TS BIỀN QUỐC THẮNG
Học viện Chính trị khu vực II

(TTKHCT) - Dân vận vừa là nhiệm vụ quan trọng, mang tính chiến lược đối với sự nghiệp cánh mạng, vừa là phương thức để bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng. Song, trong quá trình thực hiện công tác dân vận đôi khi nảy sinh những tình huống có tính chất bất thường, đột xuất ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu quả của công tác này. Trên cơ sở làm sáng tỏ khái niệm dân vận, tình huống và các đặc điểm cơ bản của tình huống trong công tác dân vận, bài viết đề xuất một số nguyên tắc và quy trình khi xử lý tình huống trong công tác dân vận.

Ảnh tư liệu (Nguồn: Trang Thông tin điện tử Ban Dân Vận Tỉnh ủy Cà Mau)

Công tác vận động quần chúng có tầm quan trọng đặc biệt, là nhân tố ảnh hưởng đến sự thành công hay thất bại đối với sự nghiệp cách mạng. Vì lẽ đó, sinh thời, Chủ tịnh Hồ Chí Minh đã từng khẳng định: “Việc dân vận rất quan trọng. Dân vận kém thì việc gì cũng kém. Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”. Chính vì vậy, xuyên suốt quá trình lãnh đạo, Đảng luôn xác định công tác dân vận không chỉ là nhiệm vụ quan trọng, mang tính chiến lược đối với sự nghiệp cánh mạng, mà còn là phương thức để bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng, củng cố vững chắc lòng tin của nhân dân, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng mối quan hệ máu thịt giữa Đảng với nhân dân, giữa nhân dân với Nhà nước trong thực hiện các chủ trương, chính sách, pháp luật nhằm xây dựng đất nước giàu mạnh, hùng cường.

1. Dân vận và tình huống trong công tác dân vận

Thứ nhất, dân vận và công tác dân vận

Theo Từ điển tiếng Việt của Viện Ngôn ngữ: “Dân vận là sự vận động trong dân chúng để lôi cuốn họ theo một đường lối nào”. Cũng với cách hiểu đó, trong cuốn Đại từ điển tiếng Việt của Nguyễn Như Ý (chủ biên) giải thích: “Dân vận là tuyên truyền vận động nhân dân: Công tác dân vận - các tổ chức dân vận”.  Theo Hồ Chí Minh: “Dân vận là vận động tất cả lực lượng của mỗi một người dân... để thực hành những công việc nên làm, những công việc Chính phủ và Đoàn thể giao cho”4. Mặc dù có nhiều cách diễn đạt khác nhau nhưng chúng ta có thể khái quát: dân vận là vận động nhân dân đoàn kết, thống nhất, quyết tâm thực hiện các đường lối, chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Công tác dân vận được hiểu một cách chung nhất là công việc của toàn bộ hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng nhằm tập hợp, vận động, đoàn kết để tạo ra sự đồng thuận, thống nhất của mọi tầng lớp nhân dân khi triển khai, hiện thực hóa các đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước vào cuộc sống.

Thứ hai, các đặc điểm cơ bản của tình huống trong công tác dân vận

Tình huống được hiểu là những sự việc, hiện tượng nảy sinh có tính bất thường, đột xuất, chứa đựng mâu thuẫn, ảnh hưởng đến quá trình thực hiện mục tiêu hoạt động của cá nhân, tổ chức. Từ đó, tình huống trong công tác dân vận có thể hiểu là những sự việc, hiện tượng nảy sinh, xuất hiện có tính chất bất thường, đột xuất trong quá trình tiến hành công tác dân vận ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu quả của công tác này. Theo đó, tình huống trong công tác dân vận có các đặc điểm cơ bản như sau:

