PGS, TS TRƯƠNG HỒ HẢI
Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
TS ĐẶNG VIẾT ĐẠT
Học viện Chính trị khu vực IV
(TTKHCT) - Những quan điểm của V.I.Lênin về xây dựng nền hành chính nhà nước dân chủ, tinh gọn, hiệu quả vẫn còn nguyên giá trị đối với Việt Nam hiện nay. Trên cơ sở làm rõ các quan điểm đó, bài viết chỉ ra các nội dung mà Đảng và Nhà nước ta cần tiếp tục vận dụng sáng tạo vào xây dựng nền hành chính Nhà nước Việt Nam hiện nay.
Quang cảnh Phiên họp thứ ba của Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ, ngày 03/02/2023.
(Nguồn: http://cchccantho.gov.vn/)
1. Quan điểm của V.I.Lênin về xây dựng nền hành chính nhà nước dân chủ, tinh gọn, hiệu quả
Trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội hiện thực ở nước Nga – Xô viết, V.I.Lênin đề xuất quan điểm về xây dựng nền hành chính nhà nước xã hội chủ nghĩa dân chủ, tinh gọn, hiệu quả. Quan điểm đó tập trung vào các nội dung quan trọng sau:
Thứ nhất, xây dựng nền hành chính dân chủ
Theo quan điểm các nhà kinh điển chủ nghĩa Mác - Lênin, xét đến cùng, quyền lực nhà nước thực chất là “quyền lực phái sinh bắt nguồn từ quyền lực nhân dân”1. Điều đó khẳng định, quyền lực nhà nước không phải tự nhiên có được mà quyền lực đó phải bắt nguồn từ nhân dân, do nhân dân uỷ quyền cho nhà nước, do vậy, nhà nước sử dụng quyền lực đó trong phạm vi, giới hạn nhất định và trong mối tương quan chặt chẽ với quyền lực của nhân dân. Chính vì thế, V.I.Lênin coi việc lôi cuốn đông đảo nhân dân tham gia quản lý nhà nước là “phương pháp tuyệt diệu để tăng ngay một lúc bộ máy nhà nước của chúng ta lên gấp mười lần”2. Với ý nghĩa đó, xây dựng nhà nước dân chủ nói chung và nền hành chính dân chủ nói riêng, từng người dân phải được hưởng mọi quyền dân chủ. Bằng thiết chế dân chủ, các cơ quan hành chính nhà nước phải có trách nhiệm đảm bảo quyền làm chủ thực sự của nhân dân. Nhân dân là chủ nhân chân chính, tối cao của nhà nước và mọi quyền hành, lực lượng đều xuất phát từ nhân dân; mọi thành quả phát triển kinh tế - xã hội phải phục vụ nhân dân.
Trên tinh thần đó, V.I.Lênin khẳng định: “… với việc phát triển chế độ dân chủ một cách đầy đủ, nghĩa là với việc làm cho toàn thể quần chúng nhân dân tham gia thực sự bình đẳng và thực sự rộng rãi vào mọi công việc quản lý nhà nước”3. Cho nên, nền hành chính nhà nước xã hội chủ nghĩa phải là biểu hiện tập trung của nền dân chủ xã hội chủ nghĩa. V.I.Lênin cho rằng: “Chính quyền mới, với tính cách là chuyên chính của tuyệt đại đa số, đã có thể duy trì và đã được duy trì chỉ là nhờ vào sự tín nhiệm của quần chúng đông đảo, chỉ bằng lôi cuốn một cách tự do nhất, rộng rãi nhất và mạnh mẽ nhất toàn thể quần chúng tham gia chính quyền... Đó là chính quyền công khai đối với mọi người, làm mọi việc trước mặt quần chúng, quần chúng dễ dàng gần gũi nó, nó trực tiếp sinh ra từ quần chúng, là cơ quan trực tiếp đại biểu cho quần chúng nhân dân và cho ý chí của họ”4. Người còn chỉ rõ khả năng tham gia quản lý nhà nước và xã hội của những người lao động bình thường nếu họ được học tập quản lý và trực tiếp tham gia quản lý: “Chính quyền Xô viết là một bộ máy, nhờ bộ máy này quần chúng có thể bắt tay ngay vào việc học tập quản lý nhà nước và tổ chức sản xuất trên quy mô toàn quốc”5.
