TS PHAN CÔNG KHANH
Học viện Chính trị khu vực IV
(TTKHCT) - Giáo sư, Viện sĩ, Anh hùng Lao động, Thiếu tướng Trần Đại Nghĩa là nhà khoa học lớn, đại diện xuất sắc cho đội ngũ các nhà khoa học Việt Nam. Ông được biết đến với danh hiệu “ông vua” vũ khí, người có công lớn trong việc xây dựng ngành công nghiệp quốc phòng Việt Nam. Cuộc đời của ông là một cuộc đời vì nghĩa lớn. Ông cũng là một trong những người học trò xuất sắc, luôn được Chủ tịch Hồ Chí Minh tin yêu.
Đoàn đại biểu Quân đội chúc thọ lần thứ 60 sinh nhật Người. Ảnh: Tư liệu
1. Giáo sư, Viện sĩ, Thiếu tướng, anh hùng Trần Đại Nghĩa có lần tâm sự: “Tôi nhớ mãi Bác Hồ kính yêu, vô cùng biết ơn Bác cho theo về nước, Bác luôn luôn chăm sóc và hướng dẫn tôi và trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, đã cho tôi các cương vị để có thể hoàn thành các nhiệm vụ của đời tôi một cách hiệu quả nhất và cái tên mà Bác đã đặt cho tôi cũng luôn luôn nhắc nhở tôi (…). Bác luôn luôn là hình ảnh thiêng liêng nhưng rất gần gũi với tôi. Trong tâm khảm tôi, một bên là ba má và chị tôi, một bên là Bác Hồ”1. Còn Bác Hồ gọi Trần Đại Nghĩa là “một đại trí thức”2. Bấy giờ ông mới 39 tuổi. Tháng 8/1946, trên chiến hạm Dumont d’Urville, kỹ sư Phạm Quang Lễ bắt đầu một cuộc đời mới, sau này với một cái tên mới và một sự nghiệp đúng như hoài bão của mình: “Bạn bè của tôi ở lại bên Pháp, họ đều sung sướng, đầy đủ hơn tôi rất nhiều. Nhưng về khía cạnh phụng sự Tổ quốc, họ chẳng có gì cả”. Giữa Bác Hồ và Trần Đại Nghĩa là một mối giao cảm kỳ lạ, khác thường. Trần Đại Nghĩa kính trọng Bác như cha, còn Bác thì chăm sóc gia đình ông như chăm sóc người thân.
2. Cuộc đời của Phạm Quang Lễ - Trần Đại Nghĩa có khá nhiều nét giống cuộc đời Bác Hồ. Bác mồ côi mẹ từ sớm, Trần Đại Nghĩa cũng mồ côi cha từ sớm. Cũng như Nguyễn Tất Thành, ngay từ nhỏ, Phạm Quang Lễ đã âm thầm nuôi chí lớn. Đỗ đầu hai bằng Tú tài nhưng ông không vào đại học mà tính đường sang Pháp và có một định hướng rõ rệt: học chế tạo vũ khí. Ông lao vào học tất cả những lĩnh vực phục vụ cho mục tiêu này: từ kỹ sư cầu đường, kỹ sư điện, kỹ sư mỏ, cử nhân toán đến kỹ sư hàng không. Đầu thế kỷ XX, một bằng kỹ sư ở nước Pháp hẳn là đã quá đủ cho mục tiêu kiếm sống. Học tập miệt mài bá nghệ như vậy chắc phải nhằm mục tiêu lớn lao cao cả hơn. Phạm Quang Lễ đã có lúc phải từ biệt mẹ rất bịn rịn, khiến người ta có thể liên tưởng đến giây phút Nguyễn Tất Thành từ biệt cụ thân sinh ở Qui Nhơn. Trong thời gian ở Pháp, ông cũng dành dụm tiền gửi về cho mẹ. Khi chị và mẹ qua đời, ông cũng không có mặt bên cạnh. Đối với Tổ quốc, ông cũng là một bậc đại hiếu, hết lòng hết sức với sự nghiệp kháng chiến. Cũng như Bác Hồ, ông cũng vì việc nước mà phải gác lại tình thân.
