TS NGUYỄN CÔNG TRÍ
Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
TS NGUYỄN VĂN SỸ
Học viện Chính trị khu vực IV
(TTKHCT) - Trong quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại nhiều bài học sâu sắc về công tác vận động chức sắc, tín đồ tôn giáo nhằm thực hiện các mục tiêu của dân tộc. Những chỉ dẫn của Người được Đảng Cộng sản Việt Nam vận dụng một cách sáng tạo vào thực tiễn lãnh đạo cách mạng qua các thời kỳ lịch sử, nhất là giai đoạn đổi mới toàn diện đất nước. Mặc dù vậy, trước sự biến đổi của tình hình quốc tế và đất nước trong thời kỳ mới, công tác vận động chức sắc, tín đồ tôn giáo đang đặt ra những vấn đề cần phải giải quyết với những giải pháp hiệu quả nhằm không ngừng phát huy vai trò, nguồn lực của tôn giáo vào thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước theo tinh thần, chủ trương của Đảng.
(Nguồn: Cổng Thông tin điện tử Ủy ban Dân tộc)
1. Tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác vận động chức sắc, tín đồ tôn giáo
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm tới vấn đề tôn giáo và giải quyết vấn đề tôn giáo trong tiến trình cách mạng Việt Nam, bởi Người nhận thức rõ tính chất phức tạp, nhạy cảm trong việc ứng xử với tôn giáo nói chung, tín đồ, chức sắc nói riêng. Vận dụng sáng tạo quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin về việc giải quyết vấn đề tôn giáo, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt chú trọng tới phương pháp vận động quần chúng, trong đó có chức sắc, tín đồ tôn giáo. Người chú trọng xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc, bao gồm các thành phần dân tộc, giai cấp, tôn giáo, các tổ chức đoàn thể để cùng thực hiện mục tiêu chung là giành độc lập cho dân tộc. Vì thế, tại Hội nghị cán bộ Trung ương tháng 4/1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Thực dân Pháp đang cố lừa phỉnh và lôi kéo đồng bào Công giáo, Cao Đài, Hòa Hảo, v.v. để phá mặt trận dân tộc thống nhất của ta. Nên vấn đề vận động đồng bào theo các đạo là một việc trọng yếu, bậc nhất trong công tác dân vận”1.
Tư tưởng của Hồ Chí Minh về vận động chức sắc, tín đồ tôn giáo gồm các nội dung sau:
Thứ nhất, vận động chức sắc, tín đồ tôn giáo phải trên tinh thần khoan dung, tránh sự phân biệt, đối xử với đồng bào có đạo
Khoan dung là một trong những giá trị văn hóa của dân tộc Việt Nam được tích lũy và bồi đắp qua các giai đoạn của lịch sử. Hồ Chí Minh đã tiếp thu một cách nhuần nhuyễn và nâng nó lên thành một chuẩn mực đạo đức, định hướng giá trị sống trong thời đại mới. Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Hồ Chí Minh luôn thể hiện tinh thần khoan dung, rộng lượng “đánh kẻ chạy đi không ai đánh người chạy lại” trong ứng xử với đồng bào tôn giáo. Trước tình hình một số đồng bào theo Phật giáo Hòa Hảo bị lợi dụng muốn quay trở lại với cách mạng, với Tổ quốc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã biểu dương: “Gần đây một số lớn đồng bào Hòa Hảo đã quay súng chống địch và trở về với Tổ quốc yêu mến. Chính phủ rất hoan nghênh những anh em đã tỉnh ngộ (…) Chính phủ và toàn quốc đồng bào đang chờ đợi để hoan nghênh những người hiện đang lầm đường theo giặc sẽ noi gương ái quốc của anh em Hòa Hảo đó”2.
