TS HOÀNG THỊ QUYÊN
Học viện Chính trị khu vực IV


(TTKHCT) - Bài viết tập trung phân tích xu hướng thế tục hóa của các tôn giáo nội sinh khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) Việt Nam mà tiêu biểu là đạo Cao đài và Phật giáo Hòa Hảo. Những thay đổi theo xu hướng thế tục hóa trong bài viết được mô tả chủ yếu ở cấp độ cá nhân: sự thay đổi trong thực hành, niềm tin và mối quan hệ, giá trị mà con người hướng đến khi có niềm tin và thực hành nghi lễ tôn giáo. Kết quả nghiên cứu cho thấy quá trình phát triển kinh tế - xã hội, trong bối cảnh mới đã làm thay đổi đời sống tôn giáo của các tín đồ theo đạo Cao đài và Phật giáo Hòa Hảo vùng ĐBSCL theo xu hướng thế tục hóa trong các tôn giáo nội sinh vùng ĐBSCL là sản phẩm của sự tương tác giữa các đặc trưng xã hội của cá nhân với các đặc trưng của gia đình, cộng đồng và bối cảnh kinh tế - xã hội nơi các tín đồ đang sinh sống.

chua bao gio cac ton giao o viet nam co dieu kien hoat dong thuan loi nhu hien nay hinh anh 1

Tín đồ đạo Cao Đài thực hành nghi lễ tại Tòa thánh Tây Ninh (Nguồn: vov.vn)

Cấu trúc kinh tế, văn hóa, chính trị, xã hội, các tôn giáo trên khắp thế giới cũng đang trải qua quá trình chuyển đổi. Trong rất nhiều xu hướng chuyển đổi thì thế tục hóa luôn được mô tả như một “xu hướng không thể đảo ngược” của các tôn giáo trên quy mô toàn cầu. Hầu hết các học giả nghiên cứu về xu hướng này đều tin tưởng chắc chắn rằng tôn giáo sẽ ngày càng thu hẹp phạm vi ảnh hưởng của mình từ một lĩnh vực bao trùm mọi mặt, mọi khía cạnh của đời sống xã hội trở thành một lĩnh vực chuyên biệt đứng bên cạnh kinh tế, văn hóa, chính trị và xã hội. Trong suốt nhiều thập kỷ qua, mô hình thế tục hóa được các nhà nghiên cứu khoa học xã hội về tôn giáo quan tâm. Đã có nhiều mô hình lý thuyết và thực nghiệm mô tả về quá trình này nhưng đến nay chưa có nhiều các công trình nghiên cứu một cách tường minh về sự chuyển đổi trong đời sống của các tôn giáo nội sinh khu vực ĐBSCL.

Để có cái nhìn khách quan về thực tế đời sống tôn giáo của cộng đồng người sinh sống tại ĐBSCL, trong khuôn khổ khái quát nội dung đề tài “Xu hướng thế tục hóa trong các tôn giáo nội sinh vùng đồng bằng sông Cửu Long” với mẫu nghiên cứu là 212 tín đồ Phật giáo Hòa Hảo và đạo Cao đài do tác giả thực hiện năm 2021 và sử dụng kết quả của Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2009, 2019 để minh chứng, lý giải chủ đề nêu trên.

1. Đạo Cao đài và Phật giáo Hòa Hảo ở đồng bằng sông Cửu Long

ĐBSCL là vùng đồng bằng châu thổ rộng lớn,nơi có ba con sông Tiền Giang, Hậu Giang và Vàm Nao mang phù sa bồi đắp ruộng đồng, nơi có dãy Thất Sơn nhô lên sừng sững giữa vùng đồng bằng ngập nước. Là vùng đất địa linh, từ cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, ở ĐBSCL đã có sự xuất hiện của nhiều tôn giáo nội sinh như: Cao đài, Phật giáo Hòa Hảo, Tịnh Độ Cư Sỹ Phật Hội, Tứ Ân Hiếu Nghĩa, Bửu Sơn Kỳ Hương, Giáo hội Phật Đường Nam Tôn Minh Sư Đạo, Hội Thánh Minh Lý Đạo Tam Tông Miếu, Phật Giáo Hiếu Nghĩa Tà Lơn. Hiện nay, theo số liệu của Tổng Điều tra dân số và nhà ở năm 2019, tổng số người tự nhận mình theo các tôn giáo nội sinh ở ĐBSCL là 1.140.392/1.575.463, chiếm 72% tổng số người theo các tôn giáo nội sinh của cả nước. (Xem số liệu Bảng 1).

