TS HOÀNG VĂN KHẢI, 
ThS VŨ THỊ BÍCH

Học viện Chính trị khu vực IV

(TTKHCT) - Phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở đồng bằng sông Cửu Long là một nội dung quan trọng trong chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước ta. Bài viết phân tích vai trò và ý nghĩa của phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn thời gian qua, từ đó đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số thời gian tới.

 Đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh An Giang đã khởi sắc hơn (Nguồn: danvan.vn)

1. Khái quát về đồng bào dân tộc thiểu số vùng đồng bằng sông Cửu Long

Đồng bằng sông Cửu Long là một trong sáu vùng kinh tế - xã hội của Việt Nam, gồm 13 tỉnh, thành phố1, trong đó có 01 thành phố trực thuộc Trung ương. Diện tích tự nhiên của vùng đồng bằng sông Cửu Long là 39.734 km2, chiếm 12,2% diện tích tự nhiên của cả nước. Dân số khoảng 18 triệu người, chiếm khoảng 19% dân số cả nước2.

Đồng bằng sông Cửu Long là địa bàn sinh sống của nhiều dân tộc thiểu số. Đặc điểm chung của đồng bào là sinh sống thành cộng đồng, đan xen với tộc người Kinh; chủ yếu ở 9 tỉnh, thành phố: Sóc Trăng, Trà Vinh, Kiên Giang, An Giang, Bạc Liêu, Cà Mau, Hậu Giang, Vĩnh Long và thành phố Cần Thơ. Phần đông đồng bào sống ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, vùng đặc biệt khó khăn, nghề nghiệp chủ yếu là sản xuất nông nghiệp; một bộ phận người Hoa, Chăm sinh sống bằng dịch vụ mua bán và tiểu thủ công nghiệp. Về văn hóa và tôn giáo, các dân tộc đều có bản sắc riêng, người Khmer theo Phật giáo Nam tông, người Chăm theo Hồi giáo (Islam), người Hoa theo Phật giáo; các dân tộc có tiếng nói, chữ viết và nhiều giá trị văn hóa đặc sắc giúp vào sự đa dạng và thống nhất của nền văn hóa dân tộc Việt Nam.

Hiện nay, toàn vùng đồng bằng sông Cửu Long có 222 xã vùng dân tộc thiểu số (thuộc 09/13 tỉnh/thành phố); trong đó có 168 xã khu vực I, 04 xã khu vực II và 50 xã khu vực III, chiếm 3,22% số xã vùng dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn của cả nước; có 252 thôn đặc biệt khó khăn, chiếm 1,9% số thôn vùng dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn của cả nước... Về cơ sở thờ tự, Phật giáo Nam tông Khmer có 446 chùa (cả nước 462 chùa) và 45 salatel (nơi sinh hoạt văn hóa cộng đồng), trên 8.000 sư sãi; người Hoa có 157 chùa, đình, miếu; Hồi giáo (Islam) có 12 Thánh đường và 18 Tiểu Thánh đường với 50 chức sắc, 166 chức việc3.

Trong những năm qua, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và các cấp chính quyền địa phương trong vùng nên đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào ngày càng được cải thiện. Tình hình phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội có nhiều chuyển biến tích cực, niềm tin của đồng bào vào sự lãnh đạo của Đảng được củng cố và tăng cường.

2. Vai trò và ý nghĩa của phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở đồng bằng sông Cửu Long

Có thể nói, phát triển kinh tế vùng đồng bào dân tộc thiểu số là một nội dung quan trọng trong chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước ta. Để giải quyết mối quan hệ dân tộc thuộc phạm vi chiến lược của cách mạng Việt Nam, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm đến phát triển kinh tế - xã hội và có nhiều chính sách đối với đồng bào các dân tộc thiểu số và miền núi. Đặc biệt, từ khi thực hiện chính sách đổi mới (năm 1986), các chủ trương, chính sách đã được xây dựng và ngày càng được hoàn thiện, cụ thể hoá, đi vào cuộc sống đồng bào.

Chính sách phát triển kinh tế ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số là tổng hợp những quyết sách của Đảng, Nhà nước được đề ra tác động trực tiếp đến dân tộc và quan hệ dân tộc trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội ở vùng dân tộc thiểu số. Nội dung chính sách phát triển kinh tế ở các vùng dân tộc thiểu số, gồm: chính sách về đất đai, bảo vệ và phát triển rừng, đầu tư kết cấu hạ tầng, vốn tín dụng và chính sách về khoa học - công nghệ; chính sách việc làm và phát triển ngành nghề nông thôn, chính sách y tế và chăm sóc sức khỏe, chính sách ổn định dân cư; chính sách xóa đói giảm nghèo.