Tinh thần khoan dung của Chủ tịch Hồ Chí Minh xuất phát từ niềm tin yêu đối với con người. Người hiểu rằng, đồng bào theo tôn giáo hay không theo tôn giáo cũng là máu mủ ruột thịt, là “con Lạc cháu Hồng”. Người luôn tin vào lương tri của một bộ phận đồng bào vì lý do nào đó đã đi theo gót giày của thực dân, đế quốc. Trong Thư gửi đồng bào và chiến sĩ Nam Bộ, miền Nam Trung Bộ nhân kỷ niệm ngày Nam Bộ kháng chiến, ngày 23/9/1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh kêu gọi: “Nhân dịp này, tôi thiết tha kêu gọi những đồng bào vì một cớ gì mà lầm đường lạc lối hãy kịp trở về với Tổ quốc. Dù sao các người cũng là ruột thịt (…) Tôi mong các người hãy mau mau tỉnh ngộ. Và tôi cam đoan rằng Tổ quốc, đồng bào và Chính phủ bao giờ cũng khoan hồng. Một khi các người đã trở về với Tổ quốc thì các người sẽ được hoan nghênh rộng rãi như những người con đi lạc mới về”3. Xuất phát từ tinh thần đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ những sai lầm trong nhận thức của một số cán bộ: “Thường cán bộ có thành kiến rằng đồng bào Công giáo là lạc hậu, là khó vận động. Nói như vậy là sai. Cha cố cũng có những người kháng chiến như cụ Trực, cụ Kỷ và nhiều vị khác”4. Chính thái độ trân trọng, tin tưởng, với tinh thần cầu thị thật sự, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã quy tụ được nhiều chức sắc có uy tín lớn trong các tôn giáo như: Giám mục Lê Hữu Từ, Linh mục Phạm Bá Trực, Linh mục Lê Văn Yên (đạo Công giáo), ông Cao Triều Phát, Phạm Công Tắc (đạo Cao Đài), v.v. tích cực tham gia đấu tranh bảo vệ nền độc lập, xây dựng khối đoàn kết dân tộc. Đồng thời, Người luôn khuyên đồng bào, tín hữu hãy noi gương các vị ấy mà đoàn kết, đấu tranh cho mục tiêu chung của dân tộc. Trong Bức điện chia buồn với đồng bào Công giáo Hà Nam khi Linh mục Lâm Quang Hà từ trần, Người kêu gọi: “Tôi mong rằng đồng bào Công giáo hãy noi gương tốt của cụ Lâm, đoàn kết chặt chẽ hơn nữa, góp phần xứng đáng cùng toàn dân chống Mỹ, cứu nước thắng lợi”5.
Một trong những yếu tố quan trọng thể hiện tính đặc sắc trong ứng xử với tôn giáo của Chủ tịch Hồ Chí Minh là Người luôn xuất phát từ những giá trị, mục tiêu chung của những người theo tôn giáo và không theo tôn giáo làm điểm tương đồng để tập hợp sức mạnh toàn dân tộc. Trong bối cảnh xã hội Việt Nam lúc bấy giờ, mục tiêu chung của Chính phủ cũng như những người sáng lập tôn giáo là được sống trong một đất nước độc lập, tự do; quần chúng nhân dân được làm chủ đất nước; nhân dân có cuộc sống đầy đủ cả về vật chất và tinh thần, v.v.. Mục tiêu chung đó là chất keo kết dính để Chủ tịch Hồ Chí Minh tập hợp sức mạnh của giới chức sắc, tín đồ tôn giáo đứng về phía cách mạng. Trong Thư gửi đồng bào Công giáo nhân dịp lễ Noel ngày 25/12/1953, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Phúc âm dạy chúng ta rằng: Chúa Cơ đốc sinh ra làm gương mọi giống phúc đức như: hy sinh vì nước vì dân, làm gương lao động, công bằng ruộng đất, tin thờ Chúa bằng tinh thần. Chúng ta kháng chiến cứu nước, thi đua tăng gia sản xuất và tiết kiệm, cải cách ruộng đất làm cho người cày có ruộng, tín ngưỡng tự do. Như thế là những việc Chính phủ và nhân dân ta làm, đều hợp với tinh thần Phúc âm. Cho nên tôi chúc đồng bào Công giáo làm trọn chính sách của Chính phủ cũng là làm trọn tinh thần của Chúa Cơ đốc”6.
