TS ĐẶNG VIẾT ĐẠT
Học viện Chính trị khu vực IV
NGUYỄN THANH BÌNH
Ban Tổ chức Tỉnh ủy Hậu Giang
(TTKHCT) - Xây dựng hệ thống vị trí việc làm gắn với cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước trong điều kiện tiếp tục sắp xếp tổ chức bộ máy hệ thống chính trị Việt Nam. Bài viết phân tích thực trạng và đề xuất giải pháp đẩy mạnh xây dựng hệ thống vị trí việc làm gắn với cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan Đảng, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn tỉnh Hậu Giang hiện nay.
Quang cảnh Hội nghị triển khai xây dựng Đề án vị trí việc làm tỉnh Hậu Giang_Nguồn: Trang thông tin điện tử Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hậu Giang
1. Tầm quan trọng của xây dựng hệ thống vị trí việc làm gắn với cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong cơ quan Đảng, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội
Xây dựng hệ thống vị trí việc làm gắn với cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan Đảng, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội có ý nghĩa quan trọng trong việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị.
Từ Đại hội lần thứ VII (1991) đến nay, Trung ương ban hành nhiều nghị quyết, kết luận về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy trong hệ thống chính trị. Thực hiện các nghị quyết, kết luận này, các cơ quan Đảng, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội được tổ chức, sắp xếp lại theo hướng tinh gọn nhằm tăng cường tính công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình, nâng cao hiệu lực, hiệu quả.
Bên cạnh những kết quả đạt được, Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả đã chỉ rõ một số hạn chế trong sắp xếp tổ chức bộ máy các cơ quan Đảng, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội: “Tổ chức bộ máy, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội chậm đổi mới, một số nhiệm vụ còn trùng lắp, vẫn còn tình trạng “hành chính hóa”, “công chức hóa”. Cơ cấu cán bộ, công chức, viên chức giữa các cấp và trong từng cơ quan chưa hợp lý; năng lực, trình độ của đội ngũ cán bộ chuyên trách cấp cơ sở còn hạn chế”1.
Để tiếp tục cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong bối cảnh hiện nay, xây dựng và hoàn thiện hệ thống vị trí việc làm2 được Đảng và Nhà nước xác định là nhiệm vụ cấp bách. Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21/5/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp xác định: “Khẩn trương xây dựng và hoàn thiện hệ thống vị trí việc làm, coi đây là giải pháp căn bản mang tính tiền đề để thực hiện cải cách tiền lương (...) rà soát bổ sung, hoàn thiện hệ thống văn bản pháp lý về vị trí việc làm và các tiêu chí đánh giá, phân loại cán bộ, công chức, viên chức gắn với từng vị trí việc làm trong khu vực công để làm căn cứ tuyển dụng, sử dụng, đánh giá và trả lương đối với cán bộ, công chức, viên chức”3. Sau đó, Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 17/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng đối với hệ thống chính trị trong giai đoạn mới đã đề ra nhiệm vụ, giải pháp về đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tổ chức, cán bộ: “Thực hiện nghiêm chủ trương của Đảng về công tác quản lý biên chế của hệ thống chính trị, tinh giản biên chế theo vị trí việc làm, có trọng tâm, trọng điểm gắn với nâng cao chất lượng, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Đến năm 2025, cơ bản hoàn thiện xây dựng vị trí việc làm trong từng cơ quan, tổ chức, làm cơ sở để xác định tổng biên chế của hệ thống chính trị giai đoạn 2026 - 2031”4. Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011 - 2020 của Chính phủ đã đề ra nhiều nhiệm vụ phải thực hiện, trong đó nhiệm vụ trọng tâm là: “.... trên cơ sở xác định rõ chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan, đơn vị, xây dựng cơ cấu cán bộ, công chức, viên chức hợp lý gắn với vị trí việc làm”5.
