TS NGUYỄN THỊ NHƯ HUẾ
Học viện Báo chí và Tuyên truyền
(TTKHCT) - Tăng trưởng kinh tế gắn với tiến bộ, công bằng xã hội là mục tiêu phát triển bền vững xã hội, chỉ số phát triển con người là tiêu chí cao nhằm phát triển xã hội, bao gồm: thu nhập bình quân đầu người; trình độ dân trí, giáo dục, sức khỏe, tuổi thọ, mức hưởng thụ về văn hóa, văn minh. Bài báo tập trung phân tích nội dung công bằng xã hội trong phân phối sản phẩm, công bằng xã hội trong y tế, giáo dục và công bằng xã hội trong thụ hưởng văn hoá. Trên cơ sở đó, đưa ra một số khuyến nghị nhằm thực hiện công bằng xã hội ở ba lĩnh vực này hướng tới mục tiêu phát triển bền vững về xã hội ở Việt Nam hiện nay.
(Nguồn: dangcongsan.vn)
1. Khái niệm
Phát triển kinh tế đi đôi với công bằng xã hội là mục tiêu lý tưởng mà con người hướng đến. Văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng khẳng định: “Gắn kết giữa tăng trưởng kinh tế với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội; phát huy nhân tố con người, lấy Nhân dân làm trung tâm; phát huy vai trò của văn hóa - nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu, động lực của sự phát triển”1.
Phát triển bền vững và phát triển bền vững về xã hội
Theo Ủy ban Môi trường và Phát triển thế giới của Liên Hiệp Quốc: Phát triển bền vững là sự phát triển nhằm thỏa mãn nhu cầu của hiện tại song không xâm phạm tới khả năng thỏa mãn nhu cầu của các thế hệ tương lai2.
Phát triển bền vững được một số nhà nghiên cứu trong các tổ chức quốc tế chia thành 5 phương diện: kinh tế, xã hội, văn hóa, con người và môi trường hoặc kinh tế, chính trị, xã hội, văn hóa và môi trường. Ở Việt Nam cũng như ở đa số các quốc gia trong cộng đồng thế giới, phát triển bền vững thường được nhận thức và được triển khai hành động trên các phương diện cơ bản trên.
Bền vững về xã hội trước hết thể hiện sự hợp lí về huy động nguồn lực xã hội, tổ chức nền kinh tế cho phù hợp với yêu cầu của thời đại, phân phối thu nhập và phân bổ phúc lợi xã hội giữa các giai tầng xã hội hợp lý, chênh lệch đời sống giữa các vùng miền không lớn; ổn định dân số, phát triển nông thôn để giảm sức ép di dân vào đô thị; môi trường được bảo vệ, hệ sinh thái được cân bằng. Đời sống văn hóa tinh thần phong phú, gắn với thế giới bên ngoài nhưng không đứt đoạn với truyền thống; bảo vệ đa dạng văn hóa. Giáo dục và khoa học được đề cao, nâng cao học vấn làm chìa khóa cho sự phát triển. Trật tự an toàn xã hội được kiểm soát. Sự phát triển con người được coi trọng và các chỉ số phát triển con người được cải thiện.
Phát triển bền vững về xã hội là sự chú trọng vào sự công bằng và luôn tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển con người, cố gắng cho tất cả mọi người cơ hội phát triển tiềm năng bản thân và có điều kiện sống chấp nhận được. Chỉ số phát triển con người (HDI) là tiêu chí về phát triển xã hội, bao gồm: thu nhập bình quân đầu người; trình độ dân trí, giáo dục, sức khỏe, tuổi thọ, mức hưởng thụ về văn hóa, văn minh.
