ThS TRẦN THỊ THÚY
Học viện Chính trị khu vực IV
(TTKHCT) - Quan điểm “Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc” là sự phát triển mới, lần đầu tiên được xác định trong Văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng. Đây là điểm nhấn quan trọng trong tư duy, sự phát triển nhận thức của Đảng về sức mạnh nội sinh của dân tộc và phương thức phát triển đất nước trong bối cảnh mới; đưa nước ta tiến lên xây dựng một Việt Nam độc lập, tự do, hạnh phúc; một Việt Nam hùng cường, một nước phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa luôn là khát vọng mãnh liệt của bao thế hệ lãnh đạo và người dân Việt Nam. Khát vọng ấy đã hiệu triệu, khơi dậy lòng yêu nước, hun đúc tinh thần đoàn kết và sức mạnh của nhân dân toàn dân tộc, làm nên những thắng lợi to lớn có ý nghĩa lịch sử trong quá trình bảo vệ và xây dựng phát triển đất nước. Bài viết nhằm làm rõ một số nội dung lý luận của quan điểm nêu trên, qua đó đề xuất cách thức khơi dậy khát triển đất nước.
(Nguồn: daihoi13.dangcongsan.vn)
1. Đặt vấn đề
Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước là bài học luôn được các thế hệ người Việt Nam từ xưa đến nay đặc biệt coi trọng, nhờ đó biết cách vượt qua và hiện thực hóa mọi mong ước, khát vọng. Đó là hình ảnh của Hoài Văn Hầu Trần Quốc Toản tại Hội nghị Bình Than (1283), vì nhỏ tuổi không được dự bàn đã phẫn kích, tay cầm quả cam, bóp nát lúc nào không biết; sau đó lui về, huy động hơn nghìn gia nô và thân thuộc, sắm vũ khí, đóng chiến thuyền, viết lên cờ 6 chữ: “Phá cường địch, báo hoàng ân” (Phá giặc mạnh, báo ơn vua). Sau này, đối trận với giặc, Trần Quốc Toản xông lên trước quân sĩ, giặc trông thấy phải lui tránh, không dám đối địch1. Đó là sự nỗ lực cống hiến và hy sinh để thực hiện khát vọng về một đất nước độc lập “Ngẫm thù lớn há đội trời chung/Căm giặc nước thề không cùng sống” thể hiện trong Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi (1428). Đó là hình ảnh của những người dân yêu nước sẵn sàng nếm mật nằm gai; quên ăn vì giận; Chí phục thù đã quyết/Dẫu thức ngủ không quên; mài ý chí, quyết vượt gian nguy; Dựng gậy làm cờ, tụ hội bốn phương manh lệ/Hòa rượu mời lính, dưới trên một dạ cha con2 để đánh thắng giặc Minh xâm lược, bảo vệ độc lập, hòa bình đất nước. Đặc biệt, tấm gương Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, với khát vọng giải phóng dân tộc khỏi ách thống trị của thực dân Pháp xâm lược, trải qua hành trình 30 năm bôn ba tìm đường cứu nước với nhiều khó khăn, thử thách, Người đã tìm ra con đường cứu nước cho dân tộc Việt Nam và lãnh đạo cách mạng Việt Nam thành công. Tiếp nối và phát huy truyền thống quý báu của dân tộc Việt Nam, tại Đại hội lần thứ XIII của Đảng, khơi dậy khát vọng phát triển đất nước được xác định là một thành tố của chủ đề Đại hội, là nhiệm vụ trọng tâm, nhằm hiện thực hóa mục tiêu “đến giữa thế kỷ XXI, nước ta trở thành một nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa”3. Đồng thời, Đảng ta khẳng định: “Động lực và nguồn lực phát triển quan trọng của đất nước là khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc”4. Chính vì vậy, cụ thể hóa nội dung, biện pháp khơi dậy khát vọng phát triển đất nước để đánh thức những mong muốn, khát khao tiềm ẩn trong mỗi người dân Việt Nam, để mỗi người không ngừng nỗ lực cố gắng phấn đấu để hiện thực hóa mong ước đó bằng những hành động cụ thể, thiết thực - đây là vấn đề rất thiết thực, cấp bách hiện nay.
