TS BẠCH THANH SANG
Học viện Chính trị khu vực IV
(TTKHCT) - Trong quá khứ đã có những người đã từng khai thác sự khác nhau giữa duy vật - duy tâm, giữa vô thần - hữu thần. Hiện nay, vẫn còn một số người tuy không cao giọng lên án cộng sản - vô thần như trước đây nhưng không phải là đã hết luận điệu tuyên truyền, xuyên tạc dưới những hình thức khác nhau về sự đối đầu giữa chủ nghĩa xã hội với tôn giáo. Bài viết làm rõ mối quan hệ giữa người có tôn giáo và người cộng sản, tuy khác nhau về hệ tư tưởng nhưng có sự tương đồng về mục tiêu xây dựng xã hội.
Ðại biểu thực hiện nghi thức cắt băng khánh thành Trai đường Học viện Phật giáo Nam tông Khmer.(Nguồn: baocantho.com.vn)

Từ trước đến nay, Đảng và Nhà nước Việt Nam chưa bao giờ có ý định phủ nhận sự tồn tại của tôn giáo trong chủ nghĩa xã hội (CNXH); cũng chưa bao giờ có chủ trương, chính sách chống lại tôn giáo. Đảng và Nhà nước Việt Nam chỉ chống lại những người lợi dụng tôn giáo vì mục đích chính trị phản động. Tuy nhiên, trong quá khứ và hiện nay cũng vậy chủ nghĩa đế quốc và các lực lượng thù địch luôn nhìn nhận tôn giáo như một lực lượng chính trị có thể “đối trọng” với Đảng cầm quyền; họ đã và đang hậu thuẫn cho những đối tượng chống đối trong các tôn giáo cả về tinh thần và vật chất, âm mưu sử dụng tôn giáo làm lực lượng thúc đẩy nhanh tiến trình “dân chủ hoá” nhằm làm thay đổi thể chế chính trị ở Việt Nam. Trước những vấn đề đặt ra trong tình hình mới, việc luận giải để phản bác luận điệu cho rằng “Quan hệ giữa tôn giáo với chủ nghĩa xã hội là quan hệ một mất một còn” là rất cần thiết. 

Để nhận thức rõ mối quan hệ giữa CNXH với tôn giáo, quan hệ giữa người cộng sản với người có tôn giáo có phải là quan hệ một mất một còn (đối kháng) hay không, bài viết này sẽ luận giải 04 nội dung, qua đó khẳng định sự tồn tại lâu dài của tôn giáo trong tiến trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam: 1) Chủ nghĩa Mác - Lênin không phủ nhận sự tồn tại của tôn giáo; 2) Tôn giáo và cộng sản có sự khác biệt nhưng cũng có sự tương đồng; 3) Hồ Chí Minh luôn đề cao các giá trị và tư tưởng nhân văn của tôn giáo; 4) Quan điểm, chính sách của Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn thể hiện sự tôn trọng và đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân.

Khẳng định sự tồn tại lâu dài của tôn giáo trong tiến trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam

Chủ nghĩa Mác - Lênin không phủ nhận sự tồn tại của tôn giáo

Ngay trong Bản thảo kinh tế - triết học năm 1844, C.Mác viết: “Chủ nghĩa vô thần phủ định Thượng đế và đặt thành định đề sự tồn tại của con người thông qua sự phủ định đó, nhưng chủ nghĩa xã hội như chính nó không cần đến cầu nối đó”1. Năm 1847, Ph.Ăngghen phê phán tuyên ngôn của phái Blăngki khi nhìn nhận chủ nghĩa vô thần theo cái nghĩa là tuyên chiến với tôn giáo. Ph.Ăngghen cho rằng: “Tuyên chiến ầm ĩ của họ với tôn giáo là dại dột”, và “Tuyên chiến như thế là một phương pháp tốt nhất để làm kích động thêm sự quan tâm của người ta đối với tôn giáo”2. Trong tác phẩm Chống Đuyrinh (1877), Ph.Ăngghen đã chỉ ra những luận điểm cơ bản về bản chất, vai trò, chức năng, diễn trình lịch sử của tôn giáo và yêu cầu người cộng sản phải có thái độ, phương pháp đúng đắn khi tiếp cận đến vấn đề tôn giáo; đồng thời ông cũng lên án tư tưởng cách mạng giả hiệu của Đuyrinh trong “chủ trương cấm tôn giáo trong xã hội chủ nghĩa”3.

