ThS NGUYỄN MINH KHOẮC
Học viện Chính trị khu vực IV

(TTKHCT) - Để có cơ sở cho việc đề xuất một số giải pháp nâng cao hiệu quả công tác thi đua, khen thưởng tại Học viện Chính trị khu vực IV (sau đây viết tắt là Học viện), bài viết phân tích bối cảnh hình thành và ba khía cạnh lớn của quan điểm “công việc hằng ngày chính là nền tảng thi đua” của Chủ tịch Hồ Chí Minh kết hợp với phân tích, đánh giá thực tiễn công tác này tại Học viện thời gian qua cũng như những nhận định về đặc điểm tình hình thực hiện nhiệm vụ chính trị của Học viện trong thời gian tới.

Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ là người khởi xướng các phong trào thi đua yêu nước, mà Người còn là tấm gương sáng trong phong trào này. Hơn 75 năm qua, những quan điểm của Người về thi đua ái quốc, nhất là quan điểm “công việc hằng ngày chính là nền tảng thi đua” vẫn luôn sống động và có giá trị thực tiễn sâu sắc, đặc biệt trong công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa hiện nay. Nghiên cứu, vận dụng sáng tạo quan điểm này có ý nghĩa to lớn trong việc thúc đẩy sự nghiệp cách mạng nói chung và thực hiện nhiệm vụ chính trị của Học viện nói riêng giai đoạn hiện nay.

1. Bối cảnh hình thành quan điểm “công việc hằng ngày chính là nền tảng thi đua” của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng, Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công đã mang lại nền độc lập cho dân tộc, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Tuy nhiên, nhà nước non trẻ đã phải đối mặt với vô vàn khó khăn, thách thức, thù trong, giặc ngoài. Trước tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”, để kịp thời huy động mọi tầng lớp nhân dân tham gia công cuộc kháng chiến, kiến quốc, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng đã có những chỉ đạo chiến lược, trong đó lấy thi đua yêu nước làm nền tảng. Người cũng chỉ rõ: “… cách tốt nhất là tổ chức thi đua. Người này thi đua với người khác. Làng này thi đua với làng khác. Ai hơn thì được Nhân dân kính trọng và Chính phủ khen thưởng. Như vậy ai cũng hăng hái”1.

Cuối năm 1947 đầu năm 1948, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của dân tộc ta bước vào giai đoạn gay go ác liệt, ngày 27/3/1948, theo sáng kiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Ban Chấp hành Trung ương Ðảng đã ra Chỉ thị phát động phong trào thi đua ái quốc. Chỉ thị nêu rõ: “Ai nấy đều gắng làm nhanh, làm tốt, làm đẹp, không kể việc làm của mình thuộc về đời sống vật chất hay tinh thần, không kể mình hoạt động ở hậu phương hay tiền tuyến, cốt sao lợi cho nước nhà mà mình tiến bộ. Nước nhà đang kháng chiến và kiến quốc, mục đích thi đua ái quốc là làm sao cho kháng chiến mau thắng lợi, kiến thiết chóng thành công”2.

Ngày 11/6/1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi và phát động phong trào thi đua ái quốc đến mọi tầng lớp Nhân dân. Trong lời kêu gọi, Người nhấn mạnh: “Bổn phận của người dân Việt Nam, bất kỳ sĩ, nông, công, thương, binh; bất kỳ làm việc gì, đều cần phải thi đua nhau:

Làm cho mau,

Làm cho tốt,

Làm cho nhiều.

Mỗi người dân Việt Nam, bất kỳ già, trẻ, trai, gái; bất kỳ giàu, nghèo, lớn, nhỏ, đều cần phải trở nên một chiến sĩ tranh đấu trên mặt trận: Quân sự, Kinh tế, Chính trị, Văn hoá”3.

Sau khi phong trào thi đua ái quốc được phát động, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn theo dõi và có những chỉ đạo kịp thời nhằm phát huy hiệu quả của phong trào. Sau hơn một năm ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc, Người nhận thấy việc triển khai thực hiện phong trào ở một số nơi còn mang tính hình thức: “Còn nhiều nơi Nhân dân, mà trước hết là cán bộ, chưa hiểu thật rõ ràng ý nghĩa của phong trào Thi đua ái quốc”4. “Tưởng lầm rằng thi đua là một việc khác với những công việc hằng ngày”5. Điều đó dẫn đến việc phát động và tổ chức phong trào thi đua ở nhiều nơi đôi khi mang tính đối phó, không xuất phát từ tình hình thực tế dẫn đến phong trào kém hiệu quả.

