TS BÙI NGỌC HIỀN
Học viện Cán bộ Thành phố Hồ Chí Minh
(TTKHCT) - Xây dựng chính phủ số đã trở thành xu hướng chính sách của các quốc gia, được coi là phương thức duy nhất để Nhà nước tồn tại và thực hiện vai trò, sứ mệnh của mình trong kỷ nguyên số. Ở Việt Nam, chính phủ số được xác định là một trong ba trụ cột của chuyển đổi số quốc gia. Trên cơ sở tổng thuật các công trình nghiên cứu liên quan, bài viết chỉ ra lợi ích, sự cần thiết và đưa ra các khuyến nghị cho Việt Nam trong tiến trình xây dựng chính phủ số.
Bộ máy công quyền sẽ chuyển sang hoạt động trên môi trường số. Ảnh minh họa (Nguồn: chinhquyenso.hochiminhcity.gov.vn)
Chính phủ số là khái niệm chỉ phương thức hoạt động của chính phủ (rộng ra là toàn bộ các cơ quan công quyền) dựa trên việc ứng dụng các công nghệ số, giải pháp thông minh trong các hoạt động quản trị của mình trên môi trường số. Nhìn nhận ở góc độ thực tiễn hơn, khái niệm chính phủ số được sử dụng để nói về một chính phủ (hay một chính quyền) hoạt động hiệu lực, hiệu quả chủ yếu dựa vào việc ứng dụng công nghệ số, các giải pháp thông minh; tương tác, lắng nghe hiệu quả, nhịp nhàng với người dân và doanh nghiệp; đổi mới mô hình hoạt động, thay đổi cách thức cung cấp dịch vụ dựa trên công nghệ số và dữ liệu, cho phép doanh nghiệp cùng tham gia vào quá trình cung cấp dịch vụ.
1. Quan niệm về xây dựng chính phủ số
Về mặt thực tiễn, xây dựng chính phủ số là quá trình chuyển đổi số các hoạt động của Chính phủ, hướng tới tổ chức song song các hoạt động của Chính phủ nói chung và từng cơ quan, đơn vị của Chính phủ nói riêng trên cả môi trường thực và môi trường số. Theo United Nations (2022), cách duy nhất để Chính phủ có thể tồn tại trong kỷ nguyên số là chấp nhận sự thay đổi và tạo ra một nền văn hóa đổi mới, trong đó mọi người và các tổ chức thử nghiệm, học hỏi và phát triển. Phải có cam kết duy trì lộ trình và sẵn sàng chống lại các thế lực hoặc áp lực bên ngoài đang tìm cách làm suy yếu quá trình chuyển đổi số. Các chính phủ phải phá vỡ các rào cản phân chia các hệ thống công nghệ thông tin để cải thiện sự hợp tác giữa các bộ phận và đạt được sự tích hợp và phát triển kỹ thuật số tối ưu. Văn hóa của khu vực công cần thay đổi, ưu tiên tăng tính linh hoạt và năng suất cho nhân sự Chính phủ, chính quyền các cấp cũng như cải thiện các phương pháp tiếp cận và kết quả lấy người dùng làm trung tâm.
Chuyển đổi số trong khu vực công cũng có nghĩa là những cách làm việc mới với các bên liên quan, xây dựng các khuôn khổ cung cấp dịch vụ mới và tạo ra các hình thức quan hệ mới. Tuy nhiên, ngoài các báo cáo tư vấn sẵn có, có rất ít bằng chứng thực nghiệm có hệ thống về cách mà các cơ quan Chính phủ hiện đang xác định chuyển đổi số trong thực tiễn hằng ngày của họ, cách họ tiếp cận các dự án chuyển đổi số và kết quả mong đợi là gì. Hơn nữa, các công trình hiện có đã tập trung vào chính quyền Trung ương; chuyển đổi số trong chính quyền địa phương là một lĩnh vực chưa được khám phá. Mặc dù, các đô thị có sự tiếp xúc trực tiếp hàng ngày với công dân, trong khi việc áp dụng các công nghệ số còn khá chậm.