V.I.Lênin cũng đã từng tỏ thái độ không đồng tình với những phần tử tả khuynh vô chính phủ muốn phủ nhận sự tồn tại của tôn giáo trong CNXH và những hành vi thô bạo của họ đối với tôn giáo. Ông viết: “Đối với chúng ta sự thống nhất của cuộc đấu tranh thực sự cách mạng đó của giai cấp bị áp bức để sáng tạo một cảnh cực lạc trên trái đất, là quan trọng hơn sự thống nhất ý kiến của những người vô sản về cảnh cực lạc trên thiên đường”4. “Chúng ta không những phải sẵn sàng kết nạp, mà còn cố gắng để thu hút vào trong Đảng Dân chủ - Xã hội tất cả những công nhân nào còn tin ở Thượng đế; chúng ta nhất định phản đối bất cứ một sự xúc phạm nhỏ nào đến những tín ngưỡng, tôn giáo của họ”5. Các quan điểm trên cho thấy những người sáng lập học thuyết Mác - Lênin chưa bao giờ phủ nhận sự tồn tại của tôn giáo trong CNXH.

Tôn giáo và cộng sản có sự khác biệt nhưng cũng có sự tương đồng

 Những nhà sáng lập ra học thuyết Mác - Lênin cho rằng: “Trong lịch sử đạo Cơ Đốc sơ kỳ có những điểm giống đáng lưu ý với phong trào công nhân hiện đại (…). Cả đạo Cơ Đốc lẫn chủ nghĩa xã hội trong công nhân đều tuyên truyền sự giải phóng con người trong tương lai khỏi cảnh nô lệ và nghèo khổ”6. Những người lãnh đạo Đảng Cộng sản ở Việt Nam cũng nhận thức rất sâu sắc điều này. Trong bài viết “Tự do tín ngưỡng” với bút danh M.H đăng tải trên báo Nhân dân ngày 26/01/1952, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Mục đích cao cả của Phật Thích Ca và Giêsu đều muốn mọi người đều có cơm ăn, áo mặc, bình đẳng, tự do và thế giới đại đồng”7. Cố Tổng Bí thư Trường Chinh nói rõ: “Cộng sản vô thần, Công giáo hữu thần, thế nhưng Cộng sản và Công giáo vẫn có chỗ giống nhau. Lý tưởng cộng sản và lý tưởng của Chúa Cơ đốc không khác nhau mấy. Chúa muốn người ta đừng lừa đảo, bóc lột lẫn nhau, Chúa muốn người ta tương thân tương ái, người cộng sản cũng muốn thế”8. Cùng quan điểm trên, cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh có lời nhận xét: “Mục đích của Giêsu và Thích ca giống nhau ở chỗ làm việc thiện, việc đạo đức thể hiện lòng thương người nghèo, ghét xa hoa, phù phiếm, bóc lột, áp bức nhân dân lao động”; “đạo Cao Đài thờ nhiều vị: Các Mác, Lênin, Vích-to Huy-gô, Phật Thích Ca, Tôn Dật Tiên (…) và họ điều là những người yêu nước, thương người nghèo khổ, có tư tưởng tiến bộ”9.