Khi sang Pháp năm 1946, tiếp xúc với Phạm Quang Lễ chưa lâu nhưng Bác đã rất hiểu lòng yêu nước, tài năng, phẩm chất và nguyện vọng của ông. Người xưa nói “chọn mặt gửi vàng”. Việc Bác đưa ông về nước và sau này giao ông phụ trách Cục Quân giới còn hơn cả gửi vàng. Bác có ba câu hỏi đối với ông, mà có lẽ Người đã biết trước câu trả lời, chỉ như một cách để ông khẳng định quyết tâm. Câu hỏi thứ nhất về nguyện vọng, ông trả lời: “Nguyện vọng cao nhất là được trở về Tổ quốc cống hiến năng lực và tinh thần”3. Trên chuyến xe lửa từ Paris đi Marseille, Bác hỏi về khả năng chịu đựng và làm việc trong điều kiện khó khăn, thiếu thốn ở trong nước. Kỹ sư Phạm Quang Lễ trả lời “chịu nổi” và “tin là làm được vì đã chuẩn bị 11 năm”4. Chính Trần Đại Nghĩa sau này cũng nói: “Bác Hồ hiểu sâu sắc giới trí thức, tập hợp và thu phục được nhân tâm người trí thức, khích lệ họ đem tài năng phục vụ Tổ quốc”5.
Hiểu Trần Đại Nghĩa, Bác Hồ đặt trọn niềm tin. Việc Bác Hồ đặt bí danh cho ông là một ví dụ, nó nói lên phẩm chất đại nghĩa của cả hai. Bác đặt tên cho nhiều người, mỗi cái tên đều gởi gắm ý nghĩa gắn với sự nghiệp chung của dân tộc. Bác đặt bí danh cho ông vì nhiều lí do, riêng có, chung có: bảo vệ người nhà của ông ở trong Nam, bảo vệ chính ông - mục tiêu săn lùng của giặc Pháp, nhưng trên tất cả là trao trọn niềm tin và nhiệm vụ. Người phương Đông xem hiếu là đạo làm con, đạo cư xử với cha mẹ; nghĩa là đạo cư xử với cộng đồng. Nghĩa là giúp người, giúp đời. Đối với người Việt Nam, cái nghĩa lớn nhất là đánh giặc cứu nước. Vì vậy mà có các từ “khởi nghĩa”, “tụ nghĩa”, “xướng nghĩa”… Trong lịch sử dân tộc thời phong kiến, anh hùng chống giặc không ít, nhưng chỉ Trần Quốc Tuấn được Nhân dân tôn xưng là Đức Thánh. Hồ Chí Minh hiểu thời cuộc, hiểu con người. Đặt bí danh Trần Đại Nghĩa có lẽ không có sự tin cậy nào lớn hơn đối với một trí thức chỉ mới hơn 30 tuổi từ nước ngoài trở về theo tiếng gọi của Tổ quốc: vừa đặt tên vừa là giao nhiệm vụ. Anh hùng đoán giữa trần ai. Bác hiểu tấm lòng của ông đối với đất nước, hiểu giá trị tài năng của ông đối với cuộc kháng chiến không tránh khỏi sắp cận kề. Vì vậy mà có giai thoại kể rằng trong kháng chiến chống Pháp, Bác Hồ “cấm” ông chết. Mặt khác, theo chúng tôi, bí danh Đại Nghĩa là một cách chơi chữ rất thâm thuý, độc đáo ít nhất ở hai phương diện. Trước tiên là nhằm chỉ một giai đoạn mới trong cuộc đời Phạm Quang Lễ. Lễ là một trong năm đức tính của người quân tử, sau nhân và nghĩa. Trong Giáp cốt văn, chữ lễ là hình dụng cụ đựng đồ cúng có để hai chuỗi ngọc quí, ý nói cách dâng cúng thần linh. Sau này, lễ 禮 gồm bộ kì bên trái (thần đất - tượng hình bàn thờ), bên phải là chữ khúc (曲 điệu nhạc) ở trên và bộ đậu (豆 thức ăn) ở dưới, ý nói tấu nhạc và dâng thức ăn lên thần