TS TRẦN VIẾT QUÂN
Học viện Chính trị khu vực III
(TTKHCT) - Trải qua những biến cố lịch sử, với những cơn địa chấn về kinh tế, chính trị, tư tưởng,... suốt hơn 100 năm qua, triết học Mác - Lênin vẫn còn có sức sống mãnh liệt. Lịch sử nghiêm khắc kiểm duyệt với mọi học thuyết, lý thuyết. Và, lịch sử cũng chứng minh một chân lý rằng, lý luận triết học duy vật biện chứng vẫn có những giá trị bền vững, phổ biến của nó. Sự thắng lợi của sự nghiệp đổi mới, chính là sự vận dụng sáng tạo những giá trị bền vững, phổ biến của triết học Mác - Lênin vào thực tiễn của cách mạng Việt Nam. Vì thế, việc nghiên cứu giá trị bền vững, phổ biến của triết học Mác - Lênin vừa là một tất yếu, vừa góp phần bảo vệ nền tảng hệ tư tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam hiện nay.
Triết học Mác - Lênin là khoa học nghiên cứu những quy luật chung nhất của tự nhiên, xã hội và tư duy; được C.Mác và Ph.Ăngghen sáng lập vào những năm 40 của thế kỷ XIX và V.I.Lênin, bổ sung, phát triển vào những năm đầu của thế kỷ XX. Sự ra đời triết học Mác - Lênin đánh đấu bước nhảy về chất của tư duy triết học. Với thế giới quan và phương pháp luận duy vật biện chứng, quan điểm duy vật về lịch sử, triết học do C.Mác và Ph.Ăngghen sáng lập đã loại bỏ chủ nghĩa duy tâm ra khỏi căn hầm ẩn náu cuối cùng của nó. Đồng thời, với tinh thần nhân văn sâu sắc, học thuyết này đã góp phần hình thành nhân sinh quan mới, nhân sinh quan cộng sản chủ nghĩa với tư cách là nền tảng tinh thần của giai cấp công nhân hiện đại.
Trải qua những biến cố lịch sử suốt hơn 100 năm qua, triết học Mác - Lênin vẫn có sức sống mãnh liệt. Lịch sử nghiêm khắc kiểm duyệt mọi học thuyết, lý thuyết bằng những bài kiểm tra kỹ lưỡng, trong đó có triết học Mác - Lênin. Và lịch sử cũng chứng minh một chân lý: triết học duy vật biện chứng có giá trị bền vững, phổ biến. Vì thế, việc nghiên cứu những giá trị bền vững, phổ biến của triết học Mác - Lênin là rất cần thiết nhất là đối với bảo vệ nền tảng hệ tư tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam hiện nay.
1. Sự cần thiết của việc xác định giá trị bền vững của triết học Mác - Lênin hiện nay
Lịch sử xã hội loài người từ khi có giai cấp là lịch sử của các cuộc đấu tranh giai cấp. Trong các cuộc đấu tranh giai cấp ấy, cuộc đấu tranh về tư tưởng, về ý thức hệ giữa các giai cấp luôn là cuộc đấu tranh diễn ra đầu tiên, không kém phần quyết liệt. Đó là cuộc đấu tranh ý thức hệ giữa giai cấp chủ nô dân chủ và chủ nô quý tộc, giữa giai cấp tư sản và giai cấp phong kiến, giữa giai cấp vô sản và giai cấp tư sản... Vì thế, thực tiễn lịch sử đã chỉ ra rằng muốn đánh đổ một chế độ chính trị, trước hết phải đánh đổ hệ tư tưởng của chế độ đó. Ngược lại, muốn bảo vệ một chế độ nào đó, trước hết cũng phải bảo vệ được hệ tư tưởng của chế độ đó.
