TS NGUYỄN HỮU THỌ
Trường Đại học Kiên Giang

(TTKHCT) - Đào tạo thế hệ kế tục sự nghiệp cách mạng luôn là yếu tố hàng đầu và trọng tâm trong mỗi giai đoạn cách mạng. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng khẳng định: “Thanh niên là rường cột của nước nhà, chủ nhân tương lai của đất nước”. Do đó, giáo dục, bồi dưỡng lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa, nâng cao lòng yêu nước, tự hào dân tộc cho thanh niên là mục tiêu của cách mạng, là yếu tố then chốt hàng đầu trong việc bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng ta trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam.

Đoàn Thanh niên phối hợp với Công đoàn UBDT tổ chức ngày hội hiến máu tình nguyện tháng 11/2021

Đoàn Thanh niên phối hợp với Công đoàn UBDT tổ chức ngày hội hiến máu tình nguyện tháng 11/2021 (Nguồn: baodantoc.vn)
 

1. Đặt vấn đề

Trải qua hàng nghìn năm đấu tranh dựng nước và giữ nước, các thế hệ người Việt Nam thấu hiểu những giá trị cao quý của hòa bình, độc lập, tự do, dân chủ, bình đẳng và bác ái. Do đó, việc bảo vệ và giữ gìn những thành quả cách mạng mà Đảng, Bác Hồ và dân tộc ta dày công gây dựng là nghĩa vụ thiêng liêng đối với mỗi người Việt Nam. Ngày nay, thời đại của công nghệ số đang ngự trị và chi phối đến đời sống của con người, đây là thành tựu vĩ đại của nhân loại cần được phát huy, nhưng theo sau đó, không ít những kẻ lợi dụng thành tựu này để chống phá cách mạng chân chính của các dân tộc và Việt Nam cũng không nằm ngoài những chống phá đó. Hàng ngày, thông qua những thông tin xấu, độc hại tác động mạnh đến tư tưởng và tình cảm của con người Việt Nam nói chung và thanh niên Việt Nam nói riêng. Do vậy, tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng cho thanh niên Việt Nam để họ trở thành những thành trì bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng là vấn đề cấp thiết hàng đầu hiện nay.

2. Quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin, Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng Cộng sản Việt Nam về vai trò của thanh niên đối với sự nghiệp cách mạng

Trong mọi thời đại, thanh niên là lực lượng xã hội to lớn, có vai trò quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước và luôn nằm ở vị trí trung tâm của mọi cuộc cải cách kinh tế - xã hội. Họ là những người kế tục sự nghiệp cách mạng của thế hệ cha anh và cũng là thế hệ truyền đời của thành quả cách mạng ấy. Do đó, việc chăm lo, bồi dưỡng cho thế hệ thanh niên luôn là việc hết sức cấp bách và cần thiết. V.I.Lênin đã phát triển và hiện thực hóa tư tưởng chủ nghĩa xã hội của C.Mác, lập nên nhà nước xã hội chủ nghĩa đầu tiên trên thế giới vào năm 1917. Người coi thanh niên là nguồn sinh lực chiến đấu của cách mạng và khẳng định: “Nhiệm vụ thật sự xây dựng xã hội cộng sản chủ nghĩa, chính là của thanh niên”1. Năm 1920, V.I.Lênin chỉ rõ: “Nếu các đồng chí không lôi cuốn được toàn thể quần chúng thanh niên công nông vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa Cộng sản đó thì các đồng chí sẽ không thể xây dựng xã hội cộng sản chủ nghĩa được”2.

Quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, kế thừa tư tưởng của chủ nghĩa Mác - Lênin, Hồ Chí Minh đã chỉ ra: “Một năm khởi đầu từ mùa xuân, một đời người khởi đầu từ tuổi trẻ, tuổi trẻ là mùa xuân của xã hội”3. Điều đó có thể hiểu thêm rằng, tuổi trẻ còn là tuổi của những hoài bão, tuổi của những ước mơ, những khát vọng và là tuổi của mọi hành động, tuổi của biết sự quên mình cho quê hương, đất nước. Người tiếp tục khẳng định: “Thanh niên là người chủ tương lai của nước nhà. Nước nhà thịnh hay suy, yếu hay mạnh một phần lớn là do các thanh niên”4. Để tiếp tục ươm mầm cho thế hệ cách mạng đời sau, Nghị quyết Trung ương 7 khóa X Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thanh niên thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá (số 25-NQ/TW, ngày 25/7/2008) nêu rõ: “Thanh niên là rường cột của nước nhà, chủ nhân tương lai của đất nước, là lực lượng xung kích trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, một trong những nhân tố quyết định sự thành bại của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế và xây dựng chủ nghĩa xã hội”5. Từ những quan điểm trên, Nhà nước đã thể chế hóa trong Hiến pháp năm 2013 tại khoản 2, điều 37: Thanh niên được Nhà nước, gia đình và xã hội tạo điều kiện học tập, lao động, giải trí, phát triển thể lực, trí tuệ, bồi dưỡng đạo đức, truyền thống dân tộc, ý thức công dân.

