TS QUÁCH THỊ HUỆ
Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
(TTKHCT) - Trong xu thế hội nhập quốc tế, ngoại giao đang ngày càng khẳng định vai trò quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội của mỗi quốc gia. Bài viết phân tích kinh nghiệm các quốc gia có nền ngoại giao thành công như Trung Quốc và Ấn Độ, từ đó rút ra những giá trị tham khảo cho Việt Nam trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Tổng Bí thư Tô Lâm tiếp Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim _Ảnh: Báo Nhân Dân
Sau gần 40 năm đổi mới, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, Việt Nam đã có cơ đồ, tiềm lực, vị thế và khẳng định được uy tín trên trường quốc tế. Hướng tới Đại hội lần thứ XIV, trên cơ sở những thành tựu to lớn của toàn Đảng, toàn dân, Tổng Bí thư Tô Lâm đã đề cập kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, trong đó nhấn mạnh: “Đích đến của kỷ nguyên vươn mình là dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, phát triển theo chế độ xã hội xã hội chủ nghĩa, sánh vai với các cường quốc năm châu”1. Trong bối cảnh quốc tế và khu vực đang mở ra cho Việt Nam cả cơ hội và thách thức về mọi mặt thì ngoại giao là cầu nối quan trọng để Việt Nam tiếp tục nắm bắt cơ hội, hạn chế thách thức nhằm mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh và nâng tầm vị thế quốc gia trên trường quốc tế. Để nâng cao hiệu quả công tác ngoại giao phục vụ phát triển kinh tế - xã hội trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, việc tham khảo kinh nghiệm từ các quốc gia có nền ngoại giao thành công như Trung Quốc, Ấn Độ sẽ mang lại nhiều kinh nghiệm quý báu cho Việt Nam.
1. Kinh nghiệm từ xây dựng chiến lược ngoại giao của Trung Quốc
Thứ nhất, đưa ra các sáng kiến ngoại giao cụ thể gắn chặt với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trong nước từng giai đoạn
Nền ngoại giao hiện đại của Trung Quốc dưới thời Tập Cận Bình là sự kế thừa từ những di sản của các thời kỳ Mao Trạch Đông, Đặng Tiểu Bình, Giang Trạch Dân và Hồ Cẩm Đào; dựa trên sự tác động của các yếu tố nội và ngoại sinh. Đại hội lần thứ XIX của Đảng Cộng sản Trung Quốc (2017) đề ra mục tiêu: (1) Hoàn thành mục tiêu 100 năm lần thứ nhất vào 2021 (xã hội khá giả toàn diện); (2) Giai đoạn 2021 - 2035: hiện đại hóa xã hội chủ nghĩa (xã hội khá giả, hệ thống và năng lực quản trị đất nước, dân giàu, môi trường sinh thái...); (3) Giai đoạn 2035 - 2050: xây dựng cường quốc xã hội chủ nghĩa (hiện đại, giàu mạnh, dân chủ, văn minh, hài hòa và đứng đầu thế giới). Theo đó, Trung Quốc thúc đẩy xây dựng quan hệ nước lớn kiểu mới phát triển ổn định, lành mạnh lâu dài; xây dựng quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện thời đại mới. Một trong những chiến lược ngoại giao cụ thể điển hình là “Sáng kiến Vành đai, Con đường” (BRI) được Chủ tịch Tập Cận Bình công bố vào năm 2013. Sáng kiến ngoại giao kinh tế này đã trở thành phương tiện thúc đẩy phát triển kinh tế, kết nối Trung Quốc với hơn 150 quốc gia qua các dự án kết cấu hạ tầng quy mô lớn như đường sắt, cảng biển và các hành lang kinh tế. BRI đã giúp Trung Quốc mở rộng thị trường xuất khẩu, đảm bảo nguồn cung nguyên liệu, đồng thời thúc đẩy giao lưu văn hóa và trao đổi giáo dục. Các định chế tài chính như Ngân hàng Đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB) và Quỹ Con đường Tơ lụa đã đóng vai trò then chốt trong việc hỗ trợ tài chính, triển khai hàng nghìn dự án, tạo ra hàng triệu việc làm và thúc đẩy sự tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, BRI cũng gặp phải một số thách thức, nhất là dư luận quốc tế lên án chuyện “ngoại giao bẫy nợ” của Trung Quốc ở một số quốc gia tham gia và những khó khăn tài chính tại các khu vực bất ổn, bên cạnh sự cạnh tranh mạnh mẽ từ các cường quốc phương Tây. Mặc dù vậy, BRI vẫn là minh chứng cho khả năng Trung Quốc sử dụng ngoại giao kinh tế để không chỉ phát triển kinh tế trong nước mà còn tạo dựng quan hệ hợp tác toàn cầu vững mạnh.
