TS VŨ VĂN PHONG
Học viện Chính trị khu vực II

(TTKHCT) - Sự phát triển mạnh mẽ của các phương tiện truyền thông mới đã mở ra kỷ nguyên truyền thông đa phương tiện. Trong quá trình tích hợp ngày càng sâu sắc giữa các loại hình phương tiện truyền thông, quyền tự do thông tin của báo chí đã được mở rộng và vị thế của truyền thông đại chúng ngày càng gia tăng. Theo đó, độc quyền thông tin của nhà nước bị suy yếu. Điều này đặt ra yêu cầu tăng cường vai trò, trách nhiệm của nhà nước, kịp thời đưa tin, định hướng thông tin một cách đầy đủ, phù hợp và hiệu quả, đặc biệt là trong tình huống phải ứng phó với khủng hoảng.

Cần tổ chức họp báo, cung cấp thông tin chính thức cho báo chí, truyền thông để ngăn ngừa các luồng ý kiến lệch lạc, xuyên tạc, bất lợi cho tâm lý và tâm trạng xã hội (Trong ảnh: Họp báo thông tin về tình hình dịch COVID-19 và công tác ứng phó của Thành phố Hồ Chí Minh)_Nguồn: ttbc-hcm.gov.vn

1. Truyền thông đa phương tiện

Sự tiến bộ của công nghệ kỹ thuật số đã thúc đẩy quá trình chuyển đổi các hình thức lan tỏa thông tin, giúp việc phổ biến thông tin ba chiều trở nên thuận tiện và hiệu quả, mở ra kỷ nguyên của truyền thông đa phương tiện.

“Truyền thông đa phương tiện” hiện tại vẫn là một khái niệm được hiểu theo nhiều cách khác nhau, nhưng nhìn chung, khái niệm này thường được quan niệm là hình thức truyền thông, mô hình báo chí, mô hình kinh doanh truyền thông được thiết lập trên nền tảng công nghệ. Truyền thông đa phương tiện sử dụng một cách toàn diện các phương tiện biểu đạt khác nhau, chẳng hạn như: văn bản, hình ảnh, âm thanh, ánh sáng, điện, video, tương tác…, để hiển thị nội dung cụ thể của truyền thông theo cách toàn diện và ba chiều1.

Khái niệm “đa phương tiện” nhằm chỉ là sự tích hợp các phương tiện truyền thông dưới sự phát triển của công nghệ thông tin. Tiến bộ của công nghệ thông tin đã cho ra đời các phương tiện truyền thông mới; làm thay đổi nhu cầu cũng như cách thức thu nhận, tham gia thông tin của công chúng. Điều này buộc các phương tiện truyền thông phải phối hợp với phương tiện mới hiện đại để đáp ứng yêu cầu của môi trường truyền thông mới và thị hiếu của công chúng. Sự tương tác mạnh mẽ giữa phương tiện truyền thông mới và phương tiện truyền thống đã bổ sung cho nhau, làm cho thông tin có khả năng gia tăng tính phổ biến và chức năng định hướng dư luận.

Sự phong phú của các phương tiện truyền thông đã làm cho sự tham gia của công chúng thêm phần dễ dàng và việc phổ biến thông tin được thúc đẩy. Theo đó, quyền tương tác được mở rộng cho tất cả các đối tượng tham gia trong môi trường đa phương tiện, tương tác giữa công chúng và giới truyền thông, báo chí được tăng cường; tương tác thông tin và giao tiếp giữa các phương tiện truyền thông cũng thường xuyên hơn, không gian thông tin của các phương tiện truyền thông được mở rộng, tính tự do của các phương tiện truyền thông được gia tăng mạnh mẽ. Ngoài ra, việc phổ biến, truyền bá, phát hành thông tin không còn tuân theo mô hình đơn tuyến từ trên xuống, lấy truyền thông nhà nước làm trung tâm mà là một mô hình có chu trình tương tác đa hướng, đa dạng, phi tập trung và có sự phản hồi theo chiều ngược lại2 và nó phá vỡ kết cấu đơn nhất về kiểm soát thông tin của nhà nước. Có thể nói, môi trường truyền thông đa phương tiện đang đặt ra những yêu cầu mới đối với việc quản lý thông tin của nhà nước, đặc biệt là trong tình huống phải ứng phó với khủng hoảng.

