ThS PHẠM ĐỨC DŨNG
Học viện Kỹ thuật Quân sự, Bộ Quốc phòng
(TTKHCT) - Đảng Cộng sản Việt Nam, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vận dụng sáng tạo lý luận chủ nghĩa Mác - Lênin về vai trò và phát huy sức mạnh của quần chúng trong sự nghiệp cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng, dân tộc ta đã lập nên những chiến công vĩ đại trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đỉnh cao là chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954. Từ đó mở ra một phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc lớn mạnh, từng bước phá vỡ hệ thống thuộc địa của chủ nghĩa thực dân cũ trên toàn thế giới. Trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa hiện nay, việc phát huy sức mạnh của quần chúng trong tình hình mới càng trở nên có ý nghĩa cấp thiết. Đó chính là những nội dung mà bài viết tập trung nghiên cứu.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có công lao vô cùng to lớn trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, đem lại độc lập, tự do cho dân tộc Việt Nam và có sức lan tỏa to lớn đến toàn thế giới. Bằng việc vận dụng sáng tạo lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin về vai trò của quần chúng đối với sự nghiệp cách mạng, Đảng ta, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lãnh đạo dân tộc Việt Nam lập nên những chiến công vĩ đại trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đỉnh cao là chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954 “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.
1. Lý luận chủ nghĩa Mác - Lênin về vai trò của quần chúng
Chủ nghĩa Mác - Lênin chỉ ra quần chúng là chủ thể chân chính sáng tạo nên lịch sử
Chủ nghĩa Mác - Lênin đã khẳng định: cách mạng là sự nghiệp của quần chúng, chính quần chúng là người làm nên lịch sử. Trong tác phẩm Góp phần phê phán triết học pháp quyền của Hêghen (1843), C.Mác đã viết: “Chủ quyền của nhân dân không phải là cái phát sinh từ chủ quyền của nhà vua, mà ngược lại, chủ quyền của nhà vua dựa trên chủ quyền của nhân dân”1, “không phải chế độ nhà nước tạo ra nhân dân mà nhân dân tạo ra chế độ nhà nước”2. Trong tác phẩm Gia đình thần thánh (1844), C.Mác và Ph.Ăngghen nhận xét vai trò của quần chúng đặc biệt thể hiện rõ trong thời kỳ cách mạng: “Hoạt động lịch sử càng lớn lao thì do đó, quần chúng, mà hoạt động lịch sử đó là sự nghiệp của mình, cũng sẽ lớn lên theo”3. Kế thừa và phát triển tư tưởng của C.Mác và Ph.Ăngghen trong điều kiện mới, V.I.Lênin, trong tác phẩm Chào mừng những người cộng sản Ý, Pháp và Đức (1919) đã khẳng định: “Không có sự đồng tình ủng hộ của đại đa số nhân dân lao động đối với đội tiền phong của mình tức là đối với giai cấp vô sản, thì cách mạng vô sản không thể thực hiện được”4.