Công bằng xã hội
Công bằng xã hội là sự công bằng về quyền lợi và nghĩa vụ của công dân trong xã hội về phân phối tư liệu sản xuất, phân phối thu nhập, cơ hội tồn tại, phát triển và khả năng tiếp cận các cơ hội phát triển giữa các cá nhân, nhóm xã hội dựa trên sự cống hiến và hưởng thụ, xuất phát từ những khả năng thực tế của những điều kiện kinh tế - xã hội nhất định. Bản chất của công bằng xã hội là đảm bảo sự ngang nhau giữa người với người trong mối quan hệ cống hiến với hưởng thụ, quyền lợi với nghĩa vụ, vinh dự với trách nhiệm chứ không phải là sự ngang bằng nhau theo kiểu dàn đều, bình quân chủ nghĩa.
“Công bằng xã hội là khái niệm mang tính tổng hòa nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội, dùng để chỉ sự ngang bằng nhau trong mối quan hệ người và người theo nguyên tắc phân phối lợi ích (cả vật chất lẫn tinh thần) phù hợp giữa cống hiến và hưởng thụ, nghĩa vụ và quyền lợi, thưởng và phạt…, đồng thời với việc thực hiện phân phối theo phúc lợi xã hội và an sinh xã hội”3.
Trong xã hội hiện đại, các vấn đề xã hội dễ xảy ra nguy cơ thiếu tính bền vững trong quá trình phát triển. Có thể nói thực hiện công bằng xã hội được coi là nền tảng quan trọng để phát triển bền vững về xã hội và nội dung thực hiện công bằng xã hội được đề cập đến trong bài viết là thực hiện công bằng trong phân phối thu nhập qua hệ thống an sinh xã hội; công bằng trong y tế, giáo dục và công bằng trong mức độ thụ hưởng văn hoá.
2. Thực hiện công bằng xã hội trong phân phối thu nhập; trong giáo dục, y tế và thụ hưởng văn hoá hướng tới phát triển bền vững về xã hội ở Việt Nam
2.1. Công bằng xã hội trong phân phối thu nhập thông qua hệ thống an sinh xã hội ở Việt Nam
Phân phối thu nhập được thực hiện qua nhiều hình thức như thông qua kết quả lao động, phân phối theo sự đóng góp vốn, qua hệ thống an sinh xã hội… Tuy nhiên, nội dung chủ yếu, quan trọng để thực hiện công bằng trong phân phối thu nhập là phân phối qua hệ thống an sinh xã hội. Nội dung chính là “phân phối lại giữa những người khoẻ mạnh và người ốm đau, người đang làm việc và người đã nghỉ việc, người chưa có con và những người có gánh nặng gia đình, những người đóng góp đều đặn vào các quỹ an sinh xã hội và những người được hưởng trong các trường hợp và điều kiện xác định”4; là “sự phân phối lại tài sản và sức mua của những người có thu nhập cao cho những người có thu nhập quá thấp, cho những nhóm người “yếu thế” trong xã hội. Phân phối lại được thực hiện bằng nhiều hình thức khác nhau như trực tiếp bằng thuế trực thu, kiểm soát giá cả, thu nhập và lợi nhuận...; hoặc gián tiếp qua trợ cấp xã hội, qua các dịch vụ công cộng như bảo hiểm xã hội, giáo dục, y tế, nhà ở”5...; Từ phương diện quyền con người, các chính sách và hệ thống an sinh xã hội là sự đảm bảo đối với các quyền cơ bản của con người. Đây là mục tiêu chính của phát triển bền vững xã hội.
Thực hiện công bằng trong phân phối sản phẩm thông qua hệ thống an sinh xã hội vì mục tiêu phát triển bền vững xã hội ở Việt Nam hiện nay vẫn gặp những khó khăn, thách thức cần giải quyết.
Một là, hệ thống chính sách, pháp luật về an sinh xã hội và công tác tổ chức thực hiện chưa đồng bộ. Hệ thống chính sách an sinh xã hội thiếu sự gắn kết, chồng chéo về đối tượng, nội dung và địa bàn, ít thu hút được các thành viên trong xã hội tích cực tham gia, các chính sách đạt hiệu quả không cao. Yêu cầu được hưởng chính sách an sinh xã hội của người dân đòi hỏi ngày càng cao trong khi nguồn lực đầu tư cho an sinh xã hội của nhà nước chưa tương xứng, nguồn tài chính để thực hiện công bằng xã hội chủ yếu từ ngân sách nhà nước, người dân còn thiếu ý thức trách nhiệm của mình trong việc thực hiện công bằng xã hội.
