ThS NGUYỄN THỊ THU HÀ
Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh
(TTKHCT) - Thế kỷ XVI đã khởi đầu cho sự suy thoái của chế độ phong kiến Việt Nam, ý thức xã hội lúc này chuyển biến theo chiều hướng tiêu cực: sự ca ngợi vương triều đã chuyển thành phê phán; quan niệm đạo đức truyền thống bị lung lay; không ít người tài chí, thao lược đầy mình nhưng lại tìm cách xa lánh chốn quan trường, lui về ở ẩn. Sự khủng hoảng trong tư tưởng có nguyên nhân từ tình trạng cát cứ của đất nước, và chính sách độc tôn Nho giáo dưới triều Hậu Lê. Bài viết đi vào làm sáng tỏ những khủng hoảng trong ý thức xã hội thời kỳ này và nguyên nhân của nó, đồng thời rút ra bài học lịch sử.
Vào thời chúa Trịnh, nhà Lê đã mất thực quyền. Chúa Trịnh Sâm cầm quyền ở miền Bắc Đại Việt thời Lê Trung Hưng. (Ảnh minh hoạ, nguồn internet)
1. Bối cảnh của sự khủng hoảng ý thức xã hội Việt Nam thế kỷ XVI
Sau một thời gian phát triển, đến đầu thế kỷ XVI, chính quyền nhà Hậu Lê rơi vào suy yếu, dẫn đến nhiều cuộc khởi nghĩa nổ ra trong nước. Tranh thủ tình thế đó, do nắm giữ được binh quyền, võ tướng Mạc Đăng Dung đã cướp ngôi vua rồi lập nên triều Mạc (1527-1592). Năm 1533, Nguyễn Kim, vốn là tướng của nhà Lê, cùng con rể là Trịnh Kiểm nổi lên chống lại nhà Mạc, rồi chiếm giữ vùng Thanh Hóa, Nghệ An, lập nên chính quyền riêng. Chính quyền Trịnh - Nguyễn ban đầu là chung phe cánh (Nam Triều) cùng chống lại nhà Mạc (Bắc Triều), nhưng mâu thuẫn nội bộ giữa họ đã sớm nảy sinh. Từ đó nước ta bước vào thời kỳ nội chiến kéo dài (1533-1789), hết chiến tranh Nam - Bắc triều rồi đến Trịnh - Nguyễn phân tranh. Chỉ tính riêng từ 1533-1592, cả nước đã có 38 trận đánh lớn gây vô số tang thương cho người dân.
Trong lịch sử dân tộc cũng nhiều lần xảy ra khủng hoảng xã hội như khủng hoảng cuối thời Tiền Lê sang thời Lý, khủng hoảng cuối thời Lý sang thời Trần, hay sự kiện loạn ba vương thời Lý... nhưng chưa bao giờ khủng hoảng lại diễn ra lâu dài và trầm trọng như lần này. Đây là nguyên nhân khiến thế nước ngày một suy yếu, lòng dân bất an, hệ tư tưởng Nho giáo vốn được xem là hệ tư tưởng chính thống cũng trên đà suy vong.