2. Vai trò của nhà nước trong việc công bố, định hướng thông tin về các cuộc khủng hoảng

Các cuộc khủng hoảng như thiên tai, tai nạn lớn, tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng và các sự cố an sinh xã hội (kinh tế, tài chính, chính trị…) trong thời đại ngày nay đang diễn ra ngày càng thường xuyên. Khái niệm “khủng hoảng truyền thông” đã trở nên quen thuộc với cả giới quản lý lẫn truyền thông và công chúng. Trước tình hình đó, truyền thông về các cuộc khủng hoảng được xem là cách sử dụng truyền thông đại chúng để kiểm soát hiệu quả các hoạt động phổ biến thông tin của xã hội. Mục đích của nó là ứng phó, can thiệp, xử lý khủng hoảng theo quy luật của truyền thông xã hội và phổ biến tin tức, đồng thời tác động làm cho cuộc khủng hoảng chuyển biến theo hướng tích cực.

Xét từ góc độ của cấu trúc trong chuỗi truyền thông về khủng hoảng, chính quyền các cấp trong hệ thống chính trị của một quốc gia là một trong những chủ thể quan trọng nhất của truyền thông về các cuộc khủng hoảng, hay còn gọi là “chủ thể cấp cao”. Vị trí, vai trò này được thể hiện cụ thể ở chỗ: Nhà nước hoạch định và thực thi chính sách, pháp luật; thực hiện chức năng điều hành, quản lý xã hội, đồng thời là chủ thể thực hiện chức năng quản lý xã hội và tham gia vận hành các hệ thống thông tin xã hội khác nhau. Trong hoạt động thông tin về các cuộc khủng hoảng, nhà nước có vai trò kép là: (1) Chủ thể phổ biến thông tin với vai trò là người quản lý xã hội theo luật định, nhà nước có quyền thu thập, lưu trữ và công bố thông tin trực tiếp mà bất kỳ thực thể xã hội nào khác không có; (2) Chủ thể quản lý xã hội, nhà nước sử dụng các phương tiện hành chính và pháp lý để quản lý và giám sát các phương tiện thông tin đại chúng, những người phổ biến thông tin khác, đồng thời thực hiện các chức năng “canh gác thông tin” của mình.

Nhà nước có một vị trí cực kỳ quan trọng trong hoạt động thông tin về các cuộc khủng hoảng. Nhà nước không chỉ là người thực hiện đưa tin về khủng hoảng mà còn là “hoa tiêu” định hướng, kiểm soát và xác định chiến lược truyền thông về khủng hoảng. Do đó, nhà nước cần căn cứ vào các chức năng luật định của mình để đảm nhận trách nhiệm trong công tác thông tin khi xảy ra khủng hoảng; nhanh chóng triển khai các kế hoạch khẩn cấp, thông cáo báo chí để bảo vệ quyền được biết của công chúng. Thông thường, nhà nước cung cấp thông tin chính thống, đầy đủ, tin cậy nhất, là nơi duy nhất đưa ra các thông tin chính thức, có vị thế quan trọng bậc nhất mà các nguồn tin khác không thể có được. Điều này đặt ra yêu cầu khi xuất hiện khủng hoảng, các kênh thông tin chính thống của nhà nước phải lập tức vào cuộc, càng sớm càng tốt, nhanh chóng triển khai kế hoạch khẩn cấp, thông cáo báo chí và kịp thời bảo vệ quyền được biết của công chúng.

Trong các trường hợp khẩn cấp, quyền được biết là quyền cơ bản của công chúng để bảo vệ tính mạng và tài sản của họ. Khi xảy ra khủng hoảng, nhu cầu thông tin của người dân là lớn nhất; do đó, việc đưa tin kịp thời là điều kiện tiên quyết để thực hiện quyền được biết của công chúng. Nếu nhà nước đưa tin chậm chạp hoặc cố tình che giấu và duy trì sự “bình tĩnh thiếu hiểu biết” thì mọi loại tin đồn thất thiệt sẽ “lên ngôi” thay thế vai trò của kênh thông tin nhà nước chính thống, nó sẽ lan truyền nhanh chóng theo nhiều cách khác nhau thông qua các kênh truyền thông không chính thức. Do những hạn chế trong tâm lý, kinh nghiệm đối phó với khủng hoảng, công chúng thường chấp nhận và sẵn sàng tiếp cận và tin tưởng thông tin đầu tiên mà họ nhận được. Khi xuất hiện thông tin tiêu cực đầu tiên về khủng hoảng, nó sẽ dễ dàng lan rộng, nhanh chóng bao trùm và dễ tạo thành “điểm nóng” của dư luận; cùng với đó, thông tin tích cực dễ bị nhấn chìm, sẽ gây khó khăn lớn cho việc định hướng dư luận.