Xuất phát từ thực tiễn đó, để đẩy mạnh hơn nữa phong trào thi đua đến mọi tầng lớp Nhân dân, tháng 8/1949, trong Lời kêu gọi thi đua chuẩn bị tổng phản công, Chủ tịch Hồ Chí Minh phát động: “công việc hằng ngày chính là nền tảng thi đua”6, đây cũng được xem quan điểm chỉ đạo xuyên suốt của Người trong việc tổ chức các phong trào thi đua sau này.

2. Nội dung cơ bản của quan điểm “công việc hằng ngày chính là nền tảng thi đua” của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Thi đua được hiểu là “hoạt động của con người, tác động của con người vào tự nhiên, vào các quá trình xã hội để đạt được mục đích đề ra; là hoạt động có ý thức, có tính tổ chức, tính tập thể cao, gồm nhiều người cùng tham gia, diễn ra mọi lúc, mọi nơi”7. Với quan điểm “công việc hằng ngày chính là nền tảng thi đua”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra vấn đề cơ bản của thi đua, đó chính là công việc hằng ngày của từng tập thể, cá nhân. Để kháng chiến thắng lợi, kiến quốc thành công, mỗi cơ quan, đơn vị, địa phương phải nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ được giao. Để cơ quan, đơn vị, địa phương hoàn thành nhiệm vụ thì mỗi cán bộ, đảng viên và Nhân dân ở đó phải nỗ lực thực hiện nhiệm vụ của mình. Để hoàn thành nhiệm vụ của mình thì mỗi cán bộ, đảng viên và Nhân dân phải nỗ lực từ trong công việc hằng ngày.

Quan điểm “công việc hằng ngày chính là nền tảng thi đua” của Chủ tịch Hồ Chí Minh chính là một trong những chìa khóa quan trọng giúp mỗi tập thể, cá nhân hiện thực hóa được các mục tiêu trong thực tế, bởi lẽ nó đã chỉ rõ các nội dung sau:

Về mục đích của thi đua: ngoài nhiệm vụ chung của cơ quan, đơn vị, địa phương, thi đua giúp mỗi cá nhân phát triển bản thân. Mặt khác, đó còn là sự phấn đấu chống lại những cái chưa đúng, chưa tốt, nó cũng là sự đấu tranh trong mỗi con người và cả xã hội để trở nên hoàn thiện hơn. Thi đua là việc huy động mọi khả năng của từng cá nhân và toàn xã hội vào thực hiện nhiệm vụ chung. Đồng thời thực hiện phong trào thi đua còn góp phần chống mọi biểu hiện của bệnh cá nhân chủ nghĩa, cục bộ địa phương, chạy theo thành tích... Trong Thư gửi thanh niên về thi đua ái quốc, ngày 01/8/1951, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Thi đua là một cách rất tốt, rất thiết thực để làm cho mọi người tiến bộ. Thi đua làm cho đoàn kết chặt chẽ thêm. Và đoàn kết chặt chẽ để thi đua mãi, phải điều hòa 3 nhiệm vụ với nhau: gia tăng sản xuất, công việc hằng ngày và học tập (chính trị, văn hóa, tình hình trong nước và thế giới). Trong các việc thi đua ái quốc, cần phải nêu rõ tinh thần cần, kiệm, liêm, chính”8. Trong xã hội, bên cạnh cái đúng, cái tốt thì cũng tồn tại cái sai, cái xấu. Vì vậy, thi đua không chỉ làm trong chốc lát, theo đợt rồi dừng lại, mà chúng ta phải kiên trì, bền bỉ thực hiện thường xuyên, liên tục “hằng ngày”. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ ra rằng: “Thật ra thi đua phải trường kỳ. Ta phải thi đua để kháng chiến thắng lợi, kiến quốc thành công”9.

Về nội dung thi đua: thi đua không phải chỉ tiến hành, tổ chức đối với những việc lớn như sản xuất, chiến đấu, bảo vệ Tổ quốc mà cả trong những công việc đơn giản, bình thường hằng ngày cũng cần phải thi đua. Chủ tịch Hồ Chí Minh nhắc nhở chúng ta không nên coi thường những việc nhỏ, tuy hiệu quả của mỗi việc đem lại có thể nhỏ, nhưng nhiều công việc nhỏ hằng ngày và nhiều người đều thi đua hằng ngày, thì hiệu quả đem lại sẽ rất to lớn.

