TS LÊ LAN ANH
Viện Nghiên cứu Châu Mỹ
Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam

(TTKHCT) - Xung đột quân sự Nga - Ukraine đã làm thay đổi sâu sắc địa chính trị khu vực, làm sống lại nguy cơ đối đầu giữa các cường quốc lớn; đồng thời củng cố những gì từng là một liên minh phương Tây đang bị rạn nứt. Cuộc chiến cũng đã tác động tới chính trị nội bộ nước Mỹ. Thời gian đầu của cuộc chiến, lần đầu tiên sau nhiều năm phân cực, chia rẽ, các đảng phái ở Mỹ dường như đã tìm được tiếng nói chung (thời gian đầu của cuộc chiến) trong việc ủng hộ Ukraine. Tuy nhiên, với những số liệu được thống kê gần đây và qua các phát biểu, quan điểm của các chính trị gia hai đảng, đã cho thấy có sự đảo chiều trong việc Mỹ có nên tiếp tục tham gia hỗ trợ Ukraine như hiện tại hay cần giảm bớt sự can thiệp, thay vào đó tập trung xử lý các vấn đề trong nước.

Các cử tri Mỹ bỏ phiếu trong cuộc bầu cử giữa kỳ. Ảnh: Getty 
 

Cuộc xung đột quân sự Nga - Ukraine đã bước sang năm thứ hai, song tình hình vẫn diễn biến hết sức phức tạp, căng thẳng và quyết liệt cả trên chiến trường và trên các diễn đàn quốc tế. Viện trợ của Mỹ và phương Tây vào cuộc xung đột này được đánh giá là một trong những nhân tố then chốt giúp Ukraine nâng cao khả năng chiến đấu, bảo vệ chủ quyền, chống lại cuộc tấn công từ Nga. Vào những giai đoạn đầu của cuộc xung đột, nước Mỹ, từ các quan chức cho tới người dân đã rất tích cực ủng hộ việc Mỹ trích ngân sách quốc phòng để hỗ trợ Ukraine. Tuy nhiên, khi cuộc xung đột vẫn chưa cho thấy có hồi kết, nhiều người Mỹ đã bắt đầu giảm sự ủng hộ cho việc Mỹ can thiệp vào cuộc xung đột này khi áp lực chi ngân sách quốc phòng ngày càng tăng. Thêm vào đó, lạm phát tăng cũng khiến người dân cảm thấy chính phủ cần quan tâm hơn đến việc vực dậy cuộc sống của người dân sau đại dịch COVID-19.

1. Viện trợ của Mỹ trong cuộc xung đột Nga - Ukraine

Sau một năm, xung đột Nga - Ukraine cho thấy đây không chỉ là cuộc chiến giằng co giữa Nga và Ukraine, mà là một cuộc đối đầu quyết liệt giữa Nga với Mỹ và phương Tây. Trên thực tế, sau khi Nga tiến hành “chiến dịch quân sự đặc biệt” nhằm vào Ukraine (24/02/2022), Mỹ đã có những phản ứng nhanh chóng và quyết liệt ở cả cấp độ song phương và đa phương nhằm cô lập và làm suy yếu Nga trên trường quốc tế.

Trước khi xảy ra xung đột quân sự, Mỹ đã chủ động cung cấp nhiều loại vũ khí phòng thủ hạng nhẹ cho quân đội Ukraine, chủ yếu là tên lửa chống tăng Javelin, Stinger... Sau khi chiến sự nổ ra, các hoạt động cung cấp vũ khí cho quân đội Ukraine càng được đẩy mạnh với việc hỗ trợ các trang thiết bị chiến đấu hiện đại hơn. Mỹ đã cung cấp các hệ thống xe bọc thép và khí tài quân sự như hơn 8.500 tên lửa Javelin và 1.600 hệ thống phòng không Stinger; 232 khẩu lựu pháo và hơn hai triệu viên đạn pháo; 38 hệ thống tên lửa pháo binh cơ động đa nòng (HIMARS) và đạn dược; một khẩu đội phòng không Patriot; tám hệ thống tên lửa đất đối không tiên tiến (NASAMS) và các khả năng phòng không quan trọng khác: 109 xe chiến đấu bộ binh Bradley; 31 xe tăng Abrams. Ngoài ra, Mỹ đã cung cấp các máy bay, tàu phòng thủ bờ biển không người lái và hệ thống và các trang thiết bị chống máy bay không người lái (UAV). Theo số liệu của Bộ Quốc phòng Mỹ, Chính quyền của Tổng thống Joe Biden đã cam kết hỗ trợ hơn 32 tỷ USD cho Ukraine trong một năm qua. 

