PGS, TS NGUYỄN TRỌNG BÌNH
Học viện Chính trị khu vực IV
ThS NGUYỄN ÚT MƯỜI
Trường Chính trị thành phố Cần Thơ

(TTKHCT) - Trong những năm gần đây xuất hiện một số quan điểm xuyên tạc cho rằng chỉ có đảng cộng sản nói chung và Đảng Cộng sản Việt Nam cầm quyền nói riêng mới đặt ra yêu cầu về bảo vệ nền tảng tư tưởng, còn ở các nước tư bản chủ nghĩa gắn với vai trò lãnh đạo, cầm quyền của đảng tư sản thì không đặt ra yêu cầu này. Từ cơ sở lý luận và thực tiễn, bài viết đấu tranh và phản bác các quan điểm sai trái, xuyên tạc nói trên.

Nguồn: damrong.lamdong.dcs.vn

Chủ nghĩa Mác - Lênin đã chỉ rõ: “Trong mọi thời đại, những tư tưởng của giai cấp thống trị là những tư tưởng thống trị. Điều đó có nghĩa là giai cấp nào là lực lượng vật chất thống trị trong xã hội thì cũng là lực lượng tinh thần thống trị trong xã hội”1. Từ ý nghĩa này, bất kỳ đảng cầm quyền nào (dù là đảng cộng sản hay đảng tư sản), cũng coi trọng việc củng cố và bảo vệ nền tảng tư tưởng. Tuy nhiên, trong bối cảnh chúng ta đang triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch một số thế lực thù địch và phần tử đã đưa ra một số luận điệu sai trái, xuyên tạc về công tác này. Tuy các quan điểm sai trái, xuyên tạc khá đa dạng, vừa là luận điệu mang tính “khái quát”, vừa là luận điệu xuyên tạc mang tính “cụ thể”, nhưng động cơ chung và duy nhất chính là phủ nhận sự cần thiết của việc thực hiện công tác bảo vệ, củng cố nền tảng tư tưởng của Đảng. Có thể đề cập một số quan điểm sai trái, xuyên tạc sau đây.

1. Liệu có phải chỉ đảng cộng sản nói chung và Đảng Cộng sản Việt Nam cầm quyền nói riêng mới đặt ra yêu cầu đổi mới và phát triển lý luận, còn đảng tư sản cầm quyền ở các nước tư bản không đặt ra yêu cầu này?

Một số quan điểm sai trái, xuyên tạc cho rằng, chỉ có đảng cộng sản nói chung và Đảng Cộng sản Việt Nam nói riêng mới đặt ra yêu cầu đổi mới và phát triển lý luận, còn đảng tư sản cầm quyền thì không. Quan điểm sai trái này có thể tạo ra hậu quả hết sức tại hại, như: rất dễ làm cho một bộ phận trong xã hội hiểu lệch lạc rằng có lẽ chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh “có vấn đề” nên Đảng Cộng sản Việt Nam mới đặt ra yêu cầu đổi mới và phát triển lý luận; rất dễ làm cho một số cán bộ, đảng viên và nhân dân coi nhẹ công tác này, thậm chí cho rằng, việc này là không cần thiết. Có thể khẳng định, cả về mặt lý luận và thực tiễn, quan điểm nói trên là không đúng, bởi vì:

 Thứ nhất, đổi mới và phát triển lý luận nhằm góp phần làm cho nền tảng tư tưởng thích ứng với sự thay đổi của thực tiễn là nhu cầu tự thân, khách quan của bất kỳ đảng cầm quyền nào. Nền tảng tư tưởng của đảng cầm quyền được xem là “linh hồn”, chi phối toàn bộ tổ chức và hoạt động của đảng đó, cũng như chi phối trực tiếp đến chế độ chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của quốc gia mà đảng đó cầm quyền. Vì thế, bất kỳ đảng cầm quyền nào cũng nhấn mạnh việc kiên trì bảo vệ, đổi mới, phát triển và củng cố nền tảng tư tưởng. Bởi lẽ, nếu không coi trọng việc này sẽ đe đọa sự tồn tại, vị thế cầm quyền của đảng đó, cũng như sự tồn tại của một chế độ chính trị - xã hội. Mặt khác, để duy trì địa vị và vai trò cầm quyền của mình, dù là đảng tư sản hay đảng cộng sản cầm quyền, đều phải thể hiện được tính chính đáng trong hoạt động cầm quyền của mình; đều cần sự ủng hộ, thừa nhận của xã hội đối với vị trí cầm quyền của mình thông qua nhiều phương thức, trong đó có phương thức quan trọng là  đổi mới và phát triển lý luận nhằm góp phần củng cố nền tảng tư tưởng. Vì vậy, quan điểm cho rằng chỉ có đảng cộng sản nói chung và Đảng Cộng sản Việt Nam nói riêng mới đặt ra nhu cầu đổi mới, phát triển lý luận, còn đảng tư sản cầm quyền không có nhu cầu này là sai trái, xuyên tạc.