Chủ nghĩa Mác - Lênin chỉ rõ cách mạng là sự nghiệp của quần chúng đặt dưới sự lãnh đạo của đảng cộng sản
Quần chúng là chủ thể của lịch sử nhưng họ chỉ có thể phát huy tất cả sức mạnh và sáng tạo khi đặt dưới sự lãnh đạo của đảng cộng sản. Trong tác phẩm Tuyên ngôn của đảng cộng sản (1848), C.Mác và Ph.Ăngghen đã luận chứng một cách khoa học về vai trò của đảng cộng sản như một điều kiện chủ quan có ý nghĩa quyết định đối với sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân trong tiến trình cách mạng xã hội chủ nghĩa. Để đảm bảo cho cuộc đấu tranh của giai cấp công nhân và nhân dân lao động giành thắng lợi, giai cấp công nhân phải tự tổ chức ra được chính đảng độc lập, các đảng đó phải biết thuyết phục, giác ngộ và tập hợp đông đảo quần chúng, huấn luyện quần chúng và đưa quần chúng ra đấu tranh; mặt khác bản thân quần chúng phải tự mình tham gia vào cuộc cách mạng ấy. Trong Lời nói đầu Đấu tranh giai cấp ở Pháp từ 1848 đến 1850, C.Mác viết: “Ở nơi nào mà vấn đề đặt ra là phải cải tạo hoàn toàn chế độ xã hội, thì bản thân quần chúng phải tự mình tham gia công cuộc cải tạo ấy, phải tự mình hiểu rõ vì sao phải tiến hành đấu tranh, vì sao mình phải đổ máu và hy sinh tính mạng”5. Nhưng muốn cho quần chúng hiểu rõ phải làm gì và làm như thế nào một cách tự giác thì “cần phải tiến hành một công tác lâu dài và kiên nhẫn”, tức là phải tiến hành công tác vận động quần chúng. Vì vậy, V.I.Lênin trong tác phẩm Làm gì? (1901) đã cho rằng: “1) Không một phong trào cách mạng nào mà lại vững chắc được nếu không có một tổ chức ổn định và duy trì được tính liên tục gồm những người lãnh đạo; 2) Càng có đông đảo quần chúng được thu hút tự phát vào cuộc đấu tranh, tạo thành cơ sở cho phong trào và tham gia phong trào, thì càng cấp thiết phải có một tổ chức như thế và tổ chức ấy lại càng phải vững chắc”6. Hơn nữa, V.I.Lênin còn khẳng định vấn đề có tính nguyên tắc về vai trò lãnh đạo và mối quan hệ giữa Đảng với quần chúng: “Về nguyên tắc, đảng cộng sản phải giữ vai trò lãnh đạo, đó là điều không còn nghi ngờ gì được nữa”7, “Chúng ta cần những đảng có liên hệ thực tế thường xuyên với quần chúng và biết lãnh đạo những quần chúng đó”8, “một trong những nguy hiểm lớn nhất và đáng sợ nhất là tự cắt đứt liên hệ với quần chúng”9. Sự ra đời của đảng cộng sản chính là đáp ứng nhu cầu khách quan, cấp thiết của sự nghiệp đấu tranh của giai cấp công nhân, nhân tố quyết định thực hiện sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân.
2. Vận dụng sáng tạo lý luận chủ nghĩa Mác - Lênin về phát huy sức mạnh quần chúng trong kháng chiến chống thực dân Pháp giai đoạn 1946-1953 của Chủ tịch Hồ Chí Minh
Tiếp thu, vận dụng sáng tạo lý luận chủ nghĩa Mác - Lênin về vị trí, vai trò của quần chúng vào thực tiễn cách mạng Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sớm tiếp thu quan điểm: “Trong chiến tranh, ai có nhiều lực lượng hậu bị hơn, ai có nhiều nguồn lực lượng hơn, ai kiên trì đi sâu vào quần chúng nhân dân hơn, thì người đó thu được thắng lợi”10. Nghiên cứu cách mạng Pháp, Người chỉ ra những bài học mà cuộc cách mạng này đã dạy cho chúng ta là “Dân khí mạnh thì quân lính nào, súng ống nào cũng không chống lại”11. Xem xét các yếu tố chủ yếu để có được thành công trong hoạt động quân sự, Người nhấn mạnh ba yếu tố có quan hệ chặt chẽ với nhau là “thiên thời, địa lợi, nhân hòa”, trong đó “nhân hòa” là quan trọng nhất. Nói đến “nhân hòa” thì toàn Đảng, toàn quân và toàn dân đồng lòng. Với những quan điểm trên và xuất phát từ thực tế ở nước ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đặc biệt coi trọng việc xây dựng và phát huy sức mạnh của quần chúng trong chiến tranh nhân dân.
