GS, TS TRẦN VĂN PHÒNG
Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
(TTKHCT) - Bài viết phân tích chỉ rõ tuyên truyền chính trị là một nội dung quan trọng của công tác tư tưởng nói chung, công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch nói riêng của Đảng ta. Chủ thể tuyên truyền bao gồm toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta. Đối tượng tuyên truyền là toàn thể cộng đồng mạng, trong đó có thể có cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân, thanh, thiếu niên, sinh viên, người lao động, cán bộ hưu trí, và cả các đối tượng sai trái, thù địch mà chúng ta hướng tới… Nội dung tuyên truyền đa dạng, phong phú từ chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng đến chính sách, pháp luật của Nhà nước… Phương thức tuyên truyền cũng rất đa dạng, phong phú như văn bản, video clip; đồ họa, âm nhạc, kể chuyện…
PGS,TS Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh phát biểu đề dẫn Hội thảo
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh “Tuyên truyền là đem một việc gì nói cho dân hiểu, dân nhớ, dân theo, dân làm”1. Chính vì vậy, tuyên truyền nói chung, tuyên truyền chính trị nói riêng là một nội dung quan trọng của công tác tư tưởng, công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch của Đảng ta. Tuyên truyền chính trị có nhiều phương thức như tuyên truyền miệng, tuyên truyền qua các phương tiện thống tin đại chúng, qua hệ hoạt động của thống các thư viện, sách báo, tranh ảnh, nhà văn hóa, câu lạc bộ...; các hình thức trực quan như khẩu hiệu, panô, áp phích, tờ rơi, …nhằm nói cho dân hiểu, dân nhớ, dân theo, dân làm. Trong phương tiện thông tin đại chúng có hệ thống mạng xã hội. Chất lượng hiệu quả tuyên truyền chính trị thông qua mạng xã hội phụ thuộc vào nhiều yếu tố nhưng phụ thuộc trước hết vào chủ thể, đối tượng, nội dung, phương thức tuyên truyền.
Chủ thể tuyên truyền chính trị trên mạng xã hội
Nghị quyết số 35-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Bộ Chính trị về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới xác định rõ: Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Ðảng là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của toàn Ðảng, toàn quân, toàn dân, trong đó cơ quan báo chí các cấp là nòng cốt; là công việc tự giác, thường xuyên của cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và đoàn thể chính trị - xã hội các cấp; của từng địa phương, cơ quan, đơn vị, của cán bộ, đảng viên, trước hết là người đứng đầu. Do đó, có thể thấy chủ thể bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh ngăn chặn các quan điểm sai trái, thù địch cũng đồng thời là các chủ thể có trách nhiệm, nhiệm vụ tuyên truyền chính trị trên các phương tiện thông tin đại chúng nói chung, trên mạng xã hội nói riêng, bao gồm:
Các cấp ủy, tổ chức đảng các cấp từ Trung ương đến địa phương. Các cấp ủy Đảng, các tổ chức Đảng vừa là chủ thể lãnh đạo quá trình tuyên truyền chính trị trên các phương tiện thông tin đại chúng nói chung, trên mạng xã hội nói riêng, vừa là chủ thể thực hiện công tác tuyên truyền chính trị nói chung.
Chính quyền các cấp từ Trung ương đến cơ sở, vừa là chủ thể quản lý vừa là chủ thể thực hiện tuyên truyền chính trị trên mạng xã hội.
Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp (công đoàn, Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh, Hội Liên hiệp phụ nữ) vừa là chủ thể lôi cuốn, tập hợp đoàn viên, hội viên tham gia tuyên truyền chính trị nói chung vừa là củ thể thực hiện tuyên truyền chính trị trên mạng xã hội nói riêng.
Các cơ quan chuyên trách (cơ quan làm công tác tuyên giáo của cấp ủy, cơ quan đảng, các cơ quan báo chí, xuất bản,…) vừa là chủ thể lan tỏa, tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước nói chung, vừa là chủ thể tuyên truyền chính trị trên mạng xã hội nói riêng.