Thứ hai, từ quan điểm “thà ít mà tốt” của V.I.Lênin đến yêu cầu xây dựng nền hành chính nhà nước tinh giản, gọn nhẹ
V.I.Lênin đã khẳng định: “Không có cuộc đấu tranh triệt để và bền bỉ để cải thiện bộ máy, thì chúng ta sẽ tiêu vong trước khi tạo được cơ sở của chủ nghĩa xã hội”6, việc cải cách bộ máy nhà nước nói chung, mà đặc biệt là bộ máy hành chính nhà nước có ý nghĩa rất quan trọng để phục vụ mục tiêu chính trị. Theo V.I.Lênin, “Cần phải làm việc một cách hết sức thận trọng bằng cách căn cứ vào kinh nghiệm thực tế mà sửa đổi dần dần bộ máy của chúng ta tuỳ theo mức cần thiết”7, trong đó cần phải tập trung vào các nội dung sau:
Một là, bộ máy hành chính nhà nước phải tinh giản, gọn nhẹ. Việc xây dựng bộ máy hành chính nhà nước phải giải quyết được tình trạng cồng kềnh, chồng chéo chức năng nhiệm vụ giữa các cơ quan hành chính, giữa các cấp hành chính. Vì thế trong quá trình lãnh đạo xây dựng nhà nước Nga – Xô viết, V.I.Lênin đã yêu cầu phải xây dựng bộ máy hành chính nhà nước gọn nhẹ, tinh giản, tổ chức khoa học, hoạt động hiệu quả và tiết kiệm theo nguyên tắc “thà ít mà tốt”8, nghĩa là coi trọng chất lượng, không chạy đua theo số lượng. Người cho rằng, cùng với việc giảm thiểu số lượng các cơ quan hành chính, các bộ, “giải tán bớt các uỷ ban” và “bộ máy - các chánh văn phòng không tăng quá mức” thì giảm biên chế là một chủ trương phải được thực hiện một cách nghiêm túc, nếu cơ quan nào vi phạm chủ trương đó thì phải bị xử lý.
Hai là, xây dựng, kiện toàn đội ngũ cán bộ, công chức chuyên nghiệp, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ mới. Theo V.I.Lênin, đội ngũ cán bộ, công chức hành chính phải được bố trí lại và giảm biên chế theo tiêu chuẩn rõ ràng, cụ thể và thực chất: trình độ chuyên môn, trình độ lý luận chính trị, năng lực tổ chức, quản lý và phẩm chất đạo đức. Trên cơ sở đó, các cơ quan hành chính phải thường xuyên sát hạch và đánh giá cán bộ, công chức hành chính, từ đó loại bỏ những cán bộ, công chức hành chính không đáp ứng được tiêu chuẩn ra khỏi bộ máy hành chính. V.I.Lênin đã lấy ví dụ cụ thể việc cải tổ Bộ Dân uỷ thanh tra công nông, theo đó phải giảm số cán bộ, công chức xuống chỉ còn khoảng 300 hay 400 người. Cán bộ, công chức phải có năng lực, bản lĩnh chính trị vững vàng; phải phấn đấu đạt “chất lượng kiểu mẫu thật sự”9.
Cùng với đó, V.I.Lênin rất chú trọng đến việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức về kiến thức, kỹ năng quản lý. Việc đào tạo, bồi dưỡng không chỉ ở trường lớp mà còn ở thực tiễn công tác, cho nên, V.I.Lênin đã đề ra chủ trương luân chuyển cán bộ: “Một số cán bộ phụ trách có thể và phải thôi công tác ở các cơ quan trung ương và phải về các địa phương, nhận chức vụ lãnh đạo các huyện và các tổng, ở đó họ sẽ tổ chức toàn bộ công tác kinh tế một cách gương mẫu; như vậy, họ sẽ giúp ích được nhiều vô cùng và sẽ thực hiện được một sự nghiệp có ý nghĩa toàn quốc trọng yếu nhiều hơn là giữ một chức vụ nào đó ở trung ương”10. Việc thực hiện chủ trương này phải đồng thời gắn liền với công tác quy hoạch cán bộ. Theo đó phải tổ chức việc quy hoạch cán bộ rộng rãi, có kế hoạch, thường xuyên và công khai lựa chọn những cán bộ tốt nhất cho công cuộc xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội.
