho ở thị xã Cần Thơ”8.
Từ kinh nghiệm trong việc vận động quần chúng, phát triển phong trào cách mạng ở Cờ Đỏ, đặc biệt là vai trò lãnh đạo của các đồng chí trong Đặc ủy An Nam Cộng sản Đảng Hậu Giang, các chi bộ Đảng ra đời ở nhiều tỉnh trong vùng Hậu Giang như: ở Trà Vinh, năm 1930 có ba chi bộ Cộng sản ra đời: chi bộ An Trường (Càng Long), chi bộ Mỹ Long (Cầu Ngang), chi bộ tỉnh lỵ Trà Vinh; ở Bến Tre, chi bộ Cộng sản đầu tiên ra đời tại xã Tân Xuân, huyện Ba Tri vào tháng 4/1930; ở Long Xuyên, chi bộ Cộng sản đầu tiên ra đời tại xã Long Điền, huyện Chợ Mới vào tháng 4/1930; ở Sóc Trăng, năm 1930, chi bộ Cộng sản đầu tiên ra đời tại làng Mỹ Quới, quận Phước Long (huyện Thạnh Trị).
Dưới sự lãnh đạo của các chi bộ, đảng bộ, phong trào chống Pháp nổ ra mạnh mẽ ở Chợ Mới (Long Xuyên), Cao Lãnh (Sa Đéc), Cần Thơ, Vĩnh Long, Cà Mau (Bạc Liêu), Bến Tre*... “Nhiều cuộc biểu tình với hàng ngàn quần chúng đã liên tục đấu tranh đòi hoãn thuế 3 tháng, vì mất mùa, dân đang đói, đòi giảm thuế và phản đối bắt phu, bắt những người đi đấu tranh”9.
Từ phạm vi hoạt động ở đồn điền Cờ Đỏ, chi bộ An Nam Cộng sản Đảng đã lan tỏa mạnh mẽ trong vùng, dấy lên phong trào cách mạng, tập hợp đông đảo quần chúng nhân dân đi theo cách mạng. Sau đó nhiều chi bộ của vùng Hậu Giang ra đời đã khẳng định tầm ảnh hưởng và vai trò to lớn của chi bộ An Nam Cộng sản Đảng Cờ Đỏ.
3. Ý nghĩa lịch sử của chi bộ An Nam Cộng sản Đảng Cờ Đỏ
Sự ra đời và phát triển của chi bộ An Nam Cộng sản Đảng Cờ Đỏ đã để lại nhiều ý nghĩa lịch sử trong sự nghiệp cách mạng của Đảng:
Thứ nhất, sự ra đời của chi bộ An Nam Cộng sản Đảng Cờ Đỏ khẳng định tính tất yếu trong việc lựa chọn con đường cứu nước theo khuynh hướng vô sản. Đây là bước ngoặt quan trọng trong phong trào đấu tranh của quần chúng nhân dân ở Cần Thơ và vùng Hậu Giang. Từ đó, quần chúng được giác ngộ đã chuyển từ đấu tranh tự phát sang tự giác dưới ánh sáng của chủ nghĩa Mác - Lênin; đồng thời, khẳng định chủ trương đúng đắn của Đặc ủy An Nam Cộng sản Đảng Hậu Giang khi chọn đồn điền Cờ Đỏ lập chi bộ để lãnh đạo phong trào cách mạng và lan tỏa trong vùng. Những thành công đó càng khẳng định sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam là nhân tố hàng đầu quyết định mọi thắng lợi của cách mạng.
Sự ra đời của chi bộ An Nam Cộng sản Đảng Cờ Đỏ thể hiện sự sáng suốt, nhạy bén chính trị của Đặc ủy An Nam Cộng sản Đảng Hậu Giang. Sau khi ra đời, Chi bộ tìm hiểu kỹ hơn về đời sống nông dân, về phương thức bóc lột tinh vi của điền chủ và tay sai; qua đó, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của quần chúng, đề ra chủ trương cũng như nội dung, phương pháp vận động phù hợp. Đặc ủy An Nam Cộng sản Đảng Hậu Giang đã cử những đồng chí có kinh nghiệm vận động quần chúng vào hoạt động ở đồn điền. Chính sự nhạy bén chính trị, linh hoạt trong sử dụng cán bộ của Đặc ủy, chi bộ An Nam Cộng sản Đảng Cờ Đỏ đã phát huy tốt vai trò, nhiệm vụ không chỉ ở Cần Thơ mà còn lan tỏa ra vùng Hậu Giang.
