TS LÊ NHỊ HÒA
Học viện Chính trị khu vực III
(TTKHCT) - Việt Nam là quốc gia có bề dày truyền thống lịch sử và nền văn hóa giàu bản sắc. Các giá trị văn hóa Việt Nam là một tài sản quý của dân tộc; là nguồn lực quốc gia, nguồn tài nguyên chiến lược trong sự nghiệp xây dựng đất nước và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Bài viết góp phần làm rõ những luận điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về sức mạnh mềm văn hóa Việt Nam và sự vận dụng trong quá trình đấu tranh bảo vệ chủ quyền, lợi ích quốc gia trên biển trong giai đoạn hiện nay.
Ảnh tư liệu
1. Đặt vấn đề
Sức mạnh mềm văn hóa Việt Nam là khả năng huy động, phát huy những giá trị văn hóa vật chất, tinh thần của dân tộc đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam; lan tỏa các giá trị, bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam đến các quốc gia trên thế giới, tăng cường uy tín, vị thế của Việt Nam trong các quan hệ quốc tế. Đại hội lần thứ XIII của Đảng xác định: “Tập trung nghiên cứu, xác định và triển khai xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa (…) Khẩn trương triển khai phát triển có trọng tâm, trọng điểm ngành công nghiệp văn hóa và dịch vụ văn hóa trên cơ sở xác định và phát huy sức mạnh mềm của văn hóa Việt Nam”1.
Những cống hiến xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) ghi nhận, đánh giá cao và vinh danh Người là Anh hùng giải phóng dân tộc và Nhà văn hóa kiệt xuất của Việt Nam. Nghị quyết của UNESCO nêu rõ: “Nhận thấy Chủ tịch Hồ Chí Minh, một biểu tượng xuất sắc về sự tự khẳng định dân tộc, đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam, góp phần vào cuộc đấu tranh chung của các dân tộc vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội. Nhận thấy những đóng góp quan trọng và nhiều mặt của Chủ tịch Hồ Chí Minh trên các lĩnh vực văn hóa, giáo dục và nghệ thuật chính là sự kết tinh của truyền thống văn hóa hàng ngàn năm của dân tộc Việt Nam, và những tư tưởng của Người là hiện thân của những khát vọng của các dân tộc mong muốn được khẳng định bản sắc văn hóa của mình và mong muốn tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau giữa các dân tộc”2. Trong những đóng góp quan trọng, nhiều mặt của Chủ tịch Hồ Chí Minh nhằm “khẳng định bản sắc văn hóa của mình và mong muốn tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau giữa các dân tộc”, có những giá trị nổi bật về sức mạnh mềm văn hóa Việt Nam.
Vùng biển, đảo Việt Nam, trong đó có quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa ở Biển Đông là một bộ phận cấu thành chủ quyền lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc, là không gian sinh tồn và phát triển của đất nước; có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh từ hướng biển. Với diện tích gấp ba lần diện tích đất liền, vùng biển đảo thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền của Việt Nam là nguồn tài nguyên chiến lược quốc gia, nguồn lực quan trọng để xây dựng, phát triển bền vững đất nước, bảo vệ Tổ quốc, hướng đến mục tiêu năm 2045: “Việt Nam trở thành quốc gia biển mạnh, phát triển bền vững, thịnh vượng, an ninh, an toàn; tham gia chủ động và có trách nhiệm vào giải quyết các vấn đề quốc tế và khu vực về biển và đại dương”3.
Việc nghiên cứu, làm rõ những luận điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về sức mạnh mềm văn hóa Việt Nam có ý nghĩa quan trọng, cần thiết nhằm vận dụng vào thực tiễn đấu tranh bảo vệ chủ quyền, lợi ích chính đáng, hợp pháp của Việt Nam trên biển hiện nay.
