TS LƯU THUÝ HỒNG
Học viện Báo chí và Tuyên truyền
(TTKHCT) - Đối ngoại nhân dân Việt Nam với các nước láng giềng là một trong những chính sách đối ngoại ưu tiên của chúng ta. Bài viết khảo sát chính sách đối ngoại nhân dân của Việt Nam với các nước láng giềng như một cơ sở quan trọng để nghiên cứu thực trạng hoạt động đối ngoại nhân dân với Campuchia. Từ đó, bài viết đưa ra các nhận xét về thành tựu và những vấn đề cần giải quyết. Tác giả cũng đã đưa ra ba khuyến nghị mang tính định hướng chính sách cho Việt Nam trong hoạt động đối ngoại nhân dân với các nước láng giềng và với Campuchia trong thời gian tới.
Đối ngoại nhân dân là một thuật ngữ được Việt Nam sử dụng để nói về hoạt động đối ngoại do Nhân dân tiến hành nhằm thực hiện chính sách đối ngoại của quốc gia. Trong môi trường quốc tế phức tạp, nhiều chiều đa phương diện và khó lường trước, ngay từ những ngày đầu dựng nước cho đến quá trình giữ nước và đấu tranh giải phóng dân tộc, Đảng và Nhà nước Việt Nam đã luôn đề cao vai trò của Nhân dân trong hoạt động đối ngoại. Đến nay, đối ngoại nhân dân được coi là một trong ba trụ cột trong xây dựng nền ngoại giao toàn diện, hiện đại Việt Nam1.
Việt Nam - Campuchia là hai nước láng giềng gắn bó với nhau trong cả một quá trình phát triển lịch sử. Theo thời gian, cùng với hoạt động đối ngoại Đảng, ngoại giao nhà nước thì đối ngoại nhân dân cũng được coi trọng và có nhiều thành quả có ý nghĩa. Bài viết sẽ nghiên cứu chính sách và hoạt động đối ngoại nhân dân của Việt Nam đối với các nước láng giềng qua phân tích trường hợp Campuchia với mong muốn tìm ra một số khuyến nghị cho Việt Nam trong hoạt động đối ngoại nhân dân với các nước láng giềng thời gian tới.
1. Chính sách đối ngoại nhân dân của Việt Nam
Đối ngoại nhân dân (people to people external relations) là hoạt động đối ngoại có sự tham gia của nhân dân Việt Nam, gồm các tổ chức, đoàn thể nhân dân không nhân danh Đảng, Nhà nước như các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp và các cá nhân... Cho đến nay, đối ngoại nhân dân đang phát triển với sự đa dạng và phong phú các hình thức hoạt động dựa trên đường lối đối ngoại nhất quán của Đảng, chính sách hợp lý của Nhà nước. Tư tưởng về đối ngoại nhân dân được ghi nhận trong các kỳ Đại hội Đảng toàn quốc, nhất là từ Đại hội lần thứ VI đến Đại hội lần thứ XIII. Đảng Cộng sản Việt Nam luôn lãnh đạo sát sao qua các nghị quyết và chỉ thị, thể hiện những chuyển biến trong tư duy đối ngoại nhân dân theo dòng phát triển của thời đại và đất nước. Nghị quyết Hội nghị Trung ương 3 khoá VII (1992) đề ra nhiệm vụ mở rộng và đổi mới hoạt động đối ngoại nhân dân nhằm giữ vững hoà bình, tăng cường quan hệ hữu nghị và hợp tác, tạo điều kiện thuận lợi cho công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc, đồng thời góp phần tích cực vào cuộc đấu tranh của nhân dân thế giới vì hoà bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội2. Chỉ thị số 44-CT/TW ngày 20/9/1994 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khoá VII về Mở rộng và đổi mới hoạt động đối ngoại nhân dân đã góp phần tích cực vào việc giữ môi trường quốc tế thuận lợi cho công cuộc đổi mới và phát triển đất nước; xây dựng lòng tin và sự hiểu biết lẫn nhau giữa nhân dân Việt Nam và bạn bè quốc tế, đồng thời góp phần vào cuộc đấu tranh chung vì hoà bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội. Đối ngoại nhân dân cùng đối ngoại Đảng và ngoại giao Nhà nước tạo nên sức mạnh tổng hợp, thực hiện thắng lợi đường lối và chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta3. Chỉ thị số 04-CT/TW ngày 06/7/2011 của Ban Bí thư khóa XI Về tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại nhân dân trong tình hình mới, trong đó nhấn mạnh việc tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại nhân dân trong tình hình mới với quan điểm đối ngoại nhân dân là bộ phận cấu thành của công tác đối ngoại chung, phương châm “chủ động, linh hoạt, sáng tạo và hiệu quả”.