Bảng 1: Số lượng người theo các tôn giáo nội sinh khu vực đồng bằng sông Cửu Long năm 2019

Riêng đối với đạo Cao đài và Phật giáo Hòa Hảo phát triển đông nhất tại 19 tỉnh phía Nam, trong đó tập trung ở một số tỉnh thuộc Đông Nam Bộ như: Tây Ninh, Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh thành thuộc khu vực ĐBSCL như: An Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Cần Thơ. Riêng ở miền Bắc và Miền Trung thì đạo Cao đài và Phật giáo Hòa Hảo phát triển hạn chế. (Xem số liệu biểu đồ 1)

Theo số liệu biểu đồ 1, nhiều năm qua sự phân bố của đạo Cao đài và Phật giáo Hòa Hảo không có sự thay đổi lớn. ĐBSCL và Đông Nam Bộ vẫn là địa bàn phát triển chủ yếu của hai tôn giáo này. Tuy nhiên, so với năm 2009, tỷ lệ người theo đạo Cao đài và Phật giáo Hòa Hảo ở ĐBSCL năm 2019 đã có sự sụt giảm. Kết quả Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 có 164.534 người đạo Cao Đài, chiếm 29.6 % và 941.462 người đạo Phật giáo Hòa Hảo, chiếm 98.1%. Như vậy, tỷ lệ người theo đạo Cao đài và Phật giáo Hòa Hảo của ĐBSCL năm 2019 so với cả nước đã giảm 3.77 điểm phầm trăm.

Biểu đồ 1: Phân bố của đạo Cao Đài và Phật giáo Hòa Hòa theo các vùng kinh tế -xã hội giai đoạn 2009-2019

Nguồn: Tác giả tính toán từ nguồn dữ liệu của Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2009-2019

Tính riêng trên địa bàn các tỉnh ĐBSCL đạo Cao đài và Phật giáo Hòa Hảo phát triển mạnh nhất ở một số tỉnh như: Vĩnh Long, Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang, Cần Thơ (Xem số liệu Biểu đồ 2)

Biểu đồ 2: Phân bố đạo Cao Đài và Phật giáo Hòa Hảo ở khu vực ĐBSCL giai đoạn 2009-2019

Nguồn: Tác giả tính toán từ nguồn dữ liệu của Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2009-2019

Số liệu Biểu đồ 2 cho thấy, các tỉnh vùng ĐBSCL giai đoạn 2009-2019 không có sự thay đổi nhiều về không gian phân bố của đạo Cao đài và Phật giáo Hòa Hảo. Ba tỉnh/ thành An Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ có sự phát triển tập trung và đông nhất người theo đạo Cao Đài và Phật giáo Hòa Hảo. Một số tỉnh Bạc Liêu, Cà Mau, Bến Tre, Long An, số lượng người theo hai tôn giáo này đang có sự thu hẹp lại.

Giai đoạn 2009-2019 có 80 % người theo đạo Cao đài và Phật Giáo Hòa Hảo ở ĐBSCL sinh sống tập trung tại các vùng nông thôn. Tỷ lệ người theo đạo Cao đài và Phật giáo Hòa Hảo ở đô thị luôn thấp hơn ở nông thôn, con số tương ứng của ĐBSCL năm 2019 là 5.2% ở đô thị và 7.7%ở nông thôn. (Xem số liệu Biểu đồ 3)

Biểu đồ 3: Sự phân bố của đạo Cao đài và Phật giáo Hòa Hảo ở ĐBSCL theo khu vực nông thôn và đô thị giai đoạn 2009-2019

Nguồn: Tác giả tính toán từ nguồn dữ liệu của Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2009-2019