Năm 1946, khi nhận thấy dã tâm xâm lược của thực dân Pháp và cuộc kháng chiến không thể tránh khỏi, trong bài viết Hình thức chiến tranh ngày nay đăng trên báo Cứu quốc, số 351, ngày 20/9/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “chiến tranh ngày nay phức tạp và hết sức khó khăn. Không dùng toàn lực của nhân dân về đủ mọi mặt để ứng phó, không thể nào thắng lợi được”12. Người khẳng định: “Sự đồng tâm của đồng bào ta đúc thành một bức tường đồng xung quanh Tổ quốc. Dù địch hung tàn, xảo quyệt đến mức nào, đụng đầu nhằm bức tường đó, chúng cũng phải thất bại”13; theo Người: “Lòng yêu nước của đồng bào, nhập với hình thế hiểm trở của núi sông thành một lực lượng vô địch”14, từ đó Người động viên toàn dân một lần nữa đứng lên chiến đấu, bảo vệ vững chắc thành quả Cách mạng Tháng Tám năm 1945.
Để xây dựng và phát huy sức mạnh của quần chúng trong kháng chiến, Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu mọi chính sách đều nhằm vào lợi ích của nhân dân và phải bồi dưỡng sức lực của nhân dân, phải phát huy, tập hợp sức mạnh to lớn của quần chúng thành một phong trào rộng lớn với phương châm kháng chiến “toàn dân, toàn diện, trường kỳ và tự lực cánh sinh” đồng thời luôn biết tranh thủ sự giúp đỡ của quốc tế. Với một tầm nhìn chiến lược, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta đã phát huy cao nhất sức mạnh của toàn dân cho trận quyết chiến lược tại Điện Biên Phủ giành thắng lợi quyết định kết thúc chiến tranh.
Vào năm 1952, đối với các dân tộc Tây Bắc vừa được giải phóng, Người đã chỉ đạo giảm tô, giảm tức, cải cách ruộng đất. Điều này như liều thuốc kích hoạt, làm gia tăng sự đồng thuận cao về mặt tinh thần và sức mạnh vật chất đóng góp cho cuộc kháng chiến. Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận định: “Cải cách ruộng đất sẽ giúp ta giải quyết nhiều vấn đề: về quân sự, nông dân sẽ càng hăng hái tham gia bộ đội, để giữ làng giữ nước, giữ ruộng đất của mình. Đồng thời cải cách ruộng đất sẽ có ảnh hưởng to lớn giúp làm tan rã ngụy quân. Về kinh tế - tài chính, nông dân đủ ăn đủ mặc, tăng gia sản xuất được nhiều, thì nông nghiệp sẽ phát triển. Họ có tiền mua hàng hóa, thì thủ công nghiệp, thương nghiệp và công nghệ của giai cấp tiểu tư sản và tư sản dân tộc, cũng như công thương nghiệp quốc doanh sẽ được phát triển. Nông dân hăng hái đóng thuế nông nghiệp thì tài chính của Nhà nước được dồi dào. Về chính trị, khi nông dân đã nắm ưu thế kinh tế và chính trị trong làng, nhân dân chủ chuyên chính sẽ được thực hiện rộng khắp và chắc chắn”15.
3. Vận dụng sáng tạo lý luận chủ nghĩa Mác - Lênin về phát huy sức mạnh quần chúng trong chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954 của Chủ tịch Hồ Chí Minh
Trên cương vị là người lãnh đạo cao nhất của Đảng và Chính phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh vừa là người cùng với Trung ương Đảng bàn luận đưa ra các quyết định về chủ trương, biện pháp kháng chiến, vừa là người trực tiếp chỉ đạo quá trình tổ chức thực hiện, theo dõi uốn nắn những lệch lạc. Người đã động viên, cổ vũ, định hướng, nuôi dưỡng phát huy những giá trị đã được tạo dựng thành sức mạnh của toàn dân tộc trong suốt cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp nói chung; trước và trong quá trình diễn ra chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954 nói riêng.
