TS LÝ THỊ MINH HẰNG
Học viện Báo chí và Tuyên truyền
(TTKHCT) - Trước yêu cầu giảng dạy lý luận chính trị trong bối cảnh mới, cùng với đổi mới nội dung, việc lựa chọn và sử dụng hiệu quả phương pháp dạy học trở thành kỹ năng cần thiết đối với mỗi giảng viên. Bài viết tập trung phân tích những vấn đề cần khắc phục và đưa ra các giải pháp nâng cao hiệu quả sử dụng phương pháp dạy học bằng tình huống nhằm cải thiện chất lượng bài giảng, góp phần vào sự nghiệp giáo dục lý luận chính trị của Đảng.
(Nguồn: dangcongsan.vn)
1. Phương pháp dạy học bằng tình huống đáp ứng yêu cầu giảng dạy Lý luận chính trị hiện nay
Nghị quyết của Bộ Chính trị (số 37-NQ/TW ngày 09/10/2014) về công tác lý luận và định hướng nghiên cứu đến năm 2030 đã xác định các biện pháp chủ yếu đẩy mạnh công tác lý luận, trong đó nêu rõ: đổi mới nội dung, phương pháp giáo dục chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh phù hợp với yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Đổi mới nội dung và phương pháp, nâng cao chất lượng, hiệu quả đấu tranh tư tưởng, lý luận. Nghị quyết nhấn mạnh: “Đấu tranh tư tưởng, lý luận phải nhằm khẳng định và bảo vệ chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Đa dạng hóa các hình thức đấu tranh trên cơ sở giữ vững quan điểm và nguyên tắc; mềm dẻo, linh hoạt, nhân văn trong phương pháp, công khai, minh bạch, dân chủ, góp phần tạo dư luận xã hội lành mạnh, đồng thuận. Chủ động phê phán, bác bỏ các quan điểm sai trái, thù địch; đấu tranh làm thất bại âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực cơ hội, thù địch”. Trước yêu cầu đó, giảng viên lý luận chính trị cần phải có trình độ chuyên môn, năng lực lý luận và hiểu biết thực tiễn, phẩm chất, đạo đức cũng như phương pháp giảng dạy phù hợp để giúp người học tiếp nhận và vận dụng kiến thức giải quyết các tình huống xảy ra trong đời sống. Việc học lý luận chính trị sẽ trở nên dễ dàng, hiệu quả hơn nếu được bắt đầu bằng thực tiễn và kết thúc bằng thực tiễn. Một trong những phương pháp dạy học hiện nay có khả năng đáp ứng yêu cầu trên là dạy học bằng tình huống.
Phương pháp dạy học bằng tình huống là cách thức giảng viên cung cấp cho người học tình huống dạy học chứa đựng nội dung cần truyền thụ là sự kiện của tình huống và cấu trúc sự kiện phù hợp với logic sư phạm để người học tìm hiểu, phân tích và hành động với tình huống đó nhằm thu nhận các tri thức khoa học, thái độ và kỹ năng hành động.
Phương pháp dạy học bằng tình huống được dựa trên một số luận điểm quan trọng trong lý thuyết phát sinh nhận thức của J.Piaget. Ở cấp độ phổ quát nhất, mọi tình huống đều có giá trị dạy học. Tuy nhiên, dạy học không phải là quá trình tự phát mà là hoạt động có chủ đích. Vì vậy, tình huống được đưa vào trong hoạt động dạy học lý luận chính trị phải được lựa chọn và xây dựng theo dụng ý của giảng viên. Trên cơ sở xác định mục tiêu và nội dung giảng dạy, giảng viên thu thập tình huống, phân tích, lựa chọn thông tin, xác lập logic các sự kiện, tiên lượng trình độ nhận thức, kỹ năng hành động và thái độ của người học khi hành động trong môi trường các sự kiện đó,…Có thể lựa chọn tình huống có sẵn trong thực tế nhưng tình huống đó phải điển hình (đại diện cho các tình huống cùng loại) và có tính chất thời sự, đồng thời phải gia công thêm về phương diện sư phạm. Nếu là tình huống do giảng viên xây dựng thì cần đảm bảo những sự kiện trong tình huống phải gắn với thời gian, không gian, địa điểm và con người cụ thể sản sinh ra tri thức, kỹ năng và phương pháp đưa vào trong tình huống. Đồng thời, giảng viên cần phân tích trình độ, kinh nghiệm và các đặc điểm tâm lý - xã hội của người học để xác định đúng mức độ có vấn đề của tình huống. Các sự kiện trong mỗi tình huống được cấu trúc sao cho người học có câu trả lời ngay từ đầu nhưng câu trả lời đó phải mau chóng trở thành không đầy đủ hoặc không hiệu quả (thậm chí là sai), khiến người học phải điều chỉnh hệ thống kiến thức của mình để giải đáp vấn đề đặt ra. Các vấn đề phải do chính bản thân tình huống gợi ra chứ không phải do giảng viên gợi ý từ bên ngoài.