2. Nội dung khơi dậy khát vọng phát triển đất nước
Thứ nhất, quyết tâm giữ vững mục tiêu độc lập dân tộc (ĐLDT) và chủ nghĩa xã hội (CNXH)
ĐLDT và CNXH là khát vọng của toàn dân tộc Việt Nam, là động lực để tất cả mọi người dân đồng tâm, đồng tình, đồng lòng đánh thắng mọi kẻ thù xâm lược và vượt qua mọi bước ngoặt của lịch sử. Trong giai đoạn hiện nay, dù bối cảnh tình hình trong nước và thế giới đã có nhiều sự thay đổi, song ước mơ của tất cả người dân Việt Nam vẫn là giữ vững độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và hướng tới một xã hội mà trong đó sự phát triển là thực sự vì con người; là một xã hội mà sự phát triển về kinh tế đi đôi với tiến bộ và công bằng xã hội; là một xã hội nhân ái, đoàn kết, tương trợ lẫn nhau, hướng tới các giá trị tiến bộ, nhân văn; là một xã hội phát triển bền vững, hài hòa với thiên nhiên để bảo đảm môi trường sống trong lành cho các thế hệ hiện tại và tương lai; có hệ thống chính trị mà quyền lực thực sự thuộc về Nhân dân, do Nhân dân và phục vụ lợi ích của Nhân dân - Những mong ước tốt đẹp đó chính là những giá trị đích thực của xã hội xã hội chủ nghĩa mà Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng ta và Nhân dân ta đã lựa chọn và đang kiên định, kiên trì theo đuổi.5
Thứ hai, đảm bảo sự phát triển bền vững đất nước
Phát triển bền vững đất nước để đảm bảo tất cả mọi người dân được hưởng cuộc sống hòa bình và thịnh vượng là khát vọng của chung nhân loại cũng như của mọi người dân Việt Nam; là yêu cầu xuyên suốt trong quá trình phát triển đất nước, là cơ sở để phát triển nhanh, là xu thế tất yếu trong tiến trình phát triển của tất cả các quốc gia trên thế giới, là mục tiêu toàn cầu đòi hỏi các quốc gia thành viên Liên hợp quốc cần cam kết thực hiện. Thực hiện cam kết quốc tế, ngày 10/5/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 622/QĐ-TTg ngày 10/5/2017 về việc ban hành Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự năm 2030 vì sự phát triển bền vững. Ngày 04/6/2019 Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định số 681/QĐ-TTg về việc ban hành Lộ trình thực hiện các mục tiêu phát triển phát triển bền vững Việt Nam đến năm 2030, theo đó, Việt Nam đã xây dựng bộ mục tiêu phát triển bền vững (SDG) với 17 mục tiêu chung, được cụ thể thành 119 mục tiêu riêng. Các mục tiêu Việt Nam đưa ra vừa có sự tương đồng với mục tiêu chung của thế giới vừa mang đặc trưng riêng của Việt Nam. Thực hiện mục tiêu phát triển bền vững đất nước, Việt Nam đã có nhiều nỗ lực để đạt được mục tiêu đề ra, thể hiện rõ ở chỉ số xếp hạng SDG của Việt Nam trong những năm gần đây liên tục tăng: năm 2017 đạt 67,90 điểm xếp hạng vị trí 68, năm 2018 đạt 69,70 điểm xếp hạng thứ 57, năm 2019 đạt 71,10 điểm xếp hạng thứ 54, năm 2020 đạt 73,80 điểm xếp hạng vị trí 49. Tuy nhiên, 2 năm gần đây Việt Nam đã tụt hạng, năm 2022 và năm 2023 Việt Nam đều đạt 72,80 điểm, xếp hạng thứ 51 và 556. Nguyên nhân chính của việc giảm thứ hạng là do thay đổi về mặt phương pháp tính, song cũng đặt ra yêu cầu đối với Việt Nam, từng địa phương và mỗi người dân Việt Nam phải tích cực hơn nữa để đạt được mục tiêu phát triển bền vững. Chiến lược phát triển bền vững của Việt Nam là để hiện thực hóa khát vọng phát triển. Cụ thể:
