TS NGUYỄN QUỲNH ANH
Trường Đại học An ninh nhân dân
TS NGUYỄN THỊ HUỲNH NHƯ
Học viện Chính trị Khu vực II
(TTKHCT) - Trong tác phẩm Chủ nghĩa duy vật và chủ nghĩa kinh nghiệm phê phán, với việc phủ nhận, phê phán chủ nghĩa xét lại, V.I.Lênin đã bổ sung, phát triển lý luận nhận thức của triết học Mác, trong đó có quan điểm về vai trò của thực tiễn. Trên cơ sở quan điểm của V.I.Lênin, bài viết chỉ ra căn bệnh giáo điều, quan liêu ở Việt Nam hiện nay do không tuân thủ nguyên tắc tôn trọng thực tiễn, từ đó đề xuất một số giải pháp nhằm khắc phục những căn bệnh này.
Ảnh tư liệu
1. Quan điểm của V.I.Lênin về thực tiễn trong tác phẩm Chủ nghĩa duy vật và chủ nghĩa kinh nghiệm phê phán
Phạm trù “thực tiễn” bắt nguồn từ tiếng Hy Lạp (praktikos) với ý nghĩa là hoạt động, tính tích cực của con người. Trong lịch sử triết học trước Mác, phạm trù này đã được nhắc đến nhưng chưa thật sự cụ thể, rõ ràng và trong một chừng mực khá khiêm tốn. Ở luận đề thứ nhất của tác phẩm Luận cương về Phoiơbắc (1845), C.Mác đã nhận định: “Khuyết điểm chủ yếu của toàn bộ chủ nghĩa duy vật từ trước đến nay - kể cả chủ nghĩa duy vật của Phoiơbắc - là sự vật, hiện thực, cái cảm giác được, chỉ được nhận thức dưới hình thức khách thể hay hình thức trực quan, chứ không được nhận thức là hoạt động cảm giác của con người, là thực tiễn, không được nhận thức về mặt chủ quan”1. Chỉ đến khi triết học Mác ra đời, “thực tiễn” mới thật sự được coi là hoạt động có tính sáng tạo, cải tạo thế giới của con người.
Những năm đầu thế kỷ XX, lịch sử nước Nga có nhiều biến động, xã hội xuất hiện nhiều mâu thuẫn gay gắt. Trong triết học, xu hướng xét lại chủ nghĩa Mác, xu hướng duy tâm thần bí, chủ nghĩa hoài nghi, bất khả tri luận đã từng bước lớn mạnh và được sử dụng để “che đậy tinh thần phản cách mạng”. Những nhà triết học theo chủ nghĩa Ma-khơ toan tính “gạt bỏ thực tiễn”, cho rằng thực tiễn và lý luận dường như không có mối liên hệ quá khăng khít, “người ta có thể đặt hai cái bên cạnh nhau mà không làm cho cái trước chế ước cái sau”2. Theo Ma-khơ, “Vấn đề thường hay được tranh luận: thế giới có tồn tại thực sự không, hay chỉ là ảo tưởng của chúng ta như một giấc mơ, thì cũng như vậy. Vấn đề này chẳng có ý nghĩa gì về mặt khoa học. Giấc mơ vô lý nhất cũng vẫn là một sự kiện như mọi sự kiện khác”3.
Trước bối cảnh đó, V.I.Lênin đã viết tác phẩm Chủ nghĩa duy vật và chủ nghĩa kinh nghiệm phê phán, tác phẩm này được hoàn thiện năm 1908 và xuất bản năm 1909. Đây là công trình triết học mang phong cách bút chiến, đã phê phán mạnh mẽ các quan điểm duy tâm tư sản và chủ nghĩa xét lại trong triết học trên cơ sở phát triển một cách sáng tạo học thuyết của C.Mác và Ph.Ăngghen. Một trong nội dung quan trọng được V.I.Lênin tập trung phân tích ở ba chương đầu của tác phẩm là lý luận nhận thức, trong đó vấn đề thực tiễn và vai trò của thực tiễn được đặc biệt coi trọng.