2. Thực trạng và những yếu tố tác động đến niềm tin, thế giới quan tôn giáo của các tín đồ theo đạo Cao đài và Phật giáo Hòa Hảo vùng đồng bằng sông Cửu Long

Niềm tin tôn giáo là một dạng nhận thức đặc biệt, dựa trên trực giác, tạo cho con người một niềm tin có tính thiêng liêng, giúp người ta có thể nhận thức được những sự vật mà người thường không thấy được, cho ta một sức mạnh đặc biệt mang tính “thăng hoa” để tác động đến cuộc sống trần tục. Niềm tin tôn giáo là một niềm tin có thật và chắc chắn, là niềm tin mang tính chủ quan, không cần lý giải một cách khoa học. Đó là điều kiện để con người đến với tôn giáo. Không có niềm tin này con người không thể đến được với đạo. Để có được niềm tin đó, người theo đạo cần phải có một sự hiểu biết nhất định về giáo lý, tuân thủ những hành vi, phép tắc tôn giáo... theo cách của mình. Niềm tin tôn giáo có tính thiêng còn thể hiện ở những vật thể, những lời thề, những sự kiêng cữ nào đó... thậm chí còn gắn với những con người cụ thể.

Tuy nhiên chúng ta hoàn toàn có thể quan sát, đo lường và đánh giá niềm tin tôn giáo thông qua các quan điểm, nhận định và những gì đang định hướng hành động của con người. Trên thực tế chiều cạnh phổ biến nhất của xu hướng thế tục hóa ở cấp độ cá nhân thường được các công trình nghiên cứu mô tả đó là sự suy giảm, thay đổi niềm tin tôn giáo, sự thay đổi thế giới quan được con người mô tả, giải thích về những gì diễn ra xung quanh cuộc sống của họ.

“Những người sáng lập đạo Cao đài đến với tôn giáo này xuất phát từ sự say mê tiếp xúc với thế giới siêu linh”1, “Đạo Cao Đài do một nhóm người sáng lập và được xem là đệ tử trực tiếp của Ngọc Hoàng Thượng Đế. Họ dùng phương thức thông công theo kiểu Thông linh học và Cầu Cơ để tiếp xúc với Thượng đế và các đấng linh thiêng để lập đạo”2. Kết nối với thế giới linh thiêng là cơ sở ra đời của Đạo và nó cũng là cơ sở để nhiều người đi theo Đạo. Tuy nhiên, hiện nay niềm tin vào yếu tố linh thiêng đã suy giảm.

Những chức sắc, chức việc và cả các tín đồ theo đạo Cao đài và Phật giáo Hòa Hảo đều đi theo tôn giáo vì những lý do rất thế tục, có rất ít mối liên hệ với yếu tố thiêng. Các cách giải thích, lý giải về cuộc sống gắn liền với thế giới quan linh thiêng của tôn giáo đã ít được con người sử dụng để giải thích, mô tả về những gì diễn ra xung quanh cuộc sống hàng ngày của họ. Niềm tin vào yếu tố linh thiêng chi phối cuộc sống đã có những dấu hiệu của sự suy giảm.

Khi phỏng vấn các chức sắc, chức việc và tín đồ của đạo Cao đài và Phật giáo Hòa Hảo vùng ĐBSCL về việc “liệu có một lực lượng siêu nhiên nào đó chi phối cuộc sống hàng ngày của họ hay không? Họ có tin rằng đến với tôn giáo sẽ giúp họ đến gần với với thế giới linh thiêng?” Hầu hết họ trả lời là không. Một chức sắc, người đại diện cho Ban Đại Diện Hội Thánh Đạo Cao Đài tỉnh Kiên Giang, đã trả lời câu hỏi của chúng tôi như sau: “Việc có đến được với thế giới linh thiêng hay không, việc có tiếp xúc được với các đấng tối cao hay không điều này chắc chỉ có đấng tối cao mới làm được. Mình cứ theo và thực hành nghi lễ tôn giáo để có được sự bình yên và niềm vui trong cuộc sống hiện tại” (Trích biên bản PVS).

