TS PHAN CÔNG KHANH
TS PHAN THUẬN

Học viện Chính trị khu vực IV

(TTKHCT) - Nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao đóng vai trò quan trọng đối với phát triển du lịch bền vững. Trong thời gian qua, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh Sóc Trăng đã tích cực chỉ đạo phát triển nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao để đáp ứng yêu cầu phát triển du lịch gắn với phát triển bền vững. Bài viết khảo sát và phân tích thực trạng phát triển nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững ở tỉnh Sóc Trăng. Kết quả nghiên cứu cho thấy, số lượng nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao chưa đáp ứng nhu cầu thị trường lao động; trình độ chuyên môn tương đối khá nhưng ít được đào tạo chuyên ngành du lịch; nhân lực du lịch có tác phong, thái độ làm việc nghiêm túc nhưng kỹ năng ngoại ngữ hạn chế. Do đó, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững phải đảm bảo các yêu cầu sau: chuyên môn du lịch tốt, thành thạo ngoại ngữ, am hiểu văn hóa địa phương, tinh thần làm việc tích cực và luôn sáng tạo.

Sóc Trăng tập trung đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao - Ảnh 3.

(Nguồn: nld.com.vn)

1. Sự cần thiết phát triển nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững ở Sóc Trăng

Phát triển bền vững là khái niệm để diễn đạt về sự phát triển hiện tại nhưng không ảnh hưởng đến sự phát triển của tương lai. Đặc biệt, phát triển bền vững ở địa phương gắn với bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0 và điều này đòi hỏi nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao phải có những điều kiện để đáp ứng yêu cầu này. Theo Đỗ Hiền Hòa (2020), cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã tác động không chỉ đối với môi trường kinh doanh mà còn cả thị trường lao động vì cần có những kỹ năng để đáp ứng với điều kiện mới. Do đó, theo tác giả này, các yêu cầu mới mà nhân lực du lịch cần phải có gồm: kiến thức vững và luôn cập nhật mới; kỹ năng chuyên sâu; ngoại ngữ giỏi; thái độ đúng; làm chủ công nghệ; sức khỏe tốt và tinh thần minh mẫn; sự năng động và dám thay đổi.

Từ những năm đầu tái lập tỉnh, chính quyền địa phương đã quan tâm đến phát triển du lịch dựa trên những thế mạnh của tỉnh. Theo đánh giá của Tỉnh ủy, qua hơn 10 năm thực hiện Nghị quyết số 14-NQ/TU, ngày 18/11/2004 của Tỉnh uỷ khóa X về phát triển thương mại và du lịch trên địa bàn tỉnh, hoạt động du lịch của tỉnh có chuyển biến khá tích cực, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thu hút đầu tư, giải quyết việc làm, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội chung của tỉnh. Cơ sở hạ tầng du lịch từng bước được đầu tư, nhiều điểm du lịch mới được đưa vào hoạt động. Lượng khách du lịch và doanh thu du lịch hàng năm đều có sự tăng trưởng khá. Giai đoạn 2010-2015, lượt khách du lịch đến Sóc Trăng tăng bình quân 6%/năm, doanh thu tăng bình quân 15%/năm. Mặc dù vậy, phát triển du lịch của địa phương còn không ít hạn chế. Một trong những điểm nghẽn của ngành du lịch địa phương là công tác đào tạo nguồn nhân lực chưa được quan tâm, đội ngũ cán bộ quản lý, hướng dẫn viên, thuyết minh viên còn thiếu và yếu. Điều này cho thấy, nâng cao chất lượng nhân lực du lịch là một trong những biện pháp để tháo gỡ điểm nghẽn của ngành du lịch ở địa phương.

