ThS VŨ THỊ BÍCH
Học viện Chính trị khu vực IV
(TTKHCT) - Trong những năm qua, thực hiện sự chỉ đạo của Trung ương, thành phố Cần Thơ đã phát huy tiềm năng, lợi thế thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đã đạt được, sự phát triển của thành phố cũng gặp không ít những khó khăn và thách thức. Trên cơ sở phân tích những kết quả đã đạt được của thành phố thời gian qua, bài viết đề xuất một số giải pháp tiếp tục góp phần xây dựng Cần Thơ trở thành trung tâm vùng đồng bằng sông Cửu Long trong thời gian tới.
(Nguồn: xaydungchinhsach.chinhphu.vn)
Xây dựng thành phố Cần Thơ trở thành trung tâm phát triển vùng đồng bằng sông Cửu Long có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong giai đoạn hiện nay. Tuy nhiên, thực tế thời gian quan qua đang đặt ra cho thành phố nhiều vấn đề cần giải quyết.
1. Quan điểm, chủ trương của Đảng và Nhà nước về xây dựng thành phố Cần Thơ trở thành trung tâm phát triển vùng đồng bằng sông Cửu Long
Ngày 20/01/2003, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 21-NQ/TW về phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2001 – 2010, theo đó Nghị quyết đã xác định: xây dựng thành phố Cần Thơ trở thành trung tâm kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật của vùng,...; sau gần 10 năm thực hiện Nghị quyết 21-NQ/TW, ngày 14/8/2012 Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 28-KL/TW về phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm an ninh, quốc phòng vùng đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2011-2020, theo đó, xác định: thành phố Cần Thơ có vai trò quan trọng, với trọng trách là một cực phát triển, đóng vai trò động lực thúc đẩy sự phát triển của toàn vùng.
Riêng đối với Cần Thơ, ngày 17/02/2005 Bộ Chính trị khóa IX ban hành Nghị quyết số 45-NQ/TW về xây dựng và phát triển thành phố Cần Thơ trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Trong đó, Nghị quyết đã nêu ra 06 phương hướng, nhiệm vụ phát triển thành phố Cần Thơ đến năm 2020. Trên cơ sở 15 năm thực hiện Nghị quyết số 45-NQ/TW, thành phố Cần Thơ đã đạt được những thành tựu quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh. Đời sống của nhân dân ngày càng được cải thiện… Những thành tựu trên đã từng bước khẳng định vai trò trung tâm vùng của thành phố. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đã đạt được, một số hạn chế, bất cập vẫn còn tồn tại. Cụ thể: phát triển kinh tế chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế; các vấn đề như công nghiệp, dịch vụ chưa có sự đột phá, nông nghiệp chưa phát huy hết tiềm năng, lợi thế… Nhằm thúc đẩy sự phát triển của thành phố Cần Thơ trong giai đoạn mới, ngày 05/8/2020, Bộ Chính trị khóa XII đã ban hành Nghị quyết số 59-NQ/TW về xây dựng và phát triển thành phố Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Nghị quyết đã xác định mục tiêu đến năm 2030 “Cần Thơ trở thành thành phố sinh thái, văn minh, hiện đại (…) là trung tâm của vùng về thương mại, du lịch, logistics, công nghiệp chế biến, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, giáo dục và đào tạo, y tế chuyên sâu, khoa học công nghệ, văn hóa, thể thao; là đô thị hạt nhân vùng đồng bằng sông Cửu Long”1.
Để thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 59-NQ/TW, ngày 30/8/2021, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 98/NQ-CP Ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 59-NQ/TW ngày 05/8/2020 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Cùng với đó nhằm tạo những cơ chế, chính sách đặc thù cho sự phát triển của Cần Thơ, ngày 11/01/2022, Quốc hội khóa XV đã ban hành Nghị quyết số 45/2022/QH về thí điểm một số cơ chế chính sách đặc thù phát triển thành phố Cần Thơ.
Ngày 02/4/2022, Bộ Chính trị khóa XIII ban hành Nghị quyết số 13-NQ/TW về phương hướng phát triển kinh tế xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Nghị quyết số 13-NQ/TW đã nêu 05 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, trong đó cũng xác định “xây dựng thành phố Cần Thơ thành trung tâm phát triển vùng có dịch vụ thương mại, y tế, giáo dục – đào tạo, khoa học – công nghệ, văn hóa, du lịch, công nghiệp chế biến hiện đại”2.