2. Biểu hiện của sự khủng hoảng trong ý thức xã hội Việt Nam thế kỷ XVI
Một là, lòng dân bất an, chia rẽ
Nhà Hậu Lê ra đời từ cuộc khởi nghĩa giải phóng dân tộc nên là một triều đại chính thống, nhận được sự ủng hộ to lớn của nhân dân. Các vị vua đầu thời Lê đưa ra được nhiều chính sách tích cực để khôi phục đất nước, từ đó xã hội phong kiến có sự phát triển rực rỡ. Trong dân gian có câu ca dao rằng: “Đời vua Thái Tổ, Thái Tông/ Thóc lúa đầy đồng, trâu chẳng buồn ăn”. Xã hội dưới sự trị vì đời vua Lê Thánh Tông còn được ca ngợi là thời Hồng Đức thịnh thế. Có thể thấy màu sắc tích cực trong tư duy dân tộc thế kỷ XV, đó là: tinh thần đoàn kết toàn dân, hào khí của dân tộc, khí thế của một quốc gia phong kiến hùng mạnh, đất nước trên dưới một lòng. Tuy nhiên đến đầu thế kỷ XVI, các vị vua nhà Lê lại sa đọa, bạo ngược đến mức nhân dân gọi là “vua quỷ” (Lê Uy Mục), “vua lợn” (Lê Tương Dực), người dân mất niềm tin vào nhà Lê. Đến khi Mạc Đăng Dung chiếm ngôi lập nên triều Mạc, lòng dân cũng không phục. Bởi lẽ, nhà Mạc trước thì giết vua, cướp ngôi, sau lại tự trói xin hàng trước mạc phủ nhà Minh nhằm tỏ lòng thần phục, làm mất đi cái khí thế dân tộc, nên bị nhân dân căm ghét. Mặt khác, vẫn có một bộ phận dân chúng đứng về phía nhà Mạc, ngay cả khi nhà Mạc thất thế trong cuộc chiến với chúa Trịnh, phải chạy lên Cao Bằng. Điều đó được thể hiện qua các câu ca dao sau: “Mình về nuôi cái, cùng con/Để anh đi trẩy nước non kịp người/Cho kịp chân ngựa, chân voi/Cho kịp chân người, kẻo thiếu việc quân”, hay “Con cò lặn lội bờ sông/Gánh gạo đưa chồng nước mắt nỉ non/Nàng về nuôi cái cùng con/Để anh đi trẩy nước non Cao Bằng”. Vậy là ở thế kỷ XVI, ý thức dân tộc từ thống nhất đã thành chia rẽ, cái hào khí dân tộc trong thế kỷ trước bị mai một không còn nữa, nội chiến liên miên làm lòng dân rối ren, bất an không dứt.
Hai là, tâm lý hoang mang, lo sợ của giai cấp cầm quyền
Tuy chia nhau nắm giữ quyền cai quản đất nước nhưng các thế lực nhà Mạc, Trịnh, Nguyễn luôn trong tâm thế hoang mang, e ngại lòng dân vẫn hướng về nhà Lê. Lời nói và hành động của họ luôn mâu thuẫn với nhau: miệng thì luôn nói đến nhân nghĩa, trung hiếu,… thể hiện mình là phe chính nghĩa vì dân vì nước, nhưng lại luôn tiến hành các cuộc chiến phi nghĩa, đày đọa nhân dân vào cảnh khốn cùng.
Đối với triều đình nhà Mạc: khi mới giành chính quyền thì lại lo đối ngoại hơn đối nội, thay vì nhanh chóng hàn gắn vết thương chiến tranh trong nước thì lại tập trung thiết lập quan hệ ngoại giao với nhà Minh. Sở dĩ có hiện tượng này vì nhà Minh vốn là nước lớn mà ta phải thực hiện chế độ “triều cống”, nhà Mạc lên ngôi mà mang danh là bất trung, là thần mà đoạt ngôi vua, nên luôn nơm nớp lo sợ bị nhà Minh lấy cớ mà “thảo phạt”. Vì vậy mới dẫn đến sự kiện Mạc Đăng Dung tự mình chịu trói trước mạc phủ nhà Minh, cắt đất, tăng lễ triều cống, để tỏ lòng thần phục. Mặt khác, thông thường các triều đại mới lên thường phá hủy những gì được coi là “tàn tích” của triều đại cũ. Tuy nhiên, vì sợ lòng người tưởng nhớ nhà Lê sinh ra biến cố, Mạc Đăng Dung lên ngôi đã không làm như vậy. Ông không tiến hành tàn sát dòng dõi nhà Lê như những cuộc thanh trừng con cháu tiền triều từng xảy ra khi có sự thay đổi vương triều Lý, Trần, Hồ trước đó. Ông cũng không tàn phá những di sản kiến trúc văn hóa của nhà Lê, mà còn cho tu bổ lại các công trình như nhà Quốc Tử Giám ở Thăng Long và lăng mộ các đời vua Lê tại Lam Kinh. Thậm chí, triều Mạc phàm việc gì cũng đều noi theo chế độ triều Lê, không dám sửa đổi nhiều về quy chế trong nước. Đây cũng được coi là việc làm hiếm thấy trong lịch sử các triều đại phong kiến Việt Nam.