Theo Xiao, J. và cộng sự, có nhiều định nghĩa về chuyển đổi số trong hành chính công, mỗi định nghĩa lại quan tâm đến một khía cạnh khác nhau của chuyển đổi số. Nghiên cứu của các tác giả tìm hiểu chuyển đổi số từ góc độ đổi mới kỹ thuật số. Lý do chuyển đổi số là về đổi mới và khái niệm chuyển đổi số thường được sử dụng thay thế cho khái niệm đổi mới kỹ thuật số. Còn Luis F. Luna-Reyes và J. Ramon Gil-Garcia quan tâm đến các động lực chính dẫn đến chuyển đổi số trong Chính phủ, chính quyền địa phương. Các nghiên cứu trước đây về chuyển đổi số trong Chính phủ (xây dựng chính phủ số) được chia thành 03 loại:
(1) Xây dựng chính phủ số dựa trên công nghệ. Các học giả theo hướng nghiên cứu này nhấn mạnh công nghệ là động lực chính trong quá trình chuyển đổi số các hoạt động của Chính phủ. Một số tác giả xác nhận công nghệ số là yếu tố quyết định chuyển đổi số trong Chính phủ. Công nghệ số được sử dụng để đối phó với áp lực và tham gia vào các hình thức xây dựng chính phủ số khác nhau trong từng giai đoạn phát triển của Chính phủ. Các nghiên cứu khác cho rằng điện toán đám mây, dữ liệu lớn và trí tuệ nhân tạo đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy xây dựng chính phủ số.
(2) Xây dựng chính phủ số dựa trên xã hội. Các tác giả theo mạch nghiên cứu này kiểm chứng cách các tổ chức sử dụng công nghệ để đáp ứng với những thay đổi môi trường được nhận thức. Họ cho rằng các đặc điểm, bối cảnh và thể chế của tổ chức tác động đến các ứng dụng công nghệ. Sự thành công trong xây dựng chính phủ số đòi hỏi những thay đổi cơ bản trong quy trình của Chính phủ, kiến thức kỹ thuật số của nhân viên, chính sách và lãnh đạo. Các nghiên cứu nhận định hình thức tổ chức, áp lực thể chế, các yếu tố tổ chức, các nhà quản lý biết về yêu cầu chuyển đổi số và sự hợp tác của các bên liên quan khác nhau đã tác động đáng kể đến xây dựng chính phủ số. Bên cạnh đó, văn hóa số, khả năng tương tác, kỹ năng số của nhân viên và mua sắm công nghệ là những yếu tố thành công trong quá trình xây dựng chính quyền số của chính quyền địa phương.
(3) Xây dựng xã hội dựa trên công nghệ xã hội. Ở hướng nghiên cứu này, các tác giả nhấn mạnh vai trò của yếu tố xã hội và công nghệ trong xây dựng chính phủ số. Theo Yiwei Gong và cộng sự, tính linh hoạt của Chính phủ trong việc tiếp cận xây dựng chính phủ số và nhận thấy rằng tính linh hoạt có thể được hỗ trợ bởi công nghệ hoặc chính sách, tùy thuộc vào từng giai đoạn và các yếu tố tổ chức có liên quan. Nghiên cứu xem xét các yếu tố bên trong và bên ngoài ảnh hưởng đến xây dựng chính phủ số. Các động lực bên ngoài như thay đổi công nghệ, áp lực môi trường và nghĩa vụ pháp lý… có tác động đáng kể hơn.
