PGS, TS VŨ TUẤN HƯNG 
Viện Khoa học xã hội Nam Bộ

 

(TTKHCT) - Bài viết đưa ra cái nhìn tổng quan về phát triển kinh tế dịch vụ ven sông, đồng thời phân tích kinh nghiệm của Hàng Châu (Trung Quốc) và Yogyakarta (Indonesia) trong phát triển kinh tế dịch vụ ven sông. Dựa vào kinh nghiệm của Hàng Châu và Yogyakarta, một số hàm ý chính sách quan trọng đã được đề xuất cho Thành phố Hồ Chí Minh nhằm phát triển kinh tế dịch vụ ven sông Sài Gòn trong thời gian tới.

Một đoạn kè sông qua địa bàn quận Bình Thạnh, TPHCM
(Nguồn: Trang tin Điện tử Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh)

1. Đặt vấn đề

Phát triển kinh tế dịch vụ ven sông gồm các quá trình quy hoạch, đầu tư, và triển khai các hoạt động kinh tế dịch vụ tại khu vực ven sông nhằm tối đa hóa tiềm năng kinh tế của những không gian ven sông1.

Việt Nam là quốc gia có mạng lưới sông ngòi dày đặc với hơn 2.300 con sông dài trên 10km được phân bổ rộng khắp cả nước. Trong đó, sông Sài Gòn có tổng chiều dài khoảng 256km, chảy qua địa phận Thành phố Hồ Chí Minh khoảng 80km, bề rộng từ 225 - 370m, độ sâu tối đa khoảng 20m, diện tích lưu vực trên 5.000km². Theo hướng Bắc - Nam, sông Sài Gòn chảy qua địa bàn hai huyện, năm quận và thành phố Thủ Đức gồm: Huyện Củ Chi, huyện Hóc Môn, quận 12, quận Bình Thạnh, thành phố Thủ Đức, quận 1, quận 4 và quận 7. Theo Sở Quy hoạch - Kiến trúc Thành phố Hồ Chí Minh, hệ thống sông ngòi, kênh rạch của thành phố, đặc biệt là sông Sài Gòn có nhiều tiềm năng khai thác phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch. Trong khi đó, thành phố định hướng kinh tế dịch vụ là mũi nhọn tăng trưởng, là ngành đem lại giá trị cộng thêm cho nền kinh tế và bảo tồn hệ sinh thái đô thị.

Thành phố Hồ Chí Minh đã xác định các ngành kinh tế dịch vụ có tiềm năng phát triển ven sông gồm: Giao thông, vận tải đường thủy; du lịch sinh thái, văn hóa lịch sử, làng nghề; du lịch đường thủy; khách sạn, ẩm thực; giải trí, du thuyền, thể thao; các hệ sinh thái dịch vụ, kinh tế sáng tạo; v.v.. Đồng thời, thành phố sẽ hoàn thành các dự án đầu tư xây dựng công trình dịch vụ công cộng thí điểm, hạ tầng xanh đa chức năng thí điểm; lập và điều chỉnh quy hoạch các khu vực trọng điểm (tập trung tại khu vực trung tâm thành phố); hoàn thành các dự án hạ tầng giao thông tại các khu vực hiện hữu, tiềm năng. Từ năm 2025 - 2045, thành phố sẽ triển khai đầu tư xây dựng công trình, dự án hạ tầng kỹ thuật, đô thị, song song với việc điều chỉnh quy hoạch theo từng giai đoạn phát triển để phù hợp với thực tiễn.

 Tuy nhiên, hiện tại Thành phố Hồ Chí Minh chưa thiết lập được hệ thống tiện ích và không gian dịch vụ công cộng, không gian cảnh quan dọc bờ sông Sài Gòn nên chưa khai thác được hiệu quả lợi thế về thương mại, dịch vụ và du lịch. Thực tế là việc triển khai các dự án đầu tư gặp nhiều trở ngại về kinh phí, quy trình, thủ tục và thiếu cơ chế phối hợp giữa khu vực quản lý nhà nước với các tổ chức xã hội dẫn đến tài nguyên về sông nước vẫn còn “ngủ yên”. Các bất cập trên dẫn đến việc khu vực sông Sài Gòn hiện chưa phát huy được tiềm năng vốn có và chưa đóng góp hiệu quả vào các mục tiêu phát triển của thành phố.