Ngoài những hỗ trợ về mặt quân sự cho Ukraine, Mỹ cũng đã đồng thời kết hợp với các quốc gia phương Tây thực hiện các biện pháp cô lập Nga trên mọi mặt. Mỹ thể hiện sự ủng hộ Ukraine thông qua các cuộc gặp chính thức và phi chính thức giữa các nhà lãnh đạo cấp cao giữa hai nước. Phía Mỹ đã thực hiện chính sách hỗ trợ nhân đạo cho người dân Ukraine bằng các gói viện trợ tài chính, Mỹ đã cung cấp 340 triệu USD hỗ trợ người tị nạn cho các đối tác châu Âu - những nước tiếp tục tiếp nhận hàng triệu người Ukraine.

Chính quyền Mỹ cũng đã giải ngân 13 tỷ USD dưới dạng tài trợ dành cho hỗ trợ ngân sách đối với Ukraine và sẽ sớm bắt đầu giải ngân khoảng 9,9 tỷ USD khác mà Quốc hội Mỹ mới thông qua đầu năm 2023 để đảm bảo Chính phủ Ukraine có thể tiếp tục đáp ứng các yêu cầu cấp thiết yếu của người dân và cung cấp các dịch vụ cơ bản khi họ đối mặt với sự xâm lược liên tục của Nga. Mỹ đã trục xuất nhiều thành viên trong phái bộ Nga tại Liên hợp quốc với cáo buộc “có hoạt động tình báo” (28/02/2022); trục xuất Tham tán công sứ Nga - quan chức cấp cao thứ hai ở Đại sứ quán Nga tại Mỹ (25/02/2022).

Tuy nhiên, sự can dự của Mỹ vào cuộc chiến này đã tạo nên những biến động nhất định trong chính trị nội bộ thời gian qua; tăng gánh nặng chi tiêu quốc phòng trong bối cảnh lạm phát tăng cao. Viện trợ quân sự của Mỹ cho Ukraine là đáng kinh ngạc. Tổng cộng Mỹ đã phê duyệt khoản viện trợ khoảng 50 tỷ USD cho Ukraine vào năm 20221. Khoảng một nửa số tiền đó - tương đương 24,9 tỷ đô la - được dùng cho chi tiêu quân sự. Để so sánh, viện trợ quân sự của Mỹ cho Israel - quốc gia lâu năm nhận viện trợ quân sự hàng đầu của Mỹ - vào năm 2020 là 3,3 tỷ đô la, cho Afghanistan là 2,8 tỷ đô la, riêng Ukraine, kể từ khi Nga tiến hành cuộc chiến, con số viện trợ đã tăng lên 46,6 tỷ đô la (xem Biểu đồ 1).

Biểu đồ 1. Viện trợ quân sự của Mỹ cho Ukraine kể từ khi cuộc chiến xảy ra

Một câu hỏi quan trọng là liệu thành công của Ukraine trong việc ngăn chặn các mục tiêu chính trị và quân sự của Nga có dẫn đến một loại hiệu ứng dây chuyền hay không. Trong tình huống này, các quốc gia khác bị đe dọa tương tự bởi các nước láng giềng độc tài lớn sẽ yêu cầu thêm viện trợ quân sự của Mỹ hoặc NATO. Khi đó, Mỹ sẽ phải đối mặt với thách thức liệu có nên cung cấp nhiều tiền hơn cho các quốc gia này hay không.

