TS HOÀNG THỊ QUYÊN
Học viện Chính trị khu vực IV
(TTKHCT) - Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng xác định: tiếp tục nắm vững và xử lý tốt các quan hệ lớn, trong đó có mối quan hệ “giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển văn hoá, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, bảo vệ môi trường”. Bài viết tổng hợp, phân tích cơ sở lý luận và thực tiễn việc hình thành quan điểm trên của Đảng, đồng thời chỉ ra một số định hướng chính sách nhằm hiện thực hóa quan điểm của Đảng về gắn tăng trưởng kinh tế với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội.
(Nguồn: hdll.vn)
Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, đặc biệt khi Việt Nam thực hiện đường lối đổi mới từ năm 1986 đến nay, Đảng Cộng sản Việt Nam đã không ngừng tổng kết thực tiễn, phát triển lý luận để kiến tạo tầm nhìn, định hướng phát triển đất nước. Năm 2011, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ ra rằng: “Đảng ta luôn chú ý và từng bước đề ra những quan điểm chủ trương và giải pháp kịp thời để xử lý mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội”1. Bài viết cung cấp các dữ liệu thực tế để làm sáng tỏ cơ sở hình thành và phát triển quan điểm tại Đại hội lần thứ XIII của Đảng về tăng trưởng kinh tế gắn liền với việc thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội.
1. Cơ sở lý luận và thực tiễn hình thành quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam về gắn tăng trưởng kinh tế với thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội
Trong tác phẩm Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản, C.Mác đã chỉ cho chúng ta thấy rằng: “... những người cộng sản có thể tóm tắt lý luận của mình thành một luận điểm duy nhất này là: xóa bỏ chế độ tư hữu”2. Tại sao C.Mác lại muốn bãi bỏ chế độ sở hữu tư nhân về tư liệu sản xuất? Bởi ông cho rằng, chế độ sở hữu tư nhân về tư liệu sản xuất là nhân tố chính dẫn đến phân tầng, phân hóa xã hội theo những cách thức không công bằng. Theo C.Mác, “Sự tồn tại của chế độ sở hữu tư nhân về tư liệu sản xuất, kéo theo đó là sự phân phối bất bình đẳng về của cải vật chất, sản phẩm lao động trong xã hội là nét chung, phổ biến của mọi xã hội có giai cấp, là yếu tố thường xuyên, trực tiếp dẫn đến phân tầng xã hội, phân hóa xã hội”3. Học thuyết của C.Mác hướng con người đến một xã hội tốt đẹp trong đó chế độ công hữu về tư liệu sản xuất sẽ dần thay thế cho chế độ sở hữu tư nhân về tư liệu sản xuất - nguồn gốc sâu xa của bất bình đẳng xã hội. Ông viết: “Đặc trưng của chủ nghĩa cộng sản không phải là xóa bỏ chế độ sở hữu nói chung, mà là xóa bỏ chế độ sở hữu tư sản”4. Chủ nghĩa cộng sản và chủ nghĩa xã hội sẽ sửa chữa những sai lầm của hệ thống thị trường tự do trong nền kinh tế tư bản bao gồm việc bóc lột công nhân, áp bức giai cấp và xóa bỏ tình trạng bất bình đẳng giữa người giàu và người nghèo. Học thuyết của C.Mác đã cho nhân loại vũ khí lý luận sắc bén để cải tạo xã hội theo hướng công bằng và bình đẳng, một xã hội không có áp bức, bất công, trong đó mọi người đều có cơ hội để phát triển.
Trong nhiều thập kỷ qua, Đảng Cộng sản Việt Nam đã lãnh đạo toàn dân xây dựng xã hội “dân chủ, công bằng, văn minh”. Tuy nhiên cùng với quá trình tăng trưởng và phát triển kinh tế, bên cạnh những thành tựu trong xóa đói, giảm nghèo, nâng cao mức sống cho đại đa số người dân, khoảng cách giàu nghèo, chênh lệch về mức sống, về thu nhập và chi tiêu giữa các nhóm dân cư đang ngày một gia tăng. Nếu đánh giá mức độ bất bình đẳng về thu nhập qua hệ số GINI (số liệu được trình bày trong Bảng 1) cho chúng ta thấy một số điểm đáng lưu ý về mức độ gia tăng bất bình đẳng tại Việt Nam.
