GS, TS MẠCH QUANG THẮNG
Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
(TTKHCT) - Sự kiện Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời đầu năm 1930 là một bước ngoặt quan trọng của cách mạng Việt Nam. Ý nghĩa và những vấn đề liên quan đến bước ngoặt lịch sử này cần được tiếp tục nghiên cứu bổ sung. Việc này phần nào góp thêm tư liệu tham khảo cho các giảng viên ở hệ thống Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và các trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Nội dung của bài viết vẫn đang còn là vấn đề mở, cần thảo luận thêm.
1. Sự kiện Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời - khái lược
Các tổ chức đảng cộng sản ở Việt Nam ra đời với những tên: Đông Dương Cộng sản Đảng (6/1929); An Nam Cộng sản Đảng (tháng 11/1929 hình thành trọn vẹn), Đông Dương Cộng sản Liên đoàn (hoàn tất sự ra đời cuối tháng 12/1929). Cần viết thêm cho rõ: lúc này, tiếng Việt còn chịu nhiều ảnh hưởng của ngôn ngữ Trung Quốc cho nên: Đông Dương Cộng sản Đảng, trật tự các chữ, theo thuần Việt hiện nay, là Đảng Cộng sản Đông Dương. Cũng như thế với tổ chức Đảng An Nam và Liên đoàn. Vậy là, theo đúng thực tế và “ngữ nghĩa” thì từ năm 1929 ở Việt Nam đã có đảng cộng sản rồi (cả tên Đông Dương lẫn tên An Nam - lúc này dùng quốc hiệu cả “Việt Nam” lẫn “An Nam”).
Các đảng cộng sản lúc này “không chịu nhau”, công kích nhau, mà theo tài liệu do Nguyễn Ái Quốc soạn thảo với cái tên Năm điểm lớn của Hội nghị hợp nhất thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam đầu năm 1930 tại Hồng Kông (từ đây, gọi tắt là Hội nghị), đã dùng những chữ khá nặng nề là các tổ chức này “thành kiến xung đột”1 nhau. Đông Dương Cộng sản Đảng và An Nam Cộng sản Đảng đã gặp nhau để bàn hợp nhất, nhưng không thành. Đến lúc này mới nghĩ tới Việt Nam có Nguyễn Ái Quốc tham gia tổ chức Quốc tế Cộng sản đang ở Liên Xô cho nên cử người sang Mátxcơva mời về đứng ra hợp nhất. Nhưng, có người cho biết rằng, Nguyễn Ái Quốc đang ở Đông Bắc Xiêm, cho nên có người sang Xiêm báo tin cho Nguyễn Ái Quốc. Nhận được tin do có người từ Hồng Kông đến Đông Bắc Xiêm2 báo cho biết “tình hình Hội An Nam Thanh niên Cách mạng bị tan rã. Những người cộng sản chia thành nhiều phái, v.v”3, cuối năm 1929, từ Xiêm, Nguyễn Ái Quốc đến Hồng Kông4 vào ngày 23/12/1929 rồi “triệu tập các đại biểu của hai nhóm (Đông Dương và An Nam)”5. Đầu năm 1930, Hội nghị diễn ra tại bán đảo Cửu Long, Hồng Kông từ ngày 6/01/1930 để hợp nhất/ thống nhất hai tổ chức cộng sản thành đảng cộng sản duy nhất lấy tên là Đảng Cộng sản Việt Nam. Dự Hội nghị có “đại biểu của Quốc tế”6 là Nguyễn Ái Quốc; hai đại biểu của Đông Dương Cộng sản Đảng là Trịnh Đình Cửu, Nguyễn Đức Cảnh; hai đại biểu của An Nam Cộng sản Đảng là Châu Văn Liêm, Nguyễn Thiệu; hai người nữa giúp việc (không phải là đại biểu Hội nghị) là Lê Hồng Sơn, Hồ Tùng Mậu. Xong công việc, “các đại biểu trở về An Nam ngày 08/02”7. Xin nhấn mạnh rằng, lúc Hội nghị diễn ra, những người họp đều chưa biết là Đông Dương Cộng sản Liên đoàn đã được thành lập ở tỉnh Hà Tĩnh. Bằng chứng là tại Báo cáo Nguyễn Ái Quốc gửi Quốc tế Cộng sản ngày 18/02/1930, vẫn viết là Hội nghị nêu chủ trương “Đối với Tân Việt”8; chứng tỏ Hội nghị chưa biết vai trò của Tân Việt đã chấm dứt vì hầu hết các thành viên của Tân Việt đã trở thành đảng viên của Đông Dương Cộng sản Liên đoàn.