Sức sống của Thành phố Hồ Chí Minh không phải chỉ là “đường phố” soi động mà còn là sự yên bình của tam nông (nông nghiệp, nông thôn và nông dân), nếu các hộ gia đình dọc theo sông Sài Gòn xây dựng được mô hình du lịch văn hóa sông nước kết hợp với du lịch homestay thì sẽ thu hút được lượng lớn khách du lịch nội địa và quốc tế tham gia khám phá trải nghiệm. Không gian kiến trúc đặc trưng của mô hình du lịch này đó là thấp bên ngoài mặt sông và cao dần vào bên trong để đón gió sông, tuyệt đối không có nhà cao tầng lừng lững sát sông như khu vực Ba Son, Tân Cảng. Dải đất chạy dọc sông chủ yếu là không gian công cộng để làm công viên sinh thái, vườn hoa, vườn đi dạo, không làm bờ kè cứng, có các quán cà phê, nhà hàng thấp tầng, xây dựng không kiên cố, một số chỗ làm âu thuyền, bến lên xuống của tàu thuyền khách, kết hợp với chợ truyền thống bờ sông. Cần làm mới những điểm thu hút du khách, bởi 80 km sông Sài Gòn có nhiều chỗ còn hoang sơ và tự nhiên cho nên phải cấy vào đó những công trình thu hút khách du lịch, chẳng hạn như công viên chuyên đề, bảo tàng, nhà hàng, khách sạn, vườn tượng, vườn ẩm thực, khu nông nghiệp sinh thái cho khách trải nghiệm cùng nông dân.

Mặc dù, các di sản lịch sử và kiến trúc ở hai bên bờ sông Sài Gòn có khá nhiều nhưng phân bổ không đều và có phần tản mát. Tập trung nhiều nhất là khúc bờ sông thuộc quận 1, một phần quận 4 và Bình Thạnh, bao gồm bến cảng Nhà Rồng, thủy đài, cột cờ Thủ Ngữ, trụ sở Hải Quan, khách sạn Riverside, khách sạn Majestic, Bảo tàng Tôn Đức Thắng, tượng Trần Hưng Đạo, ụ tàu Ba Son, công viên bờ sông, cầu Sài Gòn. Tất cả công trình này đều có tuổi đời trên 100 năm. Các đoạn tiếp theo là cầu Bình Lợi, cầu Bình Triệu và điểm cuối của đoạn sông này là địa đạo Củ Chi, đền Bến Dược. Dọc theo đoạn sông này còn có chùa, đình, miếu, nhà đặc trưng Nam Bộ, và đặc biệt là các làng nghề như làng nghề trồng hoa, cây cảnh, làng nông nghiệp sinh thái, làng đan lát, làng bánh tráng, v.v.. Từ những nhận định trên, sông Sài Gòn hoàn toàn có thể trở thành dòng sông di sản, dòng sông văn hóa - lịch sử, dòng sông phục vụ cho đời sống, giao thông và kinh tế. Nếu khai thác tốt mặt nước, bờ sông, quỹ đất thì nó sẽ mang lại lợi ích kinh tế lớn cho thành phố và người dân.

Phát triển kinh tế dịch vụ ven sông đã được diễn ra nhiều quốc gia trên thế giới như Trung Quốc, Indonesia, Hàn Quốc, Anh, Pháp, v.v.. Vì vậy, đối với Thành phố Hồ Chí Minh, một địa phương đang ở giai đoạn tiếp cận và phát triển mô hình phát triển kinh tế dịch vụ ven sông thì việc học hỏi kinh nghiệm từ các quốc gia trên thế giới có thể rút ra những bài học quý báu cho quá trình phát triển kinh tế dịch vụ ven sông Sài Gòn.