Trong Lời kêu gọi thi đua chuẩn bị tổng phản công tháng 8/1949, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Từ trước đến giờ ta vẫn ăn, vẫn mặc, vẫn ở. Nay ta thi đua ăn, mặc, ở cho sạch sẽ, cho hợp vệ sinh, cho khỏi đau ốm. Xưa nay ta vẫn làm ruộng. Nay ta thi đua làm cho đất ruộng tốt hơn, sản xuất nhiều hơn. Mọi việc đều thi đua như vậy”10.

Nội dung thi đua phải bám sát vào công việc hằng ngày của đối tượng thi đua, “từ công việc hằng ngày mà nảy sinh thi đua. Thi đua gắn với công việc hằng ngày làm cho công việc hằng ngày tốt hơn. Sự tồn tại của thi đua, nền tảng của thi đua không xa xôi, khó tìm, khó thấy, mà ở ngay công việc hằng ngày”11.

Về hình thức, cách thức tổ chức thi đua: phải phù hợp với hoàn cảnh cụ thể của từng địa phương, đơn vị, ngành, lĩnh vực công tác. Vì nếu cách thức tổ chức thi đua không sát với thực tế có khi đem lại hiệu quả thấp, thậm chí dẫn đến thi đua hình thức. Người căn dặn: “Thi đua ái quốc phải có phương hướng đúng và vững… Phải có kế hoạch tỉ mỉ. Kế hoạch ấy phải do từng đơn vị nhỏ, từng gia đình, từng cá nhân bàn bạc kỹ, hiểu biết thấu, vui vẻ làm. Nghĩa là phải sao cho mỗi nhóm, mỗi người tự giác tự động. Nội dung của kế hoạch phải thiết thực, rõ ràng, đúng mực”12. Tuy nhiên, trong quá trình tổ chức thi đua vẫn xuất hiện tình trạng “nhiều nơi đặt những kế hoạch thi đua không sát với hoàn cảnh, không sát với địa phương”13, “còn nhiều nơi Nhân dân, mà trước hết là cán bộ, chưa hiểu thật rõ ràng ý nghĩa của phong trào Thi đua ái quốc”14, “tưởng lầm rằng thi đua là một việc khác với những công việc hằng ngày”15, “nơi thì các ban vận động thi đua chỉ biết làm theo chỉ thị cấp trên. Trung ương gửi chỉ thị thế nào, khu cứ nguyên văn gửi xuống tỉnh, tỉnh cứ nguyên văn gửi xuống huyện, huyện cứ như thế gửi xuống xã. Chứ không biết điều tra kỹ lưỡng, áp dụng thiết thực”16, điều đó dẫn đến việc phát động và tổ chức phong trào thi đua ở nhiều nơi đôi khi mang tính đối phó, không thiết thực, không xuất phát từ tình hình thực tế dẫn đến phong trào kém hiệu quả. Chính vì vậy, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng trong việc phát động phong trào thi đua thì cách thức tổ chức thi đua phải cụ thể, tránh việc dập khuôn, sao chép từ cấp trên mà không căn cứ vào tình hình thực tế của cơ quan, đơn vị. Bên cạnh đó, việc cấp dưới cụ thể hóa kế hoạch thi đua của cấp trên cần bám sát tinh thần chỉ đạo chung, tránh tình trạng “… Nơi thì mỗi một đoàn thể, mỗi một ngành đều có một kế hoạch riêng mà các kế hoạch thì không ăn khớp với nhau. Thành thử “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược”. Nhân dân thì bù đầu, không đủ sức mà theo cả các kế hoạch và không biết nên theo kế hoạch nào”17.

Bên cạnh đó, trong quá trình tổ chức thi đua, Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu phải có sơ kết, tổng kết, kịp thời biểu dương, nêu gương, khen thưởng vì những hình thức khen thưởng có tác dụng động viên, khích lệ những người tham gia phong trào. Người chỉ rõ: “Sau đợt thi đua, phải thiết thực kiểm tra, tổng kết, phổ biến kinh nghiệm, khen thưởng những người kiểu mẫu, nâng đỡ những người kém cỏi”18.