linh6. Từ đó, một nghĩa của từ lễ là “Những phép tắc phải theo cho đúng khi tiếp xúc với người khác, thường là với người trên”7. Tả truyện viết: “Lễ dĩ thuận thiên, thiên chi đạo dã” (Lễ là thuận theo trời, là đạo của trời vậy). Nho gia nói: khắc kỷ phục lễ - sửa mình để theo phép tắc xã hội. Học trò của Khổng Tử ghi chép lễ nghi các đời mà làm ra Kinh Lễ nhằm muốn đời sau tuân theo đó để xã hội tốt đẹp. Chữ nghĩa gồm bộ dương và chữ ngã. Dương (con dê) tượng trưng cho bầy đàn; ngã là ta, tức cá nhân. Nghĩa chỉ quan hệ giữa cá nhân với cộng đồng. Làm điều tốt cho cộng đồng là nghĩa, làm điều xấu đối với cộng đồng là bất nghĩa. Lễ và nghĩa được ghép chung để chỉ những phép tắc phải theo để cư xử trong gia đình, xã hội, sao cho phải đạo người trên kẻ dưới8. Quang Lễ là phép tắc sáng rõ. Quang Lễ chuyển thành Đại Nghĩa là phép tắc sáng rõ chuyển thành nghĩa lớn, nói cách khác là từ học thành tài rồi đem cái tài ấy phục vụ đất nước. Đấy điều mà Bác mong muốn ở Phạm Quang Lễ. Phương diện chơi chữ thứ hai là sự gắn bó giữa Hồ Chí Minh và Phạm Quang Lễ. Trong Cáo Bình Ngô, Nguyễn Trãi viết: “Dĩ đại nghĩa nhi thắng hung tàn/ Dĩ chí nhân nhi địch cường bạo” (Đem đại nghĩa để thắng hung tàn/ Lấy chí nhân để thay cường bạo). Nhiều người nhận xét Hồ Chí Minh là bậc đại nhân, đại trí, đại dũng. Nhân là yêu thương con người. Nhân ái nhân dã. Hồ Chí Minh yêu thương con người, yêu thương dân tộc. Chí lớn của Hồ Chí Minh là giải phóng con người, giải phóng dân tộc. Chí Minh là ham muốn tột bậc sao cho đồng bào ta ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành. Chí Minh phải chăng cũng là chí nhân? Chí sáng gắn với nghĩa lớn. Chí Minh gắn với Đại Nghĩa và Đại Nghĩa đi liền với Chí Minh9. Bác là tri kỷ của Phạm Quang Lễ còn Phạm Quang Lễ là tri âm của Bác – theo nghĩa ông hiểu, tri ân và làm theo điều Bác dạy. Bác nói ngắn gọn nhưng ông thấu hiểu ngọn ngành tấm lòng và niềm tin của Bác: chú cố gắng hoàn thành nhiệm vụ. Đấy là giao tiếp của những bậc thức giả, như Bác Hồ nói với Huỳnh Thúc Kháng về lẽ bất biến vạn biến trước lúc sang Pháp. Ngày 30/4/1975, ông ghi vào sổ tay: nhiệm vụ đã hoàn thành. Bác tin ông chuyện lớn và cả chuyện nhỏ. Những chuyện khó về khoa học, kỹ thuật, mọi người xin ý kiến Bác, Bác đều bảo: Hỏi ý kiến chú Nghĩa10. Sau này, ông được điều sang phụ trách các công việc dân sự, Bác không đồng ý và yêu cầu đặt ông đúng vị trí chuyên môn. Bác tin ông cùng lúc có thể phụ trách nhiều việc như đã từng làm. Bác dặn ai cản trở công việc thì cứ báo Bác. Bác cho phép gặp bất cứ lúc nào. Như nhiều người nói, đấy là sự thuỷ chung của Bác đối với đội ngũ trí thức đi theo cách mạng. Nhiều lần, trong các bài viết, bài nói, Bác hay dẫn tên ông như một tấm gương về lòng yêu nước, tận tuỵ phục vụ Tổ quốc.