Những quan điểm chỉ đạo của Trung ương cho thấy xây dựng hệ thống vị trí việc làm được coi là giải pháp quan trọng trong thực hiện tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị nói chung, trong cơ quan Đảng, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội nói riêng. Để hướng dẫn việc xây dựng hệ thống vị trí việc làm trong các cơ quan này, ngày 29/3/2024, Ban Tổ chức Trung ương đã ban hành 14 quyết định về danh mục vị trí việc làm công chức, viên chức trong các cơ quan, đơn vị của Đảng, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, với 661 vị trí việc làm (Bảng 1).
Bảng 1: Danh mục vị trí việc làm công chức, viên chức trong các cơ quan Đảng, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội
STT |
Danh mục vị trí việc làm |
Số lượng vị trí việc làm |
1 |
Công chức ngành Kiểm tra Đảng |
39 |
2 |
Công chức ngành Nội chính của Đảng |
45 |
3 |
Công chức ngành Dân vận của Đảng |
37 |
4 |
Công chức ngành Tổ chức xây dựng Đảng |
44 |
5 |
Công chức ngành Tuyên giáo của Đảng |
48 |
6 |
Viên chức cơ quan báo Nhân dân và báo của đảng bộ tỉnh |
77 |
7 |
Công chức Văn phòng cấp ủy |
44 |
8 |
Viên chức của học viện, trường chính trị và Trung tâm chính trị |
89 |
9 |
Công chức Công đoàn Việt Nam |
42 |
10 |
Công chức Hội Nông dân Việt Nam |
39 |
11 |
Công chức Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam |
39 |
12 |
Công chức Mặt trận Tổ quốc Việt Nam |
42 |
13 |
Cán bộ, công chức Hội Cựu chiến binh Việt Nam |
37 |
14 |
Công chức Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh |
39 |
Tổng |
661 |
Nguồn: Tác giả tổng hợp từ Quyết định số 2752-QĐ/BTCTW đến Quyết định số 2765-QĐ/BTCTW ngày 29/3/2024 của Ban Tổ chức Trung ương
Để tăng cường thực hiện Quy định số 70-QĐ/TW ngày 18/7/2022 của Bộ Chính trị về quản lý biên chế của hệ thống chính trị, Ban Tổ chức Trung ương đã ban hành Quyết định số 2555-QĐ/TW về danh mục vị trí việc làm của các ban Đảng, tổ chức chính trị - xã hội từ Trung ương đến cấp huyện, trong đó hướng dẫn các địa phương, cơ quan, đơn vị thuộc khối các cơ quan Đảng, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội triển khai xây dựng, hoàn thiện hệ thống vị trí việc làm. Trong quá trình xây dựng hệ thống vị trí việc làm, các cơ quan cần bảo đảm thực hiện nghiêm các chủ trương, quy định của Đảng về tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.
Như thế, hệ thống vị trí việc làm được coi là phương thức quan trọng trong quản lý nhân sự khu vực công, đây là căn cứ để tuyển dụng, sắp xếp, bố trí sử dụng, đào tạo, bồi dưỡng, đánh giá thành tích, hiệu quả làm việc cũng như để trả lương, thưởng và tôn vinh công chức một cách chính xác, khách quan và công bằng6.
2. Thực trạng xây dựng hệ thống vị trí việc làm gắn với cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong cơ quan Đảng, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn tỉnh Hậu Giang
Thứ nhất, những thành tựu đạt được
Trong thời gian qua, tỉnh Hậu Giang đã quán triệt và thực hiện nghiêm túc các nghị quyết, kết luận của Trung ương, như: Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 17/4/2015 của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập; Kết luận số 28-KL/TW ngày 21/02/2022 của Bộ Chính trị khóa XIII về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; v.v..