Hai là, việc quản lý nguồn thu nhập của các đối tượng khác nhau thực hiện kém hiệu quả, còn hiện tượng thất thu từ các đối tượng có thu nhập khá và cao, đồng thời những đối tượng có thu nhập thấp, không ổn định lại không được hưởng thỏa đáng phân phối từ hệ thống an sinh xã hội.
Ba là, công tác xóa đói giảm nghèo chưa bền vững, khoảng cách chênh lệch giầu nghèo vẫn cao. Người dân giữa các vùng miền, các nhóm vẫn còn sự khác biệt trong việc tiếp cận và hưởng các dịch vụ xã hội. Thu nhập và mức sống giữa các giai tầng và giữa vùng miền vẫn còn chênh lệch.
2.2. Công bằng xã hội trong giáo dục và y tế ở Việt Nam
Ở Việt Nam, công bằng xã hội trong giáo dục là phải đảm bảo sự tiếp cận bình đẳng về cơ hội học tập cho mọi người dân trên cơ sở phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước. Nhà nước phải đảm bảo cho mọi người dân được học tập đạt trình độ phổ cập theo quy định, đảm bảo khả năng tiếp cận chuẩn tối thiểu về giáo dục cho tất cả mọi người, không phân biệt nhóm xã hội hay địa bàn sinh sống.
Công bằng trong giáo dục là chế độ, chính sách, hệ thống giáo dục quốc gia cung cấp nền giáo dục bình đẳng cho mọi người ở các vùng không phân biệt dân tộc, tầng lớp, độ tuổi và giới tính, gồm 3 nội dung cơ bản: công bằng về cơ hội giáo dục, công bằng trong quá trình giáo dục và công bằng về kết quả giáo dục.
Công bằng trong y tế là tập trung vào giải quyết các vấn đề liên quan đến: tiếp cận, sử dụng dịch vụ y tế; chất lượng dịch vụ y tế và đóng góp hoặc chi trả dịch vụ y tế. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lấn thứ XI khẳng định: “Nhà nước phải có trách nhiệm chính trị đối với công tác chăm sóc sức khỏe cho mọi công dân của mình, không phân biệt nam, nữ, giàu nghèo, dân tộc, lứa tuổi, vùng miền trên đất nước. Nền tảng của trách nhiệm đó là chủ nghĩa nhân đạo, là triết lý công bằng xã hội”6.
Ở Việt Nam, có thể hiểu công bằng trong y tế là mọi người ở các tầng lớp xã hội khác nhau đều nhận được dịch vụ chăm sóc sức khỏe như nhau theo nhu cầu. Tuy nhiên, chăm sóc sức khỏe không thể thỏa mãn cho mọi người bởi nhu cầu ngày càng tăng mà nguồn lực có hạn nên phải có chính sách thích hợp để khai thác, phân bổ nguồn lực và dịch vụ theo mục tiêu công bằng và hiệu quả, nghĩa là người nghèo, người thiệt thòi trong xã hội cũng được chăm sóc sức khỏe ở mức độ cơ bản, thiết yếu.
Hiện nay chất lượng giáo dục giữa các tầng lớp và vùng miền vẫn còn sự khác biệt, chênh lệch về cơ hội học tập và tiếp cận phương tiện, cơ sở vật chất giáo dục hiện đại. Chất lượng y tế còn sự khác biệt khá xa giữa các tầng lớp và vùng miền. Bệnh viện tuyến Trung ương quá tải vì hệ thống y tế tuyến dưới chưa đáp ứng được yêu cầu của bệnh nhân, người dân ở vùng sâu vùng xa khó tiếp cận với đội ngũ y tế chuyên nghiệp, trình độ cao, thụ hưởng các thiết bị y tế hiện đại.