Thứ hai, tích hợp giữa phát triển và an ninh
Thực tiễn chứng minh Trung Quốc coi phát triển và an ninh là hai yếu tố không thể tách rời trong chiến lược ngoại giao và tích hợp thành công hai yếu tố này. Các sáng kiến như “Sáng kiến Phát triển toàn cầu”, “Sáng kiến An ninh toàn cầu” và “Sáng kiến Văn minh toàn cầu” là minh chứng cho phương thức mà Trung Quốc kết hợp giữa thúc đẩy phát triển kinh tế và bảo vệ an ninh quốc gia. Bằng cách này, Trung Quốc không chỉ tăng cường quan hệ hợp tác quốc tế mà còn bảo vệ lợi ích chiến lược của mình thông qua việc tạo ra một môi trường quốc tế ổn định, thuận lợi cho các chiến lược phát triển dài hạn2.
Thứ ba, chú trọng ngoại giao láng giềng và hợp tác khu vực
Trong chiến lược ngoại giao tổng thể, Trung Quốc đặc biệt chú trọng ngoại giao láng giềng và hợp tác khu vực. Các khu vực lân cận như Đông Nam Á, Trung Á và Nam Á không chỉ đóng vai trò là vùng đệm chiến lược mà còn là thị trường tiềm năng và nguồn lực quan trọng cho sự phát triển kinh tế của Trung Quốc. Trung Quốc đã xây dựng và duy trì mối quan hệ hợp tác kinh tế, chính trị và an ninh chặt chẽ với các quốc gia láng giềng thông qua các hiệp định song phương và cơ chế hợp tác khu vực như Trung Quốc - ASEAN, CPTPP, RCEP, Hợp tác tiểu vùng sông Mekong - GMS.... Các dự án thuộc BRI cũng giúp Bắc Kinh tăng cường hiện diện tại khu vực thông qua việc xây dựng kết cấu hạ tầng và hỗ trợ phát triển kinh tế trong khuôn khổ hợp tác. Việc tập trung vào ngoại giao láng giềng không chỉ mang lại lợi ích kinh tế, uy tín khu vực cho Trung Quốc mà còn tạo nền tảng ổn định cho các khu vực biên giới giúp Bắc Kinh dành nhiều nguồn lực hơn cho phát triển kinh tế và cải thiện đời sống xã hội3.
Thứ tư, chuyển từ thế bị động sang chủ động trong ngoại giao
Nhằm nâng cao vị thế và vai trò trên trường quốc tế, Trung Quốc đã chuyển từ thế bị động sang chủ động trong ngoại giao. Đây là sự thay đổi chiến lược quan trọng của Trung Quốc. Trong quá khứ, Trung Quốc thường giữ vai trò phòng thủ, tập trung vào việc bảo vệ lợi ích quốc gia và tránh các can thiệp sâu vào các vấn đề quốc tế. Tuy nhiên, với sự trỗi dậy về kinh tế và sức mạnh quốc gia hiện tại, Trung Quốc đã chuyển sang thế chủ động, không chỉ tham gia mà còn dẫn dắt các sáng kiến quốc tế, đồng thời định hình các quy tắc và chuẩn mực toàn cầu theo hướng có lợi cho mình. Thay vì chờ đợi các quốc gia khác đề xuất hợp tác, Trung Quốc chủ động đề xuất các dự án mang tính đột phá, từ đó tạo ra cơ hội định hình môi trường quốc tế theo lợi ích chiến lược của mình4. Ví dụ, Đại hội lần thứ XIX của Đảng Cộng sản Trung Quốc đề xuất BRI, Đại hội lần thứ XX (2022), tiếp tục đề xuất thêm ba sáng kiến mới: “Sáng kiến Phát triển toàn cầu”, “Sáng kiến An ninh toàn cầu” và “Sáng kiến Văn minh toàn cầu”.