Thứ hai, vận động chức sắc, tín đồ tôn giáo phải tôn trọng, hiểu biết về phong tục tập quán, lối sống của người có đạo
Trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, kẻ thù tìm mọi cách để lôi kéo đồng bào có đạo chống lại cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhiều lần chỉ ra âm mưu của các thế lực thù địch. Đồng thời, Người cũng thẳng thắn chỉ ra những sai lầm của đội ngũ cán bộ trong công tác vận động đồng bào tôn giáo. Người nói: “Đó là vì, địch dùng chính sách chia rẽ, song một phần cũng vì ta chưa có phương pháp thích hợp để vận động đồng bào tôn giáo. Đồng thời vì cán bộ ta kém, có nơi đã có những hành động lố lăng, phạm đến tín ngưỡng và quyền lợi của đồng bào tôn giáo”7. Đối với đồng bào theo tôn giáo, bản thân họ có những niềm tin, lối sống riêng của những con chiên ngoan đạo nên Hồ Chí Minh thường nhắc nhở cán bộ phải hết sức thận trọng, khéo léo và trên hết là phải tôn trọng niềm tin của họ. Hồ Chí Minh thường phê phán thái độ của một bộ phận cán bộ: “Đối với nông dân công giáo, có đội đã đưa chủ nghĩa Mác - Lênin ra giải thích. Nhiều cán bộ hễ nói đến cha cố, không phân biệt tốt xấu, cứ gọi là thằng, làm cho nông dân công giáo khó chịu”8.
Nhằm góp phần chấn chỉnh thái độ của một bộ phận cán bộ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn: “Không nên xúc phạm đến tín ngưỡng phong tục của dân (như nằm trước bàn thờ, giơ chân lên bếp, đánh đàn trong nhà, v.v.). Không nên làm hoặc nói gì có thể làm cho dân hiểu lầm rằng mình xem khinh họ”9.
Rõ ràng, thấu hiểu và tôn trọng phong tục, tín ngưỡng của nhân dân, nhất là đồng bào có đạo là một trong những yếu tố quan trọng dẫn đến thành công của công tác dân vận. Trên cơ sở chỉ ra những sai lầm nêu trên của một bộ phận cán bộ, đồng thời xuất phát từ kinh nghiệm thực tiễn, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Khi đi phát động quần chúng, cán bộ phải hết sức chú ý những điều đó. Sai một li đi một dặm, nơi nào dân cũng tốt, lương cũng như giáo; nhưng vì có những cán bộ không biết tổ chức, không biết giải thích tuyên truyền, lại tự tư tự lợi, không cảnh giác để cho bọn phản động chui vào các đoàn thể rồi phá hoại”10. Xuất phát từ thực tế đó, Hồ Chí Minh đặt ra yêu cầu mang tính nguyên tắc: “Chính quyền, quân đội và đoàn thể phải tôn trọng tín ngưỡng, phong tục, tập quán của đồng bào”11.