Đối với Bác Hồ, Trần Đại Nghĩa cũng đặt trọn vẹn cuộc đời lẫn sự nghiệp của mình dưới sự dẫn dắt của Bác. Ông viết: “Chính Bác đã chỉ ra con đường cách mạng, trao cho tôi nhiệm vụ. Và suốt chặng đường tôi đi, Bác đã dìu dắt và tạo điều kiện cho tôi làm tròn nhiệm vụ”11. Năm 1947, giặc Pháp nhảy dù xuống Bắc Kạn. Trần Đại Nghĩa mất hết đồ đạc, vật dụng cá nhân. Biết chuyện, Bác gởi chiếc áo sơ mi đồng bào Thái Lan tặng Bác với lời nhắn nhủ: “Bác tặng lại chú mặc cho ấm để làm việc tốt”. Ông nhớ lại: “Chính hơi ấm của Bác đã truyền đến cho tôi qua chiếc áo trong những đêm ngồi một mình trong sương lạnh, tính toán các công thức, làm nhiệm vụ”12. Tin cậy, cảm phục và biết ơn Bác, ông đi đến cùng con đường mà Bác đã chọn cho ông. Những ngày ở chiến khu, tham gia chế tạo vũ khí, dù gian lao, vất vả, thiếu thốn, nhưng có lẽ là những ngày thoả chí nhất trong cuộc đời Trần Đại Nghĩa: được phát huy hết tài năng sở học, có những đóng góp lớn lao đối với việc chế tạo vũ khí trong buổi đầu của kháng chiến, góp phần tiết kiệm xương máu chiến sĩ, khiến giặc Pháp hoang mang. Việc ông giữ họ Trần cho các con của mình phải chăng cũng là thể hiện sự kính yêu, thuỷ chung với Bác và đáp lại lòng tin cậy tuyệt đối của Bác?
3. Cuộc gặp Hồ Chí Minh – Phạm Quang Lễ năm 1946 có lẽ không phải là cuộc gặp ngẫu nhiên. Nhiều người gọi là cuộc gặp định mệnh. Hai năm sau khi Nguyễn Tất Thành rời nước thì Phạm Quang Lễ ra đời. Năm 1933, khi Phạm Quang Lễ sang Pháp thì Bác Hồ đã đến Liên Xô. Năm 1941 khi Bác Hồ về nước, Phạm Quang Lễ đang đi làm ở xứ người. Gặp Bác năm 1946, Phạm Quang Lễ như đã nhận ra đấy là người mình chờ đợi. Về một phương diện nào đó, Hồ Chí Minh - Trần Đại Nghĩa gợi nhớ đến An Dương Vương – Cao Lỗ, gần hơn là Phan Đình Phùng – Cao Thắng. Hai người trước nhiều màu sắc thần thoại, hai người sau là những nhân vật lịch sử cụ thể. Không có quá khứ thì không có hiện tại. Hiện tại sẽ lặp lại quá khứ ở một hình thức tươi mới hơn, có ý nghĩa hơn. Đấy là con đường hình thành truyền thống, là biện chứng của phát triển. Nhà nghiên cứu thiên văn Trịnh Xuân Thuận có nói đại ý sự xuất hiện của con người trong vũ trụ hoàn toàn không ngẫu nhiên. Vũ trụ biết rằng con người sẽ xuất hiện, ở đâu đó, vào một lúc nào đó. Đơn giản vì vũ trụ đã chuẩn bị sẵn mọi điều kiện cho sự xuất hiện đó. Không quá lời khi nói rằng Hồ Chí Minh biết rằng mình sẽ gặp một Phạm Quang Lễ và Phạm Quang