Đặc biệt, Fidel Castro cũng từng phát biểu: “Những sự trùng hợp giữa Kitô giáo và chủ nghĩa cộng sản nhiều gấp vạn lần so với sự trùng hợp có thể có giữa Kitô giáo với chủ nghĩa tư bản”10. Những trích dãn trên cho thấy người cộng sản và người có tôn giáo đều ước mơ về một xã hội tốt đẹp và phấn đấu để đạt được ước mơ đó nhưng phương pháp để đạt được mục đích ấy lại khác nhau. Tôn giáo hứa hẹn xã hội hoàn thiện ở “thế giới bên kia” trong khi chủ nghĩa Mác - Lênin chủ trương thay đổi cái nhà nước ấy và xã hội hiện tại ấy bằng một xã hội khác công bằng hơn, trong đó chế độ người bóc lột người sẽ bị thủ tiêu và sự khác nhau về nhận thức, tất yếu thế giới quan không dẫn đến sự khác nhau về quan điểm chính trị. Người cộng sản không phủ nhận nhu cầu hướng tới “Thiên đường” hoặc “Niết bàn” của quần chúng có đạo. Nghĩa là, người có cũng như không có tín ngưỡng, tôn giáo vẫn có thể cùng phấn đấu cho một mục tiêu chính trị nhất định. Điều này, V.I.Lênin cũng đã chỉ rõ: “Nếu có một linh mục nào lại cùng đi với chúng ta để cùng hoạt động chính trị, tận tâm làm tròn nhiệm vụ của mình trong Đảng và không chống lại cương lĩnh của Đảng, thì chúng ta có thể kết nạp người ấy vào hàng ngũ Đảng dân chủ - xã hội”11.

Hồ Chí Minh luôn đề cao các giá trị và tư tưởng nhân văn của tôn giáo

Chủ tịch Hồ Chí Minh không những không phủ nhận sự tồn tại của tôn giáo trong CNXH mà còn luôn đề cao và phát huy các giá trị và tư tưởng nhân văn của tôn giáo. Người viết: “Học thuyết của Khổng Tử có ưu điểm của nó là sự tu dưỡng đạo đức cá nhân. Tôn giáo Giêsu có ưu điểm là lòng nhân ái cao cả. Chủ nghĩa Mác có ưu điểm của nó là phương pháp làm việc biện chứng. Chủ nghĩa Tôn Dật Tiên có ưu điểm của nó, chính sách của nó thích hợp với điều kiện nước ta. Khổng Tử, Giêsu, Mác, Tôn Dật Tiên chẳng có ưu điểm chung đó sao?”12. Người giải thích thêm: “Những tôn giáo chính ở nước ta là Đạo Phật và Đạo Thiên chúa. Phật Thích Ca là người quý tộc, Người đã bỏ hết công danh phú quý để đi cứu với chúng sinh. Tức là cứu vớt những người lao động nghèo khổ. Chúa Giêsu là người lao động. Người vui lòng hy sinh tính mạng để cứu với những người lao động nghèo khổ chống lại bọn Pharidiêng tức bọn bóc lột”13. Người cho rằng: “Nếu Đức Giêsu sinh ra vào thời đại chúng ta và phải đặt mình trước những nổi khổ đau của người đương thời, chắc Ngài sẽ là người xã hội chủ nghĩa đi tìm đường cứu khổ loài người”14.

Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, phiên họp đầu tiên của Chính phủ Lâm thời do Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì đã nêu 06 nhiệm vụ cấp bách của nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (VNDCCH), trong đó có 02 vấn đề liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo: (1)“Tất cả công dân trai gái mười tám tuổi đều có quyền ứng cử và bầu cử, không phân biệt giàu, nghèo, tôn giáo, dòng giống,…”; (2) “Thực dân phong kiến thi hành chính sách chia rẽ đồng bào Giáo và đồng bào Lương, để dễ bề thống trị”. Chủ tịch Hồ Chí Minh phát biểu: “Tín ngưỡng tự do và Lương Giáo đoàn kết”15 thể hiện rõ quan điểm dân chủ, bình đẳng, tự do và đoàn kết dân tộc. Sau khi hòa bình lập lại ở miền Bắc, ngày 10/5/1958, trả lời câu hỏi “Tiến lên chủ nghĩa xã hội thì tôn giáo có bị hạn chế không?”, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Không. Ở các nước xã hội chủ nghĩa, tín ngưỡng hoàn toàn tự do. Ở Việt Nam cũng vậy”16. Người nêu rõ: “Người cộng sản tiến hành cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng chủ nghĩa xã hội không những không tiêu diệt tôn giáo mà còn bảo hộ tôn giáo. Đảng Cộng sản chỉ chủ trương tiêu diệt tội ác người bóc lột người”17.