Trong tác phẩm này, V.I.Lênin đã xem xét phạm trù thực tiễn với tư cách là hoạt động chủ động, mang tính sáng tạo của con người, là tiêu chuẩn của nhận thức chân lý và đấu tranh không khoan nhượng với phái Ma-khơ. V.I.Lênin khẳng định: Lập luận của Ma-khơ là một sự ngụy biện, thậm chí ngụy biện “tồi tệ” khi lẫn lộn giữa việc nghiên cứu về mặt lịch sử - khoa học và về mặt tâm lý học. Ma-khơ đã đánh đồng mọi vấn đề, ngay cả những vấn đề có nội dung hoàn toàn đối lập với nhau vào làm một. Theo cách tiếp cận này, chân lý và sai lầm, nhận thức luận duy vật và nhận thực luận duy tâm đều chỉ là những sự kiện “không có ý nghĩa gì về mặt khoa học”4. Ma-khơ thậm chí đã viện dẫn cả “tính ích kỷ” để cho rằng trong lý luận, không nên giữ rịt lấy quan điểm về thực tiễn. Theo V.I.Lênin, trong nhận thức luận, tính ích kỷ không liên quan gì hết, sự thú nhận của Ma-khơ đã càng chứng tỏ mưu toan “lẩn tránh” và khuynh hướng kinh viện, duy tâm chủ nghĩa gượng gạo. Chỗ hiểm yếu, sơ hở nhất của chủ nghĩa Ma-khơ khi cho “biểu tượng cảm tính cũng là hiện thực tồn tại ở ngoài chúng ta” đã bị V.I.Lênin vạch trần bằng nhận xét hết sức đơn giản, đó là dù họ “thóa mạ chủ nghĩa duy vật về mặt khoa học để rồi sau đó ngồi vào bàn ăn, lại thực hành một chủ nghĩa duy vật theo cái nghĩa thô tục nhất”5.
Sau khi chứng minh sự phản khoa học, ngụy biện, dối trá trong lý luận của chủ nghĩa Ma-khơ khi bàn về phạm trù thực tiễn, V.I.Lênin đã đưa ra quan điểm nổi tiếng về vai trò của thực tiễn, đó là: “Quan điểm về đời sống, về thực tiễn, phải là quan điểm thứ nhất và cơ bản của lý luận về nhận thức”6. Quan điểm này đã phản ánh toàn bộ nội dung, lập trường của chủ nghĩa duy vật biện chứng về tiêu chuẩn thực tiễn đối với lý luận nhận thức. Thực tiễn là cơ sở, động lực, mục đích của nhận thức. Chính nhu cầu giải thích, cải tạo thế giới khiến con người tiến hành hoạt động thực tiễn và cũng chính hoạt động thực tiễn khiến thế giới trong con mắt của con người đã không còn bí ẩn nữa. Bản chất, mối liên hệ, những quy luật của thế giới đã bị hoạt động thực tiễn buộc phải hiện diện để con người nhận thức. Không chỉ như vậy, thực tiễn còn thôi thúc, đặt ra nhiệm vụ, cách thức nhận thức, đồng thời khiến các giác quan, năng lực nhận thức của con người ngày càng hoàn thiện. Kế tiếp đó, những kết quả đạt được trong quá trình nhận thức của con người cũng cần được kiểm nghiệm bằng hoạt động thực tiễn. Ở đây, thực tiễn chính là thước đo tính đúng đắn của tri thức, đồng thời buộc con người phải tự điều chỉnh, bổ sung tri thức của bản thân cho phù hợp với thực tiễn. Có thể nói thực tiễn chính là điểm xuất phát và là điểm quay về của nhận thức, lý luận, tạo điều kiện để nhận thức, lý luận không ngừng vận động, phát triển lên một trình độ cao hơn.