Từ những thành công của chi bộ An Nam Cộng sản Đảng Cờ Đỏ trong lãnh đạo cách mạng, trong thời kỳ đổi mới đất nước, Đảng ta luôn kiên định “Sự đoàn kết, thống nhất, phối hợp đồng bộ, nhịp nhàng giữa Đảng, Nhà nước, Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội được tăng cường. Chính trị, xã hội ổn định; quốc phòng, an ninh không ngừng được củng cố, kiên quyết, kiên trì giữ vững độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; quan hệ đối ngoại và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng và hiệu quả, góp phần nâng cao uy tín và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế”10.
Thứ hai, tuyên truyền, giáo dục, giác ngộ lý tưởng cách mạng cho quần chúng nhân dân là nhiệm vụ thường xuyên của Đảng. Trước khi thành lập chi bộ An Nam Cộng sản Đảng Cờ Đỏ, quần chúng nhân dân chỉ biết than thân, trách phận, đôi khi phản ứng lại một cách tự phát với địa chủ, thực dân Pháp và tay sai, nhưng lại nhanh chóng chùn bước khi bị chúng đánh đập, đàn áp. Từ khi chi bộ An Nam Cộng sản Đảng Cờ Đỏ được thành lập, các đồng chí trong Chi bộ đã tuyên truyền, giáo dục quần chúng nhân dân, tập hợp họ trở thành một khối đoàn kết mạnh mẽ. Đồng thời, Chi bộ đã lãnh đạo quần chúng đấu tranh chống lại sự áp bức hà khắc của thực dân, phong kiến, tạo niềm tin vững chắc cho quần chúng nhân dân đối với đường lối cách mạng của Đảng.
Thứ ba, làm tốt công tác dân vận là điều kiện cho thắng lợi trên các mặt hoạt động của Đảng. Những thành công trong công tác dân vận của chi bộ An Nam Cộng sản Đảng Cờ Đỏ là bài học cho quân dân Cần Thơ thực hiện các nhiệm vụ cách mạng. Thành ủy Cần Thơ đã tổng kết: “Công tác xây dựng Đảng, xây dựng tổ chức quần chúng, xây dựng lực lượng cách mạng là một trong những khâu cực kỳ quan trọng, nó quyết định sự thành bại của mọi phong trào cách mạng. Nắm bắt tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của đại đa số người dân lao động để đáp ứng kịp thời những quyền lợi chính đáng của họ là một việc làm rất cần thiết ở mọi lúc, mọi nơi”11.
Thứ tư, người cán bộ phải nâng cao tinh thần trách nhiệm, đạo đức cách mạng, phải gần dân, đặt lợi ích của nhân dân lên trên hết. Sự ra đời của chi bộ An Nam Cộng sản Đảng Cờ Đỏ và tầm ảnh hưởng của Chi bộ gắn liền với quá trình hoạt động tích cực, trách nhiệm với dân, với Đảng của đồng chí Hà Huy Giáp và các đồng chí trong Chi bộ. Bản thân đồng chí Hà Huy Giáp “luôn nghĩ về nước, về dân hơn là nghĩ cho mình; có lối sống trong sáng, trong sạch, trung thực, nhân hậu, thủy chung, không một chút màng danh lợi, quyết tâm sâu sắc và sẵn sàng hy sinh cho mọi người; giàu lòng nhân ái và đức độ, vị tha, liêm khiết, thanh đạm, giản dị, khiêm tốn”12. Từ sự thành công của chi bộ An Nam Cộng sản Đảng Cờ Đỏ, để hiện thực hóa các mục tiêu phát triển đất nước trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, người cán bộ phải luôn rèn luyện “đạo đức cách mạng”, như lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Cũng như sông thì có nguồn mới có nước, không có nguồn thì sông cạn. Cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân”13.
