ThS PHAN VĂN THÁM
Học viện Chính trị khu vực III
(TTKHCT) - Trong suốt quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, lý luận và thực tiễn đều thể hiện nhất quán quan điểm con người là chủ thể, mục tiêu, động lực của mọi quá trình phát triển đất nước. Điều này phản ánh bản chất cách mạng của chế độ xã hội chủ nghĩa mà Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Nhân dân đã lựa chọn. Bài viết đề cập vấn đề này trên các phương diện kinh tế, chính trị, xã hội, văn hóa… trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta.
(Nguồn: tuyengiao.vn)
Có thể khẳng định rằng, vì con người là mục tiêu nhất quán của sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm (2021 - 2030) của Đảng khẳng định: “Phát huy tối đa nhân tố con người, coi con người là trung tâm, chủ thể, nguồn lực quan trọng nhất và mục tiêu của sự phát triển”1.
Mục tiêu vì con người trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam đối lập với mục tiêu phát triển trong chế độ tư bản chủ nghĩa. Nền kinh tế thị trường dựa trên chế độ chiếm hữu tư nhân về tư liệu sản xuất của chế độ tư bản chủ nghĩa nó không giải quyết được những mâu thuẫn nội tại của nó, đặc biệt là mâu thuẫn giữa lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất. Mặc dù hiện nay, giai cấp tư sản có những điều chỉnh trong quan hệ sản xuất, nhằm xoa dịu một phần mâu thuẫn về mặt xã hội giữa giai cấp tư sản và giai cấp vô sản, nhưng nếu nhìn một cách tổng thể nền sản xuất tư bản chủ nghĩa thì sẽ thấy mâu thuẫn này không những không giải quyết được mà ngày càng trầm trọng hơn. Theo một nghiên cứu của tổ chức Bloomberg, tài sản của những người giàu nhất năm 2023 tăng 1.500 tỷ USD2. Điều này đã làm cho khoảng cách giàu nghèo và bất bình đẳng trong xã hội tư bản ngày càng gia tăng. Có một thực tế, “Các phong trào phản kháng xã hội bùng nổ mạnh mẽ tại nhiều nước tư bản phát triển trong thời gian qua càng làm bộc lộ rõ sự thật về bản chất của các thể chế chính trị tư bản chủ nghĩa. Thực tế là các thiết chế dân chủ theo công thức “dân chủ tự do” mà Phương Tây ra sức quảng bá, áp đặt lên toàn thế giới không hề bảo đảm để quyền lực thực sự thuộc về Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân - yếu tố bản chất nhất của dân chủ”3. Từ đó cho thấy, hệ thống thể chế quyền lực của các nước tư bản về mặt bản chất chỉ hiện thực hoá và bảo vệ lợi ích cho giai cấp giới chủ, cho các phe nhóm, các tập đoàn tư bản lớn, những lực lượng này là thiểu số nhưng lại chi phối chính trường và lợi ích toàn xã hội. Do đó, phát triển theo con đường tư bản chủ nghĩa là không phù hợp với mong muốn và nguyện vọng của toàn thể Nhân dân Việt Nam, chỉ có phát triển theo con đường xã hội chủ nghĩa - một chế độ xã hội mà mục tiêu của sự phát triển là vì con người: “Con người giữ vị trí trung tâm trong chiến lược phát triển; phát triển văn hóa, xây dựng con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực của công cuộc đổi mới; phát triển giáo dục - đào tạo, khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu; bảo vệ môi trường là một trong những vấn đề sống còn, là tiêu chí để phát triển bền vững; xây dựng gia đình hạnh phúc, tiến bộ làm tế bào lành mạnh, vững chắc của xã hội, thực hiện bình đẳng giới là tiêu chí của tiến bộ, văn minh”4.