2. Vận dụng quan điểm của V.I.Lênin về thực tiễn trong tác phẩm Chủ nghĩa duy vật và chủ nghĩa kinh nghiệm phê phán trong đấu tranh chống bệnh quan liêu, giáo điều ở Việt Nam hiện nay
Quan điểm về vai trò của thực tiễn, cũng như phương pháp mà V.I.Lênin sử dụng trong việc đấu tranh chống lại phái Ma-khơ đã đặt ra một nguyên tắc phương pháp luận: con người phải tôn trọng thực tiễn, dựa trên cơ sở của thực tiễn để nhận thức và hành động. Nguyên tắc thực tiễn đòi hỏi lý luận và thực tiễn phải gắn chặt với nhau, học đi đôi với hành. Quán triệt điều này, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhấn mạnh việc lý luận gắn liền với thực tiễn, học gắn liền với hành: “Thực tiễn không có lý luận hướng dẫn thì thành thực tiễn mù quáng. Lý luận mà không liên hệ với thực tiễn là lý luận suông”7; “Học để làm việc, làm người, làm cán bộ/ Học để phụng sự đoàn thể, giai cấp và nhân dân, Tổ quốc và nhân loại”8. Theo Người, việc coi trọng, cường điệu lý luận, xem nhẹ thực tiễn, tách rời lý luận khỏi thực tiễn sẽ khiến con người rơi vào giáo điều, quan liêu. Giáo điều thể hiện ở việc hiểu biết lý luận một cách phiến diện, hời hợt, máy móc, nhận thức và vận dụng lý luận theo kiểu cắt xén, “tầm chương, trích cú”, lý luận thì hay nhưng không biết vận dụng vào thực tiễn. Quan liêu là sự xa rời thực tế, lý luận suông “không đi sâu đi sát phong trào, không nắm được tình hình cụ thể của ngành hoặc của địa phương mình, không gần gũi quần chúng và học hỏi kinh nghiệm của quần chúng. Thích ngồi bàn giấy hơn là đi xuống cơ sở để hiểu đúng thực tế, kiểm tra việc thi hành chính sách, lắng nghe ý kiến của nhân dân. Thích dùng mệnh lệnh hành chính hơn là kiên nhẫn giáo dục quần chúng một cách có lý, có tình”9.
Ở Việt Nam, bệnh giáo điều, quan liêu đã tồn tại khá rõ nét ở giai đoạn trước đổi mới và là một trong những nguyên nhân đưa nước ta vào tình trạng khủng hoảng kinh tế - xã hội. Trong gần 40 năm qua, Việt Nam đã tiến hành đổi mới toàn diện đất nước và đạt được những thành tựu nhất định. Tuy vậy, trên phương diện tư duy, bệnh giáo điều, quan liêu chưa bị thủ tiêu hoàn toàn mà vẫn tồn tại. Một số nơi vẫn còn tình trạng sự lãnh đạo của Đảng biến thành sự quản lý hành chính, lãnh đạo chung chung, xa rời thực tế. Bộ máy Nhà nước còn cồng kềnh, nhiều tầng nấc, hội họp nhiều mà ít hiệu quả, thủ tục hành chính còn nhiêu khê, phức tạp. Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên lý luận suông, làm việc nặng về giấy tờ mà không sâu sát thực tiễn.
Trên cơ sở lý luận về thực tiễn trong tác phẩm Chủ nghĩa duy vật và chủ nghĩa kinh nghiệm phê phán, chúng ta cần kiên quyết đấu tranh, khắc phục bệnh giáo điều, quan liêu, trong đó tập trung vào các phương diện sau:
Thứ nhất, tăng cường việc giáo dục, nâng cao trình độ lý luận cho cán bộ, đảng viên về vai trò của thực tiễn; đẩy mạnh việc quán triệt thực hiện nguyên tắc học đi đôi với hành, lý luận gắn liền với thực tiễn. Những ai rơi vào giáo điều, quan liêu là những người chưa nắm chắc lý luận, chưa nhận thức đúng đắn lý luận và vai trò của lý luận, từ đó vận dụng một cách hời hợt. Để khắc phục căn bệnh này, các cấp ủy đảng, chính quyền cần phải đẩy mạnh việc giáo dục, nâng cao trình độ lý luận cho cán bộ, đảng viên để họ hiểu đúng, chính xác về mối quan hệ giữa lý luận với thực tiễn và vai trò của thực tiễn. Việc làm này phải được tiến hành một cách thường xuyên, liên tục với nhiều hình thức, biện pháp sinh động, linh hoạt, đồng thời phải đẩy mạnh tính thực tiễn. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn: “phải học tinh thần của chủ nghĩa Mác - Lênin, học lập trường, quan điểm và phương pháp của chủ nghĩa Mác - Lênin để áp dụng lập trường, quan điểm và phương pháp ấy mà giải quyết những vấn đề thực tế trong công tác cách mạng của chúng ta”10. Bởi vậy, mỗi cán bộ, đảng viên phải biết liên hệ lý luận chặt chẽ với thực tiễn công tác; phải biết vận dụng lý luận vào giải quyết những trường hợp cụ thể để kịp thời điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp, kiên quyết tránh tình trạng máy móc, mệnh lệnh hành chính.
