ThS PHẠM THANH CHỜ

Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Bạc Liêu

(TTKHCT) - Phát triển kinh tế tư nhân trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là một trong những chủ trương quan trọng của Đảng, Nhà nước. Tuy nhiên, việc phát triển kinh tế tư nhân ở nước ta hiện nay chưa đáp ứng được kỳ vọng phát triển mà Đảng và Nhà nước đề ra, chưa phát huy tốt tiềm năng và thế mạnh. Sở dĩ có giới hạn này là do kinh tế tư nhân đang đối diện với những điểm nghẽn. Đây là những nội dung chính mà bài viết này hướng tới.

Tại Đại hội lần thứ XIII, Đảng ta khẳng định kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng của nền kinh tế. Đây là chủ trương khoa học, phù hợp với thực tiễn vận động của các thành phần kinh tế trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (CNXH), mang lại thành tựu đột phá cho phát triển kinh tế đất nước, góp phần bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống cho nhân dân.

1. Những đóng góp của kinh tế tư nhân vào nền kinh tế đất nước

Báo cáo Nghiên cứu đánh giá khu vực kinh tế tư nhân Việt Nam (CPSD) do tổ chức tài chính quốc tế (IFC) và Ngân hàng Thế giới thực hiện cho thấy, thời gian qua khu vực kinh tế tư nhân đóng vai trò tiên phong với sự phát triển vượt bậc của kinh tế Việt Nam nói chung. Kinh tế tư nhân liên tục duy trì tốc độ tăng trưởng khá, chiếm tỉ trọng 39 - 40% GDP; thu hút khoảng 85% lực lượng lao động của nền kinh tế, tỷ lệ đóng góp thuế thu nhập doanh nghiệp chiếm khoảng 34,1% cao hơn mức đóng góp 27,7% của 17 doanh nghiệp nhà nước (DNNN), góp phần huy động các nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh, tăng trưởng kinh tế, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng thu ngân sách nhà nước, tạo việc làm, cải thiện đời sống nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội. Khu vực kinh tế tư nhân thời gian qua đã tạo ra khoảng 40% GDP, 30% ngân sách nhà nước, thu hút khoảng 85% lực lượng lao động cả nước.

Hiện nay, doanh nghiệp tư nhân chiếm khoảng 98% trong tổng số hơn 800.000 doanh nghiệp đang hoạt động. Trong đó, nhiều doanh nghiệp đã đạt hiệu quả cao trong sản xuất, kinh doanh như Vingroup, T&T Group, Thaco, Vietjet, FLC, Vinamilk... và có ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng toàn cầu. Hiện nay, Việt Nam có khoảng 29 doanh nghiệp tư nhân có giá trị vốn hóa trên thị trường chứng khoán vượt con số 1 tỷ USD, có 6 tỷ phú tham gia vào câu lạc bộ tỷ phú thế giới năm 2021. Nhiều doanh nghiệp tư nhân đạt kim ngạch xuất khẩu cao, đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế, thu ngân sách và giải quyết việc làm, bảo đảm an sinh xã hội. Bên cạnh đó, kinh tế tư nhân cùng với Nhà nước góp sức phòng, chống dịch bệnh, thiên tai, cứu trợ người dân bị nạn, tài trợ cho các giải thể thao, những sự kiện lớn về kinh tế - xã hội của đất nước.

Hiện nay, các doanh nghiệp tư nhân đã có thể đảm đương những việc mà trước đây chỉ Nhà nước mới được làm như: xây dựng sân bay, cảng biển, tham gia vào lĩnh vực hàng không... Ví dụ, trong lĩnh vực sản xuất ô tô, suốt mấy chục năm qua, lực lượng kinh tế Nhà nước đã không thể thực hiện được khát vọng ô tô “made in Vietnam” thì đến nay, các tập đoàn kinh tế tư nhân là Thaco, VinFast đang biến khát vọng đó thành hiện thực.

Các công trình quan trọng trong vận tải của nước ta như: Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn, Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long, Cao tốc Hạ Long - Vân Đồn, cao tốc Vân Đồn - Móng Cái thể hiện vai trò to lớn của kinh tế tư nhân. Điều đặc biệt, sân bay Vân Đồn được xây dựng chưa tới 2 năm, là công trình có thời gian xây dựng nhanh nhất Việt Nam, góp phần giúp Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn được vinh danh là “Sân bay mới hàng đầu châu Á 2019”.

Kinh tế tư nhân đã và đang lớn mạnh từng ngày và có những đóng góp lớn đối với nền kinh tế đất nước. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân vẫn còn có những điểm nghẽn cần phải tháo gỡ để cho kinh tế tư nhân thực sự là một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam hiện nay.