Về khía cạnh bảo đảm an sinh xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số là mạng lưới an toàn xã hội với nhiều tầng nấc khác nhau để bảo vệ, trợ giúp cho các thành viên trong xã hội nói chung, đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng trước những rủi ro trong cuộc sống, các cú sốc về kinh tế - xã hội làm cho họ bị suy giảm hoặc mất nguồn thu nhập và cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho cộng đồng... Với cách tiếp cận này, hệ thống an sinh xã hội được hình thành từ năm trụ cột cơ bản: giảm nghèo bền vững; đào tạo nghề, lao động, việc làm; bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và các loại bảo hiểm khác; bảo trợ xã hội; các dịch vụ xã hội cơ bản.

Trong thời kỳ đổi mới, cùng với sự phát triển nhanh chóng về kinh tế, chính sách an sinh xã hội được Đảng, Nhà nước coi như một chiến lược để phát triển bền vững đất nước, trong đó đặc biệt chú trọng vấn đề này ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Bảo đảm an sinh xã hội không chỉ góp phần ổn định và cải thiện đời sống cho Nhân dân, bảo đảm an toàn, ổn định cho kinh tế - xã hội mà còn thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và công bằng xã hội, thực hiện chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước ta về phát triển bền vững, để “không ai bị bỏ lại phía sau”.

Đối với vùng đồng bằng sông Cửu Long, vai trò và ý nghĩa của phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số được thể hiện ở một số nội dung chủ yếu sau:

Thứ nhất, phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số sẽ góp phần bảo đảm công bằng xã hội

Xét trên phương diện xã hội, an sinh xã hội là những công cụ, giải pháp để bảo vệ, cải thiện đời sống của các tầng lớp dân cư, đặc biệt là những người gặp rủi ro, không may mắn trong cuộc sống. Xét trên phương diện kinh tế, an sinh xã hội là công cụ để phân phối lại thu nhập, điều tiết sự phân phối lại thu nhập giữa các thành viên trong xã hội, giữa các nhóm dân cư, các khu vực kinh tế. Nhà nước thông qua các chính sách an sinh xã hội điều tiết, phân phối của cải trong xã hội, cân đối, điều chỉnh các nguồn lực để tăng cường cho các vùng nghèo, vùng chậm phát triển, mở rộng chính sách hỗ trợ xã hội cho các đối tượng gặp khó khăn, tạo nên sự phát triển hài hòa giữa các vùng, các tầng lớp dân cư, giúp thu hẹp khoảng cách giàu - nghèo, làm giảm sự bất bình đẳng trong xã hội, các cộng đồng dân tộc cùng chung tay xây dựng vì một vùng đồng bằng sông Cửu Long trù phú, thịnh vượng và bền vững.

Trong những năm qua, việc triển khai thực hiện các chính sách dân tộc, các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở đồng bằng sông Cửu Long đã mang lại những kết quả quan trọng. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo được cải thiện rõ nét. Ý thức tự lực, tự cường vượt qua đói nghèo trong đồng bảo được nâng lên, nhiều hộ đã thoát nghèo, vươn lên khá. Nhiều nơi xuất hiện mô hình tập thể, cá nhân dân tộc thiểu số làm kinh tế giỏi. Dân trí từng bước được nâng lên, văn hóa truyền thống được bảo tồn và phát huy. Đời sống vật chất và tinh thần nhiều mặt được cải thiện.

Thu nhập bình quân đầu người khu vực dân tộc thiểu số năm 2021 đạt khoảng 25 triệu đồng, tăng so với năm 2016. Tỷ lệ hộ nghèo tại địa bàn đồng bào dân tộc thiểu số liên tục giảm mạnh, cuối năm: 2001 là 35,61% giảm còn 29,59% vào cuối năm 2005 và tiếp tục giảm còn 13,01% vào cuối năm 2015. Giai đoạn 2016 - 2020, giảm từ 19.62% (70.862 hộ) xuống còn 16,61% vào cuối năm 2020 (14.655 hộ). So với các vùng khác (trừ vùng đồng bằng sông Hồng), vùng đồng bằng sông Cửu Long có tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số/tỷ lệ hộ nghèo chung của vùng thấp nhất trên toàn quốc 16,61% (bình quân vùng dân tộc thiểu số và miền núi 61,29%)4.