Các cơ quan nghiên cứu, cơ sở đào tạo lý luận chính trị (trung tâm, viện nghiên cứu, trường đại học, học viện, các trường chính trị đào tạo lý luận chính trị) vừa là chủ thể nghiên cứu, vừa là chủ thể lan tỏa, tuyên truyền chính trị đến các đối tượng học viên cũng như trên mạng xã hội.
Đội ngũ cán bộ chủ chốt các cấp và đội ngũ đảng viên. Họ vừa là những người có trách nhiệm, vừa là những chủ thể tích cực với ý thức tự giác cao trong tuyên truyền chính trị trên mạng xã hội.
Lực lượng chuyên trách trực tiếp (lực lượng chính trị, cán bộ, giảng viên lý luận chính trị, các cán bộ, viên chức làm việc trong các cơ quan báo chí, xuất bản...). Họ vừa thực hiện chức trách, nhiệm vụ vừa thực hiện tự giác tuyên truyền chính trị trên mạng xã hội.
Quần chúng nhân dân. Đây là lực lượng đông đảo, nếu biết dựa vào Nhân dân, thông qua sự ủng hộ của Nhân dân, bằng sức mạnh của Nhân dân hình thành tổ chức và lực lượng tuyên truyền chính trị trên các phương tiện thông tin đại chúng nói chung, trên mạng xã hội nói riêng sẽ rất hiệu quả.
Cùng với phát huy vai trò của cán bộ, đảng viên, đoàn viên, thanh niên, sinh viên, phải chú ý phát huy vai trò của những người có uy tín và ảnh hưởng lớn trên mạng xã hội (KOLs, influencers, Vbloger, Youtubers)2, đó là các nhà trí thức lớn, các nhà khoa học, nhà báo, văn nghệ sĩ, các vận động viên nổi tiếng,... Nếu những người này có các tài khoản mạng xã hội có lượng người theo dõi, tương tác lớn, nguồn thông tin sẽ có ảnh hưởng lớn tới người dùng khác về hành vi sử dụng mạng xã hội. Phát huy vai trò của những người có uy tín trên mạng xã hội theo hướng tích cực sẽ tạo ảnh hưởng tốt tới cộng đồng mạng, thậm chí trong những trường hợp cụ thể hiệu quả hơn và tính lan tỏa rất nhanh góp phần định hướng dư luận theo hướng tích cực. Do vậy, những người này cũng là chủ thể quan trọng trong tuyên truyền chính trị trên mạng xã hội3.
Trong các chủ thể tuyên truyền chính trị trên mạng xã hội thì sự lãnh đạo của Đảng; sự quản lý, điều hành của nhà nước có vai trò rất quan trọng. Đảng vừa là chủ thể lãnh đạo thực hiện, vừa là chủ thể tổ chức thực hiện. Các cơ quan nhà nước vừa làm nhiệm vụ quản lý về mặt nhà nước vừa cụ thể hóa chủ trương, đường lối của Đảng bằng các chính sách, cơ chế cụ thể. Bên cạnh đó, các cơ quan chuyên trách, viện nghiên cứu, cơ sở đào tạo lý luận chính trị và lực lượng cán bộ trực tiếp làm công tác ở các trang mạng xã hội cũng có vai trò rất quan trọng.
Yêu cầu này đòi hỏi chúng ta phải ý thức sâu sắc rằng, tuyên truyền chính trị trên mạng xã hội để góp phần đấu tranh ngăn chặn các quan điểm sai trái, thù địch là công việc khó khăn, gay go, phức tạp và cũng rất quyết liệt. Tính chất phức tạp, khó khăn của tuyên truyền chính trị trên mạng xã hội trong cuộc đấu tranh chống lại các quan điểm sai trái, thù địch không chỉ do âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch mà còn do những khó khăn trong việc phát huy các chủ thể, kịp thời đưa các nội dung dễ hiểu, dễ nhớ, dễ kiểm chứng, dễ thuyết phục đến mọi tầng lớp nhân dân. Do vậy, nếu không tăng cường phát huy sức mạnh tổng hợp của các chủ thể, lực lượng, của dân tộc, thì không thể giành được thắng lợi trong tuyên truyền chính trị trên mạng xã hội. Đảng ta luôn nhấn mạnh, muốn giành được thắng lợi trong cuộc đấu tranh này phải tăng cường phát huy sức mạnh của tất cả các lực lượng, của các cấp, các ngành và cả hệ thống chính trị, trên tất cả các lĩnh vực hoạt động và cả đối nội, đối ngoại, trong đó có tuyên truyền chính trị trên mạng xã hội.
