TS NGUYỄN THỊ BÍCH THÚY
ThS NGUYỄN THỊ DIỄM MY

Học viện Chính trị khu vực IV

(TTKHCT) - Thực tiễn phong phú của cách mạng Việt Nam trong suốt 95 năm, từ ngày có Đảng đến nay đã chứng minh rằng, sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng với mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền chủ nghĩa xã hội đã đưa dân tộc Việt Nam vượt qua bao thử thách, đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, làm nên những kỳ tích. Đồng thời, chính trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng không ngừng lớn mạnh, trưởng thành, xứng đáng với sự tin cậy của nhân dân. Với bản lĩnh, trí tuệ, truyền thống vẻ vang, Đảng tiếp tục sứ mệnh lãnh đạo, đưa dân tộc Việt Nam bước vào kỷ nguyên mới.

GS, TS Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương phát biểu đề dẫn hội thảo khoa học quốc gia “Đảng Cộng sản Việt Nam - 95 năm kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc”_Nguồn: Cổng Thông tin Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

1. Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời: chấm dứt sự khủng hoảng về đường lối cứu nước

Trước khi thực dân Pháp xâm lược, Việt Nam là một quốc gia độc lập, thống nhất dưới quyền cai trị của triều đình phong kiến nhà Nguyễn. Do sai lầm trong chính sách đối nội và đối ngoại, chế độ phong kiến ngày càng lâm vào tình trạng khủng hoảng trầm trọng. Sự khủng hoảng của chế độ phong kiến Việt Nam nằm trong bối cảnh các nước đế quốc không ngừng thực hiện mưu đồ cạnh tranh, giành giật thị trường các nước thuộc địa. Việt Nam trở thành đối tượng nằm trong mưu đồ xâm lược của thực dân Pháp trong cuộc chạy đua với nhiều đế quốc khác.

Năm 1858, thực dân Pháp nổ súng xâm lược và những năm sau đó từng bước thôn tính Việt Nam. Qua các hiệp ước (1862, 1874, 1883 và 1884), triều đình nhà Nguyễn từng bước thỏa hiệp và đi đến đầu hàng hoàn toàn thực dân Pháp. Với Hiệp ước Patenotre năm 1884, Việt Nam trở thành thuộc địa của Pháp: “Từ ngày bị đế quốc Pháp xâm chiếm, nước ta là một xứ thuộc địa, dân ta là vong quốc nô, Tổ quốc ta bị giày xéo dưới gót sắt của kẻ thù hung ác”1. Sự bóc lột và nô dịch của thực dân Pháp đã làm xã hội Việt Nam biến đổi toàn diện, sâu sắc theo chiều hướng lệ thuộc và tình trạng bần cùng hóa của đại đa số dân cư: “Trong một miếng đất rộng, rào kín bốn bề, có 3.000, 4.000 người mặc vải nâu rách rưới, họ chen chúc chật ních đến nỗi nhìn chung thì thấy như là một đống gì rung rinh, có những cánh tay giơ lên gầy như que sậy, khúc khuỷu, khô queo. Trong mỗi người, bệnh gì cũng có: mặt phù ra hay là không còn chút thịt, răng rụng, mắt mờ hay lem nhem, đầy ghẻ chốc. Đàn ông chăng? Đàn bà chăng? Hai mươi tuổi hay sáu mươi tuổi? Không phân biệt được! Không còn phân biệt được trai gái già trẻ nữa, chỉ thấy một cái tình cảnh khốn khổ tột bậc”2. Sự tồn tại đan xen đồng thời của hai phương thức sản xuất tư bản và phong kiến cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX làm cho xã hội Việt Nam tồn tại hai mâu thuẫn cơ bản là mâu thuẫn giữa dân tộc Việt Nam với thực dân Pháp và mâu thuẫn giữa nông dân với địa chủ phong kiến, trong đó, mâu thuẫn giữa dân tộc Việt Nam với thực dân Pháp là mâu thuẫn chủ yếu. Giải quyết các mâu thuẫn đó là yêu cầu bức thiết của xã hội Việt Nam, song bằng con đường nào có thể giải quyết hài hòa cả hai mâu thuẫn dân tộc và giai cấp, giải phóng dân tộc từ đó tiến lên giải phóng con người khỏi ách áp bức, bóc lột giai cấp là câu hỏi lớn của lịch sử dân tộc lúc bấy giờ.