Để triển khai xây dựng hệ thống vị trí việc làm, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Hậu Giang lần thứ XIV xác định: “Đẩy mạnh thực hiện chủ trương tinh giản biên chế, hoàn thiện đề án vị trí việc làm và thực hiện việc trả lương theo vị trí việc làm”7; Chương trình số 50-CTr/TU ngày 09/8/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV nhiệm kỳ 2020 - 2025 xác định: “Cơ cấu, sắp xếp lại đội ngũ cán bộ các cấp, các ngành theo vị trí việc làm, khung năng lực, bảo đảm đúng người, đúng việc, giảm số lượng, nâng cao chất lượng, cơ cấu hợp lý”8 và Đề án số 06-ĐA/TU ngày 01/5/2023 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về thí điểm đổi mới tinh giản biên chế gắn với tuyển dụng cán bộ trẻ, ngang tầm nhiệm vụ chỉ rõ: “Cả hệ thống chính trị thống nhất nhận thức và hành động, quyết tâm thực hiện tinh giản biên chế, bảo đảm hoàn thành tốt, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị được giao. Trên cơ sở danh mục vị trí việc làm, cơ cấu công chức, viên chức hợp lý để xác định biên chế phù hợp”9, từ đó đề án xác định nhiệm vụ “Khẩn trương triển khai xây dựng vị trí việc làm và khung năng lực vị trí việc làm của cán bộ trong hệ thống chính trị tỉnh để thực hiện quản lý biên chế, tinh giản biên chế, bố trí cán bộ theo vị trí việc làm”10.
Để đẩy mạnh việc triển khai Công văn số 1910-CV/BTCTW ngày 11/10/2021 hướng dẫn các địa phương, cơ quan, đơn vị thuộc khối các cơ quan Đảng, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội triển khai xây dựng, hoàn thiện vị trí việc làm viên chức, ngày 15/3/2023 Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hậu Giang đã ban hành Quyết định số 1909-QĐ/TU thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng danh mục vị trí việc làm trong cơ quan Đảng, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh và thành viên Tổ giúp việc Ban Chỉ đạo.
Với sự vào cuộc quyết liệt của ban chỉ đạo và các cơ quan chức năng, ngày 05/01/2024, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hậu Giang đã ban hành Đề án số 09-ĐA/TU Quy định tạm thời về vị trí việc làm các cơ quan, đơn vị sự nghiệp của Đảng, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh Hậu Giang, trong đó xác định: “Thông qua việc xây dựng vị trí việc làm là cơ sở quan trọng, căn cứ khoa học để thực hiện có hiệu quả, thực chất công tác đánh giá cán bộ qua sản phẩm công việc, số lượng, chất lượng công việc; là căn cứ để xác định biên chế, chỉ tiêu thi nâng ngạch, thăng hạng, tuyển dụng, bố trí sử dụng, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, đánh giá cán bộ, công chức, viên chức và tinh giản biên chế hàng năm. Qua đó, nâng cao tinh thần tự giác, ý thức trách nhiệm tự đào tạo, hoàn thiện cá nhân trong thực thi công việc, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả hoạt động của cán bộ, cơ quan, đơn vị”11.