2.3. Công bằng xã hội trong thụ hưởng văn hoá ở Việt Nam
Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng nhấn mạnh: “Phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hóa thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc”7.
Văn hóa luôn gắn bó mật thiết với đời sống của con người. Quyền sáng tạo và quyền thụ hưởng văn hóa luôn song hành với nhau và đồng thời cũng là một bộ phận không thể tách rời của quyền con người. Trên cơ sở những nhận thức đó, Đảng và Nhà nước ta luôn tôn trọng, đề cao quyền được hưởng thụ văn hóa của Nhân dân. Hiến pháp năm 1992 ghi nhận quyền hưởng thụ các giá trị văn hóa; Điều 5 quy định: Nhà nước thực hiện chính sách bình đẳng, đoàn kết, tương trợ giữa các dân tộc, nghiêm cấm mọi hành vi kỳ thị, chia rẽ dân tộc; các dân tộc có quyền dùng tiếng nói, chữ viết, giữ gìn bản sắc dân tộc và phát huy những phong tục, tập quán, truyền thống và văn hoá tốt đẹp của mình; Điều 34 quy định: Nhà nước và xã hội bảo tồn, phát triển các di sản văn hoá dân tộc; chăm lo công tác bảo tồn, bảo tàng, tu bổ, tôn tạo, bảo vệ và phát huy tác dụng các di tích lịch sử, cách mạng, các di sản văn hoá, công trình nghệ thuật, danh lam, thắng cảnh; nghiêm cấm các hành động xâm phạm đến các di tích lịch sử, cách mạng, các công trình nghệ thuật và danh lam, thắng cảnh8.
Hiện nay ngày càng nhiều không gian văn hóa lành mạnh để mọi tầng lớp nhân dân có thể tham gia, hưởng thụ. Tuy nhiên, vấn đề thụ hưởng giá trị văn hoá, gìn giữ, phát huy các giá trị văn hoá vật thể và phi vật thể vẫn là việc cần được quan tâm, cần có những chính sách, chiến lược phù hợp đảm bảo sự công bằng, nhất là đối với những dân tộc thiểu số. Mục tiêu quốc gia về văn hóa được chú trọng với những hoạt động cụ thể như: khắc phục di tích lịch sử xuống cấp; bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể; phát triển văn hóa cơ sở và nâng cao đời sống văn hóa cho người dân ở những địa bàn khó khăn; bảo tồn lễ hội truyền thống của các dân tộc thiểu số.
3. Một số khuyến nghị nhằm thực hiện hiệu quả công bằng xã hội hướng tới mục tiêu phát triển bền vững về xã hội ở Việt Nam
Thứ nhất, thực hiện công bằng trong phân phối thu nhập thông qua hệ thống an sinh xã hội hướng tới mục tiêu phát triển bền vững cần tập trung giải quyết những vấn đề cơ bản sau:
Nhà nước xây dựng và tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách, tổ chức thực thi, kiểm tra, giám sát việc thực thi chính sách và hệ thống luật về an sinh xã hội; tăng cường sự quản lý, kiểm tra, giám sát quỹ an sinh xã hội, tổ chức thực hiện chính sách an sinh xã hội, đối tượng an sinh xã hội. Khi thực hiện phân phối theo hệ thống an sinh xã hội phải đảm bảo công bằng, chống lãng phí, chống tham nhũng và thất thoát cũng như phải kiểm soát thu nhập của mọi công dân. Đẩy mạnh thực hiện hình thức thuế thu nhập và hình thức đóng góp tự nguyện của cá nhân có thu nhập cao vào quỹ phúc lợi xã hội, quỹ từ thiện nhằm thu hẹp khoảng cách chênh lệch thu nhập giữa các thành viên trong xã hội.