Sử dụng phương pháp dạy học bằng tình huống trong dạy học lý luận chính trị mang lại một môi trường sư phạm lý tưởng cho người học được trực tiếp chiếm lĩnh nội dung bài giảng được chứa đựng trong tình huống, được nâng cao tính chủ động, sáng tạo, lòng tin vào khả năng của bản thân trong việc giải quyết các tình huống thực tiễn. Bên cạnh đó, cung cấp kinh nghiệm, cách nhìn, giải pháp mới cho giảng viên.
Quy trình thực hiện phương pháp dạy học bằng tình huống trong giảng dạy lý luận chính trị bao gồm 3 bước:
Bước 1. Giới thiệu tình huống: Giảng viên giới thiệu tình huống đã chuẩn bị sẵn cho người học.
Bước 2. Giải quyết tình huống: Giảng viên tổ chức cho người học hành động với tình huống theo hình thức cá nhân làm việc độc lập hoặc làm theo nhóm, đảm bảo đủ thời gian để người học phân tích và hiểu rõ tình huống, tìm ra được các giải pháp giải quyết tình huống.
Bước 3. Giảng viên kết luận: Giảng viên xác nhận những tri thức, kỹ năng, phương pháp hành động mà người học thu nhận được thông qua việc giải quyết tình huống. Giảng viên chốt nội dung bài giảng thông qua giải quyết tình huống nhằm giúp người học hiểu rằng kiến thức thu nhận được đúng trong nhiều tình huống chứ không chỉ một tình huống đưa ra.
Có thể thấy, phương pháp dạy học bằng tình huống trong giảng dạy lý luận chính trị là sự vận dụng hiệu quả các nguyên tắc dạy học gắn lý luận với thực tiễn, đảm bảo sự thống nhất giữa vai trò chủ đạo của giảng viên và tính tích cực, chủ động, sáng tạo của người học.
2. Một số vấn đề cần khắc phục nhằm sử dụng hiệu quả phương pháp dạy học bằng tình huống trong giảng dạy lý luận chính trị hiện nay
Từ nghiên cứu lý luận và thực tiễn sử dụng phương pháp dạy học bằng tình huống trong giảng dạy lý luận chính trị hiện nay, có một số vấn đề cần giải quyết như sau:
Một là, dạy học bằng tình huống là phương pháp phù hợp và hiệu quả trong giảng dạy lý luận chính trị, đảm bảo sự gắn kết giữa lý luận và thực tiễn nhưng chưa được giảng viên sử dụng phổ biến
Sở dĩ có tình trạng này là do phương pháp dạy học bằng tình huống có khá nhiều thách thức đối với giảng viên và người học khi thực hiện. Trước hết, xây dựng được một tình huống dạy học là việc không đơn giản, đòi hỏi giảng viên phải có nhiều kinh nghiệm chuyên môn, vốn kiến thức sâu rộng và am hiểu những vấn đề thực tế liên quan đến lĩnh vực môn học; phải luôn đổi mới, cập nhật thông tin và có những kỹ năng tổ chức, điều khiển tốt, giám sát chặt chẽ người học. Bên cạnh đó, người học cần nhiều thời gian để giải quyết tình huống và rút ra những tri thức cần thiết; dễ bị lạc hướng trong quá trình giải quyết tình huống, dễ nản chí khi gặp tình huống khó hoặc không nhiệt tình tham gia khi tình huống thiếu hấp dẫn, đòi hỏi người học phải yêu thích môn học, năng động, sáng tạo và có tư duy độc lập. Với những thách thức trên, nhiều giảng viên ngại “đầu tư” cho bài giảng của mình bằng phương pháp dạy học bằng tình huống. Họ không ưu tiên dành thời gian để xây dựng tình huống dạy học- công việc khó khăn nhất khi sử dụng phương pháp này. Mặc dù, hầu hết giảng viên lý luận chính trị trong hệ thống Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đều được tập huấn các phương pháp giảng dạy tích cực, trong đó có phương pháp dạy học bằng tình huống. Vì vậy, cần phát huy tính tích cực, chủ động sử dụng phương pháp dạy học này của giảng viên.