3. Trách nhiệm của nhà nước trong việc công bố, định hướng thông tin về các cuộc khủng hoảng

Thứ nhất, nhà nước có trách nhiệm nhanh chóng thực hiện hiệu quả các phương án thông tin về khủng hoảng, nhằm nắm chắc quyền làm chủ dư luận xã hội.

Phương án truyền thông thông tin sẽ thể hiện thái độ và các biện pháp tương ứng của nhà nước để đối phó với khủng hoảng. Trong xã hội hiện đại, phương án thông tin truyền thông là một thử thách thường xuyên mà chính quyền các cấp cần phải làm tốt. Điều kiện tiên quyết để làm tốt phương án truyền thông thông tin là tôn trọng và bảo vệ quyền phỏng vấn, thông tin của giới truyền thông. Truyền thông là cầu nối giữa nhà nước và công chúng, là công cụ đắc lực được nhà nước sử dụng để hướng dẫn công chúng ứng phó với khủng hoảng, đồng thời cũng là một kênh quan trọng để công chúng tiếp cận thông tin về khủng hoảng. Nếu quyền đưa tin của giới truyền thông không được đảm bảo và các phóng viên không thể xuất hiện tại hiện trường cuộc khủng hoảng ngay từ đầu và chuyển thông tin ra bên ngoài, thì việc bảo vệ quyền được biết của công chúng chỉ là hình thức. Vô số ví dụ đã chứng minh rằng khi giới truyền thông bị mất đi tiếng nói cũng là lúc dư luận hoang mang nhất, và đó cũng là lúc những tin đồn thất thiệt được truyền đi nhanh chóng.

Trong các sự kiện khủng hoảng, có hai loại kênh truyền thông chính mà nhà nước cần xử lý:

Truyền thông trong nước: các phương tiện truyền thông trong nước thường chịu nhiều ràng buộc hơn trong phạm vi kiểm soát của các cấp chính quyền, khiến họ khó có thể làm trái, làm khác trước các sự kiện khủng hoảng. Vì vậy, đối với các phương tiện truyền thông trong nước, chính quyền các cấp nên thực hiện phương châm “vừa cởi mở, vừa quản lý chặt chẽ”. “Cởi mở” có nghĩa là quyền thông tin của giới truyền thông trong nước phải được tôn trọng và bảo vệ đầy đủ trong khi xảy ra khủng hoảng; nhà nước cần hỗ trợ giới truyền thông trong việc thực hiện đầy đủ chức năng giám sát, phản biện theo chức năng, quyền hạn, phạm vi của mình. Do sự thuận tiện về mặt địa lý, giới truyền thông trong nước thường có thể nhanh chóng đến hiện trường cuộc khủng hoảng; thông qua truyền thông nội địa, nhà nước có thể truyền tải kịp thời, chính xác và minh bạch các thông tin khác nhau liên quan đến các sự kiện khủng hoảng; qua đó, nhà nước có thể đưa ra thái độ và những biện pháp ứng phó cơ bản, kịp thời với sự kiện khủng hoảng nhằm tạo được sự ủng hộ và hợp tác của toàn xã hội. Đồng thời, mong muốn và tiếng nói của công chúng được chuyển đến nhà nước và các cơ quan hữu quan, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đưa ra quyết định đúng đắn, chính xác, khoa học và hình thành một môi trường dư luận thuận lợi để ứng phó với cuộc khủng hoảng. “Quản lý chặt chẽ” có nghĩa là không để cho giới truyền thông trong nước được phép tùy tiện, vô nguyên tắc trong quá trình thông tin. Chúng ta nên tận dụng triệt để lợi thế của Đảng, nhà nước quản lý hoạt động thông tin - truyền thông và định hướng thông tin của giới truyền thông, từ đó hình thành một xu hướng chủ đạo tích cực đối với dư luận và góp phần giải quyết khủng hoảng.