Thứ ba, vận động chức sắc, tín đồ tôn giáo phải tế nhị, khéo léo, kiên trì, nhẫn nại
Công tác vận động chức sắc, tín đồ tôn giáo có những nét đặc thù so với công tác vận động quần chúng nói chung. Tính đặc thù được thể hiện ở niềm tin, tình cảm, lối sống của người có đạo. Ngoài tình cảm đối với dân tộc, chức sắc, tín đồ tôn giáo còn thể hiện niềm tin, tình cảm của mình đối với đấng sáng tạo, đấng bề trên thông qua nhiều hoạt động mang tính nghi lễ của từng tôn giáo. Do vậy, công tác vận động đối với chức sắc, tín đồ tôn giáo cần hết sức tế nhị, khéo léo; hạn chế sử dụng các biện pháp hành chính, trên cơ sở tôn trọng niềm tin tôn giáo của đồng bào có đạo. Người luôn nhắc nhở cán bộ cần phải căn cứ vào từng nhóm đối tượng để có cách vận động thích hợp. Theo Người, một bộ phận tín đồ, chức sắc tôn giáo lầm đường, lạc lối là do nghe theo sự tuyên truyền của các thế lực thù địch, nhưng mặt khác nguyên nhân cũng là vì cán bộ của ta yếu kém, không có phương pháp vận động thích hợp. Đặc biệt, Người phê bình cán bộ làm công tác vận động quần chúng có đạo đã dùng những biện pháp thô bạo. Những việc làm chưa đúng mực của cán bộ, đảng viên đối với đồng bào tôn giáo vô tình làm cho đồng bào hiểu sai về chính sách của Đảng và Nhà nước, đồng thời, các thế lực thù địch càng có cơ hội bôi nhọ và nói xấu chính quyền cách mạng. Trong tác phẩm Đời sống mới, trước thái độ không đúng mực của một bộ phận cán bộ làm công tác dân vận, Hồ Chí Minh phê phán: “Mấy anh em thanh niên tuyên truyền giảm bớt giỗ Tết. Nhưng đến khi ra chợ, gặp ai mua đồ mã thì giựt lấy đốt hết. Như thế là ngốc. Không biết rằng tuyên truyền thì phải dần dần nói cho người ta hiểu, để người ta vui lòng làm, chứ không có quyền ép người ta. Không biết rằng đơm cúng là một phong tục đã lâu đời, không phải một ngày một bữa mà bỏ được. Không biết rằng người ta đã mất tiền mua, mình giựt đốt đi, thì ai cũng tức giận”12. Đặc biệt, đối với những chức sắc, tín đồ đạo Công giáo, Chủ tịch Hồ Chí Minh thường nhắc nhở: “Đồng bào Công giáo cũng yêu nước. Nếu ta biết kiên nhẫn thuyết phục giác ngộ, thì nhất định tranh thủ được”13. Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn mong muốn đội ngũ cán bộ cần phải thay đổi cách tuyên truyền, vận động của mình sao cho hiệu quả, thuyết phục được quần chúng tín đồ tôn giáo, Người yêu cầu: “Phải biết nhẫn nại. Nói với người nghe một lần người ta không hiểu thì nói đến hai lần, ba lần... Về đức tính này, phải học theo những người đi truyền giáo”14.
Thứ tư, vận động chức sắc, tín đồ tôn giáo phải hết sức chăm lo đời sống của người có đạo
Chức sắc, tín đồ tôn giáo là công dân Việt Nam, sống trong lòng dân tộc Việt Nam, họ cũng chịu cảnh áp bức của chế độ thực dân, đế quốc; họ cũng có cuộc sống khó khăn như quần chúng nhân dân không theo đạo; hơn ai hết, họ cũng mong muốn có được sống một cuộc sống đầy đủ cả về vật chất và tinh thần. Chính vì thế, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, để vận động, thuyết phục được đồng bào tôn giáo đứng về phía chính quyền cách mạng, một trong những nhiệm vụ quan trọng là Đảng và Chính phủ phải hết sức chăm lo tới đời sống vật chất và tinh thần của giới chức sắc và tín đồ tôn giáo. Trong Bài nói chuyện tại lớp bồi dưỡng cán bộ về công tác Mặt trận, tháng 8/1962, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Nguyện vọng của đồng bào giáo dân là “phần xác no ấm, phần hồn thong dong”. Muốn được như thế thì phải ra sức củng cố hợp tác xã, phát triển sản xuất, tăng thu nhập cho xã viên. Đồng thời phải đảm bảo tín ngưỡng tự do. Nhưng hoạt động tôn giáo không được cản trở sản xuất của nhân dân, không được trái với chính sách và pháp luật của Nhà nước”15.
Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: các thế lực thù địch càng ra sức tuyên truyền, xuyên tạc nhằm gây ra sự nghi ngờ, phá vỡ khối đại đoàn kết dân tộc thì Chính phủ càng phải chứng minh cho đồng bào tôn giáo thấy được những chính sách tốt đẹp của mình thông qua thực tiễn chăm lo đời sống của họ. Chính thông qua các hoạt động đó, đồng bào tôn giáo sẽ phân biệt được thế lực nào là phản động, lực lượng nào thực sự chăm lo cho nhân dân, vì thế mà họ sẽ tự nguyện, thật tâm đứng về phía chính nghĩa, Người yêu cầu: “Các cấp ủy phải thật quan tâm đến phần đời và phần đạo của đồng bào công giáo (…) Đồng bào Công giáo càng hiểu rõ chính sách của Đảng thì càng gắn bó với hợp tác xã. Cho nên phải ra sức giúp đỡ củng cố và phát triển tốt các hợp tác xã của đồng bào Công giáo nhằm làm cho hợp tác xã ngày càng vững chắc, xã viên thu nhập ngày càng tăng, đời sống ngày càng no ấm hơn”16.
Có thể nói rằng, công tác vận động chức sắc, tín đồ tôn giáo là một trong những nội dung quan trọng trong công tác dân vận. Điều này đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh hiện thực hóa bằng việc làm cụ thể, bằng phong cách, đạo đức của Người để tập hợp, thu hút chức sắc, tín đồ tôn giáo đứng về phía cách mạng để cùng thực hiện mục tiêu chung: giành độc lập dân tộc và xây dựng xã hội mới - xã hội xã hội chủ nghĩa.
2. Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác vận động chức sắc, tín đồ tôn giáo và một số vấn đề đặt ra
Trong quá trình lãnh đạo đất nước, Đảng Cộng sản Việt Nam đã vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác vận động chức sắc, tín đồ tôn giáo để xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, bảo đảm cho những thắng lợi to lớn trong các giai đoạn cách mạng Việt Nam.
Bước vào thời kỳ đổi mới đất nước, cùng với những nhận thức mới về tôn giáo và vai trò của tôn giáo đối với sự nghiệp phát triển đất nước, Đảng ta tiếp tục khẳng định: “Nội dung cốt lõi của công tác tôn giáo là công tác vận động quần chúng. Mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh là điểm tương đồng để gắn bó đồng bào các tôn giáo với sự nghiệp chung”17. Trong công tác vận động chức sắc, tín đồ tôn giáo, các cấp ủy đảng và chính quyền các cấp phải động viên đồng bào nêu cao tinh thần yêu nước, ý thức bảo vệ độc lập và thống nhất của Tổ quốc, thực hiện tốt các chính sách kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng, bảo đảm lợi ích vật chất và tinh thần của nhân dân nói chung, trong đó có đồng bào tôn giáo. Vì thế, Đảng ta xác định: “Công tác tôn giáo là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị”18 nhằm nêu cao tinh thần trách nhiệm đối với các cơ quan, tổ chức, ban ngành trong việc thực hiện công tác tôn giáo thời kỳ mới. Nhằm tiếp tục nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác dân vận trong giai đoạn cách mạng mới, Văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã nêu: “Tiếp tục xây dựng đội ngũ cán bộ thật sự “trọng dân, gần dân, tin dân, hiểu dân, học dân, dựa vào dân và có trách nhiệm với dân”; thực hiện tốt phong trào thi đua “Dân vận khéo””19. Đặc biệt, đối với công tác vận động đồng bào tôn giáo, Đảng ta chỉ rõ: “Chú trọng công tác dân vận đối với đồng bào dân tộc thiểu số, đồng bào tôn giáo, người Việt Nam ở nước ngoài. Chăm lo, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ chuyên trách công tác dân vận”20.