Thứ hai, những khó khăn
Bên cạnh mặt thuận lợi, việc triển khai đề án xây dựng vị trí việc làm trong các cơ quan Đảng, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, tỉnh Hậu Giang gặp một số khó khăn sau:
Một là, các quan niệm về hệ thống vị trí việc làm trong Luật của nước ta còn có sự đan xen giữa hệ thống chức nghiệp và hệ thống vị trí việc làm
Mặc dù khái niệm vị trí việc làm đã được đề cập trong Luật Cán bộ, công chức năm 2008 (sửa đổi, bổ sung năm 2019) và Luật Viên chức năm 2010 (sửa đổi, bổ sung năm 2019), nhưng chưa rõ ràng, có sự chồng chéo, đan xem giữa hệ thống chức nghiệp và hệ thống quản lý theo vị trí việc làm. Nội hàm của vị trí việc làm thể hiện ở hai khía cạnh: công việc (làm việc gì) và vị trí (ở chỗ nào), nghĩa là một công việc cụ thể gắn với một vị trí nhất định. Mỗi vị trí công việc được xác định cụ thể tùy thuộc vào đặc điểm, tính chất, phạm vi, đối tượng tác động (quản lý, chuyên môn, nghiệp vụ, phục vụ) của mỗi cơ quan, tổ chức, đơn vị12. Trong khi đó, vị trí việc làm của công chức được quy định là “công việc gắn với chức danh, chức vụ, cơ cấu và ngạch công chức để xác định biên chế và bố trí công chức trong cơ quan, đơn vị” (khoản 3, Điều 7 Luật Cán bộ, công chức); vị trí việc làm của viên chức được quy định là “công việc hoặc nhiệm vụ gắn với chức danh nghề nghiệp hoặc chức vụ quản lý tương ứng, là căn cứ xác định số lượng người làm việc, cơ cấu viên chức để thực hiện việc tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức trong đơn vị sự nghiệp công lập” (khoản 1 Điều 7 Luật Viên chức). Cách định nghĩa về vị trí việc làm theo quy định pháp luật Việt Nam hiện hành mới xác định mối quan hệ giữa vị trí việc làm với chức vụ, cơ cấu ngạch công chức, viên chức mà chưa nêu bật được bản chất của vị trí việc làm. Hơn nữa cách định nghĩa này chưa phản ánh đúng thực chất hệ thống công vụ theo vị trí việc làm, bởi vì: chức danh, chức vụ, ngạch công chức, viên chức là các biểu hiện của mô hình chức nghiệp chứ không phải của mô hình vị trí việc làm; vị trí việc làm không phải chỉ để xác định biên chế và bố trí công chức mà chi phối toàn bộ các khâu của quản lý công chức, từ tuyển dụng đến đánh giá và đãi ngộ công chức13.
Ngoài ra, các quy trình của công tác nhân sự trong khu vực công ở Việt Nam hiện mang nhiều đặc trưng của mô hình chức nghiệp, cho nên việc xây dựng đề án vị trí việc làm, cách thức xác định vị trí việc làm đang gặp nhiều khó khăn. Hiện nay việc xác định vị trí việc làm cho các cơ quan Đảng, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội thường chỉ tập trung vào xác định nhiệm vụ, liệt kê đầu công việc mà chưa đưa ra các chỉ số, chỉ báo đánh giá hiệu suất làm việc. Các đơn vị đang gặp khó khăn đặc biệt trong việc tính toán một cách khoa học về số biên chế dành cho mỗi vị trí việc làm14.
Hai là, bộ công cụ đánh giá cán bộ, công chức, viên chức trong cơ quan của Đảng, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội đã bộc lộ nhiều hạn chế
Bảng mô tả vị trí việc làm bao gồm các thành phần: (1) công việc theo chức năng, nhiệm vụ của tổ chức; (2) sản phẩm của công việc; (3) bộ công cụ đo lường hiệu suất làm công việc; (4) khung năng lực để thực hiện các công việc (gồm: kiến thức, kỹ năng và thái độ đối với công việc) và phân biệt được với khung năng lực của các vị trí việc làm khác; (5) tên gọi cụ thể. Để quản lý cán bộ, công chức, viên chức theo vị trí việc làm đòi hỏi phải có bộ công cụ tốt để đo lường hiệu suất làm việc15. Tuy nhiên, hiện nay bộ công cụ đánh giá cán bộ, công chức, viên chức trong cơ quan của Đảng, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội16 đã bộc lộ nhiều hạn chế, khiến cho việc đo lường hiệu suất làm việc của cán bộ, công chức, viên chức không chính xác.