2. Kinh nghiệm quốc tế phát triển kinh tế dịch vụ ven sông

2.1. Kinh nghiệm của thành phố Hàng Châu

Hàng Châu, thuộc tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc, là một trong những thành phố tiêu biểu về phát triển kinh tế dịch vụ ven sông, đặc biệt là với khu vực ven sông Tiền Đường và Hồ Tây nổi tiếng. Hàng Châu không chỉ thu hút du khách trong nước và quốc tế bằng cảnh quan thiên nhiên, mà còn bằng sự phát triển về hạ tầng và dịch vụ. Kinh nghiệm của Hàng Châu trong phát triển kinh tế dịch vụ ven sông là một bài học giá trị cho các thành phố khác, đặc biệt ở những khu vực có hệ thống sông ngòi phong phú. Các yếu tố quan trọng làm nên thành công của Hàng Châu bao gồm quy hoạch không gian, phát triển dịch vụ du lịch, bảo vệ môi trường, tạo động lực cho kinh tế sáng tạo, và thu hút đầu tư nước ngoài. Cụ thể:

Thứ nhất, về hoạt động quy hoạch

Một là, quy hoạch không gian ven sông, tái sinh cảnh quan đô thị. Hàng Châu đã thực hiện một quá trình quy hoạch tổng thể, biến các khu vực ven sông thành các khu đô thị hiện đại kết hợp với không gian công cộng phục vụ cộng đồng. Trước đây, khu vực này là một vùng đất không được khai thác hết tiềm năng, nhưng qua quy hoạch lại, nó đã trở thành một khu vực năng động với nhiều công viên, quảng trường, và khu vui chơi giải trí. Hàng Châu chú trọng việc tạo ra không gian công cộng mở, giúp người dân và du khách có cơ hội tận hưởng cảnh quan thiên nhiên, đồng thời cải thiện chất lượng cuộc sống của cư dân đô thị. Không gian ven sông không chỉ đơn thuần là các khu vực sinh hoạt cộng đồng mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển các dịch vụ kinh tế như nhà hàng, khách sạn, và các cơ sở kinh doanh khác. Sự kết hợp giữa không gian xanh và dịch vụ kinh doanh đã tạo nên một môi trường sống và làm việc hấp dẫn cho cả người dân địa phương và du khách.

Hai là, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững. Hàng Châu rất chú trọng đến việc bảo vệ môi trường trong quá trình phát triển. Đô thị hóa ven sông luôn tiềm ẩn nguy cơ làm suy thoái hệ sinh thái, gây ô nhiễm môi trường, và làm biến đổi dòng chảy tự nhiên. Tuy nhiên, Hàng Châu đã áp dụng các biện pháp quản lý và giám sát chặt chẽ để đảm bảo sự cân bằng giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường. Chính quyền địa phương đã đưa ra các quy định nghiêm ngặt về kiểm soát ô nhiễm nguồn nước, yêu cầu các khu công nghiệp và các nhà máy không được xả thải ra sông mà không qua xử lý. Bên cạnh đó, các khu vực sinh thái tự nhiên ven sông được bảo vệ nghiêm ngặt, tạo ra các vùng đệm sinh thái để giữ gìn đa dạng sinh học. Nhờ đó, các dòng sông ở Hàng Châu vẫn duy trì được vẻ đẹp tự nhiên và cung cấp môi trường sống lý tưởng cho nhiều loài động, thực vật.