(1) Đảm bảo phát triển bền vững về kinh tế. Phát triển mạnh mẽ khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số để tạo bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh. Phấn đấu trong giai đoạn 2021-2030, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) bình quân khoảng 7%/năm; GDP bình quân đầu người đến năm 2030 đạt khoảng 7.500 USD; tốc độ tăng trưởng năng suất lao động xã hội bình quân đạt trên 6.5%; tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo đạt khoảng 30% GDP, kinh tế số đạt khoảng 30% GDP; tỷ lệ đô thị hóa đạt trên 50%; tổng đầu tư xã hội bình quân đạt 33-35% GDP; nợ công không quá 60% GDP; đóng góp của năng suất nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng đạt 50%; giảm tiêu hao năng lượng tính trên đơn vị GDP ở mức 1-1.5%.
(2) Đảm bảo phát triển bền vững về xã hội. Không ngừng nâng cao đời sống mọi mặt của nhân dân. Duy trì chỉ số phát triển con người (HDI) trên 0.7%; tuổi thọ bình quân đạt 75 tuổi, trong đó thời gian sống khỏe mạnh đạt tối thiểu 68 năm; tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 35-40%; tỷ trọng lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội giảm xuống dưới 20%. Phấn đấu trên 95% dân số được quản lý, theo dõi và chăm sóc, bảo vệ sức khỏe. Phấn đấu đạt 32 giường bệnh và 11 bác sĩ trên 1 vạn dân. Thực hiện bảo hiểm y tế toàn dân, phấn đấu tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế trên 95% dân số, đa dạng mức đóng và mức hưởng. Tỷ lệ nghèo đa chiều duy trì giảm 1-1.5%/năm, đến năm 2030, chấm dứt mọi hình thức nghèo ở mọi nơi.
(3) Đảm bảo phát triển bền vững về môi trường. Tăng cường bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu. Đảm bảo tỷ lệ sử dụng nước sạch, nước hợp vệ sinh của dân cư thành thị là 95-100%, nông thôn là 93-95%; tỷ lệ che phủ rừng ổn định ở mức 42%; tỷ lệ xử lý và tái sử dụng nước thải ra môi trường lưu vực các sông đạt trên 70%; giảm 9% lượng phát thải khí nhà kính; 100% các cơ sở sản xuất kinh doanh đạt quy chuẩn về môi trường; tỷ lệ sơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng được xử ký đạt 100%; tỷ lệ chất thải nguy hại được tiêu hủy, xử lý đạt 98%, trong đó riêng tỷ lệ chất thải y tế được xử lý đạt 100%; tỷ lệ khu công nghiệp, khu chế xuất đã đi vào hoạt động có nhà máy xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường đạt 100%; tỷ lệ tái sử dụng, tái chế chất thải rắn sinh hoạt đạt trên 65%; tăng diện tích các khu bảo tồn biển, ven biển đạt 3-5% diện tích tự nhiên vùng biển quốc gia. Với những mục tiêu phát triển bền vững đã được xác định, tất cả mọi người dân quyết tâm phấn đấu đạt các mục tiêu và chỉ tiêu ở mức cao nhất.