Lễ cũng tin rằng mình sẽ gặp một Hồ Chí Minh. Hồ Chí Minh tự thức tự giác phải đến nước Pháp. Phạm Quang Lễ cũng tự thức tự giác như vậy. Phạm Quang Lễ âm thầm quyết tâm bí mật học chế tạo vũ khí cũng không phải ngẫu nhiên. Ông đọc cả sách quân sự, đọc tác phẩm Bàn về chiến tranh của nhà lý luận quân sự Phổ Karl von Clausewitz. Chắc chắn ông phải có niềm tin mãnh liệt rằng sẽ có lúc đất nước cần đến kỹ thuật chế tạo vũ khí, chắc chắn sẽ có một lãnh tụ đứng ra tập hợp lực lượng kháng chiến cứu nước cứu dân. Còn Hồ Chí Minh thì chắc hẳn cũng biết có một Phạm Quang Lễ hay một Võ Quí Huân, một Trần Hữu Tước đâu đó ở nước Pháp. Đơn giản là vì Người rất tin vào thanh niên, tin vào truyền thống của dân tộc và sức mạnh của Nhân dân. Hồ Chí Minh viết sách, viết báo để tuyên truyền thức tỉnh dân tộc, nhất là thanh niên. Hồ Chí Minh cũng đã chuẩn bị tất cả mọi điều kiện để các tài năng của đất nước có thể tham gia vào công cuộc cứu nước.
Học tập Hồ Chí Minh, Trần Đại Nghĩa luôn đặt việc chung lên trên hết. Trong chiến khu, ông miệt mài làm việc, có lúc mắc phải bệnh lao. Ông sống cuộc đời giản dị. Người nhà kể những năm về sống ở Sài Gòn, nhà dột, ông nói với gia đình: Nhà ngập thì tát nước ra, lại khô ráo như thường. Nhà toán học Việt kiều Bùi Trọng Liễu nhận xét về ông: “Cuộc đời của anh chính là cuộc đời phù hợp với bức chân dung lý tưởng của người Việt đi du học để tiếp thu những gì cần thiết cho đất nước rồi trở về hoà mình với Nhân dân trong nước, đem trí tuệ, tài năng, công sức tham gia chiến đấu và xây dựng. Cống hiến cho tập thể thì rất nhiều, đòi hỏi cho bản thân rất ít”13. Sau 1975, hoài bão đã hoàn thành, công việc chung cần, ông khẳng khái nhận nhiệm vụ mới. Với tư cách nhà khoa học, có lẽ ông là người đầu tiên đặt vấn đề phát huy lòng yêu nước trong xây dựng kinh tế14. Chắc hẳn ông đã chứng kiến biết bao tấm gương xả thân vì Tổ quốc trong chiến tranh. Ông học theo Bác Hồ, coi lòng yêu nước là một sức mạnh của dân tộc. Cũng là trăn trở về điều căn dặn của Bác trong Di chúc: “Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và vǎn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của Nhân dân”15. Nghiên cứu sự phát triển của các nước, nhất là Nhật, ông rút ra kết luận: Lòng yêu nước của nhân dân Nhật trong thời hậu chiến có nhiều đặc điểm đáng chú ý, có thể nghiên cứu để khơi dậy, phát huy lòng yêu nước của Nhân dân Việt Nam sau chiến tranh16.