Ba là, xây dựng hình ảnh thành phố văn hóa và du lịch. Việc xây dựng hình ảnh đô thị là một trong những yếu tố quan trọng giúp Hàng Châu phát triển bền vững. Thành phố đã quảng bá mạnh mẽ các di sản văn hóa, lịch sử và các danh lam thắng cảnh như Hồ Tây và kênh Đại Vận Hà, kết hợp với các sự kiện văn hóa, thể thao quốc tế để tạo sức hút toàn cầu. Ngoài ra, Hàng Châu còn chú trọng vào việc phát triển các sản phẩm du lịch cao cấp, từ các khu nghỉ dưỡng ven sông đến các sản phẩm dịch vụ liên quan như du thuyền, ẩm thực ven sông, và các khu phức hợp giải trí. Điều này đã giúp thành phố thu hút một lượng lớn du khách thượng lưu, đóng góp không nhỏ vào ngân sách địa phương. Hàng Châu đã thành công trong việc biến các khu vực ven sông thành trung tâm của sự phát triển kinh tế dịch vụ và đô thị hóa bền vững. Sự thành công của Hàng Châu đến từ việc kết hợp hiệu quả giữa phát triển hạ tầng, bảo vệ môi trường, và thu hút đầu tư vào các ngành công nghiệp sáng tạo và du lịch. Mô hình này là bài học quý giá cho Thành phố Hồ Chí Minh có tiềm năng phát triển kinh tế dịch vụ ven sông, nhất là trong bối cảnh hiện nay, khi phát triển bền vững đang trở thành xu hướng toàn cầu trong bối cảnh đô thị hóa mạnh mẽ hiện nay.

Thứ hai, về hoạt động đầu tư

Một là, phát triển các khu công nghiệp sáng tạo và công nghệ ven sông. Một trong những điểm nổi bật trong chiến lược phát triển kinh tế dịch vụ ven sông của Hàng Châu là việc kết hợp giữa kinh tế dịch vụ và kinh tế sáng tạo. Hàng Châu không chỉ tập trung vào các dịch vụ du lịch truyền thống mà còn khai thác các lĩnh vực như công nghệ thông tin, công nghệ cao, và các ngành công nghiệp sáng tạo khác. Các khu vực ven sông đã trở thành những khu công nghiệp sáng tạo và khu vực phát triển công nghệ cao, với nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp và doanh nghiệp công nghệ lựa chọn đặt trụ sở tại đây. Nhờ vào lợi thế hạ tầng hiện đại, các doanh nghiệp này có điều kiện phát triển mạnh mẽ, đồng thời thu hút được nguồn nhân lực chất lượng cao từ khắp nơi. Một ví dụ tiêu biểu là khu công nghiệp sáng tạo Tân Hồ, nằm dọc theo ven sông Tiền Đường. Khu vực này đã trở thành một trung tâm khởi nghiệp và đổi mới, với sự hỗ trợ từ chính quyền địa phương và các quỹ đầu tư. Các doanh nghiệp công nghệ cao trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, và thương mại điện tử đều có mặt tại đây, đóng góp quan trọng vào nền kinh tế của Hàng Châu.

Hai là, thu hút đầu tư và phát triển thương mại ven sông. Hàng Châu đã thành công trong việc thu hút đầu tư từ cả trong và ngoài nước cho các dự án phát triển ven sông. Chính quyền thành phố đã thực hiện nhiều chính sách khuyến khích đầu tư, bao gồm việc giảm thuế, hỗ trợ pháp lý, và tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư. Kết quả là, nhiều doanh nghiệp lớn đã đầu tư vào các khu thương mại, trung tâm mua sắm, và các cơ sở kinh doanh khác ven sông. Khu vực thương mại ven sông đã trở thành điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư trong lĩnh vực bất động sản, dịch vụ tài chính, và các ngành dịch vụ tiêu dùng. Các trung tâm thương mại ven sông không chỉ là nơi mua sắm mà còn là điểm đến văn hóa, giải trí, thu hút du khách và người dân địa phương.

Thứ ba, về triển khai du lịch ven sông

Hàng Châu đã biến lợi thế thiên nhiên với hệ thống sông ngòi và hồ nước trở thành một phần cốt lõi trong chiến lược phát triển du lịch. Hồ Tây, một trong những di sản thế giới được UNESCO công nhận, là điểm nhấn của ngành du lịch Hàng Châu. Bên cạnh đó, dòng sông Tiền Đường cũng được phát triển để phục vụ các chương trình du lịch đường sông, đưa khách tham quan khám phá vẻ đẹp của cảnh quan thiên nhiên kết hợp với các công trình hiện đại dọc hai bờ. Du lịch ven sông không chỉ dừng lại ở cảnh quan mà còn mở rộng sang các hoạt động giải trí và văn hóa. Hàng Châu đã tổ chức nhiều lễ hội văn hóa ven sông, như lễ hội ánh sáng, lễ hội chèo thuyền, và các chương trình nghệ thuật ngoài trời. Những hoạt động này thu hút hàng triệu du khách mỗi năm, giúp tăng cường doanh thu cho ngành du lịch và các dịch vụ liên quan.