Thứ năm, phối hợp hệ thống để tối ưu hóa nguồn lực ngoại giao
Trung Quốc chú trọng đến việc phối hợp hệ thống trong chiến lược ngoại giao nhằm tối ưu hóa nguồn lực và nâng cao hiệu quả thực thi các mục tiêu quốc gia. Điều này được thực hiện thông qua sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chính phủ, tổ chức quốc tế và các thực thể kinh tế - xã hội, tạo nên một cơ chế hoạt động thống nhất và toàn diện. Bộ Ngoại giao Trung Quốc đóng vai trò trung tâm, làm đầu mối điều phối giữa các bộ ngành thương mại, tài chính, quốc phòng và các viện nghiên cứu chiến lược, đảm bảo mọi chính sách ngoại giao được triển khai đồng bộ và phù hợp với lợi ích tổng thể của quốc gia. Ví dụ, trong BRI, Trung Quốc không chỉ huy động các bộ ngành liên quan mà còn kết hợp chặt chẽ với Ngân hàng Đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á và các doanh nghiệp nhà nước để thực hiện các dự án kết cấu hạ tầng quy mô lớn.
Đồng thời, Trung Quốc cũng tích cực tận dụng cơ hội hợp tác đa phương thông qua các tổ chức như: Liên hợp quốc, Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) và Nhóm các nền kinh tế mới nổi (BRICS), qua đó vừa thúc đẩy lợi ích quốc gia vừa tăng cường ảnh hưởng quốc tế. Thay vì hành động đơn lẻ, Trung Quốc lựa chọn cách tiếp cận dựa trên sự đồng thuận và chia sẻ trách nhiệm, tạo điều kiện để các đối tác tham gia cùng đạt được lợi ích chung. Việc đồng chủ trì các diễn đàn kinh tế và hội nghị quốc tế đã giúp Trung Quốc không chỉ thúc đẩy các sáng kiến của mình mà còn xây dựng hình ảnh một quốc gia sẵn sàng lắng nghe và hợp tác5.
Cách tiếp cận phối hợp hệ thống này không chỉ giúp Trung Quốc tối ưu hóa nguồn lực mà còn tăng cường sức mạnh tổng hợp trong các hoạt động ngoại giao. Điều này không chỉ củng cố vị thế của Trung Quốc trên trường quốc tế mà còn đảm bảo sự ổn định và nhất quán trong các chính sách đối ngoại, tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển quốc gia trong bối cảnh môi trường quốc tế phức tạp và cạnh tranh ngày càng gay gắt.
2. Kinh nghiệm từ ngoại giao của Ấn Độ
Thứ nhất, kinh nghiệm về xây dựng một nền ngoại giao đa phương mạnh mẽ, làm bạn và hợp tác với tất cả các quốc gia trên thế giới nhằm tối đa hóa cơ hội hợp tác kinh tế
Ấn Độ đã điều chỉnh linh hoạt định hướng không liên kết thành đa liên kết, phát triển quan hệ hợp tác với hầu hết các quốc gia trên thế giới, bỏ qua những khác biệt về hệ tư tưởng hay quan điểm chính trị trước đây. Với mỗi nhóm đối tác, Ấn Độ đều duy trì một thái độ cởi mở và tích cực với tinh thần tự chủ chiến lược cao.
Một là, đối với các nước phát triển: hợp tác chiến lược với các quốc gia có năng lực kinh tế và công nghệ cao đã giúp Ấn Độ tăng cường nội lực trong nước, đồng thời mở rộng tầm ảnh hưởng trên trường quốc tế. Ấn Độ đã tăng cường quan hệ với Mỹ, Nhật Bản và Úc, không chỉ về kinh tế mà còn trong lĩnh vực công nghệ và quốc phòng. Những biên bản Thỏa thuận Trao đổi Hậu cần (LEMOA) năm 2016 và các sáng kiến trong “Bộ Tứ kim cương” (QUAD) không chỉ củng cố quan hệ chính trị mà còn tạo môi trường thuận lợi cho đầu tư và chuyển giao công nghệ.