Với mẫu nghiên cứu là 400 cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan của Đảng, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội của tỉnh Hậu Giang, dữ liệu điều tra được thu thập trong năm 2024 theo sáu nhóm tiêu chí đang được sử dụng trong đánh giá cán bộ, công chức, viên chức: (1) tư tưởng, chính trị; (2) đạo đức, lối sống; (3) tác phong, lề lối làm việc; (4) ý thức tổ chức kỷ luật; (5) cải cách hành chính và ứng dụng công nghệ; (6) kết quả thực hiện nhiệm vụ. Kết quả xử lý dữ liệu điều tra cho thấy, một số cán bộ, công chức, viên chức trong mẫu nghiên cứu (từ 30% - 40%) cho rằng các tiêu chí đang được sử dụng trong đánh giá cán bộ, công chức, viên chức còn chung chung, khó lượng hóa hay kiểm chứng (Biểu đồ 1).
Biểu đồ 1: Tỷ lệ người trả lời cho rằng tiêu chí đang được sử dụng không thể hoặc chỉ lượng hóa, kiểm chứng được một phần kết quả làm việc của cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan của Đảng, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội ở tỉnh Hậu Giang
Nguồn: Tác giả xử lý số liệu điều tra xã hội năm 2024
Bên cạnh đó, một số cán bộ, công chức, viên chức trong mẫu nghiên cứu (gần 40%) cho rằng phiếu đánh giá, chấm điểm, xếp loại chất lượng cán bộ, công chức, viên chức cuối năm chưa giúp cơ quan quản lý đánh giá chính xác năng lực của cán bộ, công chức, viên chức; khó có thể phân loại chính xác cán bộ, công chức, viên chức dựa trên kết quả, hiệu quả thực hiện công việc được giao (Bảng 2).
Bảng 2: Đánh giá của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan của Đảng, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội ở tỉnh Hậu Giang về phiếu đánh giá, chấm điểm, xếp loại chất lượng cán bộ, công chức, viên chức
Phiếu đánh giá, chấm điểm, xếp loại chất lượng cán bộ, công chức, viên chức cuối năm gắn với chức danh nghề nghiệp |
Đánh giá |
||
Chưa đảm bảo |
Đảm bảo một phần |
Đã đảm bảo |
|
Phiếu có giúp đánh giá năng lực làm việc của cán bộ, công chức, viên chức không |
1,3% |
38,0% |
60,8% |
Phiếu có giúp phân loại cán bộ, công chức, viên chức dựa trên kết quả thực hiện công việc được giao |
2,0% |
35,0% |
63,0% |
Các tiêu chí sử dụng trong phiếu có giúp xác định được khối lượng công việc đã hoàn thành trong thời gian đánh giá |
2,5% |
35,0% |
62,5% |
Các tiêu chí sử dụng trong phiếu có giúp xác định được chất lượng công việc |
2,0% |
35,8% |
62,2% |
Các tiêu chí sử dụng trong phiếu có giúp xác định được hiệu suất làm việc |
1,8% |
36,2% |
62,0% |
Nguồn: Tác giả xử lý số liệu điều tra xã hội năm 2024
Trong đánh giá, xếp loại cán bộ, công chức, viên chức, việc sử dụng các tiêu chí đánh giá này khó có thể lượng hóa hay kiểm chứng chính xác năng lực của cán bộ, công chức, viên chức, từ đó dẫn đến tình trạng hình thức trong công tác này.
Đặc trưng cơ bản của quản lý cán bộ, công chức, viên chức theo vị trí việc làm là nhấn mạnh đến hiệu suất làm việc. Giá trị tương đối của một công việc được xác định bằng một số phương pháp đánh giá công việc, đây là cơ sở để xác định mức lương, số lượng biên chế và khung năng lực cho từng vị trí việc làm17. Trong khi đó, bộ công cụ được sử dụng trong đánh giá cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan Đảng, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội hiện nay nhấn mạnh vào con người hơn là hiệu suất làm việc. Vì thế, bộ công cụ này không phù hợp với mô hình quản lý cán bộ, công chức, viên chức theo vị trí việc làm.