2.2. Kinh nghiệm của tỉnh Yogyakarta

Yogyakarta, một tỉnh nằm ở miền trung đảo Java, Indonesia, không chỉ được biết đến như một trung tâm văn hóa với các di sản lịch sử quan trọng của đất nước mà còn nổi bật với các sáng kiến phát triển kinh tế dịch vụ ven sông. Tận dụng nguồn tài nguyên tự nhiên dồi dào từ các con sông chảy qua khu vực, đặc biệt là sông Code, sông Gajah Wong, và sông Winongo, tỉnh Yogyakarta đã áp dụng một chiến lược phát triển bền vững, kết hợp bảo tồn môi trường, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân, và phát triển ngành du lịch dịch vụ ven sông. Quá trình này đã tạo ra nhiều cơ hội kinh tế mới cho địa phương, đồng thời gìn giữ giá trị văn hóa và di sản tự nhiên. Cụ thể:

Thứ nhất, về hoạt động quy hoạch

Một là, cải tạo và tái phát triển không gian đô thị ven sông. Trong nhiều năm qua, Yogyakarta đã tiến hành nhiều dự án cải tạo và tái phát triển không gian đô thị ven sông để phù hợp với mục tiêu phát triển bền vững và tăng cường giá trị kinh tế. Khu vực ven sông trước đây thường bị bỏ hoang, hoặc không được quy hoạch hợp lý, đã được tái thiết kế thành các công viên công cộng, khu vực đi bộ, và các khu thương mại ven sông. Sông Code đã được cải tạo lại thành một khu vực sinh hoạt và giải trí hấp dẫn, với các công trình nghệ thuật đường phố, khu vực tổ chức sự kiện ngoài trời, và các quán cà phê, nhà hàng nằm dọc bờ sông. Điều này không chỉ làm tăng giá trị bất động sản và nâng cao mức sống cho cư dân đô thị mà còn tạo ra một không gian công cộng mới, nơi người dân và du khách có thể tận hưởng không khí trong lành, tham gia các hoạt động ngoài trời và tương tác với nhau. Sự kết hợp giữa quy hoạch không gian đô thị hợp lý và bảo tồn văn hóa, lịch sử ven sông đã giúp Yogyakarta duy trì được vẻ đẹp tự nhiên vốn có của dòng sông, đồng thời phát triển các dịch vụ kinh tế mới như dịch vụ ăn uống, nhà hàng và các khu vui chơi giải trí dọc bờ sông.

Hai là, sự tham gia của cộng đồng địa phương trong phát triển kinh tế dịch vụ ven sông. Một yếu tố quan trọng trong thành công của Yogyakarta là sự tham gia tích cực của cộng đồng địa phương vào quá trình phát triển kinh tế dịch vụ ven sông. Không chỉ chính quyền, mà cả các tổ chức cộng đồng và cư dân ven sông đều có vai trò quan trọng trong việc hoạch định và triển khai các dự án phát triển. Các hoạt động du lịch và dịch vụ ven sông đã tạo cơ hội việc làm cho hàng nghìn người dân địa phương, từ việc làm trong ngành du lịch, khách sạn, nhà hàng, đến các dịch vụ thủ công mỹ nghệ và hướng dẫn viên du lịch. Một ví dụ điển hình về sự tham gia của cộng đồng là các làng nghề truyền thống ven sông, nơi du khách có thể trực tiếp tham gia vào các hoạt động sản xuất thủ công mỹ nghệ, như dệt vải batik, làm đồ gốm, hoặc chế biến thực phẩm truyền thống. Các sản phẩm thủ công này không chỉ tạo ra giá trị kinh tế mà còn giúp bảo tồn và phát huy các truyền thống văn hóa độc đáo của người dân Yogyakarta. Cộng đồng ven sông ở Yogyakarta cũng đóng vai trò quan trọng trong việc tổ chức các lễ hội văn hóa liên quan đến sông nước, từ đó tạo ra sức hấp dẫn văn hóa độc đáo cho khu vực. Những sự kiện này không chỉ là cơ hội để bảo tồn các giá trị truyền thống mà còn thúc đẩy sự phát triển kinh tế thông qua việc thu hút du khách và đầu tư vào cơ sở hạ tầng phục vụ dịch vụ du lịch.

