TS PHAN THỊ THÚY VÂN
Học viện Chính trị khu vực IV
(TTKHCT) - Bài viết tập trung nhận diện và vạch trần những luận điệu sai trái, xuyên tạc của các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề dân tộc Khmer ở Tây Nam Bộ hiện nay. Từ đó, bài viết đề xuất các giải pháp đấu tranh nhằm vô hiệu hóa sự lôi kéo, kích động của chúng đối với đồng bào Khmer, góp phần giữ vững ổn định, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển chung của khu vực.
Việc dạy và học chữ Khmer giúp cho đồng bào Khmer giữ gìn chữ viết, bản sắc văn hóa.
(Nguồn: soctrang.dcs.vn)
Là vùng đất tận cùng ở phía Nam của Tổ quốc, Tây Nam Bộ có lịch sử hình thành, phát triển phong phú trước khi hòa cùng dòng chảy lịch sử của dân tộc Việt Nam. Nhiều thế kỷ khai phá và phát triển đã cho thấy công lao to lớn của các dân tộc Kinh, Khmer, Hoa, Chăm trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Qua các giai đoạn lịch sử, nhất là trong thời kỳ đổi mới, Tây Nam Bộ vẫn luôn là một trong những địa bàn trọng điểm mà các thế lực thù địch lựa chọn thực hiện chiến lược “diễn biến hòa bình”, lợi dụng vấn đề dân tộc Khmer để tuyên truyền, kích động, chia rẽ khối đại đoàn kết của cộng đồng dân tộc Việt Nam.
Khái niệm “các thế lực thù địch” được sử dụng nhiều trong những văn bản của Đảng và Nhà nước. Thuật ngữ “các thế lực thù địch” hiện nay được diễn giải theo nhiều cách khác nhau. Tuy nhiên, có thể sử dụng quan niệm của Ban Tuyên giáo Trung ương, trong cuốn Phê phán, bác bỏ các quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam (2007), theo đó: “Tất cả những ai, cá nhân hay tổ chức, nhà nước hay tổ chức phi chính phủ, hợp pháp hay bất hợp pháp, ở trong nước hay ở ngoài nước, người Việt Nam hay người nước ngoài… với mục đích chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, có hoạt động chống phá ta trên lĩnh vực tư tưởng, chính trị đều là thành phần của các thế lực thù địch”1.
Cuốn Tìm hiểu một số thuật ngữ trong Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng (2016) của nhóm tác giả Phùng Hữu Phú, Nguyễn Văn Đặng và Nguyễn Viết Thông mặc dù không đề cập đến thuật ngữ "các thế lực thù địch" nhưng đã làm rõ nội hàm của thuật ngữ "đối tượng" của cách mạng Việt Nam. Theo đó: “bất kể thế lực nào có âm mưu và hành động chống phá đất nước ta trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đều là đối tượng chúng ta đấu tranh”2.
Lợi dụng vấn đề dân tộc để tuyên truyền, kích động chống phá là một vấn đề không mới trên thế giới cũng như ở Việt Nam. Vấn đề này thuộc nội dung của chiến lược “diễn biến hòa bình”, trong đó, lợi dụng vấn đề dân tộc là thủ đoạn mà các thế lực thù địch thực hiện với âm mưu chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc; kích động, bạo loạn lật đổ chính quyền nhân dân. Chúng thực hiện các việc cụ thể như: xuyên tạc lịch sử vùng đất nơi có đông đồng bào dân tộc sinh sống, xuyên tạc một số vấn đề lịch sử, văn hóa, con người; xuyên tạc, bóp méo các chính sách của Đảng và Nhà nước về vùng đồng bào dân tộc; gây mâu thuẫn, bức xúc trong đồng bào dân tộc, kích động tư tưởng dân tộc cực đoan;…
1. Nhận diện những luận điệu sai trái, xuyên tạc của các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề dân tộc Khmer ở khu vực Tây Nam Bộ hiện nay
Tây Nam Bộ là vùng có hơn 1,2 triệu đồng bào Khmer sinh sống, chiếm gần 87% dân tộc thiểu số trong vùng. Lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo, lịch sử, những hạn chế trong phát triển kinh tế - xã hội, những khó khăn, thách thức mà đảng bộ, chính quyền và nhân dân các địa phương vùng Tây Nam Bộ đang phải đối mặt, các thế lực thù địch ra sức tuyên truyền xuyên tạc, tạo cớ để chống phá về chính trị.