Đại hội lần thứ XIII của Đảng khẳng định đối ngoại nhân dân là một trong ba trụ cột của nền ngoại giao toàn diện, hiện đại và Chỉ thị số 12-CT/TW ngày 05/112022 của Ban Bí thư Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, nâng cao hiệu quả đối ngoại nhân dân trong tình hình mới, đề ra 8 nhiệm vụ4, cho thấy sự phát triển về tư duy của Việt Nam trong công tác đối ngoại nhân dân.
Trên cơ sở đường lối chung, Việt Nam luôn coi trọng đối ngoại nhân dân trong chính sách đối ngoại với các nước láng giềng trong đó có Campuchia. Quan điểm về đối ngoại nhân dân được thể hiện trong quan điểm, đường lối chính sách đối ngoại với Campuchia. Ngay từ Đại hội lần thứ VI (1986), Đảng ta đã xác định: “Chúng ta đặc biệt chú trọng phát triển quan hệ hợp tác kinh tế, văn hóa giữa nước ta và hai nước láng giềng anh em Lào, Campuchia, nhằm khai thác khả năng của mỗi nước, bổ sung cho nhau, làm cho mỗi nước và ba nước ngày càng phát triển và vững mạnh”5. Đại hội lần thứ VII của Đảng (1991), Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội đã khẳng định chủ trương: “Không ngừng củng cố và phát triển quan hệ hữu nghị, hợp tác truyền thống với các nước xã hội chủ nghĩa, các nước anh em trên bán đảo Đông Dương”6. Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương khoá VI trình Đại hội lần thứ VII của Đảng đã nêu: “Không ngừng củng cố, phát triển quan hệ đoàn kết và hữu nghị đặc biệt giữa Đảng và nhân dân ta với Đảng và nhân dân Lào, Đảng và nhân dân Campuchia anh em”7. Đại hội lần thứ VIII của Đảng nêu rõ: “Ra sức tăng cường quan hệ với các nước láng giềng”. Đại hội lần thứ IX của Đảng nhấn mạnh: “Coi trọng và phát triển quan hệ hữu nghị, hợp tác với các nước xã hội chủ nghĩa và các nước láng giềng8. Đại hội lần thứ XI “Củng cố, phát triển quan hệ hợp tác, hữu nghị truyền thống với các nước láng giềng có chung biên giới”9. Đại hội lần thứ XII “Chú trọng phát triển quan hệ hợp tác, hữu nghị, truyền thống với các nước láng giềng, thúc đẩy quan hệ với các đối tác lớn, đối tác quan trọng”10. Đại hội lần thứ XIII tiếp tục nhấn mạnh “Coi trọng phát triển quan hệ hợp tác, hữu nghị, truyền thống với các nước láng giềng”11. Trên cơ sở nội dụng đường lối, chính sách đối ngoại với các nước láng giềng, Việt Nam có những quan điểm, chính sách đối ngoại cụ thể với Campuchia. Nhân chuyến thăm cấp Nhà nước tới Campuchia vào tháng 7/2017, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho rằng: “Cho dù tình hình thế giới và khu vực có những đổi thay, song trước sau như một, Việt Nam luôn coi trọng và sẽ làm hết sức mình cùng với Campuchia giữ gìn, vun đắp mối quan hệ Việt Nam - Campuchia mãi mãi xanh tươi, đời đời bền vững”12. Việt Nam luôn coi trọng và dành ưu tiên cao cho việc tăng cường quan hệ láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài giữa Việt Nam và Campuchia13. Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đã khẳng định thêm: Tình đoàn kết, hữu nghị truyền thống và quan hệ hợp tác toàn diện tốt đẹp giữa Việt Nam và Campuchia tiếp tục được củng cố và phát triển trên nhiều lĩnh vực, mang lại lợi ích thiết thực cho nhân dân hai nước, góp phần quan trọng vào hoà bình, ổn định và phát triển trong khu vực và trên thế giới14.