Đối với triều đình Trịnh - Nguyễn: Sau khi thâu tóm một vùng rộng lớn của đất nước, họ Trịnh dẫu muốn xưng vương một cõi nhưng e ngại lòng dân vẫn hướng về nhà Lê, nên đã tìm con cháu nhà Lê về tôn lên làm vua, còn mình thì xưng “chúa”. Về danh nghĩa, “chúa Trịnh”, “chúa Nguyễn” là bề tôi của vua Lê, luôn trung thành và ra sức tiến hành cuộc đấu tranh “phù Lê diệt Mạc”, vận mệnh của vua và chúa là một: “Lê tồn Trịnh tại, Lê bại Trịnh vong”. Tuy nhiên, về thực chất, các vua nhà Lê lúc này chỉ là những ông vua bù nhìn, không có quyền hành, luôn chịu sự khống chế từ “chúa Trịnh”. Thế nên mới có hiện tượng: nếu xét về mặt sử học, triều Hậu Lê được xem là triều đại tồn tại lâu dài nhất trong lịch sử phong kiến Việt Nam (1428-1789) nhưng về mặt lịch sử tư tưởng, đây lại là triều đại rất ngắn (1428-1527), khi các vua Lê còn nắm giữ thực quyền.
Ba là, tâm trạng bất lực của tầng lớp trí thức
Tầng lớp trí thức đương thời chính là các nho sĩ, nhưng do lúc này Nho giáo không còn giữ được vị trí độc tôn, các nhà nho có xu hướng kết hợp Nho giáo với Phật giáo và Đạo giáo. Tuy nhiên sự dung hợp các hệ tư tưởng này cũng rất đa dạng, như cùng là kết hợp giữa Nho giáo và Đạo giáo nhưng Đạo giáo của Nguyễn Bỉnh Khiêm là đạo Lão - Trang, nó mang tính triết lý, uyên thâm; còn Đạo giáo trong tư tưởng Nguyễn Dữ lại là đạo phù thủy, nó thể hiện tính dân dã, thần bí hơn. Nguyễn Bỉnh Khiêm và Nguyễn Dữ là những nhà tư tưởng lớn của thế kỷ XVI. Họ đã lên án bộ mặt đen tối của chế độ chính trị phong kiến đương thời, nói thay tiếng lòng của nhân dân, cảm thông cho số phận của dân, của nước, nhưng cũng chỉ có thể lực bất tòng tâm trước thời cuộc, vì vậy, tư tưởng của họ thường mang màu sắc bi quan, ảm đạm.
Trong khi lên án các cuộc chiến tranh phi nghĩa, Nguyễn Bỉnh Khiêm đánh đồng nó với mưu trí chính trị để mưu cầu lợi ích cho dân, khuyên con người ta từ bỏ con đường đấu tranh chính trị, mặc kệ kẻ ác hoành hành, “dĩ hòa vi quý” với quan niệm ghét bỏ sự “khéo”, “vụng” không đua khôn. Đó lại là quan niệm làm triệt tiêu động lực phát triển của xã hội. Xuất thân từ tầng lớp nho sĩ, Nguyễn Bỉnh Khiêm cũng từng đề cao lẽ cương thường và cho rằng làm được theo lẽ ấy thì “Ngửa lên nhìn trời, cúi xuống nhìn người, không có gì đáng xấu hổ” (Phủ ngưỡng thiên nhân vô quý tạc”). Nhưng hiện thực đã làm ông thay đổi suy nghĩ, ông phải thừa nhận rằng hiện vua không còn là “thánh quân”, “hiền giả”, bề tôi cũng không còn trọng nghĩa quân thần, mà tất cả chỉ vì cái danh cái lợi: “Thớt có tanh đao ruồi đậu đến/ Ang không mật mỡ kiến bò đi”. Trong quan niệm đạo đức, ông không bó buộc con người vào quan niệm đạo đức phong kiến, mà đứng về phía người dân để đưa ra các quan niệm “thuận giữa anh em”, “hòa giữa vợ chồng”, không tham của phi nghĩa, vui làm điều thiện. Với tài năng và uy tín lớn, Nguyễn Bỉnh Khiêm đã từ bỏ mọi quan tước mà sống thanh bạch giữa muôn dân, thực hành đúng theo lẽ sống không tranh đoạt với đời. Có người phê phán thái độ lánh đời của ông nhưng trong xã hội đương thời, để có thể sống nhàn, giữ được điều thiện thì đây cũng là một sự lựa chọn sáng suốt.