(1) Tình huống công tác dân vận thường xuất hiện khi cấp uỷ, chính quyền đề ra và triển khai thực hiện chủ trương, chính sách mới liên quan đến cuộc sống của đông đảo nhân dân; trong quá trình triển khai thực hiện, lợi ích vật chất hoặc tinh thần của một bộ phận người dân bị ảnh hưởng nên dẫn đến sự thiếu đồng thuận, thống nhất thậm chí mâu thuẫn, xung đột giữa người dân với chính quyền. Tình huống công tác dân vận có thể xuất hiện ngay từ khi mới hình thành ý tưởng, hay cũng có thể xuất hiện khi các chủ trương, chính sách bắt đầu có hiệu lực. Tình huống công tác dân vận có thể diễn ra trực tiếp giữa người dân với chính quyền; nhưng cũng có thể diễn ra gián tiếp thông qua các phương tiện truyền thông, các tờ rơi, khẩu hiệu… Tình huống công tác dân vận diễn ra thường một bên là chính quyền, bên còn lại có thể là một người, hay cũng có thể là một nhóm người, hoặc có nhiều người tham gia…

(2) Tình huống công tác dân vận thường phát triển nhanh, từ sự việc liên quan một hoặc một số người rồi lan rộng ra nhiều người dẫn đến sự phản kháng của số đông gây phức tạp về chính trị, an ninh trật tự và dễ phát triển thành “điểm nóng”. Lúc đầu có thể là ở một người, hoặc một vài người, diễn ra ở một vài nơi, trong phạm vi hẹp, sau đó sẽ thu hút nhiều người, rồi lan rộng ra nhiều nơi ở phạm vi rộng hơn. Nếu xử lý tình huống dân vận không khéo léo, không làm cho tình huống đó diễn ra theo chiều hướng tích cực thì rất dễ phát triển thành điểm nóng chính trị. Một khi đã thành điểm nóng chính trị thì việc giải quyết sẽ vô cùng khó khăn và phức tạp.

(3) Tình huống công tác dân vận thường xuất hiện do có sự kích động, lôi kéo của một số phần tử cơ hội chính trị trong thực hiện mục tiêu phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc. Nhất là trong giai đoạn bùng nổ thông tin như hiện nay, các thế lực thù địch triệt để lợi dụng các phương tiện truyền thông, mạng xã hội để vu khống, xuyên tạc, tung tin thất thiệt. Các thế lực thù địch cũng lợi dụng thiếu sót trong thực hiện chính sách của cấp uỷ, chính quyền, đảng viên để kích động, lôi kéo một bộ phận quần chúng nhẹ dạ cả tin và có tâm lý quá khích để gây áp lực với cấp uỷ, chính quyền. Do nhận thức hạn chế, một bộ phận người dân không nhận ra được các âm mưu, thủ đoạn thâm độc đó của các thế lực thù địch nên bị kích động dẫn đến hành động một cách bộc phát, hung hăng, gây ra những hậu quả đáng tiếc. Những hành vi đó không chỉ gây thiệt hại về người và tài sản mà còn gây mất ổn định chính trị - xã hội; làm xấu đi hình ảnh, uy tín của đất nước trong mắt bạn bè quốc tế; nguy hiểm hơn nó còn là cái cớ để các thế lực thù địch can thiệp vào công việc nội bộ nhằm làm thay đổi chế độ chính trị.

(4) Tình huống công tác dân vận diễn ra có khi rất đơn giản, dễ giải quyết, sớm đi đến sự đồng thuận, thống nhất, song có khi lại rất phức tạp, liên quan đến nhiều lĩnh vực, vừa có tính nhất thời, vừa có tính âm ỷ, lâu dài. Chính vì vậy, khi xảy ra các tình huống dân vận phức tạp, liên quan đến nhiều vấn đề, nhiều lĩnh vực, nhiều nhóm, tổ chức… cần có sự tham gia của nhiều chủ thể, huy động nhiều nguồn lực tham gia. Việc huy động như vậy sẽ mang lại kết quả tích cực, thực hiện được mục tiêu đề ra, sớm bình ổn tình hình chính trị - xã hội. Việc huy động sự tham gia của nhiều chủ thể một mặt sẽ giải quyết kịp thời các vấn đề, nội dung xung đột, chưa có sự đồng thuận, thống nhất; mặt khác còn thể hiện sự đoàn kết, quyết tâm của cả hệ thống chính trị trong việc giải quyết tình huống dân vận xảy ra.