Bài học kinh nghiệm trong giải quyết những “mối quan hệ con người cụ thể” thuộc nhiều tôn giáo, đảng phái,… trong Cách mạng Tháng Tám cũng như trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ của Hồ Chí Minh là đã tạo được sự đồng thuận “đối với người theo Nho giáo như Huỳnh Thúc Kháng, Bùi Bằng Đoàn, Bùi Kỷ, Nguyễn Văn Tố; người Tây học như Phan Anh, Hồ Đắc Điềm, Nguyễn Mạnh Tường, Nguyễn Văn Huyên; người Công giáo như Ngô Tử Hạ, Phạm Bá Trực, Nguyễn Mạnh Hà, Hồ Ngọc Cẩn, đặc biệt với Giám mục Lê Hữu Từ; người Cao Đài như Cao Triều Phát, người Phật giáo Hòa Hảo như Huỳnh Văn Trí”18.

Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn tôn trọng và đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân 

Trong và sau Chiến tranh thế giới thứ hai, xu hướng chống cộng sản ngày càng lộ rỏ qua việc Giáo hoàng Piô XI ban hành “Tông thư Thiên chúa cứu chuộc” (19/3/1931) nhằm cung cấp cơ sở lý luận cho khuynh hướng chống cộng sản trong học thuyết chính trị - xã hội của Tòa thánh La Mã bấy giờ. Người kế vị là Giáo hoàng Piô XII cũng từng phê phán cay nghiệt chủ nghĩa vô thần và ngoại giáo thể hiện qua “Thông điệp sứ giả Phúc âm” (1951). Đặc biệt, trong cục diện Chiến tranh Lạnh thì thế đối đầu này được thể hiện rõ hơn khi Thư chung của Hội đồng Giám mục Đông Dương được ký “dưới sức ép của Đờ-lát và của Đức cha Dooley, người Ái Nhĩ Lan được chỉ định làm Khâm mạng năm 1950”19; có những lời lẽ quá khích như: “Chủ nghĩa cộng sản vô thần là mối nguy cơ trầm trọng nhất hiện nay. Chủ nghĩa Cộng sản bác bỏ Thiên chúa, bác bỏ tất cả các tôn giáo, bác bỏ tất cả các quyền lợi của nhân vị và gia đình. Chủ nghĩa cộng sản xung khắc tuyệt đối với Công giáo đến nỗi Đức thánh cha đã tuyên bố rằng không bao giờ có thể vừa theo cộng sản vừa theo Công giáo được. Chẳng những cấm anh chị em không được vào đảng cộng sản, mà anh chị em cũng không được hợp tác với họ dưới bất kỳ hình thức nào có thể giúp đỡ họ nắm chính quyền”20.