Kết quả nghiên cứu định lượng cũng cho thấy: ngay cả các tín đồ theo đạo Cao đài và Phật giáo Hòa Hảo hiện nay cũng không còn có niềm tin một cách mạnh mẽ vào yếu tố linh thiêng, tôn giáo. (Xem số liệu Bảng 2)

Bảng 2: Mức độ đồng ý của tín đồ đạo Cao đài và Phật giáo Hòa Hảo vùng ĐBSCL về các nhận định liên quan đến niềm tin tôn giáo (Mức độ đồng ý được đánh giá theo thang điểm 5 trong đó: 1. Rất không đồng ý, 2. Không đồng ý, 3. Vừa đồng ý vừa không, 4. Đồng ý; 5. Rất đồng ý)

Niềm tin tôn giáo phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố trong đó có các yếu tố thuộc về đặc trưng cá nhân như lớp học cao nhất đã hoàn thành ở bậc phổ thông, thành phần dân tộc, số năm theo tôn giáo hay các yếu tố liên quan đến gia đình và cộng đồng như địa bàn sinh sống, số thành viên trong gia đình theo hoặc không theo tôn giáo. (Xem số liệu bảng 3)

Bảng 3: Mô hình hồi quy đánh giá mức độ ảnh hưởng của các yếu tố đến niềm tin tôn giáo

Số liệu bảng 3 cho thấy, các yếu tố có tác động thuận chiều với niềm tin tôn giáo là lớp học cao nhất đã hoàn thành ở bậc phổ thông, số thành viên trong gia đình theo đạo Cao đài hoặc Phật giáo Hòa Hảo, thời gian theo tôn giáo. Trong đó nếu tăng thêm một năm đi học phổ thông niền tin vào các yếu tố linh thiêng, các triết lý, quan điểm của tôn giáo tăng 0.33 lần; tăng số thành viên trong gia đình theo đạo Cao Đài hay phật giáo Hòa Hảo lên 1 người, niềm tin vào các yếu tố linh thiêng, các triết lý, quan điểm của tôn giáo tăng tương ứng 0.126 lần; tăng thời gian theo tôn giáo lên một năm, niềm tin vào các yếu tố linh thiêng, các triết lý, quan điểm của tôn giáo tăng tương ứng là 0.14 lần.

Các yếu tố có tác động nghịch chiều với niềm tin tôn giáo là các tín đồ sinh sống ở đô thị, các tín đồ là người Kinh và số người trong gia đình không theo tôn giáo. Cụ thể: so với các tín đồ sinh sống khu vực nông thôn nếu là tín đồ sinh sống khu vực đô thị niềm tin vào các yếu tố linh thiêng, các quan điểm triết lý tôn giáo giảm 0.189 lần; so với các tín đồ là người dân tộc thiểu số như: Hoa, Khmer nếu tín đồ là người Kinh mức độ tin tưởng vào các yếu tố linh thiêng, các quan điểm triết lý tôn giáo giảm 0.352 lần; số thành viên trong gia đình không theo tôn giáo tăng lên 01 người mức độ tin tưởng vào các yếu tố linh thiêng, các triết lý, quan điểm tôn giáo giảm 0.101 lần.

Kết quả nghiên cứu này cho thấy mức độ chuyển đổi trong niềm tin tôn giáo không diễn ra ở cùng quy mô, tốc độ nếu xét trong các nhóm có đặc trưng xã hội khác nhau. Nghiên cứu của Gan-Thow Ng, (1991), chỉ ra rằng “Ở các quốc gia nơi mà thẩm quyền chính trị bị thấm đẫm bởi yếu tố tôn giáo như các quốc gia theo Hồi giáo, trong những xã hội như vậy, tôn giáo phần lớn là một cách sống và một yếu tố quyết định trong mọi lĩnh vực của cuộc sống hàng ngày”3. So với các xã hội theo Hồi Giáo thì cuộc sống của các cộng đồng người theo đạo Cao đài và Phật Giáo Hòa Hảo ở ĐBSCL ít bị ảnh hưởng và chi phối hơn bởi yếu tố tôn giáo. Tôn giáo không còn là một thế giới quan bao trùm cuộc sống hàng ngày của họ, mọi lý giải, những yếu tố dẫn dắt, định hướng hành động của con người ít bị chi phối hơn bởi yếu tố tôn giáo.