2. Tư tưởng Hồ Chí Minh về sức mạnh mềm văn hóa Việt Nam trong xây dựng đất nước, bảo vệ Tổ quốc
Trong hệ thống các quan điểm sâu sắc và toàn diện về các vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam, tư tưởng Hồ Chí Minh về sức mạnh mềm văn hóa Việt Nam trong xây dựng, phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc được khái quát thành những điểm chính sau:
Thứ nhất, “Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quý báu của ta. Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng, thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước”4. Lịch sử dân tộc Việt Nam gắn liền với những cuộc kháng chiến chống ngoại xâm để bảo vệ độc lập, chủ quyền. Xuyên suốt trong dòng chảy lịch sử dân tộc, tinh thần yêu nước, lòng tự hào, tự tôn dân tộc và quyết tâm, ý chí bảo vệ chủ quyền, cương vực lãnh thổ quốc gia là giá trị đặc sắc, tiêu biểu của sức mạnh mềm văn hóa Việt Nam. Chủ tịch Hồ Chí Minh tổng kết: “Lịch sử ta đã có nhiều cuộc kháng chiến vĩ đại chứng tỏ tinh thần yêu nước của dân ta. Chúng ta có quyền tự hào vì những trang lịch sử vẻ vang thời đại Hai Bà Trưng, Bà Triệu, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Quang Trung, v.v… Chúng ta phải ghi nhớ công lao của các vị anh hùng dân tộc, vì các vị ấy là tiêu biểu của một dân tộc anh hùng (…) Tinh thần yêu nước cũng như các thứ của quý. Có khi được trưng bày trong tủ kính, trong bình pha lê, rõ ràng dễ thấy. Nhưng cũng có khi cất giấu kín đáo trong rương, trong hòm. Bổn phận của chúng ta là làm cho những thứ của quý kín đáo ấy đều được đưa ra trưng bày. Nghĩa là phải ra sức giải thích, tuyên truyền, tổ chức, lãnh đạo, làm cho tinh thần yêu nước của tất cả mọi người đều được thực hành vào công việc yêu nước, công việc kháng chiến”5. Thắng lợi của những cuộc kháng chiến chống thực dân, đế quốc có vai trò to lớn của sức mạnh mềm văn hóa Việt Nam với tinh thần: “Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”6; “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”7. Năm 1993, Tổng thống Pháp F.Mitterrand đến Việt Nam, lên chiến trường Điện Biên Phủ và thừa nhận: “Không có gì thắng nổi ý chí của một dân tộc quyết tâm đứng lên giành độc lập”8. Còn cựu Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ Robert Strange McNamara đã phải thừa nhận một trong những nguyên nhân thất bại trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam: người Mỹ đã không đánh giá đúng sức mạnh tinh thần yêu nước của dân tộc Việt Nam; đã không hiểu hết lịch sử và truyền thống văn hóa của nhân dân Việt Nam.
Thứ hai, “Đoàn kết là sức mạnh của chúng ta”9. Để chiến thắng những thế lực ngoại bang có tiềm lực quân sự, kinh tế hùng mạnh, một trong những giá trị nổi bật của sức mạnh mềm văn hóa Việt Nam là xây dựng, củng cố khối đoàn kết, thống nhất dân tộc, thực hiện “cử quốc nghênh địch”, phát huy sức mạnh của cả nước, của toàn dân để đánh giặc, giữ nước. Danh tướng Trần Hưng Ðạo đã tổng kết nguyên nhân thắng lợi trong ba lần kháng chiến chống giặc Nguyên - Mông thời nhà Trần là “Vua tôi đồng lòng, anh em hòa mục, nước nhà chung sức”.