Những năm qua, Đảng và Nhà nước đã tạo điều kiện để các tôn giáo hoạt động ổn định trên cơ sở pháp luật. Tính đến năm 2021, ở Việt Nam có 41 tổ chức được công nhận, trong đó có 36 tổ chức được công nhận tư cách pháp nhân, 4 tổ chức và 01 pháp môn tu hành được cấp đăng ký hoạt động21. Các tổ chức tôn giáo thuộc 16 tôn giáo ở Việt Nam22 với 26,5 triệu người (chiếm 27% dân số cả nước) tổ chức sinh hoạt tôn giáo ổn định, với nhiều hoạt động đa dạng. Các cấp ủy đảng và chính quyền các cấp đã chú trọng đến công tác vận động chức sắc, tín đồ tôn giáo, qua đó công tác đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, góp phần bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, chức sắc, tín đồ tôn giáo, từng bước khẳng định và phát huy vai trò, nguồn lực tôn giáo đối với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong tình hình mới. Thực tế, nhiều mô hình vận động quần chúng có hiệu quả thiết thực được sự đồng tình, ủng hộ của các tổ chức, chức sắc, tín đồ các tôn giáo. Tiêu biểu như các cuộc vận động “Vì người nghèo không để ai bị bỏ lại phía sau”, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”, “Xây dựng nhà tình thương”, các cuộc vận động từ thiện, nhân đạo… Nhiều địa phương có những mô hình vận động hiệu quả như “Hiến đất làm đường, mở hẻm”, “Tình nguyện vì cộng đồng”, mô hình “Vận động giải quyết việc khiếu kiện đông người”; vận động “Phát huy giá trị đạo đức tôn giáo vào thực tiễn xây dựng khu dân cư”, “Xây dựng cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo văn minh”; mô hình xây dựng “Chùa cảnh tinh tiến”, “Chùa Khmer văn hóa”, các mô hình làng, xã văn hóa “Sống tốt đời đẹp đạo”, “Xứ họ đạo bình yên, gia đình công giáo gương mẫu”, vận động “Đóng góp xây dựng đường liên thôn, liên sóc, xóa cầu khỉ”, v.v..
Tuy nhiên, công tác tôn giáo nói chung, công tác vận động chức sắc, tín đồ tôn giáo nói riêng hiện nay đang đặt ra một số vấn đề cần quan tâm:
Thứ nhất, nhận thức của một bộ phận cán bộ trong hệ thống chính trị, nhất là ở cơ sở về tôn giáo, công tác tôn giáo vẫn còn hạn chế. Hạn chế này xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó, công tác quy hoạch, đào tạo, bổ nhiệm đội ngũ cán bộ làm công tác chuyên môn về tôn giáo ở địa phương, nhất là cấp cơ sở chưa được chú trọng. Đội ngũ cán bộ này chủ yếu làm việc kiêm nhiệm hoặc thường xuyên có sự thay đổi, điều động nên sự hiểu biết về tôn giáo cũng như chính sách, pháp luật về tôn giáo còn dừng lại ở mức độ nhất định. Vì vậy, khi gặp những vụ việc phức tạp, những vấn đề mới nảy sinh về tôn giáo, họ thường lúng túng hoặc giải quyết không thỏa đáng, gây ra những bức xúc trong đội ngũ chức sắc, tín đồ tôn giáo.
Thứ hai, một bộ phận cán bộ làm công tác vận động tôn giáo, nhất là cấp cơ sở đôi lúc chưa thực sự tôn trọng “niềm tin tín ngưỡng”, “phong tục”, “lễ nghi” của đồng bào tôn giáo. Đặc biệt, trong bối cảnh nhiều loại hình tôn giáo đã và đang có khuynh hướng mở rộng phạm vi hoạt động đến các khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số dẫn đến sự “va chạm” với một số giá trị văn hóa của cộng đồng. Điều này đòi hỏi đội ngũ cán bộ phải có những kiến thức am hiểu về tôn giáo, tín ngưỡng với những đặc thù phong tục, tập quán của đồng bào để xử lý một cách hài hòa, tránh xúc phạm đến niềm tin, lễ nghi của đồng bào.