Thứ hai, đảng tư sản cầm quyền ở các nước tư bản đặc biệt coi trọng việc đổi mới, phát triển lý luận nhằm góp phần củng cố nền tảng tư tưởng của mình. Nền tảng tư tưởng của đảng tư sản cầm quyền chủ yếu có ba loại: chủ nghĩa tự do; chủ nghĩa bảo thủ và chủ nghĩa xã hội dân chủ. Trước sự thay đổi của tình hình, trong những thập niên vừa qua, chủ nghĩa tự do, chủ nghĩa bảo thủ và chủ nghĩa xã hội dân chủ đều không ngừng được đổi mới và phát triển. Chẳng hạn, qua các lần đổi mới, chủ nghĩa tự do đã phát triển từ chủ nghĩa tự do cổ điển sang chủ nghĩa tự do mới; chủ nghĩa bảo thủ được phát triển thành “chủ nghĩa bảo thủ mới”; chủ nghĩa xã hội dân chủ cũng trải qua ba lần điều chỉnh để hình thành nên cái gọi là lý luận về “con đường thứ ba”. Việc đổi mới, phát triển lý luận của các đảng tư sản thể hiện ở một điểm rất đáng chú ý, đó là tiếp nhận những yếu tố hợp lý trong một số lý luận, lý thuyết khác để góp phần bổ sung, phát triển nền tảng tư tưởng của mình2.

Tuy mục đích trực tiếp của việc đổi mới, phát triển lý luận của đảng cộng sản cầm quyền và đảng tư sản cầm quyền đều giống nhau, đó là góp phần tăng cường sức sống của đảng cầm quyền, từ đó củng cố vai trò, địa vị cầm quyền của đảng; nhưng mục đích sâu xa lại khác nhau về bản chất. Nếu mục đích sâu xa của việc đổi mới, phát triển lý luận của đảng cộng sản cầm quyền là góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền, từ đó góp phần làm cho đảng cộng sản thực hiện sứ mệnh cao cả là xây dựng thành công xã hội xã hội chủ nghĩa, “trong đó sự phát triển là thực sự vì con người, chứ không phải vì lợi nhuận mà bóc lột và chà đạp lên phẩm giá con người”3; thì mục đích sâu xa của việc đổi mới, phát triển lý luận của đảng tư sản cầm quyền lại là góp phần “kéo dài” sự tồn tại của đảng tư sản cầm quyền, qua đó duy trì chế độ tư bản chủ nghĩa với bản chất “vì lợi nhuận mà bóc lột và chà đạp lên phẩm giá con người”.

2. Liệu có phải chỉ các nước xã hội chủ nghĩa nói chung và Việt Nam nói riêng mới có nhu cầu thực hiện công tác tuyên truyền, còn ở các nước tư bản thì không có công tác tuyên truyền hoặc không đặt ra yêu cầu này?