Sau ngày ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 22c NV/CC ngày 18/2/1946 ấn định những ngày Tết, ngày kỷ niệm lịch sử, ngày lễ tôn giáo, trong đó xác định Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương là 10/3 âm lịch hằng năm, là ngày lễ chính thức của dân tộc. Ngày 19/9/1954, tại Khu Di tích lịch sử văn hóa Đền Hùng, nói chuyện với cán bộ, chiến sĩ Đại đoàn Quân tiên phong về tiếp quản Thủ đô Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tổng kết bài học quan trọng: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước/ Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”10. Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là “bản sắc văn hóa độc đáo, đặc sắc không phải ở nghi thức tế lễ hay di tích lịch sử Đền Hùng mà chính là ở ý nghĩa niềm tin, thể hiện sự đoàn kết, văn hóa tâm linh dân tộc”11. Ngày 06/12/2012, tại kỳ họp lần thứ 7, Ủy ban Liên Chính phủ Công ước 2003 về bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể đã chính thức công nhận Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ, Việt Nam là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Từ thực tiễn lãnh đạo sự nghiệp cách mạng, kháng chiến kiến quốc, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhiều lần nhấn mạnh bài học: “Đoàn kết là sức mạnh, là then chốt của thành công”12; “Đoàn kết là sức mạnh, đoàn kết là thắng lợi”13; “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết/ Thành công, thành công, đại thành công”14; “Sử ta dạy cho ta bài học này/ Lúc nào dân ta đoàn kết muôn người như một thì nước ta độc lập, tự do/ Trái lại, lúc nào dân ta không đoàn kết thì bị nước ngoài xâm lấn”15; “Trong bầu trời không gì quý bằng nhân dân. Trong thế giới không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân”16. Trong Lời kêu gọi nhân dịp Cách mạng Tháng Tám và Ngày Độc lập năm 1951, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Lòng yêu nước và sự đoàn kết của nhân dân là một lực lượng vô cùng to lớn, không ai thắng nổi. Nhờ lực lượng ấy mà tổ tiên ta đã đánh thắng quân Nguyên, quân Minh, đã giữ vững quyền tự do, tự chủ. Nhờ lực lượng ấy mà chúng ta cách mạng thành công, giành được độc lập. Nhờ lực lượng ấy mà sức kháng chiến của ta càng ngày càng mạnh”17. Theo Người: “Dù địch có những vũ khí tối tân, hùng binh ác tướng, nhưng chúng ta lại có những thứ vũ khí mạnh mẽ hơn, bền bỉ hơn chúng. Chúng ta có cái chí quật cường không núng của dân tộc, chúng ta có sự đoàn kết của toàn dân. Chúng ta có cái lòng hy sinh cảm tử của chiến sĩ ở tiền tuyến. Chúng ta có cái sức kiên quyết nhẫn nại của đồng bào ở hậu phương. Đó là những vũ khí luôn luôn chiến thắng quân thù, chứ không lực lượng nào chiến thắng được những vũ khí đó”18.
Thứ ba, “kháng chiến của ta là chính nghĩa”19. Bản sắc, đặc trưng văn hóa giữ nước, văn hóa quân sự của dân tộc Việt Nam là hòa bình, tự vệ và chính nghĩa, là quyết tâm, ý chí bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ quốc gia, bao gồm đất liền, hải đảo, vùng biển và vùng trời Tổ quốc. Ngọn cờ chính nghĩa trong chống ngoại xâm, bảo vệ đất nước; niềm tin vào thắng lợi cuối cùng trong kháng chiến là nội dung tiêu biểu của sức mạnh mềm văn hóa Việt Nam. Trong những ngày đầu kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định một niềm tin: “Chúng ta nhất định thắng lợi vì chúng ta có lực lượng đoàn kết của cả quốc dân/ Chúng ta nhất định thắng lợi vì cuộc đấu tranh của chúng ta là chính đáng”20. Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ: “Vì kháng chiến của ta là chính nghĩa/ Ta chỉ giữ non sông, đất nước của ta. Chỉ chiến đấu cho quyền thống nhất và độc lập của Tổ quốc. Còn thực dân phản động Pháp thì mong ăn cướp nước ta, mong bắt dân ta làm nô lệ. Vậy ta là chính nghĩa, địch là tà. Chính nhất định thắng tà (…) Chiến tranh xâm lược của thực dân phản động là phi nghĩa. Ai cũng chán ghét. Kháng chiến cứu quốc của ta là chính nghĩa, cho nên được nhiều người bênh vực”21. Nói về nguyên nhân thắng lợi ở chiến dịch Điện Biên Phủ (1954), Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ: “Lòng yêu nước nồng nàn, sự thống nhất về tinh thần và chính trị của nhân dân và quân đội xung quanh Đảng và Chính phủ đã giúp chúng tôi vượt qua những thử thách khó khăn không tưởng tượng được và tạo những điều kiện về chính trị, kinh tế và quân sự để chiến thắng. Lòng tin tưởng không gì lay chuyển nổi vào thắng lợi của sự nghiệp chính nghĩa của mình đã cổ vũ nhân dân chúng tôi và đã kích thích tinh thần dũng cảm của họ”22.