3. Thực hành tôn giáo của các tín đồ theo đạo Cao đài và Phật giáo Hòa Hảo vùng ĐBSCL

Mức độ, tần suất và cách thức thực hành các nghi lễ tôn giáo là biểu hiện tiếp theo cho chúng ta thấy sự chuyển đổi theo xu hướng thế tục hóa ở cấp độ cá nhân. Khi nghiên cứu về xu hướng thế tục hóa tôn giáo ở các quốc gia Châu Âu, Inglehart và Norris đã chỉ ra rằng: “Đã có một sự tiến hóa, đặc biệt là trong các xã hội giàu có, với sự thay đổi từ các hình thức tham gia tập thể thông qua trực giác tôn giáo truyền thống hướng tới cá nhân hoặc tâm linh cá nhân được thực hiện trong lĩnh vực riêng tư”4. Liệu sự chuyển đổi theo xu hướng thế tục hóa đang diễn ra trong lòng các tôn giáo nội sinh khu vực ĐBSCL Việt Nam có diễn ra tương tự như những gì mà Inglehart và Norris mô tả? Kết quả nghiên cứu của tác giả cho thấy đã có sự thay đổi khá mạnh mẽ trong việc thực hành các nghi lễ tôn giáo của các tín đồ theo đạo Cao đài và Phật giáo Hòa Hảo. Ngày nay cùng với sự hối hả của cuộc sống, các tín đồ của hai tôn giáo này thực hành các nghi lễ tôn giáo ít thường xuyên hơn. (Xem số liệu bảng 4)

Bảng 4: Mức độ thực hành các nghi lễ tôn giáo của tín đồ đạo Cao đài và Phật giáo Hòa Hảo vùng ĐBSCL

Theo số liệu Bảng 4, có đến 9.9% tín đồ của đạo Cao đài và Phật giáo Hòa Hảo trong mẫu nghiên cứu không bao giờ hoặc rất hiếm khi nghe kinh sách, giáo lý, giáo luật; 15.5% rất hiếm khi hoặc không đọc kinh sách, giáo lý, giáo luật, 19.4% không hoặc rất hiếm khi thực hiện các nghi lễ hàng ngày theo quy định…Việc thực hành các nghi lễ tôn giáo tại các cơ sở thờ tự của cộng đồng hay tham gia vào các hoạt động do các tổ chức tôn giáo thực hiện cũng ít thu hút được sự tham gia của các tín đồ. Có đến 25.9% số tín đồ của đạo Cao đài và Phật giáo Hòa Hảo không hoặc rất hiếm khi tham gia vào các hoạt động của các tổ chức tôn giáo; 25.2% tín đồ của hai tôn giáo này không hoặc rất hiếm khi thực hiện các nghi lễ tôn giáo tại các cơ sở thờ tự. Như vậy so với các thực hành tôn giáo mang tính cá nhân, việc thực hành tôn giáo có tính chất cộng đồng ít thu hút được sự tham gia của các tín đồ. Đây là dấu hiệu cho thấy việc thực hành nghi lễ tôn giáo đang dần rút vào lĩnh vực riêng tư.

Mức độ, tần suất thực hành các nghi lễ tôn giáo có sự khác biệt rất rõ theo nhóm tuổi, giới tính, tôn giáo và địa bàn sinh sống. (Xem số liệu Bảng 5)

Bảng 5: Mô hình hồi quy đánh giá mức độ ảnh hưởng của các yếu tố đến thực hành tôn giáo của tín đồ theo đạo Cao đài và Phật giáo Hòa Hảo vùng ĐBSCL