Thực tiễn vừa qua ở các tỉnh Tây Nam Bộ cho thấy, các thế lực thù địch đã triệt để lợi dụng những vấn đề lịch sử, nhất là từ đặc điểm hình thành của vùng đất này để gây mâu thuẫn, chia rẽ, kích động tư tưởng ly khai, tự trị trong một bộ phận đồng bào Khmer, kêu gọi thành lập “Nhà nước Khmer Krôm” ở Tây Nam Bộ. Chúng lợi dụng những thiếu sót trong quá trình thực hiện chính sách dân tộc, tôn giáo; trình độ dân trí còn thấp và những khó khăn trong đời sống của đồng bào các dân tộc thiểu số để kích động, xuyên tạc, bóp méo đường lối, chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước, gây sự hoài nghi, bất bình. Chúng tìm mọi cách vừa đẩy mạnh tuyên truyền xuyên tạc, vừa khoét sâu mâu thuẫn giữa người Kinh với người Khmer, lợi dụng một số cán bộ địa phương có sai lầm, khuyết điểm để kích động đồng bào tụ tập đấu tranh, gây rối, biểu tình, đặc biệt triệt để lợi dụng và xoáy sâu vào vấn đề dân tộc, tôn giáo, dân chủ, nhân quyền, xem đây là những “ngòi nổ” để kích động tư tưởng ly khai, tự trị, “bài Kinh”… từng bước gây mất ổn định xã hội. Những hoạt động tuyên truyền chia rẽ dân tộc của các thế lực thù địch không tách rời diễn biến trên địa bàn Campuchia; lợi dụng tình hình và một số sự kiện, các phe phái ở Campuchia cũng đẩy mạnh các hoạt động chống phá đối với cách mạng Việt Nam.
Nội dung tuyên truyền xuyên tạc của chúng vẫn là lập lại những luận điệu cũ, khơi dậy những vấn đề đã lùi sâu vào quá khứ, nhưng ít nhiều đã tác động đến tư tưởng, tình cảm người Khmer ở Tây Nam Bộ. Chúng rêu rao: “Người Kinh chặt đầu người Khmer”, “Người Kinh chiếm hết đất người Khmer, làm cho người Khmer nghèo đói”, “Người Kinh chiếm hết những nơi trù phú đẩy người Khmer vào vùng sình lầy ngập mặn”, “Người Kinh bóc lột người Khmer, người Khmer chỉ là dân đóng thuế”, “Các cuộc đấu tranh của người Khmer đều bị người Kinh đàn áp đẫm máu”, “Người Khmer bị phân biệt đối xử, thời nào người Khmer cũng không được làm lớn”, “Người Kinh tiêu diệt đạo Phật của người Khmer”, “Người Khmer phải hướng về Tổ quốc của mình là Campuchia”, “Người Kinh phải trả sáu tỉnh Tây Nam Bộ cho người Khmer”… Các thế lực thù địch lợi dụng những vụ việc nhạy cảm trong xã hội có liên quan đến vấn đề dân tộc để tuyên truyền, xuyên tạc chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, cụ thể như vụ cổng chào tỉnh Trà Vinh bị sập (2010), Ao Bà Om cạn nước (2016), cháy chùa Dơi Sóc Trăng (2007)...; lợi dụng việc “cúng dường”, tài trợ kinh phí xây dựng, sửa chữa chùa Phật giáo Nam tông Khmer để tiến hành các hoạt động tuyên truyền gây tư tưởng lệch lạc, hoang mang trong Nhân dân, thúc đẩy mâu thuẫn dân tộc ở các địa phương trong vùng. Trong thời gian qua trên địa bàn Tây Nam Bộ đã xuất hiện các hội nhóm như “Hội học sinh, sinh viên Khmer tỉnh Trà Vinh” do các sư sãi thành lập nhằm mục đích đối trọng, tiến tới thay thế Hội đoàn kết sư sãi yêu nước. Họ tuyên truyền rằng Hội đoàn kết sư sãi do chính quyền “Duône” lập ra, là tay sai của chính quyền, chứ không phải là đại diện cho quyền lợi của đồng bào dân tộc.