Thứ ba, xây dựng nền hành chính hiệu quả
Xây dựng nền hành chính hiệu quả phải bắt đầu từ việc thiết kế bộ máy hành chính nhà nước khoa học, phù hợp theo nguyên tắc “tránh sự va chạm giữa các bộ”, các cơ quan hành chính với nhau. Theo V.I.Lênin, Chính phủ cần quy định rõ việc phân định chức năng giữa các cơ quan hành chính. V.I.Lênin chủ trương vừa hợp nhất, vừa kết hợp hoạt động của những cơ quan có cùng chức năng. Bộ máy hành chính các cấp phải được tổ chức trên cơ sở có sự phân công rõ ràng về chức năng, nhiệm vụ nhưng trong hoạt động phải phối hợp chặt chẽ với nhau, vừa đảm bảo tính độc lập nhưng không tách rời nhau trong quá trình hoạt động.
Thể chế hành chính nhà nước phải luôn luôn được đổi mới, bởi vì đây là yếu tố quan trọng nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý. Theo V.I.Lênin, xây dựng thể chế hành chính cần phải tập trung vào những nội dung sau:
(1) Thể chế hành chính phải quy định rõ chế độ tập thể lãnh đạo, đồng thời đề cao chế độ trách nhiệm cá nhân và sự quản lý độc lập: “Nếu chế độ tập thể lãnh đạo là cần thiết trong việc thảo luận các vấn đề cơ bản thì cũng cần có chế độ trách nhiệm cá nhân và cá nhân điều khiển để tránh hiện tượng lề mề và hiện tượng trốn trách nhiệm”11. Cho nên, việc nâng cao trách nhiệm cá nhân và chịu trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan hành chính không chỉ dừng lại ở chủ trương chung chung mà phải được thể chế hoá bằng các quy định pháp luật cụ thể và gắn liền với đó là những biện pháp chế tài nghiêm khắc nếu cá nhân đó vi phạm những quy định về trách nhiệm người đứng đầu. Đặc biệt, theo V.I.Lênin, cần phải tăng cường chỉnh đốn và đơn giản hoá các thủ tục hành chính, đấu tranh chống bệnh quan liêu và bệnh giấy tờ; giảm bớt hội họp và những buổi tiếp kiến không cần thiết, dành thời gian cho việc kiểm tra công tác thực tế.
(2) Tài chính công phải được quản lý chặt chẽ. Trong quá trình lãnh đạo nước Nga – Xô viết xây dựng chủ nghĩa xã hội, V.I.Lênin đã chỉ ra những tồn tại trong lĩnh vực quản lý tài chính công như: sự lãng phí tiền của, ngân sách nhà nước do bộ máy cồng kềnh, trùng lặp; sự chi tiêu tiền của nhà nước theo kiểu “tiền chùa”; nghiêm trọng hơn, đó là sự thất thu thuế và tệ ăn cắp tài sản, tham ô, hối lộ. Trước tình hình đó, V.I.Lênin đã chủ trương cải cách tài chính công theo hướng “Bất kể thế nào, chúng ta phải thực hiện bằng được những cải cách vững chắc về mặt tài chính, nhưng ta nên nhớ rằng nếu chính sách tài chính của chúng ta không thu được thắng lợi thì mọi cải cách triệt để của chúng ta cũng sẽ thất bại”12. Trong đó phải có một chính sách tài chính công thống nhất, được quy định rõ ràng, các quy tắc phải được thực hiện thống nhất từ trung ương xuống địa phương; thay thuế gián thu bằng thuế luỹ tiến đánh vào thu nhập và tài sản và cũng cả bằng một khoản trích thu nhập của các tổ chức độc quyền của nhà nước; thực hiện chính sách tiết kiệm, giảm bớt những món chi tiêu không cần thiết của tất cả các cơ quan nhà nước; khôi phục lại một nền lưu thông tiền tệ lành mạnh trên cơ sở lấy đồng tiền vàng làm bản vị và chỉ được chuyển tiền thông qua hệ thống ngân hàng; bắt và xử bắn bọn hối lộ và bọn bịp bợm, đồng thời thanh lọc các xí nghiệp quốc doanh, kiểm tra việc tham ô ở các xí nghiệp đó một cách nghiêm ngặt.