Tỷ lệ hộ dân tộc thiểu số sử dụng nguồn nước hợp vệ sinh là 83,5%, tăng 15,3 % so với năm 2015. Vùng đồng bằng sông Cửu Long có tỷ lệ hộ dân tộc thiểu số sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh cao nhất (99,49%), Đông Nam Bộ (97,93%), đồng bằng sông Hồng (91,6%), Trung du và miền núi phía Bắc (86,35%); thấp nhất là Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung (823%)5.

Các địa phương đã quan tâm đầu tư xây dựng mạng lưới giao thông, nhà văn hóa, trường học, phòng học vùng sâu, biên giới, vùng dân tộc thiểu số; Tỷ lệ trẻ em dân tộc thiểu số đi học đúng độ tuổi các cấp: mẫu giáo trên 98%, tiểu học: 95,5%, trung học cơ sở 71,1% và trung học phổ thông là 38,4%; tỷ lệ biết đọc biết viết chữ phổ thông của người dân tộc thiểu số từ 15 tuổi trở lên là 81,49%, tăng 2,29% so với năm 20156.

Tỷ lệ người dân tộc thiểu số có sử dụng bảo hiểm y tế là 96,13%, tương đương với cả nước (96,12%). Tình trạng du canh du cư của đồng bào dân tộc thiểu số giảm đáng kể. Năm 2018, còn 91 hộ du canh, du cư, bằng 7% so với tổng số hộ của cả nước (1.296 hộ), là vùng có tỷ lệ du canh du cư thấp nhất so với các vùng trong cả nước (trừ đồng bằng sông Hồng)7.

Hệ thống chính trị cơ sở vùng dân tộc, công tác đào tạo bồi dưỡng cán bộ người dân tộc thiểu số được quan tâm củng cố và tăng cường. Việc xây dựng và củng cố tổ chức cơ sở Đảng ở vùng đồng bào dân tộc, phát triển đảng viên trong đội ngũ cán bộ dân tộc thiểu số được chú trọng. Từ đó, số lượng và chất lượng đảng viên người dân tộc thiểu số ngày càng tăng. Đội ngũ người có uy tín, nhân sỹ trí thức, doanh nhân dân tộc thiểu số ngày càng lớn mạnh cả số lượng và chất lượng, tiếp tục đóng góp trí tuệ, công sức thúc đẩy phát triển toàn diện vùng dân tộc. Việc phát huy dân chủ ở cơ sở, xây dựng gia đình, xóm ấp văn hóa, tình làng nghĩa xóm, tương thân, tương ái và tinh thần đoàn kết các dân tộc được cũng cố, mở rộng. Nhiều mô hình phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc phát huy hiệu quả. Các tệ nạn xã hội, mê tín dị đoan từng bước được đẩy lùi. Các phong tục, truyền thống tốt đẹp của đồng bào các dân tộc thiểu số được giữ gìn và phát huy tốt, góp phần tạo nên đời sống tinh thần phong phú của đồng bào các dân tộc thiểu số nơi đây.

Các chương trình, dự án và chính sách dân tộc được triển khai có hiệu quả; cơ sở hạ tầng được quan tâm đầu tư. Giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số được bảo tồn, phát huy, gắn với phát triển du lịch văn hóa, lễ hội. Những kết quả đạt nêu trên được đã góp phần cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số, tạo tiền đề khơi dậy, phát huy vai trò chủ thể của đồng bào trong thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và của vùng.

Như vậy có thể nói, phát triển kinh tế gắn với bảo đảm an sinh xã hội trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số góp phần bảo đảm cuộc sống ngày càng ấm no, hạnh phúc cho đồng bào. Đây là tiền đề quan trọng hướng tới mục tiêu công bằng, bình đẳng giữa các dân tộc, các vùng miền trong cả nước.

Thứ hai, phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở đồng bằng sông Cửu Long thể hiện sự kế thừa truyền thống đoàn kết, giúp đỡ, tương thân, tương ái của dân tộc Việt Nam

Trong lịch sử khai mở vùng đất Nam Bộ nói chung, Tây Nam Bộ nói riêng, các cộng đồng dân tộc Kinh, Khmer, Hoa và các dân tộc thiểu số khác đã cùng chung tay mở đất, bảo vệ Tổ quốc, góp phần xây dựng một vùng đất trù phú như ngày hôm nay. Điều đó thể hiện tinh thần đoàn kết, giúp đỡ, tương thân, tương ái - một nét đẹp của dân tộc Việt Nam từ ngàn đời. Tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái tạo nên sức mạnh cộng đồng, giúp con người vượt qua những rủi ro, khó khăn trong cuộc sống, nhất là trong những thủa ban đầu mở đất. Điều này được tiếp tục phát huy bởi con người Nam Bộ nói chung, Tây Nam Bộ nói riêng. Với mục đích bảo vệ các thành viên trong cộng đồng, với bản chất xã hội và nhân văn tốt đẹp, thực hiện chính sách an sinh xã hội là điều kiện, là chất xúc tác gắn kết cộng đồng, khởi dậy tinh thần đoàn kết, tương trợ lẫn nhau, làm cho các dân tộc trong cộng đồng Việt Nam tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, cùng giải quyết những vấn đề chung, xây dựng Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa giàu đẹp và bền vững.