Trong Báo cáo tóm tắt Hội nghị ngày 07/02/1930, có nêu rõ chương trình gồm hai điểm: 1/ Đại biểu Quốc tế Cộng sản nói lý do cuộc Hội nghị; 2/ Thảo luận ý kiến của đại biểu Quốc tế Cộng sản về hợp nhất các “nhóm cộng sản” thành một tổ chức chung (tức là một “Đảng Cộng sản chân chính”9) và về kế hoạch thành lập tổ chức đó. Hội nghị đã hoàn thành chương trình, đặc biệt là thông qua các văn kiện.
Ngày 24/02/1930, xét đề nghị của Đông Dương Cộng sản Liên đoàn, thay mặt “Lâm thời Chấp ủy”10, Ngô Gia Tự đã ký Quyết nghị chấp nhận Đông Dương Cộng sản Liên đoàn gia nhập Đảng Cộng sản Việt Nam. Điều này càng cho thấy rằng, Nguyễn Ái Quốc không biết, và do đó, không triệu tập Đông Dương Cộng sản Liên đoàn sang Hồng Kông dự Hội nghị, chứ không phải như nhiều người viết là do thành lập sau nên Đông Dương Cộng sản Liên đoàn không kịp cử đại biểu tham dự Hội nghị.
Như vậy, đến thời điểm này, tức là thời điểm ngày 24/02/1930, Đảng Cộng sản Việt Nam mới thống nhất được cả ba Đảng Cộng sản, và do đó, hoàn chỉnh về mặt tổ chức.
2. Một số vấn đề đặt ra
Có nhiều vấn đề được đặt ra cần làm rõ thêm về sự kiện Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập. Trong phạm vi bài viết này, tôi chỉ nêu năm vấn đề.
2.1. Liên quan thời gian ra đời Đảng Cộng sản Việt Nam
Ngày 03/02/1930 là ngày hai tổ chức (Đông Dương Cộng sản Đảng và An Nam Cộng sản Đảng) hợp nhất để cho ra đời một đảng chính trị mới với tên: Đảng Cộng sản Việt Nam. “Việt Nam” và “An Nam” là một. Tuy vẫn là tên Đảng Cộng sản Việt Nam nhưng khác với tổ chức An Nam Cộng sản Đảng.
Nếu lấy ngày và địa điểm thành lập Đảng Cộng sản Đông Dương thì phải lấy ngày 17/6/1929, tức là thời gian sớm nhất ở Đông Dương có tổ chức đảng cộng sản được lập ra, tại số nhà 312, phố Khâm Thiên, Thành phố Hà Nội11. Nếu lấy ngày và địa điểm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (An Nam) thì phải lấy ngày 15/11/1929, tại Nam Kỳ. Thời điểm ngày 15/11/1929 là thời điểm không gọi “Ban Lâm thời chỉ đạo” của An Nam Cộng sản Đảng nữa mà chuyển thành “Ban Chấp hành Trung ương Đảng” đồng thời công bố đường lối chính trị của Đảng. Ngày 15/11/1929, do vậy, được coi là thời điểm hoàn thiện về tổ chức, tức là hình thành trọn vẹn An Nam Cộng sản Đảng12. Cũng gọi là tổ chức cộng sản Đông Dương, nhưng với tên gọi là Đông Dương Cộng sản Liên đoàn - ra đời cuối năm 1929 tại tỉnh Hà Tĩnh. Ngày 24/02/1930 chỉ là thời điểm Đảng Cộng sản Việt Nam kết nạp Đông Dương Cộng sản Liên đoàn vào để hoàn thiện tổ chức của mình.