Thời đại ngày nay vẫn là thời đại quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội trên phạm vi toàn thế giới, mở đầu từ cách mạng Tháng Mười Nga (1917). Song, trước tác động mạnh mẽ của cuộc cách mạng khoa học và công nghệ, đặc biệt là cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, quá trình toàn cầu hóa, thực tiễn xây dựng xã hội xã hội chủ nghĩa trên thế giới đã yêu cầu cần phải có những nhận thức đúng đắn về triết học Mác – Lênin. Bởi lẽ, triết học Mác - Lênin là một hệ thống mở, không ngừng được bổ sung, phát triển. Việc nhận thức đúng đắn giá trị bền vững, phổ biến của triết học Mác - Lênin là trách nhiệm của những người mác-xít chân chính.
Xuất phát từ vị trí, vai trò to lớn và tầm quan trọng đặc biệt của việc bảo vệ và vận dụng, bổ sung, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin trong công cuộc đổi mới đất nước, các nhiệm kỳ Đại hội Đảng và cụ thể Văn kiện Đại hội lần thứ XIII khẳng định: “Kiên định, vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền và sức chiến đấu của Đảng; thường xuyên củng cố, tăng cường đoàn kết trong Đảng và hệ thống chính trị; thực hiện nghiêm các nguyên tắc xây dựng Đảng, thường xuyên đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng”1. Ngay trong Chỉ thị số 23-CT/TW, ngày 09/02/2018 của Ban Bí thư về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả học tập, nghiên cứu, vận dụng và phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong tình hình mới, đã nhấn mạnh: “Tiếp tục đổi mới phương thức triển khai, phương pháp tiếp cận nghiên cứu trong công tác lý luận. Khẳng định mạnh mẽ và cụ thể hóa những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, các giá trị bền vững phù hợp với thực tiễn nước ta. Trên nền tảng đó, nghiên cứu, xây dựng và phát triển hệ thống lý luận về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của Việt Nam trong thời kỳ mới; làm rõ những vấn đề bổ sung, phát triển; tập trung nghiên cứu để giải quyết tốt các mối quan hệ lớn phản ánh quy luật đổi mới và phát triển ở nước ta đã được Đại hội lần thứ XII của Đảng chỉ ra. Làm rõ một số vấn đề nảy sinh trong thực tiễn đổi mới, cung cấp cơ sở khoa học cho việc hoạch định đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước”2. Đặc biệt Nghị quyết 35-NQ/TW của Bộ Chính trị về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới, ngày 22/10/2018 đã khẳng định: “Hiện nay, trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra mạnh mẽ cùng với sự phát triển bùng nổ của mạng Internet, các mạng xã hội toàn cầu và những vấn đề nảy sinh từ mặt trái của kinh tế thị trường; các thế lực thù địch, phản động có những chiêu thức, thủ đoạn mới, chống phá Đảng, Nhà nước và công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Bên cạnh những kết quả đạt được, việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch cũng còn nhiều hạn chế, bất cập, chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Do đó, chúng ta cần chủ động nghiên cứu, đánh giá, dự báo chính xác tình hình, xác định đúng đắn mục tiêu, quan điểm chỉ đạo và các nhiệm vụ, giải pháp phù hợp, khả thi để bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác có hiệu quả các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới”3.
Trong quá trình nhận thức giá trị bền vững, phổ biến của triết học Mác - Lênin cần tránh hai thái cực: một là, tuyệt đối hóa những giá trị của triết học Mác - Lênin, coi đó là những chân lý tuyệt đỉnh cuối cùng, “vận dụng vào đâu cũng đúng”, không căn cứ vào những điều kiện lịch sử cụ thể; hai là, xét lại, bất kiên định với di sản mà các nhà kinh điển để lại cho hậu thế, “phát triển” một cách thiếu nguyên tắc. Đứng về phía này, hay phía kia đều dẫn đến sai lầm, trực tiếp hoặc gián tiếp phủ nhận công lao của các nhà kinh điển trong lĩnh vực triết học.
2. Phương pháp biện chứng duy vật và sự vận dụng của Đảng Cộng sản Việt Nam trong sự nghiệp đổi mới đất nước
Phép biện chứng duy vật, theo Ph.Ăngghen định nghĩa khái quát: phép biện chứng “là môn khoa học về những quy luật phổ biến của sự vận động và sự phát triển của tự nhiên, của xã hội loài người và của tư duy”4. V.I.Lênin trong Bút ký triết học viết: “… phép biện chứng là học thuyết về sự thống nhất của các mặt đối lập. Như thế là nắm được hạt nhân của phép biện chứng, nhưng điều đó đòi hỏi phải có những sự giải thích và một sự phát triển thêm”5.