2. Hoạt động đối ngoại nhân dân của Việt Nam với Campuchia trên thực tế
Thực hiện đường lối, chính sách đối ngoại nhân dân của Đảng và Nhà nước Việt Nam với các nước láng giềng, nội dung các hoạt động đối ngoại nhân dân của Việt Nam với Campuchia bao gồm:
Thứ nhất, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam luôn chú trọng hoạt động đối ngoại với Campuchia từ việc chỉ đạo, cho phép đến tiến hành các hoạt động tổ chức lễ kỷ niệm hằng năm và các năm chẵn trong quan hệ ngoại giao, trong các sự kiện trọng đại của hai quốc gia; cử và đón tiếp các đoàn thăm và làm việc, tổ chức hội nghị, hội thảo, ký kết các thoả thuận, tặng kỷ niệm chương… Năm 2006, Liên hiệp và hội hữu nghị Campuchia - Việt Nam đã phối hợp với Mặt trận đoàn kết vì sự phát triển của Campuchia, Liên minh dân sự vì an ninh con người, đoàn kết và phát triển Campuchia, tổ chức thành công cuộc gặp gỡ hữu nghị và hợp tác nhân dân Việt Nam - Campuchia lần thứ nhất tại Thành phố Hồ Chí Minh và Bà Rịa - Vũng Tàu. Từ đó đến nay, hoạt động này được duy trì mỗi năm một lần. Gần đây nhất năm 2022, Việt Nam đã tổ chức thành công cuộc gặp gỡ lần thứ 5 tại Bình Phước. Thêm vào đó, tháng 01/2023, Chủ tịch Liên hiệp đã trao kỷ niệm chương cho Đại sứ Chay Navuth.
Liên hiệp còn phối hợp với Hội Hữu nghị Việt Nam - Campuchia, Việt Nam - Lào và các Hội hữu nghị Lào -Việt Nam và Campuchia - Việt Nam của bạn tiến hành cuộc Gặp gỡ hữu nghị giữa nhân dân ba nước tại thành phố Hồ Chí Minh nhân kỷ niệm 35 năm ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước Việt Nam và ngày chiến thắng hoàn toàn đế quốc Mỹ xâm lược giải phóng đất nước của Lào và Campuchia. Các đại biểu tham dự lễ kỷ niệm, tham gia cuộc gặp gỡ với các bạn quốc tế đã có công giúp đỡ Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước do Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam tổ chức, tham gia cuộc hội thảo về tình đoàn kết hữu nghị giữa ba nước15...
Thứ hai, Việt Nam phối hợp với Campuchia thành lập, phục hồi và tạo điều kiện hoạt động tốt cho Hội Hữu nghị Việt Nam - Campuchia (trong đó có tổ chức Hội hữu nghị Việt Nam - Campuchia của cựu chuyên gia giúp cách mạng Campuchia), Hội Hữu nghị Campuchia - Việt Nam (phục hồi từ năm 2006) từ trung ương đến địa phương và những đơn vị đặc biệt ví dụ Hội Hữu nghị Việt Nam - Campuchia cựu quân tình nguyện giúp Campuchia thuộc Quân Đoàn 4 khu vực Hà Nội và Chi hội Hữu nghị Việt Nam - Campuchia trường Đại học Y Thái Bình nơi có 250 lưu học sinh Campuchia học tập16. Từ năm 2011, Hội đã mở thêm hướng hoạt động từ thiện nhân đạo. Hội đã vận động các doanh nghiệp, doanh nhân, nhà hảo tâm tài trợ số tiền gần 2 tỷ đồng Việt Nam, để tặng cho 50 cựu quân nhân tình nguyện gặp khó khăn; người nhiều nhất 30 triệu đồng, ít nhất 12 triệu đồng để sửa nhà, mua giống vốn sản xuất. Hội đã hỗ trợ 400 triệu đồng cho con em Việt kiều tại Campuchia để xây dựng trường lớp, mua đồ dùng học tập hỗ trợ cho bà con Việt kiều bị lũ lụt; hỗ trợ trang bị bình nóng lạnh cho lưu học sinh Campuchia và Lào tại Đại học Y Thái bình trị giá 10.000 đô la Mỹ; hỗ trợ cho Hội bạn 330 triệu đồng để cứu trợ nhân dân Campuchia vùng bị lũ lụt. Gần đây, Hội đã tiến hành vận động các gia đình cựu chuyên gia, cựu quân tình nguyện nhận đỡ đầu các lưu học sinh Campuchia đang học tập tại các trường đại học Việt Nam. Đợt 1 Đại sứ quán Campuchia giới thiệu 49 em ở khu vực Hà Nội cho 14 đồng chí cán bộ Hội nhận đỡ đầu. Thành phố Hải Phòng và thành phố Hồ Chí Minh đã nhận các em học sinh Campuchia sang học tập tại các trường Đại học ở thành phố. Tổ chức Hội ở hai thành phố này cũng đang triển khai công tác nhận đỡ đầu lưu học sinh17.