Như vậy là ba tổ chức cộng sản: Đông Dương Cộng sản Đảng, An Nam Cộng sản Đảng, Đông Dương Cộng sản Liên đoàn là ba tổ chức tiền thân của đảng hợp nhất là Đảng Cộng sản Việt Nam ngày 03/02/1930. Cần kể thêm các tổ chức tiền thân, đó là Đảng Tân Việt, vì Đảng này cuối năm 1929 phân hóa mạnh, tuyệt đại đa số thành viên chuyển hẳn sang lập trường cộng sản. Còn đối với tiền thân của Đông Dương Cộng sản Đảng (cũng có thể coi là tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam) là Chi bộ cộng sản đầu tiên được thành lập vào tháng 3/1929 tại số nhà 5D, phố Hàm Long, Thành phố Hà Nội. Còn một tổ chức tiền thân nữa cần kể đến, đó là tổ chức Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên - một tổ chức yêu nước có xu hướng cộng sản, được Nguyễn Ái Quốc cho rằng: “Hội An Nam Thanh niên Cách mạng… là quả trứng mà từ đó nở ra con chim non cộng sản”13.
Trước tháng 9/1960, Đảng coi ngày 06/01 hằng năm là Ngày kỷ niệm thành lập Đảng. Đại hội III của Đảng họp từ ngày 05/9/1960 đến ngày 10/9/1960 tại Hà Nội14 đã ra Nghị quyết về ngày thành lập Đảng, nêu: “Đại hội (…) quyết nghị từ nay trở đi sẽ lấy ngày 3 tháng 2 dương lịch mỗi năm làm ngày kỷ niệm thành lập Đảng”15. Khoảng vài chục năm trở lại đây, một số nhà khoa học đề nghị lấy lại ngày 6/1/1930 là ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, nhưng chưa được cấp có thẩm quyền đồng ý. Trong khi đó, một số người cho rằng, ngày 6/1/1930 mới chỉ có 2 đại biểu của Đông Dương Cộng sản Đảng tới Hồng Kông được mà thôi và có hội ý với Nguyễn Ái Quốc chứ chưa họp chính thức; rằng, ngày 03/02/1930 đúng dịp Tết Canh Ngọ, là ngày Hội nghị thông qua các văn kiện. Nhưng, chưa thấy tài liệu chắc chắn nào khẳng định điều đó. Tôi cho rằng, ngày 03/02/1930 là một ngày nằm trong thời gian họp Hội nghị; hơn nữa, Nghị quyết Đại hội III của Đảng vẫn còn có hiệu lực, cho nên việc hằng năm lấy ngày 03/02 làm Ngày kỷ niệm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam là phù hợp.
2.2. Về tư cách “đại biểu Quốc tế Cộng sản” của Nguyễn Ái Quốc
Nhiều văn bản viết là “đại biểu quốc tế”, nhưng viết cho thật chính xác thì phải là “đại biểu của Quốc tế Cộng sản”. Nguyễn Ái Quốc tự nhận mình “với tư cách là phái viên của Quốc tế Cộng sản có đầy đủ quyền quyết định mọi vấn đề liên quan đến phong trào cách mạng ở Đông Dương”16. Tôi cho rằng, có thể vì thế cho nên Nguyễn Ái Quốc mới có quyền triệu tập và chủ trì Hội nghị. Sau này, trong quãng thời gian học tập và công tác tại Liên Xô 1934 - 1938, Nguyễn Ái Quốc bị một số người đặt ra một loạt vấn đề cần xem xét, kiểm điểm, trong đó có vấn đề tại sao lại tự nhận như vậy. Nguyễn Ái Quốc sang Liên Xô từ mùa Hè năm 1923. Đến tháng 9/1924, sau Đại hội V Quốc tế Cộng sản, tổ chức này không có ý định để Nguyễn Ái Quốc quay trở lại Pháp, nhưng cứ chần chừ trong việc cử Nguyễn Ái Quốc đến hoạt động ở Trung Quốc và trở về Đông Dương. Thậm chí, khi cử rồi thì định không cấp tiền hoạt động, không để Nguyễn Ái Quốc đi Trung Quốc với tư cách là người của Quốc tế Cộng sản mà chỉ với tư cách cá nhân. Sau đó, do can thiệp của đại diện Đảng Cộng sản, vấn đề trên đây mới được giải quyết ổn thỏa.
