TS HUỲNH VĂN TÁNH
Học viện Chính trị khu vực IV

(TTKHCT) - Trên cơ sở chỉ ra một số nội dung cốt lõi trong quan điểm của Đảng, Nhà nước về tôn giáo, phát huy nguồn lực tôn giáo, bài viết đề cập vai trò nguồn lực tôn giáo trong xây dựng nông thôn mới ở đồng bằng sông Cửu Long thời gian qua. Bài viết đánh giá kết quả đã đạt được, những vấn đề đặt ra và đề xuất một số giải pháp nhằm phát huy tốt hơn nữa nguồn lực tôn giáo trong xây dựng nông thôn mới, góp phần phát triển kinh tế - xã hội ở đồng bằng sông Cửu Long thời gian tới.

 Đồng bào, sư sãi Khmer Nam Bộ làm lễ cầu siêu trong dịp Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây. (Nguồn: mattran.org.vn)

Đồng bằng sông Cửu Long là khu vực đa dạng về văn hóa, tôn giáo và dân tộc. Số lượng đồng bào các tôn giáo chiếm tỉ lệ khá cao. Trong kháng chiến, nơi đây là căn cứ địa cách mạng quan trọng, có những đóng góp to lớn cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Tuy nhiên, sự phát triển của vùng hiện nay còn chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh; nhiều nguồn lực chưa được phát huy, trong đó có nguồn lực tôn giáo. Vì vậy, việc nghiên cứu thực tiễn triển khai những quan điểm của Đảng, Nhà nước về tôn giáo, phát huy nguồn lực tôn giáo trong phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới ở đồng bằng sông Cửu Long thời gian qua có ý nghĩa đặc biệt quan trọng.

1. Quan điểm của Đảng và Nhà nước về tôn giáo, phát huy nguồn lực tôn giáo

Từ thực tiễn cách mạng, hệ thống lý luận về tôn giáo của Đảng Cộng sản Việt Nam ngày càng được hoàn thiện. Trong đó, vấn đề phát huy nguồn lực tôn giáo đang ngày càng được quan tâm, coi trọng. Nguồn lực tôn giáo là động lực quan trọng để thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định chính trị và bảo vệ Tổ quốc.

Ngày 10/01/2018, Bộ Chính trị khóa XII ban hành Chỉ thị số 18-CT/TW về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 25-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa IX về công tác tôn giáo trong tình hình mới; trong đó, một điểm mới quan trọng là việc xác định “tôn giáo là một nguồn lực xã hội”.

Tại Đại hội lần thứ XIII, Đảng ta tiếp tục khẳng định và nêu rõ: “Vận động, đoàn kết, tập hợp các tổ chức tôn giáo, chức sắc, tín đồ sống “tốt đời đẹp đạo”, đóng góp tích cực cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Bảo đảm cho các tổ chức tôn giáo hoạt động theo quy định pháp luật và hiến chương, điều lệ được Nhà nước công nhận. Phát huy những giá trị văn hoá, đạo đức tốt đẹp và các nguồn lực của các tôn giáo cho sự nghiệp phát triển đất nước”1.

Trong những năm qua, tôn giáo đã có nhiều đóng góp quan trọng:

Thứ nhất, tôn giáo phát huy những giá trị tốt đẹp trong giáo lý tôn giáo góp phần xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, giữ vững ổn định chính trị - xã hội, an ninh trật tự - an toàn xã hội góp phần bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Thứ hai, tôn giáo quy tụ và hướng hoạt động của các cơ sở thờ tự, chức sắc, chức việc tôn giáo cùng tham gia thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, giáo dục, y tế và an sinh xã hội…

Thứ ba, hoạt động và thiết chế của các tôn giáo hợp pháp là một trong những điểm tựa để giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống và phát triển nền văn hóa của đất nước.

