GS, TS TRẦN VĂN PHÒNG
Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
ThS VŨ QUANG HƯNG
Trường Chính trị Tôn Đức Thắng, tỉnh An Giang

(TTKHCT) - Bài viết trên cơ sở góp phần làm rõ khái niệm chuyên gia trong đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, đề xuất một số giải pháp xây dựng, phát triển đội ngũ này: thống nhất nhận thức về đội ngũ chuyên gia; phát triển đội ngũ chuyên gia đủ về số lượng, cao về chất lượng, hợp lý về cơ cấu; tạo điều kiện, môi trường cho chuyên gia phấn đấu, cống hiến; tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng đối việc xây dựng, phát triển đội ngũ chuyên gia.

DSC9905

Chủ tọa Hội thảo khoa học quốc gia “Nâng cao chất lượng và phát huy vai trò đội ngũ báo cáo viên, giảng viên lý luận chính trị khu vực Tây Nam Bộ góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch hiện nay” (Nguồn: bantuyengiao.cantho.gov.vn)

Để đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch nói chung, các quan điểm sai trái, thù địch về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta nói riêng cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó, có phát triển đội ngũ chuyên gia về lĩnh vực này. Bởi lẽ, xét đến cùng, con người vẫn là nhân tố quyết định sự thành công trong đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta.

Mặc dù còn có những cách tiếp cận khác nhau về chuyên gia, nhưng nhìn chung mọi người đều hiểu: chuyên gia là khái niệm để chỉ về những người  được đào tạo theo hướng chuyên sâu hoặc có hiểu biết vượt trội so với mặt bằng kiến thức chung về một lĩnh vực cụ thể và có kinh nghiệm thực hành công việc, kỹ năng thực tiễn về lĩnh vực đó. Từ đó cho thấy, chuyên gia phải có: kỹ năng vượt trội đồng nghiệp về một lĩnh vực chuyên môn; cho kết quả cao trong công việc; tinh thông nghiệp vụ, am hiểu công việc đang làm; được một cơ quan có tư cách pháp nhân công nhận thông qua hệ thống văn bằng, chứng chỉ. Trên cơ sở này chuyên gia có khả năng tư vấn chuyên sâu thuộc lĩnh vực đang hoạt động. Có thể hiểu chuyên gia trong đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta là những người có: kỹ năng vượt trội đồng nghiệp trong nhận thức, am hiểu và tinh thông lý luận về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta, am hiểu công việc bảo vệ nền tảng tư tưởng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta; được các cơ quan Đảng, Nhà nước cũng như quốc tế công nhận về bằng cấp, chứng chỉ chuyên môn, nghiệp vụ như thạc sỹ, tiến sỹ, tương đương, v.v.. Đội ngũ này có thể tham mưu, tư vấn chuyên sâu về bảo vệ nền tảng tư tưởng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta.

Thông thường, phát triển được hiểu là quá trình vận động từ thấp lên cao, từ chưa hoàn thiện đến hoàn thiện hơn, từ chưa đầy đủ đến đầy đủ hơn, từ ít lên nhiều hơn. Như vậy, khi nói phát triển đội ngũ chuyên gia trong đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta là nói tới phát triển về số lượng, chất lượng và cơ cấu. Về số lượng, chúng ta phải bằng mọi cách xây dựng được đội ngũ đông đảo các chuyên gia trong đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Về chất lượng, chúng ta phải nâng được trình độ, kỹ năng, kỹ xảo, sự am hiểu thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta cũng như am hiểu thực tiễn công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Về cơ cấu, phải bảo đảm có đủ các chuyên gia về lý luận, chuyên gia về thực tiễn; các thế hệ chuyên gia cân đối về giới tính, trình độ, tuổi tác, lĩnh vực chuyên môn,v.v..

Để phát triển đội ngũ chuyên gia đáp ứng yêu cầu đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta cần thực hiện một số giải pháp chủ yếu sau:

Một là, thống nhất nhận thức về đội ngũ chuyên gia nói chung, chuyên gia trong đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta nói riêng.