Hội đồng nhân dân tỉnh Sóc Trăng đã thông qua Đề án tổng thể phát triển du lịch tỉnh Sóc Trăng giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030 với mục tiêu: “Đến năm 2025, du lịch Sóc Trăng trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh, sản phẩm du lịch hình thành rõ nét, đặc trưng, có sức cạnh tranh. Hoạt động du lịch mang tính chuyên nghiệp. Đến năm 2030, du lịch Sóc Trăng trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh với hệ thống hạ tầng đồng bộ, sản phẩm du lịch đa dạng, có thương hiệu và sức cạnh tranh cao; góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, xóa đói giảm nghèo, tạo việc làm, tăng nguồn thu cho ngân sách, tạo động lực để thúc đẩy các ngành kinh tế khác phát triển”. Trước đó, Tỉnh ủy Sóc Trăng đã thông qua Nghị quyết số 05-NQ/TW ngày 2/8/2016 Về phát triển du lịch tỉnh Sóc Trăng đến năm 2020, định hướng đến năm 2025 với mục tiêu: “Du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng, mang tính chuyên nghiệp, thân thiện với môi trường…”.

Như vậy, tỉnh Sóc Trăng quyết tâm đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và mục tiêu này gắn với mục tiêu phát triển bền vững: thân thiện môi trường, bền vững kinh tế và xã hội. Để góp phần thúc đẩy du lịch địa phương gắn với phát triển bền vững, chất lượng nhân lực du lịch là bài toán quan trọng đối với du lịch của tỉnh Sóc Trăng.

2. Thực trạng nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao của tỉnh Sóc Trăng

Sóc Trăng là địa phương có nhiều tiềm năng về phát triển các loại hình du lịch như du lịch sinh thái, du lịch tâm linh, lễ hội. Vì vậy, cần phải có nguồn nhân lực du lịch dồi dào để phát triển du lịch tương xứng với tiềm năng vốn có của địa phương, để xứng đáng là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh trong những năm sắp tới. Đánh giá quy mô về nguồn nhân lực du lịch là cơ sở để đề xuất giải pháp phát triển du lịch đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của địa phương trong tương lai.

Về đội ngũ nhân lực tham gia quản lý, quảng bá du lịch

Tính cho đến nay, toàn tỉnh có 472 công chức, viên chức các cấp trực tiếp làm các nhiệm vụ liên quan đến công tác quản lý, quảng bá du lịch. Trong đó:

Cấp tỉnh: có 57 công chức, viên chức: 07 là lãnh đạo UBND tỉnh và phòng chuyên môn Văn phòng UBND tỉnh; 50 công chức, viên chức đang làm việc tại cơ quan quản lý du lịch cấp tỉnh (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch). Trong số này, có 07 công chức trực tiếp tham gia vào công tác quản lý du lịch, hoạch định chính sách, xây dựng đề án, dự án phát triển du lịch,  có 29 công chức làm nhiệm vụ tổ chức, văn phòng, tài chính và các nhiệm vụ khác liên quan đến du lịch và 14 viên chức công tác tại Trung tâm Thông tin xúc tiến du lịch tỉnh làm nhiệm vụ xúc tiến, quảng bá du lịch.

Cấp huyện: có 88 công chức, trong đó có 55 công chức là lãnh đạo UBND cấp huyện, lãnh đạo Văn phòng và chuyên viên UBND cấp huyện; 33 công chức đang công tác ở Phòng Văn hóa và Thông tin cấp huyện (gồm lãnh đạo phòng và chuyên viên phụ trách du lịch)

Cấp xã: có 327 công chức gồm lãnh đạo UBND và công chức phụ trách văn hóa - xã hội.

Về đội ngũ nhân lực tham gia trực tiếp vào ngành du lịch

Theo Cục Thống kê tỉnh Sóc Trăng, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên đang làm việc hàng năm trong ngành dịch vụ ăn uống và lưu trú năm 2005 là 23.390 người, đã tăng lên 31.000 người năm 2021; lĩnh vực vui chơi, giải trí cũng tăng từ 372 người năm 2005 lên 4.100 người năm 2021. Điều này cho thấy, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên tham gia vào các ngành liên quan đến du lịch có xu hướng tăng lên trong hơn 10 năm qua. Cũng theo báo cáo của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, toàn tỉnh có 1.306 lao động trực tiếp phục vụ trong ngành, nghề du lịch; tham gia trực tiếp vào việc cung ứng các dịch vụ du lịch như: cơ sở lưu trú, nhà hàng ăn uống, các điểm du lịch, điểm tham quan, các công ty lữ hành, lao động tại các điểm du lịch cộng đồng và các dịch vụ khác... Sở dĩ có khác biệt về số liệu này là do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch không tính người lao động dưới 18 tuổi.