Mỗi lực lượng, mỗi cấp, mỗi ngành đều phải thấu suốt quan điểm, chủ trương lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước luôn xác định rõ trách nhiệm và căn cứ theo chức năng, nhiệm vụ, tích cực tuyên truyền chính trị trên mạng xã hội.
Đối tượng trực tiếp của các thế lực thù địch là tập trung phá hoại về chính trị, tư tưởng, văn học, nghệ thuật khá đa dạng; mục tiêu của chúng là tách các tổ chức, các lực lượng và các tầng lớp nhân dân ra khỏi sự lãnh đạo của Đảng, từng bước thực hiện "phi chính trị hóa". Để thực hiện mục tiêu đó, các thế lực thù địch không loại trừ một lĩnh vực nào, cá nhân hay tổ chức nào. Do vậy, việc đấu tranh ngăn chặn các quan điểm sai trái, thù địch và tuyên truyền chính trị trên mạng xã hội phải là công việc của mọi ngành, mọi cấp, mọi tổ chức, cá nhân, trong phạm vi, lĩnh vực công tác của mình, đồng thời phải có sự phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ giữa các cơ quan, đơn vị để tạo nên thế trận vững chắc. Phát huy trách nhiệm chính trị các cấp, các ngành, các lực lượng, trong đó đặc biệt là vai trò của các cơ quan chức năng như tư tưởng, văn hóa trong tuyên truyền chính trị và đấu tranh ngăn chặn các quan điểm sai trái, thù địch. Đây là nhiệm vụ quan trọng, có tính lý luận và tính thực tiễn sâu rộng, không đơn giản, nhiều khó khăn, phức tạp đòi hỏi sự phân công, phân nhiệm rõ ràng, có sự chỉ đạo thống nhất, có sự kiểm tra chặt chẽ, định kỳ rút kinh nghiệm, kịp thời chấn chỉnh những lệch lạc, thiếu sót và bổ sung những chủ trương, giải pháp phù hợp với thực tiễn để tuyên truyền chính trị trên mạng xã hội đạt hiệu quả cao nhất.
Đối tượng của tuyên truyền chính trị trên mạng xã hội
Đối tượng của tuyên truyền chính trị trên mạng xã hội là toàn thể cộng đồng mạng, trong đó có thể có cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân, thanh, thiếu niên, sinh viên, người lao động, cán bộ hưu trí, và cả các đối tượng sai trái, thù địch mà chúng ta hướng tới,... Nói khác đi, khác với tuyên truyền miệng hay các hình thức tuyên truyền khác, tuyên truyền chính trị trên mạng xã hội có đối tượng rất đa dạng, phong phú về tuổi tác, nghề nghiệp, học vấn, quốc tịch, tôn giáo, giới tính, sở thích, giáo phái,... Chính vì đối tượng đa dạng, phong phú như thế nên tuyên truyền chính trị trên mạng xã hội để đạt hiệu quả không dễ dàng. Do vậy, đối với từng trang mạng cụ thể phải “gom” các đối tượng tương đối giống nhau về lợi ích, sở thích, quan niệm,... vào từng nhóm để tìm ra phương thức, nội dung tuyên truyền chính trị phù hợp. Hiện nay đã có các phần mềm có thể “gom” những đối tượng cùng chung sở thích, sự quan tâm, thói quen tâm lý,... vào từng nhóm để trên cơ sở đó xác định phương pháp tuyên truyền cho phù hợp. Tuy nhiên cần lưu ý rằng dù bất kể đối tượng của tuyên truyền chính trị trên mạng xã hội là ai thì họ đều là con người. Đã là con người, dù khác nhau về giới tính, tuổi tác, sở thích, học vấn, quốc tịch nhưng cơ bản đều hướng tới chân - thiện - mỹ, trừ những đối tượng có tư tưởng sai trái, thù địch. Do vậy, tuyên truyền chính trị trên mạng xã hội về cơ bản phải hướng tới chân - thiện - mỹ để gây được chú ý, sự quan tâm của các đối tượng. Trên cơ sở chú ý, sự quan tâm của đối tượng mới có thể tính tới hiệu quả của thông điệp, mục tiêu trong tuyên truyền chính trị trên mạng xã hội. Bởi lẽ, như chúng ta đều rõ tuyên truyền là việc đưa ra các thông tin với mục đích thu hút thái độ, suy nghĩ, tâm lý và ý kiến của quần chúng theo chiều hướng mà người đưa thông tin mong muốn.
