GS, TS MẠCH QUANG THẮNG
Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

 

(TTKHCT) - Đồng chí Phan Văn Khải (1933 - 2018) là một trong những người lãnh đạo xuất sắc của Đảng, Chính phủ. Thắng lợi của công cuộc đổi mới ở nước ta gần 40 năm qua có dấu ấn đậm nét công lao to lớn của đồng chí, đặc biệt trong thời gian đồng chí được Đảng và Nhà nước giao trọng trách cương vị là Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ. Bài viết phân tích một số nội dung đóng góp của đồng chí Phan Văn Khải trên một số mặt trong những năm tháng đầy thử thách, khó khăn của công cuộc đổi mới đất nước.

1. Đồng chí Phan Văn Khải, một trong những người tiên phong đổi mới

Lời điếu do Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Nguyễn Phú Trọng đọc tại Lễ truy điệu đồng chí Phan Văn Khải ngày 21/3/2018, trong đó đánh giá rằng, đồng chí Phan Văn Khải là nhà lãnh đạo xuất sắc, người cộng sản kiên trung, suốt đời phấn đấu cho độc lập, tự do của dân tộc, hạnh phúc của Nhân dân, luôn luôn trăn trở, tìm tòi, tâm huyết với sự nghiệp cách mạng, cùng với Trung ương Đảng, Chính phủ lãnh đạo toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta tiến hành công cuộc đổi mới, đưa đất nước ra khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội, phát triển kinh tế, giữ vững ổn định chính trị - xã hội, tăng cường quốc phòng, an ninh, mở rộng quan hệ đối ngoại và hội nhập quốc tế. Đồng chí là một cán bộ lãnh đạo có tầm tư duy chiến lược, bản lĩnh, sáng tạo, tận tụy; luôn lắng nghe ý kiến của cán bộ, đảng viên và Nhân dân; có nhiều đóng góp quan trọng vào việc hoạch định, tổ chức thực hiện đường lối đổi mới.

Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng nhân dân. Đúng như vậy. Nhưng đó là xét cho đến cùng. Mặt khác nữa của thực tế lịch sử cho thấy rằng, những cán bộ chủ chốt, nhất là người đứng đầu có vai trò quyết định nhất định. Lúc đầu, công cuộc đổi mới ở nước ta bắt nguồn từ các sáng kiến của Nhân dân, sau đó Đảng ta đã tổng kết, đề ra và tổ chức thực hiện. Điều đó đã phản ánh rằng, một số đồng chí lãnh đạo trong Đảng có vai trò rất lớn đối với quá trình mở đầu và tác động tích cực vào tiến trình đổi mới. Có thể kể tới là các đồng chí Trường Chinh, Nguyễn Văn Linh, Võ Văn Kiệt, Phan Văn Khải,... Họ kịp ghi dấu ấn tốt đẹp của mình vào tiến trình gian nan ấy trước khi được Đảng, Nhà nước, Nhân dân khẳng định và trước khi họ rời bỏ thế giới này để thanh thản về miền mây trắng.

Năm 1986 - năm chính thức ghi mốc lớn của công cuộc đổi mới toàn diện đất nước, đồng chí Phan Văn Khải đang làm Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh. Những năm sau 30/4/1975, thành phố Sài Gòn (sau đổi tên là – Thành phố Hồ Chí Minh) là một địa phương đầy khó khăn, nhưng cái khó ló cái khôn, rèn thêm, đúc thêm tính năng động, sáng tạo của những bộ óc biết vượt khó, tìm cách đi. Đồng chí Phan Văn Khải đã nắm bắt được tình hình, mạnh dạn đổi mới và trở thành một trong những người đi đầu hoạch định và thực hiện đường lối đổi mới tại Thành phố Hồ Chí Minh. Có lẽ do tầm nhìn và sự năng động của đồng chí Phan Văn Khải, cho nên Bộ Chính trị đã điều động đồng chí ra Trung ương đảm nhiệm cương vị Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch Nhà nước (sau này là Bộ Kế hoạch và Đầu tư), được bầu làm Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ và đến tháng 9/1997 là Thủ tướng Chính phủ. Tại cương vị mới này, những phẩm chất, bản lĩnh và trí tuệ của đồng chí Phan Văn Khải có môi trưởng tỏa sáng hơn, giúp ích, cống hiến cho công cuộc đổi mới nhiều hơn, hiệu quả hơn. Đồng chí Phan Văn Khải trở thành một trong những con người tích cực nhất tham gia thiết kế, cụ thể hóa đường lối đổi mới và cùng Đảng, Chính phủ lãnh đạo, tổ chức thực hiện đường lối đó.

