ThS ĐỒNG KHẮC TÚ
ThS CHU TUẤN ANH

Đại học Chính trị, Bộ Quốc phòng

(TTKHCT) - Xung đột xã hội là hiện tượng xã hội phổ biến, có tính lịch sử trong các thể chế nhà nước; là thách thức đặt ra thường xuyên đòi hỏi các quốc gia phải có biện pháp quản lý phù hợp nhằm bảo đảm sự phát triển ổn định và bền vững của đất nước. Là lãnh tụ tối cao của dân tộc, trong quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Hồ Chí Minh luôn quan tâm giải quyết mâu thuẫn, xung đột nảy sinh trong đời sống xã hội trên cơ sở giải quyết hài hòa nhu cầu và lợi ích chính đáng của các tầng lớp nhân dân. Những quan điểm khoa học của Người chính là kim chỉ nam cho việc quản lý xung đột xã hội hiện nay.

Ảnh: baokontum.com.vn

Suốt cuộc đời hoạt động cách mạng hiến dâng cho sự nghiệp cứu nước, giải phóng dân tộc và xây dựng xã hội mới, Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến việc giữ vững ổn định xã hội. Theo Người, đây chính là tiền đề quan trọng để kiến tạo xã hội mới. Người căn dặn cán bộ cách mạng: “Khi việc gì có mâu thuẫn, khi phải tìm cách giải quyết, tức là có vấn đề. Khi đã có vấn đề, ta phải nghiên cứu cho rõ cái gốc mâu thuẫn trong vấn đề đó là gì. Phải điều tra, phải nghiên cứu cái mâu thuẫn đó. Phải phân tách rõ ràng và có hệ thống, phải biết rõ cái nào là mâu thuẫn chính, cái nào là mâu thuẫn phụ. Phải đề ra cách giải quyết”. Trên cơ sở xác định và phân loại đúng mâu thuẫn, xung đột một cách khách quan, khoa học, Hồ Chí Minh tìm ra nguyên nhân sâu xa và sáng tạo ra nhiều phương thức để giải quyết mâu thuẫn, xung đột kịp thời, hiệu quả góp phần vào thắng lợi của sự nghiệp đấu tranh cách mạng và xây dựng chế độ mới ở Việt Nam.

1. Chủ nghĩa cá nhân - nguyên nhân sâu xa của xung đột xã hội

Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nhận xét: “mỗi con người đều có cái thiện và cái ác ở trong lòng”. Mâu thuẫn và xung đột xã hội cũng từ đây mà ra. Mọi mâu thuẫn xã hội đều có nguồn gốc từ mâu thuẫn giữa các cá nhân, nhóm, cộng đồng, tầng lớp, giai cấp, quốc gia mà ra. Trong đó, Hồ Chí Minh đặc biệt lên án, phê phán chủ nghĩa cá nhân và Người đã có những cảnh báo từ rất sớm về tác hại của chủ nghĩa cá nhân đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân ta. Người chỉ rõ: “Một dân tộc, một đảng và mỗi con người, ngày hôm qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn lớn, không nhất định hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến và ca ngợi, nếu lòng dạ không trong sáng nữa, nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân”. Chủ nghĩa cá nhân “là việc gì cũng chỉ lo cho lợi ích riêng của mình, không quan tâm đến lợi ích chung của tập thể”, “miễn là mình béo, mặc thiên hạ gầy”. Chủ nghĩa cá nhân chính là bệnh mẹ đẻ ra trăm thứ bệnh con nguy hiểm; một thứ vi trùng rất độc, do nó mà sinh ra các thứ bệnh rất nguy hiểm khác trong Đảng và lây lan ra toàn xã hội. Chủ nghĩa cá nhân làm xói mòn niềm tin của quần chúng đối với Đảng và chế độ, tạo ra những bức xúc, bất mãn của Nhân dân đối với cơ quan công quyền do những nhu cầu nguyện vọng của người dân không được xem xét giải quyết thấu đáo. Ở chiều ngược lại, những bất ổn xã hội không được chính quyền quan tâm giải quyết, lâu dần trở thành những mâu thuẫn, xung đột từ thấp tới cao, từ phạm vi từng địa phương lan rộng các địa phương khác.