Với truyền thống yêu nước, ngay khi Tổ quốc đương đầu với họa ngoại xâm, nhiều phong trào đấu tranh đã diễn ra với mục tiêu chung là khôi phục nền độc lập dân tộc, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ, thống nhất quốc gia, chấn hưng đất nước. Trong suốt hơn 70 năm (từ năm 1858 đến năm 1930) tại Việt Nam đã khảo nghiệm những con đường giải phóng dân tộc khác nhau. Các phong trào đấu tranh hoặc theo ý thức hệ phong kiến diễn ra khắp từ Bắc chí Nam; hoặc theo đường lối cải cách, canh tân đưa đất nước phát triển thành một quốc gia phú cường; hay theo ý thức hệ dân chủ tư sản của nhiều sĩ phu yêu nước. Tuy nhiên, chế độ xã hội mà các phong trào yêu nước chống Pháp này hướng đến sau khi giành lại độc lập thì hoặc là quay lại chế độ phong kiến; hoặc là theo chế độ tư bản kiểu Nhật, kiểu Pháp hay kiểu Trung Hoa Dân Quốc v.v.. Các phong trào yêu nước chịu sự chi phối của tư tưởng phong kiến, tư sản lần lượt thất bại dẫn đến tình trạng khủng hoảng, bế tắc của xã hội Việt Nam do các cuộc khởi nghĩa liên tiếp bị thực dân Pháp “dìm trong bể máu”. Nguyên nhân chính dẫn đến thất bại là do thiếu lực lượng lãnh đạo và không có hệ tư tưởng cách mạng, khoa học dẫn đường; chưa tìm ra con đường đấu tranh giải quyết đúng đắn mối quan hệ giữa độc lập dân tộc và tiến bộ xã hội, chủ quyền quốc gia và lợi ích của nhân dân; thiếu các phương pháp đấu tranh hiệu quả. Tuy nhiên, chính sự thất bại của các phong trào yêu nước đã đặt ra yêu cầu sống còn phải có một tổ chức đủ bản lĩnh lãnh đạo và một con đường đấu tranh mới thay cho những con đường cũ đã bị lịch sử vượt qua.

Sinh ra trong bối cảnh “nước mất, nhà tan”, chứng kiến tình cảnh người Việt Nam bị tước đoạt những điều kiện sinh tồn cơ bản nhất, người thanh niên Nguyễn Tất Thành với khát vọng giải phóng dân tộc đã đi tìm một con đường mới. Trong cuộc hành trình đi tìm đường để về “cứu giúp đồng bào”, Nguyễn Tất Thành - Nguyễn Ái Quốc đã bắt gặp ánh sáng lý luận chủ nghĩa Mác - Lênin, học thuyết khoa học, cách mạng của thời đại. Điều đó đã giúp Người hướng đến “mục tiêu kép” trên con đường đấu tranh: không chỉ nhằm giải quyết một mục tiêu đơn lẻ là độc lập dân tộc như các nhà yêu nước tiền bối, mà còn hướng đến xây dựng một chế độ xã hội mới, đưa nhân dân lao động lên làm chủ chính quyền, mang lại cuộc sống tự do, ấm no, hạnh phúc. Hành trình tìm đường đi sang các nước phương Tây - nơi có kinh tế, kỹ thuật hiện đại và những khẩu hiệu “tự do, dân chủ, bình đẳng, bác ái” chính là sự từ bỏ của Nguyễn Tất Thành đối với mô hình chính thể của nhà nước quân chủ phong kiến phương Đông. Tại Hội nghị Véc-xây (1919), với tên gọi Nguyễn Ái Quốc, Người đại diện cho những người yêu nước Việt Nam hoạt động tại Pháp gửi Bản yêu sách của nhân dân An Nam đòi quyền tự quyết cho dân tộc Việt Nam và những quyền lợi cơ bản cho người dân nhưng bị Hội nghị lờ đi; từ đó đã giúp Người thêm một lần nữa nhận ra bản chất của mô hình chính chế của nhà nước tư sản. Do đó, Người đã xác định, độc lập dân tộc phải gắn liền chủ nghĩa xã hội, với việc xây dựng một xã hội mới, xã hội xã hội chủ nghĩa, trong đó thủ tiêu mọi áp bức, bất công để đi đến mục tiêu hoàn thiện các giá trị của tự do, hạnh phúc cho con người Việt Nam trong không gian sinh tồn của quốc gia - dân tộc mình. Con đường cách mạng vô sản thỏa mãn được cả hai yêu cầu: vừa cứu nước khỏi ách thống trị ngoại bang, vừa cứu dân khỏi đọa đày đau khổ. Trong Đường Kách mệnh (1927), Nguyễn Ái Quốc nêu rõ yêu cầu phải làm cách mạng triệt để, giải phóng nhân dân vì hạnh phúc của con người: “Chúng ta đã hy sinh làm cách mệnh, thì nên làm cho đến nơi, nghĩa là làm sao cách mệnh rồi thì quyền giao cho dân chúng số nhiều, chớ để trong tay một bọn ít người. Thế mới khỏi hy sinh nhiều lần, thế dân chúng mới được hạnh phúc”3. Việc tìm ra con đường phát triển đúng đắn của đất nước sau khi giành lại độc lập là đóng góp lớn của Nguyễn Ái Quốc. Trên cơ sở kế thừa có phê phán các con đường cứu nước trước đó, Người đã tham khảo kinh nghiệm từ các cuộc cách mạng tư sản điển hình trên thế giới, kinh nghiệm của Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917.