Thêm vào đó Hội đã phát động chương trình “Ươm mầm hữu nghị Việt Nam - Campuchia” từ năm 2012, với ý tưởng tạo ra một cầu nối giúp các em có thể vượt qua những khó khăn, hòa nhập được với cuộc sống tại Việt Nam. Chương trình đã phát triển đến hầu hết các tỉnh/thành phố có sinh viên Campuchia đang theo học, với sự tình nguyện tham gia của trên 100 lượt gia đình, tổ chức, cá nhân. 10 năm qua, đã nhận đỡ đầu gần 500 sinh viên, góp phần thiết thực giúp đỡ sinh viên an tâm học tập và cải thiện đời sống văn hóa, tinh thần18.
Thứ ba, các đoàn thể, chủ thể nhân dân Việt Nam khác đang tham gia tích cực các hoạt động đối ngoại nhân dân với Campuchia. Trước hết, quan hệ hợp tác hữu nghị giữa Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với Hội đồng Dân tộc Mặt trận Đoàn kết Phát triển Tổ quốc Campuchia luôn được coi trọng. Hai tổ chức đều luôn hỗ trợ nhau cùng phát triển với những hoạt động thường xuyên liên tục như hoạt động trao đổi đoàn hằng năm, hội nghị, hội thảo chia sẻ kinh nghiệm (kể cả trong thời kỳ dịch bệnh vẫn duy trì kênh liên lạc online, như Hội nghị trực tuyến vào tháng 3, tháng 7 năm 2022 tại Hà Nội giữa Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Hội đồng Quốc gia Mặt trận Đoàn kết Phát triển Tổ quốc Campuchia). Bên cạnh đó, hai tổ chức cũng là hai trong ba tổ chức nòng cốt trong việc tổ chức Hội nghị Chủ tịch Mặt trận ba nước: Việt Nam – Lào – Campuchia năm 2011. Đây là hội nghị liên tịch giữa ba tổ chức Mặt trận của ba nước để cùng nhau trao đổi, thảo luận và đi đến thống nhất ký kết Bản ghi nhớ chương trình hợp tác giữa ba tổ chức Mặt trận ba nước.
Một điển hình của các hoạt động đoàn thể ngoài hội hữu nghị là hoạt động của đoàn thanh niên. Mối quan hệ hợp tác thanh niên được thực hiện liên tục và hiệu quả từ lâu, dựa trên cơ sở thỏa thuận hợp tác của Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam và Hội Liên hiệp Thanh niên Campuchia. Đến năm 2023, lần đầu tiên thỏa thuận hợp tác được ký kết giữa Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và Ban Thanh niên Đảng Nhân dân Campuchia chứng tỏ quan hệ hợp tác thanh niên giữa hai nước đã được nâng lên một tầm cao mới trong đó nhấn mạnh các hoạt động trao đổi đoàn đại biểu, hỗ trợ, giúp đỡ nhau trong lĩnh vực đào tạo nguồn nhân lực, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm…
Quan hệ giữa Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và Hội Phụ nữ Campuchia vì Hoà bình và Phát triển được bắt đầu từ những năm 70 của thế kỷ XX và luôn được đẩy mạnh qua các hoạt động trao đổi thông tin, trao đổi đoàn tham quan, học tập kinh nghiệm và tham dự đại hội. Đặc biệt năm 2017, tại Phnôm Pênh đã diễn ra lễ ký kết thỏa thuận hợp tác song phương giữa Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và Hội Phụ nữ Campuchia vì Hòa bình và Phát triển giai đoạn 2017-2022. Đến năm 2022, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và Hội Phụ nữ Campuchia vì Hòa bình và Phát triển ký kết thỏa thuận hợp tác song phương giai đoạn 2022-2027. Điều này cho thấy được mối quan hệ ngày càng gắn bó, tốt đẹp giữa phụ nữ các bên góp phần hỗ trợ nhau nâng cao đời sống của phụ nữ mỗi bên, nhằm xoá đói giảm nghèo, phòng chống nạn mua bán phụ nữ và trẻ em, phòng chống các tệ nạn xã hội, góp phần xây dựng đường biên giới hoà bình, hữu nghị, hợp tác và cùng phát triển.