Như vậy, xây dựng chính phủ số, chính quyền số là phương thức duy nhất để Chính phủ cũng như từng cơ quan, từng cấp chính quyền tồn tại và thực hiện vai trò, sứ mệnh của mình trong kỷ nguyên số. Nó được hiểu là quá trình các chính phủ từng bước chuyển đổi phương thức tác nghiệp của mình lên môi trường số. Xét về thực tiễn, xây dựng chính phủ số, chính quyền số là quá trình chuẩn bị, xây dựng các yếu tố, điều kiện để hình thành và vận hành chính phủ số, chính quyền số. Quá trình này đòi hỏi phải được tiến hành theo lộ trình, giải pháp phù hợp cùng với việc thỏa đáp nguồn lực cụ thể. Song, để xây dựng chính phủ số, chính quyền số một cách hiệu quả, cần có cách tiếp cận hệ thống, khoa học; có tầm nhìn, quyết tâm chính trị cùng với lộ trình, giải pháp phù hợp với điều kiện thực tiễn của mỗi quốc gia, mỗi địa phương cụ thể.
2. Lợi ích của việc xây dựng chính phủ số
Xây dựng chính phủ số có thể hỗ trợ các mục tiêu phát triển bền vững theo nhiều hướng. Theo M Meyerhoff Nielsen (2016), xây dựng chính phủ số làm giảm gánh nặng hành chính, tăng năng suất, đạt được năng suất cao hơn và tạo điều kiện thuận lợi cho việc tuân thủ các mục tiêu phát triển bền vững. Hơn nữa, việc sử dụng hiệu quả công nghệ với các quy trình và tái cấu trúc tổ chức hiệu quả cũng mang lại việc làm, tăng trưởng kinh tế - xã hội bền vững toàn diện và minh bạch.
Chính phủ số, chính quyền số mang lại nhiều lợi ích cho các bên liên quan. Các sáng kiến của chính phủ số, chính quyền số có khả năng làm cho các dịch vụ của Chính phủ, chính quyền trở nên có giá trị hơn đối với người dân, doanh nghiệp. Các cơ quan của Chính phủ, chính quyền địa phương sử dụng các ứng dụng chính phủ số để hỗ trợ hoạch định chính sách tốt hơn và cung cấp dịch vụ công hiệu quả trên nhiều lĩnh vực như y tế, giáo dục, an ninh lương thực và dinh dưỡng, việc làm, trật tự an toàn xã hội, quản lý thuế và quy trình thực thi pháp luật.
Xây dựng và vận hành chính phủ số, chính quyền số giúp cải thiện chất lượng chính sách công. Các chính sách công được các cơ quan có thẩm quyền nghiên cứu, phân tích, dự báo dựa trên các dữ liệu thực tế được thu thập, xử lý qua công nghệ số và các giải pháp thông minh, theo xu hướng từ số hóa đến dữ liệu hóa. Bên cạnh đó, thông qua chính phủ số, chính quyền số, người dân, doanh nghiệp tham gia vào quá trình hoạch định chính sách công thông qua các hoạt động tham vấn chính sách của mình trên các nền tảng công nghệ số.
Chính phủ số, chính quyền số có thể đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng các thể chế hiệu quả, toàn diện và có trách nhiệm giải trình để hỗ trợ hoạch định chính sách và cung cấp dịch vụ cho mục tiêu phát triển bền vững. Chính phủ số cung cấp dịch vụ công nhanh chóng, hiệu quả và công bằng cho tất cả mọi người, xây dựng lòng tin của công chúng và đảm bảo tính minh bạch, sự tham gia và hợp tác trong quá trình phát triển. Đồng quan điểm này, Michael Grimsley và Anthony Meehan cho rằng, chính phủ số, chính quyền số giúp đạt được niềm tin vào Chính phủ, hòa nhập xã hội, tái tạo cộng đồng, hạnh phúc và bền vững. Do đó, chính phủ số, chính quyền số là một ví dụ rõ ràng về cách xã hội đang chuyển đổi với những đổi mới kỹ thuật số.