Với tư cách một trong những nội dung thuộc phạm trù “xã hội hóa chính trị”, công tác tuyên truyền là nhu cầu khách quan, tất yếu của bất kỳ xã hội có giai cấp nào. Thế nhưng, bất chấp thực tế này, một số quan điểm sai trái lại cho rằng, chỉ có các nước xã hội chủ nghĩa nói chung và Việt Nam nói riêng mới đặt ra yêu cầu thực hiện công tác tuyên truyền nhằm “áp đặt tư tưởng”, bảo đảm sự cai trị của đảng cộng sản; ở các nước tư bản chủ nghĩa thì không. Hoặc có quan điểm cố tình “đánh tráo khái niệm” để “lừa bịp” một số người thiếu hiểu biết, khi cho rằng, ở các nước tư bản chủ nghĩa cùng lắm chỉ có “truyền thông”, mà không có tuyên truyền. Quan điểm sai trái này rất dễ “gieo rắc” sự hoài nghi của một bộ phận quần chúng về sự cần thiết, tầm quan trọng của công tác tuyên truyền cũng như có thái độ không đúng trước nội dung tuyên truyền. Cần khẳng định dứt khoát rằng, trong xã hội có giai cấp, bất kỳ chế độ chính trị nào cũng đều coi trọng việc thực hiện công tác tuyên truyền.

Thứ nhất, việc coi trọng công tác tuyên truyền không hề là “cái riêng có” của các nước xã hội chủ nghĩa như Việt Nam, mà là yêu cầu chung của bất kỳ chế độ chính trị nào. Chủ nghĩa Mác - Lênin đã chỉ rõ: “lực lượng vật chất chỉ có thể bị đánh đổ bằng lực lượng vật chất; nhưng lý luận cũng sẽ trở thành lực lượng vật chất, một khi nó thâm nhập vào quần chúng”4. Tuy đến sau này, từ thực tiễn, C.Mác và Ph.Ăngghen mới khái quát, tổng kết nên luận điểm quan trọng nói trên để cho thấy tầm quan trọng của công tác lý luận, công tác tuyên truyền, nhưng có thể khẳng định, từ khi xã hội loài người xuất hiện giai cấp và nhà nước, hoạt động tuyên truyền đã được giai cấp thống trị coi trọng và thực hiện nhằm truyền bá tư tưởng của mình đối với xã hội, từ đó góp phần thúc đẩy xã hội hóa chính trị. Hiển nhiên, trong các giai đoạn lịch sử và chế độ chính trị khác nhau, do mục tiêu, yêu cầu và điều kiện cụ thể nên nội dung, công cụ, phương thức thực hiện công tác tuyên truyền có thể khác nhau. Quan điểm sai trái, xuyên tạc cho rằng, ở các nước tư bản chủ nghĩa không có khái niệm “công tác tuyên truyền” hoặc không đặt ra nhu cầu thực hiện công tác tuyên truyền, nhưng họ “cố tình” quên một thực tế rằng, giới nghiên cứu ở các nước tư bản chủ nghĩa đặc biệt coi trọng nghiên cứu về xã hội hóa chính trị nói chung và công tác tuyên truyền nói riêng. Chẳng hạn, chính học giả người Mỹ là Harold Lasswell từ năm 1948 đã nêu lên mô hình “5W” về tuyên truyền. Mô hình tuyên truyền do Lasswell nêu lên đó là: “Who (Ai) - Says What (Nói cái gì) - In Which Chanel (Bằng kênh nào) - To Whom (Cho ai) - With What Effect? (Với tác dụng gì)”5. Hiện nay, xã hội hóa chính trị cũng là một trong những chủ đề được giới nghiên cứu ở trên thế giới, bao gồm ở các nước tư bản đặc biệt quan tâm. Chỉ cần vào mục “Goole Scholar” và nhập từ khóa “Political socialization” là có thể tìm thấy 1.430.000 kết quả nghiên cứu về vấn đề này chỉ trong 0.07 giây. Trong đó, nhiều kết quả nghiên cứu là của học giả các nước phương Tây. Điều này cho thấy, quan điểm cho rằng “công tác tuyên truyền hoàn toàn xa lạ với các nước tư bản chủ nghĩa” là xuyên tạc, không đúng sự thật.