Nhân đây, tôi cho rằng, không có tài liệu chính xác, đáng tin cậy nào khẳng định Nguyễn Ái Quốc là Ủy viên Bộ Phương Đông17 phụ trách Cục Phương Nam của Quốc tế Cộng sản như chú thích của người biên soạn tập 2, trang 1, Văn kiện Đảng, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1998, đã nêu. Cuối năm 1924, Nguyễn Ái Quốc chính thức được công nhận là một người trong biên chế của Bộ Phương Đông Quốc tế Cộng sản. Nguyễn Ái Quốc chưa bao giờ là cán bộ cấp ủy (tức là cán bộ lãnh đạo) của Quốc tế Cộng sản như trường hợp của Lê Hồng Phong, Ủy viên chính thức Ban Chấp hành Quốc tế Cộng sản khóa VII từ tháng 8/1935 đến khi hy sinh tháng 6/1942 tại Côn Đảo.
2.3. Ai là người soạn thảo các văn kiện của Hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam?
Có bảy văn bản được Hội nghị hợp nhất thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam thông qua: 1/ Năm điểm lớn; 2/ Chánh cương vắn tắt của Đảng; 3/ Sách lược vắn tắt của Đảng; 4/ Chương trình tóm tắt của Đảng; 5/ Điều lệ vắn tắt của Đảng; 6/ Báo cáo tóm tắt Hội nghị; 7/ Lời kêu gọi. Có phải Nguyễn Ái Quốc là người soạn tất cả bảy bản tài liệu đó hay chỉ soạn một số trong bảy bản đó thôi?
Theo Hồ Chí Minh Toàn tập, tập 3, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011 và theo Văn kiện Đảng Toàn tập, tập 2, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1998 thì tất cả các tài liệu trên đều do Hồ Chí Minh biên soạn. Trong Báo cáo Hội nghị, đề ngày 07/02/1930, có đề ra “Kế hoạch thành lập một Đảng Cộng sản chân chính”, có mấy điểm: “i) Đại biểu Quốc tế Cộng sản ra hiệu triệu kêu gọi quần chúng Việt Nam tham gia cách mạng; j) Chính cương và sách lược Đảng mới do đại biểu Quốc tế Cộng sản dự thảo; k) Điều lệ Đảng do đại biểu Quốc tế dự thảo”18. Báo cáo trên đây được soạn ngay sau Hội nghị kết thúc. Tôi cho rằng, tài liệu đó hoàn toàn tin cậy vì trên đây đã cho thấy rõ đó như một sự phân công công việc rõ ràng cho Nguyễn Ái Quốc. Như vậy là những tài liệu của Hội nghị, trong đó đặc biệt là Chánh cương vắn tắt của Đảng, Sách lược vắn tắt của Đảng, Chương trình tóm tắt của Đảng, Điều lệ vắn tắt của Đảng chắc chắn là do Nguyễn Ái Quốc soạn thảo, không như có ý kiến cho rằng, Nguyễn Ái Quốc chỉ được soạn thảo Lời kêu gọi.
2.4. Tại sao gọi các văn kiện được thông qua tại Hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam là Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng?
Trước đây, khi liệt kê các cương lĩnh của Đảng, nhiều người coi Luận cương chính trị tại Hội nghị Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương tháng 10/1930 tại Hồng Kông do Trần Phú chủ trì là Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng. Qua một thời gian nghiên cứu, thảo luận, dần dần, giới khoa học Việt Nam khẳng định rằng, văn kiện của Hội nghị hợp thành Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng19. Vậy là, cho đến nay, Đảng Cộng sản Việt Nam đã có bốn luận cương chính trị: 1. Cương lĩnh chính trị đầu tiên, ngày 3/2/1930; 2. Luận cương chính trị, tháng 10/1930; 3. Chính cương của Đảng Lao động Việt Nam, tháng 2/1951; 4. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, năm 1991 (bổ sung, phát triển năm 2011).
Một số người không cho là tất cả các văn bản của Hội nghị hợp thành cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng mà chỉ có các bản Chính cương vắn tắt của Đảng và Sách lược vắn tắt của Đảng mà thôi. Tôi cho rằng không chỉ hai văn bản đó, mà tất cả các văn bản được Hội nghị thông qua mới làm thành các nội dung chỉnh thể của một cương lĩnh chính trị. Các văn bản của Hội nghị, tuy rất vắn tắt, nhưng hội đủ những vấn đề cốt yếu nhất của cách mạng Việt Nam: 1/ Mục đích/ mục tiêu hoạt động của Đảng; 2/ Con đường đi đến mục tiêu; 3/ Lý luận chính trị của Đảng; 4/ Lực lượng lãnh đạo cách mạng; 5/ Lực lượng cách mạng; 6/ Phương pháp cách mạng; 7/ Phác thảo cơ bản về xã hội tương lai khi cách mạng thành công; 8/ Quan hệ quốc tế của Đảng.