1. Mục tiêu phát triển vì con người trong phát triển kinh tế - xã hội
Lý luận và thực tiễn đều chứng minh rằng kinh tế là cơ sở, là nền tảng của đời sống kinh tế con người và xã hội. Do đó, để phát triển, thì bất cứ một quốc gia nào cũng phải tập trung vào sản xuất hàng hoá, tích luỹ của cải để làm nền tảng. Tuy nhiên, tuỳ thuộc vào bản chất của mỗi chế độ chính trị khác nhau mà quá trình sản xuất đó có những mục tiêu khác nhau. Như đã đề cập ở trên, bản chất của chế độ chính trị tư bản chủ nghĩa là bảo vệ lợi ích cho giai cấp giới chủ, cho thiểu số giàu có, phe nhóm, cho nên quá trình sản xuất, tích luỹ của cải chỉ tập trung vào mục tiêu duy nhất là làm sao tăng lên tối đa lợi nhuận, tập trung phát triển nền kinh tế vì lợi nhuận mà bỏ quên các vấn đề xã hội. Ngược lại, ở Việt Nam xuyên suốt quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội, Đảng và Nhà nước ta đã xác định: mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội là vì con người, vì Nhân dân “Lấy con người là trung tâm của phát triển và được chia sẻ những thành quả của quá trình phát triển kinh tế”5. Do đó, trong mỗi giai đoạn, mỗi chính sách và trong suốt quá trình phát triển, Đảng và Nhà nước luôn nhất quán chủ trương gắn kinh tế với xã hội, thống nhất về mục tiêu phát triển giữa chính sách kinh tế với chính sách xã hội, gắn tăng trưởng kinh tế với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo vệ môi trường sinh thái, chứ không chờ đến khi kinh tế đạt tới trình độ phát triển cao mới thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội; càng không hy sinh tiến bộ và công bằng xã hội để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần; làm cho mỗi chính sách kinh tế đều hướng tới mục tiêu phát triển xã hội và con người, ngược lại, mỗi chính sách xã hội góp phần tạo ra động lực thúc đẩy phát triển kinh tế. Đây chính là mô hình phát triển kinh tế bền vững thực sự vì cuộc sống của Nhân dân.
Để thực hiện tốt mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội vì con người, một trong những nhiệm vụ trọng tâm mà Đảng ta xác định là: “Thực hiện tốt chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội, an ninh con người, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong quản lý phát triển xã hội, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội; nâng cao chất lượng cuộc sống và hạnh phúc của Nhân dân”6. Mặt khác, cần chú ý đến tính thực tiễn của chính sách xã hội, đặc biệt quan tâm đến các bộ phận yếu thế trong xã hội; hướng đến bảo đảm tiến bộ và công bằng xã hội mang tính bền vững; tập trung nguồn lực để “giải quyết hài hoà các quan hệ xã hội, kiểm soát phân tầng xã hội và xử lý kịp thời, hiệu quả các rủi ro, mâu thuẫn, xung đột xã hội, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của Nhân dân”7.
Phát triển kinh tế thị trường tất yếu dẫn đến sự phân hoá giàu nghèo trong đời sống xã hội. Sự phân hoá giàu nghèo là nguyên nhân dẫn tới bất bình đẳng, mâu thuẫn, xung đột xã hội. Do đó, bên cạnh thực hiện một nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, nhằm tạo ra một hệ thống thể chế đảm bảo sự công bằng xã hội, ở đó mọi người đều có quyền bình đẳng trong cơ hội phát triển; cạnh tranh lành mạnh giữa các chủ thể trong nền kinh tế; công bằng trong tiếp cận các nguồn lực; công bằng trong thực hiện phân phối chủ yếu theo kết quả lao động, hiệu quả kinh tế, theo mức đóng góp vốn cùng các nguồn lực khác và thông qua hệ thống phúc lợi xã hội và an sinh xã hội. Mọi người đều có cơ hội thể hiện khát vọng, năng lực sáng tạo, hiện thực hoá được lợi ích chính đáng; của mình, vươn lên làm giàu chính đáng; đồng thời thực hiện các chính sách an sinh xã hội, phúc lợi xã hội cho những người yếu thế, dễ bị tổn thương để “không ai bị bỏ lại phía sau”. Thực tiễn của đất nước ta sau 36 năm đổi mới, đến năm 2022, quy mô GDP Việt Nam đạt khoảng 406,45 tỷ USD8. Các chương trình mục tiêu quốc gia, phúc lợi và an sinh xã hội… đã hỗ trợ người dân trên khắp mọi miền đất nước từ thành thị đến nông thôn, từ đồng bằng đến miền núi và hải đảo xa xôi đều được thụ hưởng những thành quả kinh tế - xã hội của đất nước. Đây là minh chứng rõ ràng cho mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội vì con người trong xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam hiện nay.