Thứ hai, các nước tư bản chủ nghĩa không những không coi nhẹ công tác tuyên truyền; trái lại, còn đặc biệt coi trọng công tác này thông qua nhiều thiết chế, công cụ, phương thức, phương tiện khác nhau. Ở các nước tư bản chủ nghĩa, công tác tuyên truyền không chỉ được thực hiện thông qua tổ chức và hoạt động của đảng tư sản cầm quyền, mà còn thông qua nhà nước, công cụ pháp luật và nhiều thiết chế khác. Cụ thể là:6 (1) Đảng tư sản cầm quyền thông qua cổng thông tin điện tử của đảng để tăng cường tuyên truyền về tư tưởng, lý luận, cương lĩnh, chủ trương, chính sách của mình trong xã hội; (2) Đảng tư sản cầm quyền thông qua hệ thống giáo dục quốc dân để giáo dục và củng cố nền tảng tư tưởng của mình; (3) Đảng tư sản cầm quyền đầu tư nguồn lực để phát triển hệ thống truyền thông đại chúng, nhất là các tập đoàn truyền thông lớn cũng như thông qua truyền thông đại chúng để mở rộng, củng cố nền tảng tư tưởng của mình; (4) Đảng tư sản cầm quyền thông qua pháp luật và bộ máy hành chính nhà nước để phục vụ cho việc mở rộng trận địa tư tưởng của mình; (5) Nhiều đảng tư sản cầm quyền thông qua tổ chức tôn giáo (ở Anh và Mỹ chủ yếu là thông qua Ki-tô giáo) để củng cố và phát triển nền tảng tư tưởng của mình; (6) Đảng tư sản cầm quyền thông qua bảo tàng, kiến trúc, tổ chức học tập các văn kiện lịch sử và tổ chức các hoạt động lớn với sự tham gia của nhiều người để tuyên truyền và mở rộng nền tảng tư tưởng. Chẳng hạn, đảng cầm quyền và chính phủ Hoa Kỳ thông qua việc tổ chức nghiên cứu, học tập các tác phẩm quan trọng, như Tuyên ngôn độc lập, Tuyên ngôn giải phóng, Hiến pháp liên bang để góp phần giáo dục chính trị tư tưởng trên phạm vi toàn quốc; đồng thời tăng cường đầu tư xây dựng và phát triển Đài tưởng niệm Washington, Đài tưởng niệm Lincoln... trở thành “địa điểm giáo dục tinh thần yêu nước” cho người dân; (7) Đảng tư sản cầm quyền còn thông qua nhiều phương thức (nhất là qua truyền thông đại chúng trong bối cảnh toàn cầu hóa truyền thông đại chúng) để mở rộng nền tảng tư tưởng của mình trên phạm vi toàn cầu, từ đó phục vụ việc mở rộng và bảo vệ các giá trị cốt lõi của chủ nghĩa tư bản.

Tuy nhiên, cũng cần nhận thức được sự khác nhau về mục đích sâu xa, thực chất của công tác tuyên truyền trong chế độ xã hội chủ nghĩa và chế độ tư bản chủ nghĩa. Nếu ở Việt Nam, văn hóa và công tác tuyên truyền được thực hiện theo phương châm “Dân tộc - khoa học và đại chúng” nhằm làm cho chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối của Đảng... thâm nhập vào quần chúng, từ đó thúc đẩy phong trào cách mạng của quần chúng và từ đó củng cố sự đồng thuận xã hội, tạo cơ sở quan trọng để tăng cường vai trò lãnh đạo, cầm quyền của Đảng Cộng sản Việt Nam - điều kiện tiên quyết để thực hiện mục tiêu, lý tưởng độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Mục đích sâu xa của công tác tuyên truyền ở các nước tư bản chính là thông qua công tác này để góp phần “tiếp sức” cho đảng tư sản cầm quyền - đảng chính trị đại diện cho lợi ích của thiểu số và vì lợi ích của thiểu số.

3. Liệu có phải chỉ ở Việt Nam với thể chế chính trị do đảng cộng sản lãnh đạo, cầm quyền mới thực hiện việc giáo dục chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong hệ thống giáo dục quốc dân, còn hệ thống giáo dục ở các nước tư bản chủ nghĩa là “đứng ngoài chính trị”, “phi chính trị”?