Thứ hai, xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên có năng lực, phẩm chất, có tác phong quần chúng, đi sâu, đi sát với cơ sở; phát huy dân chủ, tuyên truyền để nhân dân đấu tranh chống bệnh giáo điều, quan liêu. Giáo điều, quan liêu khiến cán bộ, đảng viên vừa có tư duy máy móc, chỉ biết đến lý luận mà coi thường, xem nhẹ thực tiễn, xa rời đời sống của nhân dân. Vì vậy, chúng ta cũng cần phải xây dựng được đội ngũ cán bộ, đảng viên có đức, có tài, có tâm và có tầm, có tác phong gần gũi quần chúng. Việc tuyển chọn, đào tạo, bổ nhiệm phải công khai, có tiêu chí rõ ràng, chấm dứt ngay tình trạng nể nang, bè cánh, dẫn đến tuyển chọn, bố trí tùy tiện, mang nặng tính áp đặt từ trên xuống; cần chú ý tạo điều kiện cho những cán bộ giỏi, có phẩm chất và loại trừ ra khỏi hàng ngũ những cán bộ yếu kém về năng lực và phẩm chất. Ngoài ra, đối với cán bộ, đảng viên, việc hiểu đường lối, chủ trương, chính sách là điều quan trọng, nhưng quan trọng hơn là phải làm cho đông đảo quần chúng hiểu, tổ chức cho quần chúng thực hiện đúng và hiệu quả. Do đó, cán bộ phải luôn sâu sát thực tiễn, gần gũi và gắn bó mật thiết với quần chúng để rèn luyện, điều chỉnh tác phong, phương pháp làm việc; phải luôn luôn chống thói làm việc tùy tiện, chủ quan, coi thường quần chúng. Mặt khác, việc đấu tranh chống những căn bệnh do sai lầm trong tư duy gây ra và tác hại của nó, trong đó có giáo điều, quan liêu chỉ hiệu quả khi có sự tham gia thật sự tích cực và có trách nhiệm của nhân dân. Muốn vậy, các cấp ủy đảng và chính quyền các cấp cần tuân thủ nghiêm chỉnh phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”; tuyên truyền, tạo mọi điều kiện để nhân dân nắm được bản chất, những biểu hiện và sự nguy hiểm của bệnh giáo điều, quan liêu; qua đó, tăng cường vai trò giám sát của người dân và các phương tiện thông tin đại chúng, góp phần tạo lập sự kiểm soát quyền lực từ phía xã hội thông qua sức ép của dư luận để chống các biểu hiệu giáo điều, quan liêu.