Thứ tư, đồng bào tôn giáo là một bộ phận không thể tách rời của dân tộc Việt Nam. Dù ở trong nước hay ngoài nước, đồng bào các tôn giáo luôn hướng về Tổ quốc để cùng phát triển kinh tế - xã hội và tham gia xây dựng hệ thống chính trị, Đảng, Nhà nước vì một nước Việt Nam văn minh, giàu đẹp “của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân”.

2. Thực trạng phát huy nguồn lực tôn giáo trong xây dựng nông thôn mới ở đồng bằng sông Cửu Long

Thời gian qua, cùng với cả nước, đồng bằng sông Cửu Long đã tích cực hưởng ứng, tham gia phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”. Là địa bàn có đông đồng bào các tôn giáo, vùng đồng bằng sông Cửu Long đã chủ động quán triệt, vận dụng sáng tạo quan điểm của Đảng, Nhà nước về tôn giáo để phát huy nguồn lực tôn giáo trong phát triển kinh tế - xã hội nói chung và xây dựng nông thôn mới nói riêng. Kết quả có một số điểm nổi bật như sau:

Phát huy nguồn lực tôn giáo trong tuyên truyền, vận động tín đồ tham gia xây dựng nông thôn mới

Thời gian qua, cùng với các cấp, các ngành ở đồng bằng sông Cửu Long, nhiều tôn giáo đã tích cực tham gia tuyên truyền, vận động đồng bào có đạo tham gia thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”. Với tinh thần “Kính Chúa, yêu Nước” của Công giáo, “Đạo pháp đồng hành cùng dân tộc” của đạo Phật, “Sống phúc âm giữa lòng dân tộc” của đạo Tin Lành, thực hiện “Ân tổ tiên cha mẹ, ân đất nước, ân tam bảo và ân đồng bào nhân loại” của Phật giáo Hòa Hảo… các chức sắc đã tích cực tuyên truyền, vận động tín đồ các tôn giáo phát huy tinh thần yêu nước và cùng nhau xây dựng quê hương giàu đẹp. Nhờ đó, đồng bào các tôn giáo ở vùng đồng bằng sông Cửu Long luôn chấp hành nghiêm chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tích cực tham gia các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước, xây dựng nông thôn mới ở địa phương.

Phát huy nguồn lực tôn giáo vào xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội

Những năm qua, các chức sắc và tín đồ tôn giáo khắp các địa phương ở đồng bằng sông Cửu Long đã tích cực hưởng ứng phong trào xây dựng nông thôn mới.

Trong xây dựng cơ sở vật chất, điện, đường, trường trạm, Phật giáo Hòa Hảo đã thành lập các đội tình nguyện xây dựng cầu, đường giao thông ở hầu hết các tỉnh, thành. Sau 15 năm (1999-2014), Phật giáo Hòa Hảo đã xây mới và sửa chữa 2.344 cây cầu, nâng cấp gần 30 km đường giao thông nông thôn. Tính riêng giai đoạn 2014-2019, Phật giáo Hòa Hảo đã huy động được kinh phí sửa chữa, xây mới cầu nông thôn các loại với số tiền hơn 401 tỷ đồng2… Ở Kiên Giang, đồng bào Công giáo đã tích cực tham gia trong phong trào hiến đất, ủng hộ ngày công lao động xây dựng, nâng cấp nhiều tuyến đường giao thông nông thôn, tạo cảnh quan môi trường, góp phần tạo diện mạo mới vùng quê. Năm 2022, “Đồng bào Công giáo tích cực tham gia xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, cầu nông thôn, đóng góp lắp đặt đèn đường, xây dựng mô hình ánh sáng an ninh, hàng rào, cột cờ… góp phần tạo cảnh quan môi trường sáng, xanh, sạch, đẹp với tổng kinh phí trên 15 tỷ đồng”3.