Số liệu bảng 5 cho thấy, mức độ thực hành tôn giáo phụ thuộc chặt chẽ vào các yếu tố cá nhân như: độ tuổi, trình độ học vấn, địa bàn sinh sống, giới tính của các tín đồ. Về trình độ học vấn nếu tăng thêm một năm đi học phổ thông mức độ thường xuyên thực hành tôn giáo tăng thêm 0.071 lần, so với những người sinh sống ở khu vực nông thôn, nếu là tín đồ sinh sống ở khu vực đô thị mức độ thường xuyên thực hành nghi lễ tôn giáo giảm xuống 0.412 lần. Về tuổi, nếu tăng thêm một tuổi mức độ thường xuyên của việc thực hành tôn giáo sẽ tăng lên 0.016 lần; so với các tín đồ sống trong cộng đồng có đa số người không theo tôn giáo hoặc theo các tôn giáo khác không phải đạo Cao đài hay Phật giáo Hòa Hảo, các tín đồ sống trong cộng đồng có đa số người theo đạo Cao đài và Phật giáo Hòa Hảo mức độ thường xuyên thực hành tôn giáo tăng 0.455 lần, so với nhóm tín đồ là nam giới, nếu tín đồ là nữ giới mức độ thường xuyên thực hành nghi lễ tôn giáo giảm 0.172 lần.

4. Chuyển đổi các mối quan hệ, những giá trị mà con người hướng đến khi có niềm tin và thực hành tôn giáo ở tín đồ theo đạo Cao đài và Phật giáo Hòa Hảo vùng đồng bằng sông Cửu Long

Tôn giáo không chỉ thể hiện ở niềm tin hay thực hành nghi lễ mà quan trọng hơn “tôn giáo còn là hiện thân của tinh thần liên kết, kết nối những niềm tin trong các quan hệ xã hội, bản sắc văn hóa và lòng trung thành của nhóm người”5. Theo đó, những chuyển đổi theo xu hướng thế tục các nhà nghiên cứu còn quan tâm đến những khía cạnh sâu sắc hơn, đó là “sự chuyển đổi của các mối quan hệ - chứ không chỉ đơn thuần là sự chấp nhận các chứng thực của một vài ý tưởng niềm tin mới”6. Khi nghiên cứu đời sống tôn giáo của các tín đồ theo đạo Cao đài và Phật giáo Hòa Hảo vùng ĐBSCL, chúng tôi nhận thấy rằng đa số các tín đồ theo đạo Cao đài và Phật giáo Hòa Hảo đã gạt bỏ đi một phần lớn những khía cạnh có tính nghi lễ và yếu tố siêu linh của tôn giáo, gạt bỏ những điều huyền bí phép màu thay vào đó là những gì liên quan đến thế tục. Những người theo tôn giáo ít chú trọng hơn đến yếu tố linh thiêng mà hướng sự chú ý của mình nhiều hơn đến những nhu cầu thế tục khi thực hành và tin theo tôn giáo. (Xem số liệu Bảng 6)

Bảng 6: Lý do theo và thực hành tôn giáo của các tín đồ đạo Cao đài và Phật giáo Hòa Hảo vùng ĐBSCL

Số liệu Bảng 6 cho thấy, phần lớn mọi người theo tôn giáo vì các lý do liên quan đến truyền thống của gia đình và các lý do liên quan đến thế tục như phát triển các mối quan hệ, tìm niềm vui trong cuộc sống; sống có ích hơn. Tỷ lệ người theo tôn giáo vì lý do linh thiêng như: theo tôn giáo giúp chúng ta đạt được phẩm vị tiên, phật; việc thực hành giáo lý giáo luật, thực hiện các ghi lễ tôn giáo thì sau khi chết chúng ta sẽ không bị đày xuống địa ngục; để được thế lực siêu nhiên che chở, phù hộ chiếm tỷ lệ khá nhỏ tương ứng là 34.9%; 32.1% và 37.3%.

Max Weber khi mô tả quá trình chuyển đổi của các tôn giáo ở Phương Tây đã chỉ ra rằng: “Tôn giáo đang đi vào quá trình riêng tư hóa không thể đảo ngược gắn liền với quá trình tự trị hóa của những lĩnh vực trần tục như là kinh tế và chính trị”7.