Hai là, đổi mới giáo dục lý luận chính trị đặt ra yêu cầu đổi mới phương pháp giảng dạy, một số giảng viên có ý thức áp dụng phương pháp dạy học bằng tình huống nhưng chưa hiệu quả
Thực tế cho thấy, người học chưa hứng thú với các môn lý luận chính trị ngay cả khi họ chưa tham gia học tập vì cho rằng môn học khô khan, trừu tượng, xa rời cuộc sống. Góp phần thay đổi định kiến trong tư duy người học và nâng cao chất lượng bài giảng, giảng viên đã có ý thức áp dụng phương pháp dạy học tích cực, trong đó có phương pháp dạy học bằng tình huống. Với tình huống dạy học, giảng viên có thể lựa chọn tình huống có sẵn trong thực tế nhưng phải có sự gia công về mặt sư phạm nhằm đáp ứng mục tiêu bài giảng, giúp người học thấu hiểu nội dung bài giảng thông qua giải quyết tình huống. Vì thế, việc giảng viên kết nối từ phương án giải quyết tình huống để đưa ra nội dung bài giảng là việc làm quan trọng quyết định sự thành công của phương pháp. Tuy nhiên, nhiều giảng viên lấy ngay tình huống thực tế và dừng lại ở việc giải quyết tình huống đó mà thôi, do đó chưa chỉ rõ và khái quát được nội dung bài giảng. Ngoài ra, khi tổ chức cho người học nghiên cứu tình huống và đưa ra các giải pháp, giảng viên còn hạn chế trong việc lấy ý kiến từ người học do thiếu kỹ năng đặt câu hỏi, kỹ năng điều hành thảo luận nhóm. Để giảng dạy hiệu quả, giảng viên cần hiểu rõ bản chất của phương pháp dạy học bằng tình huống, thực hiện đúng tiến trình và có đầy đủ kỹ năng tương tác cần thiết.
Ba là, chưa có sự thống nhất về tên gọi và thiếu sự đồng bộ phương pháp trong tài liệu về phương pháp giảng dạy các môn lý luận chính trị
Hiện nay, có khá nhiều tên gọi khác nhau khi cùng mô tả cách sử dụng một tình huống để thực hiện hoạt động giảng dạy: Nghiên cứu trường hợp điển hình, phương pháp dạy học bằng tình huống, bài tập tình huống. Điểm giống nhau là tình huống được sử dụng như một phương tiện hỗ trợ để đạt kết quả, đều tìm kiếm chân lý hàm chứa trong tình huống. Bài tập tình huống là cách vận dụng lý thuyết đã được học vào giải quyết vấn đề thực tiễn. Phương pháp nghiên cứu trường hợp điển hình là cách giảng viên sử dụng một câu chuyện có thật hoặc câu chuyện được viết dựa trên những tình huống xảy ra trong cuộc sống để dẫn dắt, chứng minh cho một vấn đề hay một số vấn đề nhằm làm rõ nội dung bài học, từ đó người học tự suy nghĩ, đánh giá và rút ra kết luận cần thiết về nội dung bài học dưới sự hướng dẫn của giảng viên. Phương pháp dạy học bằng tình huống được sử dụng để tăng hiệu quả giáo dục các tri thức, kết luận chứa đựng trong tình huống đã được giảng viên biết và chuẩn bị trước đó. Tình huống được sử dụng để truyền thụ chân lý đã được phát hiện, là môi trường để giảng viên mang tri thức, kỹ năng, thái độ đến người học một cách dễ tiếp nhận và làm chủ hơn. Về bản chất, phương pháp dạy học bằng tình huống và nghiên cứu trường hợp điển hình là như nhau. Vì vậy, cần có sự thống nhất về tên gọi trong các tài liệu về phương pháp giảng dạy lý luận chính trị.