Truyền thông nước ngoài: các kênh truyền thông này thường nằm ngoài tầm kiểm soát, có độ phủ rộng, ảnh hưởng lớn và không do nhà nước hoặc chính quyền địa phương lãnh đạo, chỉ đạo; có thể giúp nhà nước hoặc chính quyền địa phương giải quyết khủng hoảng nhưng cũng có thể gây ra phản ứng tiêu cực đối với định hướng, mục tiêu thông tin. Vì vậy, chính phủ các nước đều phải hết sức thận trọng với kênh truyền thông nước ngoài. Khi xảy ra khủng hoảng, nhà nước cần nhanh chóng và chủ động liên lạc với các phương tiện truyền thông chính thống của các quốc gia, tổ chức họp báo để truyền tải và lan tỏa rộng rãi quan điểm, tiếng nói chính thức của mình. Trong quá trình này, nhà nước phải tuân thủ nguyên tắc tối cao của lợi ích công và tìm kiếm sự thật, công khai, minh bạch và thẳng thắn với tất cả các kênh truyền thông. Gửi thư, thông báo tình hình thực sự của cuộc khủng hoảng trong thời gian ngắn nhất và thông báo kịp thời diễn biến của cuộc khủng hoảng thông qua các phương tiện truyền thông, loại bỏ nghi ngờ của công chúng, để công chúng thấu hiểu, tin tưởng và ủng hộ. Chỉ bằng cách hướng tới công chúng và lấy được lòng tin của công chúng, nhà nước mới có thể phát huy vai trò của mình trên các phương tiện truyền thông thông tin, giành được thế chủ động, nắm giữ hiệu quả quyền làm chủ dư luận.

Thứ hai, nhà nước cần coi trọng nền tảng phát hành thông tin mạng

Với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ truyền thông, ngoài các phương tiện thông tin đại chúng truyền thống như báo, tạp chí, phát thanh, truyền hình…, các phương tiện truyền thông mới đại diện là mạng Internet và điện thoại di động cung cấp ngày càng nhiều lựa chọn cho hoạt động phổ biến thông tin của công chúng. Là đại diện tiêu biểu cho cuộc cách mạng thông tin truyền thông mới, Internet có những ưu điểm mà các phương tiện truyền thống khác không có được như tính rộng rãi, tính tức thời, tính cởi mở, tính chia sẻ và tính tương tác cao.

Trong quá trình thông tin về các cuộc khủng hoảng, những lợi thế này không chỉ được dư luận sử dụng để lan tỏa thông tin, mà còn có thể dùng để định hướng dư luận xã hội một cách đắc lực. Một mặt, nhà nước nên phát huy và sử dụng đầy đủ các lợi thế của Internet trong truyền tải thông tin về các sự kiện khủng hoảng đến công chúng và giới truyền thông thông qua các cổng thông tin điện tử Chính phủ chính thức, các trang web với việc sử dụng đầy đủ các văn bản, hình ảnh, video, âm thanh; đồng thời, cung cấp kịp thời, chính xác các thông tin khác nhau về sự kiện khủng hoảng cũng như những biện pháp ứng phó của chính quyền các cấp cho công chúng và giới truyền thông. Mặt khác, thông qua Internet, theo dõi động thái của dư luận trong cộng đồng mạng, các nhóm trên mạng xã hội, và giải quyết các thông tin xuyên tạc sự thật, kích động xung đột và không có lợi cho việc giải quyết khủng hoảng, tăng cường định hướng tích cực cho dư luận.

Thứ ba, thiết lập cơ chế ứng phó với khủng hoảng

Cơ chế truyền thông về khủng hoảng bao gồm: thiết lập một cơ quan quản lý thông tin về khủng hoảng và hệ thống thông tin, xây dựng kế hoạch khẩn cấp khi xảy ra khủng hoảng; triển khai hệ thống công bố thông tin; hoàn thiện các quy định pháp luật liên quan để đảm bảo rằng các thông tin về khủng hoảng được thực hiện một cách công khai, kịp thời; thiết lập một hệ thống nền tảng để phát hành, công bố thông tin và đưa ra các tiêu chí thông tin… Việc thiết lập cơ chế thông tin về khủng hoảng chắc chắn là một trong những trách nhiệm dài hạn quan trọng nhất của nhà nước, đồng thời nó cũng là yếu tố bảo đảm cho hoạt động thông tin về các cuộc khủng hoảng được thông suốt, tránh xảy ra tình huống bất ngờ, bị động, gây ra hậu quả nghiêm trọng, khó lường.