Ngay sau thắng lợi chiến cuộc Đông Xuân 1953-1954, ta đã cơ bản phá thế chiến lược của thực dân Pháp trong kế hoạch Nava, là tiền đề, bàn đạp cho quân và dân ta bước vào trận quyết định - chiến dịch Điện Biên Phủ, nhằm tiêu diệt “pháo đài” của thực dân Pháp có sự can thiệp của đế quốc Mỹ. Để chiến dịch thu được thắng lợi, Chính phủ và các địa phương thuộc căn cứ địa Việt Bắc và các địa phương thuộc vùng tự do của khu IV đã huy động được hàng vạn dân công và thanh niên xung phong vận chuyển lương thực, thực phẩm phục vụ chiến trường, làm đường giao thông và các công việc phục vụ hỏa tuyến. Tại chiến trường Tây Bắc và chiến dịch Điện Biên Phủ, thắng lợi của giảm tô, giảm tức và cải cách ruộng đất thực sự tạo cho đồng bào các dân tộc Tây Bắc hăng hái tham gia các hoạt động phục vụ chiến dịch, đóng góp hàng ngàn tấn lương thực, thực phẩm và “sức người, sức của” cho mặt trận. Bằng những việc làm thiết thực, Đảng, Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã động viên, giúp đỡ nhân dân, cán bộ, chiến sĩ các đơn vị, dân công hỏa tuyến và thanh niên xung phong tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ, nâng cao niềm tin và quyết tâm sẵn sàng chịu đựng gian khổ, hy sinh cho chiến thắng.
Cùng với các hoạt động đó, Trung ương Đảng, Bộ Tổng Tư lệnh đã tiến hành tổ chức chỉnh huấn trong Đảng và trong toàn quân. Mục đích là nhằm nâng cao tư tưởng và trình độ chính trị của đảng viên và cán bộ, làm cho đảng viên và cán bộ theo đúng quan điểm và lập trường vô sản; quán triệt tình hình nhiệm vụ và đấu tranh chống lại các biểu hiện cá nhân, tư tưởng “hữu khuynh” trong cán bộ, đảng viên; đẩy mạnh tự phê bình và phê bình, tạo sự nhất trí cao trong đội ngũ cán bộ của Đảng và Chính phủ. Kết quả không những mài sắc tinh thần, mà còn làm cho sức mạnh của con người, của tổ chức Đảng, của quân đội được nâng lên rõ rệt; đồng thời tác động, ảnh hưởng tích cực tới tinh thần của quần chúng. Niềm tin của quần chúng vào Đảng, Quân đội, tiếp tục được củng cố và tăng cường. Cùng với chỉnh Đảng, chỉnh quân, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát động phong trào Thi đua ái quốc với khẩu hiệu “tất cả cho tiền tuyến, tất cả cho chiến thắng”. Người kêu gọi toàn Đảng, toàn quân, toàn dân dốc sức cho thắng lợi của chiến dịch.
Phát huy sức mạnh toàn dân tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ thể hiện trong việc Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cùng Trung ương Đảng, Chính phủ huy động toàn dân trong phục vụ, bảo đảm hậu cần. Bởi Tây Bắc là một vùng rừng núi hoang vu, lòng chảo Điện Biên Phủ cách căn cứ địa Việt Bắc và vùng tự do khu IV trên 300 - 500km, địa hình hiểm trở, điều kiện kinh tế của các địa phương trong vùng mới được giải phóng còn hết sức khó khăn. Việc đảm bảo hậu cần chiến dịch bao gồm cả hậu cần nhân dân, hậu cần quân sự, hậu cần tại chỗ. Để giải quyết bài toán hậu cần, Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thành lập “Hội đồng cung cấp mặt trận Trung ương” do Phó Thủ tướng Phạm Văn Đồng làm Chủ tịch, huy động hàng chục vạn dân công và thanh niên xung phong của các địa phương thuộc căn cứ địa Việt Bắc và vùng tự do Liên khu IV để vận chuyển lương thực, thực phẩm, thuốc men, đạn dược, thương binh, quản lý tù hàng binh tại mặt trận; khai thác những điều kiện vật chất tại chỗ, huy động sức người, sức của các địa phương Tây Bắc, tổ chức xay xát gạo tại mặt trận, mở đường vận chuyển bộ bằng lừa, ngựa, xe đạp thồ, ô tô, làm đường kéo pháo, lập các điểm nghi binh địch...
Thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị, mọi công việc chuẩn bị cho Điện Biên Phủ được tiến hành khẩn trương. Cả hậu phương lớn tập trung sức mạnh cho mặt trận. Từng đoàn xe vận tải, hơn 2 vạn xe đạp thồ, hơn 1 vạn thuyền bè, hàng trăm ngựa thồ và 261.451 dân công, thanh niên xung phong được huy động bảo đảm giao thông và cung cấp hậu cần cho chiến dịch Điện Biên Phủ16.
Về phương châm tác chiến, khi địch bắt đầu đổ quân xuống Điện Biên Phủ, Bộ Chỉ huy chiến dịch chỉ đạo cần tranh thủ thời gian, lợi dụng lúc địch đứng chân chưa vững để tiêu diệt chúng trong 3 đêm, 2 ngày theo phương châm “Đánh nhanh, thắng nhanh”. Nhưng đến ngày 25/01/1954, các đơn vị bộ đội của ta đã tới vị trí tập kết, bố trí xong trận địa, sẵn sàng nổ súng tiến công, khi kiểm tra lại tình hình chuẩn bị, thấy quân Pháp đã tăng cường lực lượng, tổ chức hệ thống phòng ngự vững chắc, Bộ Chỉ huy chiến dịch đã đi đến quyết định hết sức đúng đắn là: Giữ vững quyết tâm tiêu diệt toàn bộ cứ điểm Điện Biên Phủ, nhưng thay đổi phương châm tác chiến, chuyển từ “Đánh nhanh thắng nhanh” sang “Đánh chắc tiến chắc”17.
Sau một thời gian chuẩn bị lại, 17 giờ ngày 13/3/1954 quân ta nổ súng tiến công giữa lúc địch đang chủ quan, sơ hở. Ngay đợt tiến công thứ nhất từ ngày 13 đến ngày 17/3 ta đã tiêu diệt gọn 2 cứ điểm Him Lam và Độc Lập, uy hiếp, bức hàng cứ điểm Bản Kéo, phá vỡ cửa ngõ phía Bắc của tập đoàn cứ điểm. Ngày 30/3, ta mở đợt tiến công thứ 2, thắt chặt vòng vây chia cắt địch ra từng khúc, chiếm phần lớn dãy điểm cao phía Đông. Trận địa tiến công của quân ta với hàng trăm kilomét chiến hào ngang, dọc như dây thòng lọng thắt chặt vào cổ quân thù. Ngày 01/5/1954, ta mở đợt tiến công thứ 3 tổng công kích tiêu diệt toàn bộ quân địch ở Điện Biên Phủ. Ngày 07/5/1954, Tướng Christian de Castries và toàn bộ quân địch buộc phải đầu hàng. Lá cờ quyết chiến, quyết thắng của Quân đội nhân dân Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh trao tặng đã tung bay trên nóc hầm Christian de Castries. Sau 56 ngày đêm chiến đấu anh dũng, kiên cường, mưu trí, sáng tạo, quân và dân ta đã tiêu diệt, bức hàng toàn bộ cứ điểm Điện Biên Phủ, tiêu diệt và bắt sống trên 16.000 tên địch, thu và phá hủy toàn bộ vũ khí đạn dược và phương tiện chiến tranh của chúng18.