Trong việc chăm lo sự nghiệp giáo dục, phát triển nguồn nhân lực, tham gia hưởng ứng chủ trương xã hội hóa giáo dục. Nhiều ngôi chùa Khmer vùng đồng bằng sông Cửu Long đã trở thành nhà trường để thanh thiếu niên đến học tập, rèn luyện về ngôn ngữ Khmer và học nghề. Trong đó phải kể đến chùa Prếk On Đơk Cần Đước (thuộc xã Thạnh Phú, huyện Mỹ Xuyên). Ban Quản trị chùa đã hiến 5.000 m2 đất để xây dựng Trung tâm Dạy nghề và Giáo dục Thường xuyên của huyện, hơn 12.000 m2 đất để xây dựng Trường Trung học cơ sở và Trung học Phổ thông Dân tộc Nội trú Thạnh Phú. Qua đó, góp phần tích cực cho con em đồng bào dân tộc Khmer và sư sãi được học tập, nâng cao trình độ4. Trong đồng bào Công giáo, có cơ sở giáo dục tiêu biểu như Trường Khuyết tật tình thương Mỹ Lâm (huyện Hòn Đất, Kiên Giang). Trường chăm sóc và giáo dục trên 400 em khuyết tật, giúp các em phát triển ngôn ngữ, định hướng nghề nghiệp để hoà nhập cộng đồng; vừa dạy văn hóa, gắn với dạy nghề và dạy phát âm cho trẻ câm, điếc…5.

Trong lĩnh vực y tế, nhiều tôn giáo đã tham gia xây dựng và vận hành các cơ sở khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe miễn phí cho Nhân dân. Tại thành phố Cần Thơ, giai đoạn 2017-2022, phòng khám đông y chùa Phước An (quận Bình Thủy) và phòng khám đông y Trúc Lâm Phương Nam (huyện Phong Điền) đã khám chữa bệnh, cấp phát thuốc từ thiện cho bà con nghèo với tổng số tiền gần 20 tỷ đồng. Trong đại dịch COVID-19, Ban Trị sự Giáo hội Phật Giáo Việt Nam thành phố Cần Thơ và chư tôn đức Tăng Ni các Tự viện đã hỗ trợ 15.000 túi thuốc điều trị F0 tại nhà với kinh phí ước tính trên 01 tỷ đồng6. Tại tỉnh Trà Vinh, hiện có 23 phòng khám đông y và 03 phòng khám tây y do chức sắc, chức việc các cơ sở tôn giáo quản lý, phụ trách góp phần chăm sóc sức khỏe cho Nhân dân trên địa bàn7.

Phát huy nguồn lực tôn giáo trong phát triển sản xuất, chuyển dịch cơ cấu kinh tế

Tích cực hưởng ứng chủ trương của Đảng và Nhà nước trong phong trào thi đua phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, các tín đồ tôn giáo đã đoàn kết giúp đỡ nhau về vốn và kinh nghiệm sản xuất, áp dụng các thành tựu khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp, phát triển mô hình kinh tế mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Trong đó, có những sản phẩm mang dấu ấn của các tôn giáo như sản phẩm du lịch văn hóa tâm linh… góp phần thu hút du khách, góp phần tạo thêm việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân địa phương. Ở Tiền Giang có chùa Vĩnh Tràng (thành phố Mỹ Tho); Long An có Chùa Tôn Thạnh (Cần Giuộc); An Giang có các điểm: quần thể di tích núi Sam - miếu Bà Chúa Xứ - Lăng Thoại Ngọc Hầu - chùa Tây An, nhà thờ cù lao Giêng; Cần Thơ có: chùa Nam Nhã, Thiền viện Trúc Lâm Phương Nam; Bạc Liêu có nhà thờ Tắc Sậy, Phật đài Quan Âm Nam Hải; Sóc Trăng có chùa Kh’Leang, chùa Dơi, chùa Đất Sét; Trà Vinh có chùa Âng; Cà Mau có chùa Quan Âm cổ tự; Vĩnh Long có chùa Phật Ngọc Xá Lợi; Kiên Giang có Chùa Hang, chùa Phù Dung; Đồng Tháp có chùa Phước Kiển, Hậu Giang có chùa Aranhứt; Bến Tre có nhà thờ Cái Mơn (nhà thờ cổ nhất Nam Bộ);… Những cơ sở thờ tự này hằng năm đã thu hút nhiều khách du lịch đến chiêm bái, tham quan, góp phần vào sự phát triển kinh tế, dịch vụ của vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Phát huy nguồn lực tôn giáo trong phát triển văn hóa - xã hội, bảo vệ môi trường

Giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc. Các tôn giáo nội sinh lưu giữ nhiều giá trị văn hóa truyền thống qua trang phục, nhạc lễ, kiến trúc, điêu khắc, tượng thờ. Về đối tượng thờ, hầu hết các tôn giáo nội sinh đều thờ cúng tổ tiên, thờ Mẫu, thờ những người có công với đất nước… Điều này thể hiện tinh thần yêu nước, truyền thống uống nước nhớ nguồn của dân tộc.

Tham gia các hoạt động an sinh xã hội, từ thiện vì cộng đồng, góp phần xóa đói giảm nghèo, bảo trợ nhiều đối tượng xã hội khó khăn, cơ nhỡ… với tinh thần “Kính Chúa - Yêu người” (Công Giáo, Tin Lành), phương châm “nhập thế giúp đời” (Phật giáo). Phật giáo thành phố Cần Thơ đã có những đóng góp tích cực, quan trọng cho các hoạt động xã hội trên địa bàn thành phố. Theo đó, số tiền từ thiện từ 2012-2017 là hơn 84 tỷ đồng; năm 2018 là hơn 23 tỷ đồng; năm 2019 là hơn 30 tỷ đồng; Tết Nguyên Đán năm 2020 là 14.038 phần quà, số tiền là trên 6 tỷ đồng; năm 2020 xây dựng 05 căn nhà cho người nghèo tại địa bàn xã Thới Xuân, huyện Cờ Đỏ (địa bàn có đông người Khmer sinh sống) với số tiền 250 triệu đồng; ủng hộ phòng, chống dịch COVID-19 gần 2 tỷ đồng (trong đó, Phật giáo Nam tông Khmer ủng hộ 520 triệu đồng), phát 56.350 khẩu trang, 3.550 chai nước rửa tay; ủng hộ người dân Bến Tre bị ảnh hưởng, xâm nhập mặn hơn 200 triệu đồng. Theo thống kê của Ủy ban Mặt trận thành phố, trong phòng, chống dịch COVID-19, Phật giáo Cần Thơ đóng góp 74.350 khẩu trang, 3560 chai nước rửa tay, 14 tấn gạo, 1.686 thùng mì, 6.600 bình nước lọc và 3.500 phần quà cho hộ nghèo, bán vé số, lao động thất nghiệp với tổng số tiền gần 2 tỷ đồng8.

Chỉ tính Phật giáo, Tứ ân Hiếu nghĩa, Tịnh độ Cư sĩ Phật hội Việt Nam, Phật giáo Hòa Hảo, kinh phí thực hiện cho các hoạt động an sinh xã hội từ 2010-2020 đã lên đến vài nghìn tỷ đồng. Theo số liệu thống kê từ Ban Từ thiện xã hội - Trung ương Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo, trong nhiệm kỳ IV (2014-2019), tổng kinh phí thực hiện các hoạt động an sinh xã hội, từ thiện ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long là trên 1.928 tỷ đồng9.

Trong các hoạt động bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu. Các tín đồ, chức sắc, chức việc tham gia chương trình thu gom rác thải; thực hiện các mô hình “cơ sở thờ tự tham gia bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu”, tổ chức nhiều buổi lễ trồng cây, phóng sinh thả cá trở về môi trường sinh thái tự nhiên… Ví dụ như tại Kiên Giang năm 2022, toàn tỉnh có 22 câu lạc bộ tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu với 264 thành viên. Đến nay, 100% hộ giáo dân, hộ dân trên địa bàn ký cam kết không vứt bao bì thuốc bảo vệ thực vật xuống kênh, rạch; không sử dụng vật tư, phương tiện tạo sản phẩm độc hại hoặc gây ô nhiễm môi trường10.