Thứ ba, đẩy mạnh việc phê bình và tự phê bình; tạo điều kiện để xây dựng các hệ thống phản biện xã hội nhằm đấu tranh với bệnh giáo điều, quan liêu. Phê bình và tự phê bình là một cách thức để nội bộ cơ quan, đơn vị, tập thể có thể chỉ ra ưu khuyết điểm của nội bộ mình, từ đó có phương hướng sửa chữa, khắc phục. Bệnh giáo điều, quan liêu không khó nhận diện, song trên thực tế nó lại diễn ra hằng ngày khiến cán bộ, đảng viên dễ lơ là, mất cảnh giác. Do đó, nếu các cơ quan, đơn vị tăng cường phê bình và tự phê bình trên tinh thần xây dựng, giúp nhau cùng tiến bộ sẽ có tác dụng to lớn trong phòng ngừa, khắc phục. Bên cạnh đó, các cấp ủy đảng, chính quyền cần tạo điều kiện để xây dựng các hệ thống phản biện xã hội nhằm đấu tranh với bệnh giáo điều, quan liêu. Hệ thống này bao gồm sự phản biện từ cử tri thông qua đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân, từ việc lấy ý kiến của đông đảo nhân dân, từ các kênh báo chí, truyền thông, dư luận xã hội, v.v. Trong điều kiện phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa ở nước ta hiện nay, thì hệ thống phản biện xã hội có ý nghĩa khá quan trọng, tích cực trong phòng ngừa và khắc phục các căn bệnh này. Đây là cách thức góp phần phát hiện và phòng ngừa các sai lầm khi mới “thai nghén”. Nó đảm bảo cho mỗi quyết định của các cấp chính quyền trước khi ban hành phải có sự cọ xát với các ý kiến trái chiều, từ đó phát hiện ra các sai sót khi ở dạng dự thảo, hạn chế được sai lầm ở khâu tổ chức thực hiện và vì thế tránh được tổn thất.
Thứ tư, cải cách cơ chế làm việc, tăng cường kiểm tra, giám sát, phòng ngừa và xử lý những cán bộ giáo điều, quan liêu. Cải cách cơ chế làm việc của bộ máy đảng, nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội phải hướng tới việc nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của các bộ máy này; phân định rõ và cụ thể mối quan hệ giữa sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước và làm chủ của nhân dân; đẩy mạnh việc công khai hóa, minh bạch trong toàn xã hội, đặc biệt là minh bạch hóa trong hoạt động quản lý của nhà nước, qua đó loại trừ những thủ tục phiền hà, những nguyên nhân dẫn đến tới cán bộ giáo điều, máy móc, quan liêu, sách nhiễu dân. Ngoài ra, để phòng, chống giáo điều, quan liêu hiệu quả, công tác kiểm tra, giám sát phải được coi trọng và tiến hành thường xuyên, liên tục; Đảng và Nhà nước cần phải xây dựng một hệ thống giám sát đồng bộ, liên thông, có khả năng kiểm tra, giám sát lẫn nhau. Khi phát hiện có hiện tượng giáo điều, quan liêu, các cơ quan có thẩm quyền phải kịp thời phê bình, xử lý nghiêm minh bất kể cán bộ vi phạm đó là ai, ở vị trí nào, khắc phục hiện tượng “vị nể”, “giơ cao, đánh nhẹ”; có hình thức phê bình, xử lý thích đáng không những đối với những cán bộ, đảng viên giáo điều, quan liêu mà cả đối với những cán bộ, đảng viên không kiên quyết đấu tranh với chúng.
Tóm lại, một trong những đóng góp mang tính bước ngoặt trong lĩnh vực triết học do C.Mác, Ph.Ăngghen khởi xướng là lý luận về thực tiễn và vai trò của thực tiễn đối với nhận thức. Đây cũng chính là nội dung mà phái Ma-khơ tìm mọi cách bác bỏ, phủ nhận và giải thích một cách sai lệch bản chất khoa học của nó. Với tác phẩm Chủ nghĩa duy vật và chủ nghĩa kinh nghiệm phê phán, V.I.Lênin đã đưa ra những lập luận vững chắc để bảo vệ triết học Mác, đồng thời làm sáng rõ hơn vai trò của thực tiễn. Theo V.I.Lênin, thực tiễn tồn tại với tư cách là quan điểm thứ nhất và cơ bản của lý luận về nhận thức. Quán triệt quan điểm này ở Việt Nam có ý nghĩa quan trọng để giúp chúng ta nhận diện, khắc phục bệnh giáo điều, quan liêu, từ đó đưa sự nghiệp cách mạng đi đến thắng lợi.
---------
Bài viết được đăng trên Tạp chí Thông tin khoa học chính trị số 3 (39) - 2024
1 C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 1995, t.3, tr.9.
2, 3, 4, 5, 6 V.I.Lênin: Toàn tập, , Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2005, t.18, tr.163, 163, 162, 167, 167.
7, 10 Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t.11, tr.95, 95.
8 Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.6, tr.208.
9 Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.14, tr.29.