Tất cả những quan điểm nêu trên có giá trị rất sâu sắc đối với sự phát triển của thanh niên. Từ đó, góp phần tạo nên những giá trị cốt lõi hình thành nhân cách thanh niên Việt Nam trong thời kỳ hội nhập và đây là điều kiện cơ bản quyết định đến sự thành công trong việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng ta trước sự phát triển như vũ bão của nền công nghiệp lần thứ tư mà các thế lực thù địch đang dựa vào đó tạo thành làn sóng chống phá cách mạng Việt Nam.

3. Sự chống phá của các thế lực thù địch đối với cách mạng Việt Nam trên mặt trận tư tưởng

Hiện nay các thế lực thù địch bằng nhiều thủ đoạn, vừa công khai, trắng trợn, vừa ngấm ngầm phá hoại, bôi nhọ, công kích vào chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm đường lối đổi mới của Đảng ta, đả kích vào nền văn hóa mới của dân tộc ta. Chúng cho rằng, muốn xóa bỏ chủ nghĩa xã hội đối với dân tộc Việt Nam điều trước tiên là làm cho thế hệ thanh niên xa rời, không yêu mến, thiếu trung thành với nền tảng tư tưởng của Đảng thì tất yếu sẽ lật đổ được chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Trong tình hình mới hiện nay, chúng đang chuyển sang những thủ đoạn mới tinh vi hơn, thâm độc hơn và tiến hành một cách “mềm dẻo” hơn, “thân thiện” hơn thông qua các chương trình hợp tác, thâm nhập sâu vào các lĩnh vực của đời sống xã hội ta; từ đó tác động, phá hoại nền tảng tư tưởng, bản sắc văn hóa dân tộc, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” nội bộ ta, nhất là trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo, khoa học công nghệ. Và qua con đường này, chúng dễ dàng tiếp cận thế hệ thanh niên Việt Nam. Thông qua chương trình giáo dục và bằng những “kết quả nghiên cứu” chúng dễ dàng dịch chuyển nội dung chương trình, phương pháp giáo dục đào tạo của ta hiện nay. Làm cho thế hệ thanh niên ngày càng không xem trọng chương trình giáo dục trong nước mà chuyển hướng “sùng ngoại” và trong quá trình đào tạo ở nước ngoài, thanh niên mang những tư tưởng này về và dần tiến hành quốc tế hóa tư tưởng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam, hình thành nền “chính trị dân chủ” và “xã hội dân sự” kiểu phương Tây.

Bên cạnh đó, lợi dụng những tồn tại, vướng mắc trong quá trình phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, chúng xuyên tạc, phủ nhận đường lối lãnh đạo, thành tựu phát triển kinh tế của Đảng, Nhà nước, kích động tâm lý hoài nghi trong xã hội; cổ súy, tung hô việc phát triển nền kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa, làm mất đi phương hướng, niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng và chế độ xã hội chủ nghĩa, gây bất ổn về tư tưởng, làm xuất hiện tình thế mới về chính trị. Lợi dụng tình thế đó, chúng sẽ kích động đòi “dân chủ kinh tế”, yêu cầu Đảng, Nhà nước phát triển kinh tế thị trường theo kiểu phương Tây. Đồng thời, kêu gọi “dân chủ hóa chính quyền”, từng bước cô lập, tách các tổ chức đảng, đảng viên ra khỏi quần chúng, tạo áp lực về chính trị - xã hội, thậm chí gây bạo loạn, lật đổ, tiến tới xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và xã hội ta.

Trước những thực trạng đó, nhằm tạo ra sức đề kháng chủ động cho thanh niên, góp phần quan trọng trong việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng ta trước sự tấn công hàng giờ, hàng ngày của các thế lực thù địch thì việc giáo dục lý tưởng cách mạng cho thế hệ thanh niên là một trong những giải pháp hữu hiệu, vững chắc nhất.