Với quan điểm “công việc hằng ngày chính là nền tảng thi đua”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ hoạt động thi đua phải bắt đầu từ những việc nhỏ nhất trong cuộc sống hằng ngày. Thực hiện tốt điều đó giúp mỗi tập thể, cá nhân và xã hội ngày càng tiến bộ, phát triển hơn, càng thi đua thì càng vượt qua khó khăn nhanh hơn. Vì vậy, khi ở trong điều kiện khó khăn thì càng phải tích cực tham gia thi đua và thi đua bắt đầu ngay từ những công việc “hằng ngày” của mỗi cá nhân, tập thể.

3. Vận dụng quan điểm “công việc hằng ngày chính là nền tảng thi đua” của Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Học viện Chính trị khu vực IV hiện nay

Học viện Chính trị khu vực IV (sau đây gọi tắt là Học viện) được thành lập ngày 18/4/2006 theo Quyết định số 534/QĐ-HVCTQG ngày 30/3/2006 của Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh. Học viện được giao nhiệm vụ “là trung tâm đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị cho cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ chốt, cán bộ khoa học lý luận chính trị của Đảng, Nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội, các doanh nghiệp nhà nước và các đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn Tây Nam Bộ; trung tâm nghiên cứu khoa học lý luận Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, các khoa học chính trị, khoa học lãnh đạo, quản lý của khu vực Tây Nam Bộ”19.

Sau gần 20 năm xây dựng và phát triển, dù còn nhiều khoa khăn nhưng Học viện đã có nhiều thay đổi và đang phát triển tích cực. Cụ thể như:

Cơ cấu tổ chức, bộ máy và biên chế: lúc mới thành lập, Học viện được Ban Tổ chức Trung ương giao 60 biên chế. Đến năm 2022, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh giao cho 120 biên chế. Tuy nhiên, việc tuyển dụng nhân sự còn gặp nhiều khó khăn nên nhiều vị trí việc làm, số lượng người làm việc chưa đủ số lượng theo nhu cầu. Hiện nay, các đơn vị nghiên cứu, giảng dạy về cơ bản số lượng giảng viên đáp ứng được 100% chương trình giảng dạy với chất lượng ngày càng nâng cao. Trong khi đó, các đơn vị chức năng hầu như số người làm việc còn thiếu so với yêu cầu, hiện tổng số viên chức của các đơn vị chức năng là 32/98 biên chế (chiếm tỷ lệ 32,65%) trong đó có 04 đồng chí tham gia giảng dạy kiêm nhiệm tại các khoa. Điều này dẫn đến thực tế tại các đơn vị chức năng, một người phải kiêm nhiệm nhiều mảng công việc khác nhau.

Cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật: từ chỗ phải thuê trụ sở làm việc, Học viện được Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ cấp gần 13 ha đất. Học viện đã tiến hành quy hoạch tổng thể mặt bằng và hoàn thiện xây dựng giai đoạn II, mặc dù được sự quan tâm, chỉ đạo, tạo điều kiện của Đảng ủy, Ban Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, tuy nhiên hiện nay cơ sở vật chất, hạ tầng còn nhiều khó khăn, cần phải tiếp tục được đầu tư xây dựng thêm.

Xác định những khó khăn nêu trên không thể giải quyết một sớm một chiều mà cần có thời gian lâu dài, quán triệt quan điểm “công việc hằng ngày chính là nền tảng thi đua” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng ủy, Ban Giám đốc Học viện luôn quán triệt, chỉ đạo viên chức và người lao động tích cực phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ được giao, tích cực tham gia các phong trào thi đua do Học viện và cấp trên phát động. Hằng năm, Học viện đều tổ chức tổng kết phong trào thi đua và triển khai công tác thi đua năm học mới, theo đó, có 100% tập thể và cá nhân đăng ký tham gia phong trào thi đua với ý thức trách nhiệm trong công tác, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao; xây dựng nếp sống văn minh nơi công sở, giữ gìn cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp; nâng cao ý thức thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và phòng, chống tham nhũng.

Trong công tác tổ chức bộ máy: từ chỗ chỉ có 04 cán bộ lúc mới thành lập, đến nay Học viện đã xây dựng được bộ máy với 18 đơn vị trực thuộc với 113 viên chức và người lao động. Trong đó, có 25 tiến sĩ, 65 thạc sĩ (có 18 thạc sĩ đang tham gia Nghiên cứu sinh trong và ngoài nước), còn lại là các trình độ khác. Đây chính là kết quả của quá trình xây dựng tổ chức, bộ máy “hằng ngày” liên tục, bền bỉ của Học viện, là cơ sở quan trọng để Học viện hoàn thành thắng lợi các nhiệm vụ chính trị được giao.

