PGS, TS TRẦN VĂN RIỄN
Học viện Kỹ thuật Quân sự, Bộ Quốc phòng
(TTKHCT) - Hành trình cứu nước của Hồ Chí Minh không chỉ có ý nghĩa vô cùng to lớn với dân tộc ta, mà còn để lại những bài học giá trị về bồi dưỡng lý tưởng cách mạng cho thế hệ thanh niên Việt Nam hiện nay. Bài viết đã tập trung phân tích hành trình cứu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh từ đó rút bài học về khát vọng độc lập tự chủ và tư duy sáng tạo; bài học bản lĩnh dám nghĩ dám làm, dám dấn thân của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong hành trình tìm đường cứu nước cho thanh niên Việt Nam hiện nay.
Hơn một thế kỷ trước, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành - sau này là Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra đi tìm đường cứu nước để giải phóng dân tộc khỏi ách nô lệ thực dân phong kiến. Cuộc hành trình ấy không chỉ có ý nghĩa vô cùng to lớn với dân tộc ta, mà còn để lại những bài học giá trị về lý tưởng cho thanh niên Việt Nam hiện nay trong “rèn đức, luyện tài”, cống hiến tài năng cho đất nước.
1. Bài học về khát vọng độc lập tự chủ và tư duy sáng tạo của Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh
Từ giữa thế kỷ XIX, thực dân Pháp xâm lược Việt Nam, chúng đã biến nước ta thành nước thuộc địa nửa phong kiến. Chúng dùng mọi thủ đoạn thâm độc khai thác tài nguyên và bóc lột của cải và sức lao động của nhân dân ta để làm giàu cho chính quốc. Trước tình cảnh ấy, tiếp nối truyền thống chống ngoại xâm bất khuất của dân tộc, nhiều phong trào yêu nước theo những đường lối, khuynh hướng đấu tranh khác nhau nhằm đánh đuổi thực dân Pháp và bè lũ tay sai để giành độc lập, tự do cho dân tộc, nhưng đều thất bại. Sự thất bại ấy đã làm cho Việt Nam lâm vào tình trạng khủng hoảng về con đường giải phóng dân tộc. Với tấm lòng yêu nước, thương dân sâu sắc, từ rất sớm, Nguyễn Tất Thành đã trăn trở một con đường cứu nước, cứu dân. Sau này, khi trả lời một nhà văn Mỹ, Người tâm sự: “Nhân dân Việt Nam trong đó có ông cụ thân sinh ra tôi, lúc này thường tự hỏi nhau ai sẽ là người giúp mình thoát khỏi ách thống trị của Pháp. Người này nghĩ là Anh, có người lại cho là Mỹ. Tôi thấy phải đi ra nước ngoài xem cho rõ. Sau khi xem xét họ làm ăn ra sao, tôi sẽ trở về giúp đồng bào tôi”. Tuy nhiên, đi đâu, đến nước nào, làm thế nào để tìm được con đường cứu nước đúng đắn là những câu hỏi lớn mà lúc đó không ai giải đáp được. Người cũng sớm nhận thấy con đường của các bậc tiền bối đi trước (Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh, Hoàng Hoa Thám…) sẽ không giải phóng được dân tộc. Không lặp lại thất bại của những người đi trước là một điều khó khăn, nhưng tìm ra một con đường mới phù hợp với quy luật phát triển của lịch sử để dân tộc giành được độc lập, tự do là một điều còn khó khăn hơn nhiều lần. Nguyễn Tất Thành đã lựa chọn con đường riêng của mình - sang châu Âu, bởi như Người cảm nhận: “Khi tôi độ mười ba tuổi, lần đầu tiên tôi được nghe ba chữ Pháp: Tự do, Bình đẳng, Bác ái. Đối với chúng tôi, người da trắng nào cũng là người Pháp. Người Pháp đã nói thế và từ thuở ấy, tôi muốn làm quen với nền văn minh Pháp, muốn tìm xem những gì ẩn giấu đằng sau những chữ ấy”.