Bên cạnh đó, chính phủ số có tiềm năng mang lại lợi ích to lớn cho người dân, cho phép cung cấp các dịch vụ công kịp thời, cá nhân hóa và tiết kiệm chi phí hơn. Để tận dụng tối đa những cơ hội thú vị này và thực sự lấy công dân làm trung tâm, các chính phủ cần tái tạo lại lực lượng lao động của họ - loại bỏ những cách làm việc lỗi thời, đào tạo các nhà lãnh đạo kỹ thuật số, đầu tư vào các kỹ năng số, tạo dựng quan hệ đối tác mới và nuôi dưỡng nền văn hóa mới coi trọng sự sáng tạo và thử nghiệm. Trong trạng thái kỹ thuật số mới, nhân viên Chính phủ sẽ định hình sự nghiệp thú vị, thỏa mãn được đặc trưng bởi việc học hỏi liên tục và mục đích chung để phục vụ người dân và doanh nghiệp.
Trên thực tế, để các đổi mới kỹ thuật số “thực sự biến khu vực công thành một công cụ phát triển bền vững, hiệu quả trong cung cấp dịch vụ cũng phải đi đôi với công bằng xã hội và đảm bảo rằng mọi người dân đều có thể tiếp cận các dịch vụ có chất lượng”. Điều này nhấn mạnh tầm quan trọng của chất lượng dịch vụ công để đạt được sự phát triển bền vững mà chính phủ số, chính quyền số là một giải pháp nâng cao chất lượng dịch vụ công trong kỷ nguyên số.
Bằng việc ứng dụng công nghệ số và các giải pháp thông minh, xây dựng chính phủ số giúp Chính phủ phản ứng nhanh hơn, có trách nhiệm hơn, nhanh và hiệu quả hơn. Xây dựng chính phủ số không chỉ là nâng cao hiệu quả thực hiện quy trình, giải quyết thủ tục trong các cơ quan Chính phủ mà nó cũng đóng một vai trò quan trọng trong việc tăng cường cung cấp dịch vụ công và cơ hội tham gia của cộng đồng. Mang đến cho cư dân cơ hội tham vấn, đóng góp cũng như cộng tác trong các hoạt động quản trị của Chính phủ, qua đó, tạo ra cảm giác tin tưởng hơn của công chúng và đáp ứng ngày càng nhiều hơn nhu cầu của người dân, doanh nghiệp.
Thiết lập và duy trì một hệ thống năng động phục vụ tất cả các tầng lớp Nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp là một thách thức lớn đối với các chính phủ. Mặc dù các doanh nghiệp tư nhân đã chủ động hơn trong chuyển đổi số, nhưng các cơ quan Chính phủ sẽ thu được những lợi ích đáng kể nhất từ việc tích hợp kỹ thuật số toàn diện, do quy mô và phạm vi hoạt động rộng lớn cũng như nhu cầu về tốc độ, hiệu quả trong việc cung cấp các dịch vụ thiết yếu cho người dân, doanh nghiệp ngày càng tăng. Thiết kế và triển khai các hệ thống chính phủ số, chính quyền số là một quá trình phức tạp, trong khi công nghệ số là thành tố quan trọng nhưng các yếu tố như văn hóa và tâm lý; năng lực và khả năng phát triển; truy cập và kết nối dữ liệu; quyền riêng tư và bảo mật dữ liệu; khả năng làm việc lặp đi lặp lại và thích ứng nhanh; kết nối và hợp tác với các bên liên quan cũng cần thiết và không kém phần quan trọng.