Trong số những căn bệnh do chủ nghĩa cá nhân gây ra, tham nhũng là căn bệnh nguy hiểm nhất, là “hành động xấu xa nhất, tội lỗi, đê tiện nhất”, là tác nhân chủ yếu gây ra bất công xã hội. Người chỉ rõ: “Trộm cắp tiền bạc của nhân dân, tổn hại kinh tế của Chính phủ, cũng là mật thám, phản quốc, nếu không phải là tệ hơn nữa”. Người cũng nhắc lại lời cảnh báo của V.I.Lênin: “Không xử bắn lũ ăn của đút lót (…) đó là một điều xấu hổ cho những đảng viên cộng sản, cho những người cách mạng (…). Phải lập tức đề nghị một đạo luật để trừng trị những vụ hối lộ (ăn hối lộ, tặng hối lộ, và những cách hối lộ khác)”.

 Không phải ngẫu nhiên mà những người đứng đầu Đảng và Nhà nước lại thẳng thắn phê phán gay gắt như thế đối với những khuyết điểm, sai lầm của cán bộ, đảng viên. Hồ Chí Minh hiểu rất rõ rằng, đây là những lỗi lầm đặc biệt nghiêm trọng, có hại cho dân, cho nước làm bào mòn niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ; là mầm mống làm nảy sinh những mâu thuẫn, xung đột trong đời sống xã hội. Chính vì vậy, Người yêu cầu toàn Đảng phải đẩy mạnh cuộc đấu tranh “chống chủ nghĩa cá nhân”. Nói cách khác, chủ nghĩa xã hội chỉ trở thành hiện thực, người dân chỉ thực sự có được cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, xã hội chỉ ổn định và phát triển khi chiến thắng được chủ nghĩa cá nhân.

Không chỉ đẻ ra tham nhũng, chủ nghĩa cá nhân còn đẻ ra trăm thứ bệnh khác trong cán bộ, đảng viên, nhất là bệnh quan liêu. Người luôn nhắc lại lời dạy của V.I. Lênin “Kẻ thù bên trong tệ hại nhất của chúng ta, chính là anh chàng quan liêu (…). Chúng ta phải gạt bỏ kẻ thù đó”. Vì vậy, theo Hồ Chí Minh: “bệnh quan liêu là kẻ thù của nhân dân, của bộ đội và của Chính phủ”. Nó là kẻ thù nguy hiểm, vì nó “không mang gươm, mang súng, mà có nằm trong các tổ chức ta, để làm hỏng công việc của ta”. “Bệnh quan liêu” là “chỉ biết dùng mệnh lệnh. Không biết giải thích, tuyên truyền. Không biết làm dân chúng tự giác và tự động”. Nguyên nhân của “bệnh quan liêu” là “vì xa cách quần chúng, không hiểu biết dân chúng, không học hỏi dân chúng, sợ dân chúng phê bình” và “khi có sai lầm, khuyết điểm thì sợ nhân dân phê bình, sợ mất thể diện, sợ phải sửa chữa”. Tác hại của “bệnh quan liêu” là vô cùng lớn, bởi vì nó “đã ấp ủ, dung túng, che chở cho nạn tham ô, lãng phí”. Do quan liêu mà dẫn đến làm méo mó các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách luật pháp của Nhà nước, gây tâm lý hoang mang, hoài nghi trong nhân dân; làm nảy sinh những bất ổn và xung đột xã hội. Để khắc phục bệnh quan liêu, Người yêu cầu “phải đưa chính trị vào giữa dân gian”. Trước kia, việc gì cũng từ "trên dội xuống". Từ nay việc gì cũng phải từ “dưới nhoi lên”. Trên tinh thần đó, Hồ Chí Minh yêu cầu mỗi cán bộ, đảng viên của Đảng, mỗi cá nhân, tổ chức trong Chính phủ phải tăng cường mối quan hệ gắn bó mật thiết với nhân dân, phải gần dân, lắng nghe dân để hiểu dân, phải ra sức giải thích cho dân chúng hiểu, dân chúng tin và dân chúng làm theo.