 Một loại quan điểm sai trái khác liên quan đến công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam, xuyên tạc rằng là chỉ có ở Việt Nam mới đặt ra yêu cầu và thực hiện việc giáo dục chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam trong hệ thống giáo dục quốc dân, còn ở các nước tư bản chủ nghĩa thì không thực hiện việc giáo dục chính trị tư tưởng trong hệ thống giáo dục quốc dân. Họ còn cho rằng:  Việc đào tạo một số chuyên ngành, như lịch sử Đảng, xây dựng Đảng trong một số cơ sở đào tạo ở Việt Nam hiện nay là khó hiểu. Đáng lên án hơn nữa, một số cơ sở giáo dục (nhất là cơ sở giáo dục liên kết với nước ngoài hoặc cơ sở giáo dục nước ngoài đặt tại Việt Nam), còn coi việc sinh viên khi vào học ở các cơ sở này không phải học các môn học về chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, Lịch sử Đảng như một “lợi thế” cạnh tranh trong “chiêu trò” thu hút sinh viên. Tuy mức độ khác nhau, nhưng mục đích và ý đồ của các quan điểm và hành vi nói trên là phủ nhận, coi nhẹ việc giáo dục chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và lịch sử Đảng trong hệ thống giáo dục quốc dân ở Việt Nam. Vậy liệu có phải chỉ ở Việt Nam với thể chế chính trị do đảng cộng sản lãnh đạo, cầm quyền mới thực hiện việc giáo dục chính trị tư tưởng trong hệ thống giáo dục quốc dân, còn hệ thống giáo dục ở các nước tư bản là “phi chính trị”? Câu trả lời chỉ có thể là “không”, bởi những căn cứ sau đây:

Về mặt lý luận, trong xã hội có giai cấp, hệ thống giáo dục quốc dân đều mang tính giai cấp, đều hướng đến việc phục vụ cho lợi ích của một giai cấp hoặc liên minh giai cấp. Cũng tương tự, bất kể chế độ chính trị nào, giai cấp cầm quyền nào cũng đều nhấn mạnh việc thông qua hệ thống giáo dục quốc dân để truyền bá, giáo dục hệ tư tưởng, lý luận của mình.

Về mặt thực tiễn, các nước tư bản không những coi nhẹ việc này, mà trái lại còn đặc biệt coi trọng việc giáo dục tư tưởng chính trị trong hệ thống giáo dục quốc dân. Trong bài viết Coi trọng chất lượng giáo dục, George Bush (lúc đó là Tổng thống Mỹ) đã nhấn mạnh: “Cần phải tiếp tục coi trọng việc bồi dưỡng quan điểm giá trị đạo đức (quan điểm giá trị và đạo đức tư sản) trong kế hoạch và chương trình giáo dục”; đồng thời ủng hộ việc thành lập các tổ chức, như “Ủy ban liên hiệp giáo dục đạo đức”, “Hiệp hội coi trọng đạo đức” để thúc đẩy việc giáo dục chính trị tư tưởng (tư tưởng tư sản) và đạo đức (đạo đức tư sản) trong nhà trường và ngoài xã hội7. Bước sang thế kỷ XXI, Hoa Kỳ lại càng coi trọng việc giáo dục chính trị tư tưởng. Trong báo cáo về nhiệm vụ trọng tâm của ngành giáo dục giai đoạn 2002-2007, Bộ Giáo dục Liên bang Hoa Kỳ đặc biệt nhấn mạnh việc giáo dục chính trị tư tưởng cho học sinh, nhấn mạnh việc bồi dưỡng “ý thức Hoa Kỳ”, cũng như bồi dưỡng công dân trở thành những người có trách nhiệm và tinh thần yêu nước8. Ở bậc đại học, sau đại học, các nước tư bản chủ nghĩa cũng đặc biệt nhấn mạnh việc giáo dục tư tưởng tư sản cho sinh viên và người học. “Chủ nghĩa cá nhân” là linh hồn của nền tảng tư tưởng của giai cấp tư sản. Vì vậy, tư tưởng hay nội dung cốt lõi của chủ nghĩa tự do cổ điển và chủ nghĩa tự do mới là nội dung không thể thiếu trong các chương trình đào tạo ở bậc đại học và sau đại học ở các nước tư bản chủ nghĩa hiện nay.

4. Liệu có phải ở các nước tư bản chủ nghĩa tự do ngôn luận, tự do báo chí thực sự được đảm bảo, còn ở Việt Nam thì không?

Liên quan đến công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, trong nhiều năm qua, một số người ra sức “tô vẽ”, “ca ngợi” một chiều tự do ngôn luận ở các nước tư bản; đồng thời xuyên tạc rằng “Ở Việt Nam không có tự do ngôn luận”. Vậy thực tế có phải như vậy hay không?