2. Tiếp tục vận dụng sáng tạo quan điểm của V.I.Lênin về xây dựng nền hành chính nhà nước dân chủ, tinh gọn, hiệu quả vào thực tiễn Việt Nam hiện nay
Thứ nhất, tiếp tục khẳng định giá trị những quan điểm của V.I.Lênin về xây dựng nền hành chính nhà nước dân chủ, tinh gọn, hiệu quả đối với Việt Nam hiện nay
Những quan điểm của V.I.Lênin về xây dựng nền hành chính nhà nước dân chủ, tinh gọn, hiệu quả vẫn còn nguyên giá trị đối với Việt Nam hiện nay, bởi những chỉ dẫn này hoàn toàn phù hợp với xu thế cải cách nền hành chính nhà nước hiện nay trên thế giới, nhất là các nước đang phát triển như Việt Nam, đó là chuyển đổi mô hình hành chính “cai trị, quan liêu” sang mô hình hành chính “dân chủ, phục vụ, kiến tạo phát triển, hiệu quả”. Bên cạnh đó, những chỉ dẫn quý báu này tiếp tục là “kim chỉ nam” để Đảng và Nhà nước ta hoạch định và thực thi các chính sách về cải cách nền hành chính Việt Nam hiện nay.
Thực tế, nền hành chính nhà nước ngày càng dân chủ, tinh gọn, hiệu quả: tính đến ngày 30/6/2023 đã giảm 17 tổng cục và tổ chức tương đương tổng cục, giảm 10 cục, giảm 144 vụ/ban thuộc cơ cấu tổ chức của bộ, ngành và 108 phòng trong vụ; giảm 07 sở và 06 tổ chức hành chính khác thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; giảm 1.941 tổ chức bên trong sở (trong đó giảm 1.632 phòng và 309 chi cục thuộc sở) và giảm 46 tổ chức bên trong tổ chức hành chính khác thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; giảm 585 cơ quan chuyên môn và tương đương thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện. Đối với đơn vị sự nghiệp công lập, đến thời điểm ngày 30/6/2022, đối với bộ, ngành giảm 98 đơn vị, tương ứng giảm 8,6%; đối với địa phương giảm 7.631 đơn vị, tương ứng giảm 14,05%; tính đến năm 2021, biên chế công chức trong các cơ quan, tổ chức hành chính nhà nước đã giảm 10,01%, biên chế viên chức đã giảm 11,67% so với năm 201513; các bộ, ngành đã chủ động tham mưu, trình Chính phủ cắt giảm 3.893/6.191 thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh, danh mục sản phẩm; cắt giảm và đơn giản hóa 6.776/9.926 thủ tục kiểm tra chuyên ngành, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp. Từ đó, rút ngắn được thời gian, tạo sự chủ động trong công tác quản lý, điều hành, tiết kiệm hơn 18 triệu ngày công/năm, tương đương với hơn 6.300 tỷ đồng/năm14; Việt Nam đã có những nỗ lực to lớn trong xây dựng chính quyền điện tử, bảo đảm tính minh bạch trong hoạt động của nhà nước; thông qua triển khai thực hiện mô hình dịch vụ công trực tuyến ở các mức độ cao (cấp độ 3, cấp độ 4), người dân không chỉ được biết về hoạt động của cơ quan nhà nước, mà còn có thể thấy diễn tiến của hoạt động đó, theo dõi được quy trình xử lý thông tin, hồ sơ của mình.
Thứ hai, tiếp tục vận dụng sáng tạo, linh hoạt quan điểm của V.I.Lênin về xây dựng nền hành chính nhà nước tinh gọn, phục vụ, hiệu quả nhằm đẩy mạnh cải cách hành chính nhà nước Việt Nam trong giai đoạn hiện nay
Một là, về mục tiêu xây dựng nền hành chính Việt Nam.
