ThS VŨ THỊ CÚC
Học viện Chính trị khu vực IV
(Nguồn: baodantoc.vn)
(TTKHCT) - Công tác dân vận là một trong những nhiệm vụ mang tính chiến lược trong quá trình lãnh đạo cách mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam. Thực hiện tốt công tác này góp phần củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, từ đó đưa sự nghiệp cách mạng đi đến thắng lợi. Trong những năm qua, công tác dân vận đối với đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác này vẫn còn những hạn chế và khó khăn nhất định. Bài viết phân tích thực trạng công tác dân vận đối với vùng đồng bào dân tộc Khmer trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long; qua đó kiến nghị một số giải pháp nhằm thực hiện có hiệu quả công tác này trong tình hình mới.
1. Đặt vấn đề
Trong sự nghiệp cách mạng, chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đặc biệt quan tâm đến công tác dân vận. Người đã khẳng định: “Lực lượng của dân rất to. Việc dân vận rất quan trọng. Dân vận kém thì việc gì cũng kém. Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”1. Thấm nhuần tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác dân vận, trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn coi trọng vấn đề dân vận và xem đây là một trong những nhiệm vụ mang tính chiến lược của cách mạng Việt Nam.
Việt Nam là một quốc gia đa dân tộc. Trong tổng số 54 dân tộc thì có tới 53 dân tộc thiểu số. Dân tộc thiểu số ở nước ta thường sống tập trung ở những khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo. Đây được xem là những địa bàn chiến lược, những “phên dậu” trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh của quốc gia. Vì vậy, thực hiện tốt công tác dân vận trong đồng bào dân tộc thiểu số sẽ góp phần củng cố, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc nhằm thực hiện thắng lợi sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
2. Quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam về công tác dân vận đối với đồng bào dân tộc thiểu số
Trong suốt quá trình lãnh đạo, Đảng Cộng sản Việt Nam đã ban hành nhiều văn bản quan trọng nhằm thực hiện có hiệu quả công tác dân vận đối với đồng bào dân tộc thiểu số. Trong đó, nhằm thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 25-NQ/TW ngày 03/6/2013 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về công tác dân vận, cũng như tạo bước chuyển biến mới trong công tác dân vận của Đảng ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, ngày 20/10/2015 Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị số 49-CT/TW Về tăng cường và đổi mới công tác dân vận của Đảng ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Chỉ thị nêu rõ 05 nội dung quan trọng yêu cầu các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận và đoàn thể nhân dân các cấp thực hiện góp phần nâng cao hiệu quả công tác dân vận trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Riêng đối với khu vực đồng bằng sông Cửu Long, nhằm khắc phục những hạn chế trong công tác dân tộc vùng đồng bào Khmer, sau 25 năm thực hiện Chỉ thị 68-CT/TW ngày 18/4/1991 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa VI) về công tác ở vùng đồng bào Khmer, đồng thời để vùng đồng bào dân tộc Khmer được phát triển toàn diện trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, ngày 10/01/2018, Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị số 19-CT/TW về tăng cường công tác ở vùng đồng bào dân tộc Khmer trong tình hình mới. Trong Chỉ thị, Ban Bí thư nêu ra 06 nhiệm vụ trọng tâm liên quan đến những vấn đề như: quán triệt, tuyên truyền và tiếp tục thực hiện có hiệu quả các văn bản của Trung ương đối với đồng bào dân tộc Khmer ở đồng bằng sông Cửu Long; chăm lo phát triển kinh tế - xã hội; thực hiện công tác cán bộ trong hệ thống chính trị ở khu vực đồng bào Khmer; công tác vận động, nắm tình hình cũng như phát hiện ngăn chặn những âm mưu, thủ đoạn hoạt động của các thế lực thù địch…
3. Thực trạng và giải pháp nâng cao hiệu quả công tác dân vận trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long hiện nay
Đặc điểm, tình hình chung của tỉnh Vĩnh Long
Tỉnh Vĩnh Long nằm ở hạ lưu sông Mêkông, giữa sông Tiền và sông Hậu, tiếp giáp với 07 tỉnh, thành phố, gồm: Bến Tre, Tiền Giang, Đồng Tháp, Hậu Giang, Sóc Trăng, Trà Vinh và thành phố Cần Thơ; có 05 quốc lộ đi qua, gồm các quốc lộ: 1, 53, 54, 57 và 80. Diện tích tự nhiên là 1.525,73 km2, có 08 đơn vị hành chính cấp huyện gồm: Thành phố Vĩnh Long, thị xã Bình Minh và các huyện Tam Bình, Vũng Liêm, Mang Thít, Long Hồ, Trà Ôn, Bình Tân; với 107 xã, phường, thị trấn và 752 ấp, khóm, khu. Dân số toàn tỉnh khoảng 1.022.619 người, với 20 dân tộc sinh sống, trong đó người Kinh chiếm 97%, người Khmer chiếm 2,3%, người Hoa chiếm 0,5%, các dân tộc khác chiếm 0,2%2.