Thứ tư, Việt Nam “Làm bạn với tất cả mọi nước dân chủ và không gây thù oán với một ai”23; luôn thể hiện tinh thần yêu chuộng hòa bình, mong muốn tạo lập quan hệ bang giao hòa hiếu, bình đẳng với các nước láng giềng và tất cả các nước trên thế giới là nét đặc sắc của sức mạnh mềm văn hóa Việt Nam trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước. Thực tiễn cho thấy, nhân dân Việt Nam không bao giờ muốn chiến tranh, luôn bày tỏ thiện chí hòa bình, hữu nghị với tất cả các nước. Tiến hành chiến tranh bảo vệ đất nước bao giờ cũng là biện pháp cuối cùng của dân tộc Việt Nam. Chân lý chiến tranh Việt Nam là ở ba chữ “bất đắc dĩ”24. Việc đứng lên cầm vũ khí chiến đấu chống ngoại xâm để bảo vệ độc lập, chủ quyền bao giờ cũng là sự lựa chọn cuối cùng, khi không còn con đường nào khác; và xét đến cùng đây là một hành động văn hóa, một sự nghiệp văn hóa - văn hóa giữ nước Việt Nam. Sau ngày Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được thành lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhiều lần truyền đi thông điệp hòa bình và hữu nghị, bình đẳng với các nước trên thế giới: “Đối với các nước dân chủ, nước Việt Nam sẵn sàng thực thi chính sách mở cửa và hợp tác trong mọi lĩnh vực”25. Trong Lời tuyên bố của Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa cùng Chính phủ các nước trên thế giới ngày 14/01/1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ: “Căn cứ trên quyền lợi chung, Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa sẵn sàng đặt quan hệ ngoại giao với Chính phủ nước nào trọng quyền bình đẳng, chủ quyền lãnh thổ và chủ quyền quốc gia của nước Việt Nam, để cùng nhau bảo vệ hòa bình và xây đắp dân chủ thế giới”26. Trước và trong kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhiều lần bày tỏ, nêu rõ lập trường của nhân dân Việt Nam: kiên quyết đấu tranh vì độc lập dân tộc nhưng sẵn sàng đàm phán, thương lượng để đi tới chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam. Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn chủ trương dùng hòa bình, đối thoại thay cho đối đầu, thông qua các biện pháp thương lượng, đàm phán để giải quyết các tranh chấp, xung đột, chiến tranh. Ngày 25/8/1969, gửi thư trả lời Tổng thống Mỹ R.Nixon, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ: “Nhân dân Việt Nam chúng tôi rất yêu chuộng hòa bình, một nền hòa bình chân chính trong độc lập và tự do thật sự. Nhân dân Việt Nam quyết chiến đấu đến cùng, không sợ hy sinh gian khổ, để bảo vệ Tổ quốc và các quyền dân tộc thiêng liêng của mình”27. Chiến thắng của hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ là chiến thắng của khát vọng hòa bình, độc lập, thống nhất đất nước. Dân tộc Việt Nam quyết tâm kháng chiến để bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ hòa bình, xây dựng quan hệ bình đẳng, hòa hiếu với tất cả các nước trên thế giới.
3. Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về sức mạnh mềm văn hóa Việt Nam trong bảo vệ chủ quyền, lợi ích quốc gia trên biển
Để vận dụng hiệu quả tư tưởng Hồ Chí Minh về sức mạnh mềm văn hóa Việt Nam trong bảo vệ chủ quyền, lợi ích quốc gia trên biển, cần chú ý một số nội sung sau:
Thứ nhất, tăng cường tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức và trách nhiệm về bảo vệ chủ quyền, lợi ích chính đáng của Việt Nam trên Biển Đông
Trong các nước, các bên tuyên bố chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa ở Biển Đông, không nước nào có Bộ tài liệu chính sử của nhà nước và Bộ bản đồ quốc gia minh chứng chủ quyền như Việt Nam. Nhà nước Việt Nam có đầy đủ căn cứ vững chắc, cả trên phương diện lịch sử - văn hóa và phương diện pháp lý để khẳng định chủ quyền tại hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa phù hợp với luật pháp quốc tế. Việt Nam là quốc gia duy nhất có bộ Châu bản triều Nguyễn thể hiện rõ ràng quá trình xác lập và quản lý nhà nước đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Với những giá trị đặc biệt về nội dung và hình thức, tính độc đáo, tính xác thực, tầm ảnh hưởng quốc tế, Châu bản triều Nguyễn đã được Ủy ban UNESCO công nhận là Di sản tư liệu thế giới năm 2017. Sự công nhận của UNESCO đối với Châu bản triều Nguyễn đã cung cấp thêm những cơ sở về lịch sử, văn hóa, pháp lý khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Trong công trình nghiên cứu Chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, tác giả Monique Chemillier - Gendreau (Giáo sư công pháp và khoa học chính trị của Trường Đại học Paris VII, nguyên Chủ tịch Hội luật gia dân chủ Pháp, Chủ tịch Hội luật gia châu Âu) khẳng định: “Tôi đã chỉ ra trong suốt công trình này là các quyền của Việt Nam, nhất là trên quần đảo Hoàng Sa được đảm bảo tốt hơn bởi vì chúng được xác lập một cách rõ ràng hơn qua các tài liệu có được”28. Do đó, chính quyền các cấp cần có một chiến lược quốc gia về thông tin, tuyên truyền, giáo dục chủ quyền biển đảo; nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các tầng lớp nhân dân trong bảo vệ chủ quyền, các lợi ích hợp pháp, chính đáng của Việt Nam trên Biển Đông. Khi mỗi người dân có nhận thức và hiểu biết đầy đủ, đúng đắn về chủ quyền, các lợi ích hợp pháp, chính đáng của Việt Nam trên Biển Đông, sẽ tạo ra nguồn sức mạnh tinh thần to lớn, củng cố ý chí và quyết tâm đấu tranh bảo vệ và khẳng định chủ quyền trên biển.