Phát huy nguồn lực tôn giáo tham gia xây dựng Đảng, chính quyền và hệ thống chính trị

Theo thống kê, số đảng viên có đạo ở vùng đồng bằng sông Cửu Long là 28.760 người, chiếm 0,43% số tín đồ của các tôn giáo, cao hơn tỷ lệ chung của cả nước (0,3%). Nhiều vị chức sắc, chức việc tôn giáo có uy tín, đạo hạnh được quần chúng nhân dân tin yêu, bầu chọn vào cơ quan nhà nước, các đoàn thể chính trị - xã hội ở địa phương; tham gia các hội, đoàn thể như Hội Người cao tuổi Việt Nam, Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ em mồ côi Việt Nam…11. Tại thành phố Cần Thơ, Đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp, nhiệm kỳ 2021-2026 có 29 chức sắc, chức việc (Hội đồng nhân dân thành phố 03; Hội đồng nhân dân cấp quận, huyện 07; cấp xã, phường, thị trấn 19)12.

3. Một số vấn đề đặt ra trong việc phát huy nguồn lực tôn giáo trong xây dựng nông thôn mới ở đồng bằng sông Cửu Long

Thứ nhất, việc phát huy nguồn lực tôn giáo trong xây dựng nông thôn mới ở đồng bằng sông Cửu Long vẫn chưa tương xứng với tiềm năng của các tôn giáo, đặc biệt là trong lĩnh vực kinh tế và tổ chức sản xuất.

Nhân lực hoạt động trong các lĩnh vực y tế, công tác xã hội… của các tôn giáo trong vùng còn chưa chuyên nghiệp, chưa thu hút được nhiều tình nguyện viên. Có hai lĩnh vực mà tôn giáo trong vùng có nguồn lực, tiềm lực rất lớn là y tế và giáo dục. Tuy nhiên việc phát huy nguồn lực các tôn giáo tham gia các hoạt động an sinh xã hội hiện nay vẫn còn khá dè dặt, e ngại. Theo ông Ngô Sách Thực - Phó Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam: “Do chủ trương phát huy nguồn lực các tôn giáo của Đảng ta mới ban hành nên việc nhận thức và vận dụng vào thực tiễn còn có bất cập. Việc thể chế hóa thành các chính sách, pháp luật cụ thể còn chậm nên việc phát huy nguồn lực các tôn giáo tham gia các hoạt động xã hội còn có bất cập, vướng mắc, hạn chế”13.

Thứ hai, nhận thức của một số cán bộ, đảng viên về nguồn lực tôn giáo trong xây dựng nông thôn mới của vùng còn chưa đầy đủ, chưa đúng. Tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về tôn giáo ở các địa phương trong vùng còn có nhiều điểm chưa phù hợp. Bên cạnh đó, chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác tôn giáo ở các địa phương còn nhiều hạn chế gây khó khăn cho công tác vận động, phát huy nguồn lực tôn giáo.

4. Giải pháp phát huy nguồn lực tôn giáo trong xây dựng nông thôn mới ở đồng bằng sông Cửu Long thời g ian tới

Thứ nhất, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tôn giáo

Tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực các tôn giáo, nâng cao kiến thức, tuyên truyền cho đồng bào có đạo về các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và của địa phương; góp phần xây dựng, củng cố lòng tin của Nhân dân đối với Đảng và Nhà nước, tạo sự đồng thuận trong xã hội.

Quan tâm, chú trọng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào có đạo thông qua việc nhân rộng các mô hình tham gia dạy nghề, mô hình kinh doanh sản xuất giỏi, các khóa bồi dưỡng kỹ năng nghiệp vụ cho đồng bào có đạo. Việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tôn giáo không chỉ tập trung vào kiến thức chuyên môn, kỹ năng nghiệp vụ mà cần phát huy các giá trị đạo đức, nhân văn, vì cộng đồng xã hội; trong đó nhấn mạnh tinh thần đoàn kết đồng hành cùng dân tộc.