Thứ ba, phát huy giá trị văn hóa Việt Nam trong quá trình phát triển
Văn hóa Việt Nam là tổng thể những giá trị vật chất và tinh thần do cộng đồng các dân tộc Việt Nam sáng tạo ra trong quá trình dựng nước và giữ nước. Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển kinh tế - xã hội. Đối với mỗi con người và mỗi dân tộc, văn hóa có vị trí, vai trò rất quan trọng trong sự hoàn thiện nhân cách của cá nhân, sự vững bền của mỗi cộng đồng. Khát vọng phát triển đất nước khó có thể hiện thực nếu không phát huy được sức mạnh nội lực của chính quốc gia đó. Do đó, phát huy các giá trị văn hóa Việt Nam là điều kiện để thực hiện lý tưởng, mục tiêu cao đẹp của dân tộc ta. Trong lịch sử, văn hóa Việt Nam chính là sức mạnh để chúng ta đánh thắng mọi kẻ thù xâm lược, ngày nay, văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam. Cùng với các nguồn lực kinh tế, tài nguyên thiên nhiên… nguồn lực văn hóa đang phát huy hiệu quả tích cực và đóng vai trò ngày càng quan trọng, tác động trực tiếp đến sự phát triển đất nước. Tuy nhiên, văn hóa vẫn chưa được quan tâm tương xứng, chưa thật sự trở thành nguồn lực, động lực nội sinh của sự phát triển bền vững đất nước. Chưa có giải pháp hữu hiệu để ngăn chặn, đẩy lùi sự xuống cấp nghiêm trọng về một số mặt văn hóa, gây bức xúc dư luận xã hội... Do đó, bảo vệ và phát huy các giá trị tốt đẹp, bền vững trong truyền thống văn hóa Việt Nam; bảo vệ, giữ gìn tài nguyên văn hóa cho các thế hệ mai sau; giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc của người Việt Nam; phát huy sức mạnh mềm của văn hóa Việt Nam trong phát triển đất nước; chủ động, tích cực hội nhập quốc tế về văn hóa, xây dựng Việt Nam thành địa chỉ hấp dẫn về giao lưu văn hóa quốc tế; từng bước đưa văn hóa Việt Nam đến với thế giới, đây là mong ước của mỗi người dân Việt Nam.
3. Cách thức khơi dậy khát vọng phát triển đất nước
Thứ nhất, kiên trì, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội
Để thực hiện mục tiêu ĐLDT và CNXH cần có sự nỗ lực phấn đấu của toàn dân. (1) Xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh đáp ứng yêu cầu mọi nhiệm vụ cách mạng trong tình hình mới; (2) Tăng cường công tác tư tưởng của Đảng, làm cho tất cả người dân và cán bộ đều nhận rõ tính tất yếu phải bảo vệ ĐLDT gắn với xây dựng CNXH và trách nhiệm của mỗi cá nhân đối với đất nước; (3) Nâng cao chất lượng công tác giáo dục lý luận chính trị cho đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ chủ chốt; (4) Khắc phục, đẩy lùi căn bệnh lười học chính trị, ngại học chính trị trong một bộ phận cán bộ; (5) Phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân, sức mạnh của nhân dân trong thực hiện mục tiêu ĐLDT và CNXH; (6) Mỗi cán bộ - người được dân ủy quyền đại diện cho dân xây dựng chế độ xã hội mới phải không ngừng nỗ lực, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ; nêu cao tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách và quyết liệt trong hành động vì lợi ích chung.