Hai là, đối với các nước đang phát triển: các sáng kiến hướng đến khối Nam toàn cầu như Hội nghị thượng đỉnh Ấn Độ - châu Phi và các dự án hợp tác tại châu Á và Mỹ Latinh không chỉ thúc đẩy hợp tác kinh tế mà còn xây dựng hình ảnh Ấn Độ như một đối tác đáng tin cậy của các quốc gia đang phát triển. Định hướng hợp tác Nam - Nam giúp Ấn Độ tạo ra không gian hợp tác bền vững, đồng thời cân bằng sức ảnh hưởng của các cường quốc phương Tây và Trung Quốc.
Ba là, đối với các nước láng giềng gần gũi: tại Nam Á, Ấn Độ tập trung vào sáng kiến khung hợp tác BBIN (Bangladesh, Bhutan, Ấn Độ, Nepal) để thúc đẩy kết nối kinh tế và giao thông. Đồng thời, việc phản đối BRI của Trung Quốc cho thấy Ấn Độ không ngại định vị chiến lược độc lập để bảo vệ lợi ích quốc gia. Từ kinh nghiệm của Ấn Độ, có thể thấy rằng sử dụng các sáng kiến khu vực để tạo ra các hành lang kinh tế độc lập và giảm sự phụ thuộc vào đối thủ cạnh tranh là một chiến lược hiệu quả để duy trì vị thế và ổn định khu vực.
Bốn là, đối với khu vực láng giềng mở rộng: thông qua chính sách Hành động hướng Đông, Ấn Độ đã mở rộng quan hệ với ASEAN nhằm thúc đẩy thương mại, kết nối hàng hải và đảm bảo cân bằng quyền lực tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Các sáng kiến như Hiệp định Thương mại tự do ASEAN - Ấn Độ và Trung tâm ASEAN - Ấn Độ đã tạo điều kiện cho sự hợp tác sâu rộng trên nhiều lĩnh vực. Việc đầu tư vào các mối quan hệ khu vực gần gũi giúp Ấn Độ củng cố vai trò trong cấu trúc kinh tế và an ninh khu vực, đồng thời bảo vệ lợi ích dài hạn trước sự cạnh tranh của các cường quốc khác6.
Thông qua chiến lược ngoại giao đa phương linh hoạt và cởi mở, Ấn Độ đã khéo léo tận dụng ngoại giao kinh tế để thúc đẩy các chương trình phát triển nội địa như “Make in India” (Hãy sản xuất ở Ấn Độ) và “Atmanirbhar Bharat” (Ấn Độ tự cường), đồng thời mở rộng cơ hội hợp tác quốc tế. Ấn Độ tập trung khuyến khích sản xuất trong nước, giảm phụ thuộc vào nhập khẩu và phát triển năng lực tự chủ ở các lĩnh vực chiến lược như quốc phòng, công nghệ và dược phẩm. Việc ký kết các hiệp định thương mại tự do (FTA) như Hiệp định Đối tác Toàn diện Khu vực (RCEP) và các thỏa thuận đang đàm phán với Liên minh châu Âu (EU), không chỉ mở rộng thị trường xuất khẩu cho các sản phẩm sản xuất nội địa mà còn thu hút nguồn đầu tư nước ngoài, hỗ trợ phát triển kết cấu hạ tầng và công nghệ. Bằng cách kết hợp nhu cầu nội tại với cơ hội toàn cầu, Ấn Độ không chỉ gia tăng năng lực cạnh tranh kinh tế mà còn khẳng định vị thế một quốc gia có ảnh hưởng trong các diễn đàn thương mại quốc tế. Cách tiếp cận linh hoạt này đã giúp Ấn Độ vừa thúc đẩy phát triển bền vững trong nước vừa tạo dựng hình ảnh một đối tác đáng tin cậy trên trường quốc tế.