Thứ hai, hoàn thiện chính sách, pháp luật về tôn giáo, tín ngưỡng, tạo điều kiện để các tôn giáo tham gia xã hội hóa, cung ứng dịch vụ y tế, giáo dục… nhằm đem lại lợi ích cho cộng đồng

Quán triệt sâu sắc, đầy đủ những quan điểm, đường lối của Đảng, Nhà nước về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo vào đời sống; hỗ trợ các tổ chức, tín đồ hoạt động theo đúng các quy định của chính sách pháp luật. Cần sớm hoàn thiện chính sách, pháp luật về tôn giáo, tín ngưỡng bổ sung theo hướng cụ thể, rõ các lĩnh vực mà tôn giáo được tham gia; đảm bảo đồng bộ với các luật chuyên ngành, tạo cơ sở pháp lý để tôn giáo phát huy nguồn lực trong xây dựng nông thôn mới. Việc hoàn thiện chính sách tôn giáo phải căn cứ vào tình hình tôn giáo thực tế của vùng và cả nước, trong bối cảnh hội nhập và phát triển. Nghiên cứu, bổ sung các quy định của Luật Tín ngưỡng, tôn giáo vào Luật Giáo dục, Luật Phòng chống HIV, AIDS, Luật Khám bệnh, chữa bệnh… nhằm tạo điều kiện thuận lợi để tổ chức tôn giáo tham gia các hoạt động giáo dục, đào tạo, y tế, bảo trợ xã hội, từ thiện, nhân đạo, qua đó phát huy vai trò của nguồn lực tôn giáo trong việc đem lại lợi ích cho cộng đồng vốn còn nhiều khó khăn.

Thứ ba, nâng cao chất lượng nhân lực làm công tác tôn giáo, đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp tiến hành công tác dân vận

Tập trung nâng cao chất lượng nhân lực làm công tác tôn giáo tại các cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, đặc biệt là nguồn nhân lực có trình độ đại học và sau đại học ngành Tôn giáo học. Họ không chỉ được đào tạo chuyên sâu về Tôn giáo học mà còn được trang bị chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước về lĩnh vực này. Bên cạnh đó, cần làm tốt công tác vận động phát triển đảng viên, nhất là đảng viên trẻ là người có đạo. Đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp tiến hành công tác dân vận, nắm chắc tâm tư, nguyện vọng của tín đồ, chức sắc tôn giáo, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động đồng bào giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tích cực tham gia các phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể và địa phương tăng cường phát huy vai trò, sự ảnh hưởng tích cực của tổ chức tôn giáo, chức sắc, chức việc, tu sĩ, đồng bào tín đồ.

Thứ tư, phát huy giá trị các di sản tôn giáo trong phát triển du lịch của các địa phương và toàn vùng

Trước hết cần bảo tồn giá trị lịch sử và văn hóa của các di tích công trình tôn giáo. Phát huy giá trị các di sản tôn giáo phục vụ phát triển du lịch, tạo nhiều công ăn, việc làm cho người lao động, cải thiện đời sống của người dân cả về phương diện vật chất lẫn tinh thần và thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội. Tuyên truyền đồng bào có đạo đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, tham gia cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với xây dựng nông thôn mới, bảo vệ môi trường trong sạch, lành mạnh, cải tạo cảnh quan thu hút khách du lịch đến tham quan.

Có thể khẳng định rằng các tôn giáo đã thể hiện một vai trò đặc biệt quan trọng trong xây dựng nông thôn mới vùng đồng bằng sông Cửu Long, góp phần tích cực trong công cuộc xây dựng, phát triển đất nước. Thực trạng phát huy nguồn lực tôn giáo trong xây dựng nông thôn mới ở đồng bằng sông Cửu Long  thời gian qua cho thấy, bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn nhiều hạn chế. Do đó, cấp ủy, chính quyền các cấp, các địa phương trong vùng cần chủ động, tích cực nhìn nhận, đánh giá đúng thực trạng để có những giải pháp phù hợp tiếp tục thúc đẩy việc phát huy các nguồn lực tôn giáo trong xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao thời gian tới. Qua đó, góp phần phát triển nhanh và bền vững kinh tế - xã hội của vùng nói riêng và cả nước nói chung.