Nội dung của tuyên truyền chính trị trên mạng xã hội
Chúng ta đều rõ, chính trị là quan hệ giữa các giai cấp, tập đoàn xã hội, quốc gia, dân tộc về vấn đề giành, giữ, thực thi quyền lực nhà nước. Do vậy, tuyên truyền chính trị là tuyên truyền những gì liên quan tới vấn đề giành, giữ, thực thi quyền lực nhà nước. Cụ thể đối với nước ta, tuyên truyền chính trị là tuyên truyền những nội dung cơ bản sau:
- Tuyên truyền chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh - nền tảng tư tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam. Tuyên truyền chủ trương, đường lối, cương lĩnh, điều lệ, của Đảng; những vấn đề về xây dựng, chỉnh đốn Đảng; những hoạt động liên quan đến hoạt động của Đảng. Tuyên truyền chủ trương gắn độc lập dân tộc với chủ nghĩa xã hội của Đảng, Nhân dân ta. Tuyên truyền về mô hình chủ nghĩa xã hội Việt Nam và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.
- Tuyên truyền chính sách, pháp luật của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam về tất cả các mặt kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng, đối ngoại, y tế, giáo dục, bảo vệ môi trường. Những vấn đề xây dựng, hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
- Tuyên truyền đường lối đối mới cũng như những thành tựu đổi của Đảng trên các mặt kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường, an ninh, quốc phòng, đối ngoại. Tuyên tuyền về đặc trưng bản chất của mô hình chủ nghĩa xã hội Việt Nam và những phương hướng xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam cũng như các mối quan hệ lớn cần nhận thức và giải quyết.
- Tuyên truyền những thành quả cách mạng của dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tuyên truyền, phổ biến những tấm gương dũng cảm, điển hình trong chiến đấu, xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước.
- Tuyên truyền những quan điểm đúng đắn của Đảng, Nhà nước ta trong đấu tranh bác bỏ các quan điểm sai trái, thù địch phủ nhận chủ nghĩa Mác – Lênin. Tuyên truyền cuộc đấu tranh chống các quan điểm phủ nhận, xuyên tạc tư tưởng Hồ Chí Minh; phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam; phủ nhận mục tiêu, lý tưởng và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của Việt Nam; phủ nhận thành quả của cách mạng Việt Nam; phủ nhận thành quả của công cuộc đổi mới đất nước ở Việt Nam, trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
- Tuyên truyền, cổ vũ cuộc đấu tranh của Đảng, Nhà nước, Nhân dân ta chống các quan điểm sai trái, thù địch phủ nhận đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; chống các quan điểm xuyên tạc lịch sử, phủ nhận thắng lợi lịch sửa của dân tộc Việt Nam; đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí trong cán bộ, đảng viên; củng cố vững chắc niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa.
- Tuyên truyền cuộc đấu tranh của Đảng, Nhà nước, Nhân dân ta giữ vững trận địa tư tưởng, ngăn chặn mọi nguy cơ chệch hướng; phát huy cho được vai trò của các tổ chức đảng, tổ chức quần chúng, mọi người Việt Nam (cả trong và ngoài nước) cùng chống lại và “tăng sức đề kháng, đủ sức miễn dịch” trước mọi thủ đoạn phá hoại của các thế lực thù địch trên lĩnh vực xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc.
- Tuyên truyền đấu tranh chống những quan điểm sai trái, thù địch xuyên tạc, bôi nhọ thân thế, sự nghiệp, đời tư của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, bảo vệ sự trong sáng về phẩm chất, trí tuệ, đời tư các đồng chí lãnh đạo,...