Thứ hai, kinh nghiệm về ứng xử linh hoạt trong các tình huống nhạy cảm nhằm tối đa hóa lợi ích
Thái độ thực dụng và sự linh hoạt trong chính sách đối ngoại của Ấn Độ được thể hiện rõ qua cách nước này xử lý xung đột Nga - Ukraine. Ấn Độ không chọn bên mà chọn vị trí trung lập nhằm tối đa hóa lợi ích quốc gia. Dù phương Tây áp đặt lệnh trừng phạt lên Nga, Ấn Độ vẫn tiếp tục mua dầu giá rẻ từ Nga để đảm bảo an ninh năng lượng trong nước, giúp giảm chi phí nhập khẩu và ổn định giá nhiên liệu. Tuy nhiên, sự thực dụng này không làm tổn hại đến quan hệ với phương Tây, bởi Ấn Độ khéo léo nhấn mạnh vai trò cầu nối giữa các bên trong các diễn đàn quốc tế như G20, tập trung vào các giá trị chung như tăng trưởng kinh tế và ổn định toàn cầu. Điều này không chỉ bảo vệ lợi ích năng lượng của Ấn Độ mà còn nâng cao vị thế của nước này như một đối tác đáng tin cậy và một trung tâm quyền lực mới nổi trong bối cảnh chính trị quốc tế đầy biến động. Ấn Độ đã chứng minh rằng, một chính sách ngoại giao linh hoạt và thực dụng có thể biến thách thức thành cơ hội để củng cố vai trò của mình trong cả khu vực lẫn toàn cầu.
Thứ ba, kinh nghiệm về xây dựng chiến lược ngoại giao năng lượng
Chiến lược ngoại giao dầu mỏ và năng lượng của Ấn Độ thể hiện sự linh hoạt và khả năng đàm phán sắc sảo để bảo vệ lợi ích quốc gia. Là quốc gia nhập khẩu dầu mỏ lớn thứ ba thế giới, Ấn Độ phải đối mặt với áp lực lớn từ nhu cầu năng lượng nội địa và biến động giá dầu toàn cầu. Để giảm thiểu rủi ro, Ấn Độ đã đa dạng hóa các nguồn cung, mở rộng quan hệ với nhiều nhà cung cấp như Nga, Trung Đông và Mỹ. Đặc biệt, trong bối cảnh Nga bị trừng phạt quốc tế do xung đột Ukraine, Ấn Độ tận dụng cơ hội mua dầu với giá rẻ, tăng nhập khẩu từ 50.000 thùng/ngày (2021) lên 1,2 triệu thùng/ngày (2022)7. Song song đó, Ấn Độ không chỉ tận dụng lợi thế thị trường mà còn duy trì quan hệ ổn định với các đối tác phương Tây thông qua việc tham gia diễn đàn quốc tế G20, nơi họ nhấn mạnh vai trò của năng lượng trong phát triển bền vững. Chiến lược này không chỉ giúp Ấn Độ giảm phụ thuộc vào bất kỳ nguồn cung đơn lẻ nào mà còn định vị quốc gia này là một tác nhân chủ động và thông minh trên bản đồ năng lượng toàn cầu.
Thứ tư, kinh nghiệm về việc tận dụng các diễn đàn đa phương để thúc đẩy lợi ích kinh tế
Với vai trò tích cực tại Diễn đàn G20, Ấn Độ không chỉ thúc đẩy các chính sách kinh tế mà còn định hướng hợp tác quốc tế về đổi mới sáng tạo và phát triển bền vững. Các sáng kiến như Digital India và Skill India đã được lồng ghép vào chương trình nghị sự của G20, giúp kết nối nguồn lực quốc tế để phát triển các lĩnh vực ưu tiên. Việc tham gia và dẫn dắt các diễn đàn đa phương đã giúp Ấn Độ vừa định hình các quy tắc toàn cầu, vừa tận dụng được sự hỗ trợ quốc tế để phục vụ chiến lược phát triển trong nước.