Tám nội dung cơ bản đó làm thành một thể thống nhất tạo nên một cương lĩnh chính trị đúng đắn của một đảng Mác - Lênin.
2.5. Quốc tế Cộng sản hiểu sai quan điểm của những người tham gia thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam
Quan điểm không phù hợp của Đại hội VI Quốc tế Cộng sản về lực lượng cách mạng (họp từ ngày 17/7 đến ngày 11/9/1928) tác động không mấy tích cực đối với công cuộc giải phóng dân tộc ở Việt Nam. Quốc tế Cộng sản là hiệp sĩ của thế kỷ XX, được lập ra năm 1919 theo sáng kiến của V.I.Lênin và tự giải thể năm 1943. Nó đã thúc đẩy sự phát triển của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế trên thế giới, thúc đẩy phong trào giải phóng dân tộc ở các nước thuộc địa. Hàng loạt đảng cộng sản trên thế giới, do tác động tích cực của Quốc tế Cộng sản, đã ra đời trong thời gian này. Nhưng, nó không tránh khỏi những hạn chế, nhất là sau khi V.I.Lênin qua đời, không đáp ứng được sự vận động tích cực, chủ động của các đảng cộng sản, nhất là ở các nước phương Đông xa trung tâm Mátxcơva. Quốc tế Cộng sản đã đúng trong việc lãnh đạo phong trào giải phóng dân tộc những năm V.I.Lênin còn sống: lãnh đạo bằng cương lĩnh, đường lối, quan điểm nêu rõ trong Luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa của V.I.Lênin. Luận cương này phê bình nghiêm khắc những thành kiến và sự hiểu biết không đúng của các đảng cộng sản châu Âu đối với các phong trào giải phóng dân tộc. V.I.Lênin cũng đã thấy được nguy cơ của bệnh tả khuynh trong phong trào cộng sản quốc tế. Tác phẩm Bệnh ấu trĩ tả khuynh trong phong trào cộng sản đã được V.I.Lênin viết năm 1920 đề phòng nguy cơ đó. Tại Đại hội III Quốc tế Cộng sản vào tháng 6/1921, V.I.Lênin tiếp tục phê phán một cách gay gắt: “Nếu Đại hội không tiến hành kiên quyết chống những sai lầm như thế, chống những điều ngu xuẩn “tả” như vậy, thì toàn bộ phong trào sẽ không tránh khỏi tan vỡ”20.
Đáng tiếc, từ khi V.I.Lênin qua đời, xu hướng tả khuynh đã trở thành hiện thực. Biểu hiện rõ ràng nhất là Đại hội VI Quốc tế Cộng sản năm 1928 đã đánh giá tả khuynh đối với giai cấp tư sản dân tộc ở các nước thuộc địa. Cũng có nguyên do của sự đánh giá đó. Ấy là vì lúc này, trên thế giới đã có một số sự kiện nói lên sự phản bội của giai cấp tư sản đối với phong trào cách mạng của công nông, trong đó có sự phản bội của Tưởng Giới Thạch ở Trung Quốc từ năm 1927 đối với đường lối “Liên Nga, liên cộng, ủng hộ công nông” do Tôn Trung Sơn lãnh đạo Quốc dân Đảng Trung Quốc. Còn ở Ấn Độ, do thuyết Bất bạo động của M.Gandhi cộng với ảnh hưởng của tình hình quốc tế, nên giai cấp tư sản Ấn Độ bị nhìn nhận một cách phiến diện, không được nhìn thấy tính tích cực của họ trong phong trào giải phóng dân tộc.