4. Những giải pháp nhằm phát huy vai trò của thanh niên trong việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng

Với những định hướng nền tảng của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, những quan điểm của Đảng và sự thể chế hóa của Nhà nước, chúng ta nhận thấy rằng, thanh niên giữ vị trí đặc biệt quan trọng đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và của dân tộc ta. Do đó, để giáo dục thanh niên trở thành những chiến sĩ tiên phong trên mặt trận tư tưởng, cần chú ý những giải pháp cơ bản sau:

Thứ nhất, giáo dục lý tưởng cách mạng, trao cho thế hệ thanh niên niềm tin vững chắc vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý điều hành của Nhà nước bằng việc nêu gương của thế hệ đi trước. Nghĩa là, để giáo dục người khác trước hết những người đi giáo dục phải được giáo dục, đồng nghĩa rằng thế hệ đi trước phải biết cách nâng bước cho người đi sau bằng việc gương mẫu đi đầu từ trong tư tưởng đến hành động, đó chính là tinh thần dám huy sinh cho lợi ích chung và có sức thuyết phục sâu sắc nhất đối với thế hệ thanh niên ngày nay. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng khẳng định: “100 bài diễn văn hay không bằng một tấm gương sống”6. Điều đó có nghĩa là, dù chúng ta có vạn lời nói, cũng không ảnh hưởng sâu sắc đến thế hệ trẻ bằng một hình ảnh thực tế của thế hệ đi trước đối với họ. Hạn chế cái lo riêng, phát huy tinh thần vì cái chung thì người đi trước sẽ là những tấm gương sáng, trở thành những kho tàng tri thức mà đời sau sẽ noi theo. Chủ tịch Hồ Chí Minh chính là hiện thân của tấm gương ngời sáng ấy về phẩm chất đạo đức cao đẹp, suốt đời hy sinh phấn đấu quên mình cho tương lai của đất nước và hạnh phúc của nhân dân. Do đó, hơn bao giờ hết trên cơ sở nền tảng của tấm gương tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, chúng ta cần nhanh chóng tạo lập thật tốt, hiệu quả hệ giá trị của con người Việt Nam để giáo dục thanh niên nước nhà trước những chống phá quyết liệt của các thế lực phản động, thù địch.

Thứ hai, giáo dục những chuẩn mực của đạo đức xã hội. Hiện nay, những hành vi lệch chuẩn vẫn còn tồn tại như: giết người, trộm cắp, tham ô, nghiện ngập, mại dâm... xảy ra hàng ngày trước mặt của thanh niên. Nhưng đó không là số đông, không là bản chất của một xã hội, mà đó chỉ là một hiện tượng nhất thời của những hành vi sai trái ở một cá nhân khi mà đôi lúc nào đó lý trí của họ bị lu mờ trước những hành vi bạo lực. Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng từng dạy rằng, con người chúng ta luôn có hai phần - phần thiện và phần ác, do hoàn cảnh tác động mà phần ác được trỗi dậy làm cho người ta lầm đường, lạc lối. Từ lời dạy đó, thiết nghĩ, chúng ta cần đẩy mạnh giáo dục đạo đức xã hội cho thanh niên nhiều hơn nữa, sâu sắc hơn nữa để cho phần thiện của con người được nẩy nở như hoa mùa xuân và làm cho phần ác dần mất đi, để thanh niên ta trở thành những bông hoa tươi thắm trong vườn Bác, xứng đáng là người kế tục sự nghiệp cách mạng và biết tự đề kháng trước những luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch, phản động.

Thứ ba, chú trọng tạo lập lối sống văn hóa cho thanh niên, để cho mỗi thanh niên biết sống cho mọi người, biết bỏ những lối sống ích kỷ, cá nhân chủ nghĩa, thay vào đó là lối sống có ích cho bản thân, cho gia đình và xã hội; sống có lý tưởng cao đẹp, tự tin trong hội nhập quốc tế, sẵn sàng tình nguyện vì cộng đồng, cống hiến vì Tổ quốc và cũng nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động của thanh niên. Để làm được điều đó, gia đình, nhà trường, xã hội cần giúp đỡ, hỗ trợ thanh niên bằng những phong trào hành động cách mạng của tuổi trẻ với phương châm – mỗi ngày hãy làm, thống kê một việc có ích cho xã hội, nhà trường, gia đình, người thân. Từ đó dần sẽ tạo lập nên thói quen và xây dựng nên lối sống có văn hóa trong thanh niên Việt Nam hay mỗi thanh niên Việt Nam hãy là một bông hoa đẹp thì cả thanh niên Việt Nam ta là một rừng hoa đẹp.