Số liệu Bảng 1 cho ta thấy trong giai đoạn 2016-2020 bất bình đẳng về thu nhập của nước ta luôn duy trì ngưỡng trên 0,4 tương ứng với mức bất bình đẳng ở mức vừa và có sự sụt giảm nhẹ vào năm 2020. Hệ số GINI có sự chênh lệch khá rõ theo các vùng miền. So với mặt bằng chung của cả nước, Tây Nam Bộ là khu vực có hệ số GINI thuộc nhóm thấp, trong giai đoạn 2016-2020 hệ số bất bình đẳng về thu nhập của Tây Nam Bộ luôn thấp hơn so với mặt bằng chung của cả nước, thấp hơn đáng kể so với Tây Nguyên hay Trung du và miền núi phía Bắc.
Mức độ bất bình đẳng thu nhập còn được thể hiện qua hệ số giãn cách về thu nhập giữa các nhóm dân cư. Nếu so sánh thu nhập của 20% nhóm người có thu nhập thấp nhất và 20% nhóm người có thu nhập cao nhất chúng ta thấy trong giai đoạn 2016-2020 ở nước ta khoảng cách thu nhập giữa hai nhóm này ngày càng lớn, điều này cho thấy sự phân hóa giàu nghèo ngày càng tăng (Xem Bảng 2).
Số liệu tại Bảng 2 cho thấy trong giai đoạn 2010-2020 hệ số giãn cách thu nhập, chênh lệch giữa nhóm nghèo nhất và giàu nhất của nước ta luôn duy trì mức trên 9 lần, chỉ số này tăng lên hơn 10 lần vào năm 2019, nghĩa là ở mức bất công bằng khá hoặc cao (nếu trên 10 lần là bất công bằng cao) tương đương với các quốc gia có mức thu nhập trung bình cao. Đến năm 2020, hệ số giãn cách thu nhập của Việt Nam có sự sụt giảm nhẹ xuống còn 7,99, tuy nhiên đây là sự sụt giảm trong ngắn hạn do tác động tiêu cực của dịch bệnh COVID-19 và hiệu quả của các chính sách an sinh xã hội tới các đối tượng là người nghèo, gia đình chính sách nên nhóm thu nhập thấp tăng 7,6% trong giai đoạn 2016-2020 nhanh hơn nhiều mức tăng 3,3% của nhóm thu nhập cao nhất5.
Đáng lưu ý là tình trạng phân hóa ngày càng lớn giữa các nhóm theo dân tộc. Các cuộc điều tra về mức sống dân cư những năm gần đây cho thấy khoảng cách chênh lệch về thu nhập và chi tiêu cũng như mức độ tiếp cận với các dịch vụ xã hội cơ bản của các nhóm theo dân tộc có sự phân hóa lớn. Với khu vực đồng bằng sông Cửu Long, địa bàn sinh sống của nhiều tộc người trong đó có người Kinh, người Hoa, người Chăm, người Khmer,... năm 2020 các dân tộc thiểu số chiếm khoảng 8% dân số toàn vùng nhưng chiếm tới 19,93% tổng số hộ nghèo của vùng.
2. Quan điểm của Đảng về gắn tăng trưởng kinh tế với thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội
Trong nhiều thập kỷ qua, kể từ khi ra đời và lãnh đạo cách mạng, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn kiên định và nhất quán với lời Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: “… làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành”6. Để thực hiện được mục tiêu này, “Đảng ta luôn chú ý và từng bước đề ra những quan điểm chủ trương và giải pháp kịp thời để xử lý mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội”7. Năm 1991, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII của Đảng đã thông qua Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Cương lĩnh xác định một trong những đặc trưng cơ bản của xã hội xã hội chủ nghĩa mà nhân dân ta xây dựng là “con người được giải phóng khỏi áp bức, bóc lột, bất công, làm theo năng lực, hưởng theo lao động, có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện cá nhân”8.