4. Một số hạn chế, bất cập trong quá trình công bố, định hướng thông tin về các cuộc khủng hoảng của nhà nước ta trong bối cảnh truyền thông đa phương tiện

Thứ nhất, nhà nước và các cơ quan hữu quan thường chậm công bố thông tin khủng hoảng

Hiện nay, một số quốc gia, trong đó có Việt Nam, thực hiện một hệ thống quản lý tập trung cao. Hệ thống quản lý nhà nước thực hiện quy trình kiểm tra và phê duyệt thông tin theo nhiều cấp khác nhau, nhất là khi phải ứng phó với các trường hợp khẩn cấp hoặc khi xảy ra khủng hoảng. Các trường hợp khẩn cấp này thường là những vấn đề lớn có khả năng tác động mạnh mẽ đến mọi mặt của đời sống kinh tế, văn hóa, chính trị, xã hội. Do đó, việc công bố thông tin về các vấn đề này thường phải được các cấp quản lý phê duyệt một cách rất chặt chẽ. Chính quy trình kiểm duyệt nhiều bước này đã làm cho việc công bố và phát hành thông tin nhiều khi bị chậm trễ, không kịp thời. Hệ thống quản lý thông tin ở nước ta chưa thiết lập được cơ chế liên lạc khi xảy ra khủng hoảng, thông tin giữa các cấp chưa thực sự thông suốt, thậm chí có khi bị tắc nghẽn, điều này làm kéo dài thời gian kể từ khi thu thập đến phê duyệt để phát hành, công bố thông tin.

Thứ hai, văn bản công bố thông tin khủng hoảng từ phía nhà nước còn thiếu sức thuyết phục, thiếu khả năng định hướng dư luận

Việc công bố thông tin về khủng hoảng do các cơ quan quản lý nhà nước thực hiện còn gặp rất nhiều hạn chế như: công bố thông tin một cách thụ động, không có sự chuẩn bị đầy đủ, thiếu sức thuyết phục và độ tin cậy đối với công chúng còn thấp… Trong môi trường truyền thông cũ, các cơ quan thông tin truyền thông của nhà nước có quyền kiểm soát mạnh mẽ đối với việc phát hành, phổ biến thông tin; công chúng thì hoàn toàn bị động và thiếu kênh tiếp nhận thông tin. Trong thời đại truyền thông đa phương tiện, sự kiểm soát của nhà nước đối với việc công bố thông tin đã dần bị suy yếu, đồng thời, địa vị của công chúng ngày càng được nâng cao trong việc công bố và kiểm soát thông tin. Điều này làm cho khả năng định hướng dư luận xã hội trong quá trình công bố thông tin của nhà nước ngày càng gặp nhiều khó khăn. Nếu nhà nước công bố thông tin mang tính chiếu lệ, đối phó thì không những không đáp ứng được nhu cầu thông tin cơ bản của công chúng mà còn làm mất đi uy tín và tính chủ động dẫn dắt dư luận xã hội.

Thứ ba, việc công bố thông tin khủng hoảng trên các trang điện tử của nhà nước và các cơ quan quản lý nhà nước còn mang tính hình thức