Đối với Nguyễn Dữ, thông qua tác phẩm Truyền kỳ mạn lục, ông đã gián tiếp phê phán giai cấp cầm quyền, một mặt giơ cao khẩu hiệu đạo đức, muốn thống trị nhân dân dưới ngọn cờ nhân nghĩa nhưng bản thân lại thả lỏng, sa đọa. Nguyễn Dữ vạch trần sự suy thoái đạo đức của xã hội như nạn tham nhũng, thói ham mê tửu sắc, những đồi phong bại tục, … và nạn nhân bao giờ cũng là những người dân lương thiện bị chà đạp, những người phụ nữ bị vùi dập. Trước nền đạo đức phong kiến suy đồi như vậy, người ta hết niềm tin vào lý thuyết của nhà Nho, hết trông chờ vào bậc sĩ phu trượng nghĩa, bản thân Nguyễn Dữ cũng thoái chí lui về ở ẩn, hết mong mỏi dốc sức giúp đời.
3. Nguyên nhân và bài học lịch sử
3.1. Nguyên nhân của sự khủng hoảng ý thức xã hội Việt Nam vào thế kỷ XVI
Thực chất, sự khủng hoảng ý thức xã hội nước ta ở thế kỷ XVI đã có mầm mống từ chính sách độc tôn Nho giáo từ thế kỷ trước
Cùng với Nho giáo, Phật giáo và Đạo giáo đã xuất hiện từ rất sớm trong sinh hoạt tinh thần của nhân dân ta. Tuy đều là những hệ tư tưởng được du nhập từ nước ngoài (Trung Quốc, Ấn Độ), nhưng trải qua quá trình lâu dài, các tư tưởng này đã có sự “bản địa hóa”, trở thành một phần trong văn hóa dân tộc. Nếu như Nho giáo là công cụ để tổ chức xã hội có tôn ti trật tự, có lợi cho việc xây dựng nhà nước quân chủ chuyên chế; thì Phật giáo là chỗ dựa tâm linh, giải thoát tâm hồn con người; Đạo giáo hướng con người đến trạng thái an nhàn, sống thuận theo tự nhiên. Cả ba đạo này đều có chỗ đứng nhất định trong đời sống tinh thần dân tộc. Nhà Lê độc tôn Nho giáo, ra sức bài trừ Đạo và Phật, là đã đi ngược lại với truyền thống “Tam giáo đồng nguyên” vốn tồn tại ở nước ta từ bao thế kỷ. Vua và triều đình đã tự mình li khai với nền văn hóa dân gian, trở thành một hệ tư tưởng phong kiến chuyên quyền, độc đoán. Thảm án “tru di tam tộc” của Nguyễn Trãi cũng phần nào phản ánh sự xung đột giữa hai hệ ý thức: ý thức hệ độc tôn Nho giáo mang tính chuyên chế bảo thủ của tầng lớp cầm quyền với ý thức hệ Tam giáo đồng nguyên mang tính khai phóng của nhân dân lao động.
Thực tiễn loạn lạc của Việt Nam thế kỷ XVI là nguyên nhân chủ yếu cho sự khủng hoảng xã hội về mặt tư tưởng
Ở buổi đầu cầm quyền, giai cấp thống trị nhà Lê còn là giai cấp tiến bộ đứng về phía nhân dân, nên đã tiếp thu giá trị nhân văn của Nho giáo như tư tưởng “thân dân”, “giáo dân”, “dưỡng dân”, có nhiều chủ trương ích nước lợi dân. Điển hình như sự ra đời Bộ luật Hồng Đức thời Lê Thánh Tông, được xem là bộ luật mang tính nhân văn, tiến bộ nhất so với các bộ luật phong kiến trước và sau nó. Tuy nhiên, khi chế độ phong kiến phát triển vững mạnh thì giai cấp thống trị lại xa rời nhân dân, họ chỉ biết chăm lo hưởng lạc mà để mặc dân đói khổ. Họ bám vào yếu tố duy tâm, bảo thủ của Nho giáo như thuyết thiên mệnh, thuyết cương thường để làm chỗ dựa cho sự thống trị của mình. Nho giáo từ chỗ thúc đẩy xã hội phát triển lại trở thành yếu tố kìm hãm xã hội, gò ép tư tưởng con người. Nền giáo dục thì mang tính chất phiến diện, giáo điều theo luân lý Nho giáo, không thể phát huy năng lực con người. Nhà Lê từ chỗ phát triển cực thịnh lại rơi vào thế cực suy. Tiếp đó nội chiến nổi lên, đất nước bị chia cắt ba vùng đặt dưới sự kiểm soát của nhà Mạc, nhà Trịnh và nhà Nguyễn. Đất nước thế kỷ XVI rơi vào thời kỳ rối ren: kinh tế bị đình trệ, chính trị bất ổn, đạo đức suy vi, nhà Lê tuy tồn tại nhưng chỉ còn trên danh nghĩa. Sự khủng hoảng từ đời sống hiện thực là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến khủng hoảng trong tư tưởng xã hội, bởi vì: “không phải ý thức của con người quyết định sự tồn tại của họ; trái lại tồn tại xã hội của họ quyết định ý thức của họ”, cho nên, đất nước chia cắt thì lòng dân chia rẽ, đất nước loạn lạc thì lòng dân bất an.