Hiện nay, chưa có sự thống nhất về nội hàm của khái niệm chuyên gia. Từ đây nảy sinh những khó khăn trong xây dựng, phát triển đội ngũ chuyên gia. Đến Đại hội lần thứ XIII, Đảng ta mới nhắc tới chuyên gia và coi chuyên gia ngang hàng với đội ngũ trí thức. Đại hội lần thứ XIII đề ra nhiệm vụ: “Xây dựng đội ngũ trí thức ngày càng lớn mạnh, có chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong tình hình mới. Có cơ chế phát huy dân chủ, tự do sáng tạo và đề cao đạo đức, trách nhiệm trong nghiên cứu khoa học. Ưu tiên đầu tư phát triển hạ tầng, môi trường làm việc, nghiên cứu, đổi mới sáng tạo của trí thức. Trọng dụng, đãi ngộ thỏa đáng đối với nhân tài, các nhà khoa học và công nghệ Việt Nam có trình độ chuyên môn cao ở trong nước và nước ngoài, nhất là các nhà khoa học đầu ngành, nhà khoa học có khả năng chủ trì các nhiệm vụ khoa học và công nghệ đặc biệt quan trọng. Thật sự tôn trọng, tạo điều kiện nâng cao hiệu quả hoạt động tư vấn, phản biện của chuyên gia, đội ngũ trí thức”.

Như trên đã nêu, cần nhấn mạnh chuyên gia là những người: thứ nhất, có kỹ năng vượt trội đồng nghiệp về một lĩnh vực chuyên môn, cho kết quả cao trong công việc; thứ hai, tinh thông nghiệp vụ, am hiểu công việc đang làm; thứ ba, được một cơ quan có tư cách pháp nhân công nhận thông qua hệ thống văn bằng, chứng chỉ như thạc sỹ, tiến sỹ và tương đương,v.v.. Như vậy, chuyên gia rất gần với trí thức và có những đặc điểm giống trí thức nhưng không đồng nhất với trí thức. Chỉ trên cơ sở thống nhất về nội hàm của khái niệm chuyên gia, chúng ta mới có cơ chế, chính sách, giải pháp phát triển đội ngũ này phù hợp. Vì chuyên gia có những đặc tính như vậy nên “những bài viết của các chuyên gia được phân tích, lý giải bằng một hệ thống luận cứ, luận chứng, luận giải một cách rõ ràng, mạch lạc là “bảo chứng khoa học” có sức thuyết phục đối với bạn đọc”.

Hai là, xây dựng, phát triển đội ngũ chuyên gia trong đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta đủ về số lượng, cao về chất lượng, hợp lý về cơ cấu.

Việc xây dựng, phát triển đội ngũ chuyên gia trong đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta mang tính đặc thù, nhưng phải tuân thủ các quy định của Đảng về công tác cán bộ. Đó là phải xây dựng, phát triển được đội ngũ chuyên gia chuyên nghiệp đủ về số lượng, sắc sảo về chuyên môn, tinh nhuệ, nhạy bén về nghiệp vụ; phải lựa chọn, đào tạo, bồi dưỡng được những chuyên gia thật sự có bản lĩnh chính trị vững vàng, tuyệt đối trung thành với mục tiêu lý tưởng của Đảng, với chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta; có trình độ lý luận và trình độ học vấn cao; có phương pháp, kỹ năng tốt; có đạo đức lối sống trong sạch; lành mạnh, có tác phong gần gũi với Nhân dân, luôn hoàn thành tốt trách nhiệm của người cán bộ, đảng viên và của chuyên gia được giao phó. Đặc biệt phải am hiểu lý luận về xây dựng chủ nghĩa xã hội Việt Nam, thực tiễn xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam cũng như trên thế giới. Không những vậy, họ phải am hiểu công việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, am hiểu công tác đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch liên quan đến chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Họ phải có kinh nghiệm trong lĩnh vực này. Muốn vậy, họ phải được đào tạo bài bản ở các trường đại học, các viện nghiên cứu, các học viện, nhà trường dân sự cũng như trong quân đội, công an và ở một số nước bạn. Đồng thời, họ phải xâm nhập thực tế, trải qua việc tham gia, nghiên cứu, tổng kết thực tiễn, thậm chí họ tham gia vào hoạt động thực tiễn lãnh đạo, quản lý các cấp trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, tổ chức đảng, cần phát huy vai trò, trách nhiệm và phân công nhiệm vụ cụ thể cho các học viện, nhà trường, hệ thống trường Chính trị trong việc xây dựng, phát triển đội ngũ chuyên gia trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Đồng thời, thông qua các phong trào quần chúng để phát hiện, tuyển chọn cán bộ thực tiễn vào đào tạo, phát triển đội ngũ chuyên gia bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; phát huy vai trò của Nhân dân trong việc kiểm tra, giám sát đối với hoạt động của đội ngũ chuyên gia trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Đội ngũ chuyên gia này phải được phát triển đủ về số lượng với cơ cấu trong các lĩnh vực lý luận, thực tiễn; có đủ các thế hệ kế cận, nối tiếp nhau; có đủ các chuyên gia trên các mặt xây dựng chủ nghĩa xã hội về chính trị; kinh tế; quốc phòng, an ninh, đối ngoại; văn hóa, xã hội, con người…