Như vậy, bằng những lập luận sắc bén và khoa học, vừa thấu tình, vừa đạt lý, Hồ Chí Minh đã chỉ ra nguyên nhân sâu xa dẫn đến những mâu thuẫn, xung đột xã hội đó là chủ nghĩa cá nhân. Khi nào trong bộ máy nhà nước còn cán bộ, công chức vì “chiếm của công làm của tư” mà giàu lên nhanh chóng sẽ tạo ra sự bất bình đẳng trong xã hội, mọi bất ổn, xung đột xã hội cũng từ ấy mà ra. Vì xét đến cùng nguyên nhân sâu xa của những bất ổn, xung đột xã hội bắt nguồn từ những tiêu cực trong bộ máy nhà nước. Do đó, theo Hồ Chí Minh, để quản lý xung đột xã hội có hiệu quả tất yếu phải gắn liền với cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, xã hội chỉ ổn định và phát triển khi chiến thắng được chủ nghĩa cá nhân.

2. Quan điểm của Hồ Chí Minh về phương thức giải quyết xung đột xã hội

Bên cạnh việc đưa ra những cảnh báo và chỉ rõ nguyên nhân nảy sinh, Hồ Chí Minh cho rằng muốn giữ vững ổn định xã hội, nhất là quản lý xung đột xã hội có hiệu quả phải có những phương thức phù hợp. Những phương thức đó là:

Thứ nhất, chăm lo lợi ích của nhân dân và giải quyết hài hòa mối quan hệ lợi ích trong xã hội

Là người sáng lập ra nhà nước kiểu mới, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trịnh trọng tuyên bố về sứ mệnh cao cả của chính quyền mới đó là “mưu cầu tự do, hạnh phúc cho dân”. Người khẳng định: “nếu nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc tự do, thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì”. Hơn ai hết, Hồ Chí Minh hiểu rất rõ nguyện vọng cháy bỏng của Nhân dân Việt Nam sau gần 100 năm dưới ách đô hộ của thực dân Pháp và phong kiến tay sai đó là độc lập, tự do, hạnh phúc. Do đó, Hồ Chí Minh yêu cầu các cơ quan nhà nước phải khẩn trương ban hành và thực hiện những chính sách chăm lo đến lợi ích của Nhân dân, từ những lợi ích thiết thực trước mắt đến lợi ích cơ bản, lâu dài. Người căn dặn: “Việc gì lợi cho dân, ta phải hết sức làm. Việc gì hại đến dân, ta phải hết sức tránh”. Chăm lo bồi dưỡng sức dân là tư tưởng chính trị đặc sắc của Hồ Chí Minh, là biện pháp để an dân. Trong điều kiện tiến hành đồng thời hai nhiệm vụ “kháng chiến, kiến quốc”, dù đời sống của Nhân dân còn nhiều khó khăn, thiếu thốn nhưng với trách nhiệm “suốt đời hết lòng hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân” của đội ngũ cán bộ, công chức Nhà nước từ Trung ương đến cơ sở đã tạo được niềm tin tưởng tuyệt đối của Nhân dân, góp phần tập trung nguồn lực của đất nước cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc. Đây là bài học kinh nghiệm quý báu để giữ vững ổn định chính trị trong bối cảnh toàn cầu hoá và hội nhập quốc tế hiện nay. Bài học đó là: muốn giữ vững ổn định xã hội, nhà nước phải ban hành và thực hiện các chính sách công bằng, bình đẳng và liêm khiết.