Thứ tư, giáo dục lòng yêu nước. Quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Hồ Chí Minh đã từng khẳng định: “Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quý báu của ta. Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng, thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước”. Điều đó có thể hiểu thêm rằng, lòng yêu nước là tài sản vốn có trong dòng máu của mỗi con người Việt Nam, trong đó có thế hệ thanh niên  Do đó, việc nâng cao lòng yêu nước cho thanh niên là tất yếu trong hoàn cảnh mà các thế lực thù địch luôn chống phá ta. Để tiếp tục lòng yêu nước của thanh niên luôn trào dâng trong họ, thiết nghĩ chúng ta cần tạo ra nhiều phong trào hành động cách mạng (từ truyền thống đến công nghệ số) để thanh niên có nhiều cơ hội thể hiện mình, được sống, được cống hiến cho Tổ quốc, cho nhân dân.

Thứ năm, giáo dục lòng tự hào dân tộc cho tuổi trẻ. Chúng ta không thể lựa chọn nơi sinh ra, cũng không thể lựa chọn Tổ quốc cho mình, nhưng chúng ta có quyền tự hào rằng, chúng ta được sinh ra trên mảnh đất Việt Nam có bề dầy lịch sử nghìn năm văn hiến. Thế hệ thanh  niên được thừa hưởng thành quả cách mạng khi mà giang sơn gấm vóc liền một cõi, đất nước ta đang trên đà phát triển, có những đóng góp quan trọng vào quá trình duy trì hòa bình, luôn thể hiện tinh thần hòa bình, hữu nghị, tôn trọng thống nhất toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia, dân tộc… Từ những thể hiện đó, trong quan điểm đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta, thanh niên ta có thể tự hào rằng, họ là những người hạnh phúc trong những người hạnh phúc của thanh niên toàn thế giới. Để tiếp tục giáo dục lòng tự hào dân tộc trong thanh niên Việt Nam, thì thành quả cách mạng trong trường kỳ lịch sử và trong thời kỳ đổi mới chính là bài học vô giá đối với lớp thanh niên ngày nay.

Thứ sáu, đối với tổ chức đảng các cấp. Để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, ngoài việc kịp thời đấu tranh phản bác lại các quan điểm sai trái, thù địch, tổ chức đảng các cấp nên tập trung thêm một số việc như sau: Một là, cần hết sức chú trọng “tự làm đẹp bản thân mình”. Nghĩa là, luôn giữ cho được việc làm trong sạch đội ngũ đảng viên trong bộ máy công quyền, quét sạch tham nhũng, quan liêu, lãnh phí, kiên quyết dẹp bỏ thói hách dịch công quyền của một bộ phận đảng viên (đối với người đang giữ trọng trách). Vì khi ấy, toàn Đảng ta sẽ là một rừng hoa đẹp, không xen lẫn những bông hoa đã thối rữa và từ đây niềm tin cách mạng trong tuổi trẻ sẽ được cũng cố vững chắc nhất. Hai là, tổ chức đảng các cấp cần xem đây là nhiệm vụ sống còn của Đảng và kiên trì chỉ đạo đội ngũ làm công tác tư tưởng“bám trận địa” để kịp thời đấu tranh phản bác lại những luận diệu xuyên tạc và hàng tháng/quý tổ chức nghiêm túc đúc rút, chia sẻ kinh nghiệm với nhau trong công tác đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Ba là, nếu có thể nên tăng cường chính sách đãi ngộ đối với đội ngũ làm công tác theo Nghị quyết số 35-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Bộ Chính trị về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới để đội ngũ ngày một chuyên tâm hơn, đấu tranh hiệu quả hơn.

5. Kết luận

Trước sự chống phá quyết liệt của các thế lực thù địch trong giai đoạn hiện nay, hơn ai hết thanh niên Việt Nam cần ý thức được rằng, bản thân vừa là đối tượng chịu tác động chống phá, vừa là những chiến sĩ tiên phong trên mặt trận tư tưởng, nên cần tự chuẩn bị kiến thức và tự đề kháng trước những luận điệu xuyên tạc, chống phá cách mạng của các thế lực thù địch. Bên cạnh đó, các cấp ủy Đảng cần đẩy mạnh định hướng công tác giáo dục lý tưởng cách mạng cho thanh niên Việt Nam để họ luôn được tôi luyện trong môi trường truyền thống của thời kỳ hội nhập, xứng đáng với niềm tin của Đảng, của dân tộc vào thế hệ trẻ hôm nay.

---------

Bài đăng trên Tạp chí Thông tin Khoa học chính trị số 2 (32) - 2023

1 V.I.Lênin: Toàn tập, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1969, tập 31, tr.341-363.

2 V.I.Lênin: Toàn tập, Sđd, tập 31, tr.341-363.

3 Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tập 4, tr.194.

4 Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tập 5, tr.216.

5 Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa X, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2008, tr.7.

6 Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tập 7, tr.38.