Chiến dịch Đông Xuân 1953-1954 mà đỉnh cao là chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ là cuộc đọ sức toàn diện, quyết liệt nhất trong cuộc kháng chiến giữa quân và dân ta với thực dân Pháp xâm lược, có sự can thiệp, chi viện của đế quốc Mỹ; là sản phẩm của sự kết hợp truyền thống yêu nước quật cường hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam, sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, đó là đường lối kết hợp chặt chẽ hai nhiệm vụ chiến lược trong cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, vừa kháng chiến vừa kiến quốc, xây dựng chế độ mới. Đó là sự chỉ đạo chiến lược sáng suốt, linh hoạt, sát với tình hình, kịp thời hạ quyết tâm với những chiến lược đúng đắn, trực tiếp chỉ đạo chiến dịch là Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Đó là sức mạnh của cả dân tộc đoàn kết đứng lên kháng chiến, thực hiện “Mỗi người dân là một chiến sĩ, mỗi làng xóm là một pháo đài”, không tiếc máu xương, của cải để chi viện cho tiền tuyến. Đó là tinh thần dũng cảm hy sinh của các chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam. Đó là tinh thần quyết chiến, quyết thắng của quân và dân ta trên các mặt trận ở khắp ba miền Bắc, Trung, Nam và các chiến sĩ tình nguyện trên chiến trường Lào, Campuchia.
Chiến thắng Điện Biên Phủ là một trong những chiến công chói lọi nhất trong lịch sử đấu tranh chống giặc ngoại xâm của dân tộc Việt Nam. Nó chứng tỏ trong thời đại ngày nay, chiến tranh xâm lược của chủ nghĩa đế quốc nhất định thất bại, cách mạng giải phóng dân tộc nhất định thắng lợi. Chiến thắng Điện Biên Phủ và thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp mở đầu cho sự sụp đổ của chủ nghĩa thực dân cũ, góp phần cổ vũ mạnh mẽ phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới, làm suy yếu chủ nghĩa đế quốc, đóng góp quan trọng vào sự nghiệp đấu tranh vĩ đại của nhân loại tiến bộ.
4. Kết luận
Trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa hiện nay, vấn đề phát huy sức mạnh của quần chúng trong tình hình mới càng trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. Do đó, các cấp ủy đảng, các tổ chức đảng cần tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác dân vận, tăng cường quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân; thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng thành chính sách, pháp luật của Nhà nước phù hợp với thực tiễn và đáp ứng lợi ích, nguyện vọng chính đáng của nhân dân trong mọi hoàn cảnh; cụ thể hóa, thể chế hóa vấn đề Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ trong thực tiễn, nhất là thực hiện tốt phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”; đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác dân vận của Đảng, Nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội; kiên quyết đấu tranh chống các quan điểm sai trái, thù địch chống phá đường lối, quan điểm của Đảng về vấn đề này; thực hiện thắng lợi mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh mà Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đề ra.
---------
Bài đăng trên Tạp chí Thông tin Khoa học chính trị số 2 (38) - 2024
1, 2 C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t.1, tr.347, 350.
3 C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, Sđd, t.2, tr.123.
4, 10 V.I.Lênin: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t.39, tr.251, 271.
5 C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, Sđd, t.22, tr.775.
6 V.I.Lênin: Toàn tập, Sđd, t.6, tr.158-159.
7, 8 V.I.Lênin: Toàn tập, Sđd, t.41, tr.479, 285-286.
9 V.I.Lênin: Toàn tập, Sđd, t.44, tr.426.
11 Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t.2, tr.297.
12 Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.4, tr.344.
13, 14 Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.5, tr.179, 448.
15 Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.8, tr.31.
16 Quân đội nhân dân Việt Nam: Lịch sử hậu cần Quân đội nhân dân Việt Nam, Nxb Quân đội Nhân dân, Hà Nội, 1995, t.1, tr.53.
17, 18 Võ Nguyên Giáp: Điện Biên phủ, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2013, tr.137, 205.