Đảng Cộng sản Việt Nam lấy chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho hành động. Trong Hiến pháp đầu tiên của nước VNDCCH được chính thức thông qua ngày 09/11/1946, quyền con người được thể hiện rất rõ trong Điều 10, gồm: “quyền tự do ngôn luận, tự do xuất bản, tự do tổ chức và hội họp, tự do tín ngưỡng, tự do cư trú, đi lại trong và ra nước ngoài”. Trong khoảng thời gian này, để bác bỏ sự vu khống về vấn đề tôn giáo, Đảng đã ban hành nhiều văn bản nhằm bảo vệ  quyền tự do tín ngưỡng của nhân dân. Song song đó, Tổng Bí thư Trường Chinh có bài viết đăng trên tờ Sự thật số 105 (25/12/1948) dưới đầu đề “Cộng sản và Công giáo” và sau đó là bài “Nhân bài “Cộng sản và Công giáo” cũng trên báo Sự thật số 110 (18/4/1949). Tổng Bí thư viết: “Những người cộng sản không tin Trời, nhưng không hề ngăn cấm ai tin Trời. Vô sản chuyên chính hơn 30 năm mà bên Liên xô vẫn có Công giáo. Bọn phát xít diệt đạo, chứ cộng sản không hề diệt đạo…”21. Điểm nổi bật trong giai đoạn này là Văn kiện Đại hội lần thứ II của Đảng “Thừa nhận tín đồ các tôn giáo: Cần được tín ngưỡng tự do” và “Nhắc nhở đảng viên phải: Đả phá thành kiến với đồng bào Công giáo”.

Khi hòa bình vừa mới lập lại ở miền Bắc, ngày 14/6/1955, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 234/SL ban hành chính sách tôn giáo. Điều 13 Sắc lệnh số 234/SL quy định: “Chính phủ không can thiệp vào nội bộ của các tôn giáo. Riêng về Công giáo, quan hệ về tôn giáo giữa Giáo hội Việt Nam với Tòa thánh La Mã là vấn đề nội bộ của Công giáo”. Điều này đã xua tan nỗi lo lắng cả về phía Giáo hội Công giáo Rôma lẫn Giáo hội Công giáo Việt Nam khi mà họ sợ rằng, Nhà nước Việt Nam tách Giáo hội Công giáo Việt Nam ra khỏi Giáo hội Công giáo Rôma theo kiểu của nhà nước Trung Quốc tách Giáo hội Công giáo Trung Quốc ra khỏi Giáo hội Công giáo Rôma để thành lập tổ chức với tên gọi“Hiệp hội yêu nước Công giáo Trung Quốc”. Tiếp theo đó, Đảng Cộng sản Việt Nam đã kịp thời ra Chỉ thị số 35- CT/TW ngày 05/8/1955 về việc tổ chức lễ Đức Bà Maria hồn và xác lên trời cho đồng bào Công giáo nhằm đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của đồng bào Công giáo.

Sau một thời gian Sắc lệnh số 234/SL (14/6/1955) và Chỉ thị số 35-CT/TW (05/8/1955) được ban hành, Linh mục Nguyễn Thái Bá đã có đánh giá trong bài viết “Trở lại vấn đề tự do tôn giáo” đăng trên tờ Chính nghĩa, số 25/5/1978 như sau: “Đó là bó đuốc rọi đường cho tín đồ các tôn giáo từng bước đi đến chân trời chói sáng, như ta thấy ngày nay giáo sĩ và giáo dân chúng ta đã dần dần đi vào quỹ đạo cách mạng, để có một lập trường đúng đắn, ích nước, lợi dân, đồng thời có tính  cách xây dựng một giáo hội phù hợp với những bước tiến của thời đại và cả với tinh thần của Công đồng Vatican II nữa”22. Cùng với đó là tinh thần “Sống Phúc âm giữa lòng dân tộc” trong Thư chung 1980 của Hội đồng Giám mục Việt Nam, đã mở ra một trang sử mới trên con đường đoàn kết dân tộc, một thời kỳ mới cho người Công giáo đoàn kết, tham gia xây dựng quê hương, đất nước.