Sự lựa chọn con đường sang phương Tây không phải chỉ với mong ước cháy bỏng “Tự do cho đồng bào tôi, độc lập cho Tổ quốc tôi”, mà còn thể hiện bản lĩnh độc lập, sáng tạo của chính Nguyễn Ái Quốc lúc đó. Trước khi Phan Bội Châu quyết định sang Nhật Bản với mục đích cầu viện, ông đã gặp Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc ngỏ ý muốn đưa Nguyễn Tất Thành (lúc đó là Nguyễn Sinh Cung) sang Nhật để theo Đông Du, nhưng cả Cụ Phó bảng và Nguyễn Sinh Cung đều không đồng tình. Đó là cảm nhận và quyết định hết sức sáng suốt của người thanh niên yêu nước, bởi con đường của Phan Bội Châu “chẳng khác nào đưa hổ cửa trước, rước beo cửa sau”; con đường của Cụ Phan Châu Trinh “chẳng khác nào mong giặc rủ lòng thương”; với Cụ Hoàng Hoa Thám “còn mang nặng cốt cách phong kiến”… Đó là sự lựa chọn, quyết tâm của một thanh niên yêu nước mới 21 tuổi.
Khi quyết định sang phương Tây tìm đường cứu nước, bản thân Nguyễn Tất Thành chưa ý thức được việc đi tìm chủ nghĩa Mác - Lênin (thực sự lúc đó Người cũng chưa biết đến tư tưởng tiến bộ và những tác phẩm của các nhà kinh điển Mác - Lênin - do hàng rào ngăn cấm tư tưởng của Pháp). Nhưng từ thực tiễn chín năm bôn ba khắp các châu lục, đặc biệt là sự lăn lộn, trải nghiệm đời sống công nhân thợ thuyền, nhân dân lao động ở các nước. Qua nghiên cứu về các cuộc cách mạng tư sản nổi tiếng trong lịch sử, chính Người đã nhận thấy “Bây giờ học thuyết nhiều, chủ nghĩa nhiều, nhưng chủ nghĩa chân chính nhất, chắc chắn nhất, cách mạng nhất là chủ nghĩa Lênin”, đó là con đường giải phóng dân tộc đúng đắn nhất. (Luật sư Phan Văn Trường - khi đó đang học tập, nghiên cứu ở Pháp, cũng đã từng biết đến, tiếp xúc với những tư tưởng của C.Mác, Ph.Ăngghen, song không nhận thức được hệ thống lý luận đúng đắn ấy). Không phải chỉ với nhãn quan chính trị sắc bén; không hẳn là sự mẫn tiệp trí tuệ, mà hơn thế là sự kết hợp của tất cả những phẩm chất đó cùng với lòng yêu nước chân chính, thiết tha đã đưa Nguyễn Ái Quốc đến với chủ nghĩa Mác - Lênin - một cuộc gặp gỡ “lịch sử”, là “hồng phúc” của dân tộc ta.
Bằng trí tuệ mẫn tiệp, Nguyễn Ái Quốc tiếp thu trực tiếp chủ nghĩa Mác - Lênin (tự học tiếng, nghiên cứu, dịch các tác phẩm), vì vậy Người luôn nắm chắc chắn bản chất cách mạng và khoa học của chủ nghĩa Mác - Lênin. Vì vậy ngay cả sau này trên cương vị lãnh đạo cách mạng, Người đã vận dụng rất tài tình lý luận Mác - Lênin phù hợp với thực tiễn đất nước; Người cũng luôn dạy cán bộ: khi học, vận dụng lý luận không được giáo điều, máy móc.
Việc truyền bá lý luận Mác - Lênin của Nguyễn Ái Quốc vào Việt Nam từ những năm 20 của thế kỷ XX cũng cho thấy đỉnh cao sáng tạo của Người. Trước hết, Nguyễn Ái Quốc tiếp thu, truyền bá lý luận Mác - Lênin vào cả phong trào công nhân và phong trào yêu nước Việt Nam, vừa đúng với qui luật ra đời của Đảng Cộng sản, vừa thể hiện sự sáng tạo, lại rất phù hợp với thực tiễn dân tộc ta thời điểm đó. Phong trào yêu nước trở thành một nhân tố không thể thiếu kết hợp với chủ nghĩa Mác - Lênin và phong trào công nhân dẫn tới sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam tháng 2/1930. Để truyền bá được chủ nghĩa Mác - Lênin vào Việt Nam trong bối cảnh thực dân Pháp ngăn cấm mọi trào lưu văn hóa tiến bộ từ bên ngoài; truy lùng, bắt, giết tất cả những người có tư tưởng yêu nước tiến bộ, Nguyễn Ái Quốc đã sử dụng nhiều công cụ, cách thức rất sáng tạo. Người đã tận dụng các sách, báo (do Người viết, xuất bản ở Pháp); các diễn đàn quốc tế (ở Pháp, ở Liên Xô)… để tố cáo tội ác của chủ nghĩa thực dân Pháp ở các thuộc