2. Các nguyên tắc xử lý tình huống trong công tác dân vận

Thứ nhất, đặt lợi ích của Đảng, Nhà nước và nhân dân lên trên hết

Mọi quyết định, mọi hoạt động của cấp ủy, cán bộ khi xử lý tình huống công tác dân vận đều phải đặt lợi ích của Đảng, Nhà nước và nhân dân lên trên hết, trước hết. Bởi lợi ích của Đảng, Nhà nước và nhân dân là các lợi ích chính đáng, vì mục tiêu chung, thống nhất, cao nhất, có tính bất biến. Lợi ích đó là sự kết tinh ý chí, hành động, trải qua lịch sử lâu dài. Do đó, các biểu hiện vì lợi ích cá nhân, cục bộ, để cho ý muốn chủ quan chi phối khi xử lý tình huống cần được lên án và đấu tranh quyết liệt, không khoan nhượng, thậm chí phải thi hành kỷ luật Đảng, xử lý theo quy định pháp luật của Nhà nước một cách nghiêm minh.

Thứ hai, kiên định đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước

Đây là cơ sở quan trọng để đảm bảo cho việc xử lý tình huống công tác dân vận đúng hướng và đạt hiệu quả. Đặc biệt, cần quán triệt các quan điểm chỉ đạo của Đảng đối với công tác dân vận, đồng thời vận dụng một cách sáng tạo, phù hợp với  từng tình huống cụ thể diễn ra. Tuyệt đối không máy móc, cứng nhắc, duy ý chí. Điều đó có nghĩa, trong quá trình xử lý tình huống dân vận, cần bám sát các nội dung cương lĩnh, đường lối của Đảng đã đề ra, các chính sách, quy định pháp luật của Nhà nước đã ban hành. Đó là những định hướng, chỉ dẫn, khung pháp lý quy định không chỉ để phân biệt đúng, sai mà còn là cơ sở để cán bộ thực hiện công tác dân vận có sự tự tin khi thực hiện nhiệm vụ.

Thứ ba, hạn chế sử dụng các biện pháp mệnh lệnh hành chính hay vũ lực

Xử lý tình huống trong công tác dân vận là hoạt động diễn ra trong nội bộ nhân dân. Do đó, cần coi trọng phương pháp tuyên truyền, vận động, hạn chế sử dụng các biện pháp hành chính, mệnh lệnh hay dùng vũ lực. Chỉ có thể sử dụng các biện pháp hành chính, mệnh lệnh hay dùng vũ lực trong những trường hợp rất cần thiết với một số đối tượng đặc biệt nguy hiểm. Đối với những tình huống liên quan đến vấn đề dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng… cần phải coi trọng sử dụng phương pháp vận động, thuyết phục là chính. Việc dùng vũ lực phải hạn chế tối đa và phải thật sự thận trọng bởi vì một khi đã sử dụng hình thức này sẽ đem lại hậu quả, sự khó khăn, phức tạp hơn nhiều so với sử dụng các hình thức khác.

Thứ tư, tăng cường sự lãnh đạo của cấp uỷ, tổ chức Đảng

Đảng ta là Đảng cầm quyền, lãnh đạo tất cả các yếu tố trong hệ thống chính trị, các tổ chức kinh tế; lãnh đạo tất cả các lĩnh vực đời sống xã hội, chịu trách nhiệm về đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân… Do đó, mọi việc diễn ra trên địa bàn, trách nhiệm giải quyết phải thuộc về cấp ủy, tổ chức đảng, đội ngũ cán bộ, đảng viên. Việc xử lý tình huống công tác dân vận xảy ra trên địa bàn thuộc về trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng. Cấp ủy phải lãnh đạo các hoạt động này một cách thống nhất, khoa học và hiệu quả. Trong quá trình lãnh đạo, cần chú ý đến vai trò của các đoàn thể nhân dân trong việc tuyên truyền, vận động, giáo dục các đoàn viên, hội viên trước, trong và sau khi xảy ra tình huống dân vận.