4. Trần Đại Nghĩa là một gương mặt đẹp tiêu biểu của thế hệ tài đức qui tụ dưới ngọn cờ đại nghĩa của lãnh tụ Hồ Chí Minh. Từ một học sinh nghèo, mồ côi cha, hiếu học trở thành một tài năng trẻ, rồi thành một vị tướng, một nhà khoa học lớn, một đại trí thức, đại anh hùng. Cuộc đời ông là cuộc đời cống hiến cho khoa học và Tổ quốc, vì Tổ quốc mà đến với khoa học rồi đem khoa học phụng sự Tổ quốc. Tháng 8/1946 về nước, chưa đầy 6 năm sau, tháng 4/1952, ông được phong Anh hùng lao động. Phải là kết quả của một nỗ lực phi thường. Đại tướng Võ Nguyên Giáp viết về ông: “… tấm gương của một nhà trí thức tiêu biểu, mẫu mực và đức độ: liêm khiết, công tâm; về tài năng: thông minh và sáng tạo; ăn ở đoàn kết, thuỷ chung, có thể nói là không phụ lòng Bác Hồ đã đưa anh về nước”17. Giáo sư, Viện sĩ Nguyễn Văn Hiệu coi ông là “người thầy”, “người cha vĩ đại của các nhà khoa học của đất nước Việt Nam độc lập”18. Võ Văn Kiệt - người đồng hương với ông - có lúc nói đại ý trí thức đi theo kháng chiến là hy sinh sự nghiệp, công danh, điền sản lớn, vinh hoa phú quý do đó không thể đánh giá lòng yêu nước của họ bình thường được. Trần Đại Nghĩa là một ví dụ tiêu biểu cho nhận xét này. Trong tiếng Phạn, giản dị nghĩa là thẳng tắp, sự tiến thẳng nghĩa là giản dị. Cũng như nhiều trí thức lớn đi theo Hồ Chí Minh, ông sống giản dị, đi một con đường thẳng tắp trên hành trình vĩ đại của dân tộc trong thế kỷ XX: từ quê hương sang Pháp học tập, theo Hồ Chí Minh trở về quê hương, đi vào chiến khu và đồng hành với chiến thắng rực rỡ của chiến dịch Hồ Chí Minh. Ông đã sống một cuộc đời xứng đáng với cái tên Trần Đại Nghĩa – cái tên như tấm huân chương có một không hai mà Bác Hồ đã đính lên cuộc đời ông khi ông mới bắt đầu con đường cách mạng.
---------
Bài đăng trên Tạp chí Thông tin Khoa học chính trị số 6 (36) - 2023
1, 3, 4, 5 & 10, 12, 13, 14 & 16, 17 Nguyễn Văn Đạo (chủ biên): Ba nhà khoa học kiệt xuất, Nxb Lao động, 2006, tr.373, 362, 364, 371, 370, 381, 382, 385.
2 Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t.7, tr.422.
6 Lý Lạc Nghị: Tìm về cội nguồn chữ Hán, Nxb Thế giới, Hà Nội, 1997, tr.376.
7 & 8 Hoàng Phê (chủ biên): Từ điển Tiếng Việt, Nxb Hồng Đức, 2016, tr.709.
9 Theo lời kể, khi giải thích với Phạm Quang Lễ, Bác có nhắc đến 2 câu trong Bình Ngô đại cáo: “Một là họ Trần, không có họ với Bác, đấy là họ của Trần Hưng Dạo. Hai là, Đại Nghĩa là nghĩa lớn để chú nhớ đến nhiệm vụ của mình với nhân dân, với đất nước. Đại Nghĩa cũng là chữ của Nguyễn Trãi trong Bình Ngô đại cáo: “Dĩ đại nghĩa nhi thắng hung tàn/ Dĩ chí nhân nhi địch cường bạo”. Chú có ưng bí danh đó không?”. Xem: Nguyễn Văn Đạo: Sđd, tr.369.
11 Hoàng Tiến – Thanh Tú – Minh Tuấn: Đằng sau ánh hào quang quân giới - Bài 1: Thời kỳ đầu và những thử thách sinh tử, Quân đội nhân dân, ngày 26/8/2020.
15 Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.15, tr.653.
18 Phim tài liệu: Người con đại nghĩa, Điện ảnh Quân đội nhân dân Việt Nam, 2011.