địa, trong đó có Đông Dương; trình bày tình cảnh khốn khổ của người dân thuộc địa, qua đó thức tỉnh nhân dân thuộc địa đứng dậy đấu tranh; kêu gọi dân tộc tiến bộ đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân… Nguyễn Ái Quốc còn động viên những thủy thủ có tư tưởng cấp tiến - được Người cảm hóa trên các con tàu từ Pháp qua các thuộc địa. Những thủy thủ này mang theo sách, báo, tạp chí, tư tưởng tiến bộ đến với người dân thuộc địa Đông Dương. Các thanh niên - sau lớp huấn luyện tại Quảng Châu (Trung Quốc) được về nước, thực hiện phong trào cách mạng…
Đối với một đất nước với trên 90% là nông dân bị mù chữ do chính sách thống trị hà khắc, “ngu dân” của thực dân Pháp, vấn đề truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin cũng là một thách thức. Ngay từ đầu, Người không truyền bá toàn bộ lý luận Mác - Lênin vào Việt Nam, mà chỉ lựa chọn những nội dung thật đơn giản, phù hợp với người Việt; với những lời lẽ thật gần gũi để mỗi người dân có thể hiểu được (đến cuối năm 1928 trở đi, Nguyễn Ái Quốc mới bắt đầu dịch một vài tác phẩm kinh điển ngắn để gửi về trong nước). Chính với cách sáng tạo như vậy, nên lý luận cách mạng đã thấm sâu, làm chuyển hóa cả phong trào công nhân và phong trào yêu nước Việt Nam theo khuynh hướng vô sản, thúc đẩy sự ra đời đảng chính trị.
2. Bài học bản lĩnh dám nghĩ, dám làm, dám dấn thân của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong hành trình tìm đường cứu nước
Với lòng nhiệt thành của tuổi trẻ và hành trang là bầu máu nóng sục sôi lòng yêu quê hương đất nước, người thanh niên 21 tuổi Nguyễn Tất Thành đã quyết chí ra đi tìm đường cứu nước. Để làm được điều đó phải có lòng quyết tâm mạnh mẽ, dám nghĩ, dám làm, dám dấn thân, nhất là trong bối cảnh xã hội lúc bấy giờ. Trong con người Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh hội đủ những yếu tố cần thiết cho sự dấn thân vào quá trình “tìm đường đi cho dân tộc”. Đó là ý chí lớn lao, tinh thần ham học hỏi, sẵn sàng vượt qua gian khó, tự nguyện hòa vào cuộc sống của giai cấp cần lao để trực tiếp cảm nhận về thời cuộc.
Rời Tổ quốc ra đi với “hai bàn tay trắng”, nên đến nước nào, Người cũng làm việc để kiếm sống và hoạt động; đi đến đâu, Người cũng tự nghiên cứu, tự học. Vì thế, cả hành trình tìm đường cứu nước - và lớn hơn nữa cả cuộc đời Hồ Chí Minh - là bài học về sự tự tu dưỡng, rèn luyện, không quản khó khăn gian khổ, tất cả vì một lý tưởng “Làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành”.
Trên hành trình đi tìm đường giải phóng dân tộc, Người đã không quản ngại những công việc lao động chân tay, vất vả từ dọn tuyết, đốt lò, làm bánh, bồi bàn, phụ bếp… để có tiền sinh sống. Mặc dù, lao động cực nhọc nhưng hễ có thời gian rỗi là Hồ Chí Minh say sưa học tập, nghiên cứu. Người thanh niên trẻ tuổi không chỉ miệt mài học tiếng nước ngoài, nghiên cứu sách báo nước ngoài mà còn tích cực đi tìm hiểu thực tế cuộc sống những nơi mình đã đi qua, tham gia các hoạt động, phong trào ở đó. Chính lý tưởng muốn giúp đồng bào, đất nước mình đã mài sắc ý chí, nghị lực, là động lực mạnh mẽ để Người vượt qua khó khăn.
3. Trong hai cuộc kháng chiến giành độc lập oanh liệt của dân tộc ta, lớp lớp thanh niên Việt Nam đã sẵn sàng “đi bất cứ nơi đâu, làm bất cứ việc gì” khi Tổ quốc cần
Chính lý tưởng cao đẹp “Con đường của thanh niên chỉ có thể là con đường cách mạng và không thể là con đường nào khác”, khát vọng dành độc lập cho dân tộc, tự do, hạnh phúc cho nhân dân đã thôi thúc mỗi người “không sờn lòng, không tiếc tuổi xuân”, xả thân vì đất nước.