3. Quy trình xử lý tình huống trong công tác dân vận

Thứ nhất, nhận diện và phân loại tình huống

(1) Nhận diện: khi xảy ra tình huống trong công tác dân vận, tổ chức Đảng, chính quyền cần phải cử cán bộ nhanh chóng đi nắm bắt tình hình. Cán bộ được cử đi phải là người có năng lực, có kinh nghiệm trong công tác dân vận. Cán bộ đi nắm bắt tình hình cần được trang bị một số công cụ, phương tiện hỗ trợ như: máy chụp hình, máy quay phim, ghi âm, phương tiện di chuyển… Cán bộ làm nhiệm vụ này phải nắm đầy đủ thông tin, diễn biến, lực lượng, vấn đề. Thông tin thu nhận có thể từ diễn biến trực tiếp trên địa bàn; cũng có thể thông qua các tổ chức Đảng, chính quyền, các đoàn thể, cá nhân phụ trách hay quần chúng. Sau khi nắm bắt tình hình, cán bộ được cử đi cần về báo cáo nhanh chóng, chính xác, kịp thời tình huống đang diễn ra cho tổ chức Đảng, chính quyền biết tình hình. Hình thức báo cáo có thể trực tiếp, hoặc bằng văn bản, hình ảnh, phim, ghi âm…Các báo cáo phải đảm bảo tính khách quan, trung thực.

(2) Phân loại tình huống: trên cơ sở việc nắm bắt tình hình từ cán bộ báo về, tổ chức Đảng, chính quyền phải tổ chức họp để phân loại tình huống xem thuộc lĩnh vực, phạm vi nào. Đó có thể là do thiếu sót của cán bộ về thực hiện chính sách, pháp luật, về thực hiện dân chủ, vi phạm quy định của địa phương; hay đó là vấn đề dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng, văn hoá, kinh tế…. Mặt khác, cũng cần xem tình huống đó liên quan đến những cá nhân, tổ chức nào trong hệ thống chính trị. Tình huống đó tự phát hay do kích động của các thế lực thù địch. Việc phân loại tình huống rất quan trọng, là cách để nhận diện ban đầu, việc làm này không chỉ cho cấp uỷ, chính quyền nắm được một cách khái quát tình hình, vấn đề đang xảy ra; mà còn cung cấp các thông tin, các tín hiệu, dự trù được các cách thức, biện pháp tiếp theo.

Thứ hai, phân tích tình huống và xác định nguyên nhân

(1) Khi đã nắm được khái quát, tổng thể tình huống; công việc tiếp theo là cần phải tổ chức họp cấp uỷ hoặc chính quyền để phân tích tình huống dân vận đang xảy ra. Tuỳ vào tính chất, diễn biến của tình huống mà thành phần tham gia cuộc họp có thể mở rộng thêm các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan. Nếu gặp các tình huống phức tạp, liên quan đến nhiều cơ quan, tổ chức, nhiều người, khó khăn và phức tạp… có thể mời thêm các chuyên gia, các nhà khoa học - những người có hiểu biết sâu sắc và những người có nhiều kinh nghiệm về vấn đề đang xảy ra đến cùng tham gia để phân tích tình huống. Khi phân tích, đánh giá tình huống phải đảm bảo tính khách quan, toàn diện, cụ thể; tuyệt đối không được phiến diện, cảm tính, hay vì các mối quan hệ lợi ích… Các nội dung bàn bạc trong cuộc họp cần tuyệt đối bí mật, các thành viên tham gia không được tiết lộ thông tin ra bên ngoài hoặc với các cơ quan truyền thông, báo chí khi chưa được cho phép phổ biến.