Thứ hai, khơi dậy tinh thần yêu nước và ý chí tự lực, tự cường của người Việt Nam
(1) Khơi dậy tinh thần yêu nước. Tinh thần yêu nước là giá trị văn hóa hàng đầu của dân tộc Việt Nam, là phẩm chất vốn có của mỗi con người Việt Nam, là động lực phát triển quan trọng của đất nước. Tinh thần yêu nước bao gồm tổng hòa các yếu tố tri thức, tình cảm, ý chí của con người Việt Nam, tạo thành động lực tinh thần thôi thúc mỗi người sẵn sàng cống hiến tài năng, trí tuệ và hy sinh tất cả vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc7. Để khơi dậy tinh thần yêu nước hiện nay: (1) Cụ thể nội dung giáo dục, bồi dưỡng chủ nghĩa yêu nước phù hợp với tình hình mới; (2) Chú trọng giáo dục, bồi dưỡng lý tưởng, niềm tin, thế giới quan, nhân sinh quan cách mạng để định hướng suy nghĩ và hành vi của mỗi người; (3) Đa dạng hóa hình thức, phương pháp giáo dục và bồi dưỡng chủ nghĩa yêu nước cho cán bộ; (4) Đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, lôi cuốn mọi người cùng tham gia vì mục tiêu chung; (5) Tổ chức thực hiện và kiểm tra giám sát việc thực hiện Kết luận 01-KL/TW ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và tổ chức thực hiện tốt chuyên đề toàn khóa nhiệm kỳ Đại hội lần thứ XIII của Đảng về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về ý chí tự lực, tự cường và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; (6) Tăng cường nêu gương người tốt, việc tốt để lan tỏa những giá trị tốt đẹp đến với mọi người.
(2) Khơi dậy ý chí tự lực, tự cường. Tự lực, tự cường là không phụ thuộc vào bên ngoài, vào người khác; luôn chủ động, chuẩn bị mọi điều kiện cần thiết đảm bảo thực hiện mọi mục tiêu, kế hoạch đặt ra. Để khơi dậy ý chí tự lực, tự cường cần: (1) Luôn có quan điểm độc lập, chủ động trong quá trình phát triển, không phụ thuộc vào lực lượng bên ngoài; (2) Nhận thức rõ sức mạnh của chính đất nước, địa phương mình, sẵn sàng tiếp nhận cái hay, cái tiến bộ, đấu tranh chống lại cái cũ kỹ, lạc hậu; (3) Chủ động, chuẩn bị tất cả mọi điều kiện đảm bảo sự phát triển cả về kết cấu hạ tầng, khoa học công nghệ, thu hút, đào tạo, sử dụng nguồn nhân lực chất lượng cao…; (4) Biết phát huy vai trò, sức mạnh của nhân dân vì sự nghiệp cách mạng; (5) Quyết tâm bảo vệ và giữ vững nền độc lập dân tộc. Đối với mỗi người dân, ý chí tự lực, tự cường là tin tưởng và quyết tâm hiện thực hóa mọi khát vọng bằng chính năng lực, trí tuệ của chính bản thân; (6) Đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia, phát triển nền kinh tế số, xã hội số để tạo bứt phá về nâng cao năng suất, hiệu quả, chất lượng, sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Thứ ba, tăng cường giáo dục truyền thống cách mạng và ý thức tự tôn dân tộc
Truyền thống cách mạng, ý thức tự tôn dân tộc là “cơ sở vun đắp nhân cách tốt đẹp, hình thành niềm tin, lòng tự hào, lối sống cao thượng cho mỗi cuộc đời, mỗi con người”8. Nội dung giáo dục cần làm rõ: (1) Truyền thống lịch sử, đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc; tinh thần sẵn sàng chiến đấu bảo vệ độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ; khát vọng phát triển đất nước sánh vai với các cường quốc năm châu; (2) Những giá trị văn hóa của dân tộc Việt Nam: yêu nước, đoàn kết, cần cù, thông minh, sáng tạo, khoan dung, nhân ái, hiếu học; (3) Những thành tựu đất nước đạt được trong tiến trình lịch sử Việt Nam, đặc biệt là những thành tựu đạt được qua hơn 35 năm đổi mới; (4) Tinh thần dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám đột phá sáng tạo trong học tập, lao động, cuộc sống; (5) Tinh thần đấu tranh chống lại cái xấu, lạc hậu, xây dựng cái mới, tốt đẹp; (6) Ý thức sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật9.