Hội Cựu chiến binh Việt Nam và Campuchia cũng có những trao đổi đoàn, thăm đất nước của nhau, chia sẻ thông tin, giao lưu tiếp xúc góp phần thắt chặt quan hệ hữu nghị giữa hai nước. Tháng 12/2022, Tổng Thư ký Hội Cựu chiến binh Vương quốc Campuchia đã có chuyến thăm Việt Nam qua đó khẳng định mối quan hệ tốt đẹp giữa hai Hội.
Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam có quan hệ rất tốt với Công đoàn Liên minh Liên hiệp Công đoàn Quốc gia Campuchia (NACC). Hằng năm, tổ chức hai Công đoàn có các chuyến thăm trao đổi đoàn, hội nghị, hội đàm trao đổi kinh nghiệm và tập huấn hoạt động công tác Công đoàn trong tình hình mới (ví dụ năm 2014: tập huấn nghiệp vụ công đoàn cho 15 cán bộ của Campuchia19, năm 2022 tập huấn cho 30 cán bộ Campuchia20…) trong đó nhấn mạnh việc chia sẻ kinh nghiệm trong việc xây dựng và phát triển tổ chức Công đoàn.
Các đoàn thể, tổ chức xã hội, xã hội nghề nghiệp khác cũng có những hoạt động gắn bó với nhân dân Campuchia như Hội Luật gia Việt Nam thường xuyên có những chuyến viếng thăm và làm việc với Hội Luật sư Campuchia, hay Hội Nhà báo Việt Nam cũng có nhiều hoạt động tăng cường hợp tác với Câu lạc bộ các nhà báo Campuchia như trao đổi các đoàn, tổ chức toạ đàm, ký biên bản ghi nhớ, hợp tác về nghiệp vụ báo chí, trao đổi thông tin, bồi dưỡng nghiệp vụ…
Các hoạt động trao học bổng đến từ Hội khuyến học Việt Nam cho sinh viên Campuchia như năm 2022, Hội Khuyến học Việt Nam đã phối hợp với Đại sứ quán Vương quốc Campuchia tại Việt Nam trao học bổng 100 suất học bổng (mỗi suất trị giá 3 triệu đồng, tổng giá trị học bổng là 300 triệu đồng từ Quỹ Khuyến học Việt Nam) cho học sinh, sinh viên Campuchia đang học tập tại Việt Nam21.
Ngoài ra, Việt Nam tổ chức nhiều chuyến thăm cho Nhân dân (các đại biểu tham dự tuần Gặp gỡ hữu nghị) đến các khu di tích lịch sử như Khu di tích lịch sử Long Giao (huyện Cẩm Mỹ, tỉnh Đồng Nai) là địa điểm thành lập Đoàn 125 - tiền thân của Lực lượng vũ trang đoàn kết cứu nước Campuchia do ông Hun Sen (cựu Thủ tướng Campuchia) lãnh đạo. Qua đó, thế hệ trẻ có cơ hội hiểu rõ, hiểu đúng về sự giúp đỡ của quân tình nguyện và Nhân dân Việt Nam trong việc đánh đổ chế độ diệt chủng Pôn Pốt tại nước này.