Để đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã xác định mục tiêu “Xây dựng nền hành chính nhà nước phục vụ Nhân dân, dân chủ, pháp quyền, chuyên nghiệp, hiện đại, trong sạch, vững mạnh, công khai, minh bạch”15, trên cơ sở đó, Chính phủ ban hành Nghị quyết 76/NQ-CP về Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021-2030, trong đó xác định rõ “Tiếp tục xây dựng nền hành chính dân chủ, chuyên nghiệp, hiện đại, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, có năng lực kiến tạo phát triển, liêm chính, phục vụ Nhân dân, trên cơ sở những quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng về đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân trong giai đoạn 2021 - 2030”16. Những nội dung này được Đảng ta chỉ đạo trong Nghị quyết số 27-NQ/TW về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa trong giai đoạn mới: “Xây dựng nền hành chính phục vụ Nhân dân, dân chủ, pháp quyền, chuyên nghiệp, hiện đại, khoa học, trong sạch, công khai, minh bạch, hiệu lực, hiệu quả, tạo môi trường thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp”17.
Hai là, về các nội dung xây dựng nền hành chính Việt Nam.
(1) Xây dựng nền hành chính nhà nước dân chủ, pháp quyền, phục vụ nhân dân.
Nền hành chính dân chủ là nền hành chính phục vụ Nhân dân, nghĩa là nền hành chính gần dân, trọng dân, vì dân, đáp ứng yêu cầu thực tiễn, nói đi đôi với làm. Muốn xây dựng được nền hành chính dân chủ thì phải tăng cường công khai, minh bạch; đảm bảo thực hiện trách nhiệm giải trình. Điều này thể hiện rõ quyết tâm của Đảng ta là đoạn tuyệt với tư duy “bao cấp”, “mệnh lệnh hành chính”, “lấy bản thân nhà nước là trung tâm” mà thay vào đó là tư duy “tự chủ, tự chịu trách nhiệm”, “định hướng, hợp tác, phối hợp, phục vụ”, lấy “Nhân dân là trung tâm” trong chiến lược phát triển đất nước và xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.
(2) Xây dựng nền hành chính nhà nước hiện đại, chuyên nghiệp, trong sạch, công khai, minh bạch.
Một nền hành chính nhà nước hiện đại, chuyên nghiệp là: (i) nền hành chính hoạt động theo pháp luật; không tùy tiện; thực hiện đúng và đầy đủ chức năng, nhiệm vụ của mình, vận hành theo nguyên tắc pháp quyền; (ii) nền hành chính đó luôn luôn cải cách, nâng cao chất lượng cung ứng dịch vụ công thông qua việc đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ trong đó chú trọng ứng dụng cộng nghệ quản lý hiện đại, công nghệ thông tin, truyền thông và hướng đến đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số phù hợp với yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; (iii) nền hành chính luôn lấy sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp làm tiêu chí để hoàn thiện tổ chức và hoạt động. Để thực hiện được những yêu cầu này, nền hành chính nhà nước phải thực sự liêm chính và hành động, các cơ quan hành chính nhà nước phải thực sự trong sạch, không “dung dưỡng” cho tham nhũng, lãng phí, quan liêu, hách dịch. Vì thế, tổ chức và hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước phải luôn đảm bảo “trách nhiệm giải trình, tính minh bạch, tính dự đoán được và sự tham gia”18.
(3) Xây dựng nền hành chính nhà nước năng động, có năng lực kiến tạo phát triển, liêm chính, tạo môi trường thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.
Trong bối cảnh toàn cầu hóa, cơ hội và thách thức đan xen nhau, nhiều yếu tố rủi ro luôn tiềm ẩn, để thực hiện tốt chức năng phục vụ, nền hành chính phải luôn năng động, nuôi dưỡng “năng lực đổi mới sáng tạo”, có nghĩa là nền hành chính đó phải có khả năng phán đoán được những xu thế vận động và phát triển của thực tiễn kinh tế - xã hội; sẵn sàng ứng phó với các khủng hoảng có thể xảy ra; luôn đi trước để đáp ứng những nhu cầu của người dân và doanh nghiệp nghĩa là không đợi người dân và doanh nghiệp có yêu cầu đặt ra mới đề ra biện pháp giải quyết, nói cách khác đây phải là nền hành chính thực hiện tốt chức năng kiến tạo phát triển.