Để hoàn thành “mục tiêu kép” đó, điểm mấu chốt trong chiến lược cách mạng của Nguyễn Ái Quốc là thành lập Đảng Cộng sản ở một nước thuộc địa như Việt Nam để lãnh đạo sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng chế độ xã hội mới. Quan điểm này được hình thành sau khi Người thấm nhuần lý luận chủ nghĩa Mác - Lênin, tìm ra con đường cứu nước đúng đắn cho dân tộc. Chủ nghĩa Mác - Lênin chỉ ra rằng: “Trong cuộc đấu tranh của mình chống quyền lực liên hợp của giai cấp hữu sản, giai cấp công nhân, chỉ khi được tổ chức thành một chính đảng độc lập với tất cả các chính đảng cũ do các giai cấp hữu sản lập nên, thì mới có thể hành động với tư cách một giai cấp. Việc tổ chức như vậy giai cấp công nhân thành một chính đảng là cần thiết để đảm bảo thắng lợi của cách mạng xã hội”4. Quốc tế Cộng sản ra đời năm 1919 đã thúc đẩy, giúp đỡ cho việc thành lập các Đảng Cộng sản ở nhiều nước: Bungari (1919); Nam Tư, Mỹ, Mexico, Đan Mạch, Tây Ban Nha, Iran, Anh, Thổ Nhĩ Kỳ, Urugoay, Australia, Indonesia (1920); Trung Quốc (1921); Nhật Bản (1922) v.v. Chính vì vậy, trong những năm 20 của thế kỷ XX, Nguyễn Ái Quốc đã xác định: cách mạng muốn giành được thắng lợi “Trước hết phải có đảng cách mệnh, để trong thì vận động và tổ chức dân chúng, ngoài thì liên lạc với dân tộc bị áp bức và vô sản giai cấp mọi nơi. Đảng có vững cách mệnh mới thành công, cũng như người cầm lái có vững thì thuyền mới chạy”5.