Đánh giá về số lượng nguồn nhân lực du lịch đối với nhu cầu thị trường thì kết quả khảo sát cho thấy, có 40,0% đánh giá chưa đáp ứng nhu cầu; có 34,3% chỉ đáp ứng một phần; có 22,0% cơ bản đáp ứng và chỉ có 3,7% đánh giá là rất đáp ứng. Tỷ lệ chưa đáp ứng và chỉ đáp ứng một phần đã chiếm hơn 2/3 tổng số người trả lời. Điều này cho thấy, số lượng nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao chưa đáp ứng với nhu cầu của thị trường. Trong khi đó, du lịch tỉnh Sóc Trăng đã và đang có xu hướng phát triển mạnh và được xác định là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương. Đây là khoảng trống giữa nhu cầu thị trường và thực tiễn nguồn nhân lực du lịch tỉnh Sóc Trăng, chính khoảng trống này đã ảnh hưởng không nhỏ đến cơ hội phát triển du lịch của địa phương trong thời gian tới.

Về trình độ chuyên môn

Theo kết quả khảo sát, có 82,3% người tham gia khảo sát có trình độ đại học trở lên và còn lại là trình độ khác. Điều này cho thấy, nguồn nhân lực du lịch có trình độ tương đối cao và có thể đáp ứng nhu cầu phát triển du lịch bền vững của địa phương. Về chuyên môn được đào tạo và sự phù hợp của chuyên môn với công việc đang làm, theo báo cáo của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, trong số 7 công chức trực tiếp tham gia công tác quản lý du lịch, hoạch định chính sách, xây dựng đề án, dự án du lịch, chỉ có 01 công chức có trình độ cao đẳng chuyên ngành du lịch; 14 viên chức đang công tác tại Trung tâm Thông tin xúc tiến du lịch thì có 4 viên chức chuyên ngành du lịch. Cũng theo kết quả khảo sát, chuyên môn được đào tạo là quản lý nhà nước chiếm tới 41,7% tổng số người được khảo sát; tiếp đến là khoa học xã hội và nhân văn chiếm 15,3%; ngành du lịch và các ngành liên quan đến du lịch chiếm 14,0% và các ngành còn lại chiếm 29,0%. Đồng thời, nhân lực du lịch trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng được đào tạo qua chứng chỉ phục vụ cho hoạt động nghề nghiệp (hướng dẫn viên, lễ tân, phục vụ…) chỉ chiếm 33,0%. Thực tế cho thấy không ít người làm du lịch nhưng chuyên môn đào tạo của họ không phải du lịch, bởi vì nếu họ có năng khiếu, đam mê thì họ có thể làm được. Như vậy, nhân lực du lịch có trình độ chuyên môn được đào tạo khá đa dạng, nhưng nhân lực được đào tạo chuyên ngành du lịch hoặc nghiệp vụ du lịch còn hạn chế. Phát hiện này khá tương đồng với nghiên cứu của tác giả Lê Quân (2015) về nhân lực du lịch ở Quảng Bình. Từ đây, có thể suy luận rằng, nhân lực du lịch ở Sóc Trăng cũng như các địa phương khác chủ yếu dựa trên kinh nghiệm và niềm đam mê, chưa dựa trên chuyên môn đào tạo.