Số hóa tạo điều kiện cho sự tham gia của công chúng vào quản trị của Chính phủ. Các chính phủ phải tìm ra những cách thức mới để trao quyền cho các công dân, thu hút họ tham gia vào các cuộc thảo luận và quyết định về phát triển quốc gia, địa phương. Việc cung cấp dữ liệu mở của Chính phủ làm tăng tính minh bạch, trách nhiệm giải trình, đồng thời, tạo ra các ứng dụng có thể truy cập và các nền tảng số sẽ khuyến khích sự tham gia của cộng đồng. Các chính phủ cần công khai các giải pháp này không chỉ trong thời kỳ khủng hoảng như đại dịch Covid-19 mà là triển khai một cách liên tục, bền vững, hướng tới tạo lập những phương thức linh hoạt, hiệu quả để thu hút sự tham gia của công chúng vào các hoạt động quản trị quốc gia trong bối cảnh phát triển mới.
3. Sự cần thiết phải xây dựng chính phủ số
Theo Alexandros Bousdekis và Dimitris Kardaras, do các cộng đồng đang cạnh tranh để giành được cư dân của tương lai, điều quan trọng đối với chính quyền địa phương là xem xét kỳ vọng của những cư dân tương lai đó cũng như những cư dân hiện tại. Ngày nay, 89% người lớn sử dụng Internet nên những kỳ vọng về những gì có thể đạt được trực tuyến đang thay đổi đáng kể. Người dân, doanh nghiệp mong đợi chính quyền cung cấp cùng mức độ tùy chọn tự phục vụ như cộng đồng doanh nghiệp đang cung cấp. Các tùy chọn này bao gồm thanh toán trực tuyến, gửi biểu mẫu kỹ thuật số, chấp nhận và phê duyệt trực tuyến cũng như truy xuất hồ sơ dễ dàng... Tiến thêm một bước nữa, hồ sơ kỹ thuật số cung cấp khả năng phân tích có thể cung cấp thông tin cho mọi người trước khi họ cần hoặc yêu cầu. Mức độ dịch vụ chủ động này là điều mà thế hệ cư dân tiếp theo sẽ mong đợi phổ biến. Những yêu cầu này không thể đạt được nếu không chuyển đổi số trong khu vực công.
Trong bối cảnh phát triển mới, những thay đổi trong giao tiếp, tổ chức và nhu cầu của các chủ thể trong xã hội thay đổi nhanh hơn bao giờ hết. Từ cách làm việc cho đến việc sử dụng các dịch vụ nhằm thỏa mãn các nhu cầu của mình, công nghệ số đang tác động mạnh mẽ và tạo ra các kiểu hành vi mới trong xã hội. Điều này mang lại những thách thức và yêu cầu mới cho tất cả các chủ thể, trong đó có các nhà nước (trung tâm là Chính phủ). Theo Ernst và Young, trong kỷ nguyên số, chỉ các công nghệ số mới có phạm vi tiếp cận và hiệu quả cần thiết để các chính phủ thành công. Việc xây dựng chính phủ số đồng nghĩa với việc tạo ra môi trường làm việc tốt hơn cho Chính phủ (rộng ra là toàn bộ các cơ quan nhà nước), cộng đồng doanh nghiệp và người dân trong kỷ nguyên số.
Theo PwC, tương lai của chính phủ số là kỳ vọng của người dân đang được định hình bởi trải nghiệm của họ trên mọi lĩnh vực, từ các hoạt động bán lẻ đến các hoạt động nghiên cứu. Các chính phủ ở Ca-ri-bê đang nỗ lực đáp ứng kỳ vọng của người dân về các dịch vụ số dễ dàng, an toàn và nhanh chóng. Đồng thời, các chính phủ cũng phải quan tâm giải quyết những thách thức phức tạp như thảm họa thiên tai, tính hiệu quả và minh bạch trong các hoạt động quản trị của mình cũng như các biện pháp thúc đẩy khu vực tư nhân phát triển. Trên cơ sở phân tích các xu hướng toàn cầu, PwC chỉ ra rằng các chính phủ trong khu vực Ca-ri-bê có thể vượt qua những thách thức này bằng cách kết hợp số hóa với đặc trưng của văn hóa địa phương. Theo quan điểm của tác giả, khuyến nghị này có giá trị tham khảo đối với các quốc gia trong tiến trình xây dựng chính phủ số.