Với những quan niệm trên, có thể khẳng định: phương pháp biện chứng duy vật của triết học Mác - Lênin là phương pháp nhận thức, xem xét, đánh giá các sự vật, hiện tượng, quá trình trong thế giới khách quan luôn tồn tại trong mối liên hệ, vận động, biến đổi, phát triển không ngừng và tuân theo quy luật. Không những thế, phương pháp biện chứng duy vật còn trang bị và để lại cho nhân loại một di sản cực kỳ quý báu, đó là những quan điểm, nguyên tắc khoa học, cách mạng cần phải được quán triệt vào trong nhận thức và thực tiễn. Cụ thể là những nguyên tắc sau đây: nguyên tắc khách quan và phát huy tính năng động sáng tạo của ý thức, nguyên tắc toàn diện, nguyên tắc phát triển, nguyên tắc lịch sử - cụ thể, nguyên tắc về sự phát triển, nguyên tắc thực tiễn, nguyên tắc thống nhất giữa lý luận và thực tiễn, v.v..
Vai trò phương pháp luận của phép biện chứng duy vật trong nhận thức khoa học và hoạt động cải tạo xã hội được thể hiện ở những khía cạnh sau:
- Trong nhận thức khoa học và hoạt động thực tiễn để cải biến sự vật, tạo nên sự thay đổi về chất, đòi hỏi chúng ta phải quán triệt sâu sắc quan điểm toàn diện, phát triển và lịch sử - cụ thể.
- Phải chú ý đến tính đồng bộ, tính hệ thống, tính toàn vẹn về phương pháp, về phương tiện, lực lượng trong quá trình tác động vào sự vật; đồng thời, cũng phải xác định đâu là phương pháp có tính chất trung gian, không được sử dụng các phương pháp một cách ngang bằng nhau. Cần lựa chọn phương pháp tối ưu; phương tiện, lực lượng phải phù hợp để tác động vào đối tượng sao cho có hiệu quả nhất, nhưng lại ít chi phí nhất.
- Phương pháp, phương tiện sử dụng để tác động vào đối tượng phải linh hoạt, mềm dẻo tuỳ theo tình hình cụ thể. Tư duy của chúng ta chỉ có thể là chân thực, đúng đắn khi nó theo sát sự vận động, biến đổi của hoàn cảnh, của đối tượng nhận thức. Mỗi khi tình hình thực tế có sự thay đổi, đòi hỏi chúng ta phải lựa chọn phương pháp tác động phù hợp nhằm đạt hiệu quả cao nhất; không được rập khuôn, máy móc trong quá trình sử dụng phương pháp.
Quán triệt sâu sắc các nguyên tắc trên vào trong nhận thức, hoạt động thực tiễn, chúng ta sẽ ngăn ngừa, khắc phục và đẩy lùi được những căn bệnh cực kỳ nguy hiểm, như bệnh chủ quan, duy ý chí; bệnh bảo thủ, trì trệ; bệnh phiến diện; bệnh cào bằng; bệnh trông chờ, ỷ lại; bệnh kinh nghiệm, bệnh giáo điều, đây là những kẻ thù của sự phát triển.
Những chủ trương, quan điểm chỉ đạo, mục tiêu phát triển, định hướng phát triển đất nước trong các văn kiện Đại hội Đảng thời kỳ đổi mới; đặc biệt Văn kiện Đại hội lần thứ XIII đã phản ánh và thể hiện sinh động quá trình nhận thức, vận dụng sáng tạo các quan điểm cách mạng, khoa học trong biện chứng duy vật mácxít trên đây.