Trước những thách thức đối với sự sống còn của CNXH hiện thực ở Việt Nam trong bối cảnh nhiều nước XHCN trên thế giới lâm vào thời kỳ khủng hoảng kinh tế - xã hội kéo dài, năm 1986, Đảng Cộng sản Việt Nam đã quyết tâm mở đầu sự nghiệp đổi mới toàn diện đất nước trên các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng. Riêng vấn đề tôn giáo, Đại hội lần thứ VI của Đảng  khẳng định: “Đảng và Nhà nước ta, trước sau như một, thực hành chính sách tôn trọng tự do tín ngưỡng”23. Khẳng định này được cụ thể hóa bằng Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 16/10/1990 của Bộ Chính trị về tăng cường công tác tôn giáo trong tình hình mới. Quan điểm đổi mới đối với tôn giáo trong Nghị quyết hoàn toàn không xa rời nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh về vấn đề tôn giáo, thể hiện qua ba luận điểm quan trọng: Tôn giáo là vấn đề còn tồn tại lâu dài; tín ngưỡng, tôn giáo là nhu cầu tinh thần của một bộ phận nhân dân; đạo đức tôn giáo có nhiều điều phù hợp với công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội. Đặc biệt, Đảng Cộng sản Việt Nam còn quan tâm đến việc kết nạp đảng đối với người có đạo và đảng viên có đạo tham gia sinh hoạt tôn giáo. Từ năm 1994, khái niệm “đảng viên có đạo” đã được Ban Bí thư Trung ương Đảng đưa ra trong Thông báo số 76-TB/TW ngày 20/6/1994 được cụ thể hóa, bổ sung và phát triển trong Quy định 123-QĐ/TW ngày 28/9/2004.

Trên cơ sở tổng kết việc triển khai thực hiện Nghị quyết 24-NQ/TW và 05 năm triển khai thực hiện Chỉ thị 37/CT-TW, ngày 02/7/1998 của Ban Chấp hành Trung ương (BCHTW) khóa VIII về công tác tôn giáo trong tình hình mới, ngày 12/3/2003, Hội nghị Trung ương 7 khoá IX ban hành nghị quyết số 25-NQ/TW Về công tác tôn giáo. So với Nghị quyết số 24-NQ/TW thì Nghị quyết số 25- NQ/TW, xác định rõ hơn sự tồn tại của tôn giáo trong CNXH: “Tín ngưỡng, tôn giáo là nhu cầu của một bộ phận nhân dân, đang và sẽ tồn tại cùng dân tộc trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Đồng bào các tôn giáo là bộ phận của khối đoàn kết toàn dân tộc”24

Tiếp theo đó, Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) nhấn mạnh: “Tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo và không tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân theo quy định của pháp luật. Đấu tranh và xử lý nghiêm mọi hành động vi phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo và lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo làm tổn hại đến lợi ích của Tổ quốc và của nhân dân”25.  Trên cơ sở đó, Hiến pháp năm 2013 của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam không đưa ra giới hạn nào về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo mà chỉ nghiêm cấm “xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để vi phạm pháp luật”. Đại hội lần thứ XII (2016), kế thừa tiếp tục các quan điểm, chính sách đối với tín ngưỡng, tôn giáo đã đề ra trong nhiệm kỳ trước. Ngày 10/01/2018, Bộ Chính trị khóa XII ban hành Chỉ thị số 18-CT/TW về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 25-NQ/TW của BCHTW khóa IX. Qua đó cho thấy quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với tôn giáo luôn đổi mới, bám sát thực tế, góp phần xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, cùng xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Với những chủ trương, chính sách, pháp luật về tôn giáo ngày càng được hoàn thiện và được thực hiện nhất quán trong thực tiễn, đời sống tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân ngày càng phong phú. Cụ thể26: Nếu như năm 2003, cả nước có 15 tổ chức thuộc 06 tôn giáo với khoảng 20 ngàn cơ sở thờ tự  và 17 triệu tín đồ, trong đó có 34 ngàn chức sắc và 78 ngàn chức việc, thì đến năm 2022, cả nước có 43 tổ chức thuộc 16 tôn giáo với  29 ngàn cơ sở thờ tự và 26,7 triệu tín đồ; trong đó có 55 ngàn chức sắc và 135 ngàn chức việc. Nhiều lễ hội lớn trong các tôn giáo đã thu hút hàng chục nghìn người tham dự, nổi bật như: Giáo hội Tin lành tổ chức thành công Lễ kỷ niệm 500 năm cải chánh đạo Tin lành (12/2017), Giáo hội Công giáo tổ chức Tổng hội Dòng Đa Minh thế giới tại Đồng Nai (7/2019) có đại biểu của hơn 80 quốc gia và vùng lãnh thổ tham gia; Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã tổ chức thành công 03 Đại lễ Phật đản Vesak Liên hợp quốc (năm 2008, 2014, 2019), chỉ tính riêng Đại lễ được tổ chức tại chùa Tam Chúc thuộc tỉnh Hà Nam  năm 2019 đã thu hút sự tham dự của trên 3.000 đại biểu chính thức, trong đó có 570 đoàn quốc tế với 1.650 đại biểu đến từ 112 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Kết luận