Nghiên cứu cũng đánh giá sự thay đổi chất lượng nguồn nhân lực du lịch so với trước nhằm làm rõ sự đáp ứng yêu cầu thực tiễn khi mà ngành du lịch đã và đang đối diện trước nhiều thách thức từ yêu cầu của phát triển bền vững và sự cạnh tranh gay gắt về sản phẩm du lịch. Kết quả khảo sát ở bảng số liệu 1 cho thấy đa số người tham gia khảo sát đánh giá tích cực về sự thay đổi về chất lượng nguồn nhân lực du lịch của tỉnh Sóc Trăng. Trong đó, đánh giá về chuyên môn, phẩm chất, đạo đức, thái độ, phong cách làm việc là tích cực nhất; trong khi trình độ ngoại ngữ được đánh giá thay đổi thấp nhất. Phát hiện này phản ánh thực trạng nguồn nhân lực du lịch đã được vào khuôn mẫu, thực hiện nghiêm túc các quy định của tổ chức, đơn vị, không còn tác phong và thái độ tùy tiện trong công việc; trong khi đó năng lực ngoại ngữ của nhân lực du lịch còn khá hạn chế và điều này gây không ít khó khăn nếu du khách quốc tế đến với Sóc Trăng ngày càng nhiều hơn. Do đó, nâng cao năng lực ngoại ngữ và kỹ năng mềm cho nhân lực du lịch chất lượng cao là biện pháp cần thiết để lực lượng này có thể hội nhập tốt và đáp ứng yêu cầu của phát triển bền vững.

Sở dĩ có sự thay đổi là do các nguyên nhân ở bảng 2. Trong đó, sự quan tâm của các đơn vị sử dụng nguồn nhân lực trong công tác đào tạo, bồi dưỡng là nguyên nhân chiếm tỷ lệ cao nhất; tiếp đến là bản thân cá nhân tự ý thức nâng cao trình độ, rèn luyện thể lực và thấp nhất là do có nhiều cơ hội học tập nâng cao trình độ. Điều này cho thấy, chính sách đào tạo, bồi dưỡng đóng vai trò quan trọng đối với nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch. Vì thế, thực hiện chính sách đào tạo, bồi dưỡng có hiệu quả và khuyến khích bản thân chủ động nâng cao trình độ, rèn luyện bản thân là biện pháp quan trọng để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch ở địa phương, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững.

3. Yêu cầu phát triển nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao của tỉnh Sóc Trăng đáp ứng đòi hỏi phát triển bền vững

Trong bối cảnh phát triển du lịch gắn với phát triển bền vững, nhân lực du lịch chất lượng cao ở tỉnh Sóc Trăng cần phải đáp ứng các yêu cầu sau:

Thứ nhất, điều kiện về chuyên môn. Đây là một trong những yêu cầu cơ bản của nguồn nhân lực. Theo Đỗ Hiền Hòa (2020), yêu cầu của nhân lực là phải có kiến thức vững và luôn cập nhật; trong thời đại mới, với sự hỗ trợ của công nghệ, sự hiểu biết và việc thu thập thông tin của khách du lịch ngày càng cao và dễ dàng. Vì vậy, nếu chỉ dừng ở trình độ kiến thức vốn có thì không thể đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của du khách. Kiến thức của cán bộ quản lý, nhân viên ngành du lịch phải sâu sắc, uyên thâm và kết nối được với nhiều lĩnh vực khoa học, nhiều ngành nghề, nhiều nền văn hóa khác nhau, phải không ngừng học hỏi, cập nhật những kiến thức mới, thông tin mới. Có như vậy mới làm hài lòng khách hàng, khẳng định giá trị bản thân, hình thành hứng thú nghề nghiệp, góp phần quảng bá và đưa du lịch Việt Nam ra thế giới một cách hiệu quả. Như vậy, kiến thức sâu và rộng của nhân lực du lịch là rất cần thiết. Kết quả khảo sát yêu cầu về nhân lực du lịch chất lượng cao đáp ứng yêu cầu của phát triển bền vững cho thấy, có 55,0% người tham gia khảo sát đều khẳng định: đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ tốt hơn. Điều này có nghĩa là nhân lực du lịch chất lượng cao trong bối cảnh phát triển bền vững phải có đủ kiến thức, kỹ năng mềm liên quan đến du lịch để vừa đáp ứng nhu cầu của du khách, vừa hiểu được tác động của du lịch đến phát triển bền vững mà từ đó đề xuất xây dựng nhiều mô hình du lịch vừa có tính mới, hay, độc lạ, hấp dẫn, thu hút du khách và vừa giảm thiểu tác động đến môi trường và con người. Vì thế, tri thức của nhân lực du lịch chất lượng cao là một trong những điều kiện quan trọng đầu tiên để thúc đẩy du lịch địa phương gắn với phát triển bền vững.