Phân định khu vực vùng dân tộc: có 05 xã, phường gồm xã Thuận An, phường Cái Vồn, phường Đông Thuận thuộc thị xã Bình Minh; xã Hựu Thành thuộc huyện Trà Ôn và xã Trung Thành thuộc huyện Vũng Liêm thuộc khu vực I; 03 xã, gồm: Xã Đông Bình, xã Đông Thành thuộc thị xã Bình Minh và xã Trà Côn thuộc huyện Trà Ôn, thuộc khu vực II và 02 xã gồm xã Tân Mỹ thuộc huyện Trà Ôn và xã Loan Mỹ thuộc huyện Tam Bình thuộc khu vực III (đặc biệt khó khăn); có 19 ấp đặc biệt khó khăn, gồm các ấp: Cần Thay, Trà Mòn, Mỹ Thuận, Gia Kiết, Sóc Ruộng, Mỹ Bình, Mỹ Yên (xã Tân Mỹ); Thôn Rôn, Ngãi Lộ A (xã Trà Côn) thuộc huyện Trà Ôn. Các ấp Sóc Rừng, Thông Nguyên, Kỳ Son, Ấp Giữa, Cần Súc, Tổng Hưng, Bình Hòa (xã Loan Mỹ) thuộc huyện Tam Bình. Các ấp Phù Ly I, Phù Ly II (xã Đông Bình) và ấp Hóa Thành 2 (xã Đông Thành) thuộc thị xã Bình Minh. Dân tộc Khmer sống ở 48 ấp, khóm; 10 xã, phường và 01 thị trấn thuộc 04 huyện, thị xã, gồm huyện Trà Ôn, huyện Tam Bình, huyện Vũng Liêm và thị xã Bình Minh.
Trong những năm qua, được sự quan tâm đặc biệt của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương đã triển khai chỉ đạo, huy động nhiều nguồn lực xã hội hóa nhằm thực hiện có hiệu quả các chương trình, mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc Khmer trên địa bàn tỉnh, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho đồng bào. Bằng những chủ trương, biện pháp, cách làm hiệu quả, phù hợp đã làm đổi thay đời sống đồng bào. Nhiều lĩnh vực kinh tế, văn hóa, y tế, giáo dục đã đạt được những kết quả rất quan trọng. Đời sống kinh tế của đồng bào dân tộc Khmer trong tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực theo chiều hướng phát triển chung của tỉnh; chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp tiếp tục đi vào chiều sâu, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, trồng trọt, chăn nuôi, mở rộng ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, giải quyết việc làm cho lao động, góp phần nâng cao đời sống của đồng bào dân tộc. Tuy nhiên, so với mặt bằng chung của tỉnh thì đồng bào Khmer có đời sống khó khăn hơn, đa số đồng bào sống bằng nghề nông nghiệp, một bộ phận làm thuê (nhiều thanh niên dân tộc Khmer tham gia lao động tại các khu công nghiệp trong, ngoài tỉnh và phụ việc trong các công trình xây dựng), một số ít buôn bán, công việc không ổn định. Số hộ đồng bào Khmer là hộ nghèo còn ở mức cao, với 2.095 hộ, chiếm 25% so với hộ dân tộc thiểu số và 755 hộ cận nghèo, chiếm 8,9%3.