Thứ ba, an sinh xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở đồng bằng sông Cửu Long được bảo đảm sẽ tạo môi trường ổn định đối với sự phát triển kinh tế cũng như những lĩnh vực khác của đời sống xã hội

Bảo đảm an sinh xã hội nói chung và an sinh xã hội cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số vùng đồng bằng sông Cửu Long nói riêng có vai trò quan trọng trong phòng ngừa, đối phó, hạn chế tác động của những rủi ro, tạo thành mạng lưới che chắn, bảo vệ, giúp ổn định cuộc sống cho các thành viên trong xã hội thông qua các chính sách, giải pháp công cộng, các quỹ dự phòng... Nhờ đó, những người có hoàn cảnh éo le, không may gặp phải những rủi ro trong cuộc sống được bảo đảm những điều kiện sống tối thiểu, tránh rơi vào thảm cảnh bần cùng hóa, giảm nguy cơ rơi vào con đường tệ nạn xã hội và những tiêu cực xã hội khác, góp phần ổn định an ninh, chính trị, xã hội. Điều đó còn góp phần đấu tranh, phản bác các quan điểm xuyên tạc về lịch sử vùng đất Nam Bộ, về chính sách dân tộc của các thế lực thù địch, góp phần khẳng định những thành quả đạt được của Đảng, Nhà nước đã thực hiện công tác dân tộc trong những năm qua. Như vậy, an sinh xã hội là nhân tố quan trọng trong việc ổn định kinh tế, chính trị, xã hội của vùng.

An sinh xã hội trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số là động lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước nói chung và của vùng nói riêng, nhất là khi quy mô và diện bảo vệ của nó ngày càng được mở rộng. An sinh xã hội giúp bảo đảm đời sống cho người lao động, giúp họ yên tâm công tác, làm tăng năng suất lao động, thúc đẩy kinh tế phát triển.

Xóa đói giảm nghèo, đẩy mạnh phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội; niềm tin của đồng bào dân tộc thiểu số đối với Đảng và Nhà nước được nâng lên; vùng dân tộc thiểu số không phát sinh các “điểm nóng”, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, thế trận lòng dân trong thế trận quốc phòng, an ninh vững mạnh được củng cố và tăng cường. Nhờ đó, an sinh xã hội được bảo đảm tốt góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh và ổn định vì trên thực tế các nhà đầu tư trong và ngoài nước không chỉ chú ý đến các yếu tố kinh tế mà còn chú ý đến các yếu tố xã hội. Một xã hội ổn định giúp các nhà đầu tư yên tâm đầu tư lâu dài, tạo điều kiện cho kinh tế phát triển nhanh và bền vững. Ngược lại, xã hội mất ổn định dẫn tới việc đầu tư ngắn hạn chỉ tính đến lợi nhuận trước mắt, làm cho kinh tế tăng trưởng không bền vững. Bên cạnh đó, bản thân sự phát triển của hệ thống an sinh xã hội góp phần thực hành tiết kiệm, tạo lập quỹ đầu tư; nhiều lĩnh vực, dịch vụ an sinh xã hội “có thể” tạo nguồn tài chính cho phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.

Với vai trò và ý nghĩa quan trọng của phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở đồng bằng sông Cửu Long như vậy nên trong thời gian tới, cần tiếp tục thực hiện chủ trương phát triển kinh tế hướng đến bảo đảm an sinh xã hội cho đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần hiện thực hóa mục tiêu “Con người có cuộc sống ấm no, tự do và hạnh phúc”. Để làm được như vậy, cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp.

3. Một số giải pháp góp phần nâng cao hiệu quả phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở đồng bằng sông Cửu Long thời gian tới

Một là, nâng cao nhận thức của các cấp ủy đảng và chính quyền địa phương cũng như người dân trong vùng về vị trí, vai trò và ý nghĩa của việc phát triển kinh tế bảo đảm an sinh xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong vùng.