Thứ ba, một bộ phận cán bộ trong hệ thống chính trị vẫn còn tồn tại cách nhìn thiếu thiện cảm, phân biệt đối xử với một số tôn giáo, nhất là các tôn giáo trước đây bị kẻ thù lợi dụng vì mục đích chính trị. Thái độ này dẫn đến tình trạng ứng xử bất bình đẳng giữa tôn giáo này với tôn giáo khác, gây ra tâm lý so bì, bức xúc trong sinh hoạt tôn giáo của một bộ phận chức sắc, tín đồ tôn giáo.
3. Một số giải pháp góp phần nâng cao hiệu quả vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác vận động chức sắc, tín đồ tôn giáo trong tình hình mới
Để nâng cao hiệu quả vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác vận động chức sắc, tín đồ tôn giáo trong tình hình mới, các cấp ủy đảng, chính quyền cần thực hiện tốt các nội dung sau:
Thứ nhất, tiếp tục nâng cao nhận thức về tôn giáo và chính sách tôn giáo đối với đội ngũ cán bộ nói chung, đội ngũ cán bộ làm công tác tôn giáo nói riêng đáp ứng yêu cầu phát triển của giai đoạn mới
Nhận thức về tôn giáo và công tác tôn giáo trong giai đoạn mới không chỉ là việc nắm bắt chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về tôn giáo và công tác tôn giáo trên tinh thần khoan dung, tôn trọng quyền tự do tôn giáo, bảo đảm sự bình đẳng giữa các tôn giáo, phát huy nguồn lực tôn giáo mà còn là sự hiểu biết một cách cơ bản về từng loại hình tôn giáo với những đặc điểm riêng về giáo lý, giáo luật, lễ nghi, tổ chức. Do vậy, các cấp ủy đảng, chính quyền cần phải đổi mới một cách căn bản công tác đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn kiến thức về tôn giáo và công tác tôn giáo trên tinh thần bảo đảm thực chất, hiệu quả, tránh hình thức, lãng phí. Trong đó, công tác đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn cần hướng về đội ngũ cán bộ làm công tác dân vận, tôn giáo ở cơ sở nhằm nâng cao nhận thức, trình độ chuyên môn của lực lượng này trong tình hình mới.
Thứ hai, đẩy mạnh công tác quy hoạch, đào tạo, sử dụng, đãi ngộ đội ngũ cán bộ làm công tác tôn giáo, nhất là ở cơ sở đáp ứng yêu cầu công tác tôn giáo nói chung, công tác vận động chức sắc, tín đồ tôn giáo nói riêng
Tôn giáo và công tác tôn giáo được xem là lĩnh vực mang tính đặc thù bởi nó liên quan đến đức tin của con người. Hơn nữa, trong bối cảnh mới, trình độ của đội ngũ chức sắc, chức việc, tín đồ ngày càng được nâng cao. Do vậy, công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng, đãi ngộ đội ngũ cán bộ làm công tác tôn giáo cần phải được coi trọng và thực hiện một cách thường xuyên nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác này có tinh thần trách nhiệm với công việc, chuyên môn sâu, kỹ năng ứng xử, giải quyết các vấn đề nảy sinh một cách phù hợp.
Thứ ba, xây dựng mối quan hệ thực sự gần gũi, thân thiện với chức sắc, tín đồ, tổ chức tôn giáo
Trên tinh thần chủ động, đội ngũ cán bộ làm công tác vận động chức sắc, tín đồ tôn giáo cần tích cực tiếp xúc với các chức sắc để tăng cường sự hiểu biết, cởi mở, chân thành, tạo niềm tin cho tín đồ các tôn giáo hiểu, đồng tình, gắn bó, đồng hành cùng dân tộc, tích cực tham gia xây dựng khối đoàn kết toàn dân tộc; đồng thời, chủ động và thường xuyên tổ chức đối thoại với chức sắc, tín đồ tôn giáo để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, đồng thời hướng dẫn các tổ chức, chức sắc, tín đồ tôn giáo thực hiện sinh hoạt tôn giáo vừa bảo đảm nhu cầu của người dân, vừa tuân thủ Hiến pháp và pháp luật.