Thực hiện sự chỉ đạo của Trung ương, thành phố Cần Thơ đã cụ thể hóa bằng các chương trình với những nhóm nhiệm vụ, giải pháp cụ thể ở mỗi giai đoạn phù hợp với các quan điểm chỉ đạo trong các nghị quyết của cấp trên và sát thực với tình hình của thành phố. Nhờ đó, những thành tựu quan trọng bước đầu thành phố đã đạt được trên tất cả các mặt phần nào khẳng định vai trò là trung tâm, động lực phát triển của vùng đồng bằng sông Cửu Long.
2. Thực trạng xây dựng thành phố Cần Thơ - trung tâm vùng đồng bằng sông Cửu Long thời gian qua
(Nguồn: xaydungchinhsach.chinhphu.vn)
Về kết quả đạt được
Trong bối cảnh quốc tế và trong nước có nhiều yếu tố thuận lợi và thách thức đan xen, để đảm bảo duy trì tốc độ tăng trưởng và tái cơ cấu nền kinh tế, Thành phố đã tập trung khai thác, phát huy tối đa các tiềm năng, lợi thế phát triển, vì vậy tốc độ tăng trưởng kinh tế của Thành phố luôn duy trì mức khá. Quy mô kinh tế tiếp tục được mở rộng, đóng góp bước đầu vào sự phát triển chung của Vùng đồng bằng sông Cửu Long và cả nước. Năm 2022, tăng trưởng kinh tế (GRDP) ước đạt 12,64%, tỷ lệ này cao hơn so với mục tiêu đề ra (mục tiêu 7,5%). GRDP bình quân đầu người đạt 85,99 triệu đồng, tăng 17,22% so với năm 20213.
Thành phố Cần Thơ bước đầu đã phát huy tốt vai trò là trung tâm tài chính - ngân hàng, trung tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao của vùng với nhiều hệ thống ngân hàng, trường đại học lớn của vùng tập trung nơi đây. Nhiều công trình hạ tầng kinh tế - xã hội quan trọng được đầu tư hoàn thành và đưa vào sử dụng, kết nối lan tỏa, tạo động lực mới cho phát triển như: cầu Cần Thơ, cảng Cái Cui, cảng Hàng không quốc tế Cần Thơ; đường Võ Văn Kiệt; quốc lộ Nam Sông Hậu; Trung tâm Nhiệt điện Ô Môn, Bệnh viện Đa khoa Trung ương, Bệnh viện Đa khoa thành phố,... các siêu thị, trung tâm thương mại ra đời ngày càng nhiều; nhiều công trình trường học, bệnh viện, trung tâm văn hóa, thể thao được nâng cấp và đầu tư mới..., góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội và sự liên kết các địa phương trong vùng. Vai trò là cửa ngõ của cả vùng hạ lưu sông Mê kông, đầu mối quan trọng về giao thông vận tải nội vùng và liên vận quốc tế của Thành phố ngày càng được khẳng định rõ nét.
Giá trị sản xuất công nghiệp của thành phố liên tục có sự gia tăng. Năm 2002 đạt 4.776,5 tỷ đồng, đến năm 2010 đạt 19.372 tỷ đồng, năm 2011 (giá so sánh) đạt 59.423 tỷ đồng, năm 2015 đạt 77.817 tỷ đồng; giai đoạn 2016 - 2020: Chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp (IIP) duy trì mức tăng bình quân 7,25%/năm, tuy nhiên năm 2020, chỉ số công nghiệp giảm 3,18% do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-194. Bước sang năm 2022, sản xuất công nghiệp của thành phố có bước phục hồi khá tốt, tăng 26,84% so với năm 20215. Ngày 09/9/2023, VSIP Group chính thức khởi động dự án VSIP Cần Thơ tại xã Vĩnh Trinh, huyện Vĩnh Thạnh. Đây là khu công nghiệp Việt Nam - Singapore (VSIP) thứ 13 trong cả nước và là dự án đầu tiên tại đồng bằng sông Cửu Long với tổng mức kinh phí hơn 3,7 nghìn tỷ đồng6. Hợp tác được kỳ vọng sẽ thúc đẩy chuỗi cung ứng, nâng tầm vị thế thành phố Cần Thơ trở thành trung tâm chế biến và phân phối thực phẩm lớn của miền Nam.