3.2. Bài học lịch sử của sự khủng hoảng ý thức xã hội Việt Nam vào thế kỷ XVI
Một là, nhà cầm quyền không được xa rời quần chúng nhân dân, không được vì lợi ích cá nhân mà quên đi lợi ích quốc gia, dân tộc
Thực ra, nhân dân vốn chỉ mong muốn được yên ổn, ấm no, nên nếu ai thỏa mãn được điều đó dân ắt theo về, như lời của Nguyễn Dữ: “Phàm xoay cái thế thiên hạ, ở trí chứ không phải ở sức, ở nhân chứ không phải ở bạo” (Mượn lời Hồ Tông Thốc - Chuyện ở đền Hạng vương). Chính vì thời kỳ đầu nhà Lê làm được điều này nên dân kính, dân yêu. Tiếc rằng, khi xã hội thịnh trị, nhà Lê lại rơi vào chủ quan, tự mãn, xa rời quần chúng, dẫn đến các quyết sách cũng chuyển sang chiều hướng chuyên quyền, độc đoán. Minh chứng là ngay giai đoạn trị vì của vua Lê Thánh Tông, vốn được xem là thời kỳ hoàng kim của xã hội phong kiến Việt Nam thì ở đó cũng đã xuất hiện mầm mống của sự thoái trào, khi vua coi mình đã là ông Thánh, coi triều đại của mình đã là Đường, Nghiêu, Ngu, Thuấn, để rồi chủ trương chuyển từ đường lối văn võ kết hợp sang đường lối “văn trị”: “Muôn thuở trời Nam sông núi còn đây, nay chính là lúc sửa việc văn, nghỉ việc võ” (Thiên Nam vạn cổ sơn hà tại, chính thị tu văn yển võ niên).
Ngoài ra, giai cấp cầm quyền phải đảm bảo giữ gìn tính thống nhất đất nước, không đặt lợi ích cá nhân lên lợi ích quốc gia, dân tộc; vì khi chính quyền bất ổn, lòng tin của dân suy giảm, thì giai cấp thống trị cũng không thể tiếp tục giữ vững địa vị của mình. Xưa là thế thì nay cũng vậy, đúng như lời Hồ Chí Minh từng nói: “Một dân tộc, một đảng và mỗi con người, ngày hôm qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn lớn, không nhất định hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến và ca ngợi, nếu lòng dạ không trong sáng nữa, nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân”.
Thứ hai, trong vấn đề xây dựng hệ giá trị văn hóa dân tộc phải luôn bám sát thực tiễn, tránh để xã hội rơi vào tình trạng độc tôn tư tưởng
Buổi đầu xây dựng triều Lê, Nho giáo là hệ tư tưởng chính trị - xã hội đáp ứng được yêu cầu của lịch sử, giúp nhà Lê xây dựng chế độ phong kiến trung ương tập quyền. Triều Lê từ con đường giáo dục, thi cử đến cách thức cai trị đều dựa trên lý thuyết Nho gia. Tuy nhiên, từ đề cao đi đến độc tôn một hệ tư tưởng trong xã hội lại là điều hết sức nguy hại, nó không chỉ làm nghèo nàn tính sáng tạo của ý thức, mà còn dẫn đến khủng hoảng tư tưởng trong quần chúng nhân dân vì sự giao thoa, phát triển văn hóa là không có giới hạn. Thực tiễn luôn vận động, không thể dựa vào mãi một học thuyết khô cứng để xây dựng, phát triển đất nước, mà trái lại, cần phải không ngừng tiếp thu tri thức mới của nhân loại, để tránh rơi vào tụt hậu, thoái trào. Việc xây dựng hệ giá trị văn hóa Việt Nam cần dựa trên tinh thần bám sát thực tiễn đổi mới đất nước, không có khuôn khổ giới hạn cho sự giao lưu tiếp biến văn hóa, đồng thời phải biết hòa nhập mà không hòa tan.