Quyền tự do ngôn luận là một trong những quyền cơ bản của con người được khẳng định trong Tuyên ngôn quốc tế nhân quyền năm 1948 và Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị năm 1966. Ở Việt Nam, Điều 25, Hiến pháp (năm 2013) chỉ rõ: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định”9. Tuy nhiên, cần nhận thức đúng đắn rằng, việc công dân thụ hưởng quyền này nói riêng và các quyền khác nói chung cũng đồng thời phải thực hiện nghĩa vụ tương ứng. Hiến pháp (năm 2013) chỉ rõ: “1- Quyền công dân không tách rời nghĩa vụ công dân; 2- Mọi người có nghĩa vụ tôn trọng quyền của người khác; 3- Công dân có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ đối với Nhà nước và xã hội; 4- Việc thực hiện quyền con người, quyền công dân không được xâm phạm lợi ích quốc gia, dân tộc, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác”10 . Nhấn mạnh sự thống nhất giữa quyền và nghĩa vụ là một nguyên tắc cơ bản của quyền con người đã được các quốc gia, cộng đồng quốc tế thừa nhận. Mặc dù vậy, một số người đã “lờ” đi nguyên tắc phổ biến này và xuyên tạc rằng, việc các cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam xử lý theo pháp luật đối với một số hành vi lợi dụng quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí để xâm phạm lợi ích quốc gia, dân tộc, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác là “vi phạm quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí”.

Cần khẳng định dứt khoát rằng, Việt Nam tôn trọng, bảo đảm quyền tự do ngôn luận của con người, của công dân, nhưng cũng giống như các quốc gia khác, việc mỗi công dân, mỗi người thụ hưởng quyền này phải tôn trọng lợi ích quốc gia, dân tộc, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác; không thể lợi dụng quyền tự do ngôn luận để xâm phạm lợi ích của quốc gia, dân tộc và quyền, lợi ích hợp pháp của người khác. Nguyên tắc này cũng được các nước trên thế giới, bao gồm các nước tư bản chủ nghĩa thực hiện. Chẳng hạn, ở Đức, Điều 18, “Luật cơ bản” của nước này quy định: “Nếu bất cứ người nào lợi dụng quyền tự do ngôn luận, quyền xuất bản, quyền tự do hội họp, quyền tự do lập hội... thì hành vi lạm dụng quyền pháp định này được xem là xung đột với quyền tự do, dân chủ được quy định trong luật này, cũng tức là mất đi các quyền cơ bản nói trên” 11. Ở Pháp, tuy hiến pháp nước này thừa nhận quyền tự do ngôn luận, nhưng các luật cụ thể, nhất là Luật tự do báo chí năm 1881, Bộ luật Dân sự, Luật Hình sự... đã đưa ra các chế tài nghiêm khắc đối với các trường hợp lợi dụng quyền tự do ngôn luận để xâm phạm tới quyền và lợi ích hợp pháp của người khác.

Liên quan đến quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí và hoạt động của truyền thông báo chí, còn có quan điểm xuyên tạc cho rằng, hoạt động của báo chí ở Việt Nam là đưa tin và tuyên truyền một chiều, thiếu khách quan, trung thực; còn ở các nước tư bản chủ nghĩa, báo chí được hoạt động dựa trên nguyên tắc “đa nguyên”, đưa tin một cách khách quan, trung thực. Cần khẳng định rằng, trong xã hội hiện đại, ở bất kỳ quốc gia theo chế độ chính trị nào, đảng chính trị nào giữ vai trò cầm quyền thì đảng đó thực hiện vai trò lãnh đạo đối với truyền thông báo chí, cũng như thông qua nhà nước và pháp luật để quản lý báo chí. Vì vậy, việc đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với truyền thông báo chí là nhu cầu khách quan, nhằm làm cho báo chí hoạt động lành mạnh, vì lợi ích chung. Tuy nhiên, sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam với việc đảm bảo nguyên tắc trung thực, khách quan trong hoạt động của báo chí không hề mâu thuẫn và xung đột với nhau. Vấn đề là ở chỗ, cái gọi là trung thực hay khách quan mà các quan điểm thù địch, sai trái nói đến là gì và có lợi cho sự nghiệp và lợi ích chung hay không.