Thứ hai, nêu cao tính chính nghĩa, lẽ phải của Việt Nam trong bảo vệ chủ quyền, các lợi ích hợp pháp, chính đáng của Việt Nam trên Biển Đông; tranh thủ cao nhất sự ủng hộ của cộng đồng và dư luận quốc tế
Công tác truyền thông, thông tin đối ngoại phải làm cho nhân dân thế giới thấy rõ: Việt Nam đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo bằng con đường hòa bình, biện pháp hòa bình là hành động văn hóa, mang ý nghĩa nhân văn cao cả, là bảo vệ công lý, bảo vệ sự thật lịch sử, bảo vệ các giá trị văn hóa, văn minh, chống lại mọi sự áp đặt, cường quyền, nước lớn trong quan hệ quốc tế. Cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là sự nghiệp chính nghĩa, chính danh, hợp đạo lý của nhân dân Việt Nam, phù hợp với các nguyên tắc của Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế. Thông qua sức mạnh văn hóa, “ngoại giao văn hóa” để làm cho nhân dân thế giới, thấy rõ: Việt Nam luôn bảo vệ chủ quyền biển, đảo trên cơ sở tuân thủ luật pháp quốc tế; là đất nước yêu chuộng hòa bình, công lý, tôn trọng đạo lý và lẽ phải. Phát huy sức mạnh chính nghĩa, gắn sức mạnh dân tộc với sức mạnh và xu thế của thời đại, kết hợp chặt chẽ các hình thức, biện pháp đấu tranh, kiên trì, mềm dẻo, kiên quyết bảo vệ chủ quyền biển đảo, lợi ích quốc gia, tạo môi trường quốc tế thuận lợi để xây dựng và phát triển đất nước. Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền đối ngoại để mở rộng giao lưu văn hóa với các nước: lan tỏa các giá trị văn hóa biển đảo Việt Nam ra cộng đồng quốc tế. Xây dựng chiến lược thông tin, tuyên truyền đối ngoại để nhân dân thế giới, trong đó có nhân dân Trung Quốc có cái nhìn khách quan về sự thật không thể phủ nhận là từ lâu đời, các nhà nước Việt Nam đã xác lập, thực thi chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa phù hợp với các quy định của luật pháp quốc tế. Chú trọng các hoạt động thông tin, tuyên truyền đối ngoại, tạo sự đồng tình, ủng hộ của dư luận quốc tế, của nhân dân thế giới hiểu rõ cuộc đấu tranh chính nghĩa của Việt Nam trong bảo vệ chủ quyền hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa; lập trường, thái độ, cách ứng xử hòa bình, hợp tác, có trách nhiệm, cùng phát triển của Việt Nam đối với khu vực Biển Đông.
Thứ ba, kiên trì, kiên định đấu tranh bảo vệ chủ quyền, lợi ích chính đáng trên biển bằng biện pháp hòa bình theo luật pháp Việt Nam và các nguyên tắc của Hiến chương Liên hợp quốc, Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982
Nội dung Hiến chương Liên hợp quốc đề cao các giá trị cốt lõi và các nguyên tắc: bình đẳng về chủ quyền quốc gia; tôn trọng toàn vẹn lãnh thổ và độc lập chính trị quốc gia; không đe dọa sử dụng vũ lực hoặc sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế; không can thiệp vào công việc nội bộ các nước; tôn trọng các nghĩa vụ quốc tế và luật pháp quốc tế; giải quyết các tranh chấp quốc tế bằng biện pháp hòa bình. Các nguyên tắc và giá trị này là thành quả đấu tranh chung của các quốc gia, dân tộc trên thế giới, trong đó có dân tộc Việt Nam. Việt Nam luôn coi giữ vững môi trường hòa bình cho phát triển là một trong những lợi ích cao nhất của đất nước; luôn bảo vệ hòa bình, tôn trọng chủ quyền, lợi ích của các quốc gia theo các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc, luật pháp quốc tế và các cam kết quốc tế mà Việt Nam đã ký kết, tham gia; tích cực định hình tiếng nói chung về bảo vệ hòa bình, an ninh, ổn định ở khu vực Biển Đông trong các cơ chế khu vực, đa phương và toàn cầu.