Thứ năm, kinh nghiệm về đẩy mạnh các sáng kiến đa phương nhằm thúc đẩy sự phát triển trong nước
Ấn Độ đã tận dụng vị thế Chủ tịch G20 để định hình chương trình nghị sự toàn cầu, tập trung vào các vấn đề thiết yếu như: giảm nợ cho các nước thu nhập thấp, chuyển đổi số và cải cách các tổ chức tài chính quốc tế. Với ưu tiên giải quyết những bất cập trong cơ chế tài chính toàn cầu, Ấn Độ đã đề xuất các giải pháp nhằm giảm gánh nặng nợ nần cho các quốc gia đang phát triển, đồng thời kêu gọi các tổ chức như Ngân hàng Thế giới và Quỹ Tiền tệ quốc tế tăng cường hỗ trợ tài chính bền vững. Một trong những sáng kiến nổi bật của Ấn Độ tại G20 là việc giới thiệu và quảng bá “India Stack” và hệ thống thanh toán UPI (Unified Payments Interface). Những công cụ này không chỉ thể hiện khả năng ứng dụng công nghệ vào cải thiện đời sống người dân trong nước mà còn mang lại giá trị quốc tế khi được chia sẻ như một mô hình hợp tác số hóa. Sự thành công của các nền tảng này, như việc triển khai hệ thống thanh toán xuyên biên giới với Singapore và UAE, không chỉ giúp củng cố vị thế của Ấn Độ trong mắt cộng đồng quốc tế mà còn góp phần xây dựng một khuôn khổ số hóa đa phương, tạo điều kiện thuận lợi cho các quốc gia đang phát triển khác.
Thứ sáu, kinh nghiệm về giảm thiểu sự phụ thuộc kinh tế vào Trung Quốc
Trong bối cảnh nhiều quốc gia đang phát triển đối mặt với khủng hoảng nợ do các khoản vay từ BRI của Trung Quốc, Ấn Độ đã chủ động đề xuất các biện pháp giảm thiểu sự phụ thuộc vào nguồn tài chính này. Trên các diễn đàn, Ấn Độ không ngừng kêu gọi cải thiện các cơ chế tài chính quốc tế, bao gồm việc cung cấp các khoản vay ưu đãi thông qua Ngân hàng Thế giới hoặc Ngân hàng Phát triển Châu Á. Ấn Độ đã tận dụng cơ hội này để xây dựng các mối quan hệ kinh tế dựa trên nguyên tắc bền vững và minh bạch, nhấn mạnh sự cần thiết của việc chia sẻ gánh nặng tài chính giữa các quốc gia phát triển, các tổ chức tài chính quốc tế và khu vực tư nhân. Việc này không chỉ giúp tạo sự ổn định tài chính cho các nước đang phát triển mà còn làm giảm ảnh hưởng kinh tế của Trung Quốc tại khu vực Nam Á và các khu vực khác. Đồng thời, nó cũng khẳng định vị thế lãnh đạo của Ấn Độ trong việc thúc đẩy một trật tự kinh tế công bằng hơn8.
Thứ bảy, kinh nghiệm về phát huy sức mạnh của cộng đồng Ấn kiều
Ấn Độ đã phát huy hiệu quả tiềm năng của cộng đồng người Ấn ở nước ngoài (NRI) như một cầu nối quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế và hội nhập toàn cầu. Với hơn 32 triệu kiều bào sống rải rác trên khắp thế giới, đặc biệt tập trung ở các trung tâm tài chính như: Mỹ, Anh, UAE và Singapore; họ không chỉ đóng vai trò trong việc gửi lượng kiều hối khổng lồ về nước mà còn là nguồn lực quan trọng để kết nối thương mại và đầu tư. Chính phủ Ấn Độ đã tạo điều kiện thuận lợi cho kiều bào thông qua các chính sách như cấp thẻ công dân hải ngoại (OCI), tổ chức các sự kiện như Pravasi Bharatiya Divas (một sự kiện thường niên được tổ chức để ghi nhận những đóng góp của cộng đồng người Ấn Độ ở nước ngoài cho quê hương của họ) để thu hút họ tham gia vào các sáng kiến phát triển quốc gia. Ngoài ra, cộng đồng này cũng đóng vai trò quan trọng trong việc chuyển giao công nghệ, đặc biệt trong các lĩnh vực như công nghệ thông tin, y tế và năng lượng tái tạo. Nhiều doanh nhân và chuyên gia người Ấn ở nước ngoài đã đầu tư vào các dự án khởi nghiệp tại Ấn Độ, mang lại nguồn vốn, tri thức và kinh nghiệm quốc tế. Điều này không chỉ giúp Ấn Độ nâng cao năng lực cạnh tranh kinh tế mà còn tạo điều kiện để quốc gia này hội nhập sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu. Bằng cách khai thác tối đa năng lực và ảnh hưởng của kiều bào, Ấn Độ đã biến họ thành một trong những lực lượng thúc đẩy tăng trưởng mạnh mẽ nhất trên trường quốc tế.