Còn nói truyền thông, báo chí ở các nước tư bản chủ nghĩa là “đa nguyên”, hoạt động bảo đảm tính khách quan, trung thực là không đúng, là nhận định của những người “thơ ngây về chính trị”. Thực tế cho thấy, tuy hình thức bên ngoài, báo chí ở các nước tư bản có vẻ mang màu sắc “đa nguyên”, nhưng thực chất vẫn là “nhất nguyên”, tức đều phục vụ cho lợi ích cơ bản của giai cấp tư sản. Ở Hoa Kỳ, tuy hoạt động của báo chí có vẻ “sôi nổi”, nhưng cần thấy rằng, việc người dân Hoa Kỳ được xem gì, nghe gì hoàn toàn đều do các cơ quan nhà nước kiểm soát, các cơ quan truyền thông quyết định. BBC là một kênh truyền thông lớn của nước Anh. Tuy nhiên, không phải cơ quan này muốn đưa thông tin nào thì đưa. Chính phủ Anh nghiêm cấm BBC đưa những nội dung thông tin ảnh hưởng tiêu cực đến hình ảnh và lợi ích của nước Anh. Trên thực tế, nếu thông tin có lợi cho giai cấp tư sản và nhà nước tư sản, thì nhà nước tư sản khuyến khích báo chí đưa tin. Còn nếu đe dọa hay gây tổn hại đến lợi ích của giai cấp tư sản và nhà nước tư sản thì dù thông tin đó dù có khách quan, trung thực đến mấy cũng không bao giờ được xuất hiện trên các kênh truyền thông. Nếu nói truyền thông báo chí ở các nước tư bản chủ nghĩa đưa tin trung thực, khách quan thì lý giải như thế nào về việc nhà báo Seymour Hersh công bố điều tra cho thấy, Mỹ và Na Uy đã phối hợp cho nổ đường ống Nord Stream 1 và 2 dẫn khí đốt từ Nga đến Đức vào tháng 9 năm 2022, nhưng vấn đề này không hề có một dòng nào trên báo, đài của Mỹ?12

Tóm lại, tuy mục đích sâu xa của bảo vệ, phát triển nền tảng tư tưởng có sự khác nhau, song dù là đảng cộng sản cầm quyền hay đảng tư sản cầm quyền đều coi trọng việc củng cố, bảo vệ nền tảng tư tưởng thông qua các phương thức khác nhau. Vì vậy, ở nước ta hiện nay, cùng với việc đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, xuyên tạc, trong đó có một số quan điểm sai trái, xuyên tạc liên quan đến công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, cần phải kiên trì, kiên định các nội dung xây dựng Đảng, trong đó bao gồm các nội dung xây dựng Đảng về tư tưởng.

---------

Bài đăng trên Tạp chí Thông tin Khoa học chính trị số 2 (38) - 2024

1 C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t.3, tr.66.

2 Lâm Quốc Tuấn, Nguyễn Trọng Bình: Xây dựng đảng cầm quyền - kinh nghiệm của một số nước tư bản, Tạp chí Thông tin Khoa học Lý luận chính trị, số 12, 2020.

3 Nguyễn Phú Trọng: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2022, tr.21.

4 C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t.1, tr.580.

5 Lasswell, Harold, Bryson, L., Ed: The Structure and Function of Communication in Society, The Communication of Ideas. New York: Institute for Religious and Social Studies, 1948, p.117.

6 Nguyễn Trọng Bình: Xây dựng ý thức hệ của đảng tư sản cầm quyền ở một số nước tư bản hiện nay, Tạp chí Thông tin khoa học xã hội, số 8/2020.

7, 8 Chen Fa-bao: Phân tích chính sách giáo dục trong thế kỷ XXI của Hoa Kỳ, Tạp chí Quản lý giáo dục hiện đại, số 12, 2018, tr.9, 10.

9, 10 Quốc hội: Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013, Hà Nội, 2013.

11 Das Grundgesetz: Luật cơ bản của Đức - lịch sử và nội dung, Nxb Pháp chế, Bắc Kinh, 2014, tr.30 (tiếng Trung).

12 Báo Tuổi trẻ điện tử: Vụ nổ đường ống Nord Stream: Do Mỹ và Nauy cùng làm?, 2023.