Điều này có thể sẽ gây chia rẽ trong hàng ngũ Đảng Dân chủ. Những người cấp tiến đã nhấn mạnh rằng bất kỳ sự gia tăng chi tiêu quốc phòng nào cũng phải đi kèm với sự gia tăng song song trong chi tiêu trong nước. Ngay cả trước khi Nga xâm lược Ukraine vào tháng 2, ngân sách quốc phòng của Mỹ đã có xu hướng tăng với tốc độ cao hơn tốc độ lạm phát. Đạo luật Ủy quyền Quốc phòng (NDAA) trong năm tài chính 2022, đã tăng mức ủy quyền hàng đầu thêm 25 tỷ đô la so với yêu cầu của Tổng thống Joe Biden, một yêu cầu vốn đã cao hơn hàng tỷ đô la so với năm trước. Các cuộc bỏ phiếu ban đầu để tăng ngân sách quốc phòng diễn ra vài tháng trước khi Tổng thống Nga Vladimir Putin ra lệnh cho lực lượng Nga tiến vào Ukraine và thậm chí trước khi có mối lo ngại lan rộng ở Washington rằng việc Nga triển khai quân dọc biên giới Ukraine có thể dẫn đến xung đột trực tiếp. Trong thực tế kể từ khi kết thúc Chiến tranh thế giới thứ hai, Mỹ đã chi tiêu cho quân sự nhiều hơn tương ứng so với hiện tại chỉ trong thời kỳ cao điểm chi tiêu năm 2009 và 2010 trong các cuộc chiến tranh Iraq và Afghanistan. Những người ủng hộ chi tiêu quốc phòng cao hơn lập luận rằng các mức chi tiêu lịch sử này là hợp lý. Họ nói rằng, Mỹ đang hoạt động trong một môi trường chiến lược mới, với hai đối thủ chiến lược gần ngang hàng là Trung Quốc và Nga.

Tuy nhiên, trên thực tế, ngân sách quốc phòng thường được tăng lên hàng năm mà không có cơ sở vững chắc trong một chiến lược khả thi và xác định. Mặc dù Chiến lược An ninh Quốc gia của chính quyền Biden được công bố vào tháng 10 nhấn mạnh “những thách thức chung” đòi hỏi sự hợp tác xuyên biên giới quốc tế, nhưng trọng tâm chính là “vượt qua” các cường quốc đối thủ,  cụ thể là Trung Quốc và Nga2. Câu khẩu hiệu mới nhất về “cạnh tranh chiến lược” này cũng từng là trọng tâm trong chiến lược an ninh quốc gia do chính quyền Donald John Trump vạch ra. Tư duy “cạnh tranh chiến lược” đảm bảo rằng bất kỳ chương trình nào, bất kể mức độ phù hợp hoặc lợi ích trong tương lai, sẽ được tài trợ nếu được cho là cần thiết để cạnh tranh với Trung Quốc hoặc Nga. Tuy nhiên, việc cạnh tranh với Trung Quốc và Nga ở mọi nơi trên thế giới sẽ rất tốn kém, đòi hỏi các khoản đầu tư lớn hơn bao giờ hết vào hoạt động, duy trì bảo vệ an ninh quốc gia3.

2. Sự đồng thuận lưỡng đảng trong việc ủng hộ Mỹ viện trợ Ukraine trong thời gian đầu của cuộc xung đột

Khi chiến tranh bắt đầu nổ ra, sự ủng hộ của lưỡng đảng Mỹ dành cho Ukraine là rất lớn. Cuộc thăm dò của Hội đồng Chicago về các vấn đề toàn cầu vào tháng 3/2022 cho thấy các biện pháp trừng phạt chống lại Nga nhận được 82% ủng hộ từ Đảng Dân chủ và 75% từ Đảng Cộng hòa; hỗ trợ vũ khí và vật chất khác cho Ukraine tương ứng 83% và 80% (xem Biểu đồ 2); và hỗ trợ kinh tế Ukraine là 85 % và 74 %4. Những con số này cho thấy, thời gian đầu của cuộc chiến, chính trường nước Mỹ đã phần nào tìm thấy được sự đồng thuận sau rất nhiều năm chia rẽ thậm chí mâu thuẫn đến mức cực điểm về hầu hết tất cả các vấn đề cần đến sự đồng thuận của hai chính đảng.