2. Chiến sĩ tiên phong, tích cực thúc đẩy kinh tế tư nhân phát triển

Vào thời điểm hiện nay mà đề cập kinh tế tư nhân phát triển thì như là bước vào một cánh cửa đã mở ra, còn những năm đầu đổi mới, lĩnh vực này thật nhạy cảm, có khi, có lúc bị cấm kỵ. Thời bao cấp thì tư nhân, phát triển kinh tế tư nhân là đi theo con đường tư bản chủ nghĩa. Nghĩa là nó cần được cải tạo xã hội chủ nghĩa, nói trắng ra là phải triệt tiêu nó, không để nó tự phát đi lên chủ nghĩa tư bản, và chính kinh tế tư nhân, hằng ngày, hằng giờ sinh ra chủ nghĩa tư bản (theo tư duy của những năm 60, 70 thế kỷ trước ở nước ta). Hai nhà kinh điển của chủ nghĩa cộng sản là C.Mác và Ph.Ăngghen trong Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản (năm 1848) đã tuyên bố rằng xóa tư hữu là một mục tiêu cao cả của chủ nghĩa cộng sản. Đổi mới là một quá trình của sự phủ định và sự khẳng định. Đổi mới là một quá trình của hình thành cái mới, và trong quá trình hình thành cái mới thì bao giờ cũng bị cái cũ níu kéo lại. Trong nhận thức, nhiều vấn đề ta tự trói ta, cho nên một số lĩnh vực mới có cụm từ “cởi trói”; ngay cả trong văn học, nghệ thuật, đồng chí Nguyễn Văn Linh - Tổng Bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa VI đã phát biểu “phải tự cởi trói trước khi trời cứu!”. Một trong những người tiên phong “cởi trói” là đồng chí Phan Văn Khải. Đáng chú ý nhất là đồng chí Phan Văn Khải với tư cách người có quyền hành nhất định về chỉ đạo kinh tế đã “cởi trói” làm cho kinh tế tư nhân phát triển. Điều này đụng chạm tới tư duy cũ của các nhân sự cũ, những bậc cha chú, thế hệ đi trước của đồng chí Phan Văn Khải.

Có bản lĩnh, có trí tuệ chưa đủ. Phải biết cách làm thì mới thành công. Đồng chí Phan Văn Khải bắt đầu hành động từ cú hích doanh nghiệp trẻ (tư nhân). Trẻ thì mới sung sức, táo bạo. Trẻ thì mới dám nghĩ, dám làm những việc chưa ai nghĩ, chưa ai làm. Trên cương vị Thủ tướng, đồng chí Phan Văn Khải đã chỉ đạo thành lập Hội Doanh nghiệp trẻ. Đồng thời, một đất nước bắt đầu xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân do Đảng lãnh đạo, phải nắm lấy chức năng, nhiệm vụ quản lý hữu hiệu nhất là xây dựng và thông qua luật cùng với quá trình sau đó là đề ra và chỉ đạo thực hiện các chính sách quốc gia. Đồng chí Phan Văn Khải đã chỉ đạo khẩn trương soạn thảo Luật Doanh nghiệp để Quốc hội cho ý kiến thông qua. Năm 1999, Luật Doanh nghiệp đã ra đời, tạo cơ sở và tạo hành lang pháp lý cho sự phát triển mạnh mẽ của kinh tế tư nhân. Tiếp đó, Luật Doanh nghiệp được sửa đổi năm 2005, cùng với việc hình thành thị trường chứng khoán Việt Nam trong năm 2000 đã đáp ứng nhu cầu khách quan của nền kinh tế, đặc biệt là khu vực kinh tế tư nhân, góp phần to lớn vào việc thực hiện mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Đồng chí Phan Văn Khải, với cương vị Thủ tướng cho ban hành nhiều quyết định bãi bỏ giấy phép mẹ, giấy phép con, bãi bỏ nhiều thủ tục hành chính rườm rà nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho kinh tế tư nhân có cơ hội phát triển. Đồng chí làm được điều này là một sự dũng cảm vì động chạm đến lợi ích nhóm của các bộ, ngành, các địa phương.