3. Bài học kinh nghiệm và hàm ý chính sách cho Việt Nam
Từ những kinh nghiệm của Ấn Độ và Trung Quốc, có thể thấy được những điểm tương đồng và khác biệt về phong cách đối ngoại của hai nước. Cả hai quốc gia đều vận dụng sức mạnh ngoại giao để phát triển kinh tế - xã hội, như Trung Quốc đầu tư vào các dự án quy mô lớn qua BRI, trong khi Ấn Độ tập trung thúc đẩy sáng kiến như “Make in India” để khuyến khích các công ty trong và ngoài nước sản xuất tại Ấn Độ. Cả hai quốc gia đều chú trọng đến quan hệ khu vực và đa phương. Trung Quốc đầu tư mạnh vào quan hệ láng giềng qua các hiệp định như RCEP, trong khi Ấn Độ sử dụng các cơ chế như BBIN để kết nối kinh tế khu vực Nam Á. Tuy nhiên, trong khi Trung Quốc thể hiện vai trò chủ động dẫn dắt và tìm kiếm đồng minh thì Ấn Độ thích nghi theo hướng linh hoạt, nhấn mạnh vai trò trung gian và cân bằng sức mạnh, tăng cường hợp tác nhưng tránh để phụ thuộc vào ý chí chính trị của bất cứ cường quốc nào. Khác biệt đáng kể nhất thể hiện qua cách Ấn Độ đối phó với ảnh hưởng của Trung Quốc. Trong khi Trung Quốc sử dụng BRI để gia tăng ảnh hưởng, Ấn Độ đẩy mạnh các hành lang kinh tế độc lập nhằm giảm phụ thuộc. Ngoài ra, Ấn Độ còn phát huy tính năng động của cộng đồng kiều bào, từ chuyển giao công nghệ đến đầu tư, trong khi Trung Quốc tập trung vào nguồn lực nội địa. Sự khác biệt này cho thấy Ấn Độ đang duy trì thế trung lập và linh hoạt cần có của một cường quốc tầm trung, còn Trung Quốc mong muốn vươn lên vị thế siêu cường thông qua việc dẫn dắt các sáng kiến quốc tế và thiết lập chuẩn mực toàn cầu. Từ những đặc trưng đối ngoại của Ấn Độ và Trung Quốc, Việt Nam có thể rút ra những hàm ý chính sách quan trọng:
Thứ nhất, Việt Nam cần ưu tiên tích hợp các mục tiêu kinh tế và an ninh một cách chặt chẽ để đảm bảo sự phát triển bền vững trong dài hạn. Sự kết hợp giữa phát triển và an ninh không chỉ tạo môi trường ổn định mà còn tăng cường khả năng ứng phó với các thách thức quốc tế.
Thứ hai, giống như hai cường quốc châu Á là Trung Quốc và Ấn Độ, Việt Nam nên khẳng định vai trò của mình hơn nữa ở khu vực thông qua việc tham gia tích cực hiệp định RCEP và các cơ chế hợp tác khu vực khác. Việc thúc đẩy quan hệ hợp tác kinh tế khu vực sẽ mở ra nhiều cơ hội cho các ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam và giúp gia tăng vị thế quốc gia.
Thứ ba, Việt Nam cần phát huy tiềm năng của cộng đồng người Việt ở nước ngoài như một nguồn lực quan trọng cho đầu tư, chuyển giao công nghệ và hỗ trợ các sáng kiến phát triển kinh tế - xã hội trong nước. Việc tăng cường các chương trình kết nối với Việt Kiều sẽ giúp xây dựng một mạng lưới hỗ trợ mạnh mẽ.