Thứ tư, xây dựng, thực thi chính sách đảm bảo vì lợi ích chung
Chính sách là công cụ của Nhà nước, do Nhà nước xây dựng, ban hành, thực thi nhằm thực hiện các mục tiêu đã lựa chọn; là sự cụ thể hóa và hiện thực hóa đường lối, chủ trương của Đảng. Chính sách có chức năng định hình khuôn khổ thể chế cho xã hội vận hành theo quy luật; định hướng và kích thích sự phát triển; điều tiết các thất bại của thị trường, kiên trì theo đuổi mục tiêu phát triển; kiềm chế những yếu tố gây hại cho sự phát triển của xã hội; tạo môi trường thích hợp cho các hoạt động kinh tế - xã hội. Thực tiễn Việt Nam và thế giới cho thấy, sự phát triển của một quốc gia thường bắt đầu từ việc xây dựng và thực thi các chính sách phù hợp, nhờ đó khơi dậy được các tiềm năng, lợi thế của đất nước, khơi dậy được sức mạnh của từng người dân. Ngược lại, chính sách sai lầm là tiền đề dẫn đến kìm hãm, triệt tiêu động lực phát triển. Do đó, để khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, cần xây dựng, thực thi chính sách đúng đắn, phù hợp có tác động sâu sắc, toàn diện đến tất cả mọi lĩnh vực, mọi người dân, từ đó, khơi dậy ý chí, khát vọng của mỗi người dân trong xây dựng, phát triển đất nước. Muốn vậy, xây dựng chính sách phải tuân thủ các nguyên tắc: (1) Đảm bảo mục tiêu chính sách vì lợi ích chung; (2) Đảm bảo tính công khai, minh bạch và tính giải trình; (3) Đảm bảo tính khả thi trong tổ chức thực hiện; (4) Đảm bảo sự tham gia của tất cả mọi người dân trong xây dựng cũng như thực thi chính sách. Bởi, Nhân dân chính là người chịu đựng cái kết quả lãnh đạo của ta, nếu không có sự tham gia của Nhân dân thì chính sách dù đúng đắn mấy cũng vô ích. Đặc biệt, để chính sách đó mang lại hiệu quả trong thực tế, quá trình thực thi chính sách cần (1) Đảm bảo tính thống nhất, nhất quán với các mục tiêu chính; (2) Đảm bảo tính hệ thống; (3) Đảm bảo tính khoa học, hợp lý, hợp pháp; (4) Đảm bảo lợi ích của người dân10.
Thứ năm, ngăn chặn, từng bước đẩy lùi có hiệu quả tham nhũng, tiêu cực
Tham nhũng, tiêu cực là “những căn bệnh nguy hiểm”, “giặc nội xâm”, không chỉ gây thiệt hại về kinh tế mà còn là những trở lực ngăn cản người dân và cán bộ toàn tâm toàn ý, cống hiến và phấn đấu vì sự phát triển chung, thậm chí còn đe dọa sự ổn định, phát triển của đất nước, đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ. Do đó, ngăn chặn, từng bước đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực để “trị bệnh cứu người”, để giữ vững ổn định chính trị; phát triển kinh tế - xã hội; củng cố lòng tin của Nhân dân. Cụ thể: (1) “Phải chấn chỉnh, uốn nắn từ suy nghĩ, nhận thức mới có thể phòng, chống từ sớm, từ xa, cả ngọn lẫn gốc tình trạng tham nhũng”11; (2) Phải biết dựa vào dân, được dân ủng hộ, hưởng ứng, tham gia tích cực; (3) Phải có hình thức xử lý kịp thời, nghiêm minh và công khai, làm nghiêm từ trên xuống dưới, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, không có đặc quyền, bất kể người đó là ai. (4) Tăng cường giám sát, kiểm soát việc sử dụng quyền lực, giám sát việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống và nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu và cán bộ lãnh đạo các cấp; (5) Cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền các cấp quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng văn hóa liêm chính, tiết kiệm trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và toàn xã hội; xây dựng ý thức tự giác chấp hành nghiêm các quy định của Đảng, Nhà nước; (6) Xây dựng những chuẩn mực đạo đức tốt đẹp kết hợp với đấu tranh chống lại những biểu hiện suy thoái đạo đức, lối sống; chú trọng công tác nêu gương người tốt, việc tốt.