Hiệu quả và chất lượng cung cấp dịch vụ công phụ thuộc phần lớn vào năng lực của chính quyền địa phương trong việc áp dụng cơ cấu và quy trình, thủ tục hành chính đối với môi trường thay đổi nhanh chóng và nhu cầu ngày càng cao của người dân. Các chính quyền địa phương trên khắp châu Âu đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi nhiều làn sóng khủng hoảng khác nhau, chẳng hạn như khủng hoảng tài chính toàn cầu, chính sách thắt lưng buộc bụng, khủng hoảng người tị nạn và gần đây nhất là đại dịch COVID-19. Do đó, khuyến nghị coi xây dựng chính phủ số, chính quyền số là giải pháp trọng tâm để các chính phủ vượt qua khủng hoảng, đổi mới và phát triển trong kỷ nguyên số cần được coi là khuyến nghị có giá trị và mang tính cấp bách.
4. Hàm ý chính sách đối với tiến trình xây dựng chính phủ số ở Việt Nam
(1) Đổi mới và nâng cao hiệu quả truyền thông chính sách để thống nhất nhận thức về lợi ích của việc xây dựng chính phủ số; về quyền lợi và trách nhiệm của các bên liên quan trong xây dựng chính phủ số, chính quyền số… trong toàn hệ thống chính trị, các tầng lớp Nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp cũng như các bên liên quan khác.
(2) Xác lập ưu tiên chính sách của quốc gia đối với việc xây dựng chính phủ số, chính quyền số để làm động lực thúc đẩy phát triển kinh tế số, xã hội số; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, chủ động quản lý, phát triển bền vững trong kỷ nguyên số.
(3) Đầu tư phát triển hạ tầng số hiện đại đảm bảo đáp ứng yêu cầu của tiến trình xây dựng, phát triển chính phủ số, kinh tế số, xã hội số. Nhà nước nên cài đặt cơ chế ưu tiên trong đầu tư phát triển hạ tầng số để thúc đẩy chuyển đổi số rộng khắp, góp phần thúc đẩy tiến trình xây dựng chính phủ số nhanh và hiệu quả hơn.
(4) Xây dựng hệ thống dữ liệu toàn diện, đảm bảo bảo mật và an toàn thông tin, riêng tư cá nhân. Xây dựng các phương án để phản ứng, xử lý khi xảy ra các biến cố, rủi ro về an ninh dữ liệu.
(5) Vận dụng kinh nghiệm của một số quốc gia thành công trong xây dựng chính phủ số như Đan Mạch, Estonia… trong xây dựng nguồn nhân lực số, bao gồm xây dựng đội ngũ các chuyên gia công nghệ tài năng; đội ngũ nhân sự nhà nước đủ năng lực quản lý, vận hành và kiểm soát chính phủ số, chính quyền số; công dân số và doanh nghiệp số.
---------
Bài đăng trên Tạp chí Thông tin Khoa học chính trị số 5 (35) - 2023
Tài liệu tham khảo
1. Academy of ICT Essentials for Government Leaders (ESCAP/APCICT) (2019). RealizingData-DrivenGovernance. United Nations. Korea.
2. Academy of ICT Essentials for Government Leaders (ESCAP/APCICT) (2021). Digital Government and Transformation. United Nations. Korea.
3. Ada Scupola & Ines Mergel (2022). “Co-production in digital transformation of public administration and public value creation: The case of Denmark”. Government Information Quarterly. 39, 101650.
4. Alexandros Bousdekis & Dimitris Kardaras (2020). “Digital transformation of local government: A case study from Greece”. IEEE Conference on Commerce and Enterprise Computing. Publisher: IEEE. ISBN:978-1-7281-9926-9.