Thứ hai, thành thạo ngoại ngữ. Trong thời kỳ hội nhập và phát triển như hiện nay, khách nước ngoài đến địa phương ngày càng nhiều, thị trường lao động du lịch địa phương cũng sẽ mở rộng hơn. Vì vậy, nhà quản lý kinh doanh du lịch, người lao động trong ngành du lịch cần phải trau dồi vốn ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh, tiếng Hoa, tiếng Pháp… Giỏi ngoại ngữ giao tiếp tốt, quảng bá và giới thiệu danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử, văn hóa, ẩm thực và con người Sóc Trăng… cho du khách quốc tế, giúp họ hiểu thêm “xứ sở Chùa Vàng” của Việt Nam. Do đó, một trong những yêu cầu đặt ra đối với nhân lực du lịch chất lượng cao là thành thạo ngoại ngữ. Điều này có 53,3% người tham gia khảo sát yêu cầu.

Thứ ba, am hiểu về văn hóa địa phương. Du khách đến địa phương là mong muốn tìm hiểu về văn hóa, con người của địa phương đó. Cho nên, người làm du lịch và thậm chí cán bộ quản lý ngành du lịch cần có kiến thức tốt về văn hóa, con người địa phương. Thông qua hướng dẫn viên du lịch và người làm du lịch, hình ảnh con người, phong cảnh của địa phương trở nên đẹp hơn trong cách nhìn, cách nghĩ của du khách trong nước và quốc tế. Vì thế trả lời câu hỏi “Yêu cầu đối với nhân lực du lịch chất lượng cao là gì” thì có 43,3% cho rằng phải am hiểu về văn hóa địa phương. Sự am hiểu này không chỉ truyền tải thông tin về tình đất, tình người của “xứ sở Chùa Vàng” mà còn truyền tải những thông điệp du lịch gắn với bảo vệ môi trường ở địa phương đối với du khách.

Thứ tư, tinh thần làm việc. Đây là một trong những yêu cầu không thể thiếu đối với nguồn nhân lực du lịch. Du lịch là ngành dịch vụ, vì vậy thái độ phục vụ là yếu tố quan trọng nhất bên cạnh ngoại ngữ, kiến thức và kỹ năng nghề nghiệp. Thái độ phục vụ tác động trực tiếp và ảnh hưởng chủ yếu đến trải nghiệm của du khách. Theo thống kê từ trang Tripadvisor, hầu hết những than phiền của du khách đối với chất lượng dịch vụ của các cơ sở lưu trú ở Việt Nam tập trung vào thái độ phục vụ của cả cấp quản lý và nhân viên. Thái độ phục vụ tận tâm, chu đáo, nhiệt thành sẽ tạo ấn tượng mạnh cho du khách khi đi du lịch, nhất là khách nước ngoài. Đây là một trong những thước đo trình độ văn hóa, kỹ năng của đội ngũ nhân lực trong ngành du lịch. Do đó, nếu đã lựa chọn làm du lịch thì đòi hỏi người làm du lịch phải dấn thân vào nó theo tinh thần “con tằm phải vương tơ”, nhân lực du lịch phải chịu đựng trước những áp lực. Chính vì thế, kết quả khảo sát cho thấy có 36,0% cho rằng: một trong những yêu cầu đối với nhân lực du lịch chất lượng cao đáp ứng với yêu cầu phát triển bền vững ở địa phương là phải có sự linh hoạt, dẻo dai trong môi trường làm việc nhiều áp lực.