Thứ tư, Việt Nam cũng cần học tập Ấn Độ trong việc xây dựng một chiến lược ngoại giao năng lượng linh hoạt. Đa dạng hóa các nguồn cung năng lượng sẽ giúp giảm thiểu rủi ro từ sự biến động toàn cầu và đảm bảo an ninh năng lượng cho phát triển kinh tế dài hạn.
Thứ năm, Việt Nam cần tăng cường vai trò trong các diễn đàn đa phương, đây được xem là một ưu tiên chiến lược. Chúng ta cần tận dụng các diễn đàn như ASEAN, G20 và Liên hợp quốc để thúc đẩy các sáng kiến quốc tế phù hợp với lợi ích quốc gia, từ đó gia tăng ảnh hưởng và vị thế trên trường quốc tế.
Trung Quốc và Ấn Độ là hai đối tác chiến lược toàn diện của Việt Nam, đồng thời cũng có những tương đồng nhất định trong điều kiện nội tại và chủ trương hội nhập quốc tế. Với những kinh nghiệm ngoại giao thành công từ Trung Quốc, Ấn Độ và bằng sự vận dụng linh hoạt, sáng tạo vào điều kiện thực tại quốc gia, nền ngoại giao hiện đại Việt Nam đã, đang và sẽ tiếp tục là cầu nối quan trọng để nước ta thực hiện thắng lợi mục tiêu chiến lược đến năm 2030, tầm nhìn 2045 và khẳng định vị thế đất nước trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
---------
Bài đăng trên Tạp chí Thông tin khoa học chính trị số 1 (43) - 2025
1 Minh Châu: Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam, https://dangcongsan.vn/xay-dung-dang/ky-nguyen-vuon-minh-cua-dan-toc-viet-nam-684307.html, truy cập ngày 5/12/2024.
2 Wang Yadie, Zhang Yongsheng: 深刻认识新时代中国特色大国外交的历史性成就和宝贵经验 (Tìm hiểu những thành tựu lịch sử và kinh nghiệm quý báu của ngoại giao nước lớn đặc sắc Trung Quốc trong thời kỳ mới), http://gd.people.com.cn/n2/2023/1230/c123932-40698667.html, truy cập ngày 5/12/2024.
3 Li Xiang: 【“三大体系”建设】开创中国特色大国外交新局面 (Xây dựng “Ba hệ thống lớn: Tạo thế mới trong ngoại giao nước lớn đặc sắc Trung Quốc), https://www.cssn.cn/gjgc/gjgc_lbt/202405/t20240520_5753535.shtml, truy cập ngày 5/12/2024.
4 Yue Hongbin, Cao Kun: 中国外交在改革开放中积累的宝贵经验(纪念改革开放四十周年)(Kinh nghiệm quý báu ngoại giao Trung Quốc tích lũy trong quá trình cải cách mở cửa (kỷ niệm 40 năm cải cách mở cửa), http://opinion.people.com.cn/n1/2018/0622/c1003-30074301.html, truy cập ngày 5/12/2024.
5 Chính phủ nước Cộng hòa Nhân dân Trung hoa: Chung tay xây dựng cộng đồng chung vận mệnh cho nhân loại: Sáng kiến và hành động của Trung Quốc, https://www.gov.cn/zhengce/202309/content_6906335.htm, truy cập ngày 25/10/2024.
6 Dr Ambikesh Kumar Tripathi, Ms Kirti Dwivedi: Assessing India’s Foreign Policy Priorities under PM Modi, https://diplomatist.com/2024/04/16/assessing-indias-foreign-policy-priorities-under-pm-modi/, truy cập ngày 5/12/2024.
7 Moneycontrol: India’s Russian oil imports jump 33 times in December compared to year-ago, tops 1 million bpd, https://www.moneycontrol.com/news/business/india-now-buying-33-times-more-russian-oil-than-a-year-earlier-9874921.html#goog_rewarded, truy cập ngày 25/10/2024.
8 Karthik Nachiappan: India’s Geo-Economic Foreign Policy, The India Forum, https://www.theindiaforum.in/international-affairs/indias-geo-economic-foreign-policy, truy cập ngày 5/12/2024.