Cần tuyên truyền, phổ biến cho các cấp, các ngành cũng như người dân trong vùng biết được vị trí, vai trò và ý nghĩa của việc phát triển kinh tế bảo đảm an sinh xã hội trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Qua đó, tạo sự thống nhất trong nhận thức và hành động của tất cả các lực lượng trong vùng nhằm tạo sức mạnh tổng hợp trong quá trình thực hiện.

Hai là, tập trung thực hiện đồng bộ Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030. Đẩy mạnh tiến độ thực hiện dự án 3, dự án 6 của Chương trình mục tiêu quốc gia dân tộc thiểu số và miền núi để thúc đẩy tạo sinh kế bền vững cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số hiệu quả, thiết thực. Đây được xem là một trong những giải pháp mang tính đột phá để phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số trong vùng.

Ba là, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là yếu tố quyết định sự phát triển bền vững của vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong vùng, vì vậy, cần quan tâm đến chất lượng giáo dục và đào tạo, chất lượng chăm sóc sức khỏe đồng bào. Ưu tiên bảo đảm nguồn lực cho thực hiện các chính sách phát triển kinh tế-xã hội, xóa đói, giảm nghèo được ban hành. Huy động nhiều nguồn lực cho đầu tư, phát triển, trước hết tập trung cho các vùng đặc biệt khó khăn (vùng "lõi nghèo"), tránh đầu tư dàn trải, lãng phí.

Bốn là, tập trung kiện toàn hệ thống tổ chức bộ máy cơ quan làm công tác dân tộc tại các địa phương trong vùng. Củng cố xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác dân tộc bảo đảm đủ số lượng và chất lượng, để làm tốt công tác tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương trong việc quản lý, tổ chức thực hiện chính sách dân tộc. Tiếp tục đổi mới công tác dân tộc trong vùng, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn hiện nay.

  4. Kết luận

  Phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở đồng bằng sông Cửu Long có ý nghĩa quan trọng trong việc thực hiện các quan điểm, mục tiêu phát triển như trong Nghị quyết 13-NQ/TW ngày 02/4/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn 2045 đã đề ra. Trong thời gian qua, việc phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội của vùng đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào, bảo đảm công bằng giữa các dân tộc; điều đó cũng thể hiện sự kế thừa truyền thống đoàn kết, giúp đỡ, tương thân, tương ái của cộng đồng các dân tộc Việt Nam; trên cơ sở đó, tạo lập môi trường ổn định đối với sự phát triển kinh tế cũng như các lĩnh vực khác của đời sống xã hội. Trong thời gian tới, để phát huy kết quả đã đạt được và nâng cao hơn nữa hiệu quả việc phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó, trọng tâm thực hiện một số giải pháp đã nêu, từng bước “Xây dựng vùng đồng bằng sông Cửu Long hiện đại, sinh thái, văn minh, phát triển nhanh và bền vững, mang đậm bản sắc văn hóa sông nước”, “tạo dựng môi trường sống bền vững, chất lượng sống tốt cho người dân gắn với bảo tồn các tài nguyên, hệ sinh thái”8.

---------

Bài đăng trên Tạp chí Thông tin Khoa học chính trị số 1 (37) - 2024

1 Cần Thơ, Bạc Liêu, An Giang, Kiên Giang, Đồng Tháp, Bến Tre, Trà Vinh, Hậu Giang, Sóc Trăng, Cà Mau, Long An, Vĩnh Long, Tiền Giang.

2 Lê Đức Thọ, Nguyễn Quốc Thành: Thúc đẩy đồng bằng sông Cửu Long phát triển nhanh và bền vững, https://www.tapchicongsan.org.vn/web/guest/kinh-te/-/2018/827040/thuc-day-dong-bang-song-cuu-long-phat-trien-nhanh-va-ben-vung.aspx, cập nhật 21:47 19/02/2023.

3 Ủy Ban Dân tộc, Thành phố Cần Thơ, Trường Đại học Cần Thơ: Kỷ yếu hội thảo khoa học: Giải pháp phát triển kinh tế - xã hội bền vững với đồng bào dân tộc thiểu số vùng đồng bằng sông Cửu Long, Cần Thơ 5/2023, tr.3.

4,5,6&7 Ban Kinh tế Trung ương: Báo cáo tổng kết thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW, ngày 20/1/2003 của Bộ Chính trị khóa IX về phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2001-2010; Kết luận số 28-KL/TW, ngày 14/8/2012 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2011-2020, Hà Nội 2022, tr.36.

8 Đảng Cộng sản Việt Nam: Nghị quyết của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn 2045 (số 13-NQ/TW ngày 02/4/2022), Hà Nội, 2022, tr.4-5.