Biểu đồ 2. Tỷ lệ ủng hộ việc hỗ trợ quân sự cho Ukraine trong thời gian đầu của cuộc chiến (khảo sát vào tháng 3/2022)

Vào tháng 12/2022, 65% người Mỹ cho biết họ ủng hộ việc cung cấp vũ khí cho Ukraine và 66% cho biết họ ủng hộ việc gửi tiền trực tiếp5, (theo Hội đồng Chicago về các vấn đề toàn cầu, một tổ chức tư vấn chính trị phi đảng phái). Đáng chú ý, cuộc thăm dò tương tự cho thấy cứ ba người Mỹ thì có một người ủng hộ ý tưởng đưa quân đội Mỹ tham chiến - con số này thay đổi không đáng kể từ khi bắt đầu cuộc xâm lược năm 2022.

3. Sự chia rẽ đảng phái về việc có nên tiếp tục ủng hộ Mỹ can dự vào cuộc chiến

Mặc dù rõ ràng thời gian đầu sự đồng thuận giữa các chính trị gia của hai đảng đối với việc Mỹ đổ tiền và vũ khí vào hỗ trợ Ukraine với hy vọng nhanh chóng kết thúc cuộc chiến và Ukraine giành phần thắng, tuy nhiên sau đó các quan điểm ủng hộ đã bắt đầu thay đổi khi cuộc chiến vẫn cho thấy chưa có hồi kết.

Đến tháng 11/2022, khi mùa bầu cử bắt đầu, mức chênh lệch trong quan điểm ủng hộ sự can dự của Mỹ vào cuộc chiến ngày càng rộng hơn: Hỗ trợ vũ khí và vật chất được 76% đảng viên Đảng Dân chủ ủng hộ, nhưng chỉ 55% đảng viên Đảng Cộng hòa ủng hộ, từ khoảng cách khác nhau 3 điểm đã tăng lên 21 điểm; và hỗ trợ kinh tế có 81% đảng viên Đảng Dân chủ trong khi 50% đảng viên Đảng Cộng hòa ủng hộ, chênh lệch từ 11 đến 31 điểm (xem Biểu đồ 3).

Biểu đồ 3. Tỷ lệ ủng hộ việc hỗ trợ quân sự cho Ukraine trong khoảng thời gian tháng 7 - 11/2022

Một số đảng viên Đảng Cộng hòa trong Quốc hội muốn Mỹ cắt giảm viện trợ nước ngoài cho Ukraine, và họ công khai lý do tại sao điều này nên xảy ra6. Ngay từ đầu cuộc chiến, khi một số nhà quan sát cho rằng Ukraine sẽ nhanh chóng thua Nga, một số nhà lập pháp bảo thủ và những người khác lo ngại rằng các hệ thống quân sự hoặc vũ khí của Mỹ sẽ rơi vào tay Nga và làm tổn hại uy tín của Mỹ và NATO7. Và mặc dù có sự ủng hộ của lưỡng đảng, một số đảng viên Đảng Cộng hòa - đặc biệt là những người bảo thủ liên kết với lập trường “Nước Mỹ trên hết” theo chủ nghĩa biệt lập của cựu tổng thống Donald John Trump - đã lập luận rằng Mỹ không đủ khả năng hỗ trợ Ukraine và cũng như giải quyết mức lạm phát cao trong nước8. Hạ nghị sĩ Marjorie Taylor Greene, một đảng viên Đảng Cộng hòa từ Georgia, cho biết vào tháng 11/2022 rằng với việc Đảng Cộng hòa kiểm soát Hạ viện, “không một xu nào khác sẽ đến với Ukraine”9. Một cuộc thăm dò vào tháng 11/2022 của Hội đồng Chicago về các vấn đề toàn cầu cũng cho thấy tỷ lệ ủng hộ can dự của Mỹ vào Ukraine trong số những người được hỏi thuộc Đảng Cộng hòa đã giảm đáng kể, từ mức cao 80% vào tháng 3/2022 xuống còn 55% vào tháng 12/202210.  Các phiên điều trần của ủy ban đã trở nên gay gắt hơn tại Hạ viện với việc chất vấn các quan chức chính quyền Biden. Một cuộc thăm dò của CBS News vào tháng 01/2023 cho thấy, trong khi sự ủng hộ tổng thể đối với việc Mỹ tăng nhiều viện trợ hơn cho Ukraine là 64% và 48% trong số những người Cộng hòa nói chung, thì trong số những người Cộng hòa tự nhận là “MAGA” (Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại) chỉ là 36%11.