Từ đặc điểm tình hình dân tộc của tỉnh Vĩnh Long hiện nay, công tác dân vận đối với đồng bào dân tộc thiểu số nói chung đang đặt ra những khó khăn, hạn chế cần phải được quan tâm, giải quyết
Thực trạng công tác dân vận ở Vĩnh Long hiện nay
Để cụ thể hóa Chỉ thị số 49-CT/TW, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Long đã ban hành Kế hoạch số 10-KH/TU ngày 24/02/2016 về triển khai quán triệt và tổ chức thực hiện Chỉ thị số 49-CT/TW ngày 20/10/2015 của Ban Bí thư Về tăng cường và đổi mới công tác dân vận của Đảng ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Qua quá trình triển khai thực hiện Chỉ thị số 49-CT/TW, Kế hoạch số 10-KH/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Long cũng như các văn bản chỉ đạo khác của Đảng, công tác dân vận đối với đồng bào dân tộc Khmer trên địa bàn tỉnh đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần huy động sức mạnh tổng hợp của tất cả các lực lượng trong toàn tỉnh, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh của địa phương. Cụ thể như sau:
Một là, cấp ủy các cấp đã chỉ đạo Mặt trận Tổ quốc phối hợp các đoàn thể và các tổ chức thành viên đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; thực hiện tốt công tác chăm lo đời sống của các đối tượng chính sách, hộ nghèo, cận nghèo là người dân tộc thiểu số. Hằng năm, vào dịp Tết Nguyên Đán và các ngày lễ, tết của đồng bào dân tộc Khmer, Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Vĩnh Long đã cử nhiều đoàn đến thăm, tặng quà cho gia đình chính sách, các vị sư sãi, người có uy tín trong cộng đồng. Tính riêng năm 2022, đã có tổng cộng 1.296 phần quà, trị giá 743 triệu đồng được trao tặng4.
Hai là, cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất và sinh hoạt, các công trình phúc lợi được quan tâm đầu tư và phát triển. Sản xuất nông nghiệp đã có những bước tiến bộ mới. Với sự chăm lo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự nỗ lực của người dân, đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số trong tỉnh nhìn chung ổn định. Đồng bào đã mạnh dạn áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tập trung phát triển kinh tế, xuất khẩu lao động… góp phần đẩy nhanh công tác giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới ở địa phương.
Ba là, các hoạt động trên lĩnh vực văn hoá - xã hội đạt nhiều kết quả tích cực ở các xã có đông đồng bào Khmer sinh sống. Trường học từ bậc mầm non đến phổ thông được xây dựng cơ bản, khang trang; trường trung học phổ thông dân tộc nội trú của tỉnh có 03 khối lớp, ngoài chương trình phổ thông, trường còn dạy chữ Khmer theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Các xã có đông đồng bào dân tộc đều có trạm y tế được đầu tư xây dựng đạt chuẩn quốc gia, có bác sĩ, y sĩ và được trang bị đầy đủ các trang thiết bị cần thiết phục vụ việc khám, điều trị bệnh từ cơ sở cho nhân dân. Các hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số đều được cấp miễn phí thẻ Bảo hiểm y tế.
Bốn là, công tác bảo tồn, trùng tu, giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc tại các bảo tàng, di tích, khu lưu niệm được quan tâm thực hiện. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch của tỉnh đã chủ trì tiến hành xây dựng 2 sân bi sắt tại 2 chùa Phật giáo Nam tông Khmer (chùa Tòa Sen và chùa Cũ) kinh phí từ nguồn vốn của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số năm 2022.