3. Một trong những người tích cực nhất góp phần đưa đất nước thoát ra khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội

Khi còn hệ thống xã hội chủ nghĩa, cụm từ “khủng hoảng kinh tế - xã hội” hoặc “khủng hoảng toàn diện” cả chính trị, kinh tế, xã hội không xuất hiện ở từng nước và cả hệ thống xã hội chủ nghĩa. Nhưng khi hệ thống xã hội chủ nghĩa Đông Âu và Liên Xô sụp đổ thì cụm từ “khủng hoảng” đã xuất hiện. Ở Việt Nam, tình trạng khủng hoảng kinh tế - xã hội (chưa có khủng hoảng chính trị) xuất hiện sau 30/4/1975 (một số người cho là từ năm 1977). Biểu hiện rõ nhất của khủng hoảng là sự sụt giảm nghiêm trọng về tốc độ tăng trưởng kinh tế, tốc độ lạm phát (có lúc lên hơn 700%), duy trì quan liêu, bao cấp, kế hoạch hóa cao độ theo mô hình xô viết, đời sống Nhân dân, nhất là đời sống của những người ăn lương của bộ máy hệ thống chính trị gặp nhiều khó khăn.

Mới nhậm chức Thủ tướng, đồng chí Phan Văn Khải gặp ngay tình hình khủng hoảng tài chính khu vực châu Á từ năm 1997 ảnh hưởng đến nước ta, cần phải xử lý. Cuộc khủng hoảng này làm cho kinh tế - xã hội Việt Nam bị ảnh hưởng xấu một cách nghiêm trọng, mặc dù lúc ấy Việt Nam chưa hội nhập sâu và đầy đủ. Do tác động xấu nên tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đang ở mức cao trong thời kỳ 1995 -1997 thì năm 1998 tụt xuống chỉ còn 5,76% và năm 1999 là 4,77%. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài bị sụt giảm (năm 1995 đạt trên 6,9 tỷ USD, năm 1996 đạt gần 10,2 tỷ USD nhưng năm 1997 chỉ gần 5,6 tỷ USD, năm 1998 gần 5,1 tỷ USD, năm 1999 gần 2,6 tỷ USD). Lạm phát năm 1996 ở mức 4,5%, năm 1997 mức 3,6%, năm 1998 lên mức 9,2%. Giá USD năm 1995 giảm 0,6%, 1996 tăng 1,2%, thì năm 1997 tăng 14,2%, năm 1998 tăng 9,6%,... Tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu năm 1996 ở mức 33,2%, năm 1997 ở mức 26,6%, đến năm 1998 chỉ còn 1,9%. Nhập khẩu nếu năm 1996 tăng 36,6%, thì năm 1997 chỉ tăng 4% và năm 1998 giảm 0,8%, năm 1999 chỉ tăng 2,1%. Do độ mở của kinh tế Việt Nam thời điểm này chưa cao (xuất khẩu so với GDP mới đạt 30%, đồng tiền chưa chuyển đổi). Lúc này nước ta đã có một số mặt hàng xuất khẩu khá về giá trị và khối lượng như dầu thô, gạo, xuất khẩu1. Đồng chí Phan Văn Khải cùng Chính phủ đã “chèo chống” trên cơ sở phát huy những mặt mạnh của xuất khẩu mới và đưa ra nhiều quyết sách kịp thời nhằm chống chọi, kiểm soát và không chế không cho khủng hoảng lan rộng. Kết quả rất khả quan: nước ta không bị cuốn vào khủng hoảng kinh tế tài chính khu vực, trong khi đó, trong những năm 2001-2006 kinh tế đã có sự khởi sắc, lạm phát được kiềm chế ở mức thấp, tốc độ tăng trưởng cao (trên 8%/năm) và giữ được ổn định trong nhiều năm, khiến cho bình quân tốc độ tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong thời kỳ đồng chí Phan Văn Khải đảm nhận cương vị Thủ tướng lên tới hơn 7,1%/năm.

Đổi mới trước hết là đổi mới tư duy. Điều này đã được Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI năm 1986 xác định. Đồng chí Phan Văn Khải biết quy tụ trí tuệ tập thể Ban chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, tập thể Chính phủ, các địa phương và cũng chú trọng sử dụng các chuyên gia. Đó là lý do đồng chí Phan Văn Khải lập ra Ban tư vấn Thủ tướng Chính phủ, quy tụ, tập hợp được nhiều chuyên gia khoa học. Lập ra Ban này, đồng chí đã tôn trọng và cầu thị chứ không phải lập ra một cách hình thức. Khi dự định ban hành vấn đề chỉ đạo nào, đồng chí Phan Văn Khải đều cho gửi văn bản sang Ban tư vấn xem xét trước và sau khi nghe tư vấn thì đồng chí mới chính thức ra quyết định.