Trong giải quyết hài hòa mối quan hệ lợi ích, theo Hồ Chí Minh, phải bảo đảm giải quyết hài hòa về lợi ích giữa các lĩnh vực, giữa các tầng lớp nhân dân, ở mọi vùng miền đất nước, tránh những xung đột đối kháng về lợi ích. Đây cũng là mong ước cháy bỏng, “ham muốn tột bậc” trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của Người. Người nói: “Tôi chỉ có một ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành”6. Đồng thời, đây cũng là điều kiện căn cốt nhất để xây dựng một xã hội công bằng, bình đẳng, tránh những xung đột đối kháng về lợi ích trong đời sống xã hội. Để giải quyết hài hòa lợi ích trong xã hội, cần phải tạo điều kiện để người dân thực sự có cơ hội tiếp cận lợi ích và thỏa mãn lợi ích theo nhu cầu, điều kiện của mình. Bởi cách mạng xã hội chủ nghĩa là cuộc cách mạng triệt để, thay đổi các điều kiện kinh tế - xã hội một cách căn bản và tiến bộ dẫn đến sự thay đổi các mặt đời sống xã hội, đem giá trị của con người trả lại cho con người, phấn đấu cho con người là mục đích cao nhất. Người viết: “Chủ nghĩa xã hội là cái gì? Là mọi người được ăn no mặc ấm, sung sướng, tự do. Nhưng nếu muốn tách riêng một mình mà ngồi ăn no mặc ấm, người khác mặc kệ, thế là không tốt. Mình muốn ăn no mặc ấm, cũng cần làm sao cho tất cả mọi người được ăn no mặc ấm, như thế mới đúng. Muốn như vậy, phải ra sức công tác, ra sức lao động sản xuất”7. Theo Người, xây dựng chủ nghĩa xã hội là xây dựng xã hội “dân giàu”, mọi người cùng giàu có, cùng khấm khá thì những điều kiện để bảo đảm sự hài hòa lợi ích mới thực sự được hiện thực hóa: “Làm cho người nghèo thì đủ ăn. Người đủ ăn thì khá giàu. Người khá giàu thì giàu thêm”. Quan điểm nêu trên khuyến khích người giàu phải “giàu thêm”, việc làm giàu của người này không đe dọa cơ hội phát triển của người khác, dĩ nhiên đó phải là làm giàu lương thiện, hợp pháp; người nghèo có quyền phát triển bằng nỗ lực phấn đấu vươn lên “đủ ăn”, rồi tiến lên “khá, giàu”.

Hồ Chí Minh cũng nhận thức rất rõ trong xã hội, bên cạnh sự thống nhất lợi ích tối cao, mỗi giai tầng đều có những nhu cầu lợi ích khác nhau, do đó phải giáo dục cho các tầng lớp nhân dân phải biết đặt lợi ích của dân tộc, của giai cấp lên trên lợi ích cá nhân, phải biết quên mình cho nghĩa lớn. Người khẳng định: “Trong chế độ xã hội chủ nghĩa… là chế độ do nhân dân lao động làm chủ, thì mỗi người là một bộ phận của tập thể, giữ một vị trí nhất định và đóng góp một phần công lao trong xã hội. Cho nên lợi ích cá nhân là nằm trong lợi ích của tập thể, là một bộ phận của lợi ích tập thể. Lợi ích chung của tập thể được bảo đảm thì lợi ích riêng của cá nhân mới có điều kiện để được thỏa mãn. Lợi ích của cá nhân gắn liền với lợi ích của tập thể. Nếu lợi ích cá nhân mâu thuẫn với lợi ích tập thể, thì đạo đức cách mạng đòi hỏi lợi ích riêng của cá nhân phải phục tùng lợi ích chung của tập thể”8. Bên cạnh đó, cần có cơ chế phù hợp để bảo đảm công bằng giữa cống hiến và hưởng thụ. Người đưa ra nguyên tắc phân phối lợi ích trong chế độ xã hội chủ nghĩa đó là “Chủ nghĩa xã hội là công bằng hợp lý: Làm nhiều hưởng nhiều, làm ít hưởng ít, không làm thì không được hưởng. Những người già yếu hoặc tàn tật sẽ được Nhà nước giúp đỡ chăm nom”9. Cơ chế đó phải được thể chế hoá trong hiến pháp và pháp luật quốc gia. Ngay từ những ngày đầu thành lập nước, Người đã ra một “Quốc lệnh” mạnh mẽ như sau: “Trong một nước thưởng phạt phải nghiêm minh thì nhân dân mới yên ổn, kháng chiến mới thắng lợi, kiến quốc mới thành công. Vậy Chính phủ ra Quốc lệnh rõ ràng gồm có 10 điểm thưởng và 10 điểm phạt, cho quân dân biết rõ những tội nên tránh, những việc nên làm”10.

Mặc dù, nhấn mạnh việc đặt lợi ích cách mạng, lợi ích của Tổ quốc lên trên lợi ích cá nhân, nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, để đảm bảo công bằng nhưng không cào bằng, không làm triệt tiêu động lực phát triển của xã hội  rất cần phải tôn trọng, quan tâm, chăm lo đến lợi ích cá nhân chính đáng của mọi người. Theo Người, mỗi người đều có tính cách riêng, sở trường riêng, đời sống riêng của bản thân và của gia đình mình. Nếu những lợi ích cá nhân đó không trái với lợi ích của tập thể thì cần được tôn trọng và bảo vệ.