Sau quá trình chuẩn bị toàn diện về chính trị, tư tưởng, tổ chức, đạo đức và cán bộ, Nguyễn Ái Quốc đã thay mặt Quốc tế Cộng sản, chủ trì Hội nghị thống nhất các tổ chức Cộng sản, thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam vào mùa xuân năm 1930. Sự kiện này có ý nghĩa to lớn, đã quy tụ được các tổ chức Cộng sản thành một Đảng Cộng sản duy nhất và vạch ra được Cương lĩnh chính trị đúng đắn ngay từ đầu cho cách mạng Việt Nam. Trong Chánh cương vắn tắt của Đảng khi mới thành lập khẳng định: “... chủ trương làm tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng để đi tới xã hội cộng sản”6; trong đó, các bước tiến hành cách mạng, đó là: đánh đổ đế quốc chủ nghĩa Pháp và bọn phong kiến; làm cho nước Việt Nam được độc lập; giải phóng công nhân và nông dân thoát khỏi ách tư bản; mở mang công nghiệp và nông nghiệp; đem lại mọi quyền lợi tự do cho nhân dân. Cương lĩnh ấy rất phù hợp với nguyện vọng thiết tha của đại đa số nhân dân ta. Cương lĩnh chính trị đầu tiên được thông qua tại Hội nghị thành lập Đảng (02/1930) đã chấm dứt thời kỳ khủng hoảng về đường lối cứu nước. Vì vậy, Đảng đã đoàn kết được những lực lượng cách mạng to lớn dưới ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Còn các đảng phái của các giai cấp khác thì sau đó, hoặc bị phá sản, hoặc bị cô lập, kết thúc vai trò lịch sử trên vũ đài chính trị ở Việt Nam. Ngược lại, quyền và năng lực lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam ngày càng được thực tiễn khẳng định.

2. Từ khát vọng độc lập, tự do đến khát vọng vươn mình của dân tộc Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng: 95 năm nhìn lại

Lịch sử dân tộc từ những năm 30 của thế kỷ XX đến nay đã đánh dấu nhiều bước ngoặt quan trọng, gắn liền với sự lãnh đạo của Ðảng Cộng sản Việt Nam. Ngay sau khi thành lập, với đường lối và sự chỉ đạo chiến lược đúng đắn, đặt nhiệm vụ giải phóng dân tộc lên hàng đầu, đồng thời xác định phương hướng tiến lên chủ nghĩa xã hội, Đảng đã phát động quần chúng đấu tranh mạnh mẽ, rèn luyện lực lượng, chuẩn bị, thúc đẩy thời cơ chín muồi. Trải qua 15 năm đấu tranh dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân Việt Nam đã chớp được thời cơ “ngàn năm có một”, làm nên một cuộc cách mạng long trời lở đất, mốc mở đầu cho sự nghiệp giải phóng xã hội. Đối với dân tộc Việt Nam: “Cách mạng Tháng Tám đã lật đổ nền quân chủ mấy mươi thế kỷ, đã đánh tan xiềng xích thực dân gần 100 năm, đã đưa chính quyền lại cho nhân dân, đã xây dựng nền tảng cho nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa độc lập, tự do, hạnh phúc”7. Sự kết hợp chặt chẽ giữa giải phóng dân tộc với giải phóng xã hội là một trong những đặc điểm nổi bật của Cách mạng Tháng Tám do Đảng lãnh đạo.

Tuy nhiên, sau khi tuyên bố độc lập ngày 02/9/1945, cách mạng Việt Nam lại lâm vào hoàn cảnh “ngàn cân treo sợi tóc” khi thiên tai, địch họa bủa vây, nhất là thực dân Pháp hiếu chiến quay trở lại xâm lược. Với bản lĩnh của một đảng cầm quyền, Đảng đã có những quyết sách sáng suốt, kịp thời lãnh đạo từng bước diệt “giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm”, tổ chức Tổng tuyển cử với chế độ phổ thông đầu phiếu, lập ra Quốc hội, xây dựng Hiến pháp bảo đảm quyền tự do dân chủ cho nhân dân. Bước vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp tái xâm lược trong tâm thế chủ động, với đường lối kháng chiến “Toàn dân, toàn diện, trường kỳ và tự lực cánh sinh”, Đảng đã lãnh đạo quân dân cả nước từng bước huy động được sức mạnh của dân tộc vào cuộc chiến đấu bảo vệ độc lập. Trên thế giới, hệ thống các nước xã hội chủ nghĩa được hình thành sau năm 1945 là chỗ dựa vững chắc cho phong trào giải phóng dân tộc, trong đó có Việt Nam đang tiên phong đánh bại âm mưu tái chiếm thuộc địa của thực dân Pháp với sự hậu thuẫn can thiệp ngày càng sâu của Mỹ. Sau hơn 9 năm vừa kháng chiến vừa kiến quốc, dưới sự lãnh đạo của Đảng, thắng lợi đã thuộc về dân tộc Việt Nam luôn chiến đấu vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân, nhân loại tiến bộ. Với thắng lợi của Chiến dịch Điện Biên phủ (07/5/1954): “Lần đầu tiên trong lịch sử, một nước thuộc địa nhỏ yếu đã đánh thắng một nước thực dân hùng mạnh. Đó là một thắng lợi vẻ vang của nhân dân Việt Nam, đồng thời cũng là một thắng lợi của các lực lượng hòa bình, dân chủ và xã hội chủ nghĩa trên thế giới”8.