Dù là những luận điệu cũ nhưng việc tuyên truyền của thế lực thù địch ít nhiều đã tác động đến tư tưởng, tình cảm của người Khmer. Những luận điệu ấy được núp dưới chiêu bài “tôn giáo”, “dân tộc”, tuyên truyền lặp đi lặp lại nhiều lần, cho nên đến nay hoặc ít, hoặc nhiều vẫn còn có tác dụng trong việc chống phá chính quyền Việt Nam. Hơn nữa về khách quan mà nói, đời sống đồng bào Khmer trong vùng còn nhiều khó khăn. Vì vậy, những luận điệu đó được không ít quần chúng và cán bộ người Khmer nghe theo; họ không phân biệt được và cũng không muốn phân biệt bản chất phản động đã được thế lực thù địch che mắt bằng mưu mô xảo quyệt. Trong khi chưa thể thoát nghèo, họ tin vào những luận điệu tuyên truyền của chúng như một sự cứu giúp, hay chí ít cũng là một cách tự an ủi trong cảnh con cái bỏ học, gia đình thiếu ăn. Một số người Khmer ở Tây Nam Bộ tự tách ra khỏi cộng đồng các dân tộc Việt Nam, trông chờ sự “đổi đời” như chúng vẫn tuyên truyền từ sự ra đời một nhà nước riêng, “Nhà nước Khmer Krôm”- một nhà nước mà các thế lực phản động thù địch với Việt Nam đã dày công nhào nặn, sáng tác quốc ca, lập đài phát thanh, ra tạp chí và báo Khmer Krôm, thậm chí chúng còn quyết định lấy ngày 4 tháng 6 hàng năm làm ngày kỉ niệm mất nước của người dân Khmer Krôm .
Hình thức chống phá của thế lực thù địch, ngoài tuyên truyền miệng, truyền đơn, khẩu hiệu phản động ở các phum sóc, chúng còn dùng tài liệu, băng hình video, casstte, sách báo chữ Khmer tung tin thất thiệt, xuyên tạc, vu cáo Đảng, Nhà nước ta phân biệt đối xử với đồng bào dân tộc thiểu số. Chúng ra sức kích động, lôi kéo các đối tượng có hận thù với cách mạng, các phần tử bất mãn, cơ hội chính trị để tạo dựng ngọn cờ, tập hợp lực lượng chống đối.… với nội dung phản động: “Ai phản đạo là phản dân tộc Campuchia”, “Campuchia chuẩn bị giải phóng vùng Khmer Nam Bộ”… Nguồn gốc các tài liệu từ nước ngoài về vùng Tây Nam Bộ rồi phân phát lén lút. Các chương trình phát thanh bằng tiếng Khmer của Đài Tiếng nói Hoa Kỳ (VOA), Đài Châu Á tự do (RFA), Đài Tiếng nói Khmer Krôm (VOKK) ở Mỹ và ở Campuchia… thường xuyên có những chương trình chống phá Việt Nam, xuyên tạc lịch sử, xuyên tạc chính sách của Đảng và Nhà nước ta đối với đồng bào Khmer, bôi nhọ chính quyền Việt Nam vi phạm dân chủ và nhân quyền...