Tuy nhiên, cùng với tiến trình phát triển kinh tế, khoảng cách giàu nghèo ngày một gia tăng. Trẻ em trong các gia đình nghèo, nhóm dân tộc thiểu số có nguy cơ bị gạt xa, không được hưởng dịch vụ công đầy đủ, do đó họ không có cơ hội để phát huy hết tiềm năng của mình. Kết quả điều tra mức sống dân cư năm 2020 của Việt Nam cho thấy: “Tỷ lệ dân số từ 15 tuổi trở lên chưa bao giờ đến trường hoặc không có bằng cấp của nhóm hộ nghèo nhất là 33,3%, cao gấp 5,1 lần so với nhóm hộ giàu nhất; Tỷ lệ dân số từ 15 tuổi trở lên có bằng cao đẳng, đại học và trên đại học cũng có khoảng cách đáng kể giữa hai nhóm hộ nghèo nhất và nhóm hộ giàu nhất (1,6% so với 28,5%)”9.
Gia tăng khoảng cách giàu nghèo, gia tăng bất bình đẳng xã hội nếu không được nhận thức đầy đủ và có định hướng chính sách đúng đắn có thể đẩy chúng ta đến thảm họa khôn lường. Bất bình đẳng xã hội nếu ở mức vừa phải có thể khuyến khích sự cố gắng, nỗ lực vươn lên của các tầng lớp dân cư, do đó, nó sẽ có tác động tích cực tới tăng trưởng và phát triển. Nhưng nếu bất bình đẳng quá lớn nó có thể làm giảm tăng trưởng, gây xung đột và phân hóa. Tình trạng này sẽ dẫn các quốc gia đến khủng hoảng thậm chí là thảm họa. Khi bất bình đẳng ở mức không thể chấp nhận được, người dân sẽ không còn tin tưởng vào các chính sách của nhà nước, điều này trực tiếp làm giảm đầu tư. Trong những trường hợp cực đoan, bất bình đẳng có thể dẫn đến bất ổn chính trị và xã hội.
Nếu không cảm nhận được các bất bình đẳng và nếu không thấy được những tác hại to lớn mà hiện tượng này gây ra cho các quốc gia, chúng ta sẽ không hiểu hết ý nghĩa và giá trị to lớn trong quan điểm của Đảng về: “Thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội ngay trong từng bước và từng chính sách phát triển; tăng trưởng kinh tế đi đôi với phát triển văn hóa, y tế, giáo dục…, giải quyết tốt vấn đề xã hội vì mục tiêu phát triển con người”10. Đây không chỉ là các định hướng mà là con đường và các biện pháp để chúng ta kịp thời giải quyết các mối quan hệ lớn trong tiến trình xây dựng và phát triển đất nước. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho rằng: “Chúng ta cần sự phát triển về kinh tế đi đôi với tiến bộ và công bằng xã hội, chứ không phải gia tăng khoảng cách giàu nghèo và bất bình đẳng xã hội”11. Điều này khẳng định về một mô hình quản lý phát triển xã hội theo hướng “Không chờ đến khi kinh tế đạt tới trình độ phát triển cao rồi mới thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, càng không “hy sinh” tiến bộ và công bằng xã hội để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần. Trái lại, mỗi chính sách kinh tế đều phải hướng tới mục tiêu phát triển xã hội; mỗi chính sách xã hội phải nhằm tạo ra động lực thúc đẩy phát triển kinh tế; khuyến khích làm giàu hợp pháp phải đi đôi với xóa đói, giảm nghèo bền vững, chăm sóc những người có công, những người có hoàn cảnh khó khăn”12.