3. Quan niệm duy vật về lịch sử và sự vận dụng của Đảng Cộng sản Việt Nam trong sự nghiệp đổi mới đất nước
Quan niệm duy vật về lịch sử là những quan niệm được các nhà kinh điển triết học Mác - Lênin, đúc kết trên cơ sở nghiên cứu sự vận động, phát triển của xã hội loài người nói chung và của các hình thái kinh tế - xã hội nói riêng. Quan điểm duy vật lịch sử là phát kiến vĩ đại của C.Mác trong triết học. C.Mác luận giải lịch sử bắt đầu từ nền sản xuất vật chất, đó là “sự sáng tạo con người thông qua lao động”6 và lịch sử toàn thế giới bị chi phối bởi các quy luật khách quan qua sự phát triển lịch sử - tự nhiên của những hình thái kinh tế - xã hội7. Hệ tư tưởng Đức (1845-1846), công trình đầu tiên trình bày một cách hệ thống quy luật8 chi phối lịch sử, một bước tiến cách mạng trong nghiên cứu lịch sử. Thay vì nhận thức các quy luật kinh tế là vĩnh cửu như các nhà kinh tế chính trị cổ điển, C.Mác thấy sự vận động của nó song hành với hoạt động có ý thức và mục đích của con người, là những quy luật lịch sử mang tính khách quan. Bộ Tư bản đã trình bày tất cả các quy luật này trong khuôn khổ một hệ thống lý luận và sự phê phán rộng lớn mà cho đến tận ngày nay vẫn còn ghi dấu ấn lịch sử9. Tôn vinh Mác, Vadée đã chỉ rõ: “ Marx là nhà tư tưởng của cái có thể cũng như là nhà tư tưởng của cái tất yếu (...). Tư tưởng của Marx về tính tất yếu lịch sử, đồng thời cũng là một tư tưởng về khả năng lịch sử”10.
Tức là C.Mác đã nhìn nhận lịch sử một cách có quy luật, đi từ nguồn gốc và nhận thức các quy luật của nó. C.Mác đã nhìn lịch sử từ con người hiện thực, những con người cụ thể, đang sống và hoạt động trong những hoàn cảnh cụ thể. Dựa trên thực tiễn xã hội tư bản chủ nghĩa mà chỉ ra cái logic khách quan của xã hội ấy và toàn bộ lịch sử con người.
Quan niệm duy vật lịch sử của C.Mác được thể hiện:
- Sự tồn tại, phát triển xã hội loài người được bắt đầu từ sự tồn tại, phát triển của lực lượng sản xuất; trước hết là sự phát triển của công cụ lao động và trình độ của người lao động. Đề cập vai trò đặc biệt quan trọng của người lao động và công cụ sản xuất, Đảng ta khẳng định: “Tiếp tục phát triển toàn diện nguồn nhân lực, khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo gắn với khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, lòng tự hào dân tộc, ý chí tự cường và phát huy giá trị văn hóa, con người Việt Nam,… Chú trọng đào tạo nhân lực chất lượng cao, phát hiện và bồi dưỡng nhân tài; có chính sách vượt trội để thu hút, trọng dụng nhân tài, chuyên gia cả trong nước và ngoài nước”11. Đồng thời, Đảng ta cũng nhấn mạnh: “Tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa trên nền tảng của tiến bộ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo”12.
- Sự vận động, phát triển của xã hội loài người là tuân theo các quy luật khách quan, chứ không phải phụ thuộc vào ý muốn chủ quan của con người hay bất cứ một lực lượng siêu tự nhiên nào khác; đó là “quá trình lịch sử - tự nhiên”13. Đề cập công lao to lớn của C.Mác, Ph.Ăngghen khẳng định: “Giống như Đácuyn đã tìm ra quy luật phát triển của thế giới hữu cơ, C.Mác đã tìm ra quy luật phát triển của lịch sử xã hội loài người”14.
Quán triệt tinh thần trên, trong sự nghiệp đổi mới đất nước, Đảng ta nhấn mạnh:
- Mọi đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và nhà nước phải tôn trọng và hành động theo quy luật khách quan.
- Phải thường xuyên tổng kết thực tiễn, nghiên cứu, bổ sung, phát triển lý luận và khái quát được những mối quan hệ lớn phản ánh quy luật của sự nghiệp đổi mới đất nước.