2. Những điểm nghẽn cản trở phát triển kinh tế tư nhân ở Việt Nam hiện nay

Thứ nhất, vấn đề nhận thức đối với phát triển của kinh tế tư nhân

Trải qua gần 40 năm thực hiện công cuộc đổi mới, tuy đã có sự thay đổi từ nhận thức đến hành động thực tiễn, song còn có những nhận thức chưa đầy đủ về vị trí, vai trò và những đóng góp của kinh tế tư nhân, cụ thể:

(1) Còn có biểu hiện phân biệt đối xử giữa khu vực kinh tế tư nhân với các khu vực kinh tế khác. Trước hết là các doanh nghiệp tư nhân chịu phân biệt đối xử với doanh nghiệp nhà nước. Chẳng hạn, các nguồn lực cơ bản vẫn tập trung phần lớn trong các doanh nghiệp nhà nước, mặc dù có thể các nguồn lực này đang chưa được sử dụng hiệu quả; hoặc trong khi các doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp FDI được trải thảm đỏ, được ưu đãi mọi mặt từ đất đai, vay vốn, giảm thuế... thì doanh nghiệp tư nhân trong nước không những không được ưu đãi mà còn phải lo đủ các loại phí “bôi trơn”, cùng với đó là phải vận hành doanh nghiệp dưới sự điều chỉnh của rất nhiều loại giấy phép con... Mặc dù Đảng, Nhà nước đã có nhiều nỗ lực để đem lại môi trường bình đẳng cho các doanh nghiệp, song thực tế doanh nghiệp tư nhân vẫn gặp phải nhiều trở ngại khi tham gia thị trường.

(2) Một số cán bộ, công chức trong thực thi công vụ gây “nhũng nhiễu, phiền hà” khiến kinh tế tư nhân gặp không ít khó khăn khi đáp ứng các thủ tục hành chính. Trên thực tế, kinh tế tư nhân còn bị phân biệt đối xử, chưa được “chơi” một cách bình đẳng với các chủ thể kinh tế khác. Các doanh nghiệp tư nhân nhiều khi “sợ tiếp xúc với công chức” do bị nhũng nhiễu, thậm chí gây khó khăn cho hoạt động của doanh nghiệp.

Thứ hai, vấn đề “tạo môi trường thuận lợi” để kinh tế tư nhân trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế

Hệ thống pháp luật, các cơ chế, chính sách còn bất cập, thiếu đồng bộ. Hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách để kinh tế tư nhân phát triển đang tiếp tục được quan tâm hoàn thiện, nhưng trên thực tế cho thấy những cải cách, đổi mới để hoàn thiện hệ thống này đang mang tính chất “xử lý tình huống”, chưa mang tính thúc đẩy, ổn định để triển khai và chưa đảm bảo thực thi được những ưu tiên phát triển. Từ đó làm cho tình trạng doanh nghiệp tư nhân “không thể lớn” hay “không muốn lớn” bởi niềm tin kinh doanh còn thấp và bấp bênh. Chẳng hạn, sau Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 03/6/2017 Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII “về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”, lần đầu tiên đã có quá trình tự rà soát điều kiện kinh doanh và đơn giản hóa, cắt giảm ít nhất 50% điều kiện kinh doanh. Theo đó, năm 2018 đã có đến 25 nghị định về sửa đổi, cắt giảm điều kiện kinh doanh được ban hành. Tuy nhiên, trên thực tế vẫn còn tình trạng cải cách các điều kiện kinh doanh chưa thực chất. Nhiều bộ, ngành đưa ra phương án cắt giảm mang tính đối phó (ví như việc gộp ba điều kiện kinh doanh cụ thể làm một và thống kê là đã cắt giảm hai điều kiện). Hay tình trạng chuyển điều kiện kinh doanh sang hình thức quản lý khác bằng quy định mới để giữ nguyên tinh thần “xin phép, cấp phép”... Trong từng Bộ chức năng, vẫn phổ biến tình trạng các Vụ, Cục đang thực hiện nhiệm vụ cấp phép lại chính là cơ quan chủ trì soạn thảo phương án hay nghị định, thông tư cải cách cấp phép này.