Phong trào cộng sản ở các nước, theo tinh thần của Đại hội VI Quốc tế Cộng sản, đã có những biểu hiện đề cao quá mức đấu tranh giai cấp, chủ quan về đánh giá lực lượng cách mạng ở các nước thuộc địa, đánh giá sai tương quan lực lượng các giai cấp. Do vậy, nhiều đảng cộng sản không chú trọng lập mặt trận dân tộc thống nhất để đoàn kết tất cả các giai tầng. Một hạn chế nữa: Đại hội VI Quốc tế Cộng sản cho rằng, các đảng Dân chủ Xã hội cùng toàn bộ phong trào Xã hội dân chủ là chỗ dựa chính của chủ nghĩa đế quốc trong việc thống trị giai cấp công nhân, là kẻ tòng phạm của chủ nghĩa phát xít. Đại hội VI hướng lực lượng cách mạng vào cuộc đấu tranh “giai cấp chống giai cấp”21, chống giai cấp tư sản và chống cả lực lượng và trào lưu xã hội dân chủ. Đại hội VI còn xác định nhiệm vụ chống cả các thế lực tôn giáo, cho vào một “rọ” với nhiệm vụ chống đế quốc, phong kiến và tư sản bản xứ. Chống đế quốc, chống phong kiến, chống tư sản, chống tôn giáo, chống xã hội dân chủ. Chống tất. Thật quá tả, hết sức quá tả. Chỉ độc công nông là cách mạng mà thôi. Tả khuynh thì chỉ đi đến thất bại, không chóng thì chầy. Từ cổ chí kim, từ Đông sang Tây đã minh chứng điều đó.
Điều này có căn nguyên từ quá trình bônsêvích hóa các đảng Cộng sản trên thế giới để gột rửa những ảnh hưởng của chủ nghĩa cơ hội, cải lương từ Quốc tế II. Một loạt các đảng Cộng sản ra đời vốn từ sự hợp nhất với các đảng xã hội. Đại hội VI lo lắng cho tình hình các đảng Cộng sản ở các nước thuộc địa phương Đông chịu nhiều ảnh hưởng từ tàn tích của chế độ phong kiến, lo rằng các đảng đó có thể dễ thoả hiệp với giai cấp tư sản dân tộc. Đó là cái lo của người lãnh đạo, nhưng là lãnh đạo ở xa, không thật sát tình hình thực tế cụ thể của Đông Dương. Có thể là do họ “lấy mẫu” Ấn Độ và Trung Quốc mà không tính đến tình hình phân hóa giai tầng trong xã hội Đông Dương khác với trong xã hội Ấn Độ thuộc địa của Anh và so với trong xã hội Trung Quốc là nước nửa thuộc địa và phụ thuộc. Việc phân hóa xã hội ở Việt Nam diễn ra không như ở các nước đó, và thái độ xử lý của Đảng đối với các giai tầng không thể giống với Trung Quốc, Ấn Độ và càng không thể giống với phương Tây. Văn kiện đầu tiên, ngay sau đó mà Quốc tế Cộng sản chỉ đạo cho cách mạng Việt Nam là Nghị quyết về Đông Dương ra tháng 12/1929. Quốc tế Cộng sản hướng đến việc thành lập ở Đông Dương một Đảng Cộng sản duy nhất trên cơ sở tập hợp hết thảy những phần tử tiên tiến nhất, cách mạng và tích cực nhất trong tất cả các nhóm cộng sản, đã gạt sạch tất cả các giai tầng còn lại của một xã hội thuộc địa - phong kiến, trừ hai giai cấp công nhân và nông dân, ra ngoài vòng các lực lượng cách mạng cần tập hợp.