Đối với dân tộc Khmer, yếu tố tôn giáo gắn liền với yếu tố dân tộc, Phật giáo Nam tông là tôn giáo gốc của đồng bào Khmer. Hầu hết những vấn đề an ninh trật tự, đoàn kết dân tộc nảy sinh trong Phật giáo Nam tông Khmer cũng là vấn đề quan trọng trong dân tộc Khmer. Do vậy, nhiều hoạt động chống phá có liên quan đến dân tộc Khmer đều có sự tham gia của sư sãi. Những đối tượng cầm đầu trong các hội nhóm Khmer Krôm ở Mỹ, Pháp, Úc, Campuchia… đều đẩy mạnh quan hệ với các đối tượng trong Phật giáo Nam tông thuộc các tỉnh Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu… để chỉ đạo, hướng dẫn thu thập tin tức, tư liệu lịch sử, phát tán tài liệu phản động. Bên cạnh đó, nhiều tổ chức, hội nhóm được chúng thành lập nhằm mục đích chống phá cách mạng Việt Nam (KKF, KKKC) cũng không ngừng tăng cường tiếp xúc, tranh thủ Liên hợp quốc và cộng đồng quốc tế, dùng mọi ảnh hưởng buộc Việt Nam chấp nhận cho đặt cơ quan nhân quyền tại Việt Nam, để kiểm tra giám sát và khuyến khích phong trào đòi đất cho người Khmer nhằm lập ra “Nhà nước Khmer Campuchia Krôm độc lập”, vu cáo đồng bào thiểu số bị đàn áp một cách tàn bạo, người dân tiếp tục bị tước đoạt quyền làm người. Chúng xuyên tạc rằng, tình trạng này trở nên tồi tệ hơn kể từ đầu 2019 đến nay. Ví dụ, trong những ngày đầu tháng 7/ 2019, một số mục sư trong nước kết hợp một số mục sư nước ngoài đã đến Thủ đô Washington (Hoa Kỳ) rầm rộ tổ chức hoạt động “Vận động nhân quyền cho người dân tộc thiểu số Việt Nam”. Mục đích của các đối tượng là nhằm kêu gọi Chính phủ Hoa Kỳ và các tổ chức quốc tế giúp đỡ để gây sức ép với Việt Nam; vu cáo, lu loa đòi chấm dứt tình trạng “đàn áp các sắc dân thiểu số”, tôn trọng quyền tự do tôn giáo, trả lại tài sản cho các giáo hội, cho phép những nhà lãnh đạo tôn giáo được tham dự những khóa huấn luyện ở trong và ngoài nước, trả tự do cho “tù nhân lương tâm”, đặc biệt kêu gọi phái đoàn Hoa Kỳ và Liên hợp quốc đến Việt Nam để điều tra và sau cùng là xếp Việt Nam trở lại danh sách những quốc gia cần lưu tâm về tự do tôn giáo.
Các thế lực thù địch, bọn phản động lưu vong, nhất là tổ chức “Khmer Kampuchia Krôm” (KKK) không ngừng tuyên truyền, xuyên tạc, lôi kéo, kích động, gây chia rẽ dân tộc ta trên các phương tiện thông tin đại chúng, trên trang web của tổ chức với những tài liệu, băng đĩa xuyên tạc về lịch sử vùng đất Nam Bộ Việt Nam, về cắm cột mốc biên giới Việt Nam - Campuchia. Chúng tổ chức kỷ niệm “ngày mất đất Khmer Campuchia Krôm 4/6” hằng năm tại một số điểm chùa ở Thủ đô Phnôm Pênh (Vương quốc Campuchia).