Chức năng kiến tạo phát triển của nền hành chính nhà nước Việt Nam thể hiện ở khả năng “kích thích”, “dẫn dắt”, “tạo lập” thể chế phát triển, môi trường (chính trị, pháp lý, văn hoá, xã hội), hạ tầng, nguồn lực,... cho các chủ thể trong xã hội phát huy tối đa năng lực sáng tạo, huy động tối đa và sự dụng hiệu quả nguồn lực; biến các nguồn lực đó thành động lực của sự phát triển. Đây là bước chuyển đổi quan trọng trong tư duy của nền hành chính phục vụ, từ mô hình nhà nước “chèo thuyền” nghĩa là “toàn năng, cai trị” sang mô hình nhà nước “lái thuyền” nghĩa là “làm hoa tiêu, điều hành, kiến tạo, phục vụ”. Ngoài ra, mọi chính sách phải thống nhất giữa “lời nói” và “hành động”, giữa “hứa chủ trương, chính sách” với “triển khai thực hiện”; cán bộ, công chức phải luôn “nói đi đôi với làm”, không hứa xuông, chủ động, quyết liệt, đi đầu trong thực hiện các chính sách công, tận tâm vì Nhân dân, vì sự phồn vinh của xã hội và hưng thịnh của đất nước. Yêu cầu này nhằm hướng đến mục tiêu xây dựng nền hành chính nhà nước phục vụ Nhân dân và xã hội ngày một tốt hơn, ngày một nhiều hơn, khắc phục tính “ì”, “trì trệ”.
Để thực hiện được các yêu cầu quan trọng này, Nhà nước cần phải tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, các cơ chế, chính sách để đảm bảo chủ quyền Nhân dân, phát huy quyền làm chủ của Nhân dân theo cơ chế “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”, từng bước hướng đến xây dựng cơ chế để “dân có quyền quyết một số vấn đề hệ trọng ở cấp cơ sở và cả nước”, đảm bảo Nhân dân là trung tâm, là chủ thể chính trong quy trình chính sách; phát huy vai trò của các chủ thể phi nhà nước trong quản lý phát triển xã hội. Trên cơ sở đó, Chính phủ sắp xếp lại chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan hành chính nhà nước, phân định thẩm quyền, đẩy mạnh xã hội hoá trong cung ứng dịch vụ công, thực hiện một số cơ chế đặc thù trong vận hành nền hành chính công trên cơ sở giải quyết hài hoà mối quan hệ lợi ích giữa nhà nước, thị trường và xã hội, như: cơ chế đối tác công tư (PPP); đầu tư tư - sử dụng công;... qua đó tiết kiệm nguồn lực công, nâng cao hiệu suất sử dụng ngân sách nhà nước.
(4) Xây dựng nền hành chính nhà nước tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả.
(i) Tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về tổ chức chính quyền các cấp, đặc biệt tổ chức bộ máy chính quyền địa phương phù hợp với điều kiện nông thôn, thành thị, biên giới, hải đảo và đặc khu kinh tế; “xây dựng và vận hành các mô hình quản trị chính quyền đô thị theo hướng tinh gọn, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả”19; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền giữa trung ương và địa phương, trong đó phân định rõ ngân sách trung ương, ngân sách địa phương, bảo đảm vai trò chủ đạo của ngân sách trung ương, nâng cao tính chủ động, tự chủ của ngân sách địa phương; gắn đổi mới tổ chức chính quyền địa phương với đổi mới hệ thống chính trị ở địa phương, đặc biệt ở cấp cơ sở; “Sáp nhập hợp lý một số đơn vị hành chính cấp xã, huyện phù hợp với điều kiện, yêu cầu phát triển mới”20.