4. Kết luận

Với sự ủng hộ của cử tri dành cho Ukraine ngày càng ít vô điều kiện hơn và sự chia rẽ đảng phái ngày càng sâu sắc, chính quyền Biden có thể gặp khó khăn về mặt chính trị trong việc duy trì chiến dịch trừng phạt gây áp lực tối đa chống lại Nga. Cuộc chiến tranh tại Ukraine có thể trở thành một trong những nội dung được các ứng cử viên tổng thống đưa vào chương trình tranh cử của mình trong cuộc bầu cử tổng thống vào năm 2024. Tuy nhiên, có thể mức độ ưu tiên cho vấn đề này sẽ không đáng kể so với các vấn đề thách thức khác trong nước mà Mỹ đang phải đối mặt như lạm phát gia tăng, giá cả leo thang khiến người dân gặp nhiều khó khăn trong chi tiêu; vấn đề nợ công chạm ngưỡng mới, cao nhất từ trước tới nay với con số 314 nghìn tỷ USD. Việc sa lầy vào một cuộc chiến chưa hồi kết sẽ khiến cho nước Mỹ mệt mỏi với gánh nặng chi tiêu ngân sách quốc phòng tiếp tục gia tăng, sự phản ứng của phía người dân, và nhất là trong bối cảnh các lợi ích, giá trị và danh tiếng của Mỹ đều đang bị đe dọa.

---------

Bài đăng trên Tạp chí Thông tin Khoa học chính trị số 1 (37) - 2024

1 Jonathan Masters and Will Merrow (2023): How Much Aid Has the U.S. Sent Ukraine? Here Are Six Charts., https://www.cfr.org/article/how-much-aid-has-us-sent- Ukraine -here-are-six-charts

2 The White House: National Security Strategy, October 2022, pp. 11-12, https://www.whitehouse.gov/wp-content/uploads/2022/10/Biden-Harris-Administrations-National-Security-Strategy-10.2022.pdf.

3 Cornell Overfield: Biden’s ‘Strategic Competition’ Is a Step Back, Foreign Policy, October 13, 2021, https://foreignpolicy.com/2021/10/13/biden-strategic-competition-national-defense-strategy/; Becca Wasser and Stacie Pettyjohn, “Why the Pentagon Should Abandon ‘Strategic Competition,’” Foreign Policy, Oc

4 Dina Smeltz (2022): Growing US Divide on How Long to Support Ukraine, https://globalaffairs.org/sites/default/files/2023-01/ Ukraine %20Brief%20CMS%202.pdf, The Chicago Council on Global Affairs.

5 The Chicago Council on Global Affairs (2022): Growing US Divide on How long to Support, https://globalaffairs.org/sites/default/files/2022-12/ Ukraine %20Brief%20CMS.pdf

6 Olafimihan Oshin. More Republicans opposed to continued Ukraine aid: survey, https://thehill.com/homenews/3717304-more-republicans-opposed-to-continued- Ukraine -aid-survey/

7 A Martinez and Tim Mak (2022): As Russia keeps up its attack, how long can Ukraine hold the capital city?, https://www.npr.org/2022/02/25/1083003231/as-russia-keeps-up-its-attack-how-long-can- Ukraine -hold-the-capital-city

8 Farnoush Amiri (2022): What US election results mean for the future of Ukraine, https://apnews.com/article/russia- Ukraine -business-europe-congress-14c038f0829fb18841359199248b50a7

9 By Julia Shapero (2022): Marjorie Taylor Greene: ‘Under Republicans, not another penny will go to Ukraine’, https://thehill.com/homenews/house/3719467-marjorie-taylor-greene-under-republicans-not-another-penny-will-go-to- Ukraine /

10 The Chicago Council on Global Affairs (2022): Growing US Divide on How long to Support, https://globalaffairs.org/sites/default/files/2022-12/ Ukraine %20Brief%20CMS.pdf

11 CBS (2023): CBS News poll: Inflation, cooperation and…investigation? Americans on what the new Congress should - and shouldn't - deliver, https://www.cbsnews.com/news/cbs-news-poll-inflation-cooperation-and-investigation/.