Thứ hai, về hoạt động đầu tư và hợp tác quốc tế

Yogyakarta đã tận dụng các mối quan hệ hợp tác quốc tế để phát triển kinh tế dịch vụ ven sông. Chính quyền địa phương đã nhận được sự hỗ trợ từ các tổ chức quốc tế và chính phủ các nước trong việc tài trợ và thực hiện các dự án phát triển bền vững. Các chương trình hợp tác này không chỉ tập trung vào việc xây dựng hạ tầng và các dịch vụ du lịch mà còn chú trọng đến các khía cạnh bảo vệ môi trường và giáo dục cộng đồng về bảo tồn tài nguyên thiên nhiên.

Những chương trình hợp tác này đã giúp Yogyakarta thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư quốc tế, đặc biệt trong lĩnh vực du lịch, dịch vụ và phát triển hạ tầng ven sông. Các dự án khách sạn, khu nghỉ dưỡng, và các công trình thương mại ven sông được xây dựng với sự hợp tác giữa các doanh nghiệp trong và ngoài nước, góp phần thúc đẩy nền kinh tế địa phương.

Thứ ba, về triển khai các hoạt động kinh tế dịch vụ

Một là, tận dụng tiềm năng thiên nhiên và phát triển văn hóa. Yogyakarta là một trong những khu vực có hệ thống sông ngòi phong phú, với nhiều con sông quan trọng chạy qua thành phố và các khu vực nông thôn. Những con sông này không chỉ là nguồn cung cấp nước ngọt cho sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt mà còn có giá trị văn hóa sâu sắc đối với cộng đồng địa phương. Trong bối cảnh này, chính quyền địa phương đã nhận thấy tiềm năng của các dòng sông trong việc phát triển dịch vụ du lịch sinh thái và văn hóa ven sông. Một ví dụ tiêu biểu là sông Code, nơi cộng đồng địa phương đã tạo ra các tua du lịch văn hóa, cho phép du khách khám phá lịch sử, văn hóa, và cuộc sống thường nhật của người dân sống ven sông. Nhiều di sản kiến trúc, đền đài và làng nghề truyền thống được bảo tồn và giới thiệu tới du khách, từ đó thu hút nguồn khách du lịch quốc tế và trong nước. Việc kết hợp yếu tố tự nhiên và văn hóa đã tạo ra một trải nghiệm du lịch độc đáo, giúp nâng cao giá trị dịch vụ ven sông.

Hai là, phát triển du lịch ven sông và sinh thái bền vững. Một trong những điểm mạnh của Yogyakarta là phát triển du lịch ven sông theo hướng bền vững. Chính quyền và các tổ chức cộng đồng đã hợp tác chặt chẽ để thực hiện các biện pháp bảo tồn môi trường và bảo vệ các hệ sinh thái ven sông. Dự án phát triển ven sông ở Yogyakarta không chỉ tập trung vào lợi ích kinh tế ngắn hạn mà còn xem xét đến tác động lâu dài đối với môi trường tự nhiên và xã hội. Các sáng kiến như chương trình “Green River” đã được triển khai nhằm bảo vệ dòng chảy của sông, ngăn ngừa tình trạng ô nhiễm nước và xói mòn bờ sông. Cộng đồng địa phương đã tích cực tham gia vào các hoạt động bảo vệ môi trường như trồng cây dọc bờ sông và giữ gìn vệ sinh, từ đó tạo điều kiện thuận lợi cho các dự án du lịch sinh thái phát triển. Các tua du lịch sinh thái dọc theo sông Code và sông Gajah Wong đã được phát triển, mang đến cho du khách cơ hội trải nghiệm hệ sinh thái độc đáo của khu vực, bao gồm cả việc khám phá các loài động thực vật bản địa và hiểu biết sâu hơn về mối quan hệ giữa con người và thiên nhiên tại địa phương.