Tôn giáo tồn tại ở mọi quốc gia, qua nhiều thể chế chính trị. Vai trò và ảnh hưởng của tôn giáo ở mỗi quốc gia có khác nhau nhưng nhìn chung tôn giáo đã tồn tại suốt chiều dài lịch sử nhân loại. Ở Việt Nam, các tôn giáo tồn tại và phát triển trong quá trình lịch sử, tuy lúc thịnh, lúc suy nhưng người Việt Nam dù ở trong hay ngoài nước luôn tự hào về truyền thống đoàn kết dân tộc, đoàn kết tôn giáo. Hồ Chí Minh am tường tư tưởng của các tôn giáo. Người đã vận dụng sáng tạo lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin về tôn giáo vào điều kiện cụ thể của Việt Nam, đem lại những kết quả to lớn trong giải quyết vấn đề tôn giáo mà thực tiễn đã chứng minh qua các cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc. Tuy nhiên, vẫn còn ở đâu đó những người thiếu thiện cảm với CNXH và người cộng sản, đang rắp tâm biến vấn đề thứ yếu thành vấn đề chính yếu nhằm tạo nghi kỵ, đối đầu với giữa người cộng sản với tín đồ các tôn giáo.

Ở Việt Nam, trong công cuộc xây dựng CNXH, người vô thần hay hữu thần, duy vật hay duy tâm, có hay không có tín ngưỡng, tôn giáo đều mong muốn phấn đấu cho mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Đảng Cộng sản Việt Nam được dẫn dắt bởi học thuyết về tôn giáo của chủ ngĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, ngay từ khi mới cầm quyền thì vấn đề tôn giáo luôn được đặt trong và dưới vấn đề dân tộc; vấn đề ấy không bắt đầu từ việc có thần hay không có thần, cũng không khăng khăng đòi quyền tự do vô thần trong Hiến pháp và các thể chế cụ thể hóa quyền ấy. Đảng và Nhà nước Việt Nam, trước sau như một, thực hành chính sách tôn trọng tự do tín ngưỡng. Lãnh đạo và giúp đỡ đồng bào theo tôn giáo đoàn kết xây dựng cuộc sống mới và hăng hái tham gia bảo vệ Tổ quốc.

Đó cũng là lý do mà các tôn giáo ở Việt Nam đã chọn cho mình đường hướng hành đạo gắn bó và đồng hành cùng dân tộc, cụ thể như: “Đạo pháp - Dân tộc và Chủ nghĩa xã hội” (Phật giáo), “Sống phúc âm giữa lòng dân tộc” (Công giáo), “Sống phúc âm phụng sự Thiên chúa, phụng sự Tổ quốc và dân tộc” (Tin lành), “Vì đạo pháp, vì dân tộc” (Phật giáo Hòa hảo), “Nước vinh, đạo sáng” (Cao Đài)…Với những chủ trương, đường lối đúng đắn, đồng bào cả nước, không phân biệt có tôn giáo hoặc không có tôn giáo đã vững niềm tin đi theo ngọn cờ đại đoàn kết dưới sự lãnh đạo của Đảng mở ra những trang sử vẽ vang của dân tộc - cách mạng tháng Tám (1945) thành công, tiếp theo là thắng lợi vĩ đại trong chiến dịch Điện Biên Phủ (1954) đem lại độc lập dân tộc cho phân nửa đất nước và cuối cùng là chiến dịch Hồ Chí Minh (1975), miền Nam được hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất; cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân đã hoàn toàn thắng lợi; mở ra một giai đoạn mới trong lịch sử dân tộc Việt Nam.