5. Arnauld Bertrand (2019). “How to build the digital state”. Truy cập tại: https://www.ey.com.
6. Haluk Demirkan, James C. Spohrer & Jeffrey J. Welser (2016). “Digital Innovation and Strategic Transformation”. IT Professional. 18, tr. 14-18.
7. Ines Mergel, Noella Edelmann & Nathalie Haug (2019). “Defining digital transformation: Results from expert interviews”. Government Information Quarterly. 36, 101385.
8. Ioannis Nanos (2023). “Cloud Computing Adoption in Public Sector: A Literature Review about Issues, Models and Influencing Factors”. Book: Operational Research in the Era of Digital Transformation and Business Analytics. tr. 243-250.
9. Jeffrey J. Pittaway & Ali Reza Montazemi (2020). “Know-how to lead digital transformation: The case of local governments”. Government Information Quarterly. 37, 101474.
10. Luca Tangi, Marijn Janssen, Michele Benedetti & Giuliano Noci (2021). “Digital government transformation: A structural equation modelling analysis of driving and impeding factors”. International Journal of Information Management. 60, 102356.
11. Luis F Luna-Reyes, Jing Zhang, J Ramón Gil-García & Anthony M Cresswell (2005). “Information systems development as emergent socio-technical change: a practice approach”. European Journal of Information Systems. 14, 93–105.
12. Luis F. Luna-Reyes & J. Ramon Gil-Garcia (2014). “Digital government transformation and internet portals: The co-evolution of technology, organizations, and institutions”. Government Information Quarterly. 31, tr. 545-555.
13. M Meyerhoff Nielsen (2016). “The potential and evidence of ict-based cost and burden reduction in public administration and public service delivery–workshop report”. WSIS-World Summit on the Information Society. Geneva.
14. Michael Grimsley & Anthony Meehan (2007). “e-Government information systems: Evaluation-led design for public value and client trust”. Eur. J. Inf. Syst. Số 16, 2 (2007). tr. 134–148. DOI:https://doi.org/10.1057/palgrave.ejis.3000674.
15. Sabine Kuhlmann & Moritz Heuberger (2023). “Digital transformation going local: implementation, impacts and constraints from a German perspective”. Public Money & Management. Vol. 43, No. 2, pp. 147–155.
16. Seok-Jin Eom & Jooho Lee (2022). Digital government transformation in turbulent times: Responses, challenges, and future direction. Government Information Quarterly. 39, 101690.
17. Simmonds Hamish, Gazley Aaron, Kaartemo Valtteri, Renton Michelle & Hooper Val (2021). “Mechanisms of service ecosystem emergence: Exploring the case of public sector digital transformation”. Journal of Business Research. 137, 100-115.
18. Tomasz Janowski (2015). “Digital government evolution: From transformation to contextualization”. Government Information Quarterly. 32, tr. 221-236.
19. UN (2016). E-Government Survey 2016: E-Government in support of Sustainable Development. DOI: https://doi.org/10.1016/S1369-7021(02)00629-6.
20. Vishanth Weerakkody, Amizan Omar, Ramzi El-Haddadeh & Moaman Al-Busaidy (2016). “Digitally-enabled service transformation in the public sector: The lure of institutional pressure and strategic response towards change”. Government Information Quarterly. 33, tr. 658-668).
21. Xiao, J., Han, L. & Zhang, H. (2022). “Exploring Driving Factors of Digital Transformation among Local Governments: Foundations for Smart City Construction in China”. Sustainability. 14, 14980.
22. Yiwei Gong, Jun Yang & Xiaojie Shi (2020). “Towards a comprehensive understanding of digital transformation in government: Analysis of flexibility and enterprise architecture”. Government Information Quarterly. 37, 101487.
23. Yousuf Salim AlHinai (2020). “Disaster management digitally transformed: Exploring the impact and key determinants from the UK national disaster management experience”. International Journal of Disaster Risk Reduction. 51, 101851.