Trong công tác đào tạo: nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy hằng năm, Ban Giám đốc Học viện chỉ đạo định kỳ tổ chức kiểm tra giáo án giảng viên để rút kinh nghiệm chung; chỉ đạo Ban Thanh tra Học viện tiến hành khảo sát lấy ý kiến của học viên về chất lượng bài giảng của giảng viên; chỉ đạo Hội đồng - Thi đua khen thưởng Học viện tổ chức Hội thi giảng viên giỏi cấp cơ sở theo quy định của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và cử viên chức tham gia Hội thi Giảng viên giỏi cấp Học viện. Kết quả tại Hội thi Giảng viên giỏi cấp Học viện lần thứ IV và thứ V, 100% giảng viên tham gia đều được Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh công nhận là Giảng viên giỏi.

Công tác nghiên cứu khoa học và thực hiện Nghị quyết số 35-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Bộ Chính trị về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Ðảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới được chú trọng với nhiều mô hình mới và cách làm sáng tạo. Từ năm 2018 đến năm 2023, Học viện có 210 bài đăng trên tạp chí/báo in; 86 bài viết đăng tải trên trang truyền thông, 107 bài viết trên một số chuyên mục nổi bật, 74 bài viết trên các tạp chí của Học viện, 47 sách xuất bản và 21 bài báo quốc tế. Có nhiều bài báo mang nội dung bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới. Đặc biệt, trong cuộc thi viết chính luận bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng năm 2022, Học viện đạt giải nhất tập thể, 01 cá nhân đạt giải A và 02 cá nhân đạt giải C. Trong nghiên cứu khoa học, từ năm 2013 đến nay, Học viện đã tổ chức được 04 Hội thảo khoa học cấp Bộ, 33 Hội thảo cấp cơ sở; thực hiện 19 đề tài cấp Bộ trọng điểm, 69 đề tài khoa học cấp cơ sở và 03 dự án điều tra cơ bản.

Trong công tác tham mưu, hậu cần: hằng năm Giám đốc Học viện đều ban hành văn bản tới người lao động nhằm tham gia đăng ký sáng kiến, giải pháp. Qua đó khuyến khích viên chức và người lao động có sáng kiến, giải pháp hiệu quả trong công tác, giúp Học viện hoàn thành nhiệm vụ được giao trong điều kiện còn nhiều khó khăn. Kết quả, năm 2020 có 04 giải pháp cấp cơ sở được công nhận, năm 2021 có 03 giải pháp cấp cơ sở được công nhận, năm 2022 có 05 giải pháp cấp cơ sở và 01 giải pháp cấp Bộ được công nhận. Các sáng kiến, giải pháp được công nhận và nhân rộng đã góp phần khắc phục những hạn chế, khó khăn trong quá trình thực hiện nhiệm vụ chuyên môn “hằng ngày” của Học viện nói chung và viên chức, người lao động nói riêng. Từ đó, ngày càng phát huy được tinh thần sáng tạo, dám nghĩ, dám làm của viên chức và người lao động trong Học viện. Trong đó, các tổ chức đoàn thể như Công đoàn, Đoàn Thanh niên, Ban Nữ công Học viện đã tích cực hưởng ứng, vận động đoàn viên nhiệt tình tham gia phong trào thi đua, góp phần đáng kể vào việc hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao.

 Kết quả từ năm 2013 đến nay, Học viện có 109 lượt tập thể được công nhận danh hiệu Tập thể lao động tiên tiến, 63 lượt tập thể được công nhận danh hiệu Tập thể lao động xuất sắc, 27 lượt đơn vị được nhận Cờ thi đua cấp Học viện (cấp Bộ), Học viện được nhận cờ thi đua Chính phủ năm 2015; đối với cá nhân có 847 lượt cán bộ được công nhận danh hiệu lao động tiên tiến, 112 lượt cán bộ được công nhận danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở và 14 lượt cán bộ được Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh công nhận Chiến sĩ thi đua cấp Bộ. Đối với các hình thức khen thưởng tập thể có 01 bằng khen của Thủ thướng Chính phủ, 13 Bằng khen của Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; đối với cá nhân có 03 Huân chương lao động hạng III, 01 Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, 41 Bằng khen của Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và nhiều Giấy khen khác.