Kinh nghiệm của Yogyakarta trong phát triển kinh tế dịch vụ ven sông là một ví dụ điển hình về việc kết hợp giữa bảo tồn môi trường, bảo vệ di sản văn hóa và phát triển bền vững. Bằng cách tận dụng các nguồn tài nguyên thiên nhiên sẵn có, sự tham gia của cộng đồng, và sự hợp tác với các tổ chức quốc tế, Yogyakarta đã thành công trong việc tạo ra một nền kinh tế dịch vụ ven sông phát triển mạnh mẽ, đồng thời bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa, lịch sử của địa phương. Mô hình này có thể được áp dụng ở nhiều nơi khác trên thế giới, đặc biệt là ở các khu vực có hệ thống sông ngòi phong phú và tiềm năng phát triển du lịch dịch vụ ven sông như Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam.

3. Hàm ý chính sách đối với Thành phố Hồ Chí Minh

Những bài học đúc kết từ quá trình phát triển kinh tế dịch vụ ven sông của Hàng Châu và Yogyakarta đã gợi mở hướng đi tiếp theo cho Thành phố Hồ Chí Minh trong nỗ lực tiếp tục xây dựng và phát triển kinh tế dịch vụ ven sông Sài Gòn, cụ thể như sau:

Thứ nhất, kinh nghiệm của Hàng Châu cho thấy cần quy hoạch không gian ven sông toàn diện và hài hòa với đô thị. Thành phố Hồ Chí Minh nên đẩy mạnh phát triển các công viên công cộng, khu vực vui chơi giải trí ven sông, đồng thời xây dựng các trung tâm thương mại, nhà hàng, khách sạn, và khu dân cư cao cấp. Các không gian này cần được quy hoạch theo hướng phát triển bền vững, tạo điều kiện cho cư dân và du khách tận hưởng cảnh quan ven sông mà không gây áp lực lớn lên môi trường.

Thứ hai, kinh nghiệm của Yogyakarta cho thấy cần tăng cường phát triển du lịch văn hóa và sinh thái ven sông. Khuyến khích phát triển các tuyến du lịch ven sông kết nối các điểm văn hóa, lịch sử như Bến Nhà Rồng, các chợ truyền thống ven sông và các khu vực có giá trị văn hóa. Đẩy mạnh mô hình du lịch sinh thái, bao gồm các hoạt động khám phá thiên nhiên, đi thuyền trên sông, và tham quan các khu bảo tồn sinh thái ven sông. Chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh có thể hợp tác với các doanh nghiệp và tổ chức để phát triển các dự án này một cách bền vững.

Thứ ba, kinh nghiệm của Hàng Châu và Yogyakarta đều chỉ ra cần đầu tư vào hạ tầng dịch vụ và giao thông ven sông. Thành phố Hồ Chí Minh cần phát triển hệ thống giao thông đường thủy nội địa để kết nối các khu vực khác nhau của thành phố, thúc đẩy các dịch vụ vận tải và du lịch bằng thuyền trên sông Sài Gòn và các nhánh sông khác. Xây dựng thêm các bến tàu du lịch hiện đại, các khu thương mại, dịch vụ ven sông với quy mô lớn, thu hút đầu tư trong nước và quốc tế vào lĩnh vực này.

---------
Bài viết được đăng trên Tạp chí Thông tin khoa học chính trị số 3 (39) - 2024

1 Apriliani, D., & Dewi, O. C.: A study of cisadane riverside on riverbank development towards urban sustainability, IOP Conference Series: Earth and Environmental Science, 2020, 402, p.1 - 10.