Năm là, công tác đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng cán bộ là người dân tộc thiểu số thường xuyên được các cấp ủy đảng quan tâm. Theo đó, đã có nhiều cán bộ người dân tộc thiểu số, đặc biệt là dân tộc Khmer được đào tạo, bổ nhiệm và bố trí công tác ở các ngành, các cấp trong hệ thống chính trị. Đến nay, cán bộ, đảng viên dân tộc thiểu số đã và đang được đào tạo trình độ chính trị là 86 đồng chí (trong đó cao cấp 10 đồng chí, trung cấp có 71 đồng chí, sơ cấp 5 đồng chí); 81 đảng viên có trình độ đại học và 130 đảng viên có trình độ cao đẳng và trung cấp; 44 đồng chí được bồi dưỡng về chuyên môn. Riêng Đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020-2025, đảng viên là người dân tộc Khmer được bầu vào cấp ủy là 18 đồng chí, trong đó cấp tỉnh 01 đồng chí, cấp huyện và tương đương 02 đồng chí, cấp xã 15 đồng chí. Tham gia đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021 có 43 đồng chí, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số tham gia đại biểu Hội đồng nhân dân cấp huyện là 08 người, cấp xã là 35 người. Tham gia vào Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp nhiệm kỳ 2019-2024 có 67 đồng chí, cấp tỉnh có 08 vị (01 vị Chủ tịch Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước tỉnh làm Phó Chủ tịch không chuyên trách, 06 vị là người dân tộc Khmer và 01 vị là người Hoa tiêu biểu tham gia ủy viên); cấp huyện 22 vị (12 vị là người Hoa, 10 vị là người dân tộc Khmer); cấp xã 37 vị (07 vị là người Hoa, 30 vị là người dân tộc Khmer), trong đó có 10 người là chức sắc Phật giáo Nam tông Khmer và 05 người là người dân tộc Khmer tiêu biểu tham gia làm ủy viên. Tham gia Ban Chấp hành các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp có 169 người5.
Sáu là, nhằm phát huy vai trò của người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số, ngày 27/12/2022, Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành Quyết định số 2751/QĐ-UBND về việc phê duyệt danh sách người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2023-2027 trên địa bàn tỉnh. Theo đó, giai đoạn 2023-2027 có 36 người trong đồng bào dân tộc được lựa chọn, trong đó: dân tộc Khmer có 32 người, dân tộc Hoa có 04 người. Đây sẽ là những lực lượng đóng vai trò quan trọng và nòng cốt trong việc tuyên truyền những chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước, các chương trình, kế hoạch của địa phương về phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh, trật tự trên địa bàn tỉnh.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác dân vận đối với đồng bào dân tộc Khmer hiện nay trên địa bàn Tỉnh còn một số khó khăn, hạn chế nhất định như:
Một là, kinh tế vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đặc biệt là vùng đồng bào dân tộc Khmer có phát triển nhưng còn chậm và không đều; mức sống của đồng bào còn thấp so với mặt bằng chung của tỉnh; hộ nghèo trong đồng bào dân tộc Khmer còn khá cao, một số hộ đã thoát nghèo nhưng thiếu bền vững, thiếu đất sản xuất, lao động không có việc làm còn nhiều...
Hai là, công tác tuyên truyền để đồng bào dân tộc thiểu số, đặc biệt là đồng bào dân tộc Khmer nâng cao ý thức tự lực, tự cường, thực hành tiết kiệm, đẩy mạnh sản xuất vươn lên trong cuộc sống, đề cao ý thức cảnh giác với các âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch tuy có chuyển biến nhưng chưa đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới.
Ba là, công tác vận động quần chúng ở vùng đồng bào Khmer một số nơi còn hạn chế; hoạt động của các đoàn thể ở một số nơi chưa sâu sát, chưa gắn với lợi ích thiết thực của người dân, chưa tạo được sự tích cực trong việc vận động thu hút, tập hợp quần chúng vào các tổ chức.