Thứ hai, khuyến nghị thực hiện công bằng về y tế, giáo dục
Về y tế: hệ thống y tế cần phải quan tâm, chia sẻ gánh nặng tài chính giữa người nghèo và người giàu. Tổ chức Y tế Thế giới WHO khuyến nghị, số tiền người dân chi ra cho chăm sóc sức khỏe bản thân nên là dưới 30% thì mới có thể đạt công bằng trong y tế. Nếu trên 30% mức thu nhập cá nhân là không công bằng trong chăm sóc y tế. Bởi vậy việc giảm chi tiền cá nhân của người dân cho dịch vụ chăm sóc sức khoẻ bản thân để hướng tới công bằng trong y tế.
Củng cố và tăng cường hệ thống y tế theo hướng đa dạng hóa các loại hình phục vụ và xã hội hóa lực lượng tham gia, trong đó cơ sở y tế công đóng vai trò chủ đạo, tập trung vào việc cung cấp các dịch vụ y tế cơ bản và dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu. Nhà nước phải đưa ra những quy định bảo đảm chất lượng và bảo đảm dịch vụ cung cấp được phân bổ một cách công bằng trên cả nước, tăng cường việc thực hiện các chương trình, đề án y tế, nhằm cải thiện dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho nhân dân ở các tuyến dưới; ưu tiên đối tượng người nghèo, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số được hưởng những chính sách y tế ở mức tối thiểu.
Đổi mới và hoàn thiện chính sách bảo hiểm y tế, khám, chữa bệnh và viện phí phù hợp, mở rộng bảo hiểm y tế toàn dân. Việc cùng đóng góp bảo hiểm chính là đóng góp nguồn lực với cơ chế trả trước chi phí - được coi là bước tiến có ý nghĩa hướng tới sự công bằng trong chăm sóc sức khỏe.
Như vậy, ở Việt Nam, công bằng trong chăm sóc sức khỏe tức là tập trung vào giải quyết các vấn đề liên quan đến: tiếp cận, sử dụng dịch vụ y tế; chất lượng dịch vụ y tế và đóng góp hoặc chi trả dịch vụ y tế. Giải quyết các vấn đề này một cách đồng bộ để đem lại công bằng trong chăm sóc sức khỏe nhân dân. Nhà nước phải có trách nhiệm chính trị đối với công tác chăm sóc sức khỏe cho mọi công dân của mình, không phân biệt nam, nữ, giàu nghèo, dân tộc, lứa tuổi, vùng miền trên đất nước.
Về giáo dục: Luật Giáo dục đại học của Việt Nam quy định: Nhà nước thực hiện chính sách ưu tiên đối với đối tượng được hưởng chính sách xã hội, đối tượng ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn và đối tượng theo học các ngành đặc thù đáp ứng nhu cầu nhân lực cho phát triển kinh tế - xã hội; thực hiện bình đẳng giới trong giáo dục đại học. Điều 39 Hiến pháp nước Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam sửa đổi 2013 cũng quy định: Công dân có quyền và nghĩa vụ học tập.
Để thực hiện công bằng trong giáo dục, Nhà nước xây dựng chính sách cần bảo đảm thực hiện bình đẳng về cơ hội trong giáo dục, bảo đảm công bằng trong phân phối tài nguyên giáo dục. Xây dựng chế độ tài chính giáo dục công cộng, nhân dân nhất là người dân nghèo được tiếp cận với giáo dục công cộng; từng bước xã hội hóa, kêu gọi đầu tư, sự giúp đỡ của cá nhân, tổ chức trong việc xây dựng các cơ sở giáo dục, khuyến khích, tạo điều kiện và đảm bảo nguồn hỗ trợ cho giáo viên, đặc biệt giáo viên ở cơ sở giáo dục vùng kinh tế khó khăn, vùng sâu, vùng xa, miền núi, hải đảo, vùng dân tộc thiểu số...; đảm bảo sao cho học tập vừa là quyền lợi vừa là nghĩa vụ của người dân. Ngoài ra, cha mẹ có nghĩa vụ phải cho con đến trường trong độ tuổi đi học phổ cập giáo dục tiểu học.