2. Mục tiêu phát triển vì con người xét trên phương diện chính trị
Lấy mục tiêu phát triển vì con người làm trung tâm của mọi chiến lược, mọi chính sách, hay nói cách khác, mọi chiến lược, chính sách phát triển thực sự vì con người là chiến lược của mọi chiến lược. Do đó, trong suốt quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội, Đảng ta luôn kiên định và quán triệt sâu sắc bài học “dân làm gốc”, “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”9. Quan điểm này đã đánh giá một cách đầy đủ và toàn diện vai trò của Nhân dân trong hệ thống chính trị và trong suốt quá trình phát triển của đất nước, Nhân dân là chủ thể của quá trình đó. Từ khâu bàn bạc đưa ra chiến lược, chính sách cho đến khâu thực hiện, kiểm tra, giám sát cũng là Nhân dân và cuối cùng chủ thể thụ hưởng những thành quả cũng là nhân dân. Vai trò quan trọng của Nhân dân trong hệ thống chính trị và chủ thể của quá trình phát triển đất nước được thể hiện thông qua việc phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa đảm bảo quyền làm chủ của Nhân dân. Đó là cụ thể hóa, hoàn thiện thể chế thực hành dân chủ; tạo nền tảng chính trị, pháp lý tôn trọng, bảo đảm quyền làm chủ của Nhân dân, khẳng định “vai trò chủ thể, vị trí trung tâm của Nhân dân trong chiến lược phát triển đất nước, trong toàn bộ quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”10. Đảng và Nhà nước ta luôn khẳng định cần tiếp tục xây dựng, hoàn thiện hệ thống chính trị thực sự của dân, do dân, vì dân, đem lại hạnh phúc cho Nhân dân; phát huy tính tích cực chính trị - xã hội của Nhân dân tham gia xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội. Về vấn đề này, Đảng ta khẳng định, cần phải “phát huy tính tích cực chính trị - xã hội, trí tuệ, quyền và trách nhiệm của Nhân dân tham gia xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, Mặt trận Tổ quốc và các tổ cức chính trị - xã hội”11, “Mở rộng dân chủ phải gắn với giữ vững kỷ luật, kỷ cương”12. Bên cạnh mở rộng dân chủ cũng cần phải kịp thời xử lý nghiêm minh việc lợi dụng dân chủ, gây rối nội bộ, làm mất ổn định chính trị - xã hội hoặc vi phạm dân chủ, làm phương hại đến quyền làm chủ của Nhân dân; khắc phục mọi biểu hiện dân chủ hình thức, dân chủ cực đoan, lợi dụng dân chủ để chống phá chính quyền, chống lại sự nghiệp đổi mới, đi ngược lại lợi ích chính đáng của toàn dân tộc. Do đó, mục tiêu cao nhất của hệ thống chính trị là phải đề ra “mọi chủ trương, chính sách phải thực sự xuất phát từ cuộc sống, nguyện vọng, quyền và lợi ích chính đáng của Nhân dân, lấy hạnh phúc, ấm no của Nhân dân làm mục tiêu phấn đấu”13. Từ quan điểm này cho thấy, con người là mục tiêu của sự phát triển xét trên phương diện chính trị của quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.
3. Mục tiêu phát triển vì con người trong giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ
Giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ có một vai trò hết sức quan trọng mang tính chất quyết định đối với sự phát triển đất nước. Đảng ta đã chỉ rõ “Giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo là nền tảng quan trọng và là động lực chủ yếu trong phát triển đất nước”14. Chú trọng phát triển giáo dục – đào tạo để nâng cao dân trí, làm cho hàm lượng tri thức trong mọi người dân tăng lên, giúp con người nhận thức đúng đắn mọi vấn đề của cuộc sống, tự ý thức được phẩm hạnh và hoàn thiện nhân cách của con người góp phần thực hiện mục tiêu phát triển con người toàn diện, đấu tranh chống lại sự suy thoái, xuống cấp về đạo đức, “từng bước vươn lên khắc phục các hạn chế của con người Việt Nam”15. Do đó, cần tạo bước chuyển biến căn bản, mạnh mẽ, toàn diện về chất lượng giáo dục, đào tạo gắn với cơ chế tuyển dụng, sử dụng, đãi ngộ người tài; đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng khoa học và công nghệ; khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, ý chí phấn đấu vươn lên, phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Để đạt được mục tiêu phát triển giáo dục và đào tạo, cần tạo đột phá trong đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đồng thời “có chính sách vượt trội để thu hút, trọng dụng nhân tài, chuyên gia cả trong và ngoài nước”16 để giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ thực sự hướng đến mục tiêu phát triển con người.
Cùng với việc phát triển giáo dục và đào tạo, thì việc phát triển khoa học và công nghệ có vai trò hết sức quan trọng trong chiến lược phát triển con người, đáp ứng nhu cầu đời sống vật chất của con người ngày càng tăng lên, “tăng cường nghiên cứu, ứng dụng khoa học y học, phát triển các ngành khoa học phục vụ bảo vệ, chăm sóc sức khỏe con người”17. Mặt khác, cần phải phát huy vai trò của khoa học xã hội và nhân văn, khoa học lý luận chính trị góp phần tích cực cung cấp luận cứ cho việc xây dựng đường lối, chính sách phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, con người Việt Nam và bảo vệ Tổ quốc để đạt được mục tiêu đẩy nhanh sự phát triển toàn diện xã hội và con người Việt Nam.