“Sóng gió” chỉ thực sự bắt đầu khi có sự kiện Hội nghị hợp nhất và văn kiện được thông qua. Những người tham gia Hội nghị đã đưa tất cả các giai cấp, tầng lớp vốn bị gạt ra bởi quan điểm của Đại hội VI Quốc tế Cộng sản vào một đội quân cách mạng do giai cấp công nhân lãnh đạo. Giai cấp tư sản dân tộc ở các nước thuộc địa, theo quan điểm của Đại hội VI Quốc tế Cộng sản, là đối tượng cần phải đánh đổ, nhưng cương lĩnh của Đảng đầu năm 1930 lại cho rằng: "Tư bản bản xứ đã thuộc tư bản Pháp, vì tư bản Pháp hết sức ngăn trở sức sinh sản làm cho công nghệ bản xứ không thể mở mang được. Còn về nông nghệ một ngày một tập trung đã phát sinh ra lắm khủng hoảng, nông dân thất nghiệp nhiều. Vậy tư bản bản xứ không có thế lực gì, ta không nên nói cho họ đi về phe đế quốc được"22; "Đảng tập hợp và lôi kéo phú nông, tư sản và tư sản bậc trung"23. Còn đối với giai cấp địa chủ thì toàn bộ giai cấp địa chủ ở các nước thuộc địa, theo Đại hội VI Quốc tế Cộng sản, là giai cấp cần đánh đổ, thì trong cương lĩnh, những người tham gia Hội nghị lại khẳng định: "Chỉ bọn đại địa chủ mới có thế lực và đứng hẳn về phe đế quốc chủ nghĩa"24, "Còn đối với bọn phú nông, trung, tiểu địa chủ và tư bản An Nam mà chưa rõ mặt phản cách mạng thì phải lợi dụng, ít lâu mới làm cho họ trung lập"25. Đối với tiểu tư sản, trí thức ở các nước thuộc địa, trong khi Đại hội VI Quốc tế Cộng sản ngăn rằng, không được liên minh với họ, chỉ một số ít trong họ thoát khỏi sự ảnh hưởng từ giai cấp của họ đứng về phía cách mạng mà thôi, thì trong cương lĩnh, lại khẳng định: "Đảng phải hết sức liên lạc với tiểu tư sản, trí thức (…) để kéo họ đi vào phe vô sản giai cấp"26.
Đã thế, cách thành lập đảng Cộng sản của những người tham gia Hội nghị không theo đúng tinh thần chỉ đạo của Quốc tế Cộng sản. Quốc tế Cộng sản chủ trương thành lập Đảng Cộng sản lấy tên là Đông Dương thì những người tham gia thành lập Đảng lại thành lập Đảng Cộng sản lấy tên là Việt Nam. Nguyễn Ái Quốc giữ quan điểm này một cách kiên trì trên tinh thần thực hiện quyền dân tộc tự quyết mà V.I.Lênin đã nêu ra. Chỉ mấy tháng sau khi hợp nhất thành Đảng Cộng sản Việt Nam, Hội nghị tháng 10/1930 do Trần Phú chủ trì, đã đổi tên Đảng thành Đảng Cộng sản Đông Dương. Nhưng đến tháng 02/1951, tại Đại hội II ở Tuyên Quang, Đảng chủ trương lập lại Đảng Cộng sản ở Việt Nam (Đảng Lao động Việt Nam), còn Lào và Campuchia sẽ lập các đảng riêng.
Một điều khác biệt nữa của Nguyễn Ái Quốc và những người tham gia thành lập Đảng so với Quốc tế Cộng sản là Quốc tế Cộng sản đưa ra chủ trương thành phần của các tổ chức cộng sản ở Đông Dương năm 1929 rất phức tạp, do đó phải cải thiện thành phần xã hội của Đảng, phải lựa chọn những phần tử ưu tú nhất trong các tổ chức cộng sản đó để thành lập Đảng mới chứ không thể cộng tất cả các đảng viên sẵn có của các đảng được. Trong khi đó, những người tham gia thành lập Đảng không làm theo ý trên, có thể là vì: 1/ Những người tham gia Hội nghị chưa nhận được ý kiến chỉ đạo của Quốc tế Cộng sản; 2/ Chắc chắn không có đủ thì giờ để các đảng trước khi thống nhất làm cái việc chọn lựa đảng viên các đảng tiền thân vào Đảng mới; 3/ Các đảng viên của các đảng ít nhiều đã chịu "trận mạc", đã qua thử thách, dám đi vào chốn hiểm nguy cho nên khó mà có thể lựa chọn những phần tử nào là ưu tú nhất trong các tổ chức cộng sản đang hiện hữu. Chỉ có cách như Hội nghị quyết định là phù hợp nhất đối với tình hình Việt Nam đầu năm 1930: hợp nhất, thống nhất các đảng lại, gộp tất cả các đảng viên của các đảng lại thành một đảng mới (hơn 300 đảng viên). Còn việc lựa chọn những phần tử ưu tú nhất là nhiệm vụ thường xuyên theo quy luật đào thải của thực tế.