2. Giải pháp đấu tranh với những luận điệu sai trái, xuyên tạc của các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề dân tộc Khmer ở khu vực Tây Nam Bộ
Thứ nhất, tiếp tục thực hiện hiệu quả các chính sách kinh tế - xã hội đối với vùng đồng bào Khmer, nhanh chóng nâng cao đời sống, giảm nghèo bền vững. Có thể nói đây là giải pháp mang tính nền tảng, góp phần vô hiệu hóa những luận điệu xuyên tạc, phản động một cách căn cơ và vững chắc.
Để giảm nghèo ở vùng đồng bào dân tộc, các địa phương cần quan tâm làm tốt công tác quy hoạch, bố trí sắp xếp dân cư, thực hiện phát triển sản xuất bền vững, rút ngắn dần sự chênh lệch về mức sống giữa các cộng đồng dân tộc thiểu số, rút ngắn khoảng cách nông thôn - thành thị. Lồng ghép các nguồn vốn để đầu tư có trọng điểm, xây dựng các mô hình về phát triển sản xuất, bảo vệ môi trường. Vận động và trực tiếp giúp đỡ bà con Khmer thay đổi những tập tục, thói quen canh tác, sản xuất lạc hậu, tích cực tham gia các dự án, chương trình phát triển kinh tế theo hướng phát triển bền vững, ổn định.
Thực hiện hiệu quả chính sách kinh tế - xã hội đối với đồng bào Khmer phải gắn liền với chính sách phát triển vùng Tây Nam Bộ, đặc biệt là chương trình xây dựng nông thôn mới, tập trung nguồn lực đầu tư cho vùng dân tộc Khmer, tạo môi trường, điều kiện cho họ tự vươn lên đạt trình độ chung của vùng và cả nước.
Ở các địa phương có đông đồng bào Khmer, các cấp ủy, tổ chức đảng và chính quyền các cấp phải cụ thể hóa những nghị quyết, chính sách, chương trình ưu đãi của Đảng, Nhà nước cho người nghèo, cho đồng bào dân tộc, vùng xa, vùng sâu… liên quan tới nông thôn, nông nghiệp, như chương trình hỗ trợ thực hiện các công trình xây dựng kết cấu hạ tầng, đường giao thông nông thôn, thủy lợi, nhà sinh hoạt cộng đồng; triển khai chính sách hỗ trợ nhà ở, đất ở, đất sản xuất, hỗ trợ chuyển đổi nghề, hỗ trợ kéo điện, nước sinh hoạt, đa dạng hóa sinh kế, nhân rộng mô hình giảm nghèo, vừa hỗ trợ vay vốn phát triển kinh tế cho hộ Khmer, vừa trực tiếp tổ chức các hoạt động chuyển giao kỹ thuật, tuyên truyền chính sách pháp luật cũng như hướng dẫn người dân biết cách sản xuất, chăn nuôi, phát triển kinh tế gia đình… Từ đó, giúp đồng bào Khmer an cư lạc nghiệp, ổn định cuộc sống và nông thôn ngày càng phát triển.
Tạo mọi điều kiện để đồng bào các dân tộc nhanh chóng tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, nhất là đối tượng người cao tuổi, trẻ em và phụ nữ vùng sâu, vùng xa; tích cực phổ cập giáo dục phổ thông, nâng cao dân trí..