3. Những giải pháp nhằm hiện thực hóa quan điểm gắn tăng trưởng kinh tế với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội trong Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng
Tác phẩm Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định rõ việc thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội không chỉ dừng lại ở quan điểm chỉ đạo mà phải được triển khai thông qua hệ thống chính sách xã hội, “thống nhất chính sách kinh tế với chính sách xã hội”13. Để đạt được mục tiêu này Tổng Bí thư cho rằng: “Quan hệ phân phối bảo đảm công bằng và tạo động lực cho phát triển; thực hiện chế độ phân phối chủ yếu theo kết quả lao động, hiệu quả kinh tế, đồng thời theo mức đóng góp vốn cùng các nguồn lực khác và phân phối thông qua hệ thống an sinh xã hội, phúc lợi xã hội”14. Theo đó chúng ta cần đẩy mạnh triển khai có hiệu quả một số chính sách căn bản như sau:
Một là, đảm bảo bình đẳng trong cơ hội phát triển cho tất cả mọi người thông qua việc hỗ trợ các nhóm yếu thế tiếp cận với các dịch vụ xã hội cơ bản như: y tế, giáo dục, khả năng tiếp cận với dịch vụ công. Khi nền kinh tế chuyển dịch sang kinh tế tri thức được định hình bởi sự tương tác của toàn cầu hóa và công nghệ, vốn con người ngày càng trở nên quan trọng trong việc xác định kết quả của thị trường lao động.Việc tăng cường mối quan hệ giữa vốn con người và vốn xã hội đã góp phần tạo ra sự phân cực rõ rệt hơn giữa các cá nhân. Khả năng tiếp cận với y tế, giáo dục là cầu nối khiến cho các nền tảng của sự phân cực ngày càng trở nên rõ nét. Theo đó để giảm bất bình đẳng và thúc đẩy phát triển kinh tế, chính trị, xã hội, các nhà nghiên cứu và những người làm chính sách đều đồng thuận với quan điểm cho rằng “cơ hội giáo dục, y tế cho trẻ em phải bình đẳng”15. Việc đảm bảo bình đẳng về cơ hội giáo dục, y tế cũng xuất phát từ quan điểm cho rằng cơ hội sống của trẻ không nên bị ấn định trước bởi các yếu tố như: tầng lớp xã hội, chủng tộc, giới tính hay nguồn gốc xuất thân. Vì vậy, Nhà nước cần có chính sách can thiệp để đảm bảo rằng tất cả mọi người đều được hưởng cơ hội như nhau trong việc tiếp cận với giáo dục, đào tạo, y tế và các dịch vụ xã hội cơ bản khác. Ai cũng có thể có cơ hội để phát huy tài năng năng lực của mình, những thành quả trong cuộc sống đều dựa trên tài năng và nỗ lực cá nhân chứ không phụ thuộc vào bất cứ yếu tố nào khác như: giới tính, dân tộc, màu da, khu vực sinh sống hay hoàn cảnh gia đình. Nhà nước cần cung cấp giáo dục, y tế và các dịch vụ xã hội cơ bản khác miễn phí ở những cấp nhất định và hỗ trợ phí hay đảm bảo chi phí cho các dịch vụ này ở mức có thể tiếp cận được với tất cả mọi người.
Hai là, triển khai các biện pháp can thiệp hỗ trợ các nhóm thiệt thòi như trẻ em nghèo, trẻ em vùng sâu, vùng xa, phụ nữ, người khuyết tật và các nhóm thiệt thòi khác. Nhiều năm qua, Đảng và Nhà nước đã triển khai nhiều nhóm chính sách để hỗ trợ cho các nhóm thiệt thòi, đảm bảo cuộc sống cơ bản cho nhóm này thông qua hình thức phân phối lại bằng các chính sách phúc lợi xã hội. Những năm tới, để thực hiện tốt hơn, ngoài việc hỗ trợ chúng ta cần tạo cơ hội để các nhóm thiệt thòi có thể vươn lên nhờ năng lực của họ thông qua tạo cơ hội tiếp cận với giáo dục, chuyển đổi việc làm. Theo đó, một số chính sách cần phải thay đổi lại ví dụ chính sách ưu đãi tạo cơ hội và điều kiện cho trẻ em trong các hộ gia đình nghèo, trẻ em là người dân tộc thiểu số ở các vùng khó khăn, trẻ em không nơi nương tựa được tiếp cận giáo dục cơ bản. Liên quan đến lĩnh vực này, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách ưu đãi, như: Nghị định số 49/2010/NĐ-CP ngày 14/5/2010 của Chính phủ “Quy định về miễn giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập và cơ chế thu, sử dụng học phí đối với cơ sở giáo dục quốc dân từ năm học 2010-2011 tới 2014-2015”, trong đó đối tượng được miễn giảm học phí là con của hộ nghèo theo quy định nhà nước; Nghị định 74/2013/NĐ-CP ngày 15/7/2013 của Chính phủ về “Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 49/2010/NĐ-CP ngày 14/5/2010 của Chính phủ quy định về miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập và cơ chế thu, sử dụng học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân từ năm học 2010-2011 đến năm học 2014-2015”; Quyết định 12/2013/QĐ-TTg ngày 24/01/2013 của Thủ tướng Chính phủ “Quy định chính sách hỗ trợ học sinh trung học phổ thông ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn”. Tuy nhiên, chúng ta phải nhận thấy rằng đối với cơ hội giáo dục thì học phí chiếm khoản chi phí khá nhỏ. Bên cạnh học phí là nhiều khoản phí khác đáng kể hơn vẫn đang là rào cản với các nhóm học sinh nghèo. Theo đó những năm tới, Chính phủ cần nỗ lực hơn trong việc triển khai các giải pháp hướng đến bình đẳng trong tuyển sinh, chẳng hạn như cung cấp cơ hội việc làm cho phụ huynh hoặc khuyến khích tài chính để các gia đình gửi con đến trường. Bên cạnh các biện pháp chỉ điều trị triệu chứng chứ không điều trị nguyên nhân gốc rễ của sự bất bình đẳng như vừa đề cập, Nhà nước cần triển khai các giải pháp nhằm cung cấp nền giáo dục miễn phí, dễ tiếp cận có chất lượng cho tất cả người học đặc biệt là học sinh vùng sâu, vùng xa thông qua việc đầu tư cơ sở vật chất, thu hút nguồn nhân lực giáo dục chất lượng cao cho các vùng này16.
Ba là, thúc đẩy mở rộng diện bao phủ của các chính sách an sinh xã hội và thực hiện tốt các chính sách này. Trong những thập kỷ qua, hệ thống an sinh xã hội của Việt Nam đã chứng tỏ vai trò mang tính xây dựng trong việc thúc đẩy công bằng xã hội và chống lại những tác động tiêu cực của khủng hoảng kinh tế. Với hệ thống chính sách an sinh xã hội hiện hành, người lao động trong khu vực chính thức được tiếp cận với bảo hiểm xã hội, những người nghèo được trợ giúp và được tiếp cận với dịch vụ y tế cơ bản, nhưng vẫn còn một nhóm lớn trong dân số đặc biệt là đồng bào các dân tộc thiểu số chưa được tiếp cận với các chính sách an sinh. Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 01/6/2012 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về “Một số vấn đề về chính sách xã hội giai đoạn 2012-2020” cho thấy quyết tâm của Việt Nam trong việc phát triển hệ thống an sinh xã hội phù hợp với các chuẩn mực quốc tế, phù hợp với một quốc gia có thu nhập trung bình và đảm bảo ngày càng tốt hơn các quyền cơ bản của con người. Việc đạt được mục tiêu này không phải là dễ dàng, đặc biệt trong bối cảnh của quá trình chuyển đổi.
Để có được những lựa chọn tốt nhất cho Việt Nam trong việc phát triển hệ thống an sinh xã hội đáp ứng những tiêu chuẩn quốc tế, phù hợp với đặc trưng kinh tế - xã hội của một quốc gia có thu nhập trung bình thấp, nơi đa số người dân làm việc trong khu vực kinh tế phi chính thức, Nhà nước cần triển khai đồng bộ các nhóm giải pháp cơ bản như sau:
Thứ nhất, cần phải kết hợp một cách khéo léo mô hình nhà nước phúc lợi và mô hình nhà nước xã hội theo từng giai đoạn phù hợp với nhu cầu hiện hành. Việc giảm nghèo và cung cấp dịch vụ cơ bản yêu cầu sự hỗ trợ của nhà nước, trong khi chính sách thị trường lao động và bảo hiểm xã hội yêu cầu có sự tham gia của người dân.