Sự chồng chéo mâu thuẫn, xung đột của pháp luật về đầu tư, đất đai, xây dựng, môi trường, đấu thầu, chẳng hạn như giữa các văn bản luật: Luật Xây dựng, Luật Đầu tư, Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Quy hoạch đô thị, Luật Đấu thầu; Luật Nhà ở1... Chưa bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ và thiếu tính ổn định; tần suất sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ văn bản pháp luật còn cao. Nhiều văn bản pháp luật “tuổi thọ” ngắn, thậm chí mới ban hành đã phải tạm hoãn thực hiện hoặc phải sửa đổi, bổ sung. Nhiều văn bản quy phạm pháp luật chưa phù hợp thực tiễn, khó thực hiện, thậm chí có những quy định pháp luật còn xa rời thực tế. Tình trạng này gây nhiều khó khăn, phức tạp cho người dân và doanh nghiệp tư nhân thực hiện hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Hiệu lực, hiệu quả quản lý của các cấp chính quyền còn nhiều hạn chế là bởi: nhiều quy định thiếu chế tài hoặc chế tài chưa đủ mạnh dẫn đến hiện tượng “nhờn luật”. Việc ban hành các văn bản quy định chi tiết, văn bản quy định về trình tự, thủ tục, văn bản hướng dẫn thi hành thường chậm so với yêu cầu, có khi trái luật. Công tác tổ chức, cán bộ liên quan đến việc tổ chức thi hành pháp luật cũng chưa thật tốt. Trong hoạt động tổ chức thực thi chính sách pháp luật của Nhà nước vẫn còn hiện tượng tham nhũng, lãng phí làm cho hiệu quả thực thi chính sách trong thực tiễn không cao.

Các nguồn lực cho phát triển kinh tế tư nhân còn hạn chế. Các điều kiện và nguồn lực phục vụ phát triển như: kết cấu hạ tầng (giao thông vận tải, năng lượng, logictisc, tài chính, nhân lực...) là đặc biệt cần thiết để kinh tế tư nhân phát triển, song khu vực kinh tế này được tiếp cận rất giới hạn với nguồn lực trên.

Trong nhiều diễn đàn, các doanh nghiệp tư nhân đều khẳng định, chủ trương của Đảng và Nhà nước rất đúng đắn nhưng vướng mắc ở khâu triển khai vào cuộc sống. Chủ trương thông qua Nghị quyết bao giờ cũng có mục tiêu rõ ràng đi kèm với giải pháp thực hiện, cụ thể là các cơ chế, chính sách hỗ trợ, song triển khai chưa thực sự hiệu quả.

Các cơ hội phát triển của kinh tế tư nhân chưa được khai thác hiệu quả. Các cơ hội được nhắc đến ở đây chính là những ngành/ lĩnh vực mà kinh tế tư nhân tham gia có thể tạo sự khác biệt đáng kể đối với tăng trưởng kinh tế như: kinh doanh nông nghiệp, du lịch, giáo dục và đào tạo kỹ năng, song kinh tế tư nhân còn gặp nhiều cản trở khi tham gia.

Thứ ba, vấn đề “hạn chế nội tại” của chính các chủ thể kinh tế tư nhân cản trở sự phát triển của khu vực này

Quy mô nhỏ, tiềm lực yếu là hiện trạng phổ biến của khu vực kinh tế tư nhân. Xét tổng thể qua 35 năm đổi mới đất nước, khu vực kinh tế tư nhân đã “lớn mạnh” cùng sự phát triển của nền kinh tế và có đóng góp quan trọng cho tiến trình này, song quy mô doanh nghiệp lớn và vừa chỉ chiếm khoảng gần 5% tổng số doanh nghiệp tư nhân, còn lại tới gần 96% là các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh nhỏ và siêu nhỏ, trong đó, các doanh nghiệp siêu nhỏ chiếm đa số (gần 67%). Nếu so sánh quy mô của các doanh nghiệp lớn của Việt Nam với quy mô trung bình của các nước trong khu vực thì cũng còn rất nhỏ bé.

Năng suất và tốc độ tăng năng suất của khu vực kinh tế tư nhân còn thấp. Xét trong tổng thể tăng trưởng năng suất của nền kinh tế, khu vực kinh tế tư nhân Việt Nam có tốc độ tăng trưởng đều, tuy nhiên đang đạt ở mức thấp hơn khu vực nhà nước và khu vực FDI2. Trong khi đó, mức năng suất lao động của toàn nền kinh tế còn rất thấp, khoảng cách tuyệt đối về năng suất lao động giữa Việt Nam và các nước phát triển trước trong khu vực vẫn còn rất lớn. So với một số quốc gia khác trong khối ASEAN, mức năng suất lao động của Việt Nam thuộc nhóm thấp nhất của các quốc gia ASEAN, thậm chí thấp hơn Philippines, Lào và Myanmar, chỉ cao hơn Campuchia.