Thứ tư, đẩy mạnh phát triển toàn diện kinh tế - xã hội, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc, tôn giáo, vùng biên giới
Trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, các cấp ủy đảng, chính quyền cần chú ý đến tính đặc thù trong sinh hoạt tôn giáo của đồng bào có đạo, đặc biệt, cần nâng cao hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước trong đồng bào tôn giáo trên cơ sở phát huy vai trò, nguồn lực, tính chủ động, tích cực của các tổ chức, chức sắc, tín đồ tôn giáo. Đổi mới hình thức tổ chức phong trào thi đua yêu nước gắn liền với hoạt động ký kết giữa tổ chức, chức sắc tôn giáo với các ban, ngành, tổ chức trong hệ thống chính trị. Các cấp ủy đảng, chính quyền tổ chức hoạt động sơ kết, tổng kết, khen thưởng các điển hình tiên tiến, đánh giá và rút ra những bài học kinh nghiệm trong các phong trào thi đua yêu nước trong đồng bào tôn giáo.
4. Kết luận
Công tác vận động chức sắc, tín đồ tôn giáo là một bộ phận hợp thành của công tác dân vận. Công tác này cần phải có cách tiếp cận và phương pháp phù hợp nhằm tiếp tục thực hiện có hiệu quả quan điểm, chính sách của Đảng và Nhà nước về tôn giáo, tín ngưỡng đáp ứng yêu cầu của sự phát triển đất nước trong giai đoạn mới. Việc nghiên cứu, vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về vấn đề này có ý nghĩa đặc biệt trong định hướng xây dựng nội dung, phương pháp hoạt động công tác này phù hợp. Các cấp ủy đảng, chính quyền cần tiếp tục vận dụng tốt tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác vận động chức sắc, tín đồ tôn giáo nhằm xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc, tôn giáo, góp phần thực hiện thành công những nhiệm vụ chính trị quan trọng của Đảng và nhân dân ta trong thời kỳ mới.
---------
Bài viết được đăng trên Tạp chí Thông tin khoa học chính trị số 3 (39) - 2024
1 Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2000, t.8, tr.193.
2, 3, 9, 12 Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t.5, tr.516, 249, 501, 127.
4, 10, 6, 8, 13 Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.8, tr.96, 96, 374, 26, 321.
5, 16 Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.14, tr.673, 102 - 103.
7, 1 Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.7, tr.394, 488.
8 Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.9, tr.26.
14 Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.4, tr.72.
15 Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.13, tr.454.
17, 18 Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa IX, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2003, tr.49, 50.
19, 20 Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t.II, tr.248, 248 - 249.
21 Ban Tôn giáo Chính phủ: Tôn giáo và chính sách tôn giáo ở Việt Nam (sách trắng), Nxb Tôn giáo, Hà Nội, 2023, tr.12
22 Phật giáo, Công giáo, Tin Lành, Hồi giáo (Islam), Đạo Cao Đài, Phật giáo Hòa Hảo, Đảo Bửu Sơn kỳ hương, Phật Giáo Tứ Ân Hiếu Nghĩa, Tịnh độ Cư sĩ Phật hội Việt Nam, Tôn giáo Baha’i, Bà-la-môn giáo, Minh Sư đạo, Minh Lý Đạo, Phật giáo Hiếu nghĩa Tà Lơn, Giáo hội Các Thánh hữu Ngày sau của Chúa Giê-su Ky-tô (Mặc môn), Cơ đốc Phục lâm.