Thứ ba, phát triển giáo dục và trọng dụng nhân tài là yếu tố cốt lõi giữ cho thế nước trường tồn
Vấn đề giáo dục và con người luôn đi liền với nhau, bởi lẽ: “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia, nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh mà hưng thịnh, nguyên khí suy thì thế nước yếu mà thấp hèn. Vì thế các bậc đế vương thánh minh không đời nào không coi việc giáo dục nhân tài, kén chọn kẻ sĩ, vun trồng nguyên khí quốc gia làm công việc cần thiết...”. Tuy nhiên, trong thời Hậu Lê, đường lối giáo dục theo kiểu Nho giáo với tính chất kinh viện, giáo điều, không coi trọng tri thức khoa học bằng việc hiểu biết về thi, thư, lễ nhạc. Nền giáo dục chỉ nặng về lý luận mà xa rời thực tiễn, xem lời thánh hiền là chân lý thì khó mà đào tạo được nhân tài, khiến thế nước không tránh khỏi ngày một đi xuống. Nhân tài đã hiếm, mà khi đối mặt với thực tế loạn lạc thế kỷ XVI, họ còn hoang mang, dao động: người thì từ quan lui về ở ẩn lánh đời (như Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Dữ), người thì muốn chọn minh quân để ra sức phò vua giúp nước (Phùng Khắc Khoan). “Có thể nói, bộ mặt tinh thần của xã hội Việt Nam ở thế kỷ XVI, thời Nguyễn Bỉnh Khiêm, giống như là của xã hội Bắc Tống ở thế kỷ XI, XII. Đó là đạo đức con người đều xuống cấp, nhà nho thấy có trách nhiệm phải chấn chỉnh. Nhưng do lập trường và phương pháp tư duy khác nhau, nên xu hướng tư tưởng cũng khác nhau”. Vậy nên vấn đề đặt ra là phải đổi mới giáo dục theo xu hướng “giáo dục mở, thực học, thực nghiệp” với phương châm lý luận gắn liền với thực tiễn. Đồng thời, trong chính sách trọng dụng nhân tài, muốn có được sự tin tưởng và cống hiến của nhân tài, thì quan trọng là phải tạo được môi trường làm việc lành mạnh, với cơ chế đãi ngộ tốt.
Tóm lại, việc nhà cầm quyền xa rời quần chúng nhân dân, độc tôn tư tưởng, giáo dục không gắn với thực tiễn, không biết trọng dụng nhân tài, đó là những bài học lịch sử đau thương ở nước ta vào thế kỷ XVI. Nhìn thẳng vào sự thật lịch sử để tránh lặp lại sai lầm và hướng đến tương lai, chỉ có như vậy, ý thức xã hội mới có thể trở thành “nguồn lực đặc biệt, là động lực nội sinh của dân tộc, tạo thành sức mạnh trong quá trình bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước”.
---------
Bài đăng trên Tạp chí Thông tin Khoa học chính trị số 2 (38) - 2024
1 Nhà Hậu Lê (1428-1789) do Lê Lợi sáng lập, là cách gọi để phân biệt với nhà Tiền Lê (980-1009) do Lê Hoàn sáng lập.
2 C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2004, t.13, tr.607.
3 Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t.15, tr.672.
4 Thân Nhân Trung: Văn bia Đề danh tiến sĩ khoa Nhâm Tuất niên hiệu Đại Bảo thứ 3 năm 1442.
5 Nguyễn Tài Thư: Nho học và lịch sử tư tưởng Việt Nam, Nxb. Đại học Sư phạm, 2021, Thành phố Hồ Chí Minh, tr.312.
6 Nguyễn Thị Nga - Đỗ Thị Vân Hà: Đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái tác động tiêu cực đến xây dựng ý thức xã hội mới, http://lyluanchinhtri.vn/home/index.php/bai-noi-bat/item/5498-dau-tranh-phan-bac-cac-quan-diem-sai-trai-tac-dong-tieu-cuc-den-xay-dung-y-thuc-xa-hoi-moi.html, cập nhật 30/01/2024.