Ngày nay, đất nước đã hòa bình, độc lập, đang ngày càng hội nhập sâu rộng với khu vực và thế giới, khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, đưa Việt Nam “sánh vai với các cường quốc năm châu” vẫn luôn là niềm thôi thúc thế hệ trẻ không ngừng “rèn đức, luyện tài” phấn đấu. Trong hành trình đưa đất nước tiến lên, tinh thần khát vọng độc lập tự chủ, sáng tạo, bản lĩnh dám nghĩ, dám làm, dám dấn thân của người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành - Hồ Chí Minh vẫn mãi là bài học quý báu để thế hệ trẻ hôm nay học tập.
Độc lập, tự chủ, sáng tạo, khát vọng, dám nghĩ, dám làm, dám dấn thân là đặc điểm nổi bật của thế hệ trẻ Việt Nam hiện nay. Trên khắp mọi miền của Tổ quốc, thanh niên vẫn nuôi hoài bão, ước mơ và khát vọng, đang ngày đêm hăng say luyện tập, học hành, công tác, sẵn sàng xung kích đảm đương nhiệm vụ khó khăn, chấp nhận mọi gian nan, thử thách, chủ động, sáng tạo. Họ đã có những đóng góp cho sự nghiệp xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Tuy nhiên, bên cạnh đó có một bộ phận thanh niên sống thiếu lý tưởng, thiên hướng nhiều đến hưởng thụ hơn là cống hiến, lười học tập, rèn luyện, đua đòi, xa rời bản sắc văn hóa dân tộc, sa vào các loại tệ nạn xã hội, sống buông thả, thiếu trách nhiệm… Thực tế này có nguyên nhân khách quan là sự tác động tiêu cực của mặt trái kinh tế thị trường, của toàn cầu hóa… đã kích thích tư tưởng “vị lợi”, coi trọng giá trị vật chất hơn giá trị tinh thần, giá trị cá nhân hơn giá trị xã hội. Nhưng nguyên nhân cơ bản chính là sự tự nhận thức, ý thức của mỗi người; là cộng đồng, tổ chức chưa khơi dậy được khát vọng của tuổi trẻ.
Việc xây dựng, bồi đắp lý tưởng cách mạng cho thanh niên không phải là công việc riêng của một ngành, cơ quan, tổ chức nào, mà là trách nhiệm chung của toàn xã hội, của gia đình, nhà trường và cả sự nỗ lực rèn luyện của chính bản thân thanh niên. Đảng ta luôn quan tâm đến việc bồi dưỡng lý tưởng cách mạng cho thế hệ trẻ, khuyến khích, cổ vũ thanh niên nuôi dưỡng ước mơ, hoài bão lớn, xung kích, sáng tạo, làm chủ khoa học - công nghệ hiện đại. Sinh thời, Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong một lần gửi lời chúc Tết đã nhắc nhở thanh niên: thanh niên phải sống có lý tưởng và trí tuệ. Trí tuệ chính là động lực phát triển, là phương tiện hữu hiệu để mỗi thanh niên thực hiện lý tưởng của mình.
Hiện nay, để thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển đất nước được xác định tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng: “Đến năm 2025: Kỷ niệm 50 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp; đến năm 2030: Kỷ niệm 100 năm ngày thành lập Đảng, là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045: Kỷ niệm 100 năm ngày thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam), trở thành nước phát triển, thu nhập cao” thì “Khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự lực tự cường dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc”7 cho thế hệ thanh niên Việt Nam là nhiệm vụ hết sức quan trọng.
Do đó, cùng với việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục lý tưởng cách mạng cho thanh niên, các ngành, các cấp cần có biện pháp khơi dậy khát vọng lý tưởng của thanh niên; tạo môi trường hoạt động phong phú, tổ chức chặt chẽ; đặc biệt cần sự tin tưởng, đặt thanh niên vào một vị trí nhất định trong sự nghiệp cách mạng chung của toàn xã hội, tạo những điều kiện vật chất và tinh thần cần thiết để họ có thể rèn luyện và tự khẳng định, thực hiện được lý tưởng của họ; cần khuyến khích, cổ vũ thanh niên tích cực, say mê rèn luyện, học tập và lao động sáng tạo vì sự thành đạt, hạnh phúc của bản thân, gia đình và đất nước.
---------
Bài đăng trên Tạp chí Thông tin Khoa học chính trị số 2 (38) - 2024
1 Báo Nhân Dân số 4062, ngày 18/5/1965.
2 Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t.1, tr.461.
3 Hồ Chí Minh: Biên niên tiểu sử, Nxb Chính trị quốc gia, 2016, t.1, tr.86.
4 Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.2, tr.289.
5 Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.4, tr.187
6, 7 Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t.I, tr.112, 110.