Thứ ba, khuyến nghị thực hiện công bằng trong thụ hưởng các giá trị văn hoá
Quyền hưởng thụ và tiếp cận các giá trị văn hóa ở Việt Nam được công nhận bằng pháp lý lần đầu tiên tại Hiến pháp sửa đổi, bổ sung năm 2013, tập trung vào các khía cạnh sáng tạo, tiếp cận và hưởng thụ các giá trị văn hóa tinh thần xã hội. Điều 24 quy định: Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật; Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo; không ai được xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để vi phạm pháp luật. Điều 40 quy định: Mọi người có quyền nghiên cứu khoa học và công nghệ, sáng tạo văn học, nghệ thuật và thụ hưởng lợi ích từ các hoạt động đó.
Chiến lược phát triển văn hóa Việt Nam đến năm 2030 được Chính phủ phê duyệt vào ngày 12/11/2021 đã đề ra nhiều giải pháp quan tâm đầu tư cho văn hóa dân tộc, di sản, thu hẹp khoảng cách hưởng thụ văn hóa giữa nông thôn và đô thị, giữa miền núi và miền xuôi. Chiến lược đặt mục tiêu đến năm 2030 “bảo đảm ít nhất 75% người dân ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, 80% xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi được hưởng thụ và tham gia các hoạt động văn hoá, nghe, xem các kênh phát thanh, kênh truyền hình quốc gia”9.
Tóm lại, công bằng xã hội và phát triển bền vững là vấn đề quan tâm không chỉ của riêng Việt Nam mà là của tất cả quốc gia trong quá trình phát triển xã hội. Khi nói phát triển bền vững về xã hội không thể không nói đến về công bằng xã hội mà mũi nhọn là công bằng trong y tế, giáo dục và thụ hưởng giá trị văn hoá. Nhằm thực hiện công bằng về cơ hội phát triển, Đảng ta luôn nhấn mạnh về mục tiêu “kép” của công bằng xã hội, cả về phương diện hiệu quả kinh tế và hiệu quả xã hội, Đại hội lần thứ XIII của Đảng nhấn mạnh: “Phát triển vì con người, tạo điều kiện cho mọi người, nhất là trẻ em, nhóm yếu thế, đồng bào dân tộc thiểu số, người di cư hòa nhập, tiếp cận bình đẳng nguồn lực, cơ hội phát triển và hưởng thụ công bằng các dịch vụ xã hội cơ bản. Tiếp tục hoàn thiện và thực hiện chính sách dân tộc bình đẳng, đoàn kết, cùng phát triển”10.
---------
Bài đăng trên Tạp chí Thông tin Khoa học chính trị số 4 (34) - 2024
1 Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t.I, tr.99.
2 https://sustainabledevelopment.un.org/content/ documents/5987our-common-future.pdf, P.41
3 Xem: Phạm Thị Ngọc Trầm (2009): Xây dựng và hoàn thiện hệ thống an sinh xã hội - Một công cụ quan trọng nhằm thực hiện công bằng xã hội ở nước ta, www.thongtinphapluatdansu.edu.vn
4 Mạc Văn Tiến: Bản chất và những chức năng cơ bản của an sinh xã hội, http://bhxhbqp.vn/bai-viet/ban-chat-va-nhung-chuc-nang-co-ban-cua-an-sinh-xa-hoi-2155
5 Mạc Văn Tiến: Bản chất và những chức năng cơ bản của an sinh xã hội, http://bhxhbqp.vn/bai-viet/ban-chat-va-nhung-chuc-nang-co-ban-cua-an-sinh-xa-hoi-2155
6 Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2011, tr 128-129
7 Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t.I, tr.115-116
8 https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Bo-may-hanh-chinh/Hien-phap-1992-cong-hoa-xa-hoi-chu-nghia-Viet-nam-38238.aspx, Điều 5, Điều 34
9 Thủ tướng Chính phủ: Quyết định Về việc phê duyệt Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030, https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Van-hoa-Xa-hoi/Quyet-dinh-1909-QD-TTg-2021-phe-duyet-Chien-luoc-phat-trien-van-hoa-den-2030-494295.aspx
10 Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t.I, tr.264.