---------

Bài đăng trên Tạp chí Thông tin Khoa học chính trị số 1 (31) - 2023

1 Hồ Chí Minh: Về Tôn giáo, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1994, tập 1, tr.228.

2 V.I. Lênin: Toàn tập, Nxb Tiến bộ, Mátxcơva, 1979, tập 17, tr.511.

3 V.I. Lênin: Toàn tập, Sđd, tập 17, tr.521.

4 V.I. Lênin: Toàn tập, Sđd, tập 12, tr.174.

5 V.I. Lênin: Toàn tập, Sđd, tập 17, tr.520.

6 C. Mác - Ăng ghen: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr.663.

7 Đỗ Quang Hưng: Vấn đề tôn giáo trong cách mạng Việt Nam: Lý luận và thực tiễn, Nxb Lý luận Chính trị, Hà Nội, 2008, tr.122.

 8 Nguyễn Đức Lữ: Tôn giáo tồn tại cùng dân tộc trong quá trình xây dựng chủ ngĩa xã hội in trong Kỷ yếu Hội thảo khoa học: Về Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với công tác tôn giáo: Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hà Nội, 2007, tr.183.

9 Đổi mới công tác vận động quần chúng:  Nxb Sự thật, 1991, tr. 40-42.

10 Hồ Chí Minh: Về Tôn giáo, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1994, tập 1, tr.9.

11 V.I.Lênin: Toàn tập, Sđd, tập 17, tr.532.

12 Nguyễn Hồng Dương: Quan điểm đường lối của Đảng về tôn giáo và những vấn đề tôn giáo ở Việt Nam hiện nay, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2012, tr.22.

13 Đỗ Quang Hưng: Vấn đề tôn giáo trong cách mạng Việt Nam: Lý luận và thực tiễn, Nxb Lý luận Chính trị, Hà Nội, 2008, tr.122.

14 Trần Tam Tỉnh: Thập giá và Lưỡi gươm, Nxb Thành phố Hồ Chí Minh, 1988, tr.179.

15 Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tập 4, tr.8.

16 Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị  quốc gia, Hà Nội, 1996, tập 9, tr.176.

17 Lê Hữu Nghĩa - Nguyễn Đức Lữ: Tư tưởng Hồ Chí Minh về tôn giáo và công tác tôn giáo, Nxb Tôn giáo, Hà Nội, 2003, tr. 34-35.

18 Đỗ Quang Hưng: Sđd, tr.121.

19 Trần Tam Tỉnh: Thập giá và lưỡi gươm, Nxb Thành phố Hồ Chí Minh, 1988, tr.92-93.

20 Đỗ Quang Hưng: Sđd, tr.81.

21 Đỗ Quang Hưng: Sđd, tr.232.

22 Đỗ Quang Hưng: Sđd, tr.141.

23 Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2006, tập 47, tr.451.

24 Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa IX, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2003, tr.48-49.

25 Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.81.

26 Nguyễn Ngọc Hồi: Quyền tự do tôn giáo ở Việt Nam luôn được bảo đảm – sự thật không thể bác bỏ, xuyên tạc, http://tapchiqptd.vn/vi/phong-chong-dbhb-tu-dien-bien-tu-chuyen-hoa/quyen-tu-do-ton-giao-o-viet-nam-luon-duoc-bao-dam-%E2%80%93-su-that-khong-the-bac-bo-xuyen-tac/19747.html, cập nhật 30/3/2023.