Đạt được những thành tích trên là do công tác thi đua, khen thưởng luôn được Ban Giám đốc, Đảng ủy, Công đoàn Học viện quan tâm chỉ đạo sâu sát, tạo sự đồng thuận, nhất trí cao về thi đua, khen thưởng, từ đó động viên được sự tham gia của đông đảo viên chức và người lao động; bộ phận làm công tác thi đua, khen thưởng đã phát huy ý thức, trách nhiệm, đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau, làm tốt công tác tham mưu cho Giám đốc, Thường trực Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Học viện từ nội dung thi đua đến các qui trình, thủ tục, hồ sơ xét duyệt, báo cáo... và đề xuất các hoạt động thi đua phù hợp với tình hình thực tiễn của Học viện.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn một số hạn chế như: công tác chỉ đạo, tổ chức phong trào thi đua yêu nước ở một số đơn vị còn chưa đi vào thực chất, chưa thường xuyên, hiệu quả chưa cao; việc triển khai phong trào thi đua có lúc còn mang tính hình thức, chưa hướng thi đua vào tập trung giải quyết những nhiệm vụ trọng tâm của Học viện; công tác bình xét, khen thưởng cho tập thể, cá nhân đôi lúc còn chậm và còn bất cập; một số đơn vị xem phong trào thi đua chỉ mang tính thời vụ, hình thức, tham gia chưa nhiệt tình; chưa xem thi đua là động lực thúc đẩy hoàn thành nhiệm vụ chính trị mà chỉ hưởng ứng phong trào, tổ chức bình xét chiếu lệ.

Nguyên nhân của những hạn chế nêu trên được xác định là do công tác tuyên truyền pháp luật thi đua, khen thưởng ở từng tập thể lao động chưa được quan tâm đúng mức; một số đơn vị chưa thật sự quan tâm đến công tác thi đua, chưa coi thi đua là biện pháp để quản lý, tạo động lực để hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị; viên chức, người lao động chưa coi thi đua là động lực để phấn đấu, rèn luyện bản thân trong mọi công việc; nhân sự phụ trách thực hiện công tác thi đua khen thưởng còn thiếu, chưa có nhiều kinh nghiệm; một số viên chức chưa thực sự gương mẫu trong công tác, thiếu tu dưỡng, rèn luyện theo tư tưởng đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh dẫn đến việc bị kỷ luật, gây ảnh hưởng đến kết quả thi đua của Học viện.

Trong bối cảnh đó, việc tiếp tục quán triệt và vận dụng quan điểm “công việc hằng ngày chính là nền tảng thi đua” của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Học viện là hết sức cần thiết, có ý nghĩa lý luận và thực tiễn sâu sắc. Để các phong trào thi đua của Học viện ngày càng thiết thực và hiệu quả trong thời gian tới, thiết nghĩ cần thực hiện một số giải pháp sau:

Thứ nhất, thống nhất và nâng cao nhận thức của toàn thể cán bộ, công chức, viên chức và người lao động ở Học viện về quan điểm “công việc hằng ngày” chính là cơ sở tồn tại, nền tảng của thi đua

Chừng nào chúng ta còn phải tiến hành lao động sản xuất để nuôi sống bản thân, tạo ra sản phẩm để thoả mãn nhu cầu vật chất và tinh thần cho mình và cho xã hội, thì chừng đó thi đua vẫn tồn tại và phát huy tác dụng. Công việc hằng ngày là nền tảng, là gốc rễ của thi đua, có “công việc hằng ngày” là có thi đua.

Tại Học viện, công việc hằng ngày được hiểu là các hoạt động trực tiếp hoặc gián tiếp liên quan đến công tác nghiên cứu, giảng dạy. Điều đó đồng nghĩa với việc chừng nào tại Học viện còn hoạt động nghiên cứu, giảng dạy thì khi ấy cơ sở của công tác thi đua vẫn tồn tại và mọi tập thể, cá nhân của Học viện đều phải tham gia thi đua.