Sau năm 1954, khi chế độ thực dân kiểu cũ đã bị đánh bại, đế quốc Mỹ âm mưu thi hành chủ nghĩa thực dân mới ở Việt Nam, tiếp tục thi hành chiến tranh xâm phạm độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ và đàn áp nhân dân ta. Tiếp tục gánh vác sứ mệnh đối với dân tộc, thấm nhuần chân lý “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”, với trí tuệ và kinh nghiệm lãnh đạo, Đảng đã đề ra đường lối kháng chiến đúng đắn, sáng tạo, đó là tiến hành đồng thời hai chiến lược cách mạng ở hai miền Nam, Bắc trong hoàn cảnh đất nước bị chia cắt. Đồng bào miền Bắc đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội, trở thành hậu phương vững chắc cho cuộc kháng chiến. Đồng bào miền Nam kiên cường đánh giặc, giải phóng dân tộc, hướng tới thống nhất đất nước.

Sau khi đất nước thống nhất, vượt qua những hạn chế, sai lầm ban đầu do nhận thức nóng vội, chủ quan, duy ý chí về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, với tinh thần “nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, nói rõ sự thật”, Đảng ta đã nghiêm khắc kiểm điểm sự lãnh đạo của mình. Từ quá trình khảo nghiệm thực tiễn, tìm tòi con đường đổi mới, Đại hội lần thứ VI của Đảng (1986) thông qua đường lối đổi mới toàn diện đất nước. Trong thời gian này, chủ nghĩa xã hội hiện thực trên thế giới lâm vào cuộc khủng hoảng nặng nề. Với chế độ xã hội chủ nghĩa dần dần sụp đổ ở các nước Đông Âu và Liên Xô vào cuối năm 1991. Trong điều kiện phong trào cách mạng thế giới lâm vào thoái trào, việc Đảng Cộng sản Việt Nam tiếp tục kiên định chủ nghĩa Mác - Lênin và mục tiêu chủ nghĩa xã hội ngày càng khẳng định được bản lĩnh, trí tuệ, năng lực lãnh đạo, đã chứng minh tính đúng đắn của con đường độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội mà dân tộc đã lựa chọn.

Sau Đại hội lần thứ VI, Đảng không ngừng bổ sung, phát triển đường lối đổi mới trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, an ninh - quốc phòng, đối ngoại; bảo đảm đổi mới toàn diện, đồng bộ với bước đi và hình thức thích hợp. Đặc biệt, tại Đại hội lần thứ VII của Đảng (1991), Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội đã xác định mô hình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta (với sáu đặc trưng cơ bản) và phương hướng nhiệm vụ (với bảy nội dung) là bước phát triển mới về tư duy lý luận của Đảng trong sự nghiệp đổi mới đất nước.

Tiếp theo các Đại hội lần thứ VIII, IX, X, XI, XII, XIII của Đảng và các Hội nghị Trung ương giữa các nhiệm kỳ Đại hội ngày càng xác định rõ hơn mục tiêu tổng quát cùng những chủ trương, quan điểm lớn định hướng cho công cuộc xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Điểm nổi bật là chủ trương của Đảng luôn đặt trọng tâm vào việc chăm lo, bồi dưỡng, phát huy cao độ nhân tố con người, xem con người vừa là động lực vừa là mục tiêu của sự nghiệp đổi mới.