Ngoài những nội dung nêu, quan niệm duy vật về lịch sử của chủ nghĩa Mác - Lênin còn đề cập nhiều vấn đề khác không kém phần quan trọng về lý luận và thực tiễn. Chẳng hạn, vấn đề giai cấp và đấu tranh giai cấp, vấn đề dân tộc, nhân loại, vấn đề con người, vai trò quần chúng nhân dân và cá nhân lãnh tụ trong lịch sử và vấn đề tôn giáo, dân số, môi trường,v.v.. Tất cả đều được các nhà kinh điển của chủ nghĩa Mác - Lênin nghiên cứu, lý giải trên cơ sở khoa học và cách mạng.
4. Chủ nghĩa nhân văn vì con người và sự vận dụng của Đảng Cộng sản Việt Nam trong sự nghiệp đổi mới đất nước
Con người vừa là điểm xuất phát, vừa là trung tâm và vừa là mục tiêu, lý tưởng của triết học Mác - Lênin. Con người được triết học Mác - Lênin đề cập, nghiên cứu ở đây là con người hiện thực, trước hết là con người lao động, đang bị áp bức, bóc lột, cần phải được giải phóng và từng bước được thụ hưởng hạnh phúc. Trong quá trình đi tìm con đường giải phóng con người, mang lại cuộc sống ấm no, bình đẳng cho mọi người, các nhà kinh điển Mác - Lênin có bàn đến vấn đề sở hữu, giai cấp, đấu tranh giai cấp, chuyên chính vô sản.
Khi đề cập đến tiền đề nghiên cứu lịch sử, C.Mác và Ph.Ăngghen trong tác phẩm Hệ tư tưởng Đức (1845-1846) cho rằng, để tìm hiểu lịch sử thì cần phải bắt đầu từ con người hiện thực, đang sống và hoạt động. Tiền đề đầu tiên của lịch sử “là sự tồn tại của những cá nhân con người sống”15. Con người phải sống mới có thể làm nên lịch sử. Muốn vậy, con người thỏa mãn những nhu cầu tồn tại thiết yếu. Mọi lý luận khoa học, đều được xây dựng trên nền tảng của những phương thức sản xuất nhất định trong lịch sử, và được thực hiện bởi những con người hiện thực theo đuổi mục đích của mình. Lý luận khoa học dẫn dắt cho nền sản xuất ngày càng phát triển.
Xuất phát từ con người hiện thực, sống và đang hoạt động, sản xuất vật chất, nhằm thỏa mãn những nhu cầu không ngừng tăng lên, làm xuất hiện các cuộc cách mạng trong phương thức sản xuất, sự xuất hiện chế độ tư hữu và các cuộc cách mạng xã hội. Giải phóng con người, do đó, không thể chỉ dừng lại ở việc trình bày lý luận con người thuần túy, mà cần trình bày logic lịch sử khách quan, nhằm giải phóng triệt để con người. C.Mác đã khảo cứu lịch sử từ nguồn gốc, trình bày nó một cách có hệ thống - đó không những không là sự xa rời chủ nghĩa nhân văn mà còn là đỉnh cao của chủ nghĩa nhân văn - sự giải phóng con người một cách hiện thực và triệt để.
Học thuyết Mác là khoa học giải thích và chỉ đạo, dẫn dắt thực tiễn cải tạo thế giới. Phân tích sâu sắc tồn tại xã hội, mâu thuẫn cơ bản của chủ nghĩa tư bản, C.Mác đi đến kết luận giai cấp công nhân - giai cấp trung tâm của thời đại, là sản phẩm của nền đại công nghiệp, cùng với giai cấp nông dân và tầng lớp trí thức là lực lượng nòng cốt của cuộc các mạng giải phóng triệt để con người khỏi xiềng xích nô lệ (cách mạng cộng sản chủ nghĩa). Và, nhân loại phải “học cách tin tưởng vào con người”16.