Thứ hai, các phong trào thi đua phải toàn diện, thu hút sự tham gia của toàn thể cán bộ, viên chức, người lao động, không phân biệt giữa đơn vị giảng dạy với đơn vị tham mưu, hậu cần

Quan điểm “công việc hằng ngày chính là nền tảng thi đua” của Chủ tịch Hồ Chí Minh là hết sức toàn diện, không có sự giới hạn ở một lĩnh vực chuyên môn cụ thể. Vì “công việc hằng ngày chính là nền tảng thi đua”, nên bất kỳ công việc gì mà cá nhân hay tập thể được giao nhiệm vụ đều có thể thi đua và cần phải thi đua. Thi đua ở mọi công việc, mọi lĩnh vực: nghiên cứu, giảng dạy, tham mưu, hậu cần... Để làm tốt điều đó, mỗi cán bộ, viên chức, người lao động phải tự thi đua với chính mình; nỗ lực tu dưỡng, rèn luyện từ trong đời sống cá nhân để hôm nay tốt hơn hôm qua, ngày mai tốt hơn hôm nay; từ việc ǎn, mặc, ở, học tập, đến quan hệ với gia đình, đồng nghiệp, giữ mối liên hệ của đảng viên đang công tác với tổ chức đảng và nhân dân nơi cư trú.

Tại Học viện hiện nay, bên cạnh việc tiếp tục triển khai Kế hoạch số 466-KH/HVCTQG ngày 17/9/2019 về triển khai thực hiện Phong trào thi đua “Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh thi đua thực hiện văn hóa công sở” giai đoạn 2019-2025 và Hướng dẫn số 568-HD/HVCTQG ngày 29/12/2020 về khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua “Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh thi đua thực hiện văn hóa công sở” giai đoạn 2019-2025; Học viện cũng tiếp tục đẩy mạnh việc tuyên truyền thực hiện các phong trào thi đua như “Đẩy mạnh công tác xây dựng hạ tầng đồng bộ, hiện đại; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí”, phát động cuộc thi “Sáng kiến, giải pháp có hiệu quả trong công tác” năm 2023. Các phong trào thi đua nêu trên đều đảm bảo tính toàn diện, không phân biệt giữa đơn vị giảng dạy với đơn vị tham mưu, hậu cần, tất cả viên chức và người lao động đều là đối tượng tham gia thi đua.

Thứ ba, cần chống lại các biểu hiện tiêu cực, bệnh thành tích, bệnh hình thức trong thi đua

Trong nền kinh tế thị trường hiện nay, bên cạnh những mặt tích cực thì mặt trái của nó dễ khiến con người sa ngã, chạy theo các giá trị vật chất, làm phát sinh các thói hư tật xấu, vi phạm đạo đức lối sống, vi phạm pháp luật, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Trong đời sống hằng ngày, những việc tốt, xấu, đúng, sai, tiến bộ, thoái bộ cùng tồn tại và đan xen nhau. Chính vì vậy, bên cạnh việc phát huy cái tốt, cái đẹp, cái đã đạt được thì công tác thi đua còn phải góp phần chống lại mọi thói hư tật xấu, đấu tranh chống lại các biểu hiện tiêu cực trong mỗi cá nhân và tập thể.

Để thực hiện được nội dung này, trong thời gian tới, Học viện cần tiếp tục đẩy mạnh việc tuyên truyền thực hiện các quy định tại Quyết định số 5029/QĐ-HVCTQG ngày 26/10/2017 của Giám đốc Học viện về “Quy định ứng xử văn hóa của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chỉ Minh và các trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương” kết hợp với việc thực hiện có hiệu quả công tác bình xét, khen thưởng danh hiệu “Tập thể kiểu mẫu” và “Cán bộ trường Đảng mẫu mực” năm 2023, xây dựng các phong trào thi đua xây dựng văn hóa, đạo đức cho đội ngũ cán bộ, đảng viên, viên chức và người lao động.

Để đấu tranh chống lại các biểu hiện tiêu cực, bệnh thành tích, bệnh hình thức trong thi đua, Học viện cần công khai, minh bạch các tiêu chí thi đua, kết quả thi đua, đưa hoạt động thi đua khen thưởng đi vào khuôn khổ, thật sự là động lực để viên chức và người lao động phấn đấu, không vì nể nang hay hình thức mà khen thưởng trái quy định.

Thứ tư, cụ thể hóa nội dung thi đua phù hợp với điều kiện thực tế của Học viện, hướng đến những kết quả cụ thể

Để tránh gặp phải những hạn chế trong công tác phát động phong trào thi đua, các kế hoạch thi đua cần phải được dự thảo và tổ chức lấy ý kiến đóng góp của tất cả đối tượng tham gia thi đua trước khi phát động để đảm bảo tính khả thi trong thực tế. Nội dung phong trào thi đua phải xuất phát từ việc thực hiện nhiệm vụ cấp trên giao, nhiệm vụ chung của đơn vị, đồng thời phù hợp với điều kiện thực tế. Không áp đặt nội dung thi đua khi thực tế đơn vị không có điều kiện, khả năng thực hiện, tránh biểu hiện bệnh thành tích trong thi đua, hướng đến thi đua thực chất.