3. Giải pháp đẩy mạnh xây dựng hệ thống vị trí việc làm gắn với cơ cấu, sắp xếp lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong cơ quan Đảng, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội ở tỉnh Hậu Giang
Kết luận 127-KL/TW ngày 28/2/2025 của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về triển khai nghiên cứu, đề xuất tiếp tục sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị xác định: “Nghiên cứu định hướng sáp nhập một số đơn vị cấp tỉnh, không tổ chức cấp huyện, sáp nhập một số đơn vị cấp xã; thực hiện mô hình địa phương 2 cấp (tổ chức đảng, chính quyền, đoàn thể) bảo đảm tinh gọn, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả”18. Để triển khai hiệu quả Kết luận 127-KL/TW, các cơ quan Đảng, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội cần tiếp tục kiến nghị với cơ quan chức năng hoàn thiện thể chế về vị trí việc làm; thúc đẩy xây dựng vị trí việc làm gắn với cơ cấu, sắp xếp lại tổ chức bộ máy cho phù hợp với tình hình thực tiễn; khắc phục triệt để tình trạng chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ, chia cắt về địa bàn, lĩnh vực, tránh sáp nhập cơ học nhằm bảo đảm hoạt động thông suốt, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động. Vì thế, tỉnh Hậu Giang cần thực hiện tốt một số giải pháp như sau:
Thứ nhất, tiếp tục phân định rõ vị trí, chức năng nhiệm vụ của các cơ quan Đảng, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội trong hệ thống tổ chức bộ máy chính quyền 2 cấp (cấp tỉnh và cấp cơ sở); xác định rõ vị trí, chức năng, nhiệm vụ của từng tổ chức; mỗi tổ chức phải có chức năng, nhiệm vụ riêng biệt, rõ ràng không bị trùng lặp; phân định rõ quyền hạn và trách nhiệm của từng tổ chức cũng như từng bộ phận trong tổ chức. Điều này giúp hạn chế sự chồng chéo, xung đột trong công việc và đảm bảo rằng mỗi bộ phận chỉ tập trung vào nhiệm vụ của mình.
Thứ hai, trong xây dựng hệ thống vị trí việc làm gắn với cơ cấu, sắp xếp lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức phải tuân thủ các nguyên tắc: một là, tuân thủ các quy định của Đảng, Nhà nước về vị trí việc làm, quản lý, sử dụng biên chế cán bộ, công chức, viên chức; phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của cơ quan, đơn vị; hai là, bảo đảm thống nhất, đồng bộ giữa xác định vị trí việc làm, cơ cấu ngạch công chức, viên chức với sử dụng và quản lý biên chế cán bộ, công chức, viên chức; bảo đảm tính khoa học, khách quan, công khai, minh bạch, dân chủ và phù hợp với thực tiễn; ba là, gắn tinh giản biên chế với việc cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan, đơn vị; không lấy số lượng cán bộ, công chức, viên chức hiện có để xây dựng danh mục vị trí việc làm mà phải căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ được Trung ương quy định và tình hình thực tế công việc của cơ quan, đơn vị, địa phương; bốn là, thống kê số giờ làm việc trong năm của 01 cán bộ, công chức, viên chức có thể bằng, ít hơn hoặc nhiều hơn số giờ chuẩn theo quy định của Bộ Luật Lao động, nhưng tổng số giờ của tất cả cán bộ trong cơ quan không được vượt quá tổng số giờ chuẩn của từng cán bộ nhân với tổng số cán bộ trong cơ quan, đơn vị đó; năm là, tổng số cán bộ, công chức, viên chức theo vị trí việc làm của cơ quan, đơn vị, địa phương không được cao hơn số lượng biên chế của cơ quan, đơn vị, địa phương đó theo lộ trình tinh giản biên chế đến hết năm 2026 (công chức giảm 5%, viên chức giảm 10%).