Trong bối cảnh tranh chấp chủ quyền, lãnh thổ trên Biển Đông dự báo ngày càng phức tạp, tiềm ẩn nhiều yếu tố bất ổn, Việt Nam kiên quyết và kiên trì đấu tranh bảo vệ chủ quyền, lợi ích quốc gia hợp pháp trên biển theo luật pháp quốc tế và các nguyên tắc chung của Hiến chương Liên hợp quốc, Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982. Việt Nam luôn nỗ lực cùng cộng đồng quốc tế, các nước có liên quan tăng cường đối thoại và hợp tác trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, bình đẳng, cùng có lợi, tôn trọng luật pháp quốc tế, coi đây là nền tảng bảo đảm lợi ích quốc gia và quyền lợi chính đáng trên Biển Đông. Với vị thế, uy tín ngày càng lớn ở khu vực và quốc tế, Việt Nam tiếp tục thực hiện chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa; không theo bên, chọn bên; lựa chọn thượng tôn pháp luật, lợi ích quốc gia - dân tộc làm kim chỉ nam để khẳng định và đấu tranh bảo vệ chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Việt Nam luôn tôn trọng và đề cao Hiến chương Liên hợp quốc và những nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, kiên trì thực hiện hợp tác, hữu nghị thay cho xung đột và thù địch, đối thoại thay cho đối đầu, giải quyết hòa bình các tranh chấp thay cho hành động đơn phương, áp đặt. Việt Nam nhất quán chính sách giải quyết các tranh chấp, bất đồng bằng biện pháp hòa bình theo các nguyên tắc của luật pháp quốc tế; phát huy sức mạnh tổng hợp để bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo.
4. Kết luận
Sức mạnh mềm văn hóa Việt Nam là một bộ phận quan trọng tạo nên sức mạnh tổng hợp quốc gia, được kết tinh, hun đúc, bồi đắp, trao truyền trong chiều dài lịch sử dựng nước gắn liền với giữ nước, từ giá trị, bản sắc văn hóa, truyền thống, lịch sử của dân tộc. Những quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về sức mạnh mềm văn hóa Việt Nam có ý nghĩa lý luận và thực tiễn sâu sắc cần được vận dụng vào đấu tranh bảo vệ, khẳng định chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Trong cuộc đấu tranh lâu dài, cam go và nhiều thách thức nhằm bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ, chủ quyền quốc gia và các lợi ích chính đáng, hợp pháp của Việt Nam trên Biển Đông, sức mạnh mềm văn hóa Việt Nam là một nguồn lực nội sinh tiềm tàng to lớn, tạo nên sức mạnh tổng hợp, toàn diện của đất nước, xây dựng vị thế và uy tín quốc gia biển Việt Nam đối với khu vực và thế giới.
---------
Bài viết được đăng trên Tạp chí Thông tin khoa học chính trị số 3 (39) - 2024
1 Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t.I, tr.143.
2 Tạ Ngọc Tấn (chủ biên): Từ điển Hồ Chí Minh học (Lưu hành nội bộ), Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2017, tr.316.
3 Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương khóa XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2018, tr.87.
4 Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2001, t.12, tr.33.
5, 17 Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t.7, tr.38 - 39, 164 - 165.
6, 20, 25 Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.4, tr.534, 29, 523.
7, 27 Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.15, tr.131, 602.
8 Văn Tạo: Chiến thắng Điện Biên Phủ với hòa bình và chiến tranh, với dân tộc và thời đại, Chiến thắng Điện Biên Phủ - Sức mạnh dân tộc và tầm vóc thời đại, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1994, tr.51.
9, 10 Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.9, tr.145, 59.
11 Nhiều tác giả: Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương hành trình đến di sản nhân loại, Nxb Hội Nhà văn, Hà Nội, 2013, tr.242 - 243.
12, 13 Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.14, tr.27, 186.
14 Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.13, tr.120.
15 Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.3, tr.256.
16, 22 Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.10, tr.453, 110 - 111.
18, 19, 21, 23 Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.5, tr.219, 178, 178 - 179, 256.
24 Phan Ngọc: Đường lối chiến tranh nhân dân trên nền văn hóa Việt Nam, Tạp chí Lịch sử Đảng, số 8, 1998, tr.35.
26 Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.6, tr.311.
28 Monique Chemillier-Gendreau: Chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.188.