Qua gần 40 năm đổi mới, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đất nước ta đã vượt qua khủng hoảng kinh tế - xã hội và tình trạng kém phát triển, trở thành nước đang phát triển có thu nhập trung bình và đang đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế. Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng cao. Sức mạnh về mọi mặt của đất nước được khẳng định; độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ và chế độ xã hội chủ nghĩa được giữ vững. Quan hệ đối ngoại ngày càng mở rộng và đi vào chiều sâu; vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế được nâng cao: “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”9. Đó là minh chứng rõ nét Đảng ta xứng đáng là lực lượng duy nhất lãnh đạo Nhà nước và xã hội.

Con đường độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội dưới sự lãnh đạo của Đảng đã đưa dân tộc Việt Nam bước qua hai kỷ nguyên. Kỷ nguyên thứ nhất là kỷ nguyên độc lập, tự do, xây dựng chủ nghĩa xã hội (1930 - 1975). Kỷ nguyên thứ hai là kỷ nguyên thống nhất đất nước, đổi mới và phát triển (1975 - 2025). Trên cơ sở những thành tựu và kinh nghiệm tích lũy từ hai kỷ nguyên vẻ vang của dân tộc, Việt Nam tiếp bước vào kỷ nguyên thứ ba, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. “Kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam, đó là kỷ nguyên phát triển, kỷ nguyên giàu mạnh dưới sự lãnh đạo, cầm quyền của Đảng Cộng sản, xây dựng thành công nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa, dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh, sánh vai với các cường quốc năm châu. Mọi người dân đều có cuộc sống ấm no, hạnh phúc, được hỗ trợ phát triển, làm giàu; đóng góp ngày càng nhiều cho hòa bình, ổn định, phát triển của thế giới, hạnh phúc của nhân loại và văn minh toàn cầu.

Đích đến của kỷ nguyên vươn mình là dân giàu, nước mạnh, xã hội xã hội chủ nghĩa, sánh vai với các cường quốc năm châu. Ưu tiên hàng đầu trong kỷ nguyên mới là thực hiện thắng lợi các mục tiêu chiến lược đến năm 2030, Việt Nam trở thành nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045 trở thành nước xã hội chủ nghĩa phát triển, có thu nhập cao; khơi dậy mạnh mẽ hào khí dân tộc, tinh thần tự chủ, tự tin, tự lực, tự cường, tự hào dân tộc, khát vọng phát triển đất nước; kết hợp chặt chẽ sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại”10.

Với 95 năm xây dựng và phát triển, Đảng Cộng sản Việt Nam đã khẳng định là một đảng cách mạng chân chính, có sức hội tụ lớn nhất mọi sức mạnh của dân tộc, sớm trở thành đội tiên phong của giai cấp và của dân tộc trong cuộc đấu tranh chống đế quốc, phong kiến, giành độc lập dân tộc cũng như trong thời kỳ xây dựng và phát triển đất nước hiện nay. Con đường độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội đã thay đổi cả vận mệnh của dân tộc, thay đổi cả thân phận của người dân và từng bước khẳng định vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, mọi người dân Việt Nam, trăm triệu người như một, đồng tâm hiệp lực, chung sức đồng lòng, tranh thủ tối đa thời cơ, đẩy lùi nguy cơ, thách thức, đưa đất nước ta phát triển toàn diện, mạnh mẽ, phồn vinh và hạnh phúc.

---------

Bài đăng trên Tạp chí Thông tin khoa học chính trị số 1 (43) - 2025

1, 8 Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t.12, tr.401, 410.

2 Bùi Công Trừng, Nguyễn Văn Trấn: Góp phần nhỏ về lịch sử cách mạng cận đại Việt Nam, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1958, t.1, tr.67 - 68.

3, 5 Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.2, tr.292, 289.

4 C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t.18, tr.203.

6 Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2002, t.2, tr.2.

7 Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.7, tr.25 - 26.

9 Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t.I, tr.25.

10 Tạp chí Tuyên giáo: Cơ sở định vị mục tiêu đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới và những định hướng chiến lược, https://tuyengiao.vn/co-so-dinh-vi-muc-tieu-dua-dat-nuoc-buoc-vao-ky-nguyen-moi-va-nhung-dinh-huong-chien-luoc-157425, truy cập ngày 20/12/2024.