Thứ tư, các hoạt động đối ngoại nhân dân ở địa phương và vùng biên giới. Tuyến biên giới đất liền giữa Việt Nam và Campuchia dài khoảng 1.270 km, Toàn tuyến có 41 cặp cửa khẩu (10 cặp cửa khẩu quốc tế, 11 cặp cửa khẩu chính và 20 cặp cửa khẩu phụ) Việt Nam và Campuchia có đường biên giới kéo dài qua rất nhiều tỉnh (Việt Nam qua 10 tỉnh, Campuchia qua 9 tỉnh). Vì vậy, ngoài việc giao thương thì người dân vùng biên giới của hai nước cũng có rất nhiều hoạt động giao lưu kết nối. Ở các tỉnh biên giới, nhân dân Việt Nam có nhiều hoạt động thiết thực: giúp người nghèo của bạn sang khám chữa bệnh miễn phí, mổ mắt thay thuỷ tinh thể cho hàng trăm người dân Campuchia, giúp xây dựng trường học, nhà mẫu giáo, giúp xây nhà tình nghĩa cho các hộ nghèo, giúp đào tạo cán bộ, giúp cho con em bạn sang học tại các trường Đại học, Trung học, cao đẳng không phải đóng học phí… Khi bạn gặp thiên tai, các Hội địa phương đã vận động Nhân dân đóng góp tiền, vật dụng cứu trợ nhân đạo... Trong những năm gần đây, thực hiện chủ trương của hai Chính phủ, nhân dân Campuchia đã giúp Việt Nam tìm kiếm và quy tập hàng ngàn hài cốt quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hy sinh trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, đặc biệt trong thời gian giúp nhân dân Campuchia thoát khỏi nạn diệt chủng. Các tỉnh, thành phố như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Vĩnh Phúc, Quảng Ninh, Bắc Ninh, Ninh Bình, Quảng Nam, Đà Nẵng, Cần Thơ, Vĩnh Long, Trà Vinh, Cà Mau, Kom Tum, Đăk Lăk, Đăk Nông, Lâm Đồng, Kiên Giang, An Giang, Tây Ninh, Đồng Tháp, Bình Dương, Long An. Phú Yên, Khánh Hòa… tổ chức hàng trăm lượt tham quan, trao đổi đoàn, đón tiếp đoàn, chia sẻ kinh nghiệm, giao lưu hữu nghị giữa nhân dân các tỉnh thành (như hội trại sinh viên năm 2019, giao lưu sinh viên Việt Nam - Lào - Campuchia tại thành phố Hồ Chí Minh năm 2023). Ngoài ra, các tỉnh biên giới tổ chức các hoạt động từ thiện, trao quà cho bà con chẳng hạn như Cà Mau trao quà cho 34 hộ dân di cư tự do từ Campuchia về sinh sống tại tỉnh và đồng bào dân tộc Khmer nghèo nhân dịp Tết cổ truyền Chol Chnam Thmay. Các đoàn thể nhân dân địa phương và các tỉnh biên giới phía Tây Nam còn đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền đối ngoại, trong đó tập trung hướng đến sự kiện kỷ niệm 40 năm ngày bảo vệ biên giới Tây Nam (07/11/1979-07/11/2023) và hoàn thành nhiệm vụ quốc tế giúp Campuchia thoát họa diệt chủng và hồi sinh đất nước; tuyên truyền nhận thức trong nhân dân, trong đó có đồng bào dân tộc Khmer về việc giữ gìn và phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc; tổ chức hoạt động đoàn ra, đoàn vào; thăm lại chiến trường xưa; xây dựng nhà đồng đội cho cựu chuyên gia, cựu quân tình nguyện trong tỉnh còn gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống tại địa phương…
3. Nhận xét và khuyến nghị
Qua khảo sát thực tiễn hoạt động đối ngoại nhân dân của Việt Nam với Campuchia, có thể khẳng định nội dung và hình thức hoạt động là tương đối đa dạng, phong phú, chuẩn mực. Hầu hết các tầng lớp, thành phần nhân dân đều tích cực tham gia vào hoạt động đối ngoại nhân dân, cho thấy chính sách của Việt Nam là đúng đắn, hợp lòng dân. Các hoạt động đều có tính thiết thực, góp phần đem lại lòng tin nhất định của nhân dân nước bạn đối với nhân dân Việt Nam cũng như Chính phủ Việt Nam. Tuy vậy, còn một số vấn đề đặt ra cần giải quyết:
Một là, hầu hết các hoạt động sôi nổi, có tiếng vang đều do Hội liên hiệp các tổ chức hữu nghị, Hội Hữu nghị Việt Nam – Campuchia và các tổ chức chính trị - xã hội phát động, chỉ đạo và thực hiện. Đó là những tổ chức hoạt động có tính chất chính trị. Tính quảng đại, tính nhân dân trong các hoạt động này chưa thực sự rõ nét.