Với vai trò là Chủ tịch Hội đồng vùng kinh tế trọng điểm đồng bằng sông Cửu Long nhiệm kỳ 2015-2016, thành phố Cần Thơ đã chủ động đề xuất kế hoạch liên kết phối hợp toàn vùng kinh tế trọng điểm đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2016 - 2020, khắc phục hạn chế chưa có quy chế phối hợp, kế hoạch liên kết hợp tác chung. Qua đó, bước đầu tạo được sự đồng thuận trong việc xác định vai trò của từng thành viên, nội dung hợp tác và đề xuất cơ chế chính sách hỗ trợ chung. Việc triển khai một số nội dung “mềm” như rà soát quy hoạch tổng thể, các quy hoạch ngành, lĩnh vực; ban hành hệ thống cơ sở dữ liệu thông tin vùng kinh tế trọng điểm đồng bằng sông Cửu Long được các địa phương quan tâm thực hiện.
Trong bối cảnh biến đổi khí hậu thành phố Cần Thơ đã chủ động tăng cường dự báo, cảnh báo, chủ động phòng, tránh và giảm nhẹ thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu. Hiện nay, Cần Thơ đã phối hợp với Tổ chức quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên tại Việt Nam (WWF - Việt Nam) xây dựng báo cáo dữ liệu khí hậu của thành phố; đồng thời, được mời tham gia Chiến dịch We Love City nhằm kêu gọi sự hưởng ứng của người dân cho sứ mệnh xây dựng một tương lai xanh và bền vững cho vùng đồng bằng sông Cửu Long thời gian tới.
Những thách thức, khó khăn
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, hiện nay còn không ít khó khăn, thách thức trong khẳng định vai trò trung tâm phát triển vùng của thành phố Cần Thơ.
Một là, thành phố Cần Thơ chưa thể hiện hết vai trò là thành phố trung tâm, động lực kinh tế Vùng
Với vai trò là một cực phát triển, động lực thúc đẩy sự phát triển của toàn vùng, song vẫn còn một số ngành/lĩnh vực tụt hậu so với một số tỉnh (sản xuất công nghiệp, xuất - nhập khẩu, phát triển đô thị, thu hút đầu tư…). Dịch vụ logistics tuy có nhiều tiềm năng nhưng phát triển còn yếu, quy mô nhỏ lẻ, thiếu đồng bộ. Chất lượng tăng trưởng chưa cao, thiếu ổn định và bền vững; việc chuyển đổi mô hình tăng trưởng chuyển biến chậm so với 04 thành phố trực thuộc Trung ương và một số tỉnh trong vùng; hàm lượng công nghệ cao trong sản phẩm hàng hóa, dịch vụ chưa nhiều.
Hai là, chất lượng công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch thành phố còn nhiều hạn chế
Quy hoạch phát triển đô thị của thành phố còn thiếu tầm chiến lược; kiến trúc đô thị thiếu tính đặc trưng, chưa rõ bản sắc của thành phố trung tâm vùng. Một số điểm nghẽn về đô thị chưa giải quyết được như: Ùn tắc giao thông cục bộ; tình trạng ngập diện rộng vào mùa triều cường; sạt lún đô thị; tình trạng ô nhiễm ở một số địa bàn vẫn còn nghiêm trọng; tình trạng xây dựng không phép, trái phép làm mất mỹ quan đô thị chưa xử lý hết.
Ba là, môi trường đầu tư, thông tin kinh tế - xã hội, hợp tác liên kết vùng chưa thật sự hiệu quả
Việc thực hiện các dự án, công trình mang tính chất vùng, quốc gia còn nhiều khó khăn, vướng mắc, đặc biệt là thiếu vốn đầu tư, thiếu tầm chiến lược. Cơ chế phối hợp, hợp tác, liên kết chưa đủ mạnh, chưa hiệu quả, một số trường hợp còn cục bộ địa phương, nên nhiều dự án hạ tầng kết nối, mang tầm quốc gia về giao thông, logistics, khơi thông, nạo vét luồng vận tải đường thủy, đường biển, đòi hỏi phải có sự hợp tác, liên kết giữa nhiều địa phương, sự hỗ trợ của Trung ương và nguồn vốn của nước ngoài để thực hiện, trong khi nguồn thu hạn hẹp, nguồn vốn đầu tư của địa phương rất thấp nên chưa thực hiện được. Việc thu hút đầu tư nước ngoài chưa nhiều khởi sắc.
Bốn là, nguồn nhân lực chất lượng cao còn hạn chế
Hiện nay, thành phố đang thiếu đội ngũ cán bộ có tầm nhìn chiến lược trong chỉ đạo, điều hành. Nguồn lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật, tay nghề chưa đáp ứng yêu cầu thị trường lao động trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0. Việc này cũng ảnh hưởng rất lớn đến quá trình hiện thực hóa vai trò trung tâm phát triển vùng của thành phố trong giai đoạn hiện nay.