Sự hình thành của mô hình dư luận xã hội đa chiều đã buộc các cấp chính quyền phải chú ý đến vị trí, vai trò của các phương tiện truyền thông mới trong kết cấu thông tin truyền thông hiện đại và đưa ra chiến lược phù hợp với điều kiện của truyền thông đa phương tiện ngày nay; từ đó, từng bước xây dựng chính quyền điện tử. Tuy nhiên, việc công bố, phát hành thông tin của chính quyền vẫn còn bị ảnh hưởng bởi sức ì của các phương thức công bố, phát hành thông tin và các phương tiện thông tin truyền thống, với một hình thức phát hành duy nhất, trong khi hệ thống phát hành tin tức trên trang thông tin điện tử còn hạn chế. Việc công bố thông tin về các cuộc khủng hoảng của các cơ quan quản lý nhà nước hiện nay còn đang lúng túng, công bố thông tin bị chậm, lạc hậu, không đủ khả năng định hướng dư luận, hướng dẫn công chúng. Nguyên nhân là do quan niệm về dư luận xã hội của nhà nước, các cơ quan quản lý nhà nước bị lạc hậu và các phương pháp phổ biến thông tin không được cập nhật liên tục. Công nghệ và thiết bị truyền thông cũ kỹ, không còn tương thích với nhau và không tương thích với sự phát triển mạnh mẽ của các phương tiện thông tin hiện đại.

5. Một số giải pháp nhằm nâng cao chất lượng thông tin về khủng hoảng của nhà nước

Thứ nhất, thiết lập mạng liên lạc thông tin điện tử của nhà nước để đơn giản hóa các thủ tục phê duyệt công bố thông tin

Chuyên gia quan hệ công chúng về khủng hoảng người Anh Richest đã đưa ra nguyên tắc 3T trong quản lý thông tin khủng hoảng: (1) “Tell yourown tale”- Kể câu chuyện của riêng bạn (chủ yếu cung cấp thông tin); (2) “Tell it fast”- Kể nhanh (cung cấp thông tin càng sớm càng tốt); “Tell all”- Kể tất cả (cung cấp đầy đủ thông tin)3. Trong số đó, “kể nhanh” là nguyên tắc chính, nhấn mạnh rằng thông tin phải được công bố, phát hành kịp thời và nhanh chóng. Trong tình trạng khủng hoảng, thông tin không kịp thời và không rõ ràng sẽ khiến tin đồn ngày càng lớn. Trong trường hợp không có thông tin chính thức, tin đồn đương nhiên sẽ thay thế sự thật và trở thành “sự thật”. Dưới góc độ khoa học truyền thông, tốc độ truyền thông cũng quyết định chất lượng truyền thông. Do sự lạc hậu của dư luận và hệ thống thông tin liên lạc chưa hoàn thiện ở một số quốc gia (trong đó có Việt Nam), việc công bố thông tin của nhà nước thường tương đối chậm, đặc biệt là trong môi trường truyền thông mới. Do đó, để cải thiện chiến lược công bố thông tin khủng hoảng của nhà nước, trước tiên các quốc gia này phải đơn giản hóa quy trình phê duyệt thông tin, thiết lập một cơ chế truyền thông thông tin hiệu quả và không bị cản trở, phát huy hết khả năng ứng phó khẩn cấp của cơ chế, đồng thời nắm bắt và công bố thông tin khủng hoảng càng sớm càng tốt.

Sự phát triển của công nghệ kỹ thuật số đã cho phép việc công bố, phổ biến thông tin được diễn ra một cách tức thời, cập nhật từng giờ từng phút bằng kỹ thuật số. Việc triển khai “chính phủ điện tử” vào hệ thống thông tin liên lạc của nhà nước một mặt có thể thúc đẩy tốc độ phổ biến và lan tỏa thông tin nội bộ hệ thống quản lý nhà nước, góp phần giúp nhà nước nâng cao năng lực phản ứng với khủng hoảng; mặt khác mạng thông tin điện tử có thể thúc đẩy thông tin được chuyển đi nhanh chóng, việc truyền thông tin đã có thể triển khai theo cách kết hợp cả chiều dọc lẫn chiều ngang. Mạng thông tin điện tử đa phương tiện giúp rút ngắn đường truyền một cách hiệu quả, tránh tình trạng thông tin bị bóp méo, thậm chí bị cắt đứt trong quá trình truyền đi đơn tuyến theo chiều dọc từ trên xuống trong cơ quan quản lý nhà nước. Theo đó, tất cả các cơ quan quản lý nhà nước đều có thể trở thành cơ quan truyền thông thông tin, có sự liên lạc thông tin với nhau theo cả chiều dọc và chiều ngang. Do vậy, các kết nối ở các mức độ phân cấp khác nhau được thiết lập, mạng lưới truyền thông thông tin đan xen với nhau, tạo thành một cấu trúc mạng đa cấp, đa chiều và vô cùng linh hoạt, nhạy bén.