4. Một trong những người lãnh đạo có công lớn trong việc đưa đất nước hội nhập kinh tế quốc tế

Công cuộc đổi mới của Việt Nam gắn liền với công tác đối ngoại, nói rộng ra là quan hệ quốc tế, hội nhập, trước hết là hội nhập kinh tế quốc tế. Đồng chí Phan Văn Khải cũng là người có những đóng góp quan trọng cho sự ra đời của Luật Đầu tư nước ngoài (ban hành năm 2002), tạo thuận lợi cho sự phát triển của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Trước đây, khi còn hệ thống xã hội chủ nghĩa, quan hệ của Việt Nam chủ yếu là quan hệ nội khối. Sau này, Việt Nam đã gia nhập tổ chức Liên hiệp quốc, ASEAN. Nhưng cần mở thêm nhiều mối quan hệ khác, đặc biệt với những nước lớn, có nền kinh tế lớn (trong số đó đặc biệt là Mỹ, Trung Quốc, EU). Một loạt hoạt động của đồng chí Phan Văn Khải trên lĩnh vực quốc tế đã minh chứng cho tinh thần năng động của đồng chí.

Với trách nhiệm Thủ tướng Chính phủ, đồng chí Phan Văn Khải đã tiến hành nhiều chuyến thăm lần đầu tới nhiều quốc gia, đặc biệt là các quốc gia phương Tây, đáng chú ý hơn cả là chuyến đi Mỹ từ ngày 20/6/2005 đến ngày 25/6/2005. Chuyến đi này đã đánh dấu lần đầu tiên người đứng đầu Chính phủ Việt Nam thăm chính thức Mỹ sau 30 năm kết thúc chiến tranh, góp phần tháo gỡ những nút thắt ách tắc trong quan hệ giữa hai nước, thúc đẩy hơn nữa quan hệ Việt Nam - Mỹ sang một giai đoạn mới, chính thức xác lập vị thế mới của Việt Nam trong quan hệ quốc tế; đồng thời, tạo nền tảng cho những ký kết được tiến hành trong những năm tiếp theo giữa Việt Nam và Mỹ, thúc đẩy quan hệ ngoại giao Việt Nam - Mỹ ngày càng đi vào chiều sâu, tiến tới đưa Việt Nam trở thành thành viên chính thức của Tổ chức Thương mại quốc tế (WTO). Trước đấy nữa, trong những năm 1991-1992, đồng chí Phan Văn Khải dự Hội nghị tài trợ quốc tế tại Paris; trực tiếp chỉ đạo các hoạt động liên quan đến việc đàm phán với Câu lạc bộ London, Câu lạc bộ Paris để giải quyết các vấn đề nợ của Việt Nam với ý nghĩa là bước đột phá mở ra thế giới bên ngoài, mở ra một kênh rất quan trọng là thu hút vốn ODA quốc tế. Năm 1998, đồng chí Phan Văn Khải là lãnh đạo cao cấp đầu tiên của Việt Nam tham dự Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC), có ý nghĩa thúc đẩy nước ta tiến mạnh và nhanh hội nhập và hoạt động trong APEC. Ngay sau chuyến thăm chính thức Mỹ năm 2005, đồng chí Phan Văn Khải đã thăm chính thức Canada. Đây cũng là chuyến thăm chính thức đầu tiên của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1973. Các chuyến thăm đó đã mang lại thành công về nhiều mặt: nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế, tăng cường quan hệ hợp tác về kinh tế, thương mại, đầu tư, thu hút vốn viện trợ phát triển vào Việt Nam. Qua hoạt động đối ngoại này, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam có nhiều cơ hội xúc tiến thương mại với quy mô đông đảo, đa dạng nhất cùng các mối liên kết hợp tác làm ăn với doanh nghiệp các nước, tạo nền tảng thúc đẩy trao đổi mậu dịch và đầu tư vào Việt Nam tăng cao trong các giai đoạn tiếp theo. Hiện nay, quan hệ, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế đã phát triển và sâu sắc hơn. Bằng chứng là Việt Nam mở rộng thêm quan hệ ngoại giao vốn đã có với 193 nước, trong đó có 3 nước quan hệ đặc biệt, 6 nước đối tác chiến lược toàn diện, 12 nước đối tác chiến lược và 12 nước đối tác toàn diện, quan hệ đối tác chiến lược toàn diện hoặc đối tác chiến lược với tất cả 5 nước Uỷ viên Thường trực Hội đồng Bảo an Liên hiệp Quốc; mở rộng quan hệ kinh tế, thương mại với 230 quốc gia và vùng lãnh thổ. Nhưng, những hoạt động của đồng chí Phan Văn Khải hồi đó đã góp phần quan trọng để hình thành cho nhận định của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng năm 2021: “Chưa bao giờ nước ta có cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như hiện nay”.