Tài liệu về phương pháp thuộc chương trình đào tạo giảng viên lý luận chính trị chưa đề cập đến phương pháp dạy học bằng tình huống. Thiếu sót này làm hạn chế hiểu biết và kỹ năng sử dụng phương pháp của người học. Đồng thời, không đảm bảo sự đồng bộ trong đổi mới phương pháp giảng dạy bằng tình huống đối với các môn lý luận chính trị hiện nay. Do đó, cần thống nhất đưa phương pháp dạy học bằng tình huống vào tài liệu học tập lý luận chính trị hiện nay.
3. Giải pháp nâng cao chất lượng sử dụng phương pháp dạy học bằng tình huống trong giảng dạy lý luận chính trị hiện nay
Một là, nâng cao nhận thức cho giảng viên lý luận chính trị về tầm quan trọng và kỹ năng sử dụng phương pháp dạy học bằng tình huống
Rào cản lớn nhất trong đổi mới phương pháp dạy học lý luận chính trị là sự nhận thức của giảng viên. Trước khi trang bị kiến thức, hình thành kỹ năng sử dụng phương pháp dạy học tích cực, giảng viên cần được tập huấn nhằm thay đổi thái độ, tư duy về giá trị của giảng viên trong bối cảnh chuyển đổi số hiện nay. Nhận thức sâu sắc về ý nghĩa, vai trò, tầm quan trọng của phương pháp dạy học tích cực, cụ thể là phương pháp dạy hoc bằng tình huống sẽ giúp giảng viên có thêm động lực tiếp nhận kiến thức và hình thành kỹ năng sử dụng phương pháp nhằm nâng cao chất lượng bài giảng, tạo uy tín cho bản thân. Các lớp tập huấn được tổ chức phải sát với đối tượng về các tiêu chí: chuyên môn, độ tuổi, thâm niên công tác,…có thể tổ chức lớp chung cho tất cả giảng viên lý luận chính trị nhưng khi thực hành cần chia nhóm nhỏ theo đúng chuyên ngành giảng dạy. Có như vậy, giảng viên mới vận dụng phương pháp vào từng nội dung giảng dạy cụ thể một cách thiết thực cùng với sự tham gia, hỗ trợ chuyên môn giữa các thành viên trong nhóm.
Hai là, tăng cường sinh hoạt chuyên môn, toạ đàm tại các khoa lý luận chính trị về phương pháp dạy học bằng tình huống
Bên cạnh việc thực hiện hoạt động tập huấn của nhà trường, các khoa chuyên môn cần tổ chức các buổi trao đổi, thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm sử dụng phương pháp giảng dạy bằng tình huống ở nội dung bài giảng cụ thể, trong mỗi môn học mà khoa phụ trách. Đây là cách lan toả sâu rộng, trực tiếp đến mỗi giảng viên, nội dung bài giảng. Qua đây, những giảng viên có thâm niên giảng dạy lâu năm và giảng viên trẻ sẽ phối hợp, hỗ trợ và bổ sung cho nhau để thiết kế bài giảng chất lượng hơn. Đối với giảng viên trẻ, sinh hoạt chuyên môn thường xuyên là con đường trực tiếp và nhanh chóng nhất giúp họ sớm trưởng thành nghề.
Ba là, xây dựng cẩm nang hướng dẫn sử dụng hiệu quả phương pháp dạy học bằng tình huống trong giảng dạy các môn lý luận chính trị
Cần có tài liệu hướng dẫn cách sử dụng phương pháp dạy học bằng tình huống được áp dụng trong giảng dạy các môn lý luận chính trị, bao gồm hai phần: một số vấn đề lý luận chung về phương pháp dạy học bằng tình huống trong giảng dạy lý luận chính trị và hướng dẫn sử dụng phương pháp dạy học bằng tình huống đối với từng môn học Triết học, Kinh tế chính trị, Chủ nghĩa xã hội khoa học, Lịch sử Đảng, Tư tưởng Hồ Chí Minh. Nội dung chủ yếu đề cập đến lý thuyết chung về phương pháp, đặc thù của môn học và những lưu ý khi thiết kế một bài giảng có sử dụng phương pháp dạy học bằng tình huống. Cùng với đó là những bài giảng mẫu sử dụng phương pháp dạy học bằng tình huống nhằm minh hoạ và chỉ dẫn cụ thể ở từng môn học. Để xây dựng được cẩm nang này cần hình thành một đội ngũ giảng viên phương pháp từ các khoa chuyên ngành kết hợp với các chuyên gia về phương pháp giảng dạy.