Với sự hỗ trợ của mạng thông tin điện tử, thông tin về khủng hoảng có thể nhanh chóng được truyền đi và có sự trao đổi giữa các bộ phận khác nhau trong nhà nước. Thông tin cốt lõi của cuộc khủng hoảng cũng sẽ được thu thập đến bộ phận ra quyết định xử lý khủng hoảng với tốc độ nhanh nhất. Điều này không chỉ tạo điều kiện cho các nhà quản lý ra quyết định nhanh chóng đối phó với khủng hoảng mà còn tăng cường sự phối hợp và điều phối giữa các bộ phận liên quan; cải thiện đáng kể tốc độ và độ chính xác của hoạt động thông tin của nhà nước.

Thứ hai, tăng cường khả năng giải thích và sức thuyết phục của văn bản công bố thông tin, định hướng dư luận một cách hiệu quả

Trước đây, thông tin được công bố thông qua các mệnh lệnh hoặc thông báo hành chính, nhà nước sử dụng phương tiện truyền thông để định hướng dư luận. Tuy nhiên, đến nay, sự kết hợp giữa nhà nước và báo chí, truyền thông đã dần bị phá vỡ, vai trò “cơ quan ngôn luận” của báo chí và các phương tiện truyền thông khác đã dần bị suy yếu. Hiện nay, môi trường dư luận đa dạng hóa, các chương trình truyền thông có sự tác động qua lại mạnh mẽ với nhau. Do vậy, muốn làm nổi bật các chương trình hoạt động của nhà nước nhằm xử lý khủng hoảng, cần tăng cường sức thuyết phục của các văn bản công bố, phát hành thông tin, nhằm nâng cao khả năng định hướng dư luận.

Việc tăng cường tính thuyết phục của văn bản được hiểu theo hai khía cạnh: (1) tính thực tiễn và (2) tính thẩm quyền của nội dung văn bản. Nội dung văn bản là phương tiện truyền tải thông tin về khủng hoảng; vai trò của nó là loại bỏ những thông tin không đúng đắn phát sinh khi xảy ra khủng hoảng xã hội, hạn chế các tin đồn thất thiệt và thâm nhập vào các chương trình hành động của nhà nước. Những thông tin có tính thực tế thường thuyết phục hơn các thông tin mang tính quan điểm, đường lối của nhà nước. Khi đưa ra thông tin về khủng hoảng, nhà nước nên sử dụng ngôn ngữ đơn giản và dễ hiểu để giải thích cho công chúng và giới truyền thông về các đặc điểm cơ bản của tình huống khẩn cấp, tác động của sự cố và tiến độ xử lý sự cố, làm rõ các rủi ro xã hội có thể xảy ra và đưa ra các biện pháp đối phó thiết thực. Chỉ có công bố thông tin ngắn gọn, nhanh chóng, đúng sự thật và đáng tin cậy mới có thể giúp nhà nước nắm bắt đầy đủ sức mạnh của việc hướng dẫn dư luận.

Bên cạnh đó, văn bản công bố thông tin khủng hoảng phải phản ánh được thái độ sẵn sàng đối thoại của nhà nước. Hiện nay, việc công bố thông tin về khủng hoảng phải dựa trên ba quan điểm khác nhau, đó là: (1) quan điểm của nhà nước, (2) quan điểm của giới truyền thông và (3) lập trường dư luận của công chúng. Trên nền tảng truyền thông đa phương tiện ngày nay, dư luận của công chúng chính là yếu tố quyết định quan điểm và chương trình hành động của nhà nước cũng như hoạt động của giới truyền thông4. Do đó, các cơ quan quản lý nhà nước cần đặc biệt chú ý đến thái độ của văn bản, ngôn ngữ khi công bố thông tin, không sử dụng ngôn ngữ rao giảng, tỏ thái độ “coi thường” trịch thượng, phải “đối thoại” với quần chúng, không chiếu lệ, không né tránh, tôn trọng quyền được biết và hiểu về thông tin của công chúng, giao tiếp đầy đủ với công chúng, nỗ lực đạt được sự tin tưởng của công chúng và thiết lập cơ quan công bố thông tin để đạt được hiệu quả thông tin và định hướng quần chúng một cách hiệu quả.