Hai là, các hoạt động lớn được ghi nhận đều ít nhiều có kinh phí của nhà nước. Điều này có nghĩa, nếu phát triển sâu rộng hơn nữa các hoạt động đối ngoại nhân dân sẽ ảnh hưởng đến ngân sách quốc gia.
Ba là, hình thức hoạt động dù đa dạng, phong phú song vẫn còn lạc hậu chưa bắt kịp nhịp sống của thế hệ trẻ. Rất hiếm các kênh mạng xã hội nổi tiếng có đề cập đến hoạt động đối ngoại nhân dân với Campuchia nên chưa có sức hút đối với nhân dân nước bạn.
Bốn là, công tác tổng kết hoạt động đối ngoại nhân dân chưa rõ ràng và chuyên nghiệp dẫn đến khó đánh giá hiệu quả của hoạt động đối ngoại nhân dân Việt Nam đối với Campuchia. Điều này là một khó khăn lớn trong việc đổi mới, hoàn thiện hoạt động đối ngoại nhân dân.
Năm là, theo báo cáo của Hội Liên hiệp hữu nghị Việt Nam 6 tháng đầu năm 2023, việc đầu tư cho hoạt động của Campuchia còn chưa nhiều: 6 tháng qua, chỉ có xấp xỉ 10/385 hoạt động với Campuchia từ trung ương đến địa phương bao gồm tất cả các loại hoạt động từ tiếp đón, tổ chức lễ kỷ niệm, hội thảo, khai mạc… Kế hoạch thời gian tới, trong số 30, có một đoàn đại diện cựu quân tình nguyện, cựu chuyên gia Việt Nam và gia đình có người thân chiến đấu, hy sinh trên chiến trường Campuchia sẽ đến thăm và làm việc tại Campuchia với khoảng 110 người, thời gian 5 ngày sau tháng 7 năm 2023 theo kế hoạch và công văn của Văn phòng Trung ương Đảng. Đoàn ra, có 1/25 đoàn Lãnh đạo Hội Hữu nghị Campuchia - Việt Nam đến thăm và làm việc, dự kiến vào quý III năm 2023, không có hội thảo quốc tế, không có ký thoả thuận thêm22.
Góp phần giải quyết các vấn đề trên, bài viết xin đưa ra một số khuyến nghị chính sách mang tính định hướng hoạt động đối ngoại nhân dân với Campuchia nói riêng và các nước láng giềng của Việt Nam nói chung như sau:
Thứ nhất, nâng cao nhận thức của người dân về hoạt động đối ngoại nhân dân với các nước láng giềng, trước hết là trên tinh thần “láng giềng tắt lửa tối đèn có nhau”, đặc biệt với các nước có chung đường biên giới là Trung Quốc, Lào và Campuchia. Đồng thời, cần nhận thức hơn nữa vai trò của bản thân, mỗi người được coi là một đại sứ của Việt Nam trong các hoạt động đối ngoại nhân dân.
Thứ hai, xã hội hoá về kinh phí. Hoạt động đối ngoại nhân dân không thể không có kinh phí. Sử dụng kinh phí từ nguồn ngân sách nhà nước không phải là chiến lược lâu dài, bền vững. Các hội, chủ thể nhân dân cần có những phương thức xã hội hoá kinh phí và lộ trình, kế hoạch thực hiện để có một nguồn vốn thực hiện hoạt động bền vững và hiệu quả hơn.