Năng lực khoa học công nghệ của các doanh nghiệp tư nhân còn yếu và lạc hậu, sức cạnh tranh yếu. Hầu hết các doanh nghiệp tư nhân trong nước chưa đủ năng lực để đầu tư công nghệ mới, công nghệ cao, từ đó chưa đủ năng lực cạnh tranh để chiếm lĩnh thị trường nước ngoài, hoặc tham gia mạng lưới sản xuất toàn cầu. Đầu tư công và tư nhân vào khoa học và công nghệ tại Việt Nam còn tương đối thấp so với mức trung bình toàn cầu (chỉ chiếm hơn 0,5% GDP). Tỷ lệ chi cho khoa học công nghệ của Việt Nam thấp hơn gần 5 lần so với mức trung bình là 2,23%3.

Trình độ, kỹ năng của lao động trong các doanh nghiệp tư nhân chủ yếu còn thấp, thiếu nhân lực giỏi, lao động không được đào tạo bài bản. Do nhân lực trình độ thấp nên doanh nghiệp tư nhân phần lớn khó tiếp thu được những tiến bộ khoa học và công nghệ. Một bộ phận nhân lực chuyên môn cao không mặn mà với những loại hình doanh nghiệp này do không đáp ứng được những kỳ vọng của họ. Ngoài ra, lao động trong doanh nghiệp tư nhân thiếu ổn định, tỷ lệ lao động học việc chiếm tỷ lệ cao. Trình trạng vi phạm chế độ lao động trong việc trả lương, đóng bảo hiểm xã hội, ngày giờ làm việc diễn ra không ít...

Trình độ quản lý của các chủ doanh nghiệp tư nhân đa số còn thấp. Các chủ doanh nghiệp tư nhân trưởng thành chủ yếu qua học hỏi, qua bạn hàng. Ước tính khoảng trên 80% doanh nghiệp tư nhân trưởng thành từ kinh nghiệm thực tiễn, chỉ có một số được đào tạo qua trường lớp chính quy về quản trị doanh nghiệp hay quản lý về kinh tế chung. Chính vì quản lý và điều hành dựa vào kinh nghiêm được tích lũy, chưa qua đào tạo và không chuyên nghiệp, bài bản nên việc nắm bắt cơ hội, những cải cách đều không cao và ít hướng tầm nhìn đúng cho sự phát triển đi lên của doanh nghiệp và gặp không ít khó khăn trong điều kiện hội nhập quốc tế như hiện nay.

Tính liên kết, hợp tác giữa các doanh nghiệp Việt Nam còn yếu. Thực tế cho thấy, hiện các doanh nghiệp Việt Nam nói chung, doanh nghiệp tư nhân nói riêng chưa chú trọng cải thiện khả năng liên kết, nâng cao năng lực cạnh tranh để tham gia chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu... Hiện chỉ có khoảng 20% doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia một số chuỗi giá trị toàn cầu, 14% thành công trong việc liên kết với đối tác nước ngoài.

3. Kết Luận

Trong thời gian tới, nếu giải quyết được các điểm nghẽn trên, kinh tế tư nhân có thể phát triển mạnh mẽ, lành mạnh, hiệu quả, bền vững, thực sự trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, góp phần phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững. Điều này sẽ không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, sớm đưa nước ta trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Do vậy, các cơ quan chức năng cần chú trọng đến những giải pháp cụ thể nhằm tháo gỡ những điểm nghẽn trong việc phát triển kinh tế tư nhân, tạo lập môi trường đầu tư ngày càng phát triển kinh tế ở Việt Nam.

_________

1 Lan Ca: VCCI “điểm mặt” 20 chồng chéo, xung đột trong lĩnh vực nhà ở, đất đai, https://vneconomy.vn/vcci-diem-mat-20-chong-cheo-xung-dot-trong-linh-vuc-nha-o-dat-dai.htm, cập nhật 03/09/2019.

2 Ohno, Nguyễn Đức Thành, Phạm Thị Hương: Nguồn gốc tăng trưởng năng suất lao động của Việt Nam trong ba thập niên cải cách và hội nhập 1990 - 2020, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, Hà Nội, 2021, tr.26-27.

3 Nhĩ Anh: Thu hút, khơi thông dòng vốn đầu tư tư nhân cho khoa học công nghệ, https://vneconomy.vn/thu-hut-khoi-thong-dong-von-dau-tu-tu-nhan-cho-khoa-hoc-cong-nghe.htm, cập nhật 10/12/2022.