Sự kiện thành lập chi bộ An Nam Cộng sản Đảng Cờ Đỏ cách đây hơn 95 năm đánh dấu bước chuyển quan trọng trong phong trào cách mạng ở Cần Thơ và Tây Nam Bộ; đây là dấu mốc có ý nghĩa lịch sử to lớn. Tiếp nối truyền thống vẻ vang của Đảng, phát huy vai trò, ý nghĩa to lớn của chi bộ An Nam Cộng sản Đảng Cờ Đỏ, quân và dân Cần Thơ cần “... phấn đấu xây dựng và phát triển thành phố Cần Thơ trở thành thành phố đồng bằng cấp quốc gia văn minh, hiện đại, xanh, sạch, đẹp, xứng đáng là thành phố cửa ngõ của cả vùng hạ lưu sông Mêkông; là trung tâm công nghiệp, trung tâm thương mại - dịch vụ, du lịch, trung tâm giáo dục - đào tạo và khoa học - công nghệ, trung tâm y tế và văn hóa, là đầu mối quan trọng về giao thông vận tải nội vùng và liên vận quốc tế; là địa bàn trọng điểm giữ vị trí chiến lược về quốc phòng, an ninh của vùng đồng bằng sông Cửu Long và của cả nước”14.
---------
Bài đăng trên Tạp chí Thông tin khoa học chính trị số 1 (43) - 2025
1, 2 Ban Tuyên giáo Thành ủy Cần Thơ: Tuyên truyền kỷ niệm 90 năm thành lập Đặc ủy An Nam Cộng sản Đảng Hậu Giang (9/1929 - 9/2019) và Chi bộ An Nam Cộng sản Đảng Cờ Đỏ - Chi bộ Đảng đầu tiên của Cần Thơ (10/11/1929 - 10/11/2019), https://thanhuycantho.vn/DesktopModules/NEWS//TT_ChiTietPrint.aspx?NDID=1604, truy cập ngày 22/10/2024.
3 Hà Huy Giáp: Đời tôi những điều nghe, thấy và sống, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1996, tr.68.
4, 8, 11 Thành ủy Cần Thơ: Vai trò lịch sử và ảnh hưởng của chi bộ Đảng đầu tiên đối với phong trào cách mạng ở Cần Thơ và trong vùng, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2019, tr.13.
5 Nguyễn Văn Tây, Nguyễn Văn Phát, Nguyễn Văn Cưng, Nguyễn Văn Lý, Trần Văn Thạnh, Huỳnh Quảng, Lê Văn Sô, Trần Ngọc Diệp và đồng chí Thuật (đa số là học sinh trường Collège de Can Tho).
6 Nguyễn Văn Biểu: An Nam Cộng sản Đảng tổ chức tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam, https://www.qdnd.vn/chinh-tri/cac-van-de/an-nam-cong-san-dang-to-chuc-tien-than-cua-dang-cong-san-viet-nam-810722, truy cập ngày 09/01/2025.
7, 12 Đồng chí Hà Huy Giáp một nhà yêu nước, một người cộng sản, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2005, tr.102.
9 Ban biên soạn lịch sử Tây Nam Bộ kháng chiến: Lịch sử Tây Nam Bộ kháng chiến, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2008, t.1, tr.69 - 70.
10 Đảng Cộng sản Việt Nam: Phát biểu của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng bế mạc Hội nghị lần thứ mười một Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, https://tulieuvankien.dangcongsan.vn/van-kien-tu-lieu-ve-dang/hoi-nghi-bch-trung-uong/khoa-xii/phat-bieu-cua-tong-bi-thu-chu-tich-nuoc-nguyen-phu-trong-be-mac-hoi-nghi-lan-thu-muoi-mot-ban-chap-hanh-trung-uong-3502, truy cập ngày 12/10/2019.
13 Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t.5, tr.292.
14 Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2016, t.64, tr.118.
* Địa danh hành chính thời Pháp thuộc