Thứ ba, tuân thủ các quy trình xây dựng vị trí việc làm, đảm bảo quá trình xây dựng vị trí việc làm trải qua 9 bước: Bước 1: thu thập, thống kê công việc cá nhân, tổ chức, cơ quan; Bước 2: xác định sự chồng chéo hoặc bỏ sót chức năng, nhiệm vụ đã liệt kê; Bước 3: phân nhóm công việc trong từng phòng, ban; Bước 4: thống kê, đánh giá thực trạng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; Bước 5: xác định vị trí việc làm cần tuân thủ bám sát các văn bản hướng dẫn của Trung ương để xác định đúng, đủ vị trí việc làm phù hợp với tình hình thực tiễn trong bối cảnh mới; Bước 6: xác định khung năng lực cho mỗi vị trí việc làm; Bước 7: xây dựng bản mô tả vị trí việc làm; Bước 8: xác định cơ cấu ngạch công chức, chức danh nghề nghiệp viên chức và tính số lượng công chức, viên chức làm việc cho mỗi vị trí việc làm; Bước 9: thẩm định, hoàn thiện bản mô tả vị trí việc làm và tổng hợp danh mục vị trí việc làm, số lượng cán bộ, công chức, viên chức trong cơ quan.
Thứ tư, chú trọng thiết kế bộ công cụ phù hợp để đánh giá hiệu suất làm việc của từng vị trí việc làm. Khi thiết kế bộ công cụ đo lường hiệu suất làm việc, mỗi chỉ số đo lường cần được thiết kế khoa học, phù hợp với mục tiêu và bối cảnh hoạt động của tổ chức, phản ánh văn hóa của tổ chức và tuân thủ các quy định pháp luật về lao động, bình đẳng giới và quyền, nghĩa vụ của người lao động. Trong các cơ quan của Đảng, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, bộ công cụ đánh giá cán bộ, công chức viên chức cần đảm bảo các yêu cầu sau: (1) toàn diện; (2) khách quan; (3) linh hoạt và phù hợp; (4) có khả năng đo lường, lượng hóa; (5) đảm bảo sự phát triển và cải tiến liên tục; (6) đảm bảo tính khoa học và dễ sử dụng; (7) đảm bảo sự công bằng; (8) phản ánh mục tiêu và chiến lược của tổ chức; (9) phù hợp với đặc điểm ngành nghề và tổ chức, tính chất công việc.
Thực hiện đồng bộ các giải pháp trên, tỉnh Hậu Giang sẽ đẩy mạnh xây dựng hệ thống vị trí việc làm gắn với cơ cấu, sắp xếp lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong cơ quan Đảng, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, từ đó tận dụng tối đa tiềm năng địa phương, tạo dựng niềm tin của người dân vào hệ thống chính trị, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội bền vững.
---------
Bài đăng trên Tạp chí Thông tin khoa học chính trị số 1 (43) - 2025
1 Đảng Cộng sản Việt Nam: Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban chấp hành Trung ương khóa XII một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, https://tulieuvankien.dangcongsan.vn/van-kien-tu-lieu-ve-dang/hoi-nghi-bch-trung-uong/khoa-xii/nghi-quyet-so-18-nqtw-ngay-25102017-hoi-nghi-lan-thu-sau-ban-chap-hanh-trung-uong-dang-khoa-xii-mot-so-van-de-ve-tiep-568, truy cập ngày 06/02/2025.
2 Vị trí việc làm bao gồm: danh mục vị trí việc làm, khung năng lực, biên chế, cơ cấu ngạch cán bộ, công chức, chức danh nghề nghiệp viên chức.
3 Đảng Cộng sản Việt Nam: Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21/5/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp, https://xaydungchinhsach.chinhphu.vn/toan-van-nghi-quyet-so-27-ve-cai-cach-chinh-sach-tien-luong-11922102213352934.htm, truy cập ngày 06/02/2025.