Những quyết định của Hội nghị không hợp với sự chỉ đạo của Quốc tế Cộng sản khóa VI. Trong Thư của Thường vụ Trung ương Đảng gửi cho các cấp Đảng bộ ngày 09/12/1930 có viết rằng: “Hội nghị hợp nhất chủ trương các công việc rất sơ sài mà có nhiều điều không đúng với chủ trương của quốc tế”27. Đặc biệt, Hội nghị Trung ương Đảng tháng 10/1930 đã ra Án nghị quyết, trong đó ghi: “Thủ tiêu chánh cương sách lược và Điều lệ cũ của Đảng”28. Nội dung của Hội nghị Trung ương Đảng tháng 10/1930 đã theo đúng tinh thần của Quốc tế Cộng sản khóa VI cũng như Nghị quyết về Đông Dương tháng 12/1929 của khóa này. Do đó, trong thời gian khá dài, những quan điểm và cách làm của Nguyễn Ái Quốc và những người tham gia Hội nghị hợp nhất thành lập Đảng đã bị Quốc tế Cộng sản cũng như một số yếu nhân trong Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương hiểu sai, cho là mắc phải cơ hội, quốc gia, dân tộc chủ nghĩa.
Chỉ có Nguyễn Ái Quốc và những người tham gia hội nghị thành lập Đảng đầu năm 1930 mới làm khác so với những chủ trương của Đại hội VI Quốc tế Cộng sản. Đó là tầm nhìn, bản lĩnh chính trị và một số trách nhiệm của Nguyễn Ái Quốc. Dù chỉ là một người trong “biên chế” của Đảng Cộng sản, chưa phải là cán bộ lãnh đạo, nhưng Nguyễn Ái Quốc đã đứng ra tự nhận là phái viên của Đảng Cộng sản, chủ trì Hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản thành Đảng Cộng sản Việt Nam đầu năm 1930. Nguyễn Ái Quốc và những người tham gia thành lập Đảng đầu năm 1930 dám làm, dám chịu trách nhiệm trước yêu cầu của cách mạng. Sự thể hiện bản lĩnh, tầm nhìn và trách nhiệm như vậy trong cuộc đời hoạt động cách mạng của Nguyễn Ái Quốc không phải là lần duy nhất.
--------
Bài đăng trên Tạp chí Thông tin Khoa học chính trị số 01 (31)/2023
(*) Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả về một số sự kiện liên quan đến Hội nghị hợp nhất Đảng đầu năm 1930. Để rộng đường dư luận, tác giả xin giới thiệu cùng bạn đọc.
(1), (9), (13), (16), (27), (28) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1998, tập 2, tr.1, tr.10, tr.21, tr.19, tr.233, tr.112-113.
(2) Năm 1938, Xiêm đổi tên thành Thái Lan.
(3) (5) & (7), (6), (8), (18), (22) & (24), (23), (25) & (26) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tập 3, tr.13, tr.8, tr.10, tr.9, tr.1, tr.4, tr.3.
(4) Hồng Kông (tên theo âm Hán Việt là Hương Cảng) lúc này là thuộc địa của Vương quốc Anh.
(10) Tên gọi lúc bấy giờ của Ban Chấp hành Trung ương lâm thời Đảng Cộng sản Việt Nam.
(11), (12) Tôi dựa vào ý kiến đáng tin cậy hơn cả về mặt khoa học: Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh - Viện Lịch sử Đảng, GS, TS, NGND Trịnh Nhu (Chủ biên): Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, tập I (1930-1954), Quyển 1 (1930-1945), tr.115, tr.128.
(14) Họp tại Hội trường lớn của Trường Nguyễn Ái Quốc Trung ương, nay là Hội trường 1 Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, 135, đường Nguyễn Phong Sắc, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội.
(15) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, tập 21, tr.904.
(17) Có người dịch là Ban Phương Đông chứ không dịch là Bộ Phương Đông.
(19) Cương lĩnh, Luận cương, Chính cương… chữ có khác nhau nhưng thực chất chỉ là một.
(20) V.I.Lênin: Toàn tập, Nxb Tiến bộ, Mátxcơva, 1977, tập 41, tr. 21.
(21) Xem L.Vátlin: Quốc tế Cộng sản, lưu tại Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng thuộc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.