Thứ ba, tận dụng tốt các kênh thông tin đa dạng để xây dựng mạng lưới thông tin trên tất cả các phương tiện truyền thông

Truyền thông đa phương tiện đặt ra nhiều thách thức đối với việc công bố thông tin khủng hoảng của nhà nước và các cơ quan hữu quan, nhưng cũng mang lại không ít cơ hội. Nó làm phong phú thêm các phương thức truyền thông thông tin, hiện thực hóa việc phổ biến thông tin đa dạng và mở rộng các kênh truyền thông, phát hành thông tin của nhà nước, đó là một kỷ nguyên mới5. Vì vậy, nhà nước chú ý hơn đến việc sử dụng nhiều phương tiện truyền thông trong việc công bố thông tin khủng hoảng và xây dựng một mạng lưới phát hành thông tin trên truyền thông đa phương tiện để quy trình công bố, phổ biến thông tin khủng hoảng trở nên thông thoáng và cởi mở hơn.

Trong công bố thông tin khẩn cấp, tùy theo tính chất của khủng hoảng, lựa chọn và sử dụng các phương tiện truyền thông phù hợp khác nhau hoặc sử dụng tích hợp nhiều phương tiện truyền thông để phát hành thông tin được hiệu quả nhất, đồng thời góp phần hỗ trợ nhà nước hướng dẫn dư luận và quản lý khủng hoảng. Báo in, tạp chí, tin tức thời sự và các loại hình văn bản được in ấn trên giấy so với phương tiện điện tử, thông tin tồn tại lâu nhất. Thực hiện việc hướng dẫn dư luận và kiểm soát chương trình nghị sự của công chúng; đài phát thanh, truyền hình, điện thoại di động và các phương tiện truyền thông mạng có tốc độ truyền nhanh, có thể đạt được tốc độ truyền siêu cao và tốc độ không ngày cũng như đạt được mật độ cao và tốc độ phát hành thông tin trong thời gian ngắn nhất khi khủng hoảng bùng phát. Ngoài ra, các đối tượng đa dạng và tương tác của các hình thức truyền thông mới cho phép nhà nước tăng cường giao tiếp với công chúng trong quá trình công bố thông tin.

Tóm lại, khi khủng hoảng xảy ra, nhà nước nên sử dụng đầy đủ các hình thức truyền thông khác nhau để phản ứng nhanh chóng, đồng thời thông báo lai lịch, vị trí, những người có liên quan, quá trình, động thái và tác động có thể có của tình huống khẩn cấp cho công chúng càng sớm càng tốt và lập kế hoạch đặc biệt các chủ đề. Điều này đòi hỏi nhà nước phải tăng cường xây dựng hệ thống công bố tin tức trực tuyến và đào tạo người phát ngôn trực tuyến; đồng thời phát huy tối đa vai trò chính thức của các cuộc họp báo trực tuyến trong việc công bố thông tin về các cuộc khủng hoảng.

---------

Bài đăng trên Tạp chí Thông tin Khoa học chính trị số 6 (36) - 2023

1 La Hân: Truyền thông đa phương tiện là gì, Tạp chí Nhà báo Trung Quốc, 2010 (3): 83.

2 Từ Chính: Trò chơi truyền thông - Nghiên cứu về hướng dẫn dư luận trong môi trường truyền thông kỹ thuật số, Nxb Đại học Chiết Giang, Hàng Châu, Trung Quốc, 2011.

3 Xem:

1) M. Regester: Crisis management, Shanghai, Fudan University, 1995.

2) New Media and China's Social Development, Springer; Softcover reprint of the original 1st ed. 2017 edition (December 9, 2018), p.94.

4 Hồ Khải: Nhìn nhận về sức mạnh từ những vấn đề nhạy cảm - Bàn về việc hướng dẫn dư luận của chính phủ trong các sự kiện khủng hoảng, Tạp chí Đại học Giao thông Tây Nam, Ấn bản Khoa học xã hội, 2010 (2): 111.

5 Lâm Ái Quân, Đường Thương: Công bố thông tin khủng hoảng trong ngữ cảnh thông tin đa phương tiện, Tạp chí của Đại học Beihang, 02/7/2014, https://bhxb.buaa.edu.cn/bhsk/cn/article/pdf/preview/9338.pdf, cập nhật 25/3/2012.