5. Con người của những công trình lớn

Nói đến các nhân vật lãnh đạo cấp cao của đất nước, người ta hay nhắc đến, người đó trong suốt nhiệm kỳ của mình, phải để lại những dấu ấn bằng những công trình lớn. Về mặt này, đồng chí Phan Văn Khải là người chỉ đạo quan trọng làm nên những công trình trọng điểm của đất nước. Riêng đối với lĩnh vực giao thông vận tải, đồng chí Phan Văn Khải là một trong những nhà lãnh đạo trực tiếp chỉ đạo thực hiện những công trình giao thông quan trọng: cầu Thuận Phước nối liền cảng Tiên Sa và đường Nguyễn Tất Thành đến hầm Hải Vân nằm ở cửa biển Đà Nẵng; cầu Cần Thơ, cầu dây văng có nhịp chính dài nhất khu vực Đông Nam Á và thứ 7 thế giới, nối liền giao thông các tỉnh vùng Tây Nam Bộ, tạo nên sự thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội; cầu Vĩnh Tuy nằm trên đường vành đai 2, nối với Quốc lộ 5, tạo nên mạng lưới giao thông thuận lợi của thành phố Hà Nội (tháng 9/2009, cầu khánh thành, đưa vào sử dụng, đến nay cầu Vĩnh Tuy được mở rộng hơn – gọi là cầu Vĩnh Tuy 2). Một điểm đáng chú ý là đồng chí Phan Văn Khải là người không muốn làm cơ sở giao thông vận tải kiểu BOT. Sau này, đất nước ta có BOT, đúng hay sai, hợp hay chưa hợp thì còn nhiều ý kiến khác nhau, nhưng ý kiến của người đứng đầu Chính phủ như đồng chí Phan Văn Khải là đáng suy nghĩ cho điều kiện của Việt Nam, nhất là những bài học những năm gần đây về làm BOT cũng như quản lý nó đã gặp không ít phiền toái cho sự phát triển, nhất là vấn đề logistic tính vào giá thành làm đội giá thành sản phẩm lên quá cao. Giao thông vận tải của Việt Nam là một trong những điểm, có lúc, như một điểm nghẽn trong sự phát triển bền vững của cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Hiện nay, lĩnh vực logistic được nói đến như một ngành dịch vụ quan trọng trong chuỗi phát triển, nhưng thời kỳ đồng chí Phan Văn Khải làm Thủ tướng Chính phủ thì chưa thật rõ. Dù sao, cách làm của đồng chí Phan Văn Khải là cách làm thận trọng, bảo đảm được tính bền vững của tính định hướng xã hội chủ nghĩa của Việt Nam.

Thời gian qua đi, mỗi thời kỳ có điểm nhấn riêng của nó. Thời kỳ đồng chí Phan Văn Khải giữ trọng trách trong Đảng và Chính phủ đang gặp nhiều thách thức lớn của đổi mới. Sự táo bạo phải đi liền với bản lĩnh chính trị vững vàng. Làm Thủ tướng phải biết trên biết dưới, trông trước trông sau, nhìn trong ngó ngoài. Cái chính là phải có kết quả rõ rệt. Kết quả đó là đất nước vừa giữ vững được định hướng xã hội chủ nghĩa, vừa phát triển mạnh cả kinh tế - xã hội, vừa giữ được ổn định chính trị. Làm được như thế không dễ trong hoàn cảnh thế giới nhiễu nhương của thời kỳ hậu xô viết, trong đó sự níu kéo không nhỏ của tư duy cũ còn khá mạnh.

Mỗi một người, ở trọng trách lớn như đồng chí Phan Văn Khải, chỉ là một hạt cát trong Biển Đông, nhưng đó là hạt cát lấp lánh sắc màu tô điểm cho điều thiện, khắc chế điều xấu. Đồng chí Phan Văn Khải xứng đáng với niềm tin yêu của đồng bào, đồng chí, với bạn bè quốc tế có thiện cảm với sự nghiệp phát triển của Việt Nam. Cuộc đời và sự nghiệp của đồng chí Phan Văn Khải là bất diệt của sự lan tỏa cái tốt đẹp. Công cuộc đổi mới mà trong đó phần đồng chí Phan Văn Khải cống hiến cho Đảng, Nhà nước, Chính phủ và Nhân dân Việt Nam luôn luôn có trong hành trang phát triển của dân tộc ta trong những năm tiếp theo của thế kỷ XXI.

---------

Bài đăng trên Tạp chí Thông tin Khoa học Chính trị số 1 (37) - 2024

1 Các số liệu lấy từ báo cáo tổng kết của Văn phòng Chính phủ các năm 1990-1999, lưu tại Thư viện Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.