Thứ ba, đổi mới nội dung, hình thức hoạt động. Bên cạnh những hoạt động truyền thống như hội nghị, gặp mặt, hội thảo, toạ đàm, trao đổi đoàn (thăm viếng), thực hiện các chương trình (sáng kiến) hỗ trợ, từ thiện… là những hoạt động sử dụng công nghệ hiện đại; chẳng hạn như sử dụng KOL (người có tầm ảnh hưởng trên mạng xã hội) trong hoạt động đối ngoại nhân dân trong việc tuyên truyền, truyền bá chính sách, quan điểm, tư tưởng, thực tiễn về quan hệ giữa Việt Nam với các nước láng giềng đặc biệt các KOL có thể sử dụng tiếng Anh trong giao tiếp (nếu có thể nói được tiếng Khmer, Lào, Trung Quốc là tốt nhất) với việc sáng tạo nội dung vừa hợp xu thế lại vừa đúng chính sách, pháp luật của Việt Nam.
---------
Bài đăng trên Tạp chí Thông tin Khoa học chính trị số 3 (33) - 2023
1, 11 Đảng Cộng Sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, 2021, t.I, tr.161-165, 163.
2 Phạm Minh Sơn: Đề tài cấp Bộ, 2011, tr.33.
3 Đảng Cộng Sản Việt Nam: Chỉ thị 04-CT/TW ngày 06/07/2011 của Ban Bí thư về tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại nhân dân trong tình hình mới, Hà Nội, 2011.
4 Đảng Cộng sản Việt Nam: Chỉ thị số 12-CT/TW ngày 05/01/2022 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, nâng cao hiệu quả đối ngoại nhân dân trong tình hình mới, Hà Nội, 2022.
5 Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1986, tr.118.
6, 7, 8 Đảng Cộng Sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội Đảng thời kỳ đổi mới - Phần I (Đại hội VI, VI, VIII, IX), Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, 2019, tr.438, 335, 878.
9, 10 Đảng Cộng Sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội Đảng thời kỳ đổi mới - Phần II (Đại hội X, XI, XII), Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, 2019, tr.436, 690.
12 Trần Thường: Dù thế giới đổi thay, quan hệ Việt Nam - Campuchia vẫn đời đời bền vững, https://vietnamnet.vn/du-the-gioi-doi-thay-quan-he-viet-nam-campuchia-van-doi-doi-ben-vung-2032738.html, cập nhật 23/06/2022.
13 Diệp Trương (TTXVN): Việt Nam luôn coi trọng việc tăng cường quan hệ hữu nghị và hợp tác với Campuchia, https://dangcongsan.vn/lanh-dao-dang-nha-nuoc/viet-nam-luon-coi-trong-viec-tang-cuong-quan-he-huu-nghi-va-hop-tac-voi-campuchia-638891.html, cập nhật 30/05/2023.
14 Sơn Ninh - Minh Anh: Việt Nam - Campuchia: Láng giềng hưu nghị, hợp tác toàn diện, https://special.nhandan.vn/55-nam-Viet-Nam-Campuchia/index.html, cập nhật 23/6/2022.
15, 16, 17 Hoạt động hiện nay của Hội Hữu nghị Việt Nam - Campuchia, http://lienhiep.quangnam.qti.vn/Chi-tiet-tin/Group/6/NID/120/hoat-dong-hien-nay-cua-hoi-huu-nghi-viet-nam--campuchia, cập nhật 28/3/2023.
18 Trưởng ban công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh chủ trì hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Hội hữu nghị Việt Nam - Campuchia lần thứ 2 khóa V, https://quochoi.vn/tintuc/Pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?ItemID=72023, cập nhật 02/01/2023.
19, 20 Nam Dương: Tập huấn kiến thức, kỹ năng cho cán bộ công đoàn Campuchia, https://laodong.vn/cong-doan/tap-huan-kien-thuc-ky-nang-cho-can-bo-cong-doan-campuchia-1126821.ldo, cập nhật 13/12/2022.
21 Quang Trường: Sinh viên Campuchia tại Việt Nam nhận học bổng 300 triệu đồng, https://dantri.com.vn/giao-duc/sinh-vien-campuchia-tai-viet-nam-nhan-hoc-bong-300-trieu-dong-20220825184624026.htm, cập nhật 26/08/2022.
22 Liên hiệp các tổ chức Hữu nghị Việt Nam: Báo cáo công tác 6 tháng đầu năm và trọng tâm công tác 6 tháng cuối năm 2023, số 1508/BC-LHHN, 2023.