Thứ hai, tạo điều kiện cho đồng bào các dân tộc, trước hết là đồng bào Khmer trong vùng bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống, khuyến khích đồng bào hạn chế, xoá bỏ những hủ tục lạc hậu để hoà nhập vào xu thế phát triển chung của đất nước và thế giới. Song song đó, tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động tôn giáo gắn với sự phát triển văn hóa của đồng bào dân tộc Khmer; hướng hoạt động tôn giáo vào những cuộc vận động mang tính chất sinh hoạt văn hóa, nhân đạo, từ thiện trong cộng đồng ở từng địa phương theo đúng quan điểm chỉ đạo chung của Đảng ta: tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo của đồng bào; bảo vệ chùa chiền, phong tục, tập quán của đồng bào Khmer; tạo điều kiện cho các sinh hoạt của Phật giáo Nam tông được diễn ra thuận lợi; bảo tồn và phát huy những di sản văn hóa, những giá trị truyền thống tốt đẹp, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc Khmer trong đời sống thực tiễn…Ví dụ, duy trì và bảo vệ những loại hình văn hóa nghệ thuật mang bản sắc truyền thống tốt đẹp của đồng bào Khmer: đầu tư nâng cấp Nhà bảo tàng Khmer; phát huy vai trò của các đoàn nghệ thuật Khmer chuyên nghiệp, đoàn hát Rô băm và đoàn hát Dù kê Khmer để phục vụ văn hóa, giải trí cho đồng bào Khmer; xây dựng, sửa chữa và nâng cấp các chùa được công nhận là kiến trúc lịch sử, di tích văn hóa nghệ thuật cấp quốc gia. Tăng số ấn phẩm và thời lượng các chương trình phát thanh, truyền hình tiếng Khmer, báo chí tiếng Khmer; tạo điều kiện thuận lợi để tổ chức các lễ hội truyền thống và các hoạt động văn hóa - thể thao, vừa nhằm bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể mang đậm bản sắc dân tộc Khmer; vừa nhằm tăng cường đoàn kết, gắn bó giữa các dân tộc, nhất là giữa dân tộc Kinh và Khmer.
Việc bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Khmer cần gắn liền với ưu tiên phát triển nguồn nhân lực, nâng cao dân trí, quan tâm đào tạo, dạy nghề, tạo việc làm ổn định cho đồng bào dân tộc Khmer. Nâng cao chất lượng các trường dân tộc nội trú ở các tỉnh trong vùng. Đồng thời, ngăn chặn kịp thời những hành vi lợi dụng các hoạt động văn hóa, tín ngưỡng, tôn giáo để tiến hành các hoạt động gây mất ổn định xã hội, gây mâu thuẫn phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc.
Mặt khác, gắn liền với tập quán sinh hoạt của đồng bào Khmer, cũng cần phải nhận thức lại và đầy đủ về vai trò của ngôi chùa trong Phật giáo Nam tông Khmer để có chính sách đầu tư thỏa đáng, tránh việc các thế lực thù địch lấy danh nghĩa viện trợ, gởi tiền qua thân nhân về nước với mục đích sửa chữa, tu bổ, xây dựng chùa mà dễ dàng tuồn kinh phí tài trợ các hoạt động chống phá, tuyên truyền xuyên tạc bóp méo sự thật. Như vậy, cần ban hành những quy định cụ thể, chặt chẽ để đảm bảo quản lý các hoạt động tu bổ, xây dựng chùa chiền một cách thống nhất, ngăn ngừa thế lực thù địch lợi dụng phá hoại.
Thứ ba, củng cố và phát huy vai trò của hệ thống chính trị cơ sở ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số (vùng có đông đồng bào Khmer). Thường xuyên chăm lo xây dựng, củng cố, kiện toàn đội ngũ cán bộ, chú trọng nâng cao bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức và năng lực chuyên môn của đội ngũ cán bộ chuyên trách về công tác dân tộc, tôn giáo ở địa phương, quan tâm công tác đào tạo, bồi dưỡng tiếng dân tộc Khmer cho cán bộ, công chức công tác tại vùng có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống.
Thường xuyên quan tâm sâu sát, nắm chắc diễn biến tâm tư tình cảm của đồng bào Khmer, phát huy dân chủ cơ sở, giải quyết tốt những bức xúc xã hội trên từng địa bàn, trước hết là những vấn đề liên quan đến lợi ích của đồng bào dân tộc, kiên quyết không để thế lực thù địch lợi dụng kích động, xuyên tạc, nêu cao ý thức tự lực, tự cường và tạo lập niềm tin trong đồng bào Khmer và đồng bào các dân tộc thiểu số khác nhằm củng cố khối đại đoàn kết toàn dân và sự ổn định vững chắc của mỗi địa phương.