Thứ hai, củng cố và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân - cơ sở pháp lý để quản lý xung đột xã hội

Thực chất nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa chính là nhà nước quản lý xã hội bằng pháp luật. Vì vậy, ngay từ rất sớm, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề cao vai trò của pháp luật trong quản lý xã hội, nhất là giải quyết những mẫu thuẫn, xung đột nảy sinh. Năm 1919, trong Yêu sách 8 điểm gửi tới Hội nghị Versaille sau này Hồ Chí Minh đã chuyển thể thành bài thơ Việt Nam yêu cầu ca, Người đã chỉ rõ: “Bảy xin hiến pháp ban hành. Trăm đều phải có thần linh pháp quyền”. Do đó, củng cố và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân chính là cơ sở pháp lý để quản lý xung đột xã hội. Theo Người, để quản lý xã hội, trước hết là các xung đột xã hội, trước hết cần ban hành hệ thống pháp luật dân chủ, do nhân dân xây dựng lên, thể hiện ý chí, nguyện vọng và quyền lợi của mọi giai tầng trong xã hội. Nếu một nhà nước cai trị bằng ý chí của nhà cầm quyền mà không phải là ý chí của nhân dân đề lên thành luật, một nhà nước mà những kẻ cầm quyền dù nhân danh là những vị đứng đầu nhà nước hay nhân danh những người lãnh đạo của đảng cầm quyền, tự cho phép đứng ngoài hoặc đứng trên pháp luật, thì những mâu thuẫn, xung đột xã hội tất yếu không được giải quyết thoả đáng, kịp thời và triệt để.

 Nếu pháp luật đã là sự thể chế hoá ý nguyện, lợi ích của nhân dân, do nhân dân lập nên thì việc tuân thủ pháp luật, theo Hồ Chí Minh chính là nguyên tắc, chuẩn mực để giải quyết các xung đột xã hội, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân. Đứng trước những nhiệm vụ chính trị - xã hội cực kỳ khó khăn, phức tạp của đất nước khi vừa giành được chính quyền sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Hồ Chí Minh đã xác định pháp luật là công cụ cực kỳ quan trọng của nhà nước đồng thời là phương thức bảo đảm quyền bình đẳng của nhân dân. Thực tế đã chứng minh, nếu Việt Nam không có hiến pháp, không có một nhà nước điều hành bằng pháp luật, nhân dân không tôn trọng tính thượng tôn của pháp luật thì nền độc lập của đất nước, sự tôn nghiêm của chính quyền cũng như trật tự xã hội sẽ không được bảo đảm, nhân dân cũng sẽ không có được cơ sở pháp lý để thụ hưởng các quyền tự do, dân chủ thực sự.

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, pháp luật dù hoàn thiện, tiến bộ đến đâu sẽ chỉ là hình thức và trở nên vô nghĩa nếu nó không được mọi người dân tôn trọng và tuân thủ trong thực tiễn. Tư tưởng này luôn được thể hiện xuyên suốt trong các bài nói, bài viết, bài phát biểu của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Khi Người tiếp xúc với mọi lực lượng nhân dân như: đảng viên, cán bộ, bộ đội, công an, thanh niên, phụ nữ, nông dân,... việc đầu tiên Người thường yêu cầu họ phải tuyệt đối chấp hành mọi chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Người viết: “Mỗi đảng viên cần phải làm kiểu mẫu phục tùng kỷ luật, chẳng những kỷ luật của Đảng, mà cả kỷ luật của các đoàn thể nhân dân và của cơ quan chính quyền cách mạng”11. Người cũng chỉ rõ: “... nhân dân lại có nhiệm vụ giúp đỡ Chính phủ, theo đúng kỷ luật của Chính phủ và làm đúng chính sách của Chính phủ, để Chính phủ làm tròn phận sự mà nhân dân đã giao phó cho”12. Nói đến pháp luật là nói đến tính nghiêm minh, nghiêm khắc, ai cũng phải tuân theo dù người đó thuộc địa vị, giai tầng xã hội nào. Vì vậy, Người đòi hỏi tất cả mọi tổ chức và mọi người dân phải chấp hành nghiêm pháp luật, không ai được phép đứng trên hoặc đứng ngoài pháp luật. Người chỉ rõ: “Pháp luật phải thẳng tay trừng trị những kẻ bất liêm, bất kỳ kẻ ấy ở địa vị nào, làm nghề nghiệp gì”13. Hệ thống pháp luật càng đầy đủ, nghiêm minh và nhân văn, tinh thần thượng tôn pháp luật càng được đề cao đó chính là cơ sở pháp lý quan trọng để quản lý xung đột hiệu quả, là công cụ ngăn ngừa những tác động tiêu cực của xung đột xã hội và sự lợi dụng chống phá gây bất ổn xã hội của các thế lực thù địch.