Để xây dựng, phát triển đội ngũ chuyên gia bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng ở nước ta đủ về số lượng, hợp lý về cơ cấu, có chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ, cần tiếp tục đổi mới toàn diện, mạnh mẽ hơn nữa tất cả các khâu của công tác tổ chức - cán bộ, trong đó tập trung đổi mới khâu quy hoạch, tạo nguồn, tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ chuyên gia. Có thể chủ động tạo nguồn từ xa thông qua việc tuyển chọn những sinh viên xuất sắc, có quan điểm chính trị đúng đắn, có năng lực nghiên cứu khoa học, năng lực tuyên truyền, có kết quả học tập khá, giỏi trở lên tại các trường đại học chuyên ngành khoa học xã hội nhân văn, các trường quân đội, công an, tuyên giáo, v.v.. để đào tạo thành chuyên gia.

Ba là, tạo điều kiện, môi trường cho chuyên gia bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta phấn đấu, cống hiến.

Để xây dựng, phát triển đội ngũ chuyên gia này đáp ứng yêu cầu thì ngoài những giải pháp trên cần tạo môi trường tự do sáng tạo cống hiến và gắn trách nhiệm cá nhân chuyên gia đối với sản phẩm sáng tạo cống hiến của mình.

Tạo môi trường, điều kiện cho tự do sáng tạo, cống hiến của đội ngũ chuyên gia bao gồm mấy nội dung sau:

(1) Môi trường, điều kiện vật chất, kỹ thuật làm việc, như cơ sở vật chất, kỹ thuật của trụ sở, cơ quan, phòng làm việc, phòng hội thảo, giảng đường, thư viện, các phương tiện máy móc, thiết bị nghe nhìn, trình chiếu để giảng dạy, phổ biến tri thức, để nghiên cứu, thí nghiệm, nghiên cứu chuyển giao, ứng dụng thành tựu khoa học, công nghệ; tham mưu, tư vấn.

(2) Môi trường, điều kiện xã hội, như không khí làm việc, quan hệ đồng nghiệp, quan hệ lãnh đạo, quản lý, năng lực, phẩm chất của người lãnh đạo đội ngũ chuyên gia, môi trường văn hóa, môi trường học thuật…bảo đảm tự do tư tưởng, ngôn luận, dân chủ trong sáng tạo cống hiến, tiếp cận thông tin, bày tỏ quan điểm, chính kiến học thuật, bảo đảm công bằng…;

(3) Môi trường, điều kiện về chính sách làm việc, như đãi ngộ, trọng dụng, tôn vinh chuyên gia bao gồm tiền lương, thu nhập, giải thưởng, danh hiệu…Tất nhiên kết quả của lao động sáng tạo cống hiến không phải bao giờ cũng tỷ lệ thuận với môi trường, điều kiện làm việc tốt. Chính vì vậy mà Đại hội lần thứ XIII yêu cầu có cơ chế phát huy dân chủ, tự do sáng tạo và đề cao đạo đức, trách nhiệm trong nghiên cứu khoa học. Ưu tiên đầu tư phát triển cơ sở vật chất, môi trường làm việc, nghiên cứu, đổi mới, sáng tạo của trí thức nói chung, chuyên gia nói riêng.

Về môi trường, điều kiện để đội ngũ chuyên gia gắn trách nhiệm cá nhân, trách nhiệm xã hội, trách nhiệm công dân đối với sản phẩm sáng tạo cống hiến của mình. Trước hết bản thân đội ngũ chuyên gia phải trau dồi phẩm chất đạo đức, nhất là trung thực và có trách nhiệm với những sản phẩm sáng tạo, cống hiến của mình. Để tạo ra môi trường, điều kiện tốt cho việc gắn trách nhiệm cá nhân của chuyên gia đối với sản phẩm của mình cần hoàn thiện hệ thống pháp luật, như Luật sở hữu trí tuệ; Luật số 07/2022/QH15 ngày 16/6/2022 của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ, có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2023; Luật Khoa học và Công nghệ, Luật Tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa, Luật Năng lượng nguyên tử; Luật Giáo dục,v.v..với mục đích không chỉ bảo vệ quyền tác giả mà còn gắn kết và tăng cường trách nhiệm cá nhân chuyên gia với sản phẩm của mình. Đồng thời, tăng cường giáo dục liêm chính khoa học, đạo đức công dân cho đội ngũ chuyên gia. Chỉ trên cơ sở đó mới vừa tạo môi trường, điều kiện cho tự do sáng tạo vừa gắn và tăng cường trách nhiệm cá nhân chuyên gia đối với sản phẩm trí tuệ của mình. Trên cơ sở đó, không chỉ phát huy mà còn xây dựng được đội ngũ chuyên gia đủ số lượng, có chất lượng chuyên môn cao, có cơ cấu hợp lý.