Mặt khác, cần coi trọng hơn nữa công tác xây dựng đội ngũ cán bộ người Khmer; thực hiện chính sách ưu tiên trong công tác đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng đội ngũ cán bộ là người Khmer; xây dựng lực lượng cốt cán, phát huy vai trò của sư sãi, vai trò của những người có uy tín trong cộng đồng dân tộc Khmer ở từng phum sóc.
Thứ tư, tăng cường và thực hiện hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục, quán triệt quan điểm, chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước, khơi dậy và phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân, giáo dục ý thức quốc gia dân tộc cho chức sắc, tín đồ Phật giáo Nam tông Khmer cũng như cho cán bộ và đồng bào Khmer về chủ quyền quốc gia và mối quan hệ đoàn kết Kinh - Khmer. Lấy mục tiêu giữ vững độc lập, thống nhất, “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” làm điểm tương đồng, chấp nhận những điểm khác nhau không trái với lợi ích chung của dân tộc, xóa bỏ mặc cảm, định kiến, xây dựng tinh thần cởi mở, tin cậy lẫn nhau, hướng tới tương lai, nâng cao nhận thức, nêu cao tinh thần cảnh giác của Nhân dân trước những thông tin và luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch, phải làm cho Nhân dân thấy rõ đâu là thông tin chính thống, đâu là thông tin bịa đặt…
Nội dung tuyên truyền, giáo dục phải mang tính toàn diện, tổng hợp, tập trung phổ biến sâu rộng đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của nhà nước đối với bà con trong vùng Tây Nam Bộ về lịch sử vùng đất, con người, văn hóa, nhất là chính sách phát triển kinh tế - xã hội, chính sách dân tộc đối với đồng bào các dân tộc, các tôn giáo; Giáo dục ý thức chấp hành pháp luật, ý thức trách nhiệm của công dân nước Việt Nam trong đồng bào, sư sãi, chức sắc tôn giáo người dân tộc Khmer.
Về hình thức, lựa chọn những chủ trương, chính sách liên quan trực tiếp đến đồng bào Khmer, đến những nội dung thường bị những thế lực thù địch xuyên tạc, kích động để biên soạn lại bằng tiếng Khmer với nội dung ngắn gọn, dễ hiểu phục vụ hiệu quả cho công tác tuyên truyền. Mặt khác, vận động chức sắc, chức việc, người có uy tín trong cộng đồng phối hợp tuyên truyền, vận động bà con người dân tộc Khmer trong từng phum, sóc, từng cơ sở.
Hiện nay, khi việc kiểm soát, chế tài các thông tin bịa đặt, xuyên tạc, vu khống còn gặp nhiều rào cản, khó khăn, cách tốt nhất để đẩy lùi thông tin bịa đặt, sai lệch là chủ động cung cấp thông tin chính xác, kịp thời và minh bạch cho Nhân dân. Đồng thời, không ngừng nâng cao thời lượng và chất lượng các chương trình truyền hình, truyền thanh tiếng Khmer, lồng ghép nội dung tuyên truyền trong sinh hoạt cộng đồng thường xuyên của đồng bào Khmer trong các chùa, các lễ hội, thông qua vai trò những người có uy tín trong các phum sóc, vai trò của sư sãi…
Thứ năm, tăng cường vai trò và hiệu quả công tác của các cơ quan chức năng thực hiện nhiệm vụ giữ gìn an ninh trật tự, lực lượng này phải vừa kịp thời nắm sát tình hình, sát đối tượng, vừa chủ động đấu tranh trên mặt trận chính trị, tư tưởng, làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn lợi dụng vấn đề dân tộc chống phá cách mạng của các thế lực thù địch; nâng cao tính chuyên nghiệp, hiện đại của các cơ quan chuyên trách là một yêu cầu cấp bách nhằm đáp ứng nhiệm vụ này.