(ii) Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức vừa “hồng”, vừa “chuyên” theo tinh thần chỉ đạo của Đại hội Đảng lần thứ XIII: “Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, phục vụ Nhân dân và sự phát triển đất nước”21; “Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức với ba trụ cột chính: Tổ chức bộ máy; công vụ, công chức; hành chính điện tử và chuyển đổi số”22; “Có cơ chế lựa chọn, đào tạo, thu hút, trọng dụng nhân tài, khuyến khích, bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám đột phát, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung”23; từ đó tạo động lực cho đội ngũ cán bộ, công chức thực sự sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì dân, vì nước, vì sự phồn vinh của dân tộc. Bên cạnh đó, Nhà nước tăng cường kỷ luật, kỷ cương đi đôi với cải cách tiền lương, chế độ, chính sách, đãi ngộ, tạo môi trường, điều kiện làm việc để thúc đẩy đổi mới sáng tạo, phục vụ phát triển; xây dựng cơ chế sàng lọc, thay thế kịp thời những người không hoàn thành nhiệm vụ, vi phạm pháp luật, kỷ luật, đạo đức công vụ, đạo đức nghề nghiệp, không còn uy tín với Nhân dân.
Nhiệm vụ xây dựng nền hành chính nhà nước ở mỗi quốc gia, trong mỗi giai đoạn cách mạng sẽ khác nhau, vì thế trong quá trình vận dụng những quan điểm trên của V.I. Lênin, Đảng và Nhà nước Việt Nam phải luôn luôn chủ động, sáng tạo, tránh giáo điều, “tầm chương trích cú”, tôn trọng nguyên tắc khách quan và có quan điểm cụ thể để xây dựng thành công nền hành chính nhà nước tinh gọn, phục vụ, hiệu quả phù hợp với yêu cầu phát triển đất nước.
---------
Bài đăng trên Tạp chí Thông tin Khoa học Chính trị số 1 (37) - 2024
(*) Bài viết có sử dụng kết quả nghiên cứu của Đề tài KX.04.12/21-25 “Về mối quan hệ Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ trong giai đoạn mới” do PGS, TS Trương Hồ Hải làm chủ nhiệm.
1 Phạm Hồng Thái: Quyền lực nhân dân và quyền lực nhà nước qua các Hiến pháp, Tạp chí Khoa học Đại học Quốc gia Hà Nội - Luật học, số 25, 2009, tr.4.
2 V.I.Lênin: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2005, t.34, tr.412.
3 V.I.Lênin: Toàn tập, Sđd, t.30, tr.93.
4 V.I.Lênin: Toàn tập, Sđd, t.12, tr.378.
5, 12 V.I.Lênin: Toàn tập, Sđd, t.36, tr.67, 434.
6, 10 V.I.Lênin: Toàn tập, Sđd, t.43, tr.457, 284.
7 V.I.Lênin: Toàn tập, Sđd, t.42, tr.190.
8, 9 V.I.Lênin: Toàn tập, Sđd, t.45, tr.445, 446.
11 V.I.Lênin: Toàn tập, Sđd, t.39, tr.486.
13 Vũ Hải Nam, Vũ Thế Phước: Xây dựng tổ chức bộ máy nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, https://tcnn.vn/news/detail/62470/Xay-dung-to-chuc-bo-may-nha-nuoc-tinh-gon-hoat-dong-hieu-luc-hieu-qua, cập nhật 04/12/2023.
14 Chính phủ: Báo cáo về tổng thể chương trình cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2020 và định hướng giai đoạn 2021-2030 (số 128/BC-CP ngày 19/4/2021), Hà Nội, 2021.
15, 19&21, 20, 23 Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thức XIII, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t.I, tr.176, 178, 128, 179.
16 Chính phủ: Nghị quyết về Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021-2030 (số 76/NQ-CP ngày 15/7/2021), Hà Nội, 2021, tr.2.
17, 22 Đảng Cộng sản Việt Nam: Nghị quyết Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới (số 27-NQ/TW ngày 9/11/2022), Hà Nội, tr.10.
18 S.Chiavo - Campo và P.S.A.Sundaram: Phục vụ và duy trì: Cải thiện hành chính công trong một thế giới cạnh tranh, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2003, tr.12.