Bốn là, tổ chức thực hiện các video bài giảng sử dụng phương pháp dạy học bằng tình huống trong giảng dạy lý luận chính trị
Video bài giảng mẫu cung cấp cho giảng viên cái nhìn toàn diện về phương pháp dạy học bằng tình huống được sử dụng trong giảng dạy lý luận chính trị. Ở đây, tiến trình thực hiện phương pháp được thể hiện rõ nét qua từng bước tiến hành, đảm bảo sự định hướng, điều khiển, tổ chức và dẫn dắt hoạt động học tập của giảng viên và tính chủ động, tích cực, sáng tạo của người học. Video bài giảng mẫu đáp ứng các yêu cầu:
Về nội dung: đưa vào bài giảng tình huống dạy học là những vấn đề thực tiễn bám sát, gắn chặt với nội dung giảng dạy. Thông qua trao đổi, phân tích tình huống giúp người học dễ dàng tiếp cận nội dung bài giảng, khơi gợi trách nhiệm của họ.
Về hình thức: có sự kết hợp và đồng bộ của video, hình ảnh giảng viên, các đoạn văn bản trên màn hình và bảng nội dung, câu hỏi củng cố bài học. Giảng viên là những người có kinh nghiệm, uy tín trong lĩnh vực chuyên môn. Hình ảnh của giảng viên hấp dẫn người học từ lời nói, cử chỉ, ánh mắt, nét mặt, động tác,…biểu cảm phù hợp với nội dung giảng, đảm bảo nguyên tắc giao tiếp sư phạm. Lời giảng đúng đắn về mặt tư tưởng, khoa học để đảm bảo từng nhận định, đánh giá ở mỗi nội dung giảng dạy có tính chuẩn xác.
Năm là, khích lệ, động viên, khen thưởng giảng viên có bài giảng sử dụng phương pháp dạy học bằng tình huống có hiệu quả
Đây là nguồn động lực để giảng viên đổi mới, sáng tạo trong áp dụng các phương pháp dạy học hiệu quả. Đồng thời tạo sức lan toả, tạo thành phong trào để giảng viên tích cực, chủ động tham gia nâng cao chất lượng bài giảng, uy tín của bản thân, đóng góp cho sự nghiệp giáo dục lý luận chính trị. Hoạt động nên được triển khai về các đơn vị giảng dạy, thông qua đánh giá của Hội đồng khoa học đơn vị và người học để đánh giá, xếp loại giảng viên và gửi về Hội đồng thi đua nhà trường.
Bàn về phương pháp giảng dạy không phải là vấn đề mới nhưng luôn có tính thời sự, nhất là trong bối cảnh chuyển đổi số nhằm nâng cao chất lượng giáo dục lý luận chính trị hiện nay. Việc định hướng cho giảng viên sử dụng hiệu quả phương pháp dạy học bằng tình huống nhằm đảm bảo nguyên tắc thống nhất giữa lý luận với thực tiễn. Không chỉ góp phần làm đa dạng, phong phú cách tiếp cận nội dung bài giảng cho người học, phương pháp dạy học bằng tình huống có tính phù hợp trong giảng dạy lý luận chính trị, làm tăng hiệu quả nhận thức, phát triển các kỹ năng của người học trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái của thế lực thù địch hiện nay.
---------
Bài đăng trên Tạp chí Thông tin Khoa học chính trị số 4 (34) - 2023
1 Đảng Cộng sản Việt Nam: Nghị quyết của Bộ Chính trị về Công tác lý luận và định hướng nghiên cứu đến năm 2030 (số 37-NQ/TW ngày 09/10/2014), Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2014, tr.11.
2 Học viện Báo chí và Tuyên truyền: Giáo trình Phương pháp giảng dạy Chủ nghĩa xã hội khoa học, Nxb Lý luận chính trị, Hà Nội, 2022, tr.66-72.
3 Phan Trọng Ngọ: Dạy học và Phương pháp dạy học trong nhà trường, Nxb Đại học Sư phạm, 2005, tr. 269-280.
4 Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh: Tài liệu bồi dưỡng Phương pháp giảng dạy Lý luận chính trị, Nxb Lý luận chính trị, Hà Nội, 2021, t.2, tr.36-52.