Thứ ba, củng cố và mở rộng Mặt trận Dân tộc thống nhất - cơ sở xã hội để quản lý xung đột xã hội

Trong quan niệm của Hồ Chí Minh, Mặt trận Dân tộc thống nhất chính là tổ chức đại diện và phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc. Ngay từ rất sớm, khi nhà nước kiểu mới ở Việt Nam chưa ra đời, Hồ Chí Minh và Đảng ta đã sáng tạo ra nhiều hình thức mặt trận phong phú, phù hợp với từng giai đoạn cách mạng nhằm quy tụ sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc. Người khẳng định: “Trong cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân cũng như trong cách mạng xã hội chủ nghĩa, Mặt trận dân tộc thống nhất vẫn là một trong những lực lượng to lớn của cách mạng Việt Nam”14. Do đó, có thể thấy, vai trò của Mặt trận Dân tộc thống nhất chính là cơ sở xã hội để quản lý xung đột xã hội. Mặt trận Dân tộc thống nhất là tổ chức đại diện nhằm đoàn kết rộng rãi mọi người Việt Nam yêu nước, không phân biệt giai cấp, dân tộc, tôn giáo, nghề nghiệp, nam nữ, lứa tuổi... Do đó, thông qua Mặt trận, các cơ quan nhà nước từ Trung ương đến địa phương có thể lắng nghe đầy đủ, nhiều chiều tâm tư, nguyện vọng, nhu cầu, lợi ích của mọi tầng lớp nhân dân, nhất là những mâu thuẫn, bức xúc xã hội nảy sinh từ thực tiễn. Thông qua các diễn đàn của Mặt trận, những mẫu thuẫn, xung đột xã hội được phản ánh kịp thời đến các cơ quan quản lý nhà nước, từ đó có những biện pháp giải quyết kịp thời không để tồn đọng kéo dài gây bất ổn xã hội.

Mặt khác, theo Hồ Chí Minh, Đảng Cộng sản Việt Nam vừa là một thành viên của Mặt trận, vừa là lực lượng lãnh đạo Mặt trận, là linh hồn của khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Đảng lãnh đạo Mặt trận bằng chính sách Mặt trận đúng đắn, phù hợp với từng giai đoạn cách mạng; bằng vận động, giáo dục, thuyết phục, nêu gương, lấy lòng chân thành để đối xử, cảm hóa, khơi gợi tinh thần yêu nước, tự giác, tự nguyện tham gia cách mạng; bằng thực tiễn đoàn kết trong nội bộ Đảng. Sự lãnh đạo của Đảng làm cho sức mạnh đại đoàn kết trong Mặt trận được nâng lên một tầm cao mới. Tuy nhiên, vai trò lãnh đạo của Đảng đối với Mặt trận không phải tự nhiên có. Người chỉ rõ: “Đảng không thể đòi hỏi Mặt trận thừa nhận quyền lãnh đạo của mình, mà phải tỏ ra là một bộ phận trung thành nhất, hoạt động nhất và chân thực nhất. Chỉ trong đấu tranh và công tác hằng ngày, khi quần chúng rộng rãi thừa nhận chính sách đúng đắn và năng lực lãnh đạo của Đảng, thì Đảng mới giành được địa vị lãnh đạo”15. Do đó, thông qua Mặt trận Dân tộc thống nhất, Đảng tự thể hiện mình, tự chỉnh đốn mình để nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu, gia tăng niềm tin trước quần chúng. Nghĩa là, Đảng muốn trở thành lực lượng lãnh đạo xã hội phải nắm vững dân tâm, thấu hiểu dân tình, tập trung dân ý.