Nghiên cứu này cho thấy, quá trình riêng tư hóa đang xảy ra trong lòng các tôn giáo nội sinh khu vực ĐBSCL mà cụ thể là đạo Cao đài và Phật giáo Hỏa Hảo. Trong tổng số 212 tín đồ trong mẫu nghiên cứu chỉ có 75 người chiếm 34.5% cho rằng mình theo tôn giáo vì đa số người dân trong cộng đồng theo tôn giáo đó. Như vậy, quá trình “cá nhân hóa tôn giáo đang tăng lên, tôn giáo giờ đây đã trở thành một lựa chọn mang tính cá nhân nhiều hơn là nghĩa vụ và sự bắt buộc được xác nhận bởi tập thể”9. Đó là dấu hiệu cho thấy sự giảm sút của tính hội nhập tôn giáo. Khi tôn giáo đang từ một lĩnh vực bao trùm mọi khía cạnh của cuộc sống giờ đây trở thành một lĩnh vực riêng tư, một sự lựa chọn mang yếu tố cá nhân hơn là nghĩa vụ và sự bắt buộc được xác nhận bởi tập thể. Xu hướng này giúp các cá nhân và cộng đồng có thể gia tăng sự chọn lựa của mình liên quan đến các niềm tin và hệ thống thực hành, các mối quan hệ liên quan đến tôn giáo.

5. Kết luận

Sự phát triển kinh tế - xã hội hiện nay đã làm thay đổi đời sống tôn giáo của các tín đồ theo đạo Cao đài và Phật giáo Hòa Hảo vùng ĐBSCL theo xu hướng thế tục hóa. Quá trình thế tục hóa không chỉ làm thay đổi các định chế và tổ chức tôn giáo mà còn làm thay đổi một cách mạnh mẽ đời sống tôn giáo của các cá nhân và cộng đồng. Ở cấp độ cá nhân, quá trình chuyển đổi theo xu hướng thế tục hóa được thể hiện trong việc suy giảm thực hành, chuyển đổi niềm tin và các mối quan hệ tôn giáo. Những chuyển đổi như vậy thường là hệ quả của quá trình thay đổi trong cấu trúc xã hội và công nghệ, thay đổi các thế giới quan gắn liền với sự phát triển trong đời sống kinh tế, xã hội chứ không phải là sự thay đổi ý thức hệ liên quan đến các giá trị tự do. Quá trình chuyển đổi theo xu hướng thế tục hóa trong các tôn giáo nội sinh vùng ĐBSCL mà tiêu biểu là đạo Cao đài và Phật giáo Hòa Hảo là một sản phẩm của sự tương tác giữa các đặc trưng xã hội của cá nhân với các đặc trưng của cộng đồng và gia đình nơi các tín đồ đang sinh sống.

---------

Bài đăng trên Tạp chí Thông tin Khoa học chính trị số 5 (35) - 2023

1 Huỳnh Ngọc Thu: Đạo Cao Đài ở Nam Bộ và các mối quan hệ, Nxb Đại học quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, 2017, tr.17.

2 Ngô Văn Lệ: Vùng đất Nam Bộ, đặc trưng tín ngưỡng, tôn giáo và sinh hoạt văn hóa, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, 2017, tập VII, tr.118.

3 Gan-Thow Ng, (1991): Religion, Culture, and Modernity: Some Missiological Implications of the Process of Secularization in East Asia, tr.18, http://digitalcommons.andrews.edu/dissertations, truy cập ngày 29/3/2021

4 Martin Riesebrodt, (2014), Religion in the Modern World: Between Secularization and Resurgence, Printed in Italy European University Institute Badia Fiesolana I – 50014 San Domenico di Fiesole (FI) Italy

5&6 Trương Văn Chung: Chuyển đổi tôn giáo một số vấn đề lý thuyết và lịch sử, Nxb Đại học quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, 2017, tr.23.

7 Laurent Fleury: Tư tưởng Max Weber, Nxb Hồng Đức, 2016, tr.118.

8 Đỗ Quang Hưng: Nhà nước thế tục, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, 2020, tr.42.