Những thách thức, khó khăn trên xuất phát từ những nguyên nhân chủ yếu sau: (1) Tác động của cuộc khủng hoảng tài chính, xung đột thương mại và suy thoái kinh tế toàn cầu, những thách thức khi đất nước hội nhập quốc tế đã ảnh hưởng đến sự phát triển của thành phố; (2) Nguồn đầu tư của Trung ương, vốn ODA cho Cần Thơ còn hạn chế, chưa tương xứng với vị trí, vai trò của thành phố; (3) Cơ chế đặc thù về đầu tư, tài chính, ngân sách và phân cấp quản lý đối với thành phố tuy đã được Chính phủ ban hành, nhưng do chịu ảnh hưởng bởi Luật Ngân sách nên mức độ đặc thù, ưu đãi để thành phố Cần Thơ có thêm nguồn đầu tư còn hạn chế, chưa đủ mạnh, chưa tạo được động lực lớn, đủ sức bật để Cần Thơ tăng tốc phát triển; (4) Thành phố chưa tận dụng, khai thác đúng mức tiềm năng, nội lực của địa phương, hợp tác, liên kết vùng, nhất là khai thác, sử dụng hiệu quả quỹ đất, tài sản công theo quy định để tạo vốn đầu tư phát triển; việc thực hiện xã hội hóa một số lĩnh vực còn ít và nguồn lực thu hút vốn FDI còn rất hạn chế; (5) Cơ quan quản lý nhà nước các cấp của thành phố chưa thể hiện tốt vai trò tham mưu, thiếu tính chủ động, chưa đề ra được chính sách hiệu quả cho sự phát triển của thành phố; chất lượng một bộ phận cán bộ, công chức chưa đáp ứng yêu cầu trong giai đoạn hiện nay.
3. Đề xuất một số giải pháp tiếp tục thúc đẩy xây dựng thành phố Cần Thơ trở thành trung tâm vùng đồng bằng sông Cửu Long thời gian tới
Thứ nhất, tăng cường đổi mới mô hình tăng trưởng, đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế theo hướng tăng cường ứng dụng khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, phát triển kinh tế số, xã hội số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn; chú trọng phát triển các ngành, lĩnh vực mũi nhọn, những sản phẩm có lợi thế so sánh, sức cạnh tranh, giá trị gia tăng cao, có thị trường tiêu thụ.
Tập trung phát triển du lịch thành phố trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, trung tâm trung chuyển của vùng. Nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch, xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù, sản phẩm du lịch mới tạo sức lan tỏa với các địa phương trong vùng.
Phát triển ngành nông nghiệp theo hướng nông nghiệp chất lượng cao trong sản xuất và bảo quản sau thu hoạch, thích ứng với biến đổi khí hậu, gắn với du lịch an toàn, đô thị và thị trường tiêu thụ; gắn kết chặt chẽ giữa phát triển nông nghiệp với xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu, theo hướng văn minh, hiện đại.
Đẩy nhanh tích hợp công nghệ và tự động hóa trong sản xuất công nghiệp, tạo ra các quy trình sản xuất công nghiệp thông minh; phát triển công nghiệp xanh..., nâng cao hiệu quả về năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh trên thị trường. Tiếp tục hoàn thiện hạ tầng các khu, cụm công nghiệp; khai thác và vận hành hiệu quả Vườn ươm công nghệ công nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc; thu hút đầu tư khu công nghiệp hữu nghị Việt Nam - Nhật Bản; tích cực thúc đẩy, triển khai dự án VSIP Cần Thơ.
Thứ hai, tiếp tục thu hút đầu tư xây dựng các trung tâm logistics hiện đại, ứng dụng công nghệ cao, đặc biệt là trung tâm logistics phục vụ nhóm hàng nông - thủy sản. Xây dựng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp đóng vai trò kết nối cho phát triển công nghiệp – nông nghiệp – dịch vụ của toàn vùng. Hoàn chỉnh cơ sở hạ tầng thông tin và truyền thông phủ khắp thành phố với công nghệ hiện đại, đảm bảo an toàn, an ninh thông tin, đảm bảo kết nối với các tỉnh, thành phố trong vùng và cả nước. Thúc đẩy phát triển hạ tầng bưu chính theo hướng là hạ tầng chuyển phát và hạ tầng logistics để phục vụ cho phát triển thương mại điện tử trong vùng.
Thứ ba, tập trung thực hiện các thủ tục để sớm thành lập và đưa vào vận hành Trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng đồng bằng sông Cửu Long tại thành phố Cần Thơ, nhằm thiết lập chuỗi cung ứng, tạo điều kiện để hàng hóa nông sản được thông suốt trong tất cả các khâu từ thu hoạch - chế biến - bảo quản - vận chuyển - phân phối - xuất khẩu, tạo động lực mới cho vùng.