Về những mâu thuẫn, xung đột trong Nhân dân, Hồ Chí Minh phân tích những bộ phận khác nhau nội bộ Nhân dân, Người chỉ rõ: “Cố nhiên, dân chúng không nhất luật như nhau. Trong dân chúng, có nhiều tầng lớp khác nhau, trình độ khác nhau, ý kiến khác nhau. Có lớp tiên tiến, có lớp chừng chừng, có lớp lạc hậu”16, nên hành động của họ cũng không nhất quán, thậm chí mâu thuẫn nhau. Do đó, để giải quyết mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân, Mặt trận phải quán triệt sâu sắc nguyên tắc giáo dục, thuyết phục, tuyên truyền, vận động quần chúng; làm cho quần chúng hiểu rõ chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước để tự giác chấp hành; đối với những người lầm đường lạc lối, phải giáo dục, thuyết phục họ với tinh thần khoan dung, đại lượng, lấy lời khôn, lẽ phải, tình thân ái để cảm hoá họ, không được định kiến, cố chấp, vơ đũa cả nắm. Giải quyết mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân phải hướng tới mục đích đoàn kết, gắn bó các giai cấp, tầng lớp nhân dân, đồng bào các dân tộc, các tôn giáo, để tạo ra phong trào cách mạng sâu rộng trong quần chúng nhân dân. Khi đã có sự đoàn kết, đồng tình, ủng hộ của nhân dân thì mọi việc dù khó khăn cũng đều được giải quyết và sự nghiệp cách mạng sẽ thành công.

Điểm đặc sắc trong tổ chức và hoạt động của Mặt trận đó là lấy nguyên tắc “hiệp thương dân chủ” là nguyên tắc tối cao. Theo đó, thông qua các diễn đàn của Mặt trận, các mâu thuẫn, xung đột nảy sinh cần được trao đổi, thảo luận và đi đến thống nhất. Trên thực tế, trong kháng chiến cũng như trong xây dựng chế độ mới, nhiều vấn đề bức xúc trong nhân dân đã được phản ánh đến các cơ quan nhà nước để có những biện pháp khắc phục kịp thời. Để phòng ngừa những mâu thuẫn, xung đột tiềm ẩn trong xã hội, thì lòng nhân ái, khoan dung chân chính là phương châm ứng xử hiệu quả nhất. Đối với cả những người lầm đường lạc lối, cần có thái độ ứng xử khoan dung, chân tình, phải kiên trì giáo dục, cảm hóa, tạo điều kiện để họ trở về với con đường chính nghĩa của dân tộc. “Trong mấy triệu người cũng có người thế này thế khác, nhưng thế này hay thế khác đều dòng dõi của tổ tiên ta. Vậy nên ta phải khoan hồng đại độ. Ta phải nhận rằng đã là con Lạc cháu Hồng thì ai cũng có ít hay nhiều lòng ái quốc. Đối với những đồng bào lạc lối lầm đường, ta phải lấy tình thân ái mà cảm hóa họ”17.

Là biểu tượng, là linh hồn của Mặt trận Dân tộc thống nhất, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành phần lớn thời gian để đi cơ sở, tiếp xúc với quần chúng, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của nhân dân trên cơ sở đó đề xuất với Chính phủ những biện pháp cụ thể tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, củng cố mối quan hệ mật thiết với nhân dân. Cũng nhờ đó mà củng cố tinh thần đoàn kết trong nhân dân, làm cho nhân dân phấn khởi, tin tưởng và ủng hộ sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc của dân tộc.

Thứ tư, đề cao nghĩa vụ, trách nhiệm của người dân trong tham gia quản lý xung đột xã hội

Theo Hồ Chí Minh, quản lý xung đột xã hội là trách nhiệm và là mục đích cần hướng tới trong hoạt động của nhà nước cũng như của mỗi người dân. Người căn dặn: “Muốn đoàn kết càng chặt chẽ, tiến bộ càng mau chóng, thì mọi người phải sửa chữa khuyết điểm, phát triển ưu điểm (…) cốt lợi cho công việc chung”18. Trước hết, mỗi người dân phải có nhận thức đúng đắn: tham gia công việc chung, nhất là tham gia giải quyết xung đột xã hội chính là nhằm làm lợi cho cả cộng đồng chứ không phải vì lợi ích riêng lẻ của bất cứ cá nhân nào. Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt đề cao tinh thần tự giác, tự nguyện của các tầng lớp nhân dân. Người nói: “Phải tỏ cho mọi người biết rằng công việc là công việc chung, thiếu người ra gánh vác thì mình ra, nếu có người thay, mình sẽ nghỉ để làm việc khác, sẵn sàng nhường lại cho ai muốn làm và làm được”19. Trong những thời điểm khó khăn, thử thách “ngàn cân treo sợi tóc”, trước sự mất còn của dân tộc, việc khơi dậy tinh thần tự giác tham gia việc chung chính là biện pháp để huy động sức mạnh, nguồn lực trong dân hoàn thành thắng lợi sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc. Để tập trung tài, đức của mọi người dân, Người yêu cầu các cơ quan nhà nước từ Trung ương đến địa phương cần có thái độ “sáng suốt, khôn khéo, cẩn thận, kiên quyết, siêng năng, nhất trí” trong giáo dục và tổ chức lực lượng của quần chúng.