4. Kết luận
Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước để sớm hiện thực hóa những mục tiêu đã đặt ra trong Văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng và cam kết thực hiện Chương trình nghị sự năm 2030 vì sự phát triển bền vững của Liên hợp quốc đảm bảo tất cả mọi người dân được hưởng cuộc sống hòa bình và thịnh vượng, đây vừa là khát vọng vừa là động lực để tất cả mỗi người dân Việt Nam phấn đấu đạt được. Sinh thời Bác Hồ từng căn dặn, “Dễ mười lần không dân cũng chịu/Khó trăm lần dân liệu cũng xong”12; “Trong bầu trời không gì quý bằng Nhân dân. Trong thế giới không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của Nhân dân”13. Lực lượng và trí tuệ của dân là vô cùng vô tận, nhưng lực lượng đó không tự tạo ra sức mạnh mà cần phải được tổ chức, tập hợp. Muốn vậy, cần thiết phải khơi dậy khát vọng phát triển đất nước của tất cả người dân Việt Nam để mỗi người không ngừng phấn đấu, cống hiến, phát huy những giá trị tiềm ẩn bên trong.
---------
Bài đăng trên Tạp chí Thông tin Khoa học chính trị số 4 (34) - 2023
1 Ngô Sĩ Liên: Đại Việt sử ký toàn thư: Nxb Khoa học xã hội, 2011, t.2, tr.49.
2 Ngô Sĩ Liên: Đại Việt sử ký toàn thư: Nxb Khoa học xã hội, 2011, t.2, tr.284-289.
3 Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb Chính trị quốc gia sự thật, Hà Nội, 2021, t.I, tr.36.
4 Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia sự thật, Hà Nội, 2021, t.I, tr.34.
5 Nguyễn Phú Trọng: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về CNXH và con đường đi lên CNXH ở Việt Nam, Nxb Chính trị quốc gia sự thật, Hà Nội, 2022, tr.21-22.
6 Anh Nhi: Bối cảnh thế giới khó khăn, chỉ số SDG của Việt Nam bị tụt hạng https://vneconomy.vn/boi-canh-the-gioi-kho-khan-chi-so-sdg-cua-viet-nam-bi-tut-hang, cập nhật 21/12/2022.
7 Ban Tuyên giáo Trung ương: Hướng dẫn số 40-HD/BTGTW về thực hiện chương trình bồi dưỡng chuyên đề “Chủ nghĩa yêu nước Việt Nam, Hà Nội, ngày 01/9/2017.
8 Phan Tiến Dũng: Giáo dục truyền thống, niềm tự hào, tự tôn dân tộc, https://www.qdnd.vn/giao-duc-truyen-thong-niem-tu-hao-tu-ton-dan-toc-633597, truy cập ngày 13/6/2023.
9 TS. Lương Thanh Tân, ThS Lê Văn Tùng: Quan tâm bồi dưỡng giáo dục ý thức tự tôn dân tộc cho thanh niên hiện nay,https://tapchicongsan.org.vn/quan-tam-boi-duong-giao-duc-y-thuc-tu-ton-dan-toc-cho-thanh-nien-hien-nay.aspx, truy cập ngày 13/6/2023.
10 Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh: Giáo trình khoa học lãnh đạo, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2022, tr.268-269.
11 Nguyễn Phú Trọng: Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh, Nxb Chính trị quốc gia sự thật, Hà Nội, 2023, tr.19.
12 Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t.15, tr.280.
13 Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.10, tr.453.