4. Mục tiêu phát triển vì con người trên phương diện chăm lo đời sống tinh thần của Nhân dân
Chăm lo đời sống tinh thần của Nhân dân là một nhiệm vụ quan trọng trong xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Do đó, Đảng ta khẳng định Nhân dân là chủ thể sáng tạo và thụ hưởng các giá trị văn hoá, tinh thần, chủ trương nâng cao chất lượng đời sống văn hoá; đáp ứng nhu cầu, lợi ích nguyện vọng tinh thần đúng đắn; ngăn ngừa sự xuống cấp đời sống tinh thần xã hội, đặc biệt xuống cấp văn hoá, lối sống và đạo đức xã hội. Đảng ta đưa ra định hướng: “Tăng đầu tư cho phát triển sự nghiệp văn hóa. Xây dựng, phát triển, tạo môi trường và điều kiện xã hội thuận lợi nhất để khơi dậy truyền thống yêu nước, niềm tự hào dân tộc, niềm tin, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; tài năng, trí tuệ, phẩm chất của con người Việt Nam là trung tâm, mục tiêu và động lực phát triển quan trọng nhất của đất nước”18.
Để đạt được mục tiêu trên, trong phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2021 - 2025), nêu rõ: “Từng bước hạn chế, tiến tới xoá bỏ các hủ tục, tập quán lạc hậu (…) Từng bước thu hẹp khoảng cách về thụ hưởng văn hoá giữa thành thị và nông thôn, giữa các vùng, miền và các giai tầng xã hội”19. Trong đời sống tín ngưỡng, tôn giáo tạo điều kiện “giải quyết quyết các nhu cầu hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng, tâm linh của quần chúng, đồng thời chủ động phòng ngừa, kiên quyết đấu tranh với những hành vi lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để chia rẽ, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc”20. Trong lĩnh vực truyền thông, báo chí: “Phát triển hiệu quả, lành mạnh hệ thống báo chí, xuất bản, in, phát thanh, truyền hình (…) Chủ động, kịp thời cung cấp thông tin thiết yếu và tiếp nhận thông tin phản ánh của người dân trong đấu tranh phòng, chống suy thoái đạo đức, lối sống, các thông tin về tham nhũng, lãng phí, quan liêu, tệ nạn xã hội… Sớm hành thành thị trường sản phẩm dịch vụ văn hoá, thông tin lành mạnh”21.
5. Kết luận
Mục tiêu phát triển vì con người trong xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam đã được chứng minh qua những thành tựu to lớn của công cuộc đổi mới đất nước. Những thành tựu có ý nghĩa lịch sử trong sự phát triển trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội, chính trị, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ cũng như đời sống văn hoá tinh thần của Nhân dân là động lực để khơi dậy tiềm năng sáng tạo và khát vọng phát triển đất nước của con người Việt Nam.
---------
Bài đăng trên Tạp chí Thông tin Khoa học chính trị số 6 (36) - 2023
1, 6, 7, 8 & 13, 9, 10, 11, 12, 15, 16, 17, 18, 20 Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t.I, tr.215-216, 47, 148, 28, 173, 173-174, 215, 143, 221, 267, 116, 141.
2 Phan An: Tài sản của những người giàu nhất tăng 1.500 tỷ USD trong năm 2023, https://www.vietnamplus.vn/tai-san-cua-nhung-nguoi-giau-nhat-tang-1500-ty-usd-trong-nam-2023-post919497.vnp, cập nhật 06/01/2024.
3, 4, 5 Nguyễn Phú Trọng: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.20, 27-28, 81.
8 Nhịp sống kinh tế: Sau 36 năm đổi mới, GDP Việt Nam tăng gấp 50 lần, lọt top 5 nước có quy mô kinh tế tăng nhiều nhất thế giới, https://kinhtetrunguong.vn/kinh-te/kinh-tet-vi-mo/sau-36-nam-doi-moi-gdp-viet-nam-tang-gap-50-lan-lot-top-5-nuoc-co-quy-mo-kinh-te-tang-nhieu-nhat-the-gioi, cập nhật 17/08/2023.
14, 19, 21 Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Sđd, t.II, tr.82, 135, 142.