Theo Hồ Chí Minh, huy động quần chúng tham gia công việc chung, nhất là giải quyết xung đột không phải là việc “mạnh ai ấy làm” mà cần phải được tổ chức hết sức khoa học, chặt chẽ có tổ chức, có kỷ luật, có sự phân công, kiểm tra, giám sát, khen thưởng, phê bình thường xuyên, kịp thời. Người nói: “Nếu lúc xung phong mà người nói thế này, kẻ muốn thế khác, kèn thổi ngược, trống đánh xuôi thì còn mong gì thắng trận. Chẳng những Đoàn thể ta phải nhất trí mà quân, dân, chính cũng phải nhất trí”20. Chủ tịch Hồ Chí Minh lưu ý cần khắc phục cách làm tùy tiện, thiếu kế hoạch cụ thể, sát thực chẳng những hiệu quả không cao mà còn làm đảo lộn mọi hoạt động gây phiền nhiễu, lãng phí sức người, sức của nhà nước và người dân. Người nhiều lần cảnh báo về tình trạng: “Nơi thì mỗi một đoàn thể, mỗi một ngành đều có một kế hoạch riêng mà các kế hoạch thì không ăn khớp với nhau. Thành thử “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược”. Nhân dân thì bù đầu, không đủ sức mà theo cả các kế hoạch và không biết nên theo kế hoạch nào”21. Người phê phán cách làm tùy tiện, nhân danh lợi ích chung, công việc chung để tư túi, trục lợi dẫn đến tham nhũng, quan liêu, lãng phí… Chẳng hạn như việc làm tự tiện lập “quỹ đen” ở một số địa phương. Người chỉ rõ: “Quỹ đen là gì? Đó là một thứ quỹ riêng nằm ngoài vòng kiểm soát của Nhà nước: Thu thì dùng cách tiêu ít khai nhiều để cắt xén quỹ công. Chi thì lu bù, ù xọe. Quả là một lối làm không sáng sủa - đúng như tên gọi của nó là “quỹ đen!”22.

3. Kết luận

Mặc dù không có những tác phẩm chuyên sâu bàn về quản lý xung đột xã hội nhưng những chỉ dẫn về xây dựng Nhà nước kiểu mới, nhất là bằng thực tiễn chỉ đạo cách mạng sôi nổi và phong phú của Hồ Chí Minh chính là di sản tư tưởng vô cùng to lớn và quý giá đối với công cuộc xây dựng xã hội mới ở Việt Nam. Quán triệt sâu sắc quan điểm và nghệ thuật giải quyết xung đột xã hội của Hồ Chí Minh, trong công cuộc đổi mới hiện nay, Đảng và Nhà nước ta đã kịp thời nhận thức và chủ động đề ra nhiều chủ trương, giải pháp đúng đắn nhằm ngăn chặn, giải quyết có hiệu quả các mâu thuẫn xã hội phức tạp, nhất là mâu thuẫn, xung đột trong nội bộ nhân dân, nhằm xây dựng nước Việt Nam “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

---------

Bài đăng trên Tạp chí Thông tin Khoa học chính trị số 1 (31) - 2023

1, 16, 20 Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t.5, tr.342, 336, 91.

2, 6 Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.15, tr.672, 627.

3, 11, 18 Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.7, tr.364, 33, 113.

4, 13, 21 Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.6, tr.433, 127, 170.

5, 10, 17, 19 Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.4, tr.65, 189, 280, 52.

7 Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.10, tr.593.

8, 9 Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.11, tr.610, 404.

12 Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.9, tr.90.

14 Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.13, tr.453.

15 Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.3, tr.168.

22 Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.12, tr.446.