Thứ năm, sự sáng tạo. Trong bối cảnh cạnh tranh mạnh mẽ về du lịch, các địa phương đều đưa ra những sản phẩm du lịch dựa vào thế mạnh của mình. Sóc Trăng là một trong những địa phương thuộc vùng đồng bằng sông Cửu Long cho nên sẽ có những tiềm năng, điều kiện tương đồng với các địa phương khác trong vùng. Nếu du lịch Sóc Trăng muốn được nhiều du khách biết đến thì du lịch của địa phương phải có nét riêng, độc lạ. Vấn đề tìm kiếm cái riêng, độc đáo trong tổng thể cái tương đồng là điều không dễ dàng. Cho nên, nhân lực du lịch chất lượng cao phải có sự sáng tạo trong tìm kiếm các sản phẩm du lịch, vừa dựa trên thế mạnh của địa phương, vừa đảm bảo tính độc đáo, cái riêng của các phẩm du lịch đó và vừa sáng tạo trong cách quản lý du lịch, phục vụ du khách để du khách vấn vương quay trở lại lần sau. Ngoài ra, tính sáng tạo này được phát huy trong tìm kiếm các sản phẩm du lịch, đặc biệt các sản phẩm du lịch sinh thái không làm tổn hại hệ sinh thái, môi trường càng được quan tâm trong bối cảnh phát triển bền vững. Trả lời câu hỏi “Nhân lực du lịch cần có những điều kiện gì để đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững”, có 37,0% người được hỏi cho rằng nhân lực du lịch phải có sự sáng tạo trong xây dựng và phát triển các mô hình du lịch mới. Do đó, sự sáng tạo là một trong những điều kiện không thể không có đối với nhân lực du lịch ở tỉnh Sóc Trăng nhằm đáp ứng yêu cầu của phát triển bền vững.

4. Kết luận

  Như vậy, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Sóc Trăng đã có nhiều nỗ lực trong phát triển nhân lực du lịch chất lượng cao gắn với yêu cầu phát triển bền vững. Nhờ đó, chất lượng nguồn nhân lực du lịch đã từng bước thay đổi tích cực; tuy nhiên, số lượng nhân lực du lịch chưa đáp ứng yêu cầu thị trường lao động và trình độ ngoại ngữ còn hạn chế. Do đó, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch góp phần phát triển du lịch gắn với yêu cầu phát triển bền vững là giải pháp cần thiết và các giải pháp này gắn với một số yêu cầu như có chuyên môn du lịch tốt, thành thạo ngoại ngữ, am hiểu văn hóa địa phương, tinh thần làm việc tích cực và luôn có sự sáng tạo.

---------

Bài đăng trên Tạp chí Thông tin Khoa học chính trị số 4 (34) - 2024

1 Đỗ Hiền Hòa (2020): Những yêu cầu đối với nguồn nhân lực du lịch Việt Nam trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0, HUFLIT International Conference On Ensuring A High-Quality Human Resource In The Modern Age - Oct 16, 2020; tr.302-307.

2 Tỉnh ủy Sóc Trăng (2016): Nghị quyết số 05-NQ/TW ngày 02/8/2016 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển du lịch tỉnh Sóc Trăng đến năm 2020, định hướng đến năm 2025.

3 Hội đồng Nhân dân tỉnh Sóc Trăng (2022): Nghị quyết số 17/NQ-HĐND ngày 28/02/2022 về thông qua Đề án tổng thể phát triển du lịch tỉnh Sóc Trăng giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030.

4 Tỉnh ủy Sóc Trăng (2016): Nghị quyết số 05-NQ/TW ngày 02/8/2016 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển du lịch tỉnh Sóc Trăng đến năm 2020, định hướng đến năm 2025.

5 Cục Thống kê tỉnh Sóc Trăng (2022): Kết quả Tổng điều tra kinh tế năm 2021, Nxb Thống kê, Hà Nội, tr.137-138.

6 Lê Quân (2015): Nghiên cứu, đề xuất phát triển nhân lực ngành du lịch tỉnh Quảng Bình, Báo cáo nghiên cứu đề tài cấp tỉnh.

7 Đỗ Hiền Hòa (2020), Sđd, tr.305.