4 Đảng Cộng sản Việt Nam: Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 17/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng đối với hệ thống chính trị trong giai đoạn mới, https://xaydungchinhsach.chinhphu.vn/toan-van-nghi-quyet-28-nq-tw-ve-doi-moi-phuong-thuc-lanh-dao-cam-quyen-cua-dang-119221129185358874.htm, truy cập ngày 06/02/2025.
5 Chính phủ: Nghị quyết số 76/NQ-CP ngày 15/7/2021 Ban hành Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021 - 2030, https://chinhphu.vn/default.aspx?pageid=27160&docid=203657, truy cập ngày 06/02/2025.
6, 12, 13 Dương Quang Tung: Một số bất hợp lý trong quy định của pháp luật về vị trí việc làm của công chức nước ta, Tạp chí Quản lý nhà nước, số 2, 2018, tr.42, 43, 44.
7 Đảng bộ tỉnh Hậu Giang: Văn kiện Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Hậu Giang lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020 - 2025, Hậu Giang, 2020, tr.42.
8 Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hậu Giang: Chương trình số 50-CTr/TU ngày 09/8/2021 thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020 - 2025, Hậu Giang, tr.2.
9, 10 Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hậu Giang: Đề án số 06-ĐA/TU ngày 01/5/2023 về thí điểm đổi mới tinh giản biên chế gắn với tuyển dụng cán bộ trẻ, ngang tầm nhiệm vụ, Hậu Giang, tr.12, 15.
11 Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hậu Giang: Đề án số 09-ĐA/TU ngày 05/01/2024 Quy định tạm thời về vị trí việc làm các cơ quan, đơn vị sự nghiệp của Đảng, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh Hậu Giang, Hậu Giang, tr.3.
14 Thái Thị Hồng Minh: Xác định vị trí việc làm và những vấn đề đặt ra ở nước ta hiện nay, https://molisa.gov.vn/baiviet/20751?tintucID=20751, truy cập ngày 4/2/2025.
15 Hiệu suất làm việc (hay còn gọi là năng suất) là mức độ hoàn thành công việc của một cá nhân hoặc một nhóm trong một thời gian nhất định, được đo bằng cách so sánh giữa kết quả đạt được và nguồn lực (thời gian, năng lực, nguồn vật liệu, tiền bạc...) sử dụng để đạt được kết quả đó.
16 Đảng Cộng sản Việt Nam: Quy định 124-QĐ/TW ngày 4/10/2023 của Bộ Chính trị về việc kiểm điểm và đánh giá, xếp loại chất lượng hằng năm đối với tập thể, cá nhân trong hệ thống chính trị; Ban Tổ chức Trung ương: Hướng dẫn số 25-HD/BTCTW ngày 10/11/2023 về kiểm điểm và đánh giá, xếp loại chất lượng hằng năm đối với tập thể, cá nhân trong hệ thống chính trị; Chính phủ: Nghị định số 56/2015/NĐ-CP ngày 09/6/2015 quy định về đánh giá, phân loại cán bộ, công chức, viên chức; Chính phủ: Nghị định số 88/2017/NĐ-CP ngày 27/7/2017 về sửa đổi một số điều của Nghị định số 56/2015/NĐ-CP.
17 Mitsuo Ishida: Microelectronics, Payment Systems and Personnel Management in Japan, National Institute of Informatics,1986, pp.5 - 6.
18 Đảng Cộng sản Việt Nam: Kết luận 127-KL/TW ngày 28/02/2025 của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về triển khai nghiên cứu, đề xuất tiếp tục sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, https://xaydungchinhsach.chinhphu.vn/ket-luan-127-kl-tw-cua-bo-chinh-tri-ban-bi-thu-ve-trien-khai-nghien-cuu-de-xuat-tiep-tuc-sap-xep-to-chuc-bo-may-cua-he-thong-chinh-tri-119250301121550752.htm, ngày 28/02/2025.