Thứ hai, xây dựng mô hình bảo hiểm xã hội đa dạng, thí điểm triển khai cho người lao động lựa chọn hình thức đóng và thụ hưởng bảo hiểm xã hội. Mô hình bảo hiểm xã hội của nước ta hiện nay, người lao động đóng bảo hiểm xã hội và được thụ hưởng theo mức do Nhà nước quy định. Bên cạnh hình thức này, Chính phủ nên thí điểm cho người lao động được phép lựa chọn chế độ bảo hiểm xã hội hai phần. Phần bảo hiểm xã hội do người sử dụng lao động đóng sẽ nộp vào quỹ bảo hiểm xã hội và người lao động sẽ hưởng lương hưu theo hình thức thụ hưởng xác định, như chế độ bảo hiểm xã hội hiện hành. Phần do người lao động đóng góp được chuyển vào tài khoản bảo hiểm xã hội cá nhân, người lao động thụ hưởng dựa trên đóng góp của chính họ.
Thứ ba, tạo đột phá thu hút người lao động tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện theo hướng nhà nước nâng mức hỗ trợ phí bảo hiểm xã hội và cho phép người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện được hưởng đầy đủ các chế độ bảo hiểm xã hội như bảo hiểm xã hội bắt buộc.
4. Kết luận
Để theo đuổi mô hình phát triển bền vững, một thách thức quan trọng là phải tìm ra sự cân bằng mới giữa các mục tiêu kinh tế và xã hội. Tăng trưởng kinh tế phải gắn với tiến bộ và công bằng xã hội; mỗi thành quả tăng trưởng kinh tế phải được tính toán hợp lý, vừa tái đầu tư cho phát triển kinh tế, vừa đầu tư cho phát triển xã hội; mỗi chính sách, chương trình, dự án phát triển kinh tế đều phải tính toán đầy đủ các mục tiêu xã hội là định hướng đúng đắn mà Đảng đã chỉ ra. Tính không bền vững của mô hình phát triển hiện nay đã bộc lộ khi khoảng cách giàu nghèo ngày một gia tăng. Theo đó, các cấp, các ngành cần phải quán triệt và nhận thức một cách đầy đủ về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước nhằm đảm bảo rằng cơ hội sống, cơ hội phát triển của mỗi cá nhân không nên bị ấn định trước bởi các yếu tố như: tầng lớp xã hội, chủng tộc, giới tính hay nguồn gốc xuất thân.
---------
Bài đăng trên Tạp chí Thông tin Khoa học chính trị số 2 (38) - 2024
1, 7 Nguyễn Phú Trọng: Về các mối quan hệ lớn cần được giải quyết tốt trong quá trình đổi mới đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.167-168.
2, 4 C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2002, t.4, tr.616, 615.
3 Nguyễn Đình Tấn và Lê Võ Toàn: Quan niệm của Marx và các nhà xã hội học phương Tây về phân tầng xã hội, Tạp chí Xã hội học, Số 2 (94), 2006, tr.97.
5 Tổng cục Thống kê: Xu hướng bất bình đẳng trong phân phối thu nhập ở việt nam giai đoạn 2016-2020,https://www.gso.gov.vn/du-lieu-va-so-lieu-thong-ke/2021/06/xu-huong-bat-binh-dang-trong-phan-phoi-thu-nhap-o-viet-nam-giai-doan-2016-2020/
6 Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t.15, tr.627.
8 Đảng Cộng sản Việt Nam: Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (thông qua tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII của Đảng), https://dangcongsan.vn/tu-lieu-tham-khao-cuoc-thi-trac-nghiem-tim-hieu-90-nam-lich-su-ve-vang-cua-dang-cong-san-viet-nam/tu-lieu-cuoc-thi/cuong-linh-xay-dung-dat-nuoc-trong-thoi-ky-qua-do-len-chu-nghia-xa-hoi-thong-qua-tai-dai-hoi-dai-bieu-toan-quoc-lan-thu-vii-cua-dang-543514.html, truy cập nhật 15/3/2024.
9 Tổng cục Thống kê, 2020, Kết quả sơ bộ khảo sát mức sống dân cư năm 2020, https://www.gso.gov.vn/wp-content/uploads/2021/05/Ket-qua-so-bo-KSMS2020.pdf, truy cập ngày 15/5/2022.
10 Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, tr.77-78.
11, 12&13, 14 Nguyễn Phú Trọng: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2022, tr.21, 27, 26.
15 Equality of Educational Opportunity từ trang https://plato.stanford.edu/ENTRIES/equal-ed-opportunity/, cập nhật 15/2/2023.
16 USAID’s office of women in development: Education from a gender equality perspective, 2008, p.16.