Củng cố và hiện đại hóa các lực lượng chuyên ngành cần gắn liền với yêu cầu mở rộng và phát huy vai trò của lực lượng quần chúng nòng cốt trong công tác bảo vệ an ninh Tổ quốc, phát hiện sớm những yếu tố nguy cơ, những kế hoạch còn manh nha của các thế lực thù địch, kịp thời ngăn chặn và giải quyết hiệu quả các “điểm nóng” liên quan đến vấn đề dân tộc. Chủ động nắm chắc tình hình, kịp thời phát hiện, dập tắt mọi âm mưu, hành động lợi dụng vấn đề dân tộc kích động lôi kéo đồng bào gây rối, bạo loạn.
Trong thực hiện chính sách đối với Phật giáo Nam tông Khmer, cần phải phối hợp và đặt trọng tâm vào đội ngũ sư sãi. Những năm tới, cần quan tâm đến việc đào tạo giáo sỹ và có chính sách đầu tư, hỗ trợ cho hệ thống trường lớp của Phật giáo Nam tông Khmer, trong đó có: trường chùa, trường sơ cấp Pàli (sơ cấp Phật học), trường trung cấp Pàli (trung cấp Phật học) và trường cao cấp Pàli (Học viện Phật giáo Nam tông)3.
Tóm lại, cần đẩy nhanh phát triển kinh tế - xã hội, thường xuyên chăm lo đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào Khmer. Đẩy nhanh tiến độ và hiệu quả các chương trình, dự án an sinh xã hội; ưu tiên phát triển kinh tế - xã hội vùng đông đồng bào Khmer như Trà Vinh, Sóc Trăng,.. tạo mọi điều kiện để đồng bào các dân tộc nhanh chóng xóa đói giảm nghèo, tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, tích cực phổ cập giáo dục phổ thông, nâng cao dân trí. Chăm lo đời sống tinh thần của đồng bào Khmer, tạo điều kiện thuận lợi để đồng bào Khmer tổ chức các lễ hội truyền thống và các hoạt động văn hóa - thể thao, vừa nhằm bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể mang đậm bản sắc dân tộc; vừa nhằm tăng cường đoàn kết, gắn bó giữa các dân tộc, nhất là giữa dân tộc Kinh và Khmer; tăng cường và thực hiện hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục; phát huy vai trò của hệ thống chính trị cơ sở; tăng cường vai trò và hiệu quả công tác của các cơ quan chức năng thực hiện nhiệm vụ giữ gìn an ninh trật tự …là những giải pháp quan trọng, có ý nghĩa nền tảng để vô hiệu hóa các luận điệu tuyên truyền xuyên tạc, phá hoại đoàn kết dân tộc của các thế lực thù địch. Xét đến cùng khi đời sống vật chất, tinh thần được nâng cao, đồng bào sẽ đoàn kết, tin tưởng vào chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, thực hiện tốt quyền lợi, nghĩa vụ công dân. Khi đó, không kẻ thù nào có thể lợi dụng vấn đề dân tộc để phá hoại khối đoàn kết toàn dân trong cách mạng Việt Nam.
---------
Bài đăng trên Tạp chí Thông tin Khoa học chính trị số 6 (36) - 2023
1 Ban Tuyên giáo Trung ương: Phê phán, bác bỏ các quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2007, tr.12.
2 Phùng Hữu Phú, Nguyễn Văn Đặng, Nguyễn Viết Thông: Tìm hiểu một số thuật ngữ trong Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2016, tr.126.
3 Tổng quan đề tài khoa học cấp Bộ (Hoàng Minh Đô chủ nhiệm): Chính sách đối với tổ chức, hội đoàn, chức sắc, nhà tu hành, cơ sở thờ tự của Phật giáo Nam tông Khmer vùng Tây Nam Bộ đến năm 2020, tầm nhìn 2030, Hà Nội, 2015, tr.145.