Thứ năm, phát động và tổ chức thực hiện thi đua phải thường xuyên, liên tục, phát huy tinh thần đoàn kết thống nhất trong toàn hệ thống Học viện

Công tác thi đua với mục tiêu phấn đấu vươn lên tạo ra cái mới tốt đẹp hơn cái đã có, đồng thời chống lại cái sai, cái xấu không phải chỉ là công việc làm trong chốc lát rồi dừng lại, mà phải kiên trì, bền bỉ phấn đấu thi đua “hằng ngày”, thường xuyên, liên tục. Thi đua trong công việc hàng ngày có tác dụng thúc đẩy mỗi viên chức và người lao động của Học viện, tuỳ theo nhiệm vụ được phân công kiên trì phấn đấu làm việc tốt hơn, đạt được kết quả cao hơn, không bị tụt hậu so với đồng nghiệp trong cùng đơn vị, hay giữa đơn vị này với đơn vị khác. Từ đó Học viện sẽ phát triển không ngừng.

Thứ sáu, phong trào thi đua phải có tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm gắn với khen thưởng và xử lý vi phạm

Việc tổ chức các phong trào thi đua là hết sức cần thiết. Tuy nhiên, muốn đánh giá được hiệu quả của từng phong trào thì công tác tổng kết, rút kinh nghiệm, khen thưởng và xử lý vi phạm phải được thực hiện đồng bộ, thường xuyên và liên tục. Qua công tác tổng kết, kịp thời phát hiện những tồn tại, vướng mắc cần tháo gỡ, xử lý, rút kinh nghiệm. Đồng thời, phát hiện những tập thể, cá nhân tham gia có hiệu quả phong trào, các sáng kiến, giải pháp có hiệu quả trong công tác, các điển hình tiên tiến để kịp thời khen thưởng, biểu dương.

Bên cạnh đó, qua công tác tổng kết, đánh giá kịp thời phát hiện những tập thể, cá nhân thiếu tích cực, không tham gia hoặc tham gia chiếu lệ các phong trào thi đua, có biểu hiện tiêu cực, thậm chí là tìm cách chống phá, xuyên tạc các phong trào thi đua tức là phá hoại công việc hằng ngày của cơ quan, đơn vị để có biện pháp xử lý phù hợp theo quy định.

Quan điểm “công việc hằng ngày chính là nền tảng thi đua” đã thể hiện tầm nhìn bao quát, toàn diện, khoa học, cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, có ý nghĩa lý luận, thực tiễn quan trọng đối với công tác thi đua của cả nước nói chung, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Học viện nói riêng. Trong bối cảnh Học viện còn nhiều khó khăn như hiện nay, việc tiếp tục quán triệt và vận dụng sáng tạo quan điểm “công việc hằng ngày chính là nền tảng thi đua” của Chủ tịch Hồ Chí Minh sẽ là chìa khóa giúp Học viện nói chung và từng cán bộ, viên chức, người lao động nói riêng vượt qua khó khăn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị được giao.

---------

Bài đăng trên Tạp chí Thông tin Khoa học chính trị số 3 (33) - 2023

1, 3 Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t.5, tr.119, 556.

2 Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, t.9, tr.71.

4, 5, 6,  9, 10, 12, 13, 14, 15 Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.6, tr.169.

7 Trương Quốc Bảo: Vận dụng Tư tưởng Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước trong xây dựng và hoàn thiện pháp luật thi đua, khen thưởng, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2010, tr.17.

8 Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.7, tr.146.

11 Lê Quang Thiệu: Chủ tịch Hồ Chí Minh với phong trào thi đua yêu nước, https://tulieuvankien.dangcongsan.vn/print/2063/chu-tich-ho-chi-minh-voi-phong-trao-thi-dua-yeu-nuoc, cập nhật 8/10/2015.

16, 17, 18 Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.6, tr.170.

19 Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh: Quyết định số 6590-QĐ/HVCTQG ngày 01/11/2018 của Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy của Học viện Chính trị khu vực IV, Hà Nội, 2018.