Thấm nhuần sâu sắc tinh thần nhân văn cao cả của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và truyền thống giàu lòng nhân ái của dân tộc Việt Nam được hun đúc qua hàng ngàn năm lịch sử, Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (năm 1991), đã khẳng định: “Con người là trung tâm của chiến lược phát triển, đồng thời là chủ thể phát triển. Tôn trọng và bảo vệ quyền con người, gắn quyền con người với quyền và lợi ích của dân tộc, đất nước và quyền làm chủ nhân dân. Kết hợp và phát huy đầy đủ vai trò của xã hội, gia đình, nhà trường, từng tập thể lao động, các đoàn thể và cộng đồng dân cư trong việc chăm lo xây dựng con người Việt Nam giàu lòng yêu nước, có ý thức làm chủ, trách nhiệm công dân; có tri thức, sức khỏe, lao động giỏi; sống có văn hóa, nghĩa tình; có tinh thần quốc tế chân chính ”17. Văn kiện Đại hội lần thứ XIII tiếp tục chỉ rõ: “Quản lý phát triển xã hội có hiệu quả, nghiêm minh, bảo đảm an ninh xã hội, an ninh con người; thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội; xây dựng môi trường văn hóa, đạo đức xã hội lành mạnh, văn minh; chú trọng nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, chất lượng dân số, gắn dân số với phát triển; quan tâm đến mọi người dân, bảo đảm chính sách lao động, việc làm, thu nhập, thực hiện tốt phúc lợi xã hội, an sinh xã hội. Không ngừng cải thiện toàn diện đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân”18.
5. Kết luận
Trong quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Đảng ta luôn quán triệt vận dụng sáng tạo và phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin vào hoàn cảnh cụ thể của đất nước. Đây cũng là một trong những nguyên nhân có những ý nghĩa quyết định đến những thắng lợi của cách mạng nước ta. Đặc biệt trong sự nghiệp đổi mới đất nước hiện nay, trước những diễn biến phức tạp, khó lường của đời sống chính trị thế giới, Đảng ta vẫn khẳng định: “Trong quá trình đổi mới phải chủ động, không ngừng sáng tạo trên cơ sở kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, vận dụng sáng tạo và phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, kế thừa và phát huy truyền thống dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, vận dụng kinh nghiệm quốc tế phù hợp với Việt Nam”19. Những giá trị bền vững và phổ biến của triết học Mác - Lênin không những được thể hiện một cách sáng tạo, sâu sắc trong các quyết sách chính trị của Đảng mà còn được thể hiện sinh động trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội ở Việt Nam hiện nay.
---------
Bài đăng trên Tạp chí Thông tin Khoa học chính trị số 2 (32) - 2023
1, 11, 12, 18 Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2021, t.I, tr.95, 220-221, 122, 116.
2 Đảng Cộng sản Việt Nam: Chỉ thị số 23-CT/TW, ngày 09/02/2018 của Ban Bí thư về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả học tập, nghiên cứu, vận dụng và phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong tình hình mới.
3 Đảng Cộng sản Việt Nam: Nghị quyết số 35-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Bộ Chính trị về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới.
4 C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t.20, tr.201.
5 V.I.Lênin: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, t.29, tr.240.
6 C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, Sđd, t.42, tr.182.
7 & 13 C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, Sđd, t.23, tr.21.
8 Hệ tư tưởng Đức do Marx và Engels viết chung. Công trình này đã mô tả có hệ thống các quy luật cơ bản của lịch sử là quy luật quan hệ sản xuất phù hợp với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất, quy luật biện chứng giữa cơ sở hạ tầng và kiến trúc thượng tầng,...
9, 10 Michel Vadée: Mác nhà tư tưởng của cái có thể, (Nguyễn Đức Anh, Nguyễn Tài Bách, Nguyễn Văn Dân, Xuân Đào và Nguyễn Chí Tình dịch), Nxb Viện Thông tin Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1996, t.1, tr.116, 4.
14 C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, Sđd, t.19, tr.499.
15 C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, Sđd, t.3, tr.28-29.
16 C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, Sđd, t.42, tr.125.
17 Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Sđd, tr.76-77
19 Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2016, tr.69.