Bốn là, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng đối với việc xây dựng, phát triển đội ngũ chuyên gia bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta.

Chúng ta đều rõ, Đảng ta là Đảng cầm quyền, lãnh đạo toàn diện trên tất cả các lĩnh vực, các mặt của đời sống xã hội. Vì vậy, Đảng chịu trách nhiệm về mọi mặt trước vận mệnh của đất nước và dân tộc, trong đó có trách nhiệm đối với việc xây dựng, phát triển đội ngũ chuyên gia. Thực tiễn cách mạng Việt Nam đã chứng tỏ sự lãnh đạo của Đảng là nhân tố quyết định mọi thắng lợi của cách mạng. Vì vậy, mọi cấp ủy, tổ chức đảng, mọi cán bộ đảng viên của Đảng phải nhận thức đầy đủ ý nghĩa, tầm quan trọng và trách nhiệm của mình trong công tác xây dựng, phát triển đội ngũ chuyên gia. Để tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng đối với việc xây dựng, phát triển đội ngũ chuyên gia này cần:

Thứ nhất, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng đối với công tác xây dựng, phát triển đội ngũ chuyên gia.Các cấp ủy Đảng phải có kế hoạch, chương trình hành động cụ thể để quy hoạch đúng, trúng đối tượng; tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng được đội ngũ chuyên gia đủ về số lượng, cao về chất lượng, hợp lý về cơ cấu. Hằng năm phải coi kết quả, hiệu quả việc xây dựng, phát triển đội ngũ chuyên gia bảo vệ tư tưởng của Đảng nói chung, chuyên gia trong đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta nói riêng làm tiêu chí đánh giá thành công và hạn chế trong tổng kết công tác Đảng.

Thứ hai, tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng đối với các cấp chính quyền, các tổ chức, đoàn thể nhân dân cùng cấp, các học viện, nhà trường, các viện nghiên cứu, hệ thống trường Chính trị tiến hành công tác xây dựng, phát triển đội ngũ chuyên gia bảo vệ tư tưởng của Đảng nói chung, chuyên gia trong đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta nói riêng. Đặc biệt đối với các cơ quan, đơn vị này là sự đào tạo về chuyên môn, nghiệp vụ chuyên sâu cũng như việc rèn luyện đạo đức, phẩm chất, bản lĩnh chính trị của đội ngũ chuyên gia.

Thứ ba, các cấp ủy Đảng cần tăng cường tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và Nhân dân về vị trí, vai trò của công tác xây dựng, phát triển đội ngũ chuyên gia bảo vệ tư tưởng của Đảng nói chung, chuyên gia trong đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta nói riêng. Phải tuyên truyền để cả xã hội, cả hệ thống chính trị thống nhất nhận thức về tầm quan trọng, sự cần thiết phải xây dựng, phát triển đội ngũ chuyên gia bảo vệ tư tưởng của Đảng nói chung, chuyên gia trong đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta nói riêng.

Thứ tư, các cấp ủy Đảng phải lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan chính quyền có chức năng thực hiện thể chế hóa thành chính sách, pháp luật những chủ trương, đường lối của Đảng về xây dựng, phát triển đội ngũ chuyên gia bảo vệ tư tưởng của Đảng nói chung, chuyên gia trong đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta nói riêng. Qua đó hình thành môi trường, tạo điều kiện cho đội ngũ chuyên gia này phấn đấu, sáng tạo, cống hiến.

Trên đây là một số giải pháp chủ yếu nhằm xây dựng, phát triển đội ngũ chuyên gia bảo vệ tư tưởng của Đảng nói chung, chuyên gia trong đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta nói riêng. Những giải pháp này phải được tổ chức, thực hiện đồng bộ trên thực tế mới mang lại hiệu quả thiết thực.

---------

Bài đăng trên Tạp chí Thông tin Khoa học chính trị số 4 (34) - 2023

Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t.I, tr.167.

 Thiện Văn:  Phát huy vai trò chuyên gia trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, https://www.qdnd.vn/chinh-tri/cac-van-de/phat-huy-vai-tro-chuyen-gia-trong-bao-ve-nen-tang-tu-tuong-cua-dang-710659, cập nhật 11/11/2022.