Những hạn chế và khó khăn nêu trên xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó có những nguyên nhân cơ bản sau: (1) Đồng bào dân tộc Khmer sống tập trung chủ yếu ở vùng sâu, vùng nông thôn nên chưa có điều kiện thuận lợi để phát triển. Đa số đồng bào Khmer trong Tỉnh trình độ dân trí còn thấp, lao động thủ công là chính; hầu hết sống bằng nghề nông nghiệp, một bộ phận đi làm thuê mướn nên đời sống còn nhiều khó khăn, thiếu ổn định, còn tái nghèo. Lao động người Khmer tuy cần cù nhưng kế hoạch thoát nghèo thiếu cụ thể, chủ yếu là đi làm thuê theo thời vụ sản xuất nông nghiệp. Một số hộ sử dụng vốn vay không đúng mục đích nên không đạt hiệu quả kinh tế. Bên cạnh đó, trong tư tưởng của đồng bào vẫn còn tình trạng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước, chưa thật sự muốn thoát nghèo, vì hộ nghèo sẽ được hưởng chế độ chính sách của Nhà nước. (2) Các phong trào thi đua liên quan đến công tác dân vận, nhất là dân vận đối với đồng bào dân tộc thiểu số của các đoàn thể được phát động mạnh mẽ nhưng việc tổng kết, đánh giá, nhân rộng mô hình, điển hình trong đồng bào dân tộc thiểu số chưa được quan tâm kịp thời, hiệu quả còn thấp. (3) Năng lực của đội ngũ cán bộ làm công tác dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc còn hạn chế. Công tác tuyên truyền, giáo dục chưa đi sâu vào đặc điểm riêng của từng dân tộc, còn lúng túng về nội dung phương pháp, tài liệu tuyên truyền chưa phong phú.
Một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác dân vận trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long thời gian tới
Trong thời gian tới, để nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác dân vận trong vùng đồng bào dân tộc Khmer ở tỉnh Vĩnh Long, cần tập trung thực hiện đồng bộ một số giải pháp sau:
Thứ nhất, các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và cán bộ, đảng viên tiếp tục quán triệt, tuyên truyền, phổ biến sâu rộng các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về công tác dân vận, nhất là Chỉ thị số 49-CT/TW, ngày 20/10/2015 của Ban Bí thư về Tăng cường và đổi mới công tác dân vận của Đảng ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nhằm nâng cao hơn nữa nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành và toàn xã hội về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác dân vận trong tình hình mới, xem đây là nhiệm vụ chiến lược quan trọng của toàn xã hội và của cả hệ thống chính trị.
Thứ hai, các cấp chính quyền cần tăng cường công tác quản lý, chăm lo, giúp đỡ đồng bào các dân tộc thiểu số. Triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc Khmer, giới thiệu và nhân rộng các mô hình hay trong sản xuất phát triển kinh tế trong đồng bào, từng bước kéo giảm sự chênh lệch giàu nghèo giữa đồng bào dân tộc Khmer với dân tộc Kinh, Hoa. Tăng cường tổ chức đào tạo nghề gắn với giới thiệu việc làm, xuất khẩu lao động, tạo việc làm mới cho đồng bào, giúp giảm nghèo nhanh và bền vững.
Tiếp tục chú trọng bảo tồn, gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc, các di tích lịch sử gắn với phát triển du lịch cộng đồng. Thường xuyên tuyên truyền, vận động đồng bào, xây dựng nếp sống văn minh trong các lễ hội, việc cưới, việc tang của đồng bào.
Thứ ba, tuyên truyền, thực hiện tốt Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, tạo điều kiện để nhân dân chủ động tham gia giám sát xây dựng, thực hiện các chính sách, chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, góp ý xây dựng Đảng, chính quyền ngày càng trong sạch, vững mạnh.