Nội dung tuyên truyền chính trị trên mạng xã hội rất đa dạng, phong phú4. Điều quan trọng là tuyên truyền lan tỏa những thành tựu, mặt “xây” đi đôi với tuyên truyền cuộc đấu tranh chống các quan điểm sai trái, thù địch, tức là mặt “chống”. Tuyên truyền “mặt xây” là cơ bản, quan trọng, “mặt chống” là thường xuyên. Các nội dung tuyên truyền cũng cần phải linh hoạt, mềm dẻo, phù hợp từng đối tượng và yêu cầu, nhiệm vụ từng thời điểm của cách mạng.
Phương thức tuyên truyền chính trị trên mạng xã hội
Một đặc trưng của thông tin trên mạng xã hội là tuổi đời ngắn, tính thời sự cao, sức lan tỏa nhanh. Do vậy, tuyên truyền chính trị trên mạng xã hội nhìn chung không thể dài dòng, quá bài bản. Vì vậy, về cơ bản phương thức tuyên truyền chính trị trên mạng xã hội phải ngắn gọn, dễ đọc, dễ hiểu, dễ nhớ và mang tính trực quan thông qua thị giác, cảm giác hay nói khác đi là “bắt mắt, lọt tai”. Do vậy, thông tin tuyên truyền chính trị trên mạng xã hội có thể sử dụng đa dạng các phương thức:
Văn bản là hình thức thể hiện và truyền đạt bằng ngôn ngữ viết, thể hiện tình cảm, ý chí, mong muốn, chủ đích, thông báo của một hay nhiều chủ thể đến các đối tượng khác nhau nhằm mục đích thông báo hay mong muốn, đòi hỏi ở các đối tượng tiếp nhận thực hiện một hành vi nào đó đáp ứng nhu cầu của người thông báo. Nói khác đi, văn bản là một phương thức ghi nhận, lưu giữ và truyền đạt thông tin từ chủ thể này sang chủ thể khác bằng ngôn ngữ hay các dạng ký hiệu khác nhau. Do vậy, văn bản không nên quá dài, mà phải ngắn gọn, xúc tích, dễ đọc, dễ nhớ, dễ hiểu, dễ chuyển tải nội dung, dễ chia sẻ cho các chủ thể khác.
Đồ họa là phương thức truyền tải các thông điệp tới mọi người thông qua thị giác bằng hình ảnh bắt mắt, ấn tượng, dễ nhớ, dễ thuyết phục, lan tỏa tới người khác. Đây là một loại hình tuyên truyền trên mạng bằng cách kết hợp giữa hình ảnh, chữ viết hoặc ký hiệu và các ý tưởng sáng tạo để truyền tải các thông điệp, hàm ý một cách hiệu quả thông qua những sản phẩm in ấn hoặc đồ họa trực tuyến. Tuyên truyền chính trị qua đồ họa là hình thức chứng minh bằng hình ảnh một cách thuyết phục, dễ hiểu đối với nhiều đối tượng.
Video clip là một đoạn phim ngắn hoặc phim dài được phát triển trên các thiết bị đa phương tiện. Thu lại hình ảnh, âm thanh một cách sinh động nhất và thực tế nhất, có thể bảo đảm chất lượng hình ảnh, âm thanh sắc nét. Trong tuyên truyền chính trị thì video clip không nên quá dài, âm thanh phải rõ, màu sắc phải dễ nhìn. Tùy từng nội dung tuyên truyền mà có thể sử dụng các loại video clip khác nhau. Tuyên truyền bằng video clip là một hình thức chứng minh sống động, trực quan trong tuyên truyền chính trị5.
Âm nhạc là nghệ thuật đến từ âm thanh, sử dụng sự hài hòa của âm thanh để diễn đạt, mang lại cảm xúc cho người nghe. Thông qua âm nhạc tức là thông qua nhịp điệu, âm điệu và những tính độc đáo của của âm sắc và kết cấu bản nhạc để truyền tải thông tin đến người nghe. Dùng âm nhạc để tuyên truyền chính trị chính là dùng âm thanh để diễn tả cảm xúc ủng hộ, khuyến khích, lan tỏa, ca ngợi hay ngược lại thể hiện phản ứng, khó chịu, thờ ơ, bực bội, sự phản kháng,... về các vấn đề chính trị.