---------

Bài đăng trên Tạp chí Thông tin Khoa học chính trị số 1 (37) - 2024

1 Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t.I, tr.171.

2 Nguyễn Khắc Đức (chủ biên):  Phát huy nguồn lực tôn giáo trong phát triển ở Việt Nam hiện nay, Nxb Lý luận chính trị, Hà Nội, 2022.

3, 11 Danh Thành: Đồng bào Công giáo Kiên Giang chung tay xây dựng nông thôn mới, https://baokiengiang.vn/xay-dung-nong-thon-moi/dong-bao-cong-giao-kien-giang-chung-tay-xay-dung-nong-thon-moi-9424.html, cập nhật ngày 15/8/2022.

4 Thái Minh: Chung sức, đồng lòng, nhân lên nguồn lực, https://daibieunhandan.vn/van-hoa-van-nghe/chung-suc-dong-long-nhan-len-nguon-luc-i339485/, cập nhật ngày 09/8/2023.

5 Nguyễn Hoa: Đại hội đại biểu Người Công Giáo Việt Nam xây dựng và bảo vệ Tổ quốc tỉnh Kiên Giang, http://mattran.org.vn/dan-toc-ton-giao/dai-hoi-dai-bieu-nguoi-cong-giao-viet-nam-xay-dung-va-bao-ve-to-quoc-tinh-kien-giang-45892.html, cập nhật ngày 13/8/2022.

6&8 Ban Tôn giáo thành phố Cần Thơ: Nguồn lực của Phật giáo tham gia hoạt động an sinh xã hội ở thành phố Cần Thơ, https://bantongiao.cantho.gov.vn/common/baiviet/idbv/665, cập nhật ngày 29/8/2022.

7 Trần Bình Trọng: Từ thực tiễn công tác tôn giáo ở Trà Vinh, phản bác các luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch về tự do tín ngưỡng tôn giáo, https://lhhkhkt.travinh.gov.vn/mDefault.aspx?sid=1466&pageid=6987&catid=71531&id=688238&catname=tuyen-truyen&title=tu-thuc-tien-cong-tac-ton-giao-o-tra-vinh-phan-bac-cac-luan-dieu-xuyen-tac-cua-cac-the-luc-thu-d, cập nhật ngày 01/6/2023.

9, 10 Hoàng Văn Khải: Phát huy những giá trị tích cực của các tôn giáo ở đồng bằng sông Cửu Long theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng, Tạp chí Khoa học chính trị, số 02/2022.

12 Lê Hùng: Cần Thơ phát huy giá trị tín ngưỡng tôn giáo trong đời sống xã hội, http://mattran.org.vn/dan-toc-ton-giao/can-tho-phat-huy-gia-tri-tin-nguong-ton-giao-trong-doi-song-xa-hoi-49857.html, cập nhật ngày 17/5/2023.

13 Hương Diệp: Phát huy nguồn lực của các tôn giáo tham gia các hoạt động an sinh, xã hội, http://mattran.org.vn/hoat-dong/phat-huy-nguon-luc-cua-cac-ton-giao-tham-gia-cac-hoat-dong-an-sinh-xa-hoi, cập nhật ngày 19/6/2022.

12 Lê Hùng: Cần Thơ phát huy giá trị tín ngưỡng tôn giáo trong đời sống xã hội, http://mattran.org.vn/dan-toc-ton-giao/can-tho-phat-huy-gia-tri-tin-nguong-ton-giao-trong-doi-song-xa-hoi-49857.html, cập nhật ngày 17/5/2023.

13 Hương Diệp: Phát huy nguồn lực của các tôn giáo tham gia các hoạt động an sinh, xã hội, http://mattran.org.vn/hoat-dong/phat-huy-nguon-luc-cua-cac-ton-giao-tham-gia-cac-hoat-dong-an-sinh-xa-hoi, cập nhật ngày 19/6/2022.