Vận động đồng bào phát huy tinh thần tự lực, tự cường; thay đổi nếp nghĩ, cách làm; đoàn kết giúp đỡ nhau trong lao động sản xuất, kinh doanh, giảm nghèo bền vững, từng bước vươn lên làm giàu; thực hiện tốt các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước gắn với thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Thứ tư, các cơ quan chuyên môn tiếp tục phối hợp cùng các địa phương có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống nắm chắc diễn biến tư tưởng, tâm tư, nguyện vọng của đồng bào để tham mưu cho cấp ủy, chính quyền giải quyết kịp thời những nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của đồng bào.
Thường xuyên tổ chức thăm hỏi nhân dịp lễ trọng của đồng bào; đồng thời, động viên đồng bào an tâm lao động sản xuất và phát triển kinh tế gia đình.
Thứ năm, tăng cường củng cố, xây dựng hệ thống chính trị vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là vùng đồng bào dân tộc Khmer trong sạch, vững mạnh; quan tâm tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng, tạo nguồn, bố trí sử dụng cán bộ người dân tộc; xây dựng đội ngũ cán bộ vùng đồng bào dân tộc năng động, sáng tạo, tận tâm, tận lực vì sự nghiệp phát triển của quê hương, đất nước; tăng cường phát triển đảng viên người dân tộc Khmer và người có uy tín trong đồng bào làm hạt nhân, nòng cốt trong xây dựng các phong trào ở khu dân cư, ấp, khóm.
Thứ sáu, tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với Phật giáo Nam tông Khmer; nhất là các hoạt động phật sự, việc tu học của sư sãi, việc xây cất, trùng tu cơ sở thờ tự để đồng bào Phật tử Khmer yên tâm, phấn khởi, hăng hái tham gia các phong trào thi đua yêu nước tại địa phương.
Thứ bảy, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội tiếp tục tập trung tuyên truyền cho đoàn viên, hội viên và quần chúng nhân dân vùng đồng bào dân tộc Khmer về chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đối với các vấn đề dân tộc; tiếp tục tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức của đoàn viên, hội viên và quần chúng nhân dân vùng đồng bào dân tộc Khmer về âm mưu, thủ đoạn hoạt động ly khai, đòi tự trị dân tộc của các thế lực thù địch nhằm chống phá Đảng, Nhà nước.
Thứ tám, Ban Dân vận Tỉnh ủy tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng nắm chắc tình hình dân tộc trên địa bàn để kịp thời đấu tranh, phát hiện và xử lý nghiêm những hoạt động lợi dụng vấn đề dân tộc để kích động, chia rẽ tôn giáo, dân tộc, gây rối, xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, góp phần đảm bảo ổn định chính trị tại địa phương.
3. Kết luận
Có thể khẳng định, công tác dân vận đã góp phần quan trọng vào việc ổn định chính trị, giữ vững quốc phòng - an ninh, phát triển kinh tế - xã hội, củng cố và tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc của tỉnh Vĩnh Long thời gian qua. Trong thời gian tới, nếu thực hiện tốt, đồng bộ các giải pháp nêu trên với nhiều mô hình hiệu quả, cách làm hay, sáng tạo, khéo vận động, tuyên truyền, đồng bào Khmer trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long sẽ luôn đoàn kết, tương trợ, thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới của Đảng, chung sức xây dựng Tỉnh ngày càng phát triển giàu mạnh, góp phần vào sự nghiệp chung của dân tộc.
---------
Bài đăng trên Tạp chí Thông tin Khoa học chính trị số 5 (35) - 2023
1 Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t.6, tr. 234.
2, 4 Tỉnh ủy Vĩnh Long: Báo cáo tổng kết công tác dân vận năm 2022, phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm năm 2023 (số 316-BC/TU ngày 22/12/2022), tr.1, 11.
3, 5 Tỉnh ủy Vĩnh Long: Báo cáo sơ kết 05 năm thực hiện Chỉ thị số 49-CT/TW, ngày 20/10/2015 của Ban Bí thư về tăng cường và đổi mới công tác dân vận của Đảng ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số (số 15-BC/TU tháng 12/2020), tr.2, 7-8.