Đa phương tiện là một hình thức truyền tải thông tin bằng cách sử dụng kết hợp các kiểu định dạng nội dung khác nhau như văn bản, audio, hình ảnh, hoạt hình, video vào một bài tuyên truyền có tính tương tác. Đặc điểm của phương thức này là có sự tương tác nên trong tuyên truyền chính trị trên mạng xã hội rất hữu ích, đặc biệt là đối với thiếu niên, thanh niên, học sinh, sinh viên6.
Kể chuyện là kể lại một sự kiện nào đó, một vấn đề nào đó có logic, có nội dung chặt chẽ, có thứ thự không gian, thời gian, có bối cảnh lịch sử cụ thể,...về những vấn đề chính trị. Qua đó khẳng định những chân lý, những giá trị chân - thiện - mỹ, lên án cái ác, cái xấu, cái sai. Qua đó khẳng định chính trị tiến bộ, phản đối chính trị phản tiến bộ.
Thông qua mạng xã hội chia sẻ thông tin cá nhân và mạng xã hội chia sẻ tài nguyên để lan tỏa thông tin mà chúng ta chủ động tuyên truyền. Tuy nhiên như đã nêu ở trên, dù sử dụng phương thức nào như văn bản, video clip, đa phương tiện, âm nhạc, kể chuyện,... trên mạng xã hội thì luôn phải ngắn gọn, dễ hiểu, thông điệp phải rõ ràng, thông tin phải kịp thời. Đặc biệt qua các phương thức trên lan tỏa thông tin chính thống của Đảng, Nhà nước. Ngôn ngữ trong các phương thức tuyên truyền chính trị trên mạng xã hội phải dễ hiểu, dễ nhớ, dễ lan tỏa, lịch sự, tránh thô thiển. Các video clip, các đa phương tiện phải nét, rõ, âm thanh thuyết minh phải rõ, đúng, chuẩn xác, biểu cảm, thu hút. Các đồ họa, bản vẽ phải dễ nhìn, dễ đọc, dễ kiểm chứng, bắt mắt. Điều quan trọng là phải biết phối hợp linh hoạt các phương thức tuyên truyền chính trị trên mạng xã hội. Tùy từng đối tượng cụ thể mà sử dụng phương thức nào là chủ yếu. Dù sử dụng phương thức nào thì luôn lấy khách quan làm trọng và luôn hướng tới chân - thiện - mỹ vì con người.
Tuyên truyền chính trị trên mạng xã hội là công việc quan trọng trong công tác tư tưởng, bảo vệ nền tảng tư tưởng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Nhưng để công tác tuyên truyền chính trị trên mạng xã hội đạt hiệu quả thì luôn phải quan tâm tới chủ thể, đối tượng, nội dung và phương thức tuyên truyền. Các yếu tố cấu thành công tác tuyên truyền chính trị trên mạng xã hội gắn bó chặt chẽ với nhau, trong đó chủ thể là quan trọng nhất, vì chủ thể quyết định đối tượng, nội dung, phương thức tuyên truyền. Tất nhiên các yếu tố còn lại tác động, ảnh hưởng tới chủ thể tuyên truyền.
---------
Bài đăng trên Tạp chí Thông tin Khoa học chính trị số 1 (37) - 2024
1 Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t.5, tr.191.
2 Phạm Đức Kiên, Trần Minh Văn: Kiên định nền tảng tư tưởng của Đảng trong bối cảnh mới - Xây dựng các công cụ truyền thông trên không gian mạng phục vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái thù địch, Nxb Lý luận chính trị, Hà Nội, 2021, tr.361.
3 Sổ tay Hỏi - đáp Sinh viên với công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch hiện nay, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2022, tr.43-46; Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh: Sổ tay Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trên không gian mạng, Nxb Lý luận chính trị, Hà Nội, 2023, tr.234-236.
4,5,6 Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh: Sổ tay Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trên không gian mạng, Nxb Lý luận chính trị, Hà Nội, 2023, tr.101-203, 230-233, 219.