Thứ tư, tăng cường liên kết với các tỉnh, thành phố trong vùng, tập trung nguồn lực vào các công trình, đề án, chương trình đột phá, cơ bản giải quyết ùn tắc giao thông, chống ngập, ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu. Chủ động phối hợp với các Bộ, ngành Trung ương, các tỉnh thành trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh, tiếp tục thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 120/NQ-CP của Chính phủ về phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu tại thành phố Cần Thơ. Tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu.
Thứ năm, kết hợp phát triển kinh tế với phát triển văn hóa, xã hội, giảm nghèo bền vững, tạo việc làm. Thực hiện hiệu quả các chính sách trợ giúp thường xuyên và đột xuất đối với các đối tượng yếu thế trong xã hội; tiếp tục triển khai thực hiện các chương trình về nhà ở, phát triển nhà ở xã hội. Tăng cường chăm sóc sức khỏe nhân dân với hệ thống y tế chất lượng, tiếp cận được dịch vụ kỹ thuật cao, quan tâm đầu tư hệ thống y tế cơ sở, y tế dự phòng. Huy động mọi nguồn lực đẩy nhanh phát triển kinh tế - xã hội vùng có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống; Tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân tuân thủ các quy định của Nhà nước trong sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo; tạo điều kiện phát huy các giá trị tích cực, nhân văn của các tôn giáo
Thứ sáu, thực hiện tốt công tác quy hoạch phát triển Thành phố gắn chặt với quy hoạch thế trận quân sự khu vực phòng thủ, xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh. Tiếp tục củng cố tiềm lực quốc phòng, an ninh; xây dựng lực lượng vũ trang Thành phố ngày càng lớn mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại; chủ động đảm bảo tài chính, phương tiện, công tác hạ tầng, kỹ thuật, đáp ứng kịp thời yêu cầu bảo đảm quốc phòng - an ninh, trật tự an toàn xã hội và công tác phòng, chống tham nhũng trong tình hình mới.
Thứ bảy, tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cán bộ cấp chiến lược có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, dám nghĩ, dám làm đáp ứng yêu cầu sự phát triển của thành phố trong giai đoạn hiện nay.
Thứ tám, tạo sự thống nhất cao trong nhận thức và hành động ở tất cả các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân của thành phố nói riêng và cả vùng nói chung về vị trí, vai trò trung tâm của thành phố đối với sự phát triển vùng đồng bằng sông Cửu Long. Từ đó, góp phần đổi mới tư duy, tầm nhìn, tạo sự đồng thuận, chung sức trong việc xây dựng và phát triển Thành phố xứng tầm vị trí trung tâm của vùng.
Thứ chín, Chính phủ cần tiếp tục điều chỉnh cơ chế đặc thù, tháo gỡ những vướng mắc do Luật Ngân sách quy định để thành phố Cần Thơ thu hút thêm nguồn lực đầu tư tạo sức tăng tốc phát triển.
---------
Bài đăng trên Tạp chí Thông tin Khoa học chính trị số 5 (35) - 2023
1 Đảng Cộng sản Việt Nam: Nghị quyết của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (số 59-NQ/TW ngày 05/8/2020), Hà Nội, 2020, tr.4.
2 Đảng Cộng sản Việt Nam: Nghị quyết của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (số 13-NQ/TW ngày 02/4/2022), Hà Nội, 2022, tr.6.
3&5 Ban Tuyên giáo Thành ủy Cần Thơ: Thành phố Cần Thơ thực hiện đạt và vượt 19/19 chỉ tiêu Nghị quyết năm 2022, Cần Thơ, Bản tin số 01/2023, tr.34.
4 Thành ủy Cần Thơ: Báo cáo số 115-BC/TU tổng kết thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 20/01/2003 của Bộ Chính trị khóa IX về phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2001 - 2010; Kết luận số 28-KL/TW ngày 14/8/2012 của Bộ Chính trị khóa XI về phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm an ninh, quốc phòng vùng đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2011-2020, Cần Thơ, 9/2021, tr. 5.
6 Xem: Thành ủy Cần Thơ: Báo cáo số 285-BC/BCSĐ một số kết quả triển khai thực hiện Nghị quyết 59-NQ/TW của Bộ Chính trị , Nghị quyết số 45/2022/QH15 của Quốc hội, Nghị quyết số 98/NQ-CP của Chính phủ và các công trình trọng điểm, tr.31.