(2) Khi phân tích tình huống dân vận trước hết cần thiết phải chỉ ra được các nguyên nhân, lực lượng tham gia trong tình huống. Tình huống diễn ra là kết quả, để đưa đến kết quả đó có thể có một hoặc nhiều nguyên nhân; có thể do nguyên nhân khách quan, nguyên nhân chủ quan, nguyên nhân bên trong hoặc nguyên nhân bên ngoài… Khi phân tích nguyên nhân cần phải đặc biệt chú ý, quan tâm đến các nguyên nhân xuất phát từ bên trong, nguyên nhân cơ bản, nguyên nhân chủ yếu nhất. Việc xác định nguyên nhân của tình huống như vậy là cách làm có trọng tâm, trọng điểm, tiết kiệm được thời gian, công sức. Từ việc xác định nguyên nhân, lực lượng tham gia cơ bản, chủ yếu nhất trong tình huống dân vận xuất hiện đó là cơ sở, quy định đến tính hiệu quả của việc xử lý tình huống trong công tác dân vận. Do đó, khi phân tích tình huống dân vận đòi hỏi cán bộ, chuyên gia, các tổ chức, cá nhân có liên quan phải có cách xem xét, phân tích, đánh giá, xác định một cách nhanh chóng, nhưng phải đảm bảo tính khách quan, khoa học; không nên vì một lý do nào đó mà bỏ sót, hay xác định làm sai lệch nguyên nhân, lực lượng cơ bản.

Thứ ba, xây dựng kế hoạch, tổ chức lực lượng, phân công cán bộ xử lý tình huống

(1) Căn cứ tình huống, nguyên nhân để đề ra kế hoạch giải quyết. Nếu tình huống diễn ra đơn giản có thể giao cho cá nhân, người có uy tín cao, đủ năng lực xuống hiện trường để giải quyết. Nếu tình huống diễn ra phức tạp, liên quan nhiều người, nhiều lĩnh vực khó khăn thì cần phải xây dựng kế hoạch, thành lập tổ công tác để xử lý tình huống. Trong tổ công tác đó, bí thư hay phó bí thư là người phụ trách chỉ đạo trực tiếp tình huống dân vận đang diễn ra.

(2) Để xử lý tình huống dân vận một cách mau chóng, hiệu quả, tiết kiệm thời gian và công sức thì khi triển khai thực hiện kế hoạch cần thiết phải thực hiện phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng cán bộ phụ trách. Bên cạnh đó, cần phải có các giải pháp để xử lý từng vấn đề. Ngoài ra, khi tổ chức triển khai kế hoạch, trong những trường hợp cần thiết thì cần phải tiến hành huy động các tổ chức có liên quan đến tình huống công tác dân vận đang diễn ra để cùng phối hợp hành động. 

(3) Để tránh trùng lắp, tạo ra sự phối hợp nhịp nhàng trong xử lý tình huống dân vận thì cần phải xây dựng được quy chế làm việc của tổ công tác. Trong quy chế làm việc, phải đặc biệt chú ý đến chế độ báo cáo thông tin một cách đầy đủ, kịp thời, đều đặn của cán bộ phụ trách cũng như của tổ công tác; báo cáo nhanh về diễn biến và hoạt động của tổ công tác với thường trực cấp uỷ để nắm tình hình kịp thời.

(4) Nhằm tạo sự thống nhất chung trong xử lý tình huống dân vận, cấp uỷ cần tăng cường vai trò lãnh đạo, thực hiện kế hoạch, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát tổ công tác. Khi thực hiện xử lý tình huống dân vận nếu có vấn đề phát sinh xuất hiện, cần có sự chỉ đạo kịp thời dựa trên nguyên tắc tập trung dân chủ; tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách để xử lý tình huống dân vận một cách hiệu quả.

Thứ tư, kết thúc xử lý tình huống

(1) Tổ chức tổng kết chỉ ra những ưu điểm, khuyết điểm trong quá trình xử lý tình huống dân vận của tập thể, cá nhân để rút kinh nghiệm. Xem xét những điểm chưa phù hợp trong các chủ trương, chính sách để đề xuất hoặc trực tiếp sửa chữa, bổ sung cho hợp lý hơn. Nếu liên quan đến vai trò của cán bộ, đảng viên thì cần có sự đánh giá khách quan để rút kinh nghiệm, hoặc có biện pháp xử lý phù hợp.

(2) Báo cáo toàn bộ diễn biến tình huống và việc xử lý tình huống dân vận lên cấp uỷ cấp trên một cách khách quan, đầy đủ và toàn diện. Bên cạnh đó, thực hiện các biện pháp xử lý kịp thời những cá nhân, lực lượng chủ yếu làm nảy sinh và làm cho tình huống diễn biến phức tạp. Việc xử lý những sai phạm phải luôn dựa trên cơ sở các quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước; bên cạnh sự nghiêm minh của pháp luật thì cần có sự khoan hồng cho những người thành khẩn, hợp tác.

(3) Cần có các giải pháp để ổn định tình hình; ổn định các cơ sở, cá nhân có liên quan đi vào nền nếp. Việc sớm tạo lập sự ổn định là yêu cầu cấp thiết đặt ra không chỉ để chấm dứt những khác biệt, hay điểm nóng mà còn tạo điều kiện để cuộc sống của người dân trở lại bình thường, đây là cách thức để tạo nên sự ổn định bền vững và phát triển.

(4) Cần đặc biệt coi trọng công tác tư tưởng trong tổ chức Đảng, trong nhân dân để vượt qua mặc cảm, băn khoăn, tạo ra sự đồng thuận, hoà khí tốt. Thông qua các hoạt động như lãnh đạo đứng đầu cấp uỷ, chính quyền đến thăm, động viên những người dân do nhận thức hạn chế, do bị kích động lôi kéo mà làm sai các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tạo mọi điều kiện tốt để họ sớm ổn định cuộc sống, có cơ hội sửa sai, đóng góp vào sự phát triển chung của địa phương, khu vực họ sinh sống.

(5) Cần có dự báo, nhận định tình hình và các giải pháp đề ra để ngăn chặn kịp thời các tình huống tương tự có thể xuất hiện. Việc dự báo, nhận định đúng và đề ra các giải pháp phù hợp luôn là yêu cầu đối với mỗi cấp uỷ đảng, chính quyền để không bị rơi vào tình thế bị động từ đó mất khả năng kiểm soát tình hình.

4. Kết luận

Trong bối cảnh đất nước hội nhập quốc tế sâu rộng, sự chênh lệch về thu nhập, khác biệt về lợi ích; đặc biệt âm mưu diễn biến hoà bình của các thế lực thù địch thực hiện nhằm chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc ngày càng tinh vi… làm cho quá trình đề ra và thực thi các chủ trương, chính sách không tránh khỏi gặp phải các tình huống bất ngờ. Khi xử lý các tình huống đó trong công tác dân vận đòi hỏi các tổ chức, cá nhân vừa đảm bảo tính khách quan, khoa học, kiên định, có hệ thống; nhưng đồng thời cũng cần sự chủ động, linh hoạt, sáng tạo tuỳ thuộc vào từng tình huống, từng địa bàn, không gian và thời gian cụ thể để có cách xử lý phù hợp.

---------

Bài đăng trên Tạp chí Thông tin Khoa học chính trị số 2 (38) - 2024

1, 4 Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t.6, tr.234, 232.

2 Viện Ngôn ngữ: Từ điển tiếng Việt, Nxb Từ điển Bách khoa, Hà Nội, 2007, tr.211.

 3 Nguyễn Như Ý